Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Mười điều nghi vấn về Tịnh Độ »» Xem đối chiếu Anh Việt: Mười điều nghi vấn về Tịnh Độ »»
Điều nghi thứ nhất
Hỏi: Chư Phật Bồ Tát lấy lòng đại bi làm bản nguyện, nếu như muốn cứu độ chúng sinh, lẽ ra nên hóa sinh vào ba cõi, ở giữa ba đường ác nơi cõi đời uế trược mà cứu khổ, vì sao lại cầu sinh về Tịnh độ, hoàn toàn chỉ được lợi ích bản thân mình mà xa rời hết thảy chúng sinh, như vậy chẳng phải là thiếu lòng đại từ bi, ngăn chướng trên đường giác ngộ đó sao?
Đáp: Bồ Tát có hai hạng. Một là các vị Bồ Tát tu hành đã lâu, từng được thân cận với chư Phật, đã chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn. Hai là các vị Bồ Tát chỉ vừa mới phát tâm, chưa từng thân cận với chư Phật, cũng chưa chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn.
Vị Bồ Tát tu hành đã lâu ắt có sức thần thông lớn, cho nên có thể hóa hiện thành chư thiên, đế vương, quỷ thần hay súc sinh, vào ra trong sinh tử, rộng độ chúng sinh. Nếu như kẻ mới tu hành, sức lực yếu kém mỏng manh, tuy đã phát tâm Bồ-đề nhưng vẫn còn ở địa vị phàm phu, bệnh khổ của chính mình còn chưa thể tự cứu, làm sao có khả năng cứu độ người khác?
Cho nên, luận Đại Trí Độ có dạy: “Nếu nói rằng kẻ phàm phu còn đầy triền phược, có tâm đại bi, nguyện sinh vào cõi đời ô trược để cứu khổ chúng sinh, thật không có lý ấy. Vì sao vậy? Vì trong cõi đời với năm sự uế trược, những thứ như âm thanh, hình sắc, tiền tài, danh lợi... từng giây từng phút không ngừng lôi kéo trói buộc, lại những kẻ oán thù, phiền não luôn vây quanh dày đặc, chỉ cần một chút sơ sẩy đã rơi ngay vào đường đọa lạc. Ví như được sinh làm người, cũng khó lòng gặp lúc có Phật ra đời. Ví như được gặp Phật ra đời, cũng rất khó sinh lòng tin nhận. Lại như may mắn khởi lòng tin Phật, xuất gia tu hành, sang đời sau lại gặp hoàn cảnh phú quý sung túc, chưa hẳn đã tránh được sự mê đắm vào trần duyên mà tạo nhiều nghiệp ác. Nếu do đó mà không còn được sinh làm người, thì biết đến bao giờ mới có thể đạt được sự giải thoát?”
Vì thế, người có trí tuệ thì nếu muốn cứu độ chúng sinh, trước hết phải cầu cho tự thân mình được gặp Phật. Nếu như có thể phát tâm niệm Phật được nhất tâm bất loạn, chắc chắn được vãng sinh. Khi ấy tự mình đã được thân kim cang bất hoại, ắt có đủ khả năng thực hành tâm nguyện cứu độ vạn loại chúng sinh. Cũng như muốn cứu người đuối nước giữa sông, ắt tự mình phải có được thuyền bè để nương theo, sau đó mới có thể cứu người ra khỏi nước. Nếu không có gì hỗ trợ mà liều lĩnh nhảy xuống cứu người, ắt khó tránh khỏi phải cùng nhau chết chìm.
Cho nên, không phải là thiếu tâm từ bi, mà là khéo biết sử dụng tâm từ bi ấy.
Điều nghi thứ hai
Hỏi: Bản thể của hết thảy các pháp đều là không, xưa nay vốn chưa từng có sự sinh ra, vẫn luôn bình đẳng tịch diệt, vì sao lại bỏ nơi này cầu nơi kia, muốn sinh về Tây phương Cực Lạc? Trong kinh dạy rằng: “Tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh.” Nếu muốn cầu được cõi thanh tịnh, trước hết phải làm thanh tịnh tâm mình. Vì sao không cầu tâm thanh tịnh mà lại cầu sinh về Tịnh độ?
Đáp: Người muốn sinh về Tây phương Cực Lạc, nếu cho là bỏ nơi này cầu nơi kia, vậy người không cầu sinh về Tây phương Cực Lạc, có lẽ nào lại không phải là bỏ nơi kia cầu nơi này? Nếu nói rằng dù nơi này hay nơi kia cũng đều không cầu sinh về, đó là rơi vào chấp đoạn, cho rằng sau khi chết là hết. Nếu nói rằng đối với nơi này hay nơi kia cũng đều không buông xả, thì đó là rơi vào chấp thường, cho rằng tất cả đều còn mãi.
Kinh Duy-ma dạy: “Tuy biết rằng các cõi Phật cùng với chúng sinh tất cả đều là không, nhưng vẫn thường tu tập làm thanh tịnh cõi nước, giáo hóa tất cả chúng sinh.” Vì thế, tuy phát tâm mãnh liệt cầu vãng sinh, cũng không phải là chống trái với lý vô sinh.
Đến như lời dạy “tâm thanh tịnh cõi Phật thanh tịnh”, cũng phải được hiểu theo cả hai phương diện sự tướng và lý tánh. Nếu xét về lý tánh, vì sao lại cho rằng người cầu sinh Tịnh độ thì tâm không thanh tịnh, còn người không cầu sinh Tịnh độ thì ngược lại có tâm thanh tịnh? Như xét về sự tướng, nếu giữ được tâm thanh tịnh giữa cõi đời xấu ác có năm sự uế trược, sao bằng cũng giữ tâm thanh tịnh như thế mà ở giữa thế giới Cực Lạc? Huống chi là trong trường hợp người ở cõi đời uế trược này, tuy cầu thanh tịnh nhưng trong tâm thật không thanh tịnh, so với người sinh về Cực Lạc, tuy không cầu thanh tịnh mà tâm vẫn tự nhiên thanh tịnh?
Điều nghi thứ ba
Hỏi: Các cõi Phật trong khắp mười phương, công đức đều bình đẳng như nhau. Vì sao không rộng nghĩ đến hết thảy các công đức, cầu sinh về hết thảy các cõi Phật thanh tịnh, mà chỉ riêng cầu sinh về cõi thanh tịnh của đức Phật A-di-đà mà thôi?
Đáp: Cõi nước thanh tịnh của chư Phật tất nhiên đều bình đẳng. Chỉ có điều là, đa số chúng sinh căn tánh ngu độn, uế trược tán loạn, nếu không chuyên tâm một nơi thì pháp định tâm khó lòng thành tựu. Cho nên, chuyên tâm niệm Phật A-di-đà, đó chính là pháp định tâm hướng về một đối tượng duy nhất.
Kinh Tùy nguyện vãng sinh chép rằng: “Bồ Tát Phổ Quảng thưa hỏi Phật: ‘Trong mười phương đều có các cõi Phật thanh tịnh, Thế Tôn vì sao nghiêng hẳn về việc xưng tán cõi Tịnh độ ở phương Tây của đức Phật A-di-đà, chỉ dạy người cầu vãng sinh về đó?’
“Phật dạy Bồ Tát Phổ Quảng: ‘Chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề, tâm tánh uế trược tán loạn, vì thế nên ta nghiêng về xưng tán duy nhất một cõi Phật thanh tịnh ở thế giới Cực Lạc phương Tây mà thôi, để giúp cho chúng sinh chuyên tâm vào một cảnh giới duy nhất mới dễ được vãng sinh.’”
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Hết thảy thân Phật cũng đều là một thân Phật. Cũng giống như một vầng trăng tròn sáng, phản chiếu trong hết thảy những nơi có nước.”
Cho nên biết rằng, niệm một vị Phật tức là niệm hết thảy chư Phật, vãng sinh về một cõi Tịnh độ cũng không khác gì vãng sinh về hết thảy các cõi Tịnh độ.
Điều nghi thứ tư
Hỏi: Các cõi Phật trong mười phương vô lượng vô biên, tùy ý niệm bất cứ vị Phật nào cũng đều được vãng sinh [về cõi nước của vị Phật ấy], vì sao chỉ riêng niệm Phật A-di-đà?
Đáp: Có ba mối nhân duyên. Thứ nhất, đức Phật A-di-đà với thế giới Ta-bà này vốn đã có duyên. Từ vô số kiếp trước, ngài đã phát khởi bốn mươi tám lời đại nguyện, đều vì muốn tiếp dẫn chúng sinh niệm Phật về cõi nước thanh tịnh của ngài. Ngày nay, người ở thế giới Ta-bà này, mở miệng niệm Phật đều là niệm danh hiệu A-di-đà. [Trong kinh dạy rằng,] chúng sinh trong tương lai phước đức mỏng manh, đến lúc Giáo pháp sắp diệt, các kinh đều sẽ mất hết, chỉ còn duy nhất kinh A-di-đà lưu lại thêm trăm năm nữa, chẳng phải cũng là chứng minh cho mối nhân duyên này đó sao?
Thứ hai, do đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni đã chỉ dạy. Trong ba tạng mười hai bộ kinh, những điều Phật thuyết dạy đều hết sức mở rộng, chỉ riêng đối với pháp niệm Phật trì danh, Phật không dạy niệm Phật nào khác mà chỉ duy nhất niệm Phật A-di-đà. Ví như đây không phải điều hết sức thiết yếu, vì sao đức Phật phải đinh ninh căn dặn nhiều lần?
Thứ ba, vì chư Phật mười phương đều chứng minh xác tín. Bởi pháp môn Tịnh độ hết sức khó tin nhận, nên khi đức Thế Tôn thuyết giảng về Phật A-di-đà liền có mười phương chư Phật Như Lai cùng hiện đến chứng minh đó là lời chân thật, khiến cho người được chứng kiến rồi thì không thể không tin.
Vì thế nên người tu tập nghiệp thanh tịnh, có lý nào lại không chuyên niệm đức Phật A-di-đà?
Điều nghi thứ năm
Hỏi: Kẻ phàm phu dẫy đầy triền phược, nghiệp ác sâu nặng, hết thảy phiền não đều chưa dứt được, dù một mảy may phước đức cũng chưa tu tập, còn như cõi Tịnh độ Cực Lạc phương Tây là siêu việt ra ngoài ba cõi, vượt trội hơn cả các vị thiên đế, chư thiên gấp trăm ngàn vạn ức Hằng hà sa lần. Kẻ phàm phu như thế niệm Phật, làm sao có thể được sinh về cõi Phật ấy?
Đáp: Đó là nhờ sức của đức Phật A-di-đà, không phải dựa vào tự lực của kẻ ấy. Ví như người thọt chân, dù có khập khễnh đi suốt một ngày cũng chẳng được mấy dặm đường, nhưng nếu được cưỡi trên voi báu của vị Chuyển luân Thánh vương thì trong một ngày có thể đi qua khắp bốn cõi thiên hạ. Lại như kẻ học trò nghèo muốn thân cận bậc đế vương, nếu từ các châu, huyện tham gia những cuộc thi nhỏ, rồi mong được đỗ đạt làm quan, được địa vị cao quý vinh hiển, thì quả thật rất khó khăn mà vẫn chưa chắc chắn. Nếu như có thể thác sinh làm con vua, thì không quá mười tháng đã có thể cùng với bậc đế vương sống chung một nhà. Người được vãng sinh chỉ nương nhờ sức Phật, cũng giống như thế.
Người tu hành nếu không phát tâm cầu sinh Tịnh độ, chỉ ở nơi cõi đời xấu ác uế trược này mà cố gắng tu trì, ắt phải chịu nổi trôi chìm đắm, không biết phải trải qua bao nhiêu kiếp sống mà cũng chưa thể thành được một vị A-la-hán, nói gì đạt đến địa vị Bồ Tát.
Nếu tu theo pháp môn Tịnh độ, chỉ cần tinh tấn tu trì, đạt đến sự nhất tâm bất loạn thì ngay trong đời này liền có thể vãng sinh. Nhân đó lại tiếp tục tu hành nơi Tây phương Cực Lạc, vĩnh viễn không còn thối chuyển, sa đọa, thẳng một đường tiến đến quả vị Phật, quả là con đường ngắn nhất.
Ví như con trùng nằm trong cây tre, nếu muốn thoát ra mà hướng về phía trên, ắt phải đục khoét xuyên qua không biết bao nhiêu đốt tre, khó khăn khổ nhọc không chịu nổi. Nếu biết xoay ngang mà khoét lấy đường ra, ắt sẽ hết sức dễ dàng nhanh chóng. Vì thế nên người tu Tịnh độ mới được gọi là đi tắt ngang ra khỏi ba cõi, sao còn có thể nghi ngại rằng phàm phu [niệm Phật] không thể sinh về Cực Lạc?
Điều nghi thứ sáu
Hỏi: Trong chín phẩm vãng sinh, ba phẩm dưới thuộc về hạ phẩm phần nhiều đều là những kẻ xấu ác, chỉ nhân khi lâm chung tín tâm niệm Phật mà được vãng sinh. Ví như họ đã sinh về Cực Lạc rồi nhưng vẫn còn tà kiến, tham lam, sân hận, si mê thì sao?
Đáp: Chỉ sợ không được vãng sinh, không lo việc đã vãng sinh rồi còn trở lại xấu ác. Trong việc này có năm nhân duyên. Thứ nhất, được sự gia trì từ nguyện lực đại bi của đức Phật A-di-đà. Thứ hai, nơi cõi ấy mọi điều mong ước đều được như ý nên không phải khởi tâm tham cầu. Thứ ba, cây báu, chim, hoa nơi cõi ấy đều tuyên giảng pháp mầu. Thứ tư, chung quanh chỉ toàn là các vị Bồ Tát làm bạn lành. Thứ năm, tuổi thọ lâu dài, có thể trải qua nhiều kiếp tu trì.
Vì thế, một khi đã được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc thì có thể thẳng một đường đi lên quả vị Phật, vĩnh viễn không còn thối chuyển, có thể tin chắc như vậy.
Điều nghi thứ bảy
Hỏi: Tiếp theo sau đức Phật Thích-ca là Bồ Tát Di-lặc sẽ thành Phật, hiện nay đang thuyết pháp tại cung trời Đâu-suất. Những ai có thể tu hành mười nghiệp lành thuộc hàng thượng phẩm ắt sẽ được sinh về cung trời ấy. Vì sao không cầu sinh về nơi ấy, được gần gũi kề cận đức Di-lặc, tương lai khi ngài hạ sanh thành Phật thì theo xuống thế giới này?
Đáp: Tu mười nghiệp lành vào hàng thượng phẩm, tất nhiên có thể sinh về cõi trời, nhưng nếu muốn quyết định sinh về cõi trời Đâu-suất thì e rằng chưa chắc được. Các vị chưa đọc qua kinh Di-lặc thượng sinh hay sao? Kinh ấy dạy rằng: “Tu tập thực hành các pháp tam-muội, vào sâu được trong chánh định, mới có thể sinh [về cõi trời Đâu-suất].” Thử hỏi, người tu mười nghiệp lành đã được như thế hay chưa?
Còn như đức Phật A-di-đà, chỉ cần trì niệm danh hiệu ngài thì không ai không được tiếp dẫn, đem so với người rộng tu mười nghiệp lành đã thấy dễ dàng hơn rất nhiều lần.
Hơn nữa, nơi cung trời Đâu-suất phần nhiều là các vị thiên tử thoái vị trong Dục giới, nơi ấy các thiên nữ rất nhiều, không thể tính đếm, chư thiên nhìn thấy còn nhiều khi đắm nhiễm, huống hồ người phàm? Kinh Tát-già Ni-kiền-tử chép rằng: “Sự trói buộc lớn nhất của chư thiên không gì hơn nữ sắc. Nữ nhân trói buộc chư thiên, dắt dẫn đi vào ba đường ác.” Nếu đem so với cảnh giới Tây phương Cực Lạc thì vạn phần chưa sánh được một.
Huống chi, ví bằng có được gặp Bồ Tát Di-lặc nhưng tự thân chưa chứng đắc thánh quả, làm sao có thể một lần sinh về cõi tịnh mà được vĩnh viễn không thối chuyển [như vãng sinh Cực Lạc]?
Điều nghi thứ tám
Hỏi: Kẻ phàm phu từ bao đời trước đến nay đã rộng tạo vô số nghiệp ác, khi lâm chung chỉ niệm Phật mười niệm, làm sao có thể được vãng sinh?
Đáp: Người làm nghiệp ác trong đời này nhưng đến khi lâm chung có thể hồi tâm niệm Phật mười niệm được vãng sinh, đó hẳn là nhiều đời trước đã có tu hành, bất quá chỉ là trong đời này sinh ra nhất thời mê muội đi theo đường ác.
Nếu không phải như thế, thì khi sắp qua đời nhất định các duyên xấu ác phải tìm đến, sao có thể trái lại gặp bậc thiện tri thức dạy cho việc niệm Phật? Hơn nữa, dù có được dạy cho việc niệm Phật, cũng làm sao có thể nghe mà tin nhận được ngay?
Huống chi vào lúc người ấy niệm Phật cuối đời, ắt trong lòng đã hồi tâm giác ngộ, chí thành sám hối những sai lầm trước đây, trong tâm phải hết sức kinh sợ việc ác mà thống thiết cầu vãng sinh, cho nên muôn duyên đều nhất thời buông xả, chỉ còn duy nhất một con đường hướng về Tây phương Cực Lạc, hoàn toàn không có bất cứ nơi nào khác để có thể quay đầu. Niệm Phật được như lúc ấy, chỉ một câu cũng bằng như ngàn vạn tiếng. Chính vì thế nên kinh Thập lục quán mới nói rằng: “Trong mỗi một niệm đều giải trừ được tám mươi ức kiếp tội lỗi trong sinh tử.”
Nếu như có thể nhận hiểu được sự tinh chuyên thành khẩn ấy, lại thêm sẵn có phước đức nghiệp lành từ đời trước, thì việc được Phật tiếp dẫn đâu có gì để phải hoài nghi?
Điều nghi thứ chín
Hỏi: Thế giới Cực Lạc cách xa cõi Ta-bà này đến mười vạn ức cõi Phật. Xa xôi như thế, kẻ phàm phu làm sao có thể tức thời sinh đến? Lại có nghe rằng nữ nhân, người khuyết thiếu các căn cùng với hàng Nhị thừa đều không được vãng sinh, điều đó tin được chăng?
Đáp: Đường xa khó đến là nói về hình thể. Một niệm có thể đến ngay là nói về tâm thức. Người niệm Phật sinh về Cực Lạc là chỉ nói tâm này sinh về, không phải mang theo hình hài thân thể sang cõi ấy. Ví như người nằm mộng thấy đi sang nước khác, tuy cách xa đến ngàn vạn dặm nhưng vừa lay gọi liền tỉnh giấc, lẽ nào lại do đường gần thì dễ thức giấc mà đường xa khó thức giấc hay sao?
Nói rằng nữ nhân với người căn khuyết không sinh ra ở cõi ấy, đó là nói ở thế giới Cực Lạc không có nữ nhân, không có người căn khuyết, không có nghĩa là nữ nhân với người căn khuyết không được vãng sinh về Cực Lạc.
Nếu nói nữ nhân không được vãng sinh, vì sao đức Thế Tôn lại thọ ký cho bà Vi-đề-hy và 500 thị nữ chắc chắn được vãng sinh? Kinh Vô Lượng Thọ có 48 lời đại nguyện của đức Phật A-di-đà, trong đó có một nguyện rằng: “Sau khi ta thành Phật, hết thảy nữ nhân trong vô số cõi thế giới, nếu được nghe danh hiệu của ta [liền mừng vui tin tưởng, phát tâm Bồ-đề,] sinh lòng chán ghét thân nữ. Sau khi lâm chung liền không còn phải thọ sinh làm thân nữ.”
Đối với nữ nhân là như vậy, thì đối với người căn khuyết có thể suy ra biết được. Hơn nữa, như chim sáo, chim vẹt còn có thể nhờ niệm Phật mà được vãng sinh. Như vậy, có lẽ nào người căn khuyết lại không bằng loài vật hay sao? Đến như hàng Nhị thừa đều là những vị đã chứng quả. Kẻ phàm phu còn được vãng sinh, có lý nào lại trừ ra những người Nhị thừa? Kinh A-di-đà dạy rằng: “Đức Phật A-di-đà có vô lượng vô biên các đệ tử Thanh văn, tất cả đều là A-la-hán.” Vậy sao có thể nói là không có Nhị thừa? Vì thế, lời ấy có nghĩa rằng, người sinh về Cực Lạc không còn mang tâm vướng chấp của hàng Nhị thừa, nên mới nói Nhị thừa không sinh. Bằng như cho rằng hàng Nhị thừa không được vãng sinh về Cực Lạc, điều đó thật hoàn toàn vô lý.
Điều nghi thứ mười
Hỏi: Nay tôi quyết định phát tâm cầu vãng sinh Cực Lạc, nhưng chưa biết phải thực hành những công hạnh gì, phải phát khởi những tâm nguyện gì để được vãng sinh? Lại nữa, người thế tục thảy đều có vợ con, chưa dứt trừ chuyện dâm dục, không biết rằng như thế có được vãng sinh hay chăng?
Đáp: Người quyết định cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc, ngoài việc trì niệm danh hiệu Phật, nếu có đủ hai tâm niệm mạnh mẽ khác nữa thì chắc chắn sẽ được vãng sinh. Thứ nhất là tâm niệm chán lìa đối với cõi thế gian uế trược. Thứ hai là tâm niệm mến mộ, ưa thích đối với thế giới Cực Lạc.
Lại cũng nên phát tâm Bồ-đề, tùy theo khả năng mà làm các việc thiện, hồi hướng về cho việc vãng sinh Tịnh độ. Được như vậy thì chưa từng có ai không được vãng sinh.
Đến như duyên nợ với vợ con nơi chốn thế tục, điều đó cũng không ngăn ngại. Chỉ cần có thể khiến cho vợ con cùng được hưởng lợi lạc từ giáo pháp, cùng biết tu trì, dứt trừ việc gieo trồng nhân xấu ác.
Về việc chán lìa cõi thế gian uế trược, đó là nói trong đời uế trược này, nhất cử nhất động đều là gai góc hầm hố dễ rơi vào sa đọa. Người đời chỉ vì hai chữ cơm áo mà khốn khổ suốt đời, chạy theo hai đường danh lợi mà bôn ba trọn kiếp, tay chân rối rít bận rộn không ngừng, cam chịu vì vợ con làm thân tôi tớ, ngày trăm mối nghĩ, đêm vạn mộng mơ, hết thảy đều là đem thân thể hình sắc này mà tìm cầu chuốc lấy phiền não.
Hãy tự hình dung, tấm thân cao chừng bảy thước này, dáng vẻ bên ngoài chỉ nhờ vào lớp da mỏng bao bọc, lại lấy đó vọng xưng là cao quý lớn lao, ví như có thể dùng thiên nhãn xem qua một lần, ắt sẽ thấy bên trong bất quá chứa đầy một bụng phẩn uế, cùng những máu mủ đờm dãi nhơ nhớp. Cho nên kinh Niết-bàn dạy rằng: “Thân này như một cái thành, là chỗ cư trú của những quỷ la-sát ngu si.” Như vậy, liệu có người trí tuệ nào lại ưa thích đắm say thân này mà không chán lìa?
Về việc mến mộ ưa thích thế giới Cực Lạc, đó là nói sự vui thích ở cõi Tây phương Cực Lạc dù cung điện cõi trời cũng không sánh kịp, không thể hình dung mô tả bằng ngôn ngữ. Mỗi ngày chỉ cần nhớ nghĩ đến những lời trong kinh, đem tâm tĩnh lặng mà suy xét từng lời, lại nghĩ rằng trong tương lai nhất định mình sẽ sinh về nơi ấy, thì tự nhiên tâm niệm mến mộ sẽ khởi sinh, nhân duyên Tịnh độ cũng tự thành thục.
Thế nào là phát tâm Bồ-đề? Luận Vãng Sinh nói rằng: “Tâm Bồ-đề tức là thệ nguyện sẽ thành Phật. Thệ nguyện thành Phật, đó là khởi lòng thương xót đối với hết thảy chúng sinh trong sáu đường luân hồi, đang chịu khổ não không cùng cực, nên mới phát tâm cứu độ, muốn giúp cho tất cả đều được vượt thoát ra ngoài ba cõi, đều được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc, được như vậy mới tròn thệ nguyện.”
Người niệm Phật nếu có đủ hai tâm niệm mạnh mẽ như trên, lại thêm đã phát tâm Bồ-đề, cung kính nương theo tâm nguyện cứu độ của Như Lai, nếu như lại không được vãng sinh, không được Phật thọ ký, đó là việc chưa từng có vậy.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.201.95 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập