Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Độ nghi tịnh »»
Người đọc kinh, nghe pháp phát sanh trí tuệ, dứt đoạn hồ nghi thì gọi là Độ Nghi Tịnh. Trong hết thảy các pháp tu mà Phật giảng dạy, giới tịnh là điều quan trọng bậc nhất. Trong giới tịnh thì Độ Nghi Tịnh lại là điều trọng yếu nhất. Một khi chúng ta nhìn suốt thấu đáo Chân Đế Lý sẽ dứt bậc hồ nghi nơi Phật pháp, được ý nghiệp thanh tịnh thì thân và miệng cũng tự nhiên thanh tịnh. Cho nên, trong pháp môn Tịnh độ, Tín là điều kiện quan trọng nhất; khi Tín được viên mãn thì tâm mình tự nhiên sẽ trở nên thanh tịnh và bình đẳng như như nhất vị. Người tu pháp môn Tịnh độ mà không tin có Phật A Di Đà Phật, không tin có cõi Cực Lạc ở Phương Tây, không tin kinh Tịnh độ, không tin bản lai diện mục của mình và hết thảy chúng sanh đều là Phật, thì chính là đã vi phạm giới tịnh đầu tiên của Tịnh tông. Vì sao? Vì trong lòng còn có nghi ngờ sẽ tạo ý nghiệp bất tịnh, chẳng thể được niệm thanh tịnh.
Khi xưa, Thích Ca Mâu Ni Phật tuy có chế định giới luật, nhưng thật ra giới luật chẳng phải là do Ngài chế định, vì sao? Bởi vì nếu Ngài có chế định giới luật, tức là còn khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước đúng sai phải trái rồi; như vậy Ngài là phàm phu rồi, đâu phải là Phật. Vậy, giới luật do đâu mà có? Giới luật vốn là tánh đức có sẵn trong bản tánh của mỗi chúng sanh. Tánh đức ấy chính là bảy bảo bố thí: sắc bảo bố thí, thanh bảo bố thí, hương bảo bố thí, vị bảo bố thí, xúc bảo bố thí, pháp bảo bố thí và dục lạc bảo bố thí. Bảy bảo bố thí này vốn sẵn có trong Tự tánh, chúng ta chỉ cần gìn giữ nó, chớ chẳng cần phải đi tìm nó từ một nơi nào khác. Chúng sanh do mê mất đi Tự tánh nên chẳng nhận ra tánh đức của mình, chỉ có Phật mới thấy rõ ràng, rành rẽ lương tri và lương năng vốn trọn đầy đủ trong bản tánh, nên Ngài nói ra cho chúng sanh biết từng điều, từng điều một. Vậy, Phật nói ra giới luật cũng chính là chỉ rõ cho chúng sanh biết cái tánh đức trang nghiêm đầy đủ vốn có sẵn trong Tự tánh của chúng sanh.
Trong kinh Kim Cang, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói rất rõ ràng, trong suốt bốn mươi chín năm, Ngài chưa hề thuyết pháp một câu nào, thì làm gì Ngài có chế định giới luật? Do vậy, chúng ta có thể biết, hết thảy kinh luận nói về giới luật đều là nói về tánh đức tự nhiên của Tự tánh lưu lộ ra. Nhưng do vì ba nghiệp thân-ngữ-ý của chúng sanh đều chẳng thanh tịnh, nên Đức Phật từ tánh đức thanh tịnh lưu lộ ra giới đức thanh tịnh để chúng sanh thấy mà nhận ra giới đức mà mình cũng có, rồi quay đầu trở lại khôi phục lại Tự tánh của mình để những giới đức đó được hiển lộ ra. Phẩm Thọ Lạc Vô Cực ghi: “Tự nhiên gìn giữ, chân chân tinh khiết, chí nguyện vô thượng, tịch định an lạc. Một mai khai thông triệt sáng, trong tướng tự nhiên, bản nhiên thanh tịnh, ánh sáng vô lượng,” đây đã nêu rõ, giới đức thanh tịnh vốn có sẵn trong Tự tánh, chỉ cần quay đầu trở lại gìn giữ nó thì sẽ thoát nhiên đại ngộ. Cổ đức nói: ”Thanh thủy châu gieo vào nước đục, nước đục chẳng thể không trong.” Thanh thủy châu ví cho giới luật, nếu tâm chẳng thể thanh tịnh thì cần phải dùng giới luật để thanh tịnh hóa nó, nếu tâm đã thanh tịnh thì giới luật chẳng cần thiết nữa. Trong Phật môn, chúng ta thực hành pháp Bát Chánh Đạo là để biết cách dùng lý trí như các vị Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát nhằm khắc phục phiền não. Phiền não là cảm tình dục vọng xung động, là tập khí từ vô thủy kiếp tới nay. Nhất là trong xả hội đương thời, mọi người đều có quyền làm chủ chính mình, nên chẳng có luật lệ nào cấm con người suy nghĩ sằng bậy, nói năng lung tung và hành động thô lỗ. Lại thêm sức dụ dỗ, mê hoặc bên ngoài quá mãnh liệt, nên con người dễ buông lung, phóng túng đánh mất đi giới đức vốn sẵn có của mình. Nay, Đức Phật nói ra giới luật là để chỉ cho chúng ta thấy giới đức thanh tịnh vốn sẵn có của chính mình.
Chư cổ đức dạy: ”Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.” Khi có chuyện xung động dẫn khởi lên phiền não dục vọng, chính mình phải ngay lập tức nhận ra nó và nghĩ đến hậu quả của nó để cái quả khổ nhỏ mắc phải hôm nay không biến thành cái quả khổ lớn trong tam đồ mai sau. Đó là biết dùng lý trí để khắc phục phiền não dục vọng! Khi chúng ta vừa khởi lên niệm thứ nhất là vọng niệm, liền giác nó nhanh chóng, thì ý niệm ấy liền lập tức chuyển đổi, nên niệm thứ hai sẽ là niệm giác. Nếu chúng ta chẳng thể biết mỗi ý niệm mình phát ra đều là vọng niệm, thì mình sẽ cuốn theo vọng niệm ấy mà niệm niệm tương tục. Trong pháp môn Tịnh độ, người niệm Phật có trí huệ, nhận biết niệm thứ nhất là vọng, liền chuyển niệm thứ hai thành A Di Đà Phật, tức là họ chuyển được cảnh giới tâm của họ ngay tức thời từ uế thành tịnh. Đó là biết dùng lý trí để khắc phục phiền não dục vọng!
Phẩm Gió Đức Mưa Hoa ghi: “Từng màu từng sắc, không xen không tạp, uyển chuyển sáng suốt, như Ðâu La Miên. Chân bước lên hoa, lún sâu bốn lóng, theo bước chân giở, phẳng lại như cũ.” Đây là câu nói tỷ dụ nhằm dạy người niệm Phật phải biết dùng trí tuệ Bát-nhã sáng suốt để quán sát tâm mình và phải biết uyển chuyển biến đổi vọng niệm thành A Di Đà Phật. Khi tâm mình bắt đầu dấy lên vọng niệm, phải sáng suốt nhận biết nó ngay, từng thứ vọng niệm đều nhận biết rõ ràng mà chẳng cần tác ý, phân biệt, so đo. Tỷ dụ, lúc mình vừa khởi vọng niệm chưa sâu lắm, ví như người bước chân lên thảm hoa chỉ vừa lún sâu bốn lóng, liền tỉnh thức, giở chân lên, chẳng để chân bị lún sâu thêm nữa, thì thảm hoa (ví cho tâm mình) tự nhiên trở lại phẳng lặng như củ. Câu “từng màu từng sắc, không xen không tạp, uyển chuyển sáng suốt, như Ðâu La Miên” hàm chứa ý nghĩa là người giác ngộ, không mê hiểu rõ ràng bản thể của Tự tánh vốn sẵn thuần tịnh sáng suốt, đầy đủ trí huệ và giới đức, nên tâm họ chẳng có vọng niệm xen tạp vào. Câu “Chân bước lên hoa, lún sâu bốn lóng, theo bước chân giở, phẳng lại như cũ” hàm chứa nghĩa là người niệm Phật có trí tuệ thì khi họ vừa khởi tâm động niệm liền giác được nó rất nhanh chóng và lập tức chế phục vọng niệm ấy ngay bằng cách chuyển mê tình thành giác ngộ, tức là chuyển niệm vọng thành niệm A Di Đà Phật. Tóm lại, toàn bộ câu kinh văn “từng màu từng sắc, không xen không tạp, uyển chuyển sáng suốt, như Ðâu La Miên. Chân bước lên hoa, lún sâu bốn lóng, theo bước chân giở, phẳng lại như cũ” chỉ rõ Tông chỉ của pháp tu Giới Tịnh Niệm Phật là chuyển mê thành giác, chuyển tà thành chánh, chuyển nhiễm thành tịnh. Trong pháp tu Giới Tịnh Niệm Phật, hành nhân chẳng sợ niệm khởi mà chỉ sợ giác chậm. Vì sao sợ giác chậm? Vì trong xả hội hiện tại, sức dụ dỗ, mê hoặc rất lớn, cơ hội tạo ác quá nhiều, nên chúng ta phải thường luôn sáng suốt quán sát tâm mình để lúc nào cũng phản tỉnh Tự tâm, tránh mắc phải lổi lầm, gây ra ác nghiệp mà phải lãnh chịu quả báo trong tam đồ.
Chúng ta cũng có thể phản tỉnh Tự tâm bằng cách trưng bài hình Phật, Bồ-tát trong những nơi mình thường xuyên hoạt động như là trong nhà, trên xe, chỗ làm việc, trên thân thể v.v... để thời thời khắc khắc khi nhìn thấy hình Phật, Bồ-tát liền cảnh giác chính mình mà quay đầu trở lại, không để tâm mình bị lún sâu trong vọng niệm, tà kiến. Chúng ta cũng có thể dùng máy niệm Phật để thời thời khắc khắc nhắc nhở mình quay đầu trở lại, chuyển vọng niệm thành niệm A Di Đà Phật. Khi vọng niệm thứ nhất vừa dấy lên, hình ảnh của Phật A Di Đà hoặc câu Phật hiệu sẽ giúp chúng ta chuyển vọng niệm thứ hai trở về với giác-chánh-tịnh. Có người bảo rằng, ngoài bàn thờ ra, không nên trưng bài hình tượng Phật, Bồ-tát khắp nơi làm ô uế Phật, Bồ-tát; đó là bất kính. Người có suy nghĩ như vậy thật là chẳng có hiểu biết gì về Phật, Bồ-tát. Chư Phật, Bồ-tát đã xả ly các tướng chấp thì làm gì còn chấp các tướng cao thấp, sạch dơ kia chứ! Nếu chúng ta có suy nghĩ như vậy thì đó chính là vọng niệm đang tăng trưởng, vì sao? Vì chúng ta đem Phật, Bồ-tát biến thành phàm phu mất rồi, chẳng biết thân Phật bằng với tất cả quốc độ, thân Phật hiện hữu ở khắp mọi nơi, ngay trên cành cây, ngọn cỏ, cọng rác, hạt bụi cũng có Phật. Chư Phật, Bồ-tát lúc nào cũng mong cho chúng sanh đều được thân tâm thanh tịnh, nên các Ngài bất chấp cao thấp, sạch dơ, thường biến hóa ra muôn hình vạn tướng để thân cận chúng sanh nhằm giáo hóa chỉ bài cho chúng sanh nhận ra lẽ thật. Do đó, việc trưng bài hình Phật khắp nơi trong nhà, chỗ làm việc, trên xe, trên thân mình v.v... đều mang ý nghĩa là thường luôn thấy Tự tánh Phật để phản tỉnh lỗi lầm.
Lúc Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, Ngài biểu hiện giới luật lưu lộ ra từ trong tánh đức vốn sẵn thanh tịnh nơi ba nghiệp thân-ngữ- ý của Ngài trong cuộc sống sinh hoạt bình thường. Từng hành vi cử chỉ, nét mặt, ngó nhìn, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, uống nước, tắm rửa, đi ngủ v.v... của Phật nhất nhất đều là an định, từ tốn, thanh tịnh, từ bi và trí tuệ phát xuất ra từ tánh đức vốn thường luôn là như vậy, chẳng hề thay đổi. Trong phẩm Thọ Lạc Vô Cực, Phật dạy: “Tự nhiên gìn giữ, chân chân tinh khiết, chí nguyện vô thượng, tịch định an lạc,” là bảo chúng ta phải thường luôn gìn giữ hành vi cử chỉ, lời nói và ý niệm của mình sao cho thanh tịnh, chẳng bị ô nhiễm bởi trần cảnh. Thế nhưng, muốn được ba nghiệp thân-ngữ-ý thanh tịnh thì kiến giải phải thanh tịnh, bởi vì chỉ có kiến giải thanh tịnh mới đoạn được kiến tư phiền não. Khi kiến giải đã tịnh, không còn khởi lên vọng tưởng nữa, thì mới thấy được Chân tánh của hết thảy các pháp, tức là có chánh kiến, chánh tư duy và chánh niệm. Nếu còn kiến tư phiền não, còn vọng tưởng, phân biệt chấp trước, thì tất cả những gì chúng ta suy nghĩ đều chỉ là vọng tưởng điên đảo, đều là tà tri tà kiến, nên chẳng thể phát được chí nguyện vô thượng.
Có người nghĩ rằng, tu pháp môn Niệm Phật chỉ cần Tín-Nguyện-Hạnh là đủ rồi, chẳng cần kiến giải bởi vì còn kiến giải là còn vọng tưởng. Nói như vậy có đúng lý không? Câu nói này rất đúng, nhưng nó chỉ đúng đối với những ai đã dứt sạch kiến tư phiền não, tức là những người có chánh kiến, chánh tư duy và chánh niệm, không còn vọng tưởng, phân biệt chấp trước nữa. Chúng ta phải biết, đoạn sạch kiến tự phiền não tức là đắc quả A-la-hán. Chúng ta hãy tự suy xét xem chính mình đã đoạn sạch kiến tư phiền não chưa? Nếu chưa thì việc kiến giải pháp môn mình tu vẫn còn là điều cần thiết. Phật dạy người tu hành phải có con mắt trạch pháp, tức là phải hiểu rõ pháp mình tu. Nếu mình chưa biết rõ lý luận về pháp mình tu, tức là kiến giải chưa thông, thì niềm tin ấy chẳng phải là chánh tín, nên sự siêng năng tu hành chẳng phải chánh tinh tấn, mà hễ không chánh thì tức là tà vậy! Buông xả hết mê lầm trong các pháp thế gian là điều rất khó, chẳng dễ dàng gì làm được, chỉ khi nào chúng ta kiến giải thông suốt, không có hiểu lầm, đoạn được nghi tình, không còn kiến tư phiền não nữa, thì đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian mới chẳng còn bị mê lầm nữa. Người học Phật bị Phật pháp làm mê thì cũng vẫn là mê y hệt như mê thế gian pháp, chẳng có gì sai khác. Đó chẳng qua chỉ là việc thay đổi đối tượng để mê, đổi mê pháp thế gian thành mê Phật pháp vẫn là vô dụng, vẫn chẳng thể giác ngộ. Phật pháp là phá mê khai ngộ, chớ chẳng phải là thay đổi đối tượng làm mình mê. Thế nhưng, vì chúng ta còn mê nên vẫn phải tiếp tục học Phật, chỉ khi nào chúng ta thật sự giác ngộ, không còn nghi tình nữa, thì mới không cần tam tạng, mười hai bộ kinh. Lúc ấy, chúng ta mới có thể nhường các bộ kinh này lại cho người khác ngộ, chúng ta chỉ cần nhiếp giữ lấy một câu A Di Đà Phật là đầy đủ lắm rồi, chẳng cần phải nghiên cứu kinh điển làm chi nữa.
Trên lẽ thật, sự giác ngộ của chúng ta chỉ là lý thuyết dựa trên kinh tạng, chớ chẳng phải là sự giác ngộ thật sự từ Chân tâm Tự tánh, tức là chúng ta chưa thâm nhập Phật pháp tạng. Cho nên, hằng ngày chúng ta đọc tụng và nghe giảng kinh là để ôn củ, biết mới, chẳng để quên mất những lời Phật dạy, cho đến khi chúng ta thật sự thâm nhập Phật pháp tạng, thông suốt nguồn đạo, thì lúc ấy mới chẳng cần đến kinh Phật nữa. Kinh luận nhằm giúp chúng ta biết tự ngộ và tự độ, chớ kinh luận chẳng có tâm tánh cũng chẳng phải là Phật pháp thật sự. Phật pháp thật sự chỉ có được ở trong bản tâm thanh tịnh sáng suốt của mình mà thôi. Nếu trong tâm mình không thanh tịnh thì Phật pháp liền bị diệt ngay trong tâm mình, tức là tâm mình không có Phật pháp. Nói cách khác, khi chúng ta không nhiếp giữ được Phật pháp trong tâm thì Phật pháp bị diệt, Phật pháp bị diệt ngay trong tâm của mình, chớ chẳng phải kinh Phật bị đốt sạch hết mới gọi là Pháp tận diệt. Do đó, hằng ngày chúng ta đọc tụng kinh, nghe pháp là để duy trì, giữ gìn, bảo tồn Phật pháp ngay trong tâm của mình, không để mất đi. Chỉ khi nào chúng ta thật sự triệt khai, triệt ngộ rồi, tâm mình chính là Phật pháp, Phật pháp và tâm mình đã trở thành một, thì khi ấy chúng ta mới thật sự không cần đến kinh Phật nữa mà vẫn có thể hiểu và nói kinh đúng như lời Phật nói.
Trong sách Di Đà Sớ Sao của Liên Trì Đại sư có câu: “Kiến thâm nghi đoạn cố,” nghĩa là kiến giải sâu xa, nghi hoặc đoạn trừ. Người tu hành nếu kiến giải chưa thông chính là còn nghi hoặc. Nếu tự mình kiến giải chưa sâu thì trong lúc đọc kinh, nghe kinh tưởng chừng đã hiểu, nhưng thật ra chưa thật sự hiểu, nên về sau lúc gặp phải hoàn cảnh biến đổi sai khác, hoặc nghe ai nói cái gì khác có lý, liền sanh lòng nghi ngờ kinh Phật, mà nghi ngờ lời giáo hóa của Phật là chướng ngại rất lớn cho việc tu hành. Một khi kiến giải đã sâu, nghi tình đã đoạn thì gọi là Độ Nghi Tịnh, tức là tâm đã trở nên thanh tịnh đối với giáo pháp của Phật, đã hiểu rõ minh bạch, một chút nghi ngờ cũng chẳng thể sanh ra. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa khai ngộ, nghi tình chưa dứt, nên vẫn phải tiếp tục học Phật cho đến khi kiến giải thanh tịnh, tức là ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng dấy lên một niệm. Hễ còn dấy lên một niệm là còn vọng tưởng điên đảo, chẳng còn dấy lên ý niệm thì kiến giải mới thanh tịnh. Ba điều “giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh” đều thuộc về cái của chính mình, đều là do mình tự tu mới có được. Chúng ta thử trắc nghiệm lại quá trình học Phật của mình sẽ tự biết, có lúc chúng ta đọc kinh, nghe kinh dường như rất hiểu, nhưng sau khi gặp phải cảnh giới bên ngoài thì lại mù tịch, chẳng thể khởi tác dụng những gì mình đã từng học tập, chẳng thể dùng Phật pháp để chuyển hóa hoàn cảnh, nên trong lòng sanh thêm những mối hoài nghi về Phật pháp, rồi cho là Phật pháp chẳng linh, những lời được ghi chép trong kinh điển chẳng đúng sự thật. Khi nghi tình đã kết thì lâu sau lại càng nghi sâu thêm hơn nữa, đến một lúc nào đó sẽ hoàn toàn chẳng còn tin Phật pháp nữa.
Một khi kiến giải đã sâu, đã thật sự hiểu rõ minh bạch, nghi tinh không còn nữa, thì chúng ta chỉ cần chờ gặp một hoàn cảnh nhân duyên thích hợp nào đó, Tự tánh liền bổng dưng xuất hiện, thoát nhiên đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Do đó, chúng ta trường kỳ đọc tụng một bộ kinh suốt một thời gian lâu dài, ba năm, bốn năm, năm năm nhẫn đến suốt cả một đời, có lúc thâm nhập pháp tạng, bổng dưng khai ngộ. Khi đã khai ngộ rồi thì lúc tiếp xúc với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, Hậu Đắc trí liền phát sanh, không gì chẳng biết. Nếu tu hành xen tạp với nhiều kinh, nghe nhiều pháp môn, tâm mình sẽ sanh thêm tạp loạn, nghi hoặc, chớ chẳng có ích lợi gì. Nếu muốn được Độ Nghi Tịnh thì nhất định chỉ thâm nhập một pháp môn, chỉ nghe giảng một bộ kinh chẳng hề ngừng nghĩ, cho đến khi triệt khai triệt ngộ. Người giảng kinh cũng giống như người nghe kinh, cũng chỉ nên giảng một bộ kinh cho đến khi thoát nhiên đại ngộ. Có nhiều vị pháp sư suốt đời chỉ giảng một bộ kinh, sau khi giảng xong một bộ kinh rồi lại giảng lại từ đầu, cứ thế mà mỗi lần giảng đều có nhiều chỗ khai ngộ khác, cho đến khi người nói và kẻ nghe cùng thâm nhập Phật pháp tạng.
Quy về nguồn gốc thì kinh Phật là do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giảng dạy. Nếu chúng ta học tập theo kinh Phật thì mình chính là học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật. Còn nếu như mình chẳng học tập từ kinh Phật thì dù trên hình thức mình đã quy y Tam Bảo, nhưng trên thực tế vẫn chưa phải là học trò của Phật. Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là thầy dạy ra pháp môn Tịnh độ, A Di Đà Phật là nhân phát sanh ra pháp này lại cũng là quả của pháp này, nên pháp này chính là A Di Đà Phật. Mà A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Giác nên pháp này chính là Vô Lượng Giác, Vô Lượng Giác chính là pháp này. A Di Đà Phật là tên của đức giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc, Ngài lấy pháp này làm danh hiệu của chính mình nên người học kinh này vừa có nhân, vừa có pháp, vừa có quả. Nhân, pháp và quả đều là A Di Đà Phật đều là Vô Lượng Giác nên chẳng gì chẳng giác. Lại nữa, do vì Phật thấy người thế gian đều tham cầu sắc đẹp, phú quý, vinh hoa, tiếng tăm, lợi dưỡng nên Ngài vừa sanh ra là mang thân phận của một vị thái tử có sẵn đầy đủ những thứ mà người thế gian mong muốn. Thế mà, Ngài lại từ bỏ hết thảy những điều ấy để tu hành, để đi khắp nơi hoằng pháp lợi sanh. Những sự kiện này chính là pháp! Phật dạy chúng ta lấy pháp buông bỏ làm nhân, và cái quả của nó là thành Phật. Như vậy, Đức Phật thuận theo thế gian, thực hiện Phật pháp hết sức triệt để, hết sức thực tế, có nhân, có pháp và có quả báo thật sự. Nếu chúng ta phá được lưới nghi, chẳng có mảy may nghi vấn nào cả đối với pháp môn này thì đó chính là Độ Nghi Tịnh.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.195.57 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập