Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Hiệp Tá Đại Học... Thổ »»
Bằng vừa khênh cái xe đạp lên gác sáu vừa thở hồng hộc, hôm nay mải vui chàng quên cả nhịn thở, nhất là lúc đi qua gác hai. Lệ thường mỗi khi qua gác hai chàng không dám thở mạnh quá, sợ nhỡ cô gái gác hai nghe được thì thật là xấu hổ. Ở Ba Lê chỉ có hạng thợ thuyền nghèo, hoặc sinh viên tự túc hay các chú bé phát thư cấp tốc mới dùng xe đạp, ai người ta cũng có xe gắn máy, xe máy dầu, xe hơi hai ngựa, bốn ngựa.
Bằng cũng thừa biết vậy nhưng nhà chàng nghèo quá nên đành lóc cóc cái xe đạp, vừa tiện, vừa ít tốn.
Cô gái ở gác hai lúc ban đầu gặp chàng có khẽ gật chào ngoan ngoãn nhưng từ hôm thấy chàng vác cái xe đạp lên gác sáu thì không thèm chào nữa. Hẳn cô nàng sợ mất giá trị của mình đi chăng.
Chẳng lẽ vì một cái chào suông ấy mà chàng đành rời bỏ chiếc xe đạp thân yêu, đã từng cùng chàng đi hằng năm bảy nghìn cây số từ nước này sang nước khác. Biết bao nhiêu lần lên núi xuống vực, những buổi trưa hè mệt đừ nằm lăn ra ruộng ngủ bên cạnh chiếc xe đạp cũng ngả nghiêng. Kỷ niệm nhiều như thế, vả lại trường ở xa, mỗi ngày còn phải đi bao nhiêu chỗ, vứt chiếc xe đạp sao đành…
Đêm nay giao thừa, suốt buổi chiều Bằng đi mãi mới mua được hương vàng để đốt cúng cha mẹ, có lẽ vì thế mà chàng vui mừng quên cả để ý nhịn thở lúc đi ngang qua gác hai chăng?
Ai nghe được chắc sẽ chê cười anh chàng sống ở thế kỷ hai mươi mà vẫn còn tin nhảm. Thật ra Bằng chỉ hành động theo tình cảm, xa gia đình từ hơn mười năm nay, lúc ra đi bố mẹ còn nguyên vẹn, ai cũng hy vọng có ngày gặp lại, những bức thư đầu tiên hoàn toàn nói chuyện "Con về nhớ đừng mang đầm về, mẹ không biết nói tiếng Pháp mẹ buồn con nhé!"
Thế mà định mệnh đã thay đổi tất cả, trong hai năm liền bố với mẹ theo nhau chết, tuy thỉnh thoảng Bằng vẫn còn ngờ vực chưa tin hẳn rằng đấy là sự thực.
Ăn xong cơm tối, Bằng và hai chị Nhân, Mai cùng ngồi lại xếp vàng hương thành từng tờ một, lấy kéo cắt bớt những giấy bìa chung quanh. Ba chị em làm giống hệt như thuở bé đã thấy mẹ làm với tất cả niềm tin tưởng rộn ràng:
- Có thật chúng ta đốt thế này rồi cậu me nhận được không nhỉ?
Mai hỏi giọng ngờ vực, tính Mai vốn nghi ngờ tất cả mọi sự ở đời, lắm khi cô nàng ngờ ngay cả chính mình nữa.
- Nhận được hẳn đi chứ, nhưng phải viết địa chỉ cho rõ ràng nếu không sẽ lạc mất thì phiền cho cậu me.
Nhân trả lời chị với giọng vững chắc như chính mình đã có dịp chết đi sống lại và đã biết rõ tất cả những gì xảy ra ở cõi chết.
- Nhất là tính cậu vốn lười, chúng ta cố xếp cho tử tế, không có sẽ bị cậu mắng cho câu "tụi bay làm ăn như quần không vận".
- Thật ra thì ai mặc quần cũng có thắt lưng, hoặc cài hai, ba cái cúc chứ vận làm sao được mà mỗi lần mắng chúng mình là cậu cứ dùng câu ấy nhỉ?
Mai hỏi hai em.
Ba chị em vừa xếp giấy vàng vừa nhắc đến những kỷ niệm xưa, trong lòng đứa nào cũng hân hoan nghĩ đến phút cha mẹ sẽ nhận được đủ số tiền. Giá có ở nhà chắc Nhân sẽ lén mọi người đi đến thợ mả để đặt một chiếc áo vân hồng biếu mẹ mặc tết, một ống điếu hút thuốc trà làm quà cho cha. Nhưng thôi, gửi tiền xuống cậu me muốn sắm gì thì sắm, như thế lại hợp ý hơn.
Xếp xong mớ giấy vàng Mai đi nấu trà, Bằng đi sang viết địa chỉ, việc của Nhân là lo dọn dẹp cái lò sưởi để tí nữa đốt vàng.
Nhà cửa được quét sạch sẽ từ chiều vì ngày mai mùng một kiêng không quét rác. Người ta nhận thấy những kẻ ở xa quê hương lại cổ hủ hơn những người vẫn sống hiện tại trong xứ, có lẽ vì lòng nhớ nước, ai cũng muốn níu kéo lại những hình ảnh trước lúc ra đi. Hay vì nhìn thấy những sự văn minh hời hợt chung quanh làm cho con người càng có ý muốn giữ mình đứng ra ngoài những sự lôi cuốn ấy. Không gì hơn là tìm về với những hình ảnh thân yêu cũ.
Bằng vẫn buồn rầu mỗi khi nghĩ đến cái chết của bố mẹ, bố chết không ai biết là bệnh gì, mẹ chết vì một chứng bệnh rất tầm thường nhưng quê nhà chẳng quen nhiều, lại thêm từ độ chiến tranh gia đình sa sút, những người thân cũ đã trở thành những người xa mới. Sự săn sóc không được chu đáo, và người mẹ chưa già đành chịu chết một cách oan ức.
Lắm khi nhìn những hộp thuốc mẫu của các hiệu bào chế gửi biếu Bằng chỉ muốn khóc, cảm thấy lòng căm hờn mà không biết căm hờn ai, những hộp thuốc có chữ A, chữ O tròn mở to mắt nhìn chàng trân tráo như khiêu khích, như mỉa mai.
- Bằng viết xong chưa ?
- Chưa.
Nhân vừa cài cúc chiếc áo dài Việt Nam lâu ngày không mặc, vừa đi đến cạnh em trai hỏi xem mình mặc áo dài trông có còn được không. Nghe giọng Bằng hơi buồn, nàng vội ngừng bước im lặng tỏ sự kính trọng những suy nghĩ cuối năm của cậu em.
Mỗi lần giao thừa là trong đầu mỗi người đều có một sự xáo trộn, nào kỷ niệm quá khứ, hoài vọng tương lai, nào nhớ thương, nào căm hờn, tức giận… Nhân cũng thế nhưng nàng chỉ buồn lúc nào tất cả mọi người đều đi vắng hoặc lúc nào lang thang một mình ra nghĩa trang, và chỉ có nơi ấy là con người được tự do buồn mà không bị ai chất vấn.
- Giờ này ở quê nhà hoa đào đang nở chị nhỉ.
- Giao thừa đã cúng từ lâu rồi.
Bằng ngước lên nhìn chị :
- Ừ nhỉ đã sang mùng một, đáng lẽ phải kiêng không được buồn nhưng mỗi lần nghĩ lại thấy tức, em mong học chóng xong để về nước, đành rằng đâu cũng là người nhưng quê hương cần đến mình hơn.
Bằng và Nhân đang nói chuyện thì có tiếng Mai gọi ở phòng bên.
- Bằng viết xong chưa, sang đây chứ gần bắt đầu qua năm mới rồi đấy.
Nghe Mai gọi, Bằng vội giục Nhân sang trước, đợi cúng giao thừa xong Bằng định mặc áo đi suốt đêm, năm nay vừa đúng mười hai cái tết xa xứ. Cuối khóa học này Bằng thi ra, chàng nhất định trở về dầu trong lòng hơi lo sợ, không biết liệu mình có đi cùng một nhịp với quê hương chăng. Thế nào cũng bị phê bình là lạc hậu, cổ hủ nhưng thà bị phê bình như thế vẫn hơn là kéo dài cuộc sống cô độc ở xứ người. Hình như quê hương bây giờ văn minh lắm, các cô cậu nào cũng biết nhảy "rốc" với "tuýt", âm nhạc mới rất thịnh hành, hàng sơ-uynh-gum bán đầy nhan nhản. Quê hương đã thay một chiếc áo mới khác hẳn với ngày chàng ra đi. Nhưng Bằng tin rằng dầu sao cũng sẽ có vài người hiểu mình, vả lại dầu cho thị thành có không hiểu thì chàng sẽ tìm về thôn quê, ở thôn quê chắc các cô gái chưa đến trình dộ vừa nhai kẹo vừa nhảy tuýt, và cảm tình của họ chắc sẽ dịu dàng hơn.
Bên này lắm khi tức bực không biết nói với ai, nhớ đến những ngày đi làm nội trú cho bệnh viện ở ngoại ô, một hôm có đứa bé con bị rắn độc cắn chân sưng to tướng. Đưa vào bệnh viện không có bác sĩ, phòng thuốc khóa cửa, không có cả phu khiêng "băng ca", một mình chàng phải bế đứa bé vào lòng đi nạy cửa lấy thuốc. Cứu được đứa bé thoát chết, ngày mai người ta phê bình rằng chàng đã phá nhà và để cảm ơn chàng, cha mẹ đứa bé không ngừng điện thoại bắt đền một chiếc giày cao su đâu mất.
Mỗi lần nghĩ đến Bằng cảm thấy buồn, thà chúng nó nghèo nàn cho cam. Đấy là chưa nói đến những sự gièm pha ghen tức trong giới đồng nghiệp…
- Bằng ơi, Bằng ơi đến giờ rồi, sang mà khấn, công trình đi lùng khắp Ba Lê mới mua được vàng hương, sang khấn kể công với cậu me đi.
Lần này Bằng phải lấy bút mực viết vội tên tuổi của cha mẹ, không quên viết chức tước của cha: Hiệp Tá Đại Học Sĩ. Chàng nhớ đến ngày xưa mỗi lần giỗ ông nội thì cha chàng quỳ sớ trong lúc nhà sư ngân giọng cũng đọc tên tuổi với chức Hiệp Tá Đại Học Sĩ, ông nội với cha cùng mang một tước, chỉ đến đời anh em chàng thì chẳng có sĩ siếc gì cả. Ngày xưa nghe cha chàng kể lại, mỗi lần ông nội chàng đãi tiệc phải có sự tập luyện dàn cảnh trước. Một người phụ trách việc đạo diễn: món ăn nào đưa ra thì người này phải làm gì, người kia tiến mấy bước, lùi mấy bước v.v… Đến đời cha chàng thì người "mết đô tên" (maître d'hotel) mặc quần đen áo trắng nơ đen giày bóng nhoáng, bao tay trắng toát đi ra đi vào điều khiển mấy chú bồi. Đến đời chàng, mỗi lần mời bạn bè thì để cả soong chảo nồi niêu ra dưới đất, ăn xong còn phải bắt thăm để xem đứa nào phải rửa bát. Cố nhiên là rửa bát trong chậu rửa mặt.
Viết xong tên tuổi và chức vị của cha mẹ, Bằng đứng lên thay bộ quần áo màu xanh thẫm, rồi ra trước gương ngắm nghía thắt lại chiếc cà vạt đồng màu, quanh năm muốn ăn mặc thế nào cũng được nhưng qua năm mới bao giờ chàng cũng giữ rất đàng hoàng. Đối với Bằng đó là tục lệ cần phải giữ. Mai trông thấy Bằng diện, chép miệng tiếc :
- Giá cô gác hai gặp Bằng lúc này chắc lại chào ngay.
- Không chắc, cô ấy sẽ nghĩ rằng thằng này nghèo kiết xác, để dành mãi mới sắm được bộ quần áo, cả năm chỉ dám mặc vào có mỗi một lần. Nghĩ thế thì cô ấy đâu có thèm chào.
- Ở cái thế hệ "phi cách-ru* bất thành phu phụ" này cũng không nên trách người ta làm gì.
- Hạng bét, không thèm Bằng ạ, học ra rồi tha hồ kén vợ, Bằng cứ tin đi, bấy giờ Bằng viết thư về nhà đòi cưới cô nào là được tất. Hai ba năm trước thì thế nào cũng sẽ khó khăn, nào là lý do này lý do khác, cha mẹ già, xin đi không được v.v…
Nhân nói cố làm cho Bằng bớt buồn. Thật ra, đêm nay Bằng đâu có buồn vì những chuyện vặt vãnh ấy, đêm nay cái buồn của Bằng nặng nề hơn, nó là cái buồn nối dài từ mười hai năm mà mỗi đêm giao thừa là một mối thắt gút thêm vào.
Hơn nữa năm nay lại là năm cuối cùng, ngả ba đường của cuộc đời. Chàng trai nào lúc học sắp xong chắc cũng có những phút giờ đứng ngập ngừng trước ngả ba đường như thế cả. Đây chỉ là bước đầu mà thôi.
Từ giã ghế nhà trường, từ giã những đống sách dày cộm, những cốc cà phê đen thâm như lối về âm phủ để bước sang con đường mới mà ai cũng thừa biết rằng sẽ gai góc hơn.
Từ giã xứ người để về với quê hương. Tiếc rằng giờ này cha mẹ không còn nữa, nếu không thì chàng sẽ vui sướng biết mấy.
Tưởng tượng cái cảnh đứa con trai đi học đỗ đạt về, từ trên máy bay bước xuống vừa đưa mắt nhìn ra khắp nơi để tìm cha mẹ, đằng xa người vợ sung sướng níu lấy tay chồng và hét lên "Nó kia rồi!" Đưa con trai sẽ bước vội xuống chạy ào ra phía cha mẹ, bất kể cả giấy tờ luật lệ, làm sao chạy ngay đến để được ôm lấy cha mẹ, được ngửi lại mùi hương thân yêu cũ… Mười hai năm trước cha mẹ tiễn lên đường một chú bé khờ dại, mà bây giờ là một người lớn có thể nói chuyện đời với cha mẹ như tất cả những người lớn hiểu biết khác…
Sung sướng biết mấy những ai đã được và sẽ được sống trong cảnh ấy.
Từ nãy đến giờ Mai và Nhân theo dõi từng cử chỉ của Bằng, thỉnh thoảng hai chị em lại đưa mắt nhìn nhau, không ai dám lên tiếng sợ làm bận rộn những ý nghĩ cuối năm của Bằng. Tính Bằng thường ngày rất vui nhộn, lúc nào cũng cười, cũng đùa, đêm nay thấy chàng khác hẳn nên cả Mai và Nhân đều biết rằng có sự gì không thường đang xảy ra trong lòng người em trai.
Đợi mãi không thấy hai em nói gì, Mai đành phải lên tiếng trước:
- Bằng viết địa chỉ lên giấy chưa?
- Ừ nhỉ, quên đi mất, em để bên bàn cho khô mực sợ nó nhòe không đọc được lại không đến tay cậu me.
Bằng đứng dậy chậm rãi đi sang phòng bên, đầu óc như không ngừng suy nghĩ. Chờ Bằng đi xong, Mai thì thầm hỏi Nhân:
- Sao Bằng nó có vẻ buồn buồn thế?
- Vì giao thừa.
- Giao thừa lại càng phải vui chứ.
Nhân chưa biết tìm lý gì để cãi hộ Bằng thì Bằng đã đi sang với mảnh giấy viết địa chỉ trong tay. Cả ba chị em cùng đến phía lò sưởi. Bằng đưa mẩu giấy đã viết cho hai chị đọc. Ngày xưa mẹ vẫn dạy chàng viết chữ cho nên nét bút rất mềm mại, ai nhìn cũng khen phục và Bằng vẫn tự xưng mình là thầy đồ. Mẹ chàng, với những lập luận rất đơn sơ, đã dạy cho con hay rằng ai cũng cần phải biết chữ nho, nếu không thì chết sẽ không được làm quan vì tất cả giấy tờ công văn trên trời đều viết toàn chữ nho. Bé Bằng hồi ấy cứ tin như thế, cho mãi đến bây giờ tuy khôn lớn, Bằng vẫn không muốn rời bỏ những tin tưởng mộc mạc ngây thơ nhưng rất thi vị ấy.
Mai đọc xong phá ra cười làm cho mọi người ngơ ngác.
- Chết rồi Bằng ơi, sang chữa lại ngay, Bằng viết nhầm chữ "sĩ" (士) ra chữ "thổ" (土). Hiệp Tá Đại Học... Thổ thì ai biết đâu mà đưa.
Bằng giật vội tờ giấy trên tay chị liếc xem rồi cũng cười theo:
- Quần không vận, may quá chưa đốt, nếu không thì đêm nay chúng mình sẽ nằm mơ thấy cậu về nhăn mặt gắt ầm lên "Tụi bay làm ăn như quần không vận".
Bằng còn giả vờ nhái giọng cha hét lên:
- Chi lo đi cà rởn!
Chữ này chỉ một mình cha dùng để mắng mấy đứa con những lúc nào tìm không thấy chúng nó.
Giọng Bằng giống hệt cha, cả đến nét mặt của chàng cũng thế làm cho cả Mai và Nhân đều lăn ra cười, tưởng như ngày nào còn bé lén cha đi chơi về nhà bị bắt gặp.
Đồng hồ láng giềng vừa điểm mười hai tiếng. Thế là qua mùng một rồi. Chẳng ai bảo ai nhưng cả ba chị em đều cảm thấy sung sướng vì đã đón năm mới bằng một trận cười hồn nhiên.
Nhân chạy vội ra mở toang cửa sổ để đón mùa xuân mới.
MĐHT
(Trích trong tập truyện ngắn "Hắn")
* Cách-ru: phiên âm tiếng Pháp "quatre roues", nghĩa là bốn bánh, chỉ xe hơi.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.186.186 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập