Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Vài Ghi Chú Rời Về Thiền »» Xem đối chiếu Anh Việt: Vài Ghi Chú Rời Về Thiền »»
Bài viết này là một số ghi chú rời về Thiền. Một số vấn đề sẽ được nhìn từ nhiều hướng, với gợi ý để suy nghĩ nhiều hơn là khẳng định. Bài này cũng sẽ viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu và khả dụng – để bất kỳ ai cũng có thể thấy thiền tập là pháp tu trực tiếp nhất, có thể tiếp cận bằng nhiều cách, có thể giúp người tập có ngay ảnh hưởng trên thân và tâm gần như tức khắc, thấy an lạc ngay trong từng hơi thở và trong từng niệm một.
Thiền tập là đề tài bình thường và dễ gặp nhất trong hầu hết các sách về Phật Giáo (PG) tại Hoa Kỳ, nơi giới trí thức đang khám phá và ứng dụng như một công cụ đa dụng để chữa lành rất nhiều bệnh thân và tâm, và đã dùng như một phương pháp gìn giữ hòa bình, kể cả những nơi bạo lực gay gắt như trại tù.
Trong khi ứng dụng nơi công quyền Hoa Kỳ – như trong quân đội, trại giam, trường học, bệnh viện… -- thiền tập Phật Giáo được lược bỏ tính tôn giáo, để giữ thuần như một phương pháp thư giãn và trị liệu, nhiều khuynh hướng thiền tập khác đã xuất hiện. Trong đó có thiền tập theo khuynh hướng Ấn Độ Giáo, hay thiền tập ứng dụng vào phương pháp tĩnh tâm hay bồi linh của các hệ phái Thiên Chúa Giáo…
Một điểm chú ý là thiền tập theo các khuynh hướng tôn giáo mới xuất hiện, thoạt nghe có vẻ như là Phật Giáo, với các giáo chủ tự cho là vô thượng; họ dùng các ngôn ngữ và thiền pháp đã chế biến từ Phật Giáo để lôi kéo tín đồ. Chúng ta từng nghe nhiều chuyện trong cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ về những người theo các đạo mới chế biến từ PG đã ly dị vì bất hòa trong gia đình khi nói về các giáo chủ tôn giáo mới lạ đó, đã bán nhà để cúng cho các tân giáo chủ mà họ tin đó là các vị Phật mới. Tại sao như thế? Phần lớn, vì họ tập thiền theo các vị đó, cảm thọ an lạc, và tin ngay rằng đó là thiền nhà Phật.
Nói ngắn gọn, trong tình hình như thế, chúng ta cần phải quảng bá phương pháp thiền tập của PG, phải nói rằng ai cũng có thể tập thiền PG, và phải cho biết rằng thiền tập PG mang lại hạnh phúc và lợi ích vô cùng tận cho người tập, và tận cùng là giải thoát.
ĐI TÌM PHÁP HÀNH…
Nhưng, thiền tập thế nào?
Phổ biến hiện nay tại Hoa Kỳ là pháp để tâm vào “here and now”… nghĩa là, để tâm vào cái “ở đây và bây giờ.” Nhiều vị nói rằng đó là Thiền chánh niệm (Right Mindfulness), tức là chi phần thứ 7 trong Bát Chánh Đạo. Chỗ này cũng tùy, chưa hẳn như thế.
Chúng ta thử luận về pháp này, không phải để bác bỏ hay chấp nhận, nhưng để hiểu rằng Đức Phật dạy cốt tủy là phải có Giới trước. Hễ không có Giới, pháp nào cũng là sai. Vì pháp để tâm vào “bây giờ và ở đây” có thể giúp một chiến binh thiện xạ giết người nhiều hơn, giúp một chuyên viên ngân hàng lừa gạt nhiều hơn, giúp tăng thọ lạc kể cả khi làm điều bất chính… Trên nguyên tắc, không có gì sai, nếu giữ được Giới.
Thêm nữa, có thực rằng chánh niệm là để tâm vào “bây giờ” được không? Khi một niệm khởi lên, sẽ xảy ra tiến trình: sinh trụ dị diệt – niệm khởi, niệm an trụ, niệm biến đổi và niệm biến mất. Cái “bây giờ” đó sẽ là khoảnh khắc nào trong tiến trình này? Cái “bây giờ” thực tướng là ảo tưởng, là vô hình tướng, là sản phẩm lý luận của ý thức… Thực sự, Đức Phật dạy rằng ba thời “quá, hiện, vị lai” đều cần phải buông bỏ (Kinh Pháp Cú, Bài Kệ 348, Đức Phật dạy ngài Uggasena).
Trong kinh khác, Đức Phật dạy sáu pháp niệm: Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới, Niệm Thí, Niệm Thiên. Tất cả sáu pháp đều là niệm có đối tượng.
Trong khi đó cái “bây giờ” là ảo, cái “ở đây” thực ra là mơ hồ, vì không chỉ rõ ở đâu trên thân và tâm, vì chúng ta chỉ có thể để tâm vào cái “ở thân” hay “ở tâm,” hay chỉ có thể để tâm vào cảm thọ (niệm thọ) hay vào hơi thở (một phần của niệm thân)… Như thế, thiền pháp nhà Phật đã được lược bỏ, được làm thành khẩu hiệu ngắn gọn thành “ở đây và bây giờ”…
Nhưng, nơi đây không có ý nói rằng sai hay đúng. Chỉ gợi ý để suy nghĩ, vì những điểm này quan trọng với người thực tu, và vì vẫn có thiền pháp không đối tượng. Không phải thọ lạc nào cũng nên giữ.
KINH NHẬT TỤNG SƠ THỜI
Câu hỏi rằng, Kinh Nhật Tụng trong những năm đầu hoằng pháp, Đức Phật yêu cầu chư Tăng học và tụng gì?
Xin trả lời, Kinh Nhật Tụng xưa cổ nhất nhận ra trong Tạng Pali là 16 Chương Aṭṭhaka Vagga và Parayanavagga (trong Kinh Tập, Tiểu Bộ Kinh).
Trong Kinh Sona Sutta, có nói về Kinh Nhật Tụng 16 Chương mà ngài Sona đọc, khi được Đức Phật yêu cầu đọc Phật Pháp, trích dịch:
"...Đức Thế Tôn mời Thượng tọa Maha Sona, và nói, "Tỳ khưu, tôi muốn ông đọc lên Chánh Pháp."
Trả lời Đức Phật rằng, "Xin vâng lời," Thượng tọa Maha Sona đọc toàn bộ 16 chương Aṭṭhaka Vagga." (1)
Bản Anh dịch Kinh Tăng Chi Bộ của Ni Trưởng Sister Upalavanna cũng có một kinh ghi rằng nữ cư sĩ Velukantaki Nanda mỗi rạng sáng đều tụng đọc lớn tiếng nhóm 16 kinh này. (2)
Các kinh này đều đã được dịch ra Việt ngữ. Nhóm 16 Kinh dùng làm Kinh Nhật Tụng trong các năm đầu Đức Phật truyền pháp được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch trong "Chương Bốn - Phẩm Tám" (Atthakavagga) và "Chương Năm - Phẩm Con Đường Đến Bờ Bên Kia" (Parayanavagga). (3)
Trong sách “The Buddha Before Buddhism” (Đức Phật Trước Thời Phật Giáo) Giáo sư Gil Fronsdal, cũng là một thiền sư nổi tiếng, đã dịch Phẩm Tám ra Anh ngữ, và ghi nhận nơi trang 141 (ấn bản sách giấy, chưa thấy bản điện tử) rằng điều kinh ngạc nhận ra là trong các năm đầu hoằng pháp, nhóm kinh nhật tụng Phẩm Tám này không nói gì về Tứ Thiền, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thất Giác Chi…
Trong khi đó, Giáo sư Luis O. Gomez trong bài viết “Proto-Maadhyamika in the Paali canon” (Tiền Thân Trung Quán Luận Trong Tạng Pali) nhận thấy nhóm 16 kinh (Phẩm Tám và Phẩm Con Đường Đến Bờ Bên Kia) nhiều thế kỷ sau đã xuất hiện lại trong văn học hệ Bát Nhã, Trung Quán Luận, và Thiền Tông Trung Hoa. (4)
TU PHÁP KHÔNG GÌ ĐỂ NẮM GIỮ
Khi đọc nhóm kinh này, sẽ thấy phải tu pháp không hề thấy có gì để nắm giữ. Phái Tào Động của Thiền Tông nói ngắn gọn là: “hãy buông bỏ cả thân và tâm” (thân tâm phóng hạ).
Và như thế, có thể nói ngắn gọn, rằng phải “tu pháp không hề có pháp nào để tu hết” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương), rằng phải “giữ tâm vô sở trụ” (Kinh Kim Cương), rằng "Thiền tư không y chỉ vào tứ đại, không y chỉ vào tứ thiền bát định, không y chỉ vào thế giới này hay thế giới sau, không y chỉ vào thấy nghe hay biết, nhưng vẫn có Thiền tư…" (Kinh Tuấn Mã -- Sandha Sutta), rằng hãy “quăng bỏ cả thấy nghe hay biết” (Kinh Lăng Nghiêm), và rất nhiều kinh khác.
Dưới cái nhìn như thế, Ngài Long Thọ của Trung Quán Luận, và Ngài Huệ Năng của Thiền Tông Trung Hoa là những hậu duệ trung thành nhất với lời dạy trong Kinh Nhật Tụng sơ thời của Đức Phật.
Như trong Bát Nhã Tâm Kinh, với bản dịch nghĩa của Thầy Thích Trí Thủ, có câu, trích rằng:
"...không vô minh, cũng không vô minh hết; cho đến không già chết, cũng không già chết hết; không khổ, tập, diệt, đạo; không trí cũng không đắc..."
Như thế là bác bỏ Thập Nhị Nhân Duyên (khởi đầu là vô minh), bác bỏ pháp ấn Vô Thường (già, chết), bác bỏ Tứ Diệu Đế (khổ tập diệt đạo), bác bỏ cả Bồ Tát Đạo (trí, trong lục độ), bác bỏ của việc chứng quả Vô Thượng Bồ Đề (không có gì để đắc).
Khi đọc 16 chương kinh nhật tụng sơ thời – Atthakavagga và Parayanavagga – sẽ thấy y hệt Bát Nhã Tâm Kinh, sẽ thấy có lời dạy là đừng nắm giữ bất kỳ pháp nào, đừng chấp giữ cả giới luật (cảnh giác: nhưng không nên nghĩ là phạm giới không sao, vì luật nhân quả không sai chút nào) và đừng chấp giữ cả Phật Pháp.
Thử trích Aṭṭhaka Vagga (Phẩm Tám), bản dịch Bhante Varado, trong Kinh Paramaṭṭhaka Sutta, đoạn thơ 803, và đối chiếu nhiều bản dịch:
"...He does not hold on even to the Buddha’s teachings..." (Vị này không nắm giữ ngay cả Phật Pháp...)
Bản dịch của Gil Fronsdal: “One does not construct, prefer, or take up any doctrine. A [true] brahmin not led by precepts or religious practices…” (Vị này không dựng lập, không ưu ái, không nắm giữ bất kỳ lý thuyết nào. Một Phạm chí chân thực không bị lèo lái bởi giới luật hay tu tập tôn giáo…”
Bản dịch của Pannobhasa Bhikkhu: "The holyman is gone beyond boundaries -- by him there is nothing..." (Vị này vượt qua mọi giới hạn -- không có gì bên vị này cả...)
John D. Ireland dịch: "They do not speculate nor pursue (any notion); doctrines are not accepted by them." (Họ không dựng lên lý thuyết nào, không chạy theo bất kỳ khái niệm nào; họ không chấp nhận lý thuyết nào cả).
Thanissaro Bhikkhu dịch: "They don't conjure, don't yearn, don't adhere even to doctrines." (Họ không dàn dựng lên, không ước muốn theo, không gắn mình vào bất kỳ giáo thuyết nào).
Max Müller và Max Fausböll dịch: "They do not form (any view), they do not prefer (anything), the Dhammas are not chosen by them, a Brâhmana is not dependent upon virtue and (holy) works; having gone to the other shore, such a one does not return." (Họ không dựng lập bất kỳ quan điểm nào, không ưa thích bất kỳ pháp nào, cũng không lựa chọn ngay cả Chánh Pháp, một vị Phạm chí không dựa vào ngay cả giới luật, và không dựa vào cả việc làm công đức).
HT Thích Minh Châu dịch: "803. Họ không tác thành gì, Họ không đề cao gì, Các pháp không được họ, Chấp trước nắm giữ gì Không một Phạm chí nào, Bị giới cấm dắt dẫn, Đi đến bờ bên kia, Vị ấy không trở lui." (5)
Dù vậy, không phải ai cũng hiểu được và tu được như thế. Chúng ta đọc lại sử Thiền Tông Trung Hoa (và Việt Nam, kể cả Việt Nam cận đại), sẽ thấy một số trường hợp, khi học trò xin Thầy dạy pháp, liền bị bạt tai, hay ăn gậy, hay bị la mắng. Bởi vì đây là cửa không cửa. Nói nhà Thiền không cửa vào, nhưng không có nghĩa là không có pháp để truyền dạy. Ngộ nhập được cửa này, sẽ thấy cực kỳ hạnh phúc.
Có một công án nói rằng, hãy bước lên đầu sào trăm trượng và bước thêm một bước nữa. Nghĩa là gì? Đó là bước vào Tánh Không. Cái bước tối hậu đó là: sau giới định huệ sẽ là quăng bỏ tất cả pháp.
NGHE PHÁP, TỤNG KINH CÓ THỂ GIẢI THOÁT?
Tới đây, chúng ta có thể nêu câu hỏi: Có thể giải thoát mà không cần thiền tập? Có thể giải thoát mà chỉ cần nghe pháp? Hay chỉ cần tư duy, nghiền ngẫm về pháp nghĩa là sẽ dứt sạch phiền não và đắc thánh quả?
Câu hỏi trên rất quan trọng, vì trong hoàn cảnh người Việt hiện nay, phân tán toàn cầu, việc làm nơi xa xứ có thể nặng nhọc, và nơi ở có khi không gần chùa, phương tiện tiếp cận giáo pháp hầu hết là nghe pháp qua mạng YouTube.com hay đọc kinh luận trên Internet.
Đức Phật trả lời rằng có thể. Có thể chỉ nghe pháp, hay chỉ tư duy về pháp là đủ để giải thoát. Lời dạy này nằm trong Kinh Tăng Chi Bộ AN 5.26. Kinh này được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là Giải Thoát Xứ. Riêng bản Anh dịch của Piya Tan có nói thêm chi tiết, biện giải về 5 giải thoát xứ, và dẫn nhiều tham khảo thêm.
Đức Phật dạy rằng có 5 con đường có thể xóa bỏ hoàn toàn phiền não, đạt thánh quả cao nhất:
1. Lắng nghe (hay học) Chánh pháp;
2. Giảng dạy Chánh pháp;
3. Tụng đọc Chánh pháp;
4. Tư duy ý nghĩa Chánh pháp;
5. Thiền tập.
Nên ghi chú rằng, trong khi lắng nghe, giảng dạy, tụng đọc hay tư duy đều phải tỉnh thức; vì nếu không, mình sẽ chỉ là cái máy cát-sét, lại vô ích. Nơi đây, chúng ta trích Kinh Tăng Chi Bộ AN 5.26, về cách đầu tiên, rằng chỉ cần nghe pháp với tâm tịnh tín là sẽ giải thoát. Cuối bài này sẽ có links tới bản Việt dịch và 2 bản Anh dịch AN 5.26.
Bản Anh dịch Kinh AN 5.26 của Bhikkhu Bodhi, trích phần đầu, nói rằng riêng lắng nghe là đủ để giải thoát:
"What five?
(1) “Here, bhikkhus, the Teacher or a fellow monk in the position of a teacher teaches the Dhamma to a bhikkhu. In whatever way the Teacher or that fellow monk in the position of a teacher teaches the Dhamma to the bhikkhu, in just that way he experiences inspiration in the meaning and inspiration in the Dhamma. As he does so, joy arises in him. When he is joyful, rapture arises. For one with a rapturous mind, the body becomes tranquil. One tranquil in body feels pleasure. For one feeling pleasure, the mind becomes concentrated. This is the first basis of liberation, by means of which, if a bhikkhu dwells heedful, ardent, and resolute, his unliberated mind is liberated, his undestroyed taints are utterly destroyed, and he reaches the as-yet-unreached unsurpassed security from bondage."
Bản Việt dịch Kinh AN 5.26 của HT Thích Minh Châu, trích:
"Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Tùy theo bậc Ðạo Sư, hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo như thế nào, như thế nào,tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý hoan hỷ, thân được khinh an. Do thân được khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ nhất; ở đấy, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt tới."(6)
Dù như thế, tất cả các vị thầy trong mọi truyền thống PG đều khuyến khích nên thiền tập, vì thiền là con đường ngắn nhất, trực tiếp nhất.
Điều tốt nhất, với một Phật tử, nên tu học cho đầy đủ: nên nghe pháp và đọc kinh luận nhiều (giải thoát xứ 1); nên thuyết giảng, nên viết truyện về giáo lý, nên viết bài lý luận về kinh điển (giải thoát xứ 2); nên tụng đọc kinh, đọc thầm hay lớn tiếng cũng được (giải thoát xứ 3); nên tư duy, nghiền ngẫm ý kinh (giải thoát xứ 4); và nên thiền tập (giải thoát xứ 5).
PHƯƠNG PHÁP CHỈ VÀ QUÁN
Trong kinh, khi nói về thiền tập, nói rằng có 4 đạo lộ tới quả A La Hán. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, có kinh Yuganaddha Sutta, Đức Phật dạy rằng có 4 lối đắc quả A La Hán.
Hoặc tu chỉ trước, tu quán sau. Hoặc tu quán trước, tu chỉ sau. Hoặc chỉ và quán đẳng dụng. Thứ tư, là khi tâm dao động mạnh và rồi lắng xuống, đạo lộ đắc quả A La Hán hiện ra.
Có thể nêu câu hỏi về trường hợp thứ tư: có phải điều này giải thích được các trường hợp tham công án hay tham thoại đầu (phương pháp này khó gọi được là chỉ hay quán)?
Trong bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu có mở ngoặc cho trường hợp thứ tư, ghi chú thích là "[Comm: the corruptions of insight]" (Sách Bình Luận: tuệ quán bị hỏng, bất an).
Trong khi đó, có 2 bản Anh dịch ghi chú rằng trường hợp thứ tư là “đốn ngộ,” là tức khắc trở thành A La Hán, và dẫn ra trường hợp ngài Bahiya Daruciriya trong Kinh Bahiya Sutta. Hai bản này giải thích:
“This state of spiritual anxiety, when suddenly resolved, can sometimes precipitate an instantaneous experience of awakening. For an example, see the story of Bāhiya Dārucīriya at Ud 1:10.” (Trạng thái xao xuyến tinh thần này, khi hốt nhiên giải quyết, có thể đôi khi gây ra kinh nghiệm giác ngộ tức khắc. Thí dụ, hãy đọc truyện về ngài Bahiya ở Kinh Ud 1:10.)
Lời bình đó ghi trong sách “In the Buddha's Words: An Anthology of Discourses from the Pali Canon,” bản dịch Bhikkhu Bodhi, ấn bản 2005, trang 440, chú thích số 11; và sách “Numerical Discourcourses of the Bhudda,” bản dịch ký tên chung Nyanaponika Thera & Bhikkhu Bodhi, ấn bản năm 1999, trang 295.
Nghĩa là, Đức Phật đã nói về đốn ngộ. Đọc lại Kinh Pháp Cú (Dhammapada), một tuyển tập các kinh được tin là có mặt trước rất nhiều kinh khác, kể nhiều trường hợp quý ngài tức khắc giải thoát, tức khắc xa lìa phiền não chỉ sau khi nghe một lời dạy của Đức Phật.
Một trường hợp khác: Ni trưởng Bhadda Kundalakesa. Bà là cựu nữ tu sĩ Đạo Kỳ Na (Jain), nổi tiếng về tài biện luận chưa từng thua ai. Một lần, bà dẫn theo nhiều người tới chứng kiến việc bà thách thức tranh biện với Ngài Xá Lợi Phất. Sau khi bà đưa ra nhiều câu chất vấn, Ngài Xá Lợi Phất đều trả lời hùng biện, biện biệt tới khi bà không còn câu hỏi nữa. Tới phiên Ngài Xá Lợi Phất đặt câu hỏi, Ngài nêu câu đầu tiên: "What is the One?" (Cái gì là Một?) và bà Bhadda im lặng, vì đây là câu hỏi làm bà thắc mắc suốt nửa thế kỷ trên đường tu học theo pháp ẩn sĩ Kỳ Na. Bà theo làm học trò Ngài Xá Lợi Phất, và rồi một lần, tới khi Đức Phật nói lên một đoạn kệ, bà tức khắc trở thành A La Hán. Bà được ca ngợi là đắc quả nhanh nhất trong các vị ni. (7)
Câu hỏi của Ngài Xá Lợi Phất nghe y hệt như công án các thiền sư Trung Hoa về sau: Muôn pháp quy về một, một về đâu?
Tuy nhiên, thiền tập là một nỗ lực đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Cả Ngài Bahiya và Ni Trưởng Bhadda đều trải qua nhiều thập niên thiền tập theo cách riêng.
Thực tế, đa số các thiền sư đều dạy pháp chỉ quán đẳng dụng. Pháp này nói cho ngắn gọn, theo Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713), một thiền sư Trung Quốc đời nhà Đường, là: “tỉnh tỉnh, lặng lặng.” Nghĩa là “tỉnh giác và vắng lặng, đồng thời.” Chữ tỉnh dấu hỏi, không phải tĩnh dấu ngã. Ngài Huyền Giác dạy chung là như thế, tuy bản thân Ngài trực ngộ là khi xem Kinh Duy Ma Cật.
HAI THIỀN PHÁI LỚN CỦA VIỆT NAM
Hai vị thiền sư lớn của Việt Nam đương đại – Thầy Nhất Hạnh và Hòa Thượng Thích Thanh Từ -- cũng dạy pháp chỉ quán đẳng dụng theo cách riêng (phân tích này của người viết chỉ là suy luận, nhìn từ vị trí của người ngoài tông phái, nên không có tính thẩm quyền).
Thầy Nhất Hạnh có lời dạy tuyệt vời mấy câu thơ thường được trích dẫn:
Thở vào tâm tỉnh lặng,
thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại,
Giây phút đẹp tuyệt vời.
Bất kỳ ai cũng có thể tập được như thế: quan sát hơi thở, trong khi tâm vừa tỉnh (quán) vừa lặng (chỉ), cảm nhận hỷ lạc (mỉm cười), an trú trong hiện tại (hiểu là lúc đó, tạm xa lìa tham sân si mạn nghi), và tâm lúc đó đẹp tuyệt vời. Nếu đi đứng nằm ngồi cứ như thế, theo Kinh Phật, tất nhiên sẽ tới lúc giải thoát.
Thầy Thích Thanh Từ dạy pháp theo thứ tự: đếm hơi thở, theo dõi hơi thở, tri vọng.
Thầy Thích Thanh Từ không làm thơ. Người viết trong khi nghiên cứu các thiền pháp, đã đúc kết lời dạy của Thầy (hy vọng, không sai ý) thành mấy câu thơ:
Lặng nhìn hơi thở,
toàn thân nhẹ nhàng
Hễ thấy bất thiện,
xả ly dịu dàng.
Trong thơ này, lặng là chỉ, nhìn là quán, niệm thân là theo dõi hơi thở, niệm thọ về hơi thở trên thân, niệm tâm là thấy bất thiện thì xa lìa. Cứ như thế hoài, Kinh Phật dạy, tất sẽ giải thoát.
Tại sao tri vọng là một con đường giải thoát?
Đức Phật dạy rằng Ngài chỉ dạy có hai pháp, qua đây sẽ giải thoát: (a) nhìn thấy bất thiện là bất thiện, và (b) sau đó là lìa bỏ bất thiện.
Có thể đọc thấy nội dung “tri vọng và lìa vọng” trong Kinh thứ 39 của "Itivuttaka: The Group of Twos § 39" -- bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu, và bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu trong Tiểu Bộ Kinh - Kinh Phật Thuyết Như Vậy - Chương Hai - Hai Pháp (XXXIX). (8)
Đức Phật cũng dạy đơn giản cho Ngài Culapanthaka trong Kinh Pháp Cú – Bài Kệ 25 rằng “hễ thấy bụi, thì lau”… trong vòng chưa hết buổi sáng, Ngài Culapanthaka chứng quả A La Hán, đắc thần túc thông.
Tất cả các pháp nhà Phật, để nói đơn giản, thì rất đơn giản: đi đứng nằm ngồi luôn luôn phòng hộ sáu căn, bất kể mọi chuyện thế gian. Thiền Lâm Tế gọi đó là “Đoạt nhân không đoạt cảnh” – tức là phòng hộ tâm, bất kể chuyện gì ở trần cảnh. Để thực hiện như ý, dĩ nhiên là khó, cần tinh tấn lâu dài.
Trong khi đó, tác phẩm “Vivid Awareness” của Khenchen Thrangu nói về một thiền pháp Tây Tạng, chia làm 2 phần: trước tiên là tu pháp của pandita (học giả), học cho tới khi hiểu hết kinh điển, biện luận tới khi không còn chỗ nào ngờ vực để nhận ra Bản Tâm, sau đó tu pháp của kusulu (giữ tâm ngây thơ như kẻ khờ).
Thực tế, nếu giữ tâm tỉnh giác, lặng lẽ, hồn nhiên, không gì vướng bận, không gì dính mắc, tâm hoàn toàn không còn chỗ y chỉ… tức khắc đã là Niết Bàn, tức khắc là hệt như Đức Phật dạy trong Bahiya Sutta: trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy, trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe…
ƯU TIÊN TU CHỈ, HAY QUÁN?
Trong khi Đức Phật nói về 4 đạo lộ đi tới quả A La Hán, các vị sư đời sau thắc mắc: nên ưu tiên tu chỉ (samatha), hay ưu tiên tu quán (vipassana)? Hay chỉ tu riêng quán?
Nhiều thầy nói rằng không cần tu các tầng thiền (Jhana), bởi vì Đức Phật trong đa số các kinh chỉ nhấn mạnh về thiền quán (insight meditation – vipassana). Một số thầy khác nói rằng cần phải tu pháp chỉ, tức tập định, vào các tầng thiền, vì Đức Phật có dạy, không lẽ đời sau không tu?
Thiền sư Miến Điện Ledi Sayadaw (1846-1923), bản thân đã tu trọn hết các tầng thiền và chuyên nghiên cứu và thuyết giảng về bộ luận Abhidharma, nhưng khi ngài hoằng pháp, chỉ dạy pháp vipassana và nói rằng không cần tu samatha. Lý do vì nhiều kinh cho thấy chưa cần đắc định, chỉ cần cận định, khi đắc huệ là có thể đắc quả A La Hán.
Thiền sư Ledi Sayadaw nói rằng một người (kể cả cư sĩ) chỉ cần mức tối thiểu định, gọi là khoảnh-khắc -định “momentary concentration” (khanikasamadhi), là có thể tập quán niệm hơi thở, hay niệm thọ trên thân.(9)
Kinh sách gọi đó là pháp tu “càn huệ” hay “huệ khô” hay “pháp tu không cần định” – tiếng Anh là pure insight” hay “dry insight” (suddhavipassana or sukkhavipassana).
Lý do được Thầy nói rằng tập các tầng thiền cần sống biệt lập nhiều tháng hay nhiều năm, trong khi Miến Điện lúc đó đang nằm dưới chế độ thuộc địa, và toàn dân Miến Điện, đặc biệt là giới cư sĩ đời thường, cần được đánh thức bằng phương pháp thiền khẩn cấp của nhà Phật để cứu đạo, cứu đời.
Thầy dẫn ra Kinh Pháp Cú – Bài Kệ 142, cho thấy một cư sĩ, chỉ nhờ một khoảnh khắc trí tuệ bừng tỉnh, là đắc quả A La Hán. Đó là trường hợp quan tể tướng Santati dẹp loạn biên thùy xong, về được Vua Pasenadi thưởng tài sản lớn và cô vũ nữ xinh đẹp. Quan Santati say sưa với rượu và vũ nữ, tới ngày thứ bảy cùng cô mang rượu ra bờ sông tắm, ăn nhậu, vui chơi. Trong khi say sưa, quan Santati gặp Đức Phật đi khất thực, chỉ chắp tay chào. Đức Phật nói với Ngài Anan rằng ông quan kia sẽ tìm Đức Phật trong ngày, và sẽ chứng quả A La Hán ngay trong ngày, và sẽ nhập diệt cùng ngày.
Cô vũ nữ xinh đẹp trong khi nhảy múa, tự nhiên đột quỵ, ngã chết, mắt và miệng há to. Quan Santati chạy tìm Đức Phật, nói rằng xin chỉ cách xa lìa sầu buồn, khổ đau. Đức Phật dạy:
"In the past there has been in you clinging (upadana) due to craving; get rid of it. In future, do not let such clinging occur in you. Do not also harbour any clinging in the present; by not having any clinging, craving and passion will be calmed in you and you will realize Nibbana." (10)
(Dịch: Trong quá khứ, đã có tham ái khởi lên trong con; hãy buông bỏ. Trong tương lai, chớ để dính mắc như thế trong tâm. Con cũng chớ nên dính mắc vào bất cứ những gì trong hiện tại; bằng cách không trụ vào bất kỳ pháp nào, tham dục và tham ái sẽ lắng xuống trong con, và con sẽ chứng nhập Niết Bàn.)
Lời dạy trên có thể nói ngắn gọn: ưng vô sở trụ… hãy buông bỏ cả quá, hiện, vị lai…
Quan Santati tức khắc đắc quả A La Hán, và thấy rằng thọ mạng sẽ kết thúc ngay trong ngày. Quan mới nói với Đức Phật rằng “đã tới thời khắc, con phải nhập Đại Bát Niết Bàn.” Đức Phật ưng thuận. Quan Santati bay lên không, dùng Hỏa quang Tam muội tự thiêu. Các tăng ni mới hỏi Đức Phật, rằng quan Santati đắc quả và nhập diệt rồi, nên gọi ngài là gì – là một Sa Môn (nhà sư) hay là một Phạm chí (người cư sĩ đời thường, có đức hạnh)?
Đức Phật đáp, rằng quan Santati gọi được cả hai, vừa là Sa Môn, vừa là Phạm chí.
Tương tự, trong bài viết “Is Jhana Necessary?” (Có cần tu các tầng thiền?) trên trang web của The Vipassana Dhura Meditation Society (VDMS), có ghi lời của Thiền sư Miến Điện Mahasi Sayadaw (1904-1982) – người đã mở nhiều trung tâm thiền Vipassana ở Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan, Indonesia, và Hoa Kỳ -- rằng có thể tập tức khắc Vipassana mà không cần có định đầy đủ.(11)
Thiền sư Nyanaponika Thera (1901-1994) -- đồng sáng lập tổ chức Buddhist Publication Society, tác giả nhiều sách về Theravada -- cũng viết trong sách “The Heart of Buddhist Meditation,” ấn bản 1988, trang 103, rằng Kinh Pali có nhiều trường hợp không tu định, nhưng đã đắc quả Thánh ngay khi tu pháp nhìn quán chiếu trần trụi (bare insight) vào thực tại.
Nơi khía cạnh khác, VDMS dẫn lời Thiền sư Matara Sri Nanarama Mahathera từ Sri Lanka rằng nếu chỉ đắc định (samatha), mà chưa kịp tu huệ (vipassana), sẽ sinh vào cõi Phạm thiên, và trong khi tu sẽ có nguy cơ là say mê cõi bình an hỷ lạc của định.
Thiền sư Venerable Visuddhacara – người Mã Lai, nhưng xuất gia ở Miến Điện với Ngài Sayadaw U Pandita, học cả Vipassana và Samatha từ nhiều sư Miến Điện – trong bài viết “Vipassana & Jhana: What The Masters Say” ghi nhận rằng trong cuốn sách “Living Buddhist Masters” (Lúc đầu do BPS xuất bản, sau đổi nhan đề sách là “Living Dharma” khi xuất bản bởi Shambala) của tác giả Jack Kornfield, trong đó là tuyển tập của 12 thiền sư Theravada, tất cả đều nói rằng học nhân có thể tu Vipassana mà không cần tu tầng thiền nào. Trong 12 nhà sư nổi tiếng đó, có các thiền sư Thái Lan như Achaan Chah, Achaan Dhammadaro…
Có nhiều phương pháp dạy thiền tập khác nhau, nhưng tất cả đều có hiệu quả, vì hoặc dựa vào Kinh Phật, hoặc dựa vào các bộ luận như A Tỳ Đạt Ma, hay Thanh Tịnh Đạo. Có những thầy dạy các phương pháp không bộ phái, hoặc tổng hợp. Thí dụ, như chuỗi thế hệ thầy trò: Ledi Sayadaw dạy cho ngài Saya Thetgyi, rồi Thetgyi dạy cho ngài U Ba Khin, rồi U Ba khin dạy cho ngài S. N. Goenka. Các sách lưu lại cho thấy mỗi vị trong dòng này đều tuần tự dạy thiền qua những cách hơi khác nhau. Nổi tiếng nhất là Ngài Goenka, người đã từng tới Việt Nam mở các khóa thiền thất 10 ngày, dạy tổng hợp cả niệm thân, quán tưởng và niệm thọ: trước tiên là tập hơi thở, rồi "scan body" tức là dùng hơi thở quét từ đỉnh đầu xuống toàn thân...
Như thế, Ngài Goenka dạy khác với các vị thầy đang dạy niệm "bây giờ và ở đây" -- kể cả khác với các pháp trong Lục Niệm của Đức Phật. Một nhà sư Hoa Kỳ sau 27 năm tu theo phương pháp các tầng thiền (Jhana) khi vào dự một khóa tu của Ngài Goenka, đã viết bài phân tích, bày tỏ bất đồng. Bản thân người viết không muốn đi sâu vào lý luận, chỉ muốn nói rằng có rất nhiều phương pháp dẫn ra từ kinh điển, đều có diệu dụng riêng, và không nên vì dị biệt thói quen mà tranh luận. Và mỗi người, tùy cơ duyên, sẽ thích nghi với pháp này, hoặc pháp kia.
Tương tự, một số học trò của Ngài Ajahn Chah là Ajahn Sumedho và Ajahn Amaro đang dạy pháp lắng nghe âm thanh nội tâm... như một phương tiện tổng hợp cả chỉ và quán để ngộ Vô Ngã, thấy Tánh Không. Có vẻ như Kinh Lăng Nghiêm? Hay như đọc sách của Ngài Ajahn Chah, bản thân người viết thấy y hệt như Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng.
PHƯƠNG PHÁP TU ĐỊNH
Dù vậy, căn cơ chúng sinh đa dạng, cho nên vẫn có nhiều vị Thầy khuyến khích nên tu định. Ghi nhận một điểm: muốn có thần thông, bắt buộc phải tu định; đó cũng là lý do nhiều vị thầy vipassana không khuyến khích tu định, vì kinh có kể rằng người có thần thông khi bất chợt nổi sân, sẽ gây nghiệp khó lường. Trong khi đó, tu định (samatha) dễ tới an lạc nhất, và là bước đầu của Thiền Đại Thủ Ấn của PG Tây Tạng.
Leigh Brasington, người dạy pháp samatha theo phương pháp của Thiền sư Ayya Khema, trên trang nhà riêng www.leighb.com/ đã viết nhiều bài về thiền tập Theravada.
Trong bài “Instruction for Entering Jhana” (Hướng Dẫn Tập Định), cũng in lại trên tạp chí Insight Journal, ấn bản mùa thu 2002, Brasington giải thích về một cách tập định đơn giản, rằng, hãy biết từng hơi thở vào và từng hơi thở ra, chú ý cảm thọ khi hơi thở ra vào lỗ mũi, nếu phân tâm hãy đếm hơi thở từ 1 đến 8 và đếm tiếp khởi sự từ 1, nếu phân tâm nữa hãy gọi tên sự phân tâm đó bằng một chữ (như: lo, buồn, muốn… gọi bằng chữ nào cũng được), sau khi gọi tên sự phân tâm hãy thư giãn và chú tâm vào lại hơi thở, thư giãn là rất quan trọng.
Brasington trong nhiều năm đã học samatha và vipassana với nhiều thiền sư ở Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan, Hoa Kỳ.
Ông viết là, khi nói tổng quát, sẽ phân loại có hai: "Sutta Style Jhanas" (Các Pháp Định Theo Kinh) và "Visuddhimagga Style Jhanas" (Các Pháp Định Theo Luận Thanh Tịnh Đạo).
Nơi đây sẽ không thảo luận chi tiết. Độc giả quan tâm, có thể mua sách “Right Concentration: A Practical Guide to the Jhanas” của Leigh Brasington.
Ông viết rằng, phương pháp dạy định theo bộ Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) áp dụng chủ yếu ở Tu viện Pa Auk Monastery (Miến Điện), trong khi phương pháp dạy định theo các kinh (Suttas) áp dụng chủ yếu ở thiền đường của ngài Ayya Khema, vị Thiền sư mà ông là người nối pháp.
THẤY SẮC LÀ THẤY KHÔNG
Trong Bát Nhã Tâm Kinh viết rằng Sắc tức là Không. Làm thế nào để nhìn thấy như thế?
Trong bài viết tựa đề “Xuân Mãi Xuân” của nhà sư Nguyễn Thế Đăng, có nói về ý trên:
“Tất cả sinh vật và sự vật là hiện tướng của tánh Không. Cho nên thấy Sắc là thấy Không, chứng Không là chứng Sắc.” (12)
Trước tiên, để nói về Không (Emptiness).
Đức Phật thường nói về ba pháp ấn Khổ, Vô Thường, Vô Ngã. Trong một số Kinh, Đức Phật nói về tứ pháp ấn Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã; và Kinh khác, nói là Khổ, Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn. Trong khi một số độc giả thắc mắc rằng nên nói ba hay bốn pháp ấn, thực sự không có gì dị biệt cả.
Sách "Phật Học Cơ Bản - Tập Hai" ấn hành bởi Ban Hoằng pháp Trung ương, GHPGVN, bài viết của Thầy Nguyên Tuấn, trích:
"...vô thường, khổ và vô ngã là ba dấu ấn xác định, chứng nhận tính chính thống của giáo lý đạo Phật... Trong kinh tạng A Hàm, đôi khi Ðức Phật cũng dạy về Tứ pháp ấn là vô thường, khổ, vô ngã và Niết bàn (kinh Tăng Nhất A Hàm - phẩm Tăng thượng thứ 23). Tuy nhiên, đấy chỉ là sự triển khai của Tam pháp ấn... Tứ pháp ấn đôi khi cũng được phát biểu là vô thường, khổ, vô ngã và không (kinh Tăng Nhất A Hàm - phẩm Thất tà tụ thứ 2)..." (13)
Đó là dẫn Kinh Tăng Nhất A Hàm. Trong Kinh Tạng Pali bản dịch của Ngài Bhikkhu Bodhi cũng có chỗ nói về tứ pháp ấn: Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã. Xin mời xem bài “Đức Phật Dạy Pháp Thấy Tánh” ở các đoạn dịch "Kinh Saṃyuktāgama 79. Kinh về Giáo pháp ngắn gọn" và link ở ghi chú thứ 11. (13)
Làm sao nhìn thấy Không? Làm sao nhìn thấy núi sông nhà cửa ruộng đồng thực tướng là Không?
Có thể lý luận thế này: hễ thấy Vô thường, tất thấy Vô ngã, tất thấy Không.
Đức Phật dạy rất minh bạch qua Luật Duyên Khởi: hễ cái này có, thì cái kia có; hễ cái này khởi lên, cái kia sẽ khởi lên; khi cái này không có mặt, sẽ không có cái kia; khi cái này tịch diệt, cái kia cũng tịch diệt.(14)
Và bây giờ, xin dẫn lời dạy từ Thanh Tịnh Đạo Luận của Buddhaghosa, bản Anh dịch "The Path of Purification: Visuddhimagga" của Bhikkhu Ñaanamoli, Chương XVII, trang 623, trích:
"Nor from a single cause arise
One fruit or many, nor one fruit from many"
(Không phải từ một nguyên nhân đơn lẻ khởi lên
Một quả hay nhiều quả, cũng không phải một quả từ nhiều [nhân]." (15)
Chúng ta có thể lấy một thí dụ: một ca sĩ đứng hát trên sân khấu, giả sử hát tới câu “Tôi yêu tiếng nước tôi…” với dàn nhạc đệm, có trống, đàn, ánh sáng điện, loa và vân vân.
Giải sử nói về âm thanh chữ “tiếng” giữa câu trên. Chúng ta nghe được, và biết tức khắc không có bất kỳ một nguyên nhân đơn lẻ nào dẫn tới chữ “tiếng”… vì phải có một ca sĩ tài năng, nhiều thập niên luyện giọng, âm thanh này từ chất giọng cũng phải có nhạc sĩ đệ đàn, cũng phải có nhạc sĩ sáng tác hoàn chỉnh, phải có điện… Chữ “tiếng” này cũng không phải nhiều nguyên nhân, vì tuy có nhiều nguyên nhân nhưng từng khoảnh khắc, từng âm thanh của từng chữ trong câu “Tôi yêu tiếng nước tôi…” vẫn hoàn toàn khác nhau. Và khi tụ hội tất cả các nguyên nhân đó, khi cô này hát lại ngày mai, ngày kia, từng khoảng khắc vẫn khác nhau.
Nghĩa là, từng khoảnh khắc trong đời chúng ta, dù nhìn thấy hay nghe được, đều MỚI TINH KHÔI. Và như thế, các pháp hiện ra trong Tánh Không rỗng rang của gương tâm. Hệt như hình ảnh và âm thanh trong các kênh truyền hình.
Đức Phật nói, ai thấy Duyên Khởi là thấy Pháp, và ai thấy Pháp là thấy Đức Phật.
Như thế, hễ thấy Sắc tức là thấy Không, dù đó là núi sông nhà cửa ruộng đồng. Thấy Không, cũng là thấy Tánh Bất Động của vạn pháp. Thấy Duyên Khởi cũng thấy thấy các pháp Không Đến, Không Đi… và là thấy thường tịch diệt tánh.
NHẬN RA BẢN TÂM
Trong Thiền Tông Trung Hoa và Việt Nam, cốt tủy là phải thấy bản tâm trước. Không nên nghĩ rằng bản tâm là cái gì, chỉ nên nghĩ rằng đó là Tánh Không, nơi tất cả các pháp hiện lên qua hình ảnh trước mắt chúng ta, qua âm thanh chúng ta nghe được – ngắn gọn, qua sắc thanh hương vị xúc pháp. Không chỉ ra nơi đâu là tâm được, nhưng hễ chỉ ra bất cứ những gì thấy trước mắt hay nghe bên tai đều biết ngay là được hiển lộ trong gương tâm.
Kinh Lăng Nghiêm nói, toàn tướng tức tánh, và toàn tánh tức tướng. Hay toàn sóng là nước, và toàn nước là sóng. Hay là nói rằng nhẫn, xuyến, thoa đều là vàng; và ngược lại. Nhưng, chớ nên nghĩ cục đá dưới chân là cảnh ảo trong tâm, vì chúng ta co cẳng đá tất sẽ bị thương tổn; mà cũng chớ nên nghĩ đó là cái gì có thực, vì đã học rằng tất cả đều tự Luật Duyên Khởi, và thực tướng là rỗng rang vô tướng. Nó không phải là thực, cũng không phải là ảo, cũng không phải là cái gì ở chặng giữa, hay chặng ngoài. Cục đá đó, hay âm thanh cô ca sĩ hát lên đó, chính là thế giới duyên khởi từ căn-trần-thức. Pháp tu Đức Phật đã dạy là không trụ tâm vào bất cứ gì, dù là có hay không hay chặng giữa hay chặng ngoài có-không, dù là thời khoảng nào của quá-hiện-vị-lai, dù là bất cứ những gì của căn-trần-thức.
Tuy rằng Thiền Tông Trung Hoa nói là “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” (không dùng tới ngôn ngữ, truyền pháp ngoài kinh điển,” nhưng trong 16 chương của Kinh Nhật Tụng Sơ Thời của Đức Phật, chúng ta thấy đã được trùng tuyên gần như toàn bộ trong Tín Tâm Minh của Tăng Xán và trong Chứng Đạo Ca của Huyền Giác. Đọc kỹ, sẽ thấy rằng Thiền Tông Trung Hoa là giáo pháp Đức Phật dạy trong 16 chương nêu trên.
Trong khi đó, Ngài Ajahn Chah, Thiền sư Theravada nổi tiếng ở Thái Lan, trong bài giảng “The Middle Way Within” có nói:
“The true 'original mind' has nothing to measure it by, there's nothing you can know it by. In its natural state it is unshaken, unmoving... The real basis of Buddhism is full knowledge of the truth of reality. If one knows this truth then no teaching is necessary.”
(Bản tâm chân thực không có gì để đo lường, không có gì để quý vị có thể biết tới. Trong trạng thái tự nhiên, nó thì bất động, không lay chuyển… Nền tảng thực của Phật Giáo chứa đầy những hiểu biết về sự thực của thực tại. Nếu ai biết sự thực này, sẽ không còn cần giáo pháp nào nữa.” (16)
Đó là ngôn ngữ của Huệ Năng, Lâm Tế, Hoàng Bá… được nói bằng ngôn phong Theravada Thái Lan.
Làm thế nào để thấy bản tâm? Bản tâm như thế, còn gọi là Tánh, là Vô Tự Tánh, là Thực Tướng Rỗng Rang Vô Tướng, còn gọi là Niết Bàn Thường Lạc Ngã Tịnh.
Tới đây, chúng ta hãy suy nghĩ: Đức Phật đi đứng nằm ngồi đều không rời Niết Bàn. Tương tự, các thánh tăng đi đứng nằm ngồi cũng đều không rời Niết Bàn.
Như thế, Niết Bàn đó là ở trước mắt, ở bên tai, không ở phương xứ nào nhưng lại là khắp các chỗ. Niết Bàn là tâm, và nhìn đâu cũng là thấy Niết Bàn. Đó là lý do, chư tổ khi đốn ngộ tâm này, mới nói rằng không ngờ tâm này bao trùm khắp bốn phương núi sông đất liền.
Có nhiều cách để nhận ra Niết Bàn Tự Tâm. Chư Tổ Thiền sư Trung Hoa thường nói rằng hãy ly tức cú, hãy tuyệt bách phi. Ly tứ cú là từ Kinh Kim Cương, tuyệt bách phi là từ Kinh Lăng Già. Nơi đây, chúng ta dẫn ra đoạn kệ 874 trong Phẩm Tám trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, tức là nhóm 16 chương Đức Phật khi sinh tiền đã yêu cầu tăng ni cư sĩ tụng đọc hàng ngày.
Trước khi đọc kệ 874, chúng ta nên dẫn lại một câu trong Kinh Kim Cương: “Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (Nếu thấy hình thể sắc tướng mà không phải hình thể sắc tướng, tức là thấy được Phật).
Nghĩa là, nói như nhà sư Nguyễn Thế Đăng đã viết, đã dẫn ở trên: “Tất cả sinh vật và sự vật là hiện tướng của tánh Không. Cho nên thấy Sắc là thấy Không, chứng Không là chứng Sắc.”
Làm sao thấy được núi sông đất đai ruộng đồng trước mắt là Không? Làm sao nhìn và nghe cô ca sĩ hát trên sân khấu mà thấy sắc tướng âm thanh biến mất để chỉ hiển lộ ra Tánh Không Duyên Khởi? Đoạn kệ 874 này sẽ dẫn ra nhiều bản Anh dịch, nhằm cho thấy rằng Thiền Tông Trung Hoa thực sự là lời dạy rất sơ thời của Đức Phật. Tất cả 6 bản Anh dịch và bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu nằm chung vào (17). Nơi đây chỉ ghi lại bản của Brasington và của Ngài Thích Minh Châu.
874. "His conceptualization is not the ordinary kind, nor is his conceptualization abnormal; he is not without conceptualization, nor is his conceptualization of that which is finished-- to such a one form disappears. Conceptualization is indeed the source of obsessive ideas." (Bản Anh dịch của Leigh Brasington)
874. Không có tưởng các tưởng,
Không có tưởng vô tưởng,
Phi tưởng cũng không có,
Vô hữu tưởng cũng không.
Do sở hành như vậy,
Sắc pháp không hiện hữu,
Do nhân duyên các tưởng,
Hý luận được hình thành.
(Bản của HT Thích Minh Châu)
Sau đây là dựa vào bản in trên sách “The Buddha Before Buddhism” của Fronsdal, dựa vào 6 bản Anh dịch trong link trên, và dựa bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu) người viết diễn lại cho dễ hiểu là thế này:
874. Tâm tưởng của người đó [về đối tượng sắc thanh hương vị xúc pháp] không phải là kiểu bình thường, mà cũng không phải là kiểu dị thường; người đó không phải không có tâm tưởng [về đối tượng sắc thanh hương vị xúc pháp], mà cũng không phải tâm tưởng [về đối tượng sắc thanh hương vị xúc pháp] đã bị biến mất. Đối với một người như thế, SẮC TƯỚNG ĐÃ BIẾN MẤT. Thực sự, tâm tưởng khái niệm hóa chính là cội nguồn của thế giới tâm phan duyên.
Nghĩa là, y hệt Kinh Kim Cương: “Nếu thấy sắc tướng không phải là sắc tướng, tức là thấy Như Lai.” Đây là pháp định vô tướng của ba giải thoát môn – Không, Vô Tướng, Vô Tác. Nói là vô tướng, nhưng muốn nói là vô lượng tướng cũng được, vì tất cả đều bao trùm trong Không.
Đọc lời dạy này của Đức Phật, chúng ta hiểu vì sao khi các Thiền sư Trung Hoa và Việt Nam nói rằng pháp thiền này chỉ dạy khi cắt bỏ đường ngôn ngữ, vì hễ mở miệng, hễ nghĩ ngợi, hễ suy lường đều là hỏng. Đây là Đức Phật dạy cách nhìn thấy Sắc chính là Không. Toàn bộ 16 chương Kinh Nhật Tụng không nói gì về chuyện ngồi hít thở hết, chỉ là chỉ thẳng vào tâm để thấy khắp thế giới đang hiển lộ trong rỗng rang gương sáng. Như thế, tức tâm tức cảnh, và ngược lại. Nghe tiếng chim kêu, nhận ra tâm hiển lộ; mắt thấy lá cờ, nhận ra tâm hiển lộ. Tâm và cảnh là bất nhị, nhưng gọi là một thì hỏng, bởi vì chỗ này không có lời nào nói được. Nói bất nhị cũng đúng, nói là một cũng đúng, nói là trăm hay ngàn cũng đúng.
Và như thế, pháp môn này không có cửa vào, và đồng thời đưa mắt nhìn đâu cũng thấy là cửa vào. Lúc đó, nói năng động tịnh, đi đứng nằm ngồi, thấy nghe hay biết đều thọ dụng một vị Niết Bàn,
RỖNG RANG GƯƠNG SÁNG
Những dòng đầu tiên của Kinh Pháp Cú là, theo bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu:
1. "Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo".
2. "Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình".
Sau khi Đức Phật đọc hai đoạn thơ trên, Kinh viết rằng tức khắc có ba mươi ngàn nhà sư đắc quả A La Hán cùng lúc đắc Tuệ Phân Tích (Analytical Insight -- Patisambhida, tức là Tứ Biện Tài). Con số ba mươi ngàn tỳ khưu có lẽ chỉ có ý nghĩa là nhiều vô số, nhưng khởi đầu Kinh và ghi con số như thế hẳn là để nhấn mạnh rằng lời dạy này cực kỳ quan trọng. Chữ ý trong 2 đoạn trên là thức (vinnana), theo Buddhaghosa, được Daw Mya Tin dịch ra Anh văn, và biên tập bởi Burma Pitaka Association.(18)
Như thế, tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm trong cõi này đều là các hiện tướng xuất hiện trong tâm, nương theo cảnh mà hiện trong tâm, dù có thật xa như trời xanh hay mây trắng.
Đức Phật định nghĩa rằng tất cả hiện tướng thân tâm và thế giới (tâm và cảnh) đều là tương tác của căn-trần-thức. Như trong Kinh SN 35.23 (Kinh Tất Cả: "Các sư, bởi vì ngoài cái tất cả đó (ngoài cái thấy và cái được thấy, ngoài cái nghe và cái được nghe, tương tự với mũi, lưỡi, thân, ý…) lại không nằm trong lĩnh vực của ý.”) và Kinhh SN 35.82 (Kinh Thế Giới) (19)
Giải thích về thế giới cũng tương tự, trong Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Bốn Pháp, bản dịch của HT Thích Minh Châu qua 2 kinh (V) (45) Rohitassa và (VI) (46) Rohitassa, trích lời Đức Phật nói với Thiên tử Rohitassa:
"Này Hiền giả, Ta tuyên bố rằng: "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới". Nhưng này Hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt." (20)
Các trích dẫn vừa nêu về ý và pháp, về tâm và cảnh, về tận cùng thế giới trong thân dài mấy tấc này sẽ cho chúng ta hiểu về Động Sơn Ngũ Vị của dòng Thiền Tào Động.
Động Sơn Ngũ Vị còn gọi là Quân Thần Ngũ Vị (Năm mức độ giữa vua và tôi). Như sau.
(i) Chính trung Thiên: Sóng nằm trong nước. Nhìn thấy sắc tướng hiện tượng nằm trong bản tâm rỗng rang gương sáng (thí dụ, nghe tiếng chm kêu, nhận ra ngay bản tâm hiển lộ).
(ii) Thiên trung Chính: Nước không lìa sóng. Nhìn thấy gương tâm rỗng rang hiện ra khắp sắc tướng hiện tượng (thí dụ, nhận ra rằng lìa bản tâm, sẽ không có tiếng chim kêu).
(iii) Chính trung lai: Từ trong nước, các sóng hiện ra. Từ bản tâm rỗng rang, tiếng chim kêu mới hiển lộ.
(iv) Thiên trung chí: Sóng và nước cùng tới; tiếng chim kêu và bản tâm cùng hiển lộ. Người xưa giải thích rằng "Lưỡng nhẫn giao phong bất tu tị -- Hai kiếm đua nhau cần gì tránh" trong đó hai mũi kiếm giao đấu không lìa nhau, hệt như sóng và nước cùng hiển lộ như hai mũi kiếm giao tranh và cùng tới, hệt như tiếng chim kêu và bản tâm đồng thời hiển lộ.
(v) Kiêm trung đáo: Cùng tới hòa hợp, như vua tôi hòa hợp, như sóng và nước hòa hợp. Người xưa giải thích: ứng hợp các duyên, không rơi vào có với không, không rơi vào nhiễm với tịnh. Như tiếng chim kêu và bản tâm hòa lẫn vào nhau, không phải một cũng không phải hai, không phải ít cũng không phải nhiều. Tất cả đều là một vị Niết Bàn.
Tới đây xin kết. Bài này là những ghi chú rời, nhưng cũng là lời mời gọi tất cả người Việt trên toàn cầu thiền tập với những cách thích nghi. Dị biệt thì có nhiều, nhưng tổng quát là Giới, Định, Huệ. Thực hành hàng ngày nên là Văn (nên học nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều), Tư (tư duy, nghiền ngẫm pháp nghĩa, viết bài hoằng pháp), Tu (không cần ngồi thiền, nhưng từng giây phút trong ngày nên thiền tập theo một pháp thích nghi). Thiền tập là một nỗ lực lâu dài, nhưng sẽ mang tới cực kỳ hạnh phúc; một phút thiền, là một phút an lạc, và tận cùng là giải thoát.
Xin chúc lành mùa xuân.
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.140.19 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập