Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Như Lai xứng tánh »»
Vãng sanh là vĩnh viễn giải thoát. Giải thoát là một trong Tam Đức Bí Tạng: Pháp thân, Bát-nhã, và Giải Thoát. Hễ ai đạt được một điều, nhất định sẽ đạt được hai điều kia. Nói cách khác, chỉ cần chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thì nhất định chứng đắc ba đức Pháp thân, Bát-nhã, và Giải Thoát. Nếu chúng ta không thọ trì đọc tụng và nghe giảng kinh Vô Lượng Thọ thì chẳng thể hiểu được vì sao trong tánh đức có sẵn những thứ y báo và chánh báo trang nghiêm thù thắng như vậy? Y báo và chánh báo trang nghiêm là sự thật, trong sự thật ấy luôn hàm chứa đạo lý xứng hợp với Như Lai tánh. Thế nào là Như Lai xứng tánh? Kinh Vô Lượng Thọ nói ra bốn chữ “chánh trực bình đẳng.” Trực tâm là Chân tâm, Chân tâm là bình đẳng tâm, bình đẳng tâm là Nhất tâm. Nhất tâm thì xứng tánh, nhị tâm thì chẳng xứng tánh. Tông Môn thường nói: “Biết được một chuyện này thì vạn sự sẽ hoàn tất. Thật sự giác ngộ một chuyện này thì chuyện gì cũng đều chẳng có, hễ tâm mình là một thì thiên hạ thái bình.” Tịnh độ tông gọi cái một ấy là Nhất tâm Bất loạn. Vậy, chánh trực bình đẳng tâm chính là Nhất tâm Bất loạn. Hễ nhất tâm chẳng loạn thì xứng hợp với Như Lai tánh. Hễ tâm khởi lên ý niệm phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thì chẳng xứng tánh.
Khi chúng ta niệm Phật đạt được Nhất tâm Bất loạn thì bình đẳng tâm, thanh tịnh tâm và chánh trực tâm đều tự nhiên hiện tiền. Vì sao? Vì chúng đều là một chuyện, đều là Nhất tâm Bất loạn. Khi đạt được Nhất tâm Bất loạn, Chân như Bổn tánh bèn hiển lộ, hết thảy tánh đức bèn hiện tiền; đây mới là cái phú quý thật sự trong nhà Phật. Cho nên chúng ta phải biết, giải thoát tự tại là tánh đức trong Tự tánh của chính mình chớ chẳng phải là pháp nào có thể tìm được từ bên ngoài. Trong Bổn tánh chẳng có vô minh phiền não. Trần-sa và kiến tư phiền não đều do từ vọng tâm mà có. Nguyên tắc cao nhất trong Phật pháp là tu Nhất tâm Bất loạn. Nhất tâm Bất loạn là như Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng sanh, chẳng diệt.” Chân tâm tại nơi Phật chẳng tăng, dẫu ở trong tam đồ cũng chẳng giảm, thì đó mới là Nhất tâm Bất loạn. Nếu chúng ta có thể nắm vững nguyên tắc học Phật này, thì chuyện thành tựu trong một đời chắc chắn chẳng phải là chuyện khó. Sở dĩ hiện nay, việc học Phật trở thành khó khăn là vì chúng ta không hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa của Nhất tâm Bất loạn, chẳng hiểu Tam Đức Bí Tạng (Pháp thân, Bát-nhã, và Giải Thoát) đều là tánh đức do Nhất tâm Bất loạn mà hiển lộ.
Nếu chúng ta muốn Nhất tâm, muốn thành tựu Tam Đức Bí Tạng thì phải tu tâm chánh trực bình đẳng, nơi Phật chẳng tăng, nơi chúng sanh chẳng giảm. Hễ vi phạm nguyên tắc này thì dù tu hành suốt một đời này cho đến vô lượng kiếp về sau cũng không thành tựu. Bất luận chúng ta học pháp môn nào cũng chẳng ngoại lệ, cũng đều phải tuân thủ nguyên tắc này. Bát-nhã Tâm Kinh đã khẳng định: “Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.” Tướng không của hết thảy pháp đều chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. Một khi hết thảy các pháp đều đồng quy về Nhất pháp như vậy thì sẽ được Nhất tâm Bất loạn. Do vậy có thể biết, tu hành trong Phật pháp không gì chẳng nhằm tu tâm chánh trực bình đẳng mà thôi. Hễ tâm mình chánh trực bình đẳng thì sẽ tự nhiên thanh tịnh. Cho nên, muốn tu tâm thanh tịnh thì phải tu Nhất tâm trong hết thảy cảnh giới. Trong hết thảy cảnh giới, tâm luôn bất động, chẳng cuồn cuộn nổi sóng, thì mọi việc phải làm đều đã làm xong. Nói cách khác, tu nhất tâm chính là trong hết thảy cảnh giới, tâm mình đều phải thanh tịnh bình đẳng, chẳng tăng chẳng giảm, chẳng sanh chẳng diệt.
Hiện nay phàm phu chúng ta chẳng thể nhất tâm trong hết thảy cảnh giới, nên khi thấy cảnh giới nào không đúng với lòng mong muốn, bèn khởi ý phân biệt, vội vã tránh né, vậy thì làm sao có thể tu thành công cho được? Nếu chúng ta cứ mãi dùng tâm phân biệt, chấp trước, vọng tưởng trong hoàn cảnh, thì chẳng thể nào tu thành công. Người thật sự tu hành, thuận cảnh cũng thế, nghịch cảnh cũng thế, trong mọi hoàn cảnh họ đều tu giống hệt như nhau. Họ tu điều gì trong mọi hoàn cảnh? Họ trừ bỏ ý niệm phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đối với hoàn cảnh để khôi phục lại tâm thanh tịnh bình đẳng; đó gọi là tu Nhất tâm Bất loạn hay tu tâm chánh trực bình đẳng. Trong thuận cảnh, tâm mình chẳng nhuốm bẩn, tức không khởi lòng tham ái, hoan hỷ. Trong nghịch cảnh, tâm mình cũng chẳng nhuốm bẩn, tức không có phiền não, ưu lự. Bất luận trong cảnh giới nào, tâm mình cũng chỉ là chánh trực bình đẳng, thì đó mới là biết dụng công tu hành Phật pháp chân chánh. Đây cũng là điều mà Đức Phật vẫn thường luôn nhắc nhở chúng ta: “Tùy duyên, chẳng phan duyên.” Chúng ta phân biệt, chấp trước đối trước cảnh giới, đó là phan duyên. Lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đối trước hết thảy cảnh giới, thì đó là tùy duyên. Tùy duyên mới có thể kiến tánh, phan duyên chắc chắn chẳng thể kiến tánh. Chúng ta phải khắc ghi lời dạy này của Phật mãi mãi không quên thì sẽ có lúc thoát nhiên triệt khai, triệt ngộ, kiến tánh thành Phật. Chúng ta kiến tánh trong cảnh giới nào? Trong cả hai cảnh giới thuận hay nghịch đều có thể kiến tánh giống hệt như nhau. Chúng ta phải biết, một khi chúng ta sanh lòng ưa thích một hoàn cảnh nào đó thì tâm mình bèn nhuốm bẩn, dù hoàn cảnh mình thích là thiện đi chăng nữa, thì cũng vẫn là cấu ô. Vì sao? Vì một khi đã khởi ý phân biệt, chấp trước đối trước cảnh giới, tâm liền chẳng thanh tịnh bình đẳng nữa.
Cổ đức nói: “Thất tình, ngũ dục.” Thất tình là mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn. Ngũ dục là tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Chúng ta chỉ cần trong tâm dấy lên một niệm thất tình đối với ngũ dục bên ngoài thì cái tâm ấy liền bị nhuốm bẩn. Nếu chúng ta không bị thất tình, ngũ dục nhuốm bẩn thì pháp giới của mình sẽ là thanh tịnh bình đẳng giống như Phật, đó gọi là Như Lai Xứng Tánh. Trong Pháp giới của Phật chẳng có gì không bình đẳng, thiên đường và địa ngục là bình đẳng, thiện và ác là bình đẳng, đúng và sai là bình đẳng, chân và vọng là bình đẳng. Nếu người tu hành có thể giữ được tâm chánh trực bình đẳng như thế, ắt sẽ chứng nhập pháp môn Bất Nhị; đây là sự kiến đạo trong Đại thừa Phật pháp. Địa vị kiến đạo trong Đại thừa là thấy vạn pháp như nhau, vạn pháp bình đẳng như một. Nếu trong hết thảy các pháp, chúng ta vẫn còn thấy sự bất bình đẳng, vẫn còn tâm phân biệt chấp trước, tức là chưa kiến đạo.
Địa vị kiến đạo trong Đại thừa là Sơ Trụ Bồ-tát của Viên giáo. Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa nghiêm là Sơ Trụ Bồ-tát của Viên giáo. Khi Ngài đi tham vấn năm mươi ba thiện tri thức, tâm của Ngài chẳng hề khởi ý niệm phân biệt. Ngài chẳng phân biệt kẻ ấy là xuất gia hay tại gia, kẻ ấy là thiện hay ác, Ngài coi mọi người đều là thiện tri thức như nhau. Do Ngài thường luôn gìn giữ được tâm thanh tịnh bình đẳng như vậy, nên sau khi tham vấn năm mươi ba thiện tri thức, bèn kiến đạo. Còn chúng ta chưa phải là Sơ Trụ Bồ-tát trong Viên giáo, nên càng tham vấn với nhiều người, càng nghiên cứu nhiều kinh sách, càng tăng trưởng phân biệt, chấp trước và vọng tưởng; đấy là vì tâm của chúng ta bị ô nhiễm bởi thất tình, chẳng thanh tịnh bình đẳng, chẳng xứng tánh Như Lai. Sự phát khởi tín tâm đối với Đại thừa được nói trong Đại thừa Khởi Tín Luận cũng chính là địa vị kiến đạo. Cảnh giới lìa bốn tướng (nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả) được nói trong kinh Kim Cang cũng là địa vị kiến đạo. Nếu trong tâm thật sự chẳng có các tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả nữa, tâm bèn trở nên thanh tịnh bình đẳng. Người còn bốn tướng chẳng thể kiến tánh, chẳng phải là hàng Bồ-tát thuộc địa vị kiến đạo.
Trong Tịnh độ tông, Lý Nhất tâm Bất loạn là địa vị kiến đạo, Sự Nhất tâm Bất loạn vẫn chưa phải là kiến đạo. Nếu muốn đạt tới địa vị kiến đạo thì hành nhân phải tu hành đúng như lý như pháp. Đối với sự tu hành, quan trọng nhất là hoàn cảnh nhân sự. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cảm thấy rất khó xử sự trong các hoàn cảnh nhân sự, thế mà việc đối xử với người khác lại càng khó hơn. Chúng ta muốn thanh tịnh, muốn sống trong hoàn cảnh bình lặng, nhưng người khác không muốn. Đây là vấn nạn lớn của hầu hết mọi người tu hành; cho nên người tu hành phải biết lấy hoàn cảnh nhân sự và người khác làm đối tượng để rèn giũa tâm cảnh của chính mình sao cho được bình lặng. Nếu hành nhân đắc thanh tịnh tâm trong mọi hoàn cảnh nhân sự thì hoàn cảnh vật chất tự nhiên cũng sẽ thanh tịnh, chẳng cần phải nói tới nữa. Do đó, chúng ta tu hành phải bắt đầu từ hoàn cảnh nhân sự mà tu, Bồ-tát tu hành trong chốn hồng trần mà tâm chẳng nhiễm mảy trần thì mới có thể kiến đạo.
Người tu pháp Tiểu thừa thì khác hẳn, họ thấy hoàn cảnh nhân sự quá phức tạp nên muốn tránh né hoàn cảnh nhân sự. Họ đi vào chốn rừng sâu, núi thẳm, xa lìa gia đình, xã hội để tu, nên vĩnh viễn chẳng thể kiến đạo. Họ có thể đắc định, có được tâm thanh tịnh, nhưng sự thanh tịnh ấy chỉ là tịnh trong nhiễm tịnh, tức là tịnh trong đối lập, là thanh tịnh tương đối, chớ chẳng phải là thanh tịnh chân chánh. Vì sao? Vì khi họ rời khỏi rừng sâu, núi thẳm, rời khỏi hoàn cảnh thanh tịnh đến thành thị ở vài ngày, liền bị não loạn, cảm thấy rất khó chịu không thể ở lâu. Đó chính là tâm bị nhuốm bẩn chớ chẳng phải là tâm thanh tịnh chân chánh. Nói cách khác, sự thanh tịnh ấy chẳng phải là cảnh giới của thường-lạc-ngã-tịnh nên không chịu nổi sự khảo nghiệm của hoàn cảnh nhân sự, dễ dàng trở thành bất tịnh. Sự thanh tịnh chân chánh nhất định phải chịu sự khảo nghiệm và rèn giũa hằng ngày, thành tựu thanh tịnh tâm trong mọi hoàn cảnh nhân sự, thì đó mới là thanh tịnh chân chánh. Sự thanh tịnh rời khỏi hai bên nhiễm và tịnh mới có vô lượng công đức. Người tu đạo cao minh khi gặp hoàn cảnh nhân sự khó khăn, họ quán chiếu thấy rõ đây chỉ là môi trường khảo nghiệm để họ dụng công. Họ biết rất rõ phải dùng pháp gì để biến đổi hoàn cành nhân sự từ nhiễm thành tịnh.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật mô tả cung điện, nhà cửa, lầu gác v.v… nơi cõi Cực Lạc để làm gì? Để biểu hiện tánh đức nơi ấy. Tự tánh vượt thoát ra khỏi trần cảnh nên Tự tánh có thể quán chiếu bao quát hư không bát ngát vô tận chẳng sót thứ gì, kinh gọi đó là “nhà cửa lầu gác.” Toàn bộ cảnh vật trong kinh Vô Lượng Thọ chẳng gì là chẳng nói về tánh đức. Tâm Kinh nói: ”Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” có nghĩa là vượt thoát trần cảnh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm bảo: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” là nói tới tâm lượng bao la rộng lớn không có giới hạn, tâm rỗng không có thể bao trọn hết thảy hư không khắp pháp giới bát ngát vô cùng tận. Tỷ dụ, bên trong nhà cửa lầu gác phải trống rỗng mới có thể bao dung mọi vật, mọi người trong đó. Nếu nhà cửa lầu gác đặc ruột, chẳng trống rỗng, thì nhà cửa lầu gác ấy là vô dụng vì chẳng thể dung chứa được một vật gì cả. Chân như Bổn tánh ví như nhà cửa lầu gác, do nó trống rỗng nên có thể bao trọn tận hư không, chứa đựng khắp pháp giới. Nếu chúng ta hiểu rõ đạo lý này thì sẽ thấy mỗi pháp, chẳng có pháp nào không phải là Phật pháp. Cho nên, người tu đạo phải biết dùng cái tâm trống không, một niệm không sanh để bao dung hết thảy tất cả hoàn cảnh nhân sự và chúng sanh. Nhà cửa lầu gác nơi cõi Cực Lạc là tỷ dụ giúp chúng ta thấy tâm cảnh của chính mình, khi nhìn thấy nhà cửa lầu gác bèn nghĩ tâm mình phải trống không giống như vậy mới có thể bao dung mọi hoàn cảnh nhân sự và người khác, thì đấy chính là Phật pháp chân chánh! Khi nhìn thấy đường sá bằng phẳng bèn nghĩ tâm mình phải chánh trực bình đẳng, bằng phẳng thẳng thắn giống như con đường này, thì đấy chính là Phật pháp chân chánh! Thậm chí khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần đều thấy không có cảnh giới nào chẳng phải là Phật pháp, thì đó mới là biết quán chiếu Bát-nhã sâu xa. Nói giản lượt, nếu muốn trong tâm mình chẳng có một vật thì tâm phải thường trống sạch rỗng không như Lục Tổ Đại sư đã dạy: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần.”
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói thời kỳ Mạt pháp, nhất định phải đề xướng pháp Đại thừa. Vì sao? Vì Đại thừa Phật pháp và TiểuThừa không hoàn toàn giống nhau. Các nghi thức và giáo điều trong Đại thừa Phật pháp cởi mở bao dung, chẳng giống Tiểu thừa Phật pháp có quá nhiều giáo điều gò bó, chẳng tự tại, không thích hợp với hoàn cảnh nhân sự của người thời nay. Người thời nay thích tự do cởi mở và bình đẳng, không thích bị ràng buộc trong giáo điều. Phật pháp Đại thừa cởi mở bao dung, không phân biệt chấp trước, nên chẳng những không trở ngại cuộc sống bình thường mà còn khiến cho cuộc sống hiện tại được tràn đầy hạnh phúc mỹ mãn hơn. Do vì Phật pháp Đại thừa rất thích hợp với thời đại hiện nay nên dễ được tiếp nhận. Tỷ dụ, Tiểu thừa cấm không cho ca múa, Đại thừa có ca múa. Trong Đại thừa, ca múa cũng là biểu thị pháp, ca múa biểu thị mộng, huyễn, bọt, bóng. Người tu pháp Đại thừa có thể xem TV mỗi ngày, xem TV là tu Quán chiếu Bát-nhã. Người có căn tánh Đại thừa xem TV thấy tất cả hoàn cảnh nhân sự và vật chất trong thế gian đều là mộng, huyễn, bọt, bóng. Họ càng coi TV càng thấy rõ chân tướng sự thật là toàn thể vũ trụ và nhân sanh đều là mộng, huyễn, bọt, bóng đang bày ra trước mắt, thì cớ gì phải chấp trước để đánh mất đi tâm thanh tịnh bình đẳng của mình? Vì thế, người thật sự hiểu rõ Phật pháp Đại thừa, biết dùng trí tuệ Bát-nhã để quán chiếu vũ trụ nhân sanh, có thể xem TV. Xem TV là tu Nhất tâm Tam Quán, tức Không, tức Giả, tức Trung. Người chưa thấu rõ Phật pháp Đại thừa, chưa biết quán chiếu Bát-nhã, chưa biết tu Nhất tâm Tam Quán thì chớ nên xem TV, vì xem TV rất dễ bị nhiễm bẩn.
Sâu xa hơn nữa là Nhất thừa Phật pháp. Giáo pháp Nhất thừa là Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Người tu Nhất thừa Phật pháp hưởng thụ tất cả những sự vui sướng phú quý nhất trong đời nhưng trong tâm chẳng khởi niệm ưa thích, ham muốn. Cuộc sống của người tu hành trong Nhất thừa Phật pháp đúng thật là chân, thiện, mỹ, huệ. Họ sống vô cùng vương giả, vui vẻ, sung sướng, lại có thể tự tại tu hành, tự do hành đạo theo kiểu của người nơi cõi Cực Lạc, chẳng có gì trở ngại cuộc sống thế gian và cũng chẳng có gì trở ngại đạo của họ, mà lại còn có thể thành tựu đạo nghiệp nhanh chóng với phẩm vị rất cao. Vấn đề là chúng ta có thể chuyển biến quan niệm trong hoàn cảnh nhân sự hay không mà thôi! Nếu chúng ta ở trong cảnh giới hưởng thụ vui sướng phú quý mà sanh tâm tham nhiễm, cầu hưởng thụ, có mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn, thì sẽ bị bị đọa lạc, bị cảnh giới xoay chuyển. Nếu chúng ta ở trong cảnh giới hưởng thụ vui sướng phú quý mà chẳng bị cảnh giới xoay chuyển thì như kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Nếu có thể chuyển cảnh, ắt giống như Như Lai.” Muốn được giống như Như Lai thì tối thiểu phải là bậc Sơ Trụ Bồ-tát trong Viên giáo thì mới có cùng Chân tánh với Như Lai. Kinh nói chúng dân trong Phàm Thánh Đồng Cư độ nơi cõi Cực Lạc hưởng thụ tất cả sự vui sướng phú quý mà trong tâm chẳng khởi niệm ưa thích, ham muốn, thì phải biết căn tánh của họ phải tương đương với các bậc Bồ-tát từ Sơ Trụ Bồ-tát trong Viên giáo trở lên trong các cõi Phật phương khác.
Chúng ta học kinh Vô Lượng Thọ là học Phật Pháp Nhất thừa, nên dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể dấy lên Quán chiếu Bát-nhã. Người có căn tánh Nhất thừa càng suy nghĩ lời Phật nói càng thấy có lý, nhờ đó mà dễ dàng tiếp nhận những gì Phật nói trong kinh. Trong pháp Quán chiếu Bát-nhã có dạy, từ quán chiếu mà chiếu trụ, lại tiến hơn một bước nữa là chiếu kiến, chiếu kiến bèn nhập vào cảnh giới của chư Phật, Bồ-tát. Do đó, người học Phật Pháp Nhất thừa nhất định phải khởi đầu bằng quán chiếu Bát-nhã. Quán chiếu Bát-nhã có nghĩa là: Ở trong bất cứ cảnh giới nào cũng có thể thời thời khắc khắc dấy lên tâm cảnh giác, thấy tất cả hoàn cảnh nhân sự và vật chất đều là biểu thị pháp, biết rõ tất cả các pháp đều từ Tự tánh biến hiện ra rồi cũng trở về Tự tánh. Trở về Tự tánh là liễu giải được Phật Pháp Nhất thừa chỉ là “Tất cả không, vô ngã.”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.92.58 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập