Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Sức mạnh của sự tha thứ »» Xem đối chiếu Anh Việt: Sức mạnh của sự tha thứ »»
Gina Sharpe là người đồng sáng lập và là thành viên của Hội Nhà giáo của Trung tâm Thiền Tuệ New York, Hoa Kỳ. Bà cũng dạy thiền ở các trung tâm khác nữa.
Tha thứ không phải là chuyện dễ làm. Khi ta đã bị làm hại, bị tổn thương, bị phản bội, bỏ rơi hay bóc lột, thì sự tha thứ dường như là việc không thể thực hiện. Tuy nhiên, trừ khi ta tìm được cách nào đó để tha thứ cho người, nếu không ta sẽ chôn giữ sân hận và sợ hãi trong tim mãi mãi.
Thử tưởng tượng thế giới này sẽ ra sao nếu sự tha thứ không có mặt. Thử tưởng tượng chúng ta sẽ như thế nào nếu mọi người đều giữ chặt mọi tổn thương, mọi bất mãn, mọi sân hận phát khởi khi ta cảm thấy bị phản bội. Nếu ta cứ giữ mọi thứ đó trong tâm, không chịu buông bỏ chúng, thì cuộc sống sẽ khốn khổ thế nào.
Không biết tha thứ là ta phải mang theo mình những khổ đau của quá khứ. Như Jack Kornfield đã nói, “Tha thứ là xóa bỏ mọi hy vọng làm cho quá khứ tốt hơn”. Trong ý nghĩa đó thì tha thứ không phải là cho hành động ác hại nào của ai đó; mà là cho mối liên hệ của ta đối với quá khứ của mình. Khi bắt đầu khởi lên lòng tha thứ, đó chính là sự khởi đầu tu tập cho bản thân ta.
Ngài Đại Trưởng lão Ghosananda, một Tỷ-kheo Nguyên thủy, được biết đến với danh hiệu là “Gandhi của Campuchia”. Ngài thường hướng dẫn những cuộc thiền hành Dhammayietra (Cuộc hành hương của chân lý) vào đầu những năm 1990, sau khi các hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến giữa Khờ-me Đỏ và chính quyền Campuchia mới đã được ký kết.
Khi ngài Ghosananda mất năm 2007, ở tuổi 78, một bài điếu văn đăng trên báo The Economist đã tả chi tiết về những trải nghiệm của ngài khi đi xuyên suốt Campuchia sau chiến tranh. Ngài thường thấy chiến tranh vẫn còn dữ dội. Rốc-két vẫn bay trên đầu người đi hành hương, các cuộc đọ súng vẫn xảy ra quanh họ. Một số người hành hương đã bị giết. Nhiều người vì sợ hãi đã quay trở về, nhưng ngài Ghosananda dứt khoát chọn đi qua những ngả đường còn có xung đột. Đôi khi những người thiền hành bị mắc kẹt vào giữa các dòng người tị nạn dài dằng dặc, chân sưng tấy giống như họ, lê lết theo những chiếc xe bò và xe đạp chở đầy gối nệm, nồi niêu và mấy chú gà. “Chúng ta phải có can đảm rời bỏ ngôi chùa bình an của mình”, ngài Ghosananda cương quyết nói, “để đi vào các ngôi chùa đầy dẫy khổ đau của chúng sanh”.
Dầu Khờ-me Đỏ đã không cho thờ cúng, đã cào bằng các tự viện, quăng các tượng Phật đã bị hủy hoại xuống sông, các tập quán cũ vẫn còn. Khi những người lính nghe ngài Ghosananda khuyên bảo, “Sân hận không thể xóa bằng sân hận; sân hận chỉ có thể xóa bằng tình thương yêu”, họ đã buông bỏ vũ khí, quỳ xuống ven đường. Dân làng mang nước ra để ngài tịnh hóa, và họ ghim những cây nhang đang cháy vào đó như là dấu hiệu chiến tranh đã chấm dứt… Ngài không thể rời bỏ thế gian. Thay vì chỉ dốc tâm lo cho tự viện của mình, ngài đã dựng lên những căn lều tạm làm chùa trong các trại tị nạn.
Trưởng lão Ghosananda đã xây dựng các ngôi chùa này dù các thế lực tàn dư của Khờ-me Đỏ đã đe dọa giết ngài nếu không vâng lời chúng. Khi hàng ngàn người tị nạn kéo đến các chùa này, ngài phát cho họ bản kinh Tâm từ của Đức Phật in trên những tờ giấy sờn rách:
Với tâm rộng mở
Ta ôm ấp tất cả mọi chúng sanh:
Lòng từ chói sáng khắp muôn phương,
Lên thấu trời xanh,
Xuống tận đất cùng.
Câu chuyện này là một sự nhắc nhở sâu sắc về những gì việc tha thứ có thể làm được. Gia đình của Trưởng lão Ghosananda đã bị Khờ-me Đỏ tiêu diệt, và suốt thời gian họ cai trị, các vị sư Phật giáo bị coi là những ký sinh trùng của xã hội. Họ bị lột áo tu, buộc làm lao công hay bị giết hại: trong số 60.000 vị sư, sau chiến tranh ở Campuchia chỉ còn lại 3.000 vị. Nhưng không kể những gì ngài đã phải hứng chịu dưới thời Khờ-me Đỏ, Trưởng lão Ghosananda vẫn dành sự tha thứ trong tâm cho họ.
Sự tha thứ giải thoát ta khỏi quyền lực của sợ hãi, giúp ta nhìn mọi việc với trí tuệ, với lòng từ. Trước hết, ta cần hiểu tâm khoan dung, tha thứ: sau đó ta học cách thực hành và cách làm thế nào để tha thứ cho bản thân và cho người. Đức Phật đã dạy rằng, “Nếu tâm chúng sanh không thể giải thoát khỏi tham, sân, si, sợ hãi, thì ta đã không dạy điều đó và không bảo chúng thực hành”. Uy lực của lòng khoan dung, tha thứ giải thoát ta khỏi uy lực của sợ hãi.
Sự thực hành tâm từ của ta có thể được trợ lực bằng cách thực hành khoan dung, tha thứ, vì nó giúp ta nhìn tha nhân với lòng tử tế, với trí tuệ, tâm bình an. Bất cứ lúc nào ta cũng có thể tập buông bỏ sân hận, sợ hãi và an trú trong yên bình, khoan dung - điều đó không bao giờ, chẳng bao giờ trễ muộn. Nhưng để có thể vun trồng một trái tim thực sự biết yêu thương, biết tử tế, chúng ta cần huân tập các cách thực hành để có thể làm tăng sức mạnh cho sự tha thứ, khoan dung và bi mẫn vốn sẵn có trong ta. Khả năng tha thứ giúp ta có khả năng đối mặt với khổ - khổ đau của bản thân cũng như của tha nhân - với tâm từ.
Lòng khoan dung, tha thứ không lướt qua những gì đã xảy ra một cách hời hợt. Việc thực hành không phải là cố tạo ra một nụ cười trên gương mặt, rồi nói, “Không sao. Tôi không quan tâm”. Đó không phải là một nỗ lực giả tạo để đè nén nỗi đau hay phớt lờ nó. Nếu bạn đã phải trải qua một sự bất công cùng cực, để có thể đi đến chỗ tha thứ được, đôi khi ta phải trải qua một quá trình bao gồm sự đau đớn, giận dữ, buồn tủi, và mất mát.
Sự tha thứ là một quá trình sâu sắc, cần phải được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong tâm ta. Nó bao gồm cái đau, bao gồm sự uất nghẹn. Dần dần với thời gian, nó sẽ đưa đến sự tự do của việc thực sự tha thứ. Nếu ta chân thành nhìn lại cuộc đời mình, ta có thể thấy những nỗi sầu muộn, khổ đau đã đưa đến các sai phạm của bản thân. Chúng ta không chỉ là nạn nhân; đôi khi chúng ta cũng là người tạo tác. Ta cũng cần được tha thứ. Bằng cách đó, cuối cùng ta có thể đem lòng tha thứ cho bản thân và chôn niềm đau vào trái tim bi mẫn. Không có sự tha thứ, khoan dung đó, ta sẽ sống trong cô lập, trong lưu đày.
Khi bạn thực hành theo các phương cách tha thứ sau đây, hãy cảm nhận sự buông thư dầu ít hay nhiều trong tâm bạn. Hoặc giả như không có sự thư giãn nào, cũng cần cảm nhận điều đó. Nếu như bạn chưa sẵn sàng để tha thứ, cũng không sao. Đôi khi quá trình đi đến tha thứ xuyên suốt cả một đời người, và điều đó cũng không sao. Bạn có thể làm điều đó khi đúng thời và theo cách của bạn. Ta không nên gò ép cảm xúc của mình, nên nếu điều duy nhất bạn có thể làm là ý thức được tác hại gì đã xảy ra, đó cũng đủ rồi. Không thể ép buộc tình cảm, nó chỉ xảy ra khi nó xảy ra, vì nó đã có mặt trong sâu thẳm tận đáy lòng ta. Vì thế, nếu do bị tác hại mà bạn đóng cửa lòng hay bưng kín các cảm xúc, bạn có thể ghi nhận điều đó như là một phần của sự tác hại. Bạn cảm nhận như thế nào, thì nó là như thế ấy, cũng như ngược lại. Sự tha thứ là thái độ cởi mở, phóng khoáng, bao dung, không phải là thứ tình cảm mà ta tạo lập ra nơi thân tâm.
Chúng ta thực hành với niềm tin rằng khi ta lặp đi, lặp lại thì thân tâm ta sẽ lãnh hội chúng. Đó là nét đẹp của các cách thực hành này, ta biết rằng mình không làm chủ các kết quả của việc thực hành, nhưng ta làm chủ cách ta thực tập - ta biết mình có thực hành với lòng kiên nhẫn, tinh cần, quyết tâm, trí tuệ và nỗ lực không. Ta không biết chúng sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời ta. Ta không cố gắng để khiến điều gì xảy ra, vì khi cố gắng làm điều đó, ta sẽ đánh mất nét đẹp và sự hân hoan khi điều gì đó thực sự xảy ra.
Cách thực hành tha thứ
Phương cách thực hành tha thứ này có ba phần: 1-Sự tha thứ từ người khác, 2-Tha thứ cho bản thân, 3-Tha thứ cho người đã làm tổn hại ta. Các cách thực hành này không bó buộc, nên nếu bạn cảm thấy không cần cầu xin sự tha thứ, thì bạn không tham gia. Nếu bạn cảm thấy không thể tha thứ cho bản thân, bạn có thể ngồi im lặng, quan sát xem có cánh cửa nào dù nhỏ hẹp hé mở trong trái tim để cho chút ánh sáng nhỏ nhoi nhất có thể len vào. Và nếu bạn cảm thấy không thể nào tha thứ cho người vì nghĩ là việc làm của họ không thể nào có thể được tha thứ, thì bạn cũng cần biết điều đó. Trong quá trình thực hành, ta quán chiếu xem mình đang ôm ấp nỗi đau xót, chua cay nào, và nó dày vò trái tim ta như thế nào. Nếu như bạn chỉ có thể tha thứ một phần rất nhỏ, thì cũng không sao. Đây là một quá trình tháo gỡ mà đôi khi cần cả đời người để làm việc đó.
Có thể bạn không nên bắt đầu bằng những việc trọng đại mà cho đến bây giờ bạn vẫn chưa muốn tha thứ. Có thể bạn nên bắt đầu bằng những việc nhỏ. Hãy để tâm bạn được làm quen với việc thực hành tha thứ. Cũng giống như khi tập thể lực, ta không thể bắt đầu bằng việc nâng cân nặng 250 ký. Ta phải bắt đầu bằng các cục sắt nhỏ, để bắp thịt bắt đầu làm việc. Rồi dần dần ta nâng ký lên. Cũng thế, khi tập hành tha thứ, ta bắt đầu bằng những việc nhỏ, rồi dần dần khả năng tha thứ của ta sẽ lớn mạnh để ta có thể đối mặt với khổ đau - khổ đau của bản thân cũng như của người - với tâm từ.
Hãy ngồi thoải mái, mắt khép lại, và thở tự nhiên, không gắng sức. Buông thư thân tâm. Cảm nhận sự kết nối giữa bạn và vũ trụ. Để hơi thở nhẹ nhàng đi khắp châu thân, nhất là vào tim bạn.
Khi đang hít thở, hãy cảm nhận tất cả mọi rào chắn mà bạn đã dựng lên, các tình cảm mà bạn chất chứa vì chưa thể tha thứ cho mình và cho người. Hãy nhận biết cảm giác đau đớn vì đã đóng chặt trái tim bạn.
Sự tha thứ từ người khác
Khi hơi thở len vào tim, hãy cảm nhận bất cứ sự khô cằn nơi đó, hãy lặp lại thầm những lời sau: “Tôi đã làm tổn thương, làm phương hại đến người khác bằng nhiều cách khác nhau. Giờ thì tôi đã nhớ lại. Những cách mà tôi đã phản bội, bỏ rơi, gây đau khổ, một cách cố ý hay vô tình, do đau khổ, sợ hãi, sân hận hay vô minh”. Hãy để mình tự nhớ lại và mường tượng lại các cách mà ta đã làm tổn hại người. Hãy nhìn thấy được những khổ đau mà ta đã gây ra cho người do sợ hãi, vô minh. Cảm nhận được như thế, bạn sẽ cuối cùng buông xuống gánh nặng này và xin được tha thứ. Hãy dành nhiều thời gian để hình dung lại ký ức trĩu nặng tâm bạn. Khi từng khuôn mặt cá nhân hiện lên trong tâm, hãy nhẹ nhàng nói: “Tôi xin được tha thứ. Tôi xin được tha thứ”.
Tha thứ cho bản thân
Để cầu xin sự tha thứ cho bản thân, hãy niệm thầm: “Khi tôi gây đau khổ cho người, bằng nhiều cách tôi cũng bị tổn thương, bị tác hại. Đã bao lần tôi phản bội, hay bỏ rơi bản thân trong ý nghĩ, lời nói hay hành động, một cách cố ý hay vô tình”. Hãy tự nhớ lại những cách mà bạn đã làm tổn hại mình. Và tha thứ cho từng hành động tác hại. “Qua những cách mà tôi đã làm tổn hại bản thân bằng hành động hay ý nghĩ, do sợ hãi, khổ và vô minh, giờ tôi chân thành hối lỗi. Tôi xin tha thứ cho bản thân. Tôi tha thứ cho bản thân. Tôi tha thứ cho bản thân”.
Tha thứ cho người đã làm tổn hại ta
Để phát tâm tha thứ cho những người đã tổn hại ta, hãy lặp lại như sau: “Tôi đã bị tha nhân làm tổn hại, bóc lột, bỏ rơi bằng nhiều cách, dù vô tình hay cố ý, bằng lời nói, ý nghĩ hay hành động”. Hãy hình dung ra những cách bạn cảm thấy bị tổn hại. Hãy ghi nhận chúng. Từng sự tổn hại. Hãy ghi nhớ những điều này là thực đối với bạn, và cảm nhận sự đau buồn bạn đã gánh chịu trong quá khứ. Và giờ bạn cảm nhận rằng mình có thể buông gánh nặng này xuống bằng cách tha thứ dần dần khi tâm bạn đã sẵn sàng. Đừng ép buộc nó; không cần phải buông bỏ mọi muộn phiền trong một lần ngồi thiền.
Quan trọng là thực tập từng bước nhỏ điều gì bạn cảm thấy đã sẵn sàng để tha thứ. Hãy tự nhủ thầm: “Tôi nhớ những cách tôi đã bị tổn thương, làm hại. Và tôi biết đó là do những nỗi sợ hãi, vô minh, khổ, sân hận của tha nhân gây ra. Tôi đã mang vết thương này trong lòng đủ lâu. Vì đã sẵn sàng, tôi xin tha thứ cho người. Người đã tổn hại tôi, tôi chân thành tha thứ cho người. Tôi tha thứ cho người”.
Ba phương cách thực hành tha thứ này có thể được nhẹ nhàng lặp đi, lặp lại cho đến khi bạn cảm thấy tâm thật thanh thản. Đối với một số tổn thương nặng nề, có thể bạn chưa thấy thanh thản. Ngược lại, bạn còn có thể trải nghiệm lại cảm giác tổn thương, sân hận mà bạn từng gánh chịu. Trong trường hợp đó, bạn có thể chỉ nghĩ thoáng qua, rồi tha thứ cho bản thân vì sự chưa sẵn sàng buông bỏ và bước tới.
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.190.219.178 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập