Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giọt mồ hôi thanh thản »» Những điều trông thấy mà đau đớn lòng... »»

Giọt mồ hôi thanh thản
»» Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...

Donate

(Lượt xem: 7.483)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Giọt mồ hôi thanh thản - Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...

Font chữ:


Thật không may là những gì chúng ta vừa bàn đến trong thực tế hầu như vẫn còn khá xa lạ trong suy nghĩ và nhận thức của rất nhiều người. Môi trường làm việc của đa số chúng ta hầu như vẫn còn bao phủ trong những bầu không khí nặng nề của sự thiếu cảm thông và đối kháng lẫn nhau. Mặt khác, còn có những điều kiện khách quan như sự khó nhọc, mệt mỏi vì công việc, sự nhàm chán với những công việc không thích hợp hoặc thường xuyên lặp lại mỗi ngày, sự khác biệt về quan điểm, sở thích hay cung cách ứng xử với những người đồng nghiệp hoặc ngay cả đối với những ông chủ, bà chủ... Tất cả đều là những yếu tố góp phần tạo nên sự căng thẳng trong công việc, dễ dàng làm cho chúng ta trở nên cáu gắt và bực dọc, cũng như đẩy lùi hầu hết những ý tưởng về một nếp sống thanh thản, an vui và hạnh phúc.

Kết quả thống kê trong nhiều cuộc nghiên cứu gần đây[2] cho thấy tại Hoa Kỳ có khoảng một nửa những người đang làm việc không hoàn toàn hài lòng với công việc của mình. Hơn thế nữa, những phân tích cụ thể còn cho thấy là trong vòng 6 năm qua, con số những người hài lòng với công việc đã giảm thấp đi khoảng 8% so với trước đó. Phần lớn những nguyên nhân không hài lòng với công việc được nêu ra trong cuộc nghiên cứu này tập trung vào các yếu tố như tiền lương không thỏa đáng, sự buồn chán do công việc lặp lại không thay đổi hoặc không thích hợp... Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể cũng rơi vào các nguyên nhân như thiếu sự hòa hợp với đồng nghiệp, với cấp trên hoặc với người chủ thuê, do môi trường làm việc xấu, điều kiện làm việc không đạt các tiêu chuẩn quy định...

Dù sao đi nữa, một số trong các nguyên nhân vừa nêu thực sự là những điều kiện thực tế khách quan đang phổ biến trong các xã hội công nghiệp, và hiện cũng đang bắt đầu dần dần trở nên phổ biến ở nước ta. Con số các vụ đình công xảy ra trong thời gian gần đây có vẻ như là một trong các tín hiệu cụ thể đáng lo ngại về điều này.

Xét từ một góc độ bao quát thì việc thay đổi các nguyên nhân khách quan có vẻ như không phải là điều mà cá nhân mỗi người chúng ta có thể thực hiện được. Lấy ví dụ như những quy định về tiền lương, về điều kiện và môi trường làm việc, cũng như việc thực hiện đúng theo những quy định đó. Chúng ta chỉ có thể đặt niềm tin nơi những người có trách nhiệm và chờ đợi những thay đổi tích cực trong tương lai. Điều mà chúng ta có thể làm được là sớm nêu ra những gì bất hợp lý để những người có trách nhiệm xem xét. Nếu những gì chúng ta nêu ra là hoàn toàn hợp lý và đúng với sự thật, chắc chắn vấn đề rồi sẽ được thay đổi theo hướng tốt hơn.

Nhưng xét từ một góc độ gần gũi hơn liên quan đến môi trường làm việc quanh ta, chúng ta lại thực sự có thể làm được rất nhiều điều để thay đổi, tạo ra những chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn, cũng như tạo ra những điều kiện làm việc thoải mái hơn. Ngay cả khi chúng ta không thực sự tạo ra được những thay đổi cụ thể thì những nỗ lực đúng hướng của chúng ta bao giờ cũng có thể mang lại những ích lợi thiết thực về mặt tinh thần cũng như tạo ra được những chuyển biến nội tâm tích cực cho chính bản thân mình.

Thường thì chúng ta không nhận thức đúng và đầy đủ về ý nghĩa của công việc, và điều đó dễ dàng dẫn đến những mâu thuẫn khác nhau trong quan hệ với đồng nghiệp cũng như với cấp trên của mình.

Thực tế cho thấy rằng, trong một công ty kinh doanh mà tất cả nhân viên đều nghĩ rằng vị giám đốc công ty đang “ăn nên làm ra” bằng vào việc khai thác sức lao động của họ, thì những mâu thuẫn tất yếu sẽ phát sinh trong quan hệ công việc. Ở đây, cái “được” của người này được xem như là cái “mất” của người kia, và do đó cảm giác mất mát, thiệt thòi sẽ luôn tạo ra sự mâu thuẫn, đối kháng giữa đôi bên.

Ngược lại, nếu mọi người trong công ty đều thấy được ý nghĩa phục vụ người khác qua công việc, cũng như ý nghĩa nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau để cùng tồn tại, thì tất yếu một môi trường thân thiện và tôn trọng lẫn nhau sẽ được thiết lập.

Vị giám đốc công ty quả thật là đang ăn nên làm ra nhờ vào sức lao động của mọi nhân viên trong công ty. Nhưng ngược lại, trên cương vị giám đốc ông ta cũng có phần đóng góp quyết định trong sự thành công và phát triển của công ty, và chính nhờ ông ta làm tốt công việc đó mà tất cả nhân viên công ty mới có thể nhận được một khoản tiền lương ổn định tương xứng với sức lao động của mỗi người. Khi hiểu được điều này, mỗi nhân viên sẽ không ngần ngại trong việc cố gắng hết sức mình vì sự phát triển của công ty. Và ngược lại, vị giám đốc công ty chắc chắn cũng sẽ không ngần ngại trong việc chi ra những khoản tiền thưởng thích hợp cho mỗi nhân viên như một hình thức chia sẻ lợi nhuận khi công ty làm ăn phát đạt. Do đó, mâu thuẫn giữa đôi bên sẽ được xóa bỏ, và mối quan hệ trở thành “đôi bên cùng có lợi” thay vì là đối kháng nhau.

Đây cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển tốt của các công ty cổ phần, khi mà mỗi một đồng tiền lợi nhuận của công ty đều được phân chia thỏa đáng cho mọi người, và cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại của một số công ty quốc doanh, khi mà sự thành công hay thua lỗ của công ty lại không hề gắn liền với lợi ích của mỗi công nhân viên.

Mặt khác, yếu tố hòa hợp trong quan hệ công việc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường làm việc tốt đẹp. Và việc tạo ra sự hòa hợp trong quan hệ tất nhiên cần phải có những nỗ lực thích hợp của cả đôi bên. Mặc dù vậy, đối với hầu hết chúng ta thì đây lại có vẻ như một vấn đề hoàn toàn khách quan chứ không phải chủ quan, và do đó mà chúng ta thường chỉ cố gắng chịu đựng hoặc bực tức, than phiền thay vì là nỗ lực làm một điều gì đó để thay đổi sự việc.

Khi gặp phải một người đồng nghiệp lầm lì ít nói hoặc cáu gắt, khó tính... chúng ta thường xem đó như là “số phận” của mình, và cho dù rất không thoải mái trong quan hệ nhưng chúng ta lại cảm thấy như không thể làm gì khác hơn là chịu đựng và quen dần đi với tính khí khó chịu của người ấy. Điều mà chúng ta có thể không biết là, khi ta cảm thấy không thoải mái trong quan hệ với một người khác thì bản thân anh ta thường cũng không cảm thấy dễ chịu hơn chút nào. Và vì thế, sự căng thẳng trong quan hệ giữa đôi bên chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Nếu không may người mà chúng ta phải “chịu đựng” lại là một cấp trên trực tiếp hoặc chính là người trả lương cho ta, vấn đề sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Khi ấy, môi trường làm việc mỗi ngày của chúng ta sẽ có nhiều nguy cơ trở thành “bãi chiến trường” trong suốt những giờ làm việc. Và thật không may là trên bãi chiến trường ấy, dù thắng hay thua thì chúng ta cũng đều chuốc lấy những thiệt thòi mất mát mà thôi!

Trong thực tế thì bản thân chúng ta cũng phải chịu ít nhất là một nửa trách nhiệm trong việc tạo ra mối quan hệ hài hòa với những người đồng nghiệp cũng như với cấp trên của mình trong công việc. Vì thế, nếu những mối quan hệ ấy không được tốt đẹp, chúng ta không thể chỉ ngồi đổ lỗi cho số phận. Sự thật là ta luôn có thể làm được rất nhiều điều tích cực để thay đổi, hoàn thiện những mối quan hệ ấy. Bởi vì xét cho cùng thì chúng ta vẫn đang quan hệ với những con người, và mỗi con người đều có những điểm chung nhất định so với những con người khác. Do đó mà mối quan hệ giữa những con người với nhau, cho dù đó là quan hệ trong công việc hay trong những lãnh vực khác, bao giờ cũng là những mối quan hệ có thể hoàn thiện được.

Một thực tế khác nữa cũng thường góp phần tạo ra sự căng thẳng trong công việc. Chúng ta đều biết là số sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hiện nay đang có chiều hướng gia tăng. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đã buộc những người chủ thuê ngày càng trở nên khó tính hơn trong việc tuyển dụng nhân viên. Một mặt, đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy sự vận động vươn lên không ngừng của xã hội, vì nó buộc tất cả mọi thành viên trong xã hội đều phải không ngừng nâng cao năng lực, hoàn thiện bản thân. Nhưng mặt khác, điều này cũng mang lại một hệ quả tất yếu là mối quan hệ giữa người trả lương và người nhận lương đang trở nên căng thẳng, nặng nề hơn, tạo thêm khoảng cách giữa đôi bên và do đó làm giảm đi sự cảm thông, chia sẻ trong công việc.

Cho dù nỗi lo mất việc có thể là động lực thúc đẩy một nhân viên phải làm việc nhiều hơn, tích cực hơn, nhưng đó luôn là những cố gắng trong sự căng thẳng, nặng nề. Ngược lại, nếu một nhân viên nỗ lực làm việc do nhận thức được mối quan hệ cùng có lợi giữa bản thân mình và người chủ thuê, những cố gắng của anh ta sẽ được thực hiện trong một tâm trạng thoải mái và dễ chịu hơn nhiều.

Ngược lại, người chủ thuê cũng luôn cảm nhận được những gì mà các nhân viên của mình đang suy nghĩ. Vì thế, nếu ông ta xem việc cho thôi việc như một biện pháp để thúc ép nhân viên của mình phải nỗ lực làm việc, ông ta sẽ luôn cảm thấy căng thẳng trong mối quan hệ công việc. Còn nếu ông ta có thể làm cho những nhân viên của mình phải cố gắng làm việc vì lợi ích của chính họ, ông ta sẽ cảm nhận ngay được sự thoải mái và dễ chịu hơn.

Khi mối quan hệ giữa những người đồng nghiệp được cải thiện, môi trường làm việc chắc chắn sẽ được cải thiện hơn nhiều. Và khi mối quan hệ giữa người trả lương với người nhận lương được cải thiện, chắc chắn là điều kiện làm việc cũng sẽ được tốt hơn. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là bầu không khí thân mật, cởi mở trong công việc sẽ thay thế cho sự căng thẳng, dò xét lẫn nhau. Và trong bầu không khí đó, chắc chắn mỗi chúng ta đều sẽ có được một tâm trạng thoải mái, dễ chịu hơn khi làm việc.

Tuy nhiên, những gì vừa nêu trên chưa phải là tất cả những nguyên nhân làm cho chúng ta cảm thấy không hài lòng với công việc. Trong thực tế, vấn đề còn liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp hơn nữa, và rất nhiều trong số những yếu tố này mang tính phổ quát đến nỗi hầu như tất cả chúng ta đều phải đối mặt với chúng.

Yêu cầu chất lượng công việc ngày càng gia tăng là một thực tế dễ thấy trong những năm gần đây. Ngay cả một số công việc trước đây vốn có thể dành cho bất cứ lao động phổ thông nào thì ngày nay cũng đòi hỏi một trình độ chuyên môn nhất định. Bởi vì khi nền kinh tế được phát triển, mức sống được nâng cao, thì những chuẩn mực, yêu cầu trong cuộc sống tất yếu cũng được nâng cao. Còn nhớ cách đây chỉ khoảng vài ba mươi năm, đa số người dân xây dựng những căn nhà khác hẳn với bây giờ, bởi yêu cầu chính chỉ là sự kiên cố, chắc chắn mà thôi. Ngày nay, người có thu nhập trung bình cũng có khả năng xây dựng những căn nhà có chuẩn mực vượt xa trước đây, chẳng hạn như tường gạch sơn nước hoặc dán gạch men, nền lát gạch men sáng bóng... Không chỉ kiên cố mà còn phải xinh đẹp nữa! Vì thế, người thợ xây dựng cũng phải có tay nghề cao hơn, phải làm việc thận trọng hơn để có được những ngôi nhà đẹp hơn. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của người chủ thuê...

Hơn thế nữa, khối lượng công việc dành cho mỗi người trong thời đại công nghiệp này cũng đang gia tăng rất nhanh. Thật là một nghịch lý khi với sự hỗ trợ của máy móc, của phương tiện hiện đại nhưng con người lại phải làm việc nhiều hơn và căng thẳng hơn trước đây. Bạn có thể không tin điều này, nhưng sự thật đúng là như vậy. Nếu như người thư ký của một doanh nghiệp trước đây phải ngồi hí hoáy ghi chép từng con số vào những cuốn sổ lớn, thực hiện các phép tính ngay trên giấy hoặc bằng bàn tính, nhưng vẫn còn rất nhiều thời gian để nghỉ ngơi và dành cho gia đình, con cái, thì ngày nay khi tất cả công việc được thực hiện với máy điện toán, máy in và hàng loạt các phương tiện lưu trữ thông tin hiện đại, dễ dàng sử dụng để đối chiếu, so sánh hoặc copy, sửa chữa... nhưng một nhân viên kế toán lại phải làm việc căng thẳng hơn nhiều so với những người đồng nghiệp trước đây, đến mức hầu như không còn đủ thời gian để nghỉ ngơi và quay về với gia đình. Đó là vì lượng thông tin mà anh ta phải xử lý đã gia tăng với mức độ còn hơn cả sự tăng tốc của phương tiện. Một doanh nghiệp ngày nay muốn tồn tại và phát triển phải mở rộng tầm hoạt động ra khắp nước, thậm chí cả đến những nước ngoài, và do đó mà khối lượng công việc tất nhiên phải gia tăng rất lớn.

Thực tế đang diễn ra trong xã hội công nghiệp phát triển ngày nay là tất cả chúng ta đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn vì phải luôn di chuyển với tốc độ của những chiếc xe một trăm phân khối, phải làm việc với tốc độ của những chiếc máy tính thế hệ mới, và chỉ được nghỉ ngơi thư giãn đôi chút vào những ngày mất điện!

Sức lao động chân tay quả thật ngày nay đã được giảm nhẹ rất nhiều nhờ có những phương tiện hiện đại, nhưng lao động trí óc lại gia tăng hơn trước đây nhiều lần. Chúng ta không chỉ lao động trí óc trong giờ làm việc, đôi khi chúng ta phải lao động trí óc cả trong giờ nghỉ ngơi, cả khi về với gia đình, và đôi khi cả trong giấc ngủ. Và lao động trí óc ngày nay không chỉ giới hạn như chuyên môn của một số người ngồi nơi bàn giấy. Nhân viên bán hàng phải biết sử dụng máy tính tiền, máy đếm tiền... người giúp việc nhà cũng phải học cách sử dụng một trăm lẻ một loại máy móc gia dụng từ đơn giản đến phức tạp, từ máy giặt, máy xay sinh tố, máy tắm nước nóng... cho đến ti-vi, đầu máy video, lò vi-ba, máy xoa bóp... Tất cả những điều tương tự như thế luôn đòi hỏi người lao động phải có những kiến thức chuyên môn nhất định, cũng như phải liên tục học hỏi để bắt kịp những yêu cầu mới trong công việc.

Mặt khác, môi trường làm việc cũng căng thẳng hơn do yêu cầu và khối lượng công việc gia tăng. Đó là một thực tế. Những người chủ thuê không thể trả lương cho một số nhân viên nhiều hơn mức tối thiểu mà họ cho là có thể chấp nhận được. Và trong số nhân viên giới hạn đó, khối lượng công việc lại chẳng bao giờ được giới hạn mà cứ tăng dần theo thời gian. Hơn thế nữa, trong điều kiện thị trường cạnh tranh, chất lượng công việc cũng bắt buộc phải ngày càng hoàn thiện nếu không muốn bị khách hàng từ chối. Vì thế, cho dù chúng ta đang làm bất cứ loại công việc nào cũng đều phải liên tục học hỏi và rèn luyện để có thể làm tốt hơn, nhanh hơn nữa. Và những điều đó tất yếu tạo ra sự căng thẳng.

Vì thế, chúng ta phải chấp nhận sự căng thẳng trong công việc như một thực tế hiển nhiên. Điều may mắn là hệ quả của sự căng thẳng ấy như những tâm trạng cáu gắt, bực tức, phiền muộn... lại là những điều mà chúng ta hoàn toàn có thể từ chối không chấp nhận! Tuy nhiên, để làm được điều đó chúng ta cần phải có những nhận thức đúng đắn nhất định cũng như sự rèn luyện và tu dưỡng nội tâm, phát triển tinh thần theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Đó chính là một trong những nội dung mà chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi trong phần tiếp theo của tập sách này.

Một thực tế khác nữa là chúng ta không phải lúc nào cũng được thuận lợi trong công việc. Điều tất yếu là sẽ có những công việc xuôi chèo mát mái, nhưng cũng sẽ có không ít những công việc đầu xuôi đuôi chẳng lọt; có những lúc chúng ta làm tốt được tất cả mọi việc, nhưng cũng có những lúc ta liên tục phạm sai lầm... Ngoài ra, đôi khi chúng ta còn phải chấp nhận những sự phân biệt đối xử không hợp lý hay những phán xét bất công nào đó. Chẳng hạn, một công việc không được hoàn thành do sai lầm của một bạn đồng nghiệp nào đó, nhưng bản thân ta lại phải nhận lãnh sự trách mắng của cấp trên. Trong một trường hợp khác, có những bạn đồng nghiệp được xét khen thưởng hoặc đề bạt thăng tiến, trong khi chúng ta tự xét thấy mình có đầy đủ những điều kiện xứng đáng hơn nhưng lại không được quan tâm đến... Tất cả những điều ấy thường luôn góp phần tạo ra một tâm trạng thất vọng, một cảm giác nặng nề cho chúng ta trong khi làm việc. Nhưng điều rất không may là ngay cả trong những tâm trạng như thế thì chúng ta cũng vẫn phải làm việc đều đặn như bình thường!

Trong những trường hợp đó, để tìm được sự thanh thản trong công việc thật không dễ dàng chút nào! Tuy vậy, điều tôi muốn chia sẻ cùng các bạn trong những chương sách sau đây lại chính là khả năng thực hiện điều không dễ dàng ấy. Và chỉ khi nào ta làm được như thế, ngay trong những điều kiện bất lợi như thế, chúng ta mới có thể cảm nhận được thế nào là những giọt mồ hôi thanh thản trong công việc!


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.48.105 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...