Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đọc sách Thiền Lâm Tế Nhật Bản qua Bản Dịch HT Thích Như Điển »» Xem đối chiếu Anh Việt: Đọc sách Thiền Lâm Tế Nhật Bản qua Bản Dịch HT Thích Như Điển »»
Một bản dịch về Thiền Nhật Bản vừa ấn hành tuần này. Sách nhan đề “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara Taidoo. Bản Việt dịch do Hòa Thượng Thích Như Điển thực hiện.
Tất cả góp ý của người điểm sách nơi đây chỉ để hy vọng làm sáng tỏ ý Thiền, tuy bản thân người điểm sách chỉ là một người học còn non kém và tu chưa sâu.
Đứng về mặt lịch sử, tác phẩm hiển nhiên là một thẩm quyền lớn.
Thứ nhất, vì, theo dịch giả, bản thân “ngài Matsubara Taidoo phải gom góp tài liệu trong bao nhiêu năm mới viết xong cuốn sách nầy, vì Ngài không đề cập trong tác phẩm. Nhưng chúng tôi chắc rằng kinh nghiệm cả một đời người mới viết được một trong những tác phẩm có giá trị như thế.”
Thứ nhì, Hòa Thượng Thích Như Điển từng du học bên Nhật Bản, và là người rất cẩn trọng chữ nghĩa, thường dịch sát nghĩa, tuy rằng Hòa Thượng khiêm tốn giải thích rằng, trích:
“Tôi có thể đoan chắc rằng tôi dịch tác phẩm nầy của Ngài Matsubara đúng trên 80% ý chính của ông. Ngoại trừ một số chữ không nắm rõ ý chính, kính mong những vị giỏi tiếng Nhật có thể bổ khuyết cho chỗ dịch thiếu sót của chúng tôi...” (ngưng trích)
Nếu lên mạng dò tìm, chúng ta sẽ thấy ngài Matsubara Taido (viết một chữ o, có khi viết chữ o với dầu huyền ở trên) là tác giả nhiều sách về Thiền Nhật Bản. Hiển nhiên, có thể suy đoán rằng ngài Matsubara có một thẩm quyền tham khảo đối với học giới quốc tế về lĩnh vực riêng của Thiền Nhật Bản..
Trong khi đó, trình độ tiếng Nhật của Hòa Thượng Thích Như Điển siêu xuất hơn người.
Bản thân Hòa Thượng giải thích trong Lời Nói Đầu:
“Tôi đến Nhật vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 và rời Nhật ngày 22 tháng 4 năm 1977 để sang Đức. Trong hơn 5 năm trường đó, tôi học Nhật Ngữ tại trường Yotsuya khoảng 9 tháng, sau đó thi đỗ vào phân khoa Giáo Dục của Đại Học Teikyo ở Hachiojì, Tokyo. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Teikyo, tôi đã thi đỗ vào Cao Học Phật Giáo tại Đại Học Risso. Trong hơn 5 năm ở Nhật, tôi có hơn 4 năm ở chùa Honryuji, tại Hachioji, Tokyo thuộc Tông phái Nhật Liên Tông. Trong thời gian ấy tôi có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với tiếng Nhật nhiều, trong đời sống hằng ngày như giao tiếp, làm việc, tụng kinh, cúng đám, cầu an, cầu siêu, đám ma, cưới hỏi. Ngay cả những tập tục khác của người Nhật, tôi cũng học làm quen. Để rồi từ đó tôi có một cái vốn ngữ vựng rất lớn và rất tự tin về khả năng Nhật ngữ của mình. Được diễm phúc như thế là nhờ sự chăm sóc và đùm bọc của Thầy Oikawa...”(ngưng trích)
Do vậy, kết luận rằng tác phẩm “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” có thẩm quyền như một sử liệu. Tất cả các sự kiện, các nhân vật, các thăng trầm của Thiền Lâm Tế Nhật Bản đều có thể dựa vào sách này.
Tuy nhiên, có một điểm xin phép nêu lên, trong cách sử dụng chữ, có thể vì ngài Như Điển dịch quá sát nghĩa, có thể làm cho độc giả sơ học bối rối.
Và cũng có thể vì ngài Như Điển đã rời Việt Nam quá lâu, nên sử dụng hai chữ Nam Truyền và Bắc Truyền để chỉ cho Thiền của Huệ Năng và Thần Tú.
Hai chữ Nam Truyền và Bắc Truyền tại VN bây giờ cũng thường gọi là Nam Tông và Bắc Tông, chỉ cho hai khuynh hướng Theravada và Mahayana.
Trong khi có thể gọi kiểu Trung Hoa xưa “Nam Năng, Bắc Tú” bằng nhóm chữ Thiền sư Huệ Năng ở phương Nam và Thiền sư Thần Tú ở phương Bắc sẽ không làm nhầm lẫn.
HT Thích Như Điển viết trong sách này là, trích:
“...Thần Tú đắc Thiền với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn xiển dương Thiền Pháp ở miền Bắc Trung Hoa như Trường An và Lạc Dương. Dòng Thiền nầy của Thần Tú được gọi là Thiền Bắc Truyền hay Bắc Tông. Còn Huệ Năng, người đồng môn với Thần Tú, nhỏ hơn đến 30 tuổi, cũng đắc được yếu chỉ của Thiền Tông từ Tổ Hoằng Nhẫn nhưng đi về phía Nam để hoằng truyền Thiền Phái, nên Thiền của Huệ Năng được gọi là Thiền Nam Truyền hay Thiền Nam Tông....
Về sau, Thiền phái Bắc Truyền Thần Tú suy vi, phái Thiền Nam Truyền của Huệ Năng lại ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo một số khảo sát nghiên cứu cho biết dần dần những bậc nhân tài ở Thiền Pháp Bắc Truyền của Thần Tú trống vắng, ngược lại, phái Thiền Nam Truyền lại thích nghi được với con người và phong thổ...”(ngưng trích)
.
Sách “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara cũng dẫn ra bài kệ Thiền Tông:
Giáo ngoại biệt truyền,
Bất lập văn tự,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Và ghi rằng, trích:
“...Bất lập văn tự có thể là phương thức của Thiền để nói hiểu rõ về ngôn ngữ và văn tự. Song vấn đề chính yếu vẫn là ai ai cũng có tánh Phật, cũng có khả năng để thành Phật.” (ngưng trích)
Trong cương vị người đọc sách, xin nêu ý kiến rằng “bất lập văn tự” có lẽ không mang nội dung muốn làm “hiểu rõ về ngôn ngữ và văn tự.”
Ngắn gọn, “bất lập văn tự” là nêu lên ý ly nhất thiết tướng, xa lìa tất cả các tướng, lúc đó mới nắm được thực tướng vô tướng. Bởi vì văn tự là vin vào tướng mà dựng lập.
Đó là chỗ của tịch lặng...
Lấy thí dụ đơn giản, chư tổ nói rằng như người uống nước, ấm lạnh tự biết, không nói chi được. Tương tự, vị ngọt của nước mưa khác với vị ngọt của nước giếng, nước suối... Biết khác, mà không nói minh bạch được.Nơi đây, ngôn ngữ không thể nói gì được, huống gì là nói tới cảnh giới trí huệ bất khả nghĩ bàn.
.
Tới đây xin nói về con vịt trời.
Trong sách “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara kể chuyện, trích:
“...có câu chuyện Thiền, đối thoại giữa Mã Tổ Đạo Nhất với đệ tử Ngài là Tổ Bách Trượng; khi hai người đang đi trên đường.
Thấy con vịt trời hãi sợ bay lên, vì nghe tiếng động bước chân. Mã Tổ hỏi Bách Trượng:
- “Cái gì vậy?”
Bách Trượng trả lời:
- “ Con vịt trời” Mã Tổ hỏi:
- “Đâu rồi?” Bách Trượng trả lời:
- “Bay mất rồi”.
Trong khi Bách Trượng suy nghĩ để trả lời cho Thầy, không hiểu sao tự nhiên Ngài Mã Tổ bốp mũi Ngài Bách Trượng một cái. Ngài Bách Trượng la:
- “Đau quá.”
Ngay lập tức Mã Tổ hỏi
- “Đã bay mất rồi, thì làm sao đau được.”
Ngài Bách Trượng thấy con vịt trời nhưng chẳng nghĩ mình là con vịt trời. Thế nhưng Ngài Mã Tổ, sư phụ của Ngài Bách Trượng đã nối kết con vịt trời với Ngài Bách Trượng như đồng nhất một tiêu điểm và chỉ rằng: “Vịt trời là Bách Trượng. Bách Trượng là vịt trời”...”(ngưng trích)
Như thế, ngài Matsubara kể lại khác với bản gốc trong Bách Trượng Ngữ Lục.
Bản Việt dịch của Thầy Thích Duy Lực từ Bách Trượng Ngữ Lục, trích như sau:
“...Một hôm sư theo hầu Mã Tổ, có một bầy vịt trời bay qua, Tổ nói:
"Là gì vậy?" - Sư nói: "Vịt trời". Tổ nói: "Đi đâu rồi?" - Sư nói: "Bay qua rồi". Tổ bèn quay lại nhéo mũi Sư một cái, Sư đau la thất thanh. Tổ nói: "Sao nói bay qua rồi!".
Sư ngay đó tỉnh ngộ, rồi liền trở về phòng thị giả khóc to thảm thiết....”(ngưng trích)
Trong Bích Nham Lục (Một Trăm Công Án Thiền Tông), bản Việt dịch của HT Thích Mãn Giác kể về Tắc Thứ 53, nhan đề “Con Vịt Trời của Mã Đaị Sư” -- trích như sau:
“THÙY: Khắp nơi không ẩn, toàn cơ độc lộ, gặp chuyện không vướng, luôn luôn có cơ duyên xuất thân.Trong câu vô tư, chỗ nào cũng có ý giết người.Song thử nói xem, rốt cuộc cổ nhân an nghỉ ở chỗ nào?Thử nêu lên xem.
CỬ: Một lần kia Mã Đại Sư tản bộ với Bách Trượng, thấy có bầy vịt trời bay qua. Mã Đại Sư hỏi, “Cái gì vậy?”Bách Trượng nói, “Vịt trời.”Mã Đại Sư nói, “Bay đi đâu vậy?”Bách Trượng nói, “Bay đi mất rồi.”Mã Đại Sư bèn bẹo mũi Bách Trượng. Bách Trượng đau quá kêu lên. Mã Đại Sư nói, “Đã từng bay đi đâu?” (ngưng trích)
Xin phép trình bày, trong Bích Nham Lục viết: “Đã từng bay đi đâu.” Và Bách Trượng Ngữ Lục viết: “Sao nói bay qua rồi!”
Như thế, không có ý nói “Vịt trời là Bách Trượng. Bách Trượng là vịt trời”...
Mà chỉ nói rằng, cái được thấy (con vịt trời bay rồi) nhưng cái thọ tưởng (mũi bị bóp đau, làm kêu lên) vẫn còn đó...
Chỉ vào con vịt trời và bóp mũi cho đau chính là “Trực chỉ nhân tâm.”
Có lẽ ý chư tổ là như thế.
Tương tự, nơi trang 123 sách “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara, bản dịch của Ngài Như Điển viết, trích:
“Tiếp theo “Triệu Châu Vô Tự” là một công án ghi rõ trong tác phẩm “Vô Môn Quan”của Trung Hoa, trong đó có viết về Hoà Thượng Triệu Châu tịch năm 897 một câu chuyện như thế nầy:
Có người học Thiền hỏi:
- Bạch Ngài, con chó có Phật Tánh không?
Triệu Châu đáp:
- Không.
Chữ Không trở thành công án.Thông thường, không đối lại với có, bởi vì cả hai khái niệm không và có vẫn thuộc tương đối. Thật ra, chữ không ở đây không có nghĩa là không, cho nên không thể dùng lý luận để giải quyết công án được. Nếu dùng tri thức tương đối để nhận ra, thì phải dùng cái lực khác để phá vỡ nó đi.”(ngưng trích)
Ngài Matsubara viết về chữ Không như thế cực kỳ tuyệt vời. Vì như thế đúng với lời bình của ngài Vô Môn Huệ Khai (1183-1260), tác giả Vô Môn Quan, trong đó Tắc đầu tiên là “Con Chó Của Triệu Châu,” trích (bản dịch Dương Đình Hỷ):
“Cử :
Một ông tăng hỏi Triệu Châu :
-Con chó có Phật tánh không?
-Không!
.
Bình :
Tham thiền phải qua cửa tổ, diệu ngộ phải tuyệt đường tâm.Cửa tổ không qua, đường tâm chẳng dứt thì như tinh linh nương vào cây cỏ.Thử hỏi thế nào là cửa tổ?Chính là một chữ Không, gọi là Cửa không cửa của thiền vậy.”(ngưng trích)
.
Như vậy, xa lìa cả có và không là thế nào?
Thực ra, bất kỳ ai trì tụng Kinh Kim Cương đều có thể nhận ra rất đơn giản:
-- chỉ cần thay chữ “con chó” bằng chữ “chúng sinh tướng”...
-- và thay chữ “Phật Tánh” bằng chữ “Thực tướng Vô tướng” là tức khắc thế giới sáng rực trước mắt.
Lúc đó, tất cả các pháp đều rỗng rang vô tướng... Hễ còn vướng vào tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sinh... là cứ xoay vòng cõi này thôi.
Hễ lấy sắc tướng và âm thanh mà cầu Phật, dù là cầu Phật Tánh đều là tà đạo.
Đức Phật nói trong Kinh Kim Cương: nhược kiến chư tướng phi tứớng, tức kiến Như Lai. Nếu thấy các tướng không phải là tướng, tức là thấy Như Lai.
.
Câu hỏi rằng, Đức Phật có dạy công án không?
Xin trả lời: Đức Phật dạy công án, và dạy khó vô cùng tận.
Chư Tổ Trung Hoa và Việt Nam đưa các công án về đời thường, cầm gậy đưa ra, hay chỉ vào vịt trời, hay chỉ vào cây bách trước sân, hay chỉ vào bà già bán bánh, hay nói về con trâu còn kẹt cái đuôi nơi cửa sổ, hay chỉ vào con chó... đều là hình tượng hóa các công án của Đức Phật.
Đức Phật dạy công án khó thế nào? Khó tới mức rất trừu tượng, không còn thấy hình tướng gì nữa, vì đưa tất cả hình tướng trở về vô tướng: Đức Phật chỉ vào tứ đại (đất nước gió lửa), vào ngũ uấn (sắc thọ tưởng hành thức) -- nghĩa là, những gì rất mực trừu tượng, không còn tướng mạo gì cả.
Và tất cả, đều chỉ vào thực tướng vô tướng, nơi đó là Không, là Vô Ngã... là thấy tướng mà không phải là tướng, mới đúng là thấy Như Lai.
.
Trong sách ngài Matsubara cũng tuyệt vời là khi kể truyện về ngài Bạch Ẩn Huệ Hạc, với bài “Toạ Thiền Hoà Tán” -- xin trích mấy câu tuyệt vời như sau:
“...30) Ngay nơi tự tánh chứng biết
Tự tánh tức vô tánh
Việc ấy rời hý luận
Nhân quả nhất như đà mở cửa
Chẳng hai chẳng ba mà thẳng lối
(35) Âm thanh vô tướng vẫn là tướng
Đến đi đều chẳng có
Vô niệm chính là niệm
Múa hát cũng đều là tiếng pháp
Rộng mở tam muội Không và Vô ngại...”(ngưng trích)
.
Để nói ngắn gọn, tác phẩm “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” có giá trị lớn về sử liệu, sẽ giúp người hậu học dò tìm các sự kiện, các diễn tiến và các nhân vật Thiền Lâm Tế Nhật Bản. Tác phẩm cần có trong các tủ sách về Phật giáo Nhật Bản và về Thiền Lâm Tế Nhật Bản.
Người điểm sách trân trọng cảm ơn tác giả Matsubara và dịch giả HT Thích Như Điển đã để lại một sử liệu giá trị.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.13.127 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập