Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Pháp Đại từ Đại bi »»
Bất cứ Phật tử nào cũng biết, Quán Thế Âm và Văn Thù Sư Lợi là hai vị Bồ-tát xuất hiện nhiều nhất trong hệ thống kinh điển của Phật giáo, vì sao? Vì hai vị Bồ-tát này chiếm vị trí quan trọng nhất trong nền triết lý Phật giáo Đại thừa. Quán Thế Âm tượng trưng cho từ bi, Văn Thù Sư Lợi trượng trưng cho trí huệ. Từ bi và trí tuệ là hai điều kiện chẳng thể thiếu được trong Phật pháp Đại thừa vì đó là cốt lỗi của tâm đại giác ngộ mà Phật giáo Đại thừa gọi là Bồ-đề tâm.
Quán Thế Âm thường được gọi tắt là Quán Âm vì người xưa tránh chữ Thế trong tên của vua Đường Lý Thế Dân. Quán Âm thường hiện thân trong mọi hình dạng để cứu độ chúng sanh, nhất là trong các nạn nước, lửa, quỷ dữ và đao kiếm. Phụ nữ không con cũng hay cầu Quán Âm đều được toại nguyện. Trong phẩm Phổ Môn của kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật Thích Ca trình bày và tán thán công hạnh và lòng từ bi của Bồ-tát Quán Âm rất rõ ràng. Tại Trung Quốc và Việt Nam, Quán Âm Bồ-tát được diễn tả dưới dạng nữ nhân, nhằm nói lên lòng từ bi vô hạn của Bồ-tát Quán Âm ví như người mẹ hiền lúc nào cũng thương yêu, chăm sóc và bảo vệ con trẻ, chẳng hề ngừng nghĩ.
Kinh Vô Lượng Thọ dạy: “Phát tâm đại bi thương xót chúng sanh, diễn nói đại từ, trao truyền mắt pháp, đóng bít đường ác, mở toang cửa lành, đối với chúng sanh xem như chính mình, đảm trách cứu giúp, độ qua bờ giác.” Câu kinh văn này đã nói rõ, lòng từ bi chân chánh của Phật, Bồ-tát được thể hiện bằng trí tuệ chớ chẳng phải bằng tình cảm, vì chỉ có trí tuệ chân chánh mới cứu độ chúng sanh qua bờ giác ngộ giải thoát. Cả hai bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa và Vô Lượng Thọ đều nói, nhân duyên lớn nhất mà Đức Phật xuất hiện ra trong đời là để mở toang tri kiến Phật, giúp chúng sanh thanh tịnh hóa tri kiến Phật và đi vào con đường dẫn đến chứng nhập vào tri kiến Phật. Cho nên, chúng ta thường thấy hình tượng của Ngài Quán Âm trên tay cầm một quyển kinh, nhằm nói cho chúng ta biết, nếu người tu hành chẳng biết đem tri kiến Phật để thấy biết như thật về tính vô ngã của các pháp thì đó chẳng phải là tâm hạnh đại từ đại bi của Đại thừa Bồ-tát. Bồ-tát muốn phát tâm đại bi cứu độ chúng sanh, nhất định phải khai mở tri kiến Phật cho chúng sanh, khiến họ vĩnh viễn thoát ra khỏi mọi phiền não, được đại tự tại.
Thế nào là pháp Đại từ? Pháp Đại từ chính là Chánh pháp Vô tướng Vô vi bởi vì chỉ có Chánh pháp Vô tướng Vô vi, không buộc không mở, không phân không biệt, xa lìa điên đảo, mới có thể khai mở được tri kiến Phật, an lập chúng sanh trong sự thấy biết tính bình đẳng của tất cả mọi sự, mọi vật trong vũ trụ. Người học Phật ở cấp độ chứng ngộ, có trí huệ thấy biết chân thật, tự nhiên sẽ biết vì lợi ích và hạnh phúc của tất cả chúng sanh mà giảng giải diệu pháp của Như Lai, nhưng trong tâm chẳng hề có một ý niệm phân biệt. Trong thực tế, tất cả các loài hữu tình chúng sanh đều hy vọng thoát ra vòng sinh tử, nhưng muốn giải thoát thì chẳng thể không xuyên qua cánh cửa trí tuệ. Vì thế, cả hai bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa và Vô Lượng Thọ đều chủ trương: Chúng sanh phải tự nỗ lực tu tập theo con đường Đức Phật chỉ dạy, nhằm đạt đến mục tiêu cuối cùng là chứng nhập tri kiến Phật. Do vậy, hai kinh này được biết đến như là trí tuệ chân thật có thể giúp chúng sanh giải thoát ra khỏi nghiệp lực của mình bằng một trong hai cánh cửa trí tuệ và niềm tin. Trên thực tế, “cánh cửa niềm tin” cũng chính là “cánh cửa trí tuệ,” vì sao? Vì người không có trí tuệ chân thật thì cũng chẳng thể có được niềm tin chân chánh. Cho nên, nếu chúng ta muốn có được niềm tin chân chánh trong Phật pháp thì phải dựa trên trí tuệ. Từ phẩm Phổ Môn của kinh Diệu Pháp Liên Hoa, chúng ta thấy Quán Âm Đại sĩ có đầy đủ thần thông lực, tuệ giác lực, từ bi lực và phương tiện lực, nên mới có thể thị hiện khắp cùng mười phương thế giới, không đâu mà không xuất hiện, tùy tâm nguyện của chúng sanh mà nói pháp đúng với lòng mong muốn của họ. Đây đã thể hiện rõ ràng các đức Bi, Trí, Dũng của Bồ-tát Quán Âm. Đây cũng chính là ba đức tính luôn có mặt trong Phật giáo ở khắp mọi nơi. Bi, Trí, Dũng là ba điều kiện tối quan trọng của người tu Phật pháp Đại thừa mà ba thứ này chỉ có thể phát triển bằng pháp tu Tam Vô Lậu Học (Giới-Định-Huệ). Vì thế, trên con đường tu hành nhắm đến sự giải thoát thật sự, chúng ta đều phải tu Giới-Định-Huệ để thanh lọc tâm ý, tiêu diệt các ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm mình.
Do vì tâm ô nhiễm có tác dụng trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi sanh tử nên gọi là kiết sử, Phật phân loại kiết sử ra thành mười loại, đó là: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham đắm vào cõi dục, sân hận, tham đắm vào cõi sắc, tham đắm vào cõi vô sắc, mạn, trạo cử vi tế và si vi tế. Năm kiết sử đầu tiên cột trói chúng sanh vào trong các cõi dục của trời người nên gọi là Hạ phần Kiết sử. Năm kiết sử kế tiếp cột trói chúng sanh vào trong các cõi trời sắc và vô sắc giới nên gọi là Thượng phần Kiết sử. Khi người tu hành đoạn sạch hết các kiết sử, các lậu hoặc không còn nữa, phạm hạnh đã thành thục, được tâm thanh tịnh, các việc nên làm đã làm xong, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích thoát sanh tử khổ đau đã thành đạt, thành tựu chánh trí, đắc quả A-la-hán, hóa sanh trong các cõi trời sắc giới, từ trong cõi ấy tiếp tục tu hành phá luôn Thượng phần Kiết sử còn lại, nhập Hữu Dư Niết-bàn, thì mới không còn tái sanh trở lại vào các cõi trời người nữa.
Người tu hành đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên (thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ) tuy được xem là đã nhập vào dòng thánh, chứng quả Dự Lưu (Tu Đà Hoàn), nhưng trong thâm tâm họ vẫn chưa dứt hẵn ý niệm tham sân si, nên tùy theo hạnh nghiệp và sự tinh tấn tu hành của mà phải tái sinh vào trong cõi người hoặc các cõi trời dục giới, tối đa là bảy kiếp để tiếp tục tu hạnh đoạn dục, mới đoạn hết bảy kiết sự còn lại. Người chứng được quả Tu Đà Hoàn bắt đầu có quan kiến thanh tịnh, trực nhận rõ ràng Chánh pháp của Ðức Phật, nên gọi là “đã mở pháp nhãn” hay “được pháp nhãn tịnh.” Người đó không còn xem mình như là một bản thể riêng biệt và thường tồn nữa kể cả hình sắc và tâm thức nên không còn thân kiến. Người đó không còn một chút nghi ngờ nào về sự hiện hữu và lợi ích của Tam Bảo nữa nên không còn hoài nghi. Do không còn hoài nghi về sự giác ngộ của Ðức Phật, nên luôn nương tựa Phật, không ngừng cầu Phật gia trì. Do không còn hoài nghi về con đường mà Ðức Phật đã vạch ra để đi đến giác ngộ, nên luôn nương tựa Pháp, chẳng xa lìa kinh Phật dù nữa bước. Do không còn hoài nghi về những đệ tử của Đức Phật đã từng đi theo con đường ấy mà đạt được sự giải thoát tối hậu, nên luôn nương tựa Tăng, nương tựa các bậc thầy dạy và thiện tri thức chân chánh. Do pháp nhãn đã được thanh tịnh nên không còn có ảo tưởng rằng Niết-bàn có thể đạt được bằng cách ép mình vào các hình thức lễ nghi phiến diện hay các điều lệ ước định nào đó của thế tục, tức là họ không còn giới cấm thủ.
Chữ “hoài nghi” thường hay bị hiểu lầm, nhiều người tự cho rằng mình rất tin tưởng Tam Bảo nhưng chẳng hiểu gì về Tam Bảo, thì đó chẳng phải là hết hoài nghi. Trong bộ luận Thanh Tịnh Đạo, Ngài Phật Âm giải thích chữ “hoài nghi” như sau: “Hoài nghi là một thái độ cuồng tín mù quáng, không sẵn sàng tra vấn, học hỏi.” Như vậy, những người thuộc hạng trung hạ căn chưa giải ngộ Phật pháp, lại không chịu học Phật, thì đó chẳng phải là thái độ hoài nghi nơi Tam Bảo rồi đó ư? Người chân thật tu hành phải trừ khử kiết sử hoài nghi nơi Phật pháp bằng cách siêng năng thọ trì, đọc tụng và nghe giảng kinh điển Đại thừa để phát sanh chánh tín, chẳng bị mê lầm vào những luận thuyết của thế gian. Đạo Phật không giữ giáo pháp của Đức Phật bí mật, đạo Phật rất hoan hỷ thỉnh mời hết thảy mọi người, không phân biệt tôn giáo hay không tôn giáo, cùng đến xem xét và thảo luận Phật pháp để hiển bày chân thật tướng của vũ trụ nhân sanh, nhằm cùng nhau đạt được lợi ích giải thoát và đại tự tại. Ðức Phật thường luôn khuyến khích mọi chúng sanh thuộc hạng trung hạ căn phải biết suy tư, luận giải và chứng nghiệm lời Phật dạy, chớ Phật pháp chẳng phải chỉ dành riêng cho pháp sư hay bất cứ một cá nhân nào tự cho mình là thượng căn thượng trí có đủ tư cách học Phật hơn người khác. Có đọc tụng kinh điển, có suy tư, có luận giải và có chứng nghiệm lời kinh Phật dạy, mới có cái thấy biết rõ ràng về sự ích lợi của Phật Pháp cho con đường hành trì của mình, từ đó mới có được một niềm tin chân chánh và vững chắc nơi Tam Bảo. Chỉ khi nào ở ngay nơi chính mình có sự hiểu rõ thấu suốt, không còn thắc mắc phân vân do dự gì nữa đối với tất cả giáo pháp của Phật, thì đó mới là đoạn được kiết sử hoài nghi.
Chữ “giới cấm thủ” cũng thường hay bị hiểu lầm. Trừ khử giới cấm thủ không phải là một thái độ buông lơi, phóng túng, không giữ gìn giới hạnh. Trái lại, nó có nghĩa là một thái độ minh triết, xem giới luật như là một phương tiện tốt, cần thiết để rèn luyện tâm tánh của mình, nhưng lại không mù quáng, không quá lệ thuộc vào các hình thức giáo điều. Người không còn giới cấm thủ là người lúc nào cũng có giới đức trong sạch, nhưng lại sống thảnh thơi trong giới luật đạo hạnh, không còn coi đó là một gánh nặng trên con đường hành trì của mình, thì đó mới là trừ khử giới cấm thủ. Trong các kinh, Đức Phật thường hay khen ngợi những người có niềm tín thành bất động nơi Tam Bảo và gìn giữ được giới đức cao thượng. Những người này thường được Phật gia trì, khiến cho cuộc sống tu hành của họ lúc nào cũng được an lạc, tự tại.
Trong giai đoạn tu hành, một khi sự tham dục và sân hận được trừ khử một cách đáng kể, hành nhân sẽ đắc quả Tư Đà Hàm (Nhất lai), có nghĩa là chỉ còn tái sinh làm người hoặc trời trong cõi Dục giới một lần nữa. Khi hai kiết sử tham dục và sân hận được loại bỏ hoàn toàn, hành nhân sẽ vào quả A Na Hàm (Bất lai), có nghĩa là không còn tái sanh vào cõi dục giới nữa, tức là sau khi trừ khử được Hạ phần Kiết sử sẽ thoát ra khỏi các cõi dục, sanh vào cõi trời sắc hay vô sắc giới. Ở nơi các cõi trời này, hành nhân lại phải tiếp tục tinh tấn hành trì để thanh lọc tâm ý và trừ khử Thượng phần Kiết sử mà thoát ra khỏi sự trói buộc trong các cõi trời sắc và vô sắc. Ở đây, tham đắm vào cõi sắc và cõi vô sắc là sự tham đắm vào bốn tầng thiền-na hữu sắc và bốn tầng thiền-na vô sắc. Trạo cử vi tế là trạng thái vẫn còn một vài giao động nhỏ trước trần cảnh. Mạn là các ý tưởng so sánh. Si vi tế là một vài dấu vết vô minh ngăn che còn sót lại. Tóm lại, nếu xét theo Pháp môn tự độ, hành giả phải phá tung tất cả mười sợi dây trói buộc, trừ khử hết sạch mười loại kiết sử ô nhiễm, thì tuệ giác mới được khai mở, không còn tạo nghiệp, không còn phải tái sinh luân hồi nữa, trở thành bậc A-la-hán, đắc đạo quả Hữu Dư Niết-bàn. Như vậy, việc tu tự lực, đoạn tận mười kiết sử để liễu sanh thoát tử quả thật không phải là việc dễ dàng mà phàm phu chúng ta có thể thực hiện được trong một đời này.
Phàm phu phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tái sanh vào các cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới để tiếp tục tu hành không gián đoạn, mới hòng có được giải thoát thật sự. Thế mà kinh Vô Lượng Thọ lại nói, người có đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh nơi pháp môn Niệm Phật chỉ cần phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật, sẽ được vãng sanh, chứng Bất Thoái Chuyển, đắc các pháp Nhẫn, được lợi ích thành Phật. Tức là sau khi vãng sanh, họ sẽ tự nhiên đoạn được hết sạch mười kiết sử mà chẳng cần phải tốn công, hao sức tu hành các pháp đoạn hoặc. Những điều như thế này thật sự rất khó tin, ngay cả các vị Bồ-tát trong các thế giới phương khác còn không tin nổi điều này, nên kinh Vô Lượng Thọ mới nói: “Bởi trong pháp này không chịu lắng nghe, nên ức Bồ Tát, tâm bị thối chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác “ và “Nếu nghe kinh này, tin ưa thọ trì, là khó trong khó, chẳng gì khó hơn.” Thế nhưng, Tín có mê tín, có chánh tín, chớ chẳng phải tin suông. Mê là tà tri tà kiến, chánh là chánh tri chánh kiến. Nếu người niệm Phật có đầy đủ chánh tri chánh kiến đối với pháp môn Niệm Phật, sẽ được cái quả báo thù thắng là vãng sanh Cực Lạc, một đời thành Phật. Đấy đều là công đức bố thí vô cùng vô tận, thâm sâu vô lượng của Phật A Di Đà; cho nên, pháp môn Niệm Phật còn được gọi là pháp Đại từ Đại bi và cõi nước Cực Lạc còn có cái tên khác là Tây phương Cực lạc Thế giới Đại từ Đại bi.
Ðoạn kinh văn trong phẩm Cây Bồ-đề Đạo Tràng nói: Do vì cây Bồ-đề nơi cõi Cực Lạc có khả năng rộng bố thí lợi ích giải thoát chân thật, nên nếu chúng sanh nào vãng sanh về đó, mắt thấy cây ấy, tai nghe tiếng từ cây phát ra, mũi ngửi mùi hương, miệng nếm vị trái cây, thân chạm ánh sáng hay bóng cây, hoặc ý căn nghĩ nhớ đến công đức của cây, thì sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) trở nên thanh triệt, không còn não hoạn, trụ Bất Thối Chuyển, đắc các pháp Nhẫn như là Âm Thanh Nhẫn, Nhu Thuận Nhẫn và Vô Sanh Pháp Nhẫn, được cái lợi ích thành Phật. Trước hết kinh nói, nếu ai tiếp xúc với cây Bồ-đề đều được sáu căn thanh triệt. Nhĩ căn không cấu nhiễm là thanh, nghe tỏ tường các âm là triệt. Cứ theo đó mà suy rộng ra các căn khác, nhãn căn không cấu nhiễm là thanh, thấy tỏ tường các sắc là triệt. Cho đến ý căn không cấu nhiễm là thanh, hiểu tỏ tường các pháp là triệt. Vậy, sáu căn thanh triệt là sáu căn đều không cấu nhiễm và phát sanh thắng trí, từ đó mà tâm không còn não hoạn, trụ Bất Thối Chuyển đến khi thành Phật. Như vậy, Người vãng sanh chỉ cần dùng một trong sáu căn của mình tiếp xúc với cây Bồ-đề thì lập tức trừ khử được mười kiết sử mà chẳng cần phải tốn công hao sức tu hành.
Khi ta chúng ta suy nghĩ lại những sự việc không vui trong quá khứ, hoặc có việc gì không vừa lòng xảy ra ở hiện tại, tinh thần của mình liền bị quấy rối, loạn động, đó gọi là phiền não. Những cơn phiền não lúc nào cũng cuồn cuộn nổi sóng, không lúc nào ngừng dứt trong tâm thì gọi là não hoạn. Não hoạn là đại phiền não phát sanh ra từ tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến. Não hoạn bao gồm sáu ác pháp: vô minh, phóng dật, lười biếng, chẳng tin, hôn trầm và lao chao. Người bị não hoạn, dẫu tự mình biết những điều mình suy nghĩ là vọng tưởng phân biệt, những điều mình làm là ác, nhưng họ chẳng chịu thay đổi, cứ chấp trước đến cùng, chẳng chịu nghe người khác can gián, nhưng trong lòng thường luôn có cảm giác buồn bã, phiền muộn và lo sợ do việc ác mình làm ra. Người cõi Cực Lạc chẳng có những não hoạn này bởi vì họ luôn được tiếp xúc cây Bồ-đề, sáu căn thường luôn thanh triệt, nên Tự tâm tự nhiên xa rời hết thảy các thứ khổ phiền não và lo sợ. Thậm chí họ còn được an trụ trong Bất Thoái Chuyển, đắc ba nhẫn: Âm Thanh Nhẫn, Nhu Thuận Nhẫn và Vô Sanh Pháp Nhẫn, hướng thẳng đến chỗ thành Phật. Đấy đều là do kết quả của nguyện thứ 41 “Cây hiện cõi Phật” và nguyện thứ 47 “Nghe danh đặng pháp Nhẫn” của Đức Phật A Di Đà.
Kinh dùng các sự kiện như thấy cây Bồ-đề Ðạo Tràng, ngửi được hương thơm, nếm đặng quả vị hoặc xúc chạm hào quang từ cây Bồ-đề Ðạo Tràng để biểu tượng quả Chánh Giác viên mãn. Thế nhưng, do cái nhân nào mà có cái quả này? “Nghe danh hiệu Phật” chính là cái nhân tạo thành cái quả thành tựu, đó là được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc và được trông thấy cây Bồ-đề Đạo Tràng mà đắc các pháp Nhẫn. Như vậy, ý nghĩa thật sự của chữ “trông thấy cây Bồ-đề” ở đây chính là thấy tánh hay minh tâm kiến tánh. Hễ ai nghe được danh hiệu Phật mà đắc Nhất tâm Bất loạn, liền kiến tánh thành Phật. Nghe danh cũng chính là nghe âm thanh mầu nhiệm phát ra từ cây Bồ-đề Ðạo Tràng như trong kinh Di Đà chép: “Nghe tiếng ấy thì tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.” Trông thấy cây Bồ-đề là trông thấy quả đức của Phật A Di Ðà, cũng tức là trông thấy Chân tâm Bổn tánh của chính mình cùng Phật là một thể không hai. Đã trông thấy được như vậy thì gọi là thấy tánh, tự chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn như Kệ Vãng Sanh ghi: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh.” Kiến Phật có nghĩa là kiến tánh hay thấy tánh, một khi tâm mình niệm Phật đến mức trở nên thanh tịnh bình đẳng đối với hết thảy các pháp, không còn vọng tưởng phân biệt chấp trước nữa thì hoa sen của mình nơi cõi Cực Lạc sẽ nở ra, lúc ấy đã thật sự kiến tánh rồi, liền thấy được Báo thân của A Di Đà Phật, thấy được cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chứng địa vị từ Bát Địa Bồ-tát trở lên cho đến Nhất Sanh Bổ Xứ, một đời thành Phật.
Nói tóm lại, danh hiệu Phật và cây Bồ-đề đều là từ diệu đức Đại từ Đại bi của quả địa Ðại Giác biến hiện ra đều là viên viên quả hải, đều đầy đủ viên dung muôn đức, đều là thanh tịnh cú Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân, đều là chân thật tế… Nói cho đến cùng, danh hiệu Phật và cây Bồ-đề chính là Tự tánh của đương nhân nên mới có những lợi ích chân thật chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Thế nhưng, danh hiệu A Di Đà Phật thì vang dội khắp mười phương thế giới, độ trọn ba căn, hễ chúng sanh nào có duyên đều được nghe. Còn muốn thấy được cây Bồ-đề Đạo Tràng thì chỉ có một cách là phải sanh về Tịnh độ, tận mắt thấy cây báu ấy mới đạt được lợi ích như đã nói. So sánh hai điều này thì cái lợi nghe danh hiệu Phật đắc Nhẫn càng thêm rõ rệt và thù thắng hơn hết. Nói cách khác, ở trong thế gian mà nghe được danh hiệu Phật đắc Nhẫn còn thù thắng hơn là chờ vãng sanh để được thấy cây Bồ-đề mới đắc Nhẫn. Theo cách nói của người thế tục, nếu ở trong thế gian này mà nghe danh hiệu Phật, đắc các pháp Nhẫn, thì đó chính là “sống mà vãng sanh,” tức là tuy hiện tại thân đang ở trong Sa-bà nhưng tâm thường luôn an trụ trong cõi Tây Phương Cực Lạc, muốn đi lúc nào thì đi, muốn ở lúc nào thì ở, chẳng có gì ngăn ngại được chuyện đi hay ở của người đắc pháp Nhẫn. Nhưng tại sao người đắc pháp Nhẫn vẫn chưa chịu đi? Vì họ muốn thực hành pháp Đại từ Đại bi của A Di Đà Phật: “Đối với chúng sanh xem như chính mình, đảm trách cứu giúp độ qua bờ giác,” nên tạm thời ở lại đây để dìu dắt, giúp đỡ thêm vài người cùng chứng nhập vào Phật đạo, đắc các pháp Nhẫn, tự tại vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Thế nào gọi là đắc Nhẫn? Đắc Nhẫn có bốn ý nghĩa thứ lớp như sau: Do thường luôn đọc tụng, nghe giảng kinh luận nên có thể tin hiểu được lý khó tin trong kinh điển Đại thừa một cách rõ ràng minh bạch, chẳng hiểu sai lầm, chẳng bị lầm lạc; từ đó huệ tâm thường luôn an trụ nơi chánh pháp Đại thừa kiên cố, tâm tâm chẳng hề rời khỏi Phật pháp. Do tâm tâm thường luôn an trụ trong thật tướng của các pháp nên lìa xa hết thảy các pháp sở hữu thế gian; nhờ vậy mà trí hạnh luôn tăng trưởng, chẳng bị sụt lùi. Kinh Vô Lượng Thọ bảo: “Nếu ai thấy cây Bồ Ðề nơi cõi Cực Lạc sẽ đắc đặng ba nhẫn: Âm Thanh Nhẫn, Nhu Thuận Nhẫn, Vô Sanh Pháp Nhẫn.”
Thế nào là Âm Thanh Nhẫn? Phẩm Thập Nhẫn của kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nếu nghe pháp chân thật mà chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng hãi, tin hiểu, thọ trì, yêu thích thâm nhập, tu tập, an trụ thì đấy là nhẫn thứ nhất: Âm Thanh Nhẫn.” Người vừa Nghe âm thanh phát ra từ cây Bồ-đề hay nghe tiếng diễn thuyết Phật pháp từ bất cứ nơi nào khác liền ngộ đạo, nhưng lại biết hết thảy các pháp được nghe ấy chỉ giống như tiếng hư vọng, như mộng huyễn, như bọt nước, như hình bóng, chẳng thể nắm giữ được, thì gọi là Âm Thanh Nhẫn. Bậc Bồ-tát từ Tam Ðịa trở xuống đều đắc Nhẫn này.
Thế nào là Nhu Thuận Nhẫn? Phẩm Thập Nhẫn của kinh Hoa Nghiêm dạy: “Bồ-tát ấy tùy thuận tịch tĩnh, quán hết thảy pháp bình đẳng, chánh niệm, chẳng trái nghịch chư pháp, tùy thuận thâm nhập hết thảy các pháp thanh tịnh, trực tâm phân biệt các pháp, tu bình đẳng quán, thâm nhập trọn vẹn thì đấy là Nhu Thuận Nhẫn.” Người nghe pháp xả ly ngôn ngữ, văn tự dùng để diễn đạt nghĩa lý của pháp, trong tâm chỉ hướng đến Thật tánh của pháp, chẳng duyên theo trần cảnh, thì đó gọi là Nhu Thuận Nhẫn. Nói rõ ràng hơn, do xả ly được ba tướng ngôn ngữ, văn tự và tâm duyên lúc nghe pháp, nên được tự tại trong tất cả pháp được nghe, đối với tất cả pháp chẳng còn khởi ý chấp trước phân biệt nữa thì đó gọi là Nhu Thuận Nhẫn. Nhu Thuận Nhẫn là pháp Nhẫn của bậc Bồ-tát từ Tứ địa đến Lục địa chứng được.
Thế nào là Vô Sanh Pháp Nhẫn? Phẩm Thập Nhẫn của kinh Hoa Nghiêm dạy: “Bồ-tát ấy chẳng thấy có pháp sanh, chẳng thấy có pháp diệt, vì sao thế? Nếu chẳng sanh thì chẳng diệt. Nếu chẳng diệt thì vô tận. Nếu vô tận thì ly cấu. Nếu ly cấu thì vô hoại. Nếu vô hoại thì bất động. Nếu bất động thì tịch diệt… Ðấy là Vô Sanh Pháp Nhẫn.” Người tu hành lìa hết thảy tướng, chứng nhập Thật Tánh của pháp như kinh Kim Cang bảo: “Thấy hết thảy các tướng đều là không tướng, tức thấy Như Lai,” thì đấy gọi là đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Đây là pháp nhẫn của bậc Bồ-tát từ Thất Ðịa trở lên. Người niệm Phật đắc pháp nhẫn này, hoa sen của họ nơi cõi Cực Lạc liền nở, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, thấy được Báo thân của A Di Đà Phật, chứng địa vị Bồ-tát từ Bát Địa trở lên.
Có hai thứ Vô Sanh Pháp Nhẫn: Một là xét về pháp, hai là xét về hạnh. Xét theo pháp, khi hết thảy các pháp lý bao gồm hữu vi pháp và vô vi pháp chẳng còn phát khởi tác dụng nữa; lúc này hành giả chỉ còn huệ tâm an trụ vào Định Như Như, không còn bất cứ một pháp nào bên ngoài nữa, thì đấy gọi là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Xét về hạnh, khi báo hạnh thuần thục, vọng hoặc trong tâm thức chẳng còn dẫy khởi nữa, tâm trở nên lặng lẽ, rộng lớn như hư không, sâu thẳm như biển cả, trí huệ trong Tự tánh phát sanh, hiểu rõ lý vô tướng, vô công dụng đạo, thì đấy gọi là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Pháp Vô Sanh Nhẫn thuộc loại thứ nhất (Xét theo pháp) thì Bồ-tát ở địa vị nào cũng có, nhưng Pháp Vô Sanh Nhẫn thuộc loại thứ hai (Xét theo hạnh) thì chỉ có bậc Bồ-tát ở địa vị Bát Ðịa trở lên mới chứng nổi. Nói một cách giản lượt, việc thấy được cây Bồ-đề đắc ba nhẫn: Âm Thanh Nhẫn, Nhu Thuận Nhẫn và Vô Sanh Pháp Nhẫn, tâm tâm an trụ trong lý thể Chân như Thật tướng, bất sanh bất diệt như thế đã hiển thị sâu xa nguyện lực Đại từ Đại bi chẳng thể nghĩ bàn của Phật Di Ðà; cho nên pháp môn Niệm Phật vãng sanh Cực Lạc của A Di Đà Phật chính là pháp Đại từ Đại bi chẳng thể nghĩ bàn.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.57.25 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập