Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Hãy cảnh giác với người “trộm tăng tướng” hay “tặc trụ” »»
1. Đặt vấn đề
Gần đây chúng ta thấy xuất hiện trên mạng xã hội nhiều bài viết kêu gọi người Phật tử phải cảnh giác với việc “trộm tăng tướng” hay “tặc trụ”. Trộm tăng tướng, trong tiếng Sanskrit (Bắc Phạn) gọi là steya-saṃvāsika, trong tiếng Pali (Nam Phạn) gọi là theyya-saṃvāsaka. Đây là một khái niệm được dùng để chỉ cho những người không thực sự là tăng sĩ, không thực sự là vị tỳ-kheo nhưng giả mang tăng tướng, sống chung trong tăng đoàn vì mục đích để nhận sự lợi dưỡng, phá hoại tăng đoàn. Hán ngữ dịch chữ này là “tặc trụ” (賊住) hàm nghĩa “người mang tâm trộm cắp vào sống trong tăng đoàn”. Những kẻ gọi là tặc trụ này hiện đang ở đâu? Làm thế nào để nhận biết và cảnh giác để không bị nhầm lẫn? Có lẽ cách tốt nhất vẫn là phải quay về tìm hiểu qua những lời Phật dạy.
Đức Phật từng dạy rằng: “Tin ta mà không hiểu ta, đó là phỉ báng ta.” Do vậy, người Phật tử cần hiểu rõ lời Phật dạy, không thể tin nhận như một niềm tin mù quáng không hiểu biết. Trong Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya), khi đang ở Kesaputta, đức Phật đã dạy những người Kālāmā ở đó rằng: “Này các người Kālāmā, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.” (Bản Việt dịch từ kinh văn Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)
Và đây chính là phẩm tính trí tuệ của đạo Phật.
2. Đầu đà hay khổ hạnh?
Trong thời gian gần đây, hàng loạt vấn đề xuất hiện trong biển sóng thông tin của thời hiện đại càng thử thách niềm tin chân chánh của người Phật tử. Đáng buồn thay, không ít những thông tin được đưa ra từ chính những người nhận trách nhiệm truyền dạy chánh pháp nhưng lại hoàn toàn đi ngược với những lời Phật dạy, đi ngược với tinh thần đạo Phật. Do vậy, đối với người Phật tử hiện nay thì nhu cầu tìm hiểu lời Phật dạy càng trở nên vô cùng cấp thiết. Bởi vì nếu không nỗ lực tự tìm hiểu từ chính những lời dạy của đức Phật trong Kinh điển thì người Phật tử sẽ không tránh khỏi sự hoang mang trước những vấn đề được đưa ra “nhân danh đức Phật” nhưng lại hoàn toàn không phải là lời dạy của ngài. Sự phân biệt đúng sai trong những trường hợp này quả thật không dễ dàng, nhưng xét cho cùng thì sự nhận hiểu chân chánh của mỗi người đều phải do nỗ lực của chính mình đạt đến, không thể hoàn toàn dựa vào người khác, như chính đức Phật đã dạy.
Lấy ví dụ như trường hợp tu tập của thầy Minh Tuệ, nhiều người chỉ trích cho rằng thầy chọn tu theo con đường khổ hạnh vốn đã bị đức Phật từ bỏ, phê phán. Mặc dù đã có khá nhiều bài viết chỉ rõ cách hiểu sai lầm, nhầm lẫn giữa các hạnh đầu đà với pháp tu khổ hạnh, nhưng dường như vẫn chưa đủ để làm rõ các khác biệt này nên không ít người vẫn còn nhầm lẫn.
Trang Thư viện Hoa sen có đăng bài viết của tác giả Thích Giới Luật, trong đó nói: “Đầu đà là lối sống khổ hạnh ép xác về cách dùng pháp phục, ăn uống và chỗ ở, vốn không phù hợp với chủ trương trung đạo của đức Phật.” Mặc dù tác giả trích dẫn nhiều tài liệu Phật học nhưng trong bài này đã đưa ra rất nhiều định nghĩa, khái niệm hoàn toàn sai lầm. Chẳng hạn như tác giả viết: “Lúc mới đi tu, đức Phật tu đầu đà số một.” Ở đây, tác giả đã đánh đồng 2 khái niệm về khổ hạnh và đầu đà, vốn là hoàn toàn khác nhau. Tác giả lại viết: “Đức Phật suýt chết vì lối tu đầu đà khổ hạnh trong 6 năm ở Khổ hạnh lâm.” Câu này sai nghiêm trọng, vì nếu đúng vậy thì đức Phật đã không thuyết kinh Thập nhị đầu đà, khen ngợi những người có thể thực hành nghiêm túc các hạnh đầu đà mà tiêu biểu nhất là Tôn giả Ma-ha Ca-diếp.
Thật ra, khổ hạnh là một trường phái tu tập đã có từ trước thời đức Phật, và có rất nhiều pháp tu khác nhau theo hướng khổ hạnh. Trong Phạn ngữ, các pháp tu khổ hạnh được gọi chung là duṣkara-caryā, hoàn toàn khác với các hạnh đầu đà được gọi là dhūta. Danh xưng đã khác nhau, tất nhiên ý nghĩa cũng hoàn toàn khác nhau.
Các trường phái tu tập khổ hạnh dựa trên một lý thuyết được quan sát thấy trong đời sống hằng ngày. Những ham muốn dục lạc của thân xác dù được đáp ứng nhiều đến đâu cũng không thể đạt đến sự thỏa mãn hoàn toàn, thay vì vậy sự ham muốn sẽ càng mãnh liệt hơn và tinh thần thì càng sa đọa. Do vậy, các nhà tu khổ hạnh tin rằng, nếu có thể làm điều ngược lại, nghĩa là hạn chế tối đa những ham muốn của thể xác, thậm chí là chấm dứt hoàn toàn, thì tinh thần sẽ được thăng hoa, sẽ đạt đến cảnh giới giải thoát, và kèm theo đó họ còn tin tưởng rằng người thực hành tu khổ hạnh thì sau khi chết sẽ được sinh lên các cõi trời. Tất nhiên, đó đều là những niềm tin vô căn cứ, và trong thực tế chưa có bậc thầy khổ hạnh nào đạt đến sự giải thoát khổ đau.
Người tu khổ hạnh dựa vào những niềm tin như trên nên hành hạ thân xác theo khuynh hướng “càng khổ càng tốt”. Họ có thể nhịn ăn lâu ngày, hoặc ăn rất ít; đứng suốt ngày trên một chân; dùng lửa đốt vào thân thể; hoặc phơi thân ngoài nắng nóng; hoặc nằm lên mặt đất trải đầy gai nhọn… Nói chung, họ dùng nhiều hình thức khác nhau để hành hạ thân xác. Bản thân đức Phật trước khi thành đạo cũng đã từng trải qua 6 năm khổ hạnh tại khu rừng nay được gọi là rừng Khổ hạnh (Tapovana). Và ngài đã đi đến kết luận rằng các pháp tu khổ hạnh hoàn toàn không thể đưa đến sự giải thoát.
Các hạnh đầu đà (dhūta) thì hoàn toàn khác, được đức Phật giảng giải rõ ràng trong kinh Thập nhị đầu đà (佛說十二頭陀經 - Phật thuyết Thập nhị đầu đà kinh). Khoảng nửa đầu thế kỷ 5, ngài Phật Âm (Buddhaghosa) soạn quyển Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) cũng có đề cập đến và kể ra 13 hạnh đầu đà, thật ra cũng có thể xem như tương đồng với 12 hạnh đầu đà trong bản kinh dẫn trên. Trong bài viết “Xoay quanh câu chuyện Thầy Minh Tuệ - Niềm vui và nỗi buồn”, tôi đã đề cập chi tiết về các hạnh đầu đà, quý vị có thể tìm đọc lại.
Chữ đầu đà (dhūta) mang nghĩa là rũ bỏ, dẹp bỏ… Ở đây là rũ bỏ những phiền não, những sự vướng bận trong cuộc sống, và như vậy hoàn toàn không mang nghĩa khổ hạnh. Quan sát trong thực tế, người thực hành các hạnh đầu đà không hề tự thấy mình đang chịu khổ, mà ngược lại còn đạt được niềm vui của sự tự do tự tại khi không còn phụ thuộc quá nhiều vào các nhu cầu ham muốn của thân xác. Thầy Minh Tuệ là một sự minh họa sống động cho điều này. Chúng ta chưa bao giờ thấy bất kỳ dấu hiệu khổ sở nào mà chỉ có niềm vui luôn lan tỏa từ những nụ cười của thầy. Do vậy, nếu bảo thầy tu khổ hạnh thì rõ ràng là một sự xúc phạm do thiếu hiểu biết.
Những lời Phật dạy luôn mang tính hợp lý và thiết thực. Cho nên các hạnh đầu đà được Phật nói đến trong kinh có ý nghĩa sâu xa để hỗ trợ sự tu tập chứ không phải là những nghi thức mang tính tôn giáo. Các hạnh đầu đà chia thành 3 nhóm, nhằm vào sự kiểm soát, hạn chế sự ham muốn của người tu tập đối với 3 nhu cầu là ăn, mặc và ngủ nghỉ. Đối với người không tu tập thì 3 sự ham muốn này sẽ chi phối phần lớn sinh hoạt trong đời sống hằng ngày. Kiểm soát được những ham muốn này, không buông thả theo sự đòi hỏi thường tình của thân xác thì người tu tập sẽ loại trừ được phần lớn chướng ngại trên đường tu tập. Do đó mà nói rằng các hạnh đầu đà hỗ trợ sự tu tập. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là sự kiểm soát ham muốn hoàn toàn không đi đến mức độ làm suy kiệt cơ thể. Trong thực tế, với sự rèn luyện đúng mức thì rõ ràng một người thực hành các hạnh đầu đà như thầy Minh Tuệ qua nhiều năm đã chứng tỏ vẫn có một sức khỏe bình thường, một sức chịu đựng dẻo dai vượt xa cả những người bình thường khỏe mạnh. Đây là sự khác biệt rõ ràng so với khổ hạnh.
3. Hạnh đầu đà hỗ trợ các pháp môn tu
Nhưng bản thân các hạnh đầu đà không phải là pháp môn tu tập. Nếu suy xét kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng việc thực hành các hạnh đầu đà tự nó không mang đến sự giải thoát. Ngay cả khi một hành giả có đủ ý chí, nghị lực để kiên trì thực hiện các hạnh đầu đà này trong nhiều năm hoặc thậm chí là suốt đời, thì điều này cũng không giúp làm phát sinh trí tuệ giác ngộ. Do vậy, người thực hành các hạnh đầu đà chỉ là nhằm hỗ trợ cho các pháp môn tu tập chính của mình.
Trong một video đã được lưu hành rộng rãi, thầy Minh Tuệ có chia sẻ rằng ngay cả vào ban đêm thầy cũng hạn chế không ngủ nhiều mà dành thời gian để tu tập tỉnh giác. Đây mới chính là phần quan trọng trong sự tu tập của một hành giả. Pháp tu được chọn có thể là một trong các pháp quán niệm, chẳng hạn như Tứ niệm xứ. Theo kinh Niệm xứ, đức Phật dạy:
“Này các tỳ-kheo, ở đây tỳ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.”
(Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu)
Cũng trong video nói trên, thầy Minh Tuệ đã nhắc đến một phần nội dung kinh Niệm xứ với lời Phật dạy: “Này các tỳ-kheo, ở đây, vị tỳ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra…”
(Kinh Niệm xứ, bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu)
Do vậy, chúng ta có thể biết rằng thầy Minh Tuệ đang tu tập theo những lời dạy này. Và đây mới chính là phần tu tập quan trọng sẽ đưa đến sự giác ngộ, chứ không phải những “hạnh đầu đà khó làm” như chúng ta nhìn thấy. Trong những chia sẻ với mọi người, thầy luôn nhắc lại nhiều lần về sự tu tập giới, định, tuệ và diệt trừ tham, sân, si. Thầy không hề nói nhiều đến các hạnh đầu đà mà thầy đang thực hành. Cho nên, phần lớn đạo hạnh đáng kính phục của thầy Minh Tuệ thật ra là ở những đêm dài tinh tấn tu tập nơi hang đá, gốc cây, nhà hoang, nghĩa địa… và kiên trì trong nhiều năm như vậy, chứ không phải chỉ ở nơi hình thức đầu trần chân đất, ba y một bát, ngày ăn một bữa như chúng ta dễ dàng nhìn thấy bên ngoài. Tuy nhiên, những người chỉ trích cũng như tán thán thầy dường như đều rất ít đề cập đến khía cạnh quan trọng này.
Những người chỉ trích cho rằng thầy Minh Tuệ chỉ biết “ôm nồi cơm điện đi lang thang”, tất nhiên là hoàn toàn thiếu hiểu biết; nhưng những người tán thán, khen ngợi thầy mà cho rằng các hạnh đầu đà là “pháp tu khó làm nhất, mau giác ngộ nhất” thì cũng là chưa hiểu đúng vấn đề. Cũng vậy, nếu không hiểu đúng những giá trị tu tập quý báu của thầy mà chỉ dựa vào tâm ngưỡng mộ của mình để tôn xưng thầy là Phật sống, là bậc Thánh A-la-hán… thì những sự xưng tán đó cũng đều sai lầm.
4. Thọ giới hay không thọ giới?
Nhiều người chỉ trích khác thì cho rằng thầy Minh Tuệ chưa thọ đại giới của vị tỳ-kheo nên không phải một tu sĩ của Phật giáo. Đi xa hơn nữa, những người chỉ trích cho rằng một người không phải tăng sĩ mà sử dụng những hình tướng như cạo đầu, đắp y phấn tảo… thì đó là “trộm tăng tướng”, là “tặc trụ”. Những người chỉ trích cho rằng việc thọ đại giới để trở thành một vị tỳ-kheo cần phải có giới đàn, có đủ “tam sư thất chứng” thì việc thọ giới mới thành tựu. Và nếu không có đủ những nghi thức này mà mang hình tướng của một vị tăng sĩ thì đó là giả tăng, là dối gạt người đời.
Chúng ta hãy tạm gác lại việc thọ đại giới mà thử tìm hiểu qua việc thọ 5 giới của người cư sĩ. Theo nghi thức thọ giới được ghi rõ trong Thập Tụng Yết Ma Tì Kheo Yếu Dụng (十誦羯磨比丘要用) thì việc thọ 5 giới của người cư sĩ phải qua một nghi thức trang nghiêm có vị thầy tỳ-kheo truyền giới và người xin thọ giới. Trong nghi thức này, người xin thọ giới phải quỳ lạy thưa thỉnh 3 lần, sau đó vị thầy nếu chấp nhận truyền giới sẽ giải thích về từng điều giới và đặt câu hỏi trực tiếp với giới tử (người xin thọ giới) về mỗi điều giới, có thể phát nguyện thọ trì suốt đời hay không? Người xin thọ giới phải trả lời về từng điều giới, rằng mình đã nhận hiểu rõ ràng và xin phát nguyện thọ trì suốt đời. Sau các nghi thức này thì người cư sĩ tại gia mới được xem là đã chính thức được thọ 5 giới.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, trong số những người tự nhận và được xem là Phật tử đã thọ 5 giới ngày nay, có bao nhiêu người được thọ giới qua nghi thức trực tiếp như quy định trên? Có bao nhiêu người đã được truyền giới online, sau đó đến chùa nhận “giấy chứng nhận”? Bao nhiêu người được truyền giới trong một buổi lễ tập thể với hàng trăm giới tử, thậm chí hàng ngàn, và không hề có cơ hội được hỏi đáp trực tiếp với vị thầy truyền giới? Và có ai trong số này bị xem là “giả Phật tử”, “giả cư sĩ” hay chăng?
Trong thực tế, việc truyền giới với nghi thức trang nghiêm là một lợi ích lớn lao cho người thọ giới. Bởi vì điều này tạo ra một niềm tin, một sức mạnh tinh thần, củng cố quyết tâm và ý chí của chúng ta trong việc giữ giới. Nhờ vậy, khi đứng trước những hoàn cảnh phân vân lựa chọn, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn trong việc quyết định không phạm giới, vì nhớ đến vị thầy, nhớ đến nghi thức phát nguyện trang nghiêm long trọng khi thọ giới. Bất cứ ai đã thọ giới và quyết tâm giữ giới nghiêm túc đều có thể dễ dàng nhận hiểu được điều này. Việc sống buông thả theo những thói quen xấu là hết sức dễ dàng, nhưng việc chống lại các thói quen xấu để giữ trọn giới luật luôn đòi hỏi một sự quyết tâm, một ý chí dũng mãnh. Và việc thọ giới trực tiếp với vị thầy qua nghi thức trang nghiêm mang lại cho chúng ta sức mạnh tinh thần cần thiết đó.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng mà mỗi người chúng ta cần tự trả lời bằng sự suy xét của chính mình là, trong trường hợp không được thầy truyền giới qua nghi thức trang nghiêm đúng quy định, thì liệu chúng ta có được phép tự mình sống theo 5 giới hay không? Và nếu sống đúng theo 5 giới thì ta có được lợi ích gì không?
Câu trả lời của riêng bản thân tôi là có. Khi tôi có đủ trí khôn để tự mình tìm hiểu về giới luật, tôi nhớ lại rằng việc thọ nhận năm giới của mình từ thuở nhỏ hoàn toàn không đúng theo những nghi thức như trên, thậm chí khi ấy tôi còn chưa đủ năng lực tự thân để tự mình quyết định phát nguyện thọ giới. Tuy nhiên, cho đến nay thì việc giữ theo 5 giới đối với tôi vẫn là một nguyên tắc sống thiêng liêng nhất định phải tuân theo, và hơn thế nữa, tôi nhận được vô vàn lợi ích từ việc giữ giới, kể cả tinh thần lẫn vật chất.
Mỗi người có thể tự suy xét và đưa ra câu trả lời của riêng mình. Tuy nhiên, về mặt lập luận thì chúng ta vẫn cần phải thừa nhận những gì hợp lý. Trong thực tế, đức Phật là người chế định và dạy cho chúng ta các điều giới, nhưng tự thân giá trị mang lại lợi ích cho người thọ giới lại không phải do đức Phật tạo ra hay ban phát, mà đó chỉ là những giá trị tất yếu do quy luật vận hành khách quan của sự việc. Lấy ví dụ, đức Phật chế định và dạy chúng ta giữ giới không nói dối, và khi ta không nói dối thì tự nhiên ta nhận được sự tin cậy từ những người quanh ta. Sự tin cậy đó là lợi ích tất nhiên của việc không nói dối, không phải do đức Phật ban cho ta. Cũng giống như trước thời Isaac Newton thì mọi quả táo vẫn rơi, định luật vạn vật hấp dẫn vẫn vận hành, nhưng Newton là người giúp ta nhận hiểu nó. Cũng vậy, với trí tuệ của bậc Giác ngộ, đức Phật đã chế định và truyền dạy hệ thống giới luật để giúp người Phật tử sống tốt và tu tập đúng chánh pháp, nhưng tác dụng của giới luật trong việc mang lại lợi ích cho người thọ trì là những giá trị khách quan, bất cứ ai cũng có thể thực hành để nhận được. Cho nên, dù là người có điều kiện được thọ giới hay không, nếu có thể học hiểu đúng và thực hành giữ giới theo đúng lời dạy của Phật thì vẫn nhận được lợi ích lớn lao từ việc giữ giới.
Tuy nhiên, như đã nói, nghi thức truyền giới được quy định là nhằm mang lại sức mạnh tinh thần hỗ trợ cho người thọ giới. Ngoài ra, với những điều giới phức tạp thì kinh nghiệm và sự hiểu biết của vị thầy trực tiếp truyền dạy là hết sức cần thiết để giúp người thọ giới có thể hiểu đúng, thực hành đúng, không sai lệch. Chính vì vậy mà các nghi thức truyền thống cần được bảo vệ và lưu truyền cũng như cần phải được tuân theo trong mọi trường hợp có thể. Vấn đề là chúng ta vẫn phải biết phân biệt đâu là giá trị cốt lõi và đâu là các giá trị phụ thuộc. Học, hiểu và thực hành nghiêm túc các điều giới là giá trị cốt lõi, mang đến lợi lạc; trong khi các nghi thức, hình thức truyền thọ là giá trị phụ thuộc, hỗ trợ. Nếu có được trọn vẹn cả hai thì tất nhiên là điều tốt nhất, nhưng nếu chỉ có một trong hai thì tất nhiên là các giá trị cốt lõi vẫn mang lại lợi ích, trong khi các giá trị phụ thuộc sẽ là hoàn toàn vô ích. Nói rõ hơn, người không có điều kiện thọ giới mà học hiểu và giữ giới nghiêm túc thì vẫn có lợi ích, trong khi người thọ giới một cách nghiêm túc, đúng nghi thức nhưng sau đó hủy phạm, không giữ trọn giới luật đã được truyền thọ thì việc thọ giới trước đó là hoàn toàn vô ích, thậm chí còn có thể xem là tội lỗi.
Việc thầy Minh Tuệ có thọ giới hay không thọ giới, chỉ chính thầy mới có thể đưa ra câu trả lời, nhưng ít nhất cho đến hiện nay, theo những gì chúng ta nhìn thấy thì thầy là người giữ giới rất nghiêm túc. Do vậy, việc cho rằng thầy là người “trộm tăng tướng” hay “tặc trụ” là những chỉ trích hoàn toàn không thuyết phục.
5. Việc giữ giới khó hay dễ?
Câu trả lời tất nhiên vẫn tùy theo cách nhìn và cảm nhận của riêng mỗi người. Tuy nhiên, để có một ý niệm khái quát trước khi nhận hiểu vấn đề, chúng ta sẽ thử tìm hiểu qua 10 giới sa-di, tức là giai đoạn chuẩn bị học giới, tập sự để trong tương lai sẽ thành một vị tỳ-kheo. Trong Thập tụng luật (十誦律), quyển 21 có ghi chép như sau:
1. 盡壽離殺生。是沙彌戒。 - Tận thọ ly sát sanh. Thị sa-di giới.
2. 盡壽離不與取。是沙彌戒。- Tận thọ ly bất dữ thủ. Thị sa-di giới.
3. 盡壽離非梵行。是沙彌戒。- Tận thọ ly phi phạm hạnh. Thị sa-di giới.
4. 盡壽離妄語。是沙彌戒。- Tận thọ ly vọng ngữ. Thị sa-di giới.
5. 盡壽離飲酒。是沙彌戒。- Tận thọ ly ẩm tửu. Thị sa-di giới.
6. 盡壽離處高床大床。是沙彌戒。- Tận thọ ly xử cao sàng đại sàng. Thị sa-di giới.
7. 盡壽離著華瓔珞香塗身香熏衣。是沙彌戒。- Tận thọ ly trước hoa anh lạc hương đồ thân hương huân y. Thị sa-di giới.
8. 盡壽離作伎歌舞不往觀聽種種樂器。是沙彌戒。- Tận thọ ly tác vũ ca kỹ bất vãng quan thính chủng chủng nhạc khí. Thị sa-di giới.
9. 盡壽離受畜金銀錢寶。是沙彌戒。- Tận thọ ly thụ súc kim ngân tiền bảo. Thị sa-di giới.
10. 盡壽離非時食。是沙彌戒。- Tận thọ ly phi thời thực. Thị sa-di giới.
Dịch nghĩa:
1. Suốt đời tránh xa việc giết hại sinh mạng. Đây là giới của sa-di.
2. Suốt đời tránh xa việc lấy của không cho. Đây là giới của sa-di.
3. Suốt đời tránh xa việc dâm dục. Đây là giới của sa-di.
4. Suốt đời tránh xa việc nói dối. Đây là giới của sa-di.
5. Suốt đời tránh xa việc uống rượu bia và các chất gây say nghiện. Đây là giới của sa-di.
6. Suốt đời tránh xa việc nằm, ngồi trên giường ghế cao, rộng. Đây là giới của sa-di.
7. Suốt đời tránh xa việc trang điểm bằng vòng hoa, chuỗi ngọc, xông ướp hương thơm trên thân thể, y phục. Đây là giới của sa-di.
8. Suốt đời tránh xa việc ca múa và xem, nghe các loại khí cụ âm nhạc. Đây là giới của sa-di.
9. Suốt đời tránh xa việc thọ nhận và cất giữ vàng bạc, tiền tài, vật quý giá. Đây là giới của sa-di.
10. Suốt đời tránh xa việc ăn trái giờ, [chỉ ăn một bữa trước lúc giữa trưa]. Đây là giới của sa-di.
Trong 10 điều giới này, có 4 điều trùng khớp với các giới của người cư sĩ tại gia (1, 2, 4 và 5), riêng giới thứ ba là đoạn dứt sự dâm dục, khác với giới của người tại gia chỉ là tránh sự tà dâm. Từ giới thứ 6 đến thứ 10 được chế định đặc biệt dành riêng cho đời sống xuất gia, vì rõ ràng là rất khó thực hiện theo trong đời sống của người thế tục.
Sau thời gian tập sự và học giới, thường được quy định ít nhất là 2 năm, nếu vị sa-di tự thấy đủ sức thọ nhận và được vị thầy xét thấy đủ khả năng thì sẽ tiếp tục thọ đại giới, còn gọi là cụ túc giới, bao gồm 250 giới theo Luật Tứ phần. Có đôi chút khác biệt giữa các bộ luật, chẳng hạn như Luật Ngũ phần là 251 điều, Luật Thập tụng là 263 điều, Luật Tăng-kỳ là 218 điều, Luật Hữu bộ là 192 điều, Luật Nam tông (Pali) là 227 điều. Tuy nhiên, sự khác biệt về số điều giới chỉ là rơi vào cách phân chia, diễn đạt hơi khác nhau, còn nếu so sánh nội dung tổng thể thì có thể xem như không khác biệt. Ở các nước theo truyền thống Bắc tông thì Luật Tứ phần được vận dụng phổ biến nhất. Cần nhấn mạnh rằng, giới luật có khác biệt rất ít giữa tất cả các tông phái, truyền thống khác nhau trong Phật giáo, không giống như Kinh điển hay Luận giải thường có sự khác biệt nhiều hơn. Gần đây, tôi có nghe một vị tỳ-kheo nói chuyện trước đại chúng giải thích rành mạch về điều giới không giữ tiền bạc, rằng theo Nam tông thì cấm, còn Bắc tông không cấm tỳ-kheo nhận tiền (?). Cách giải thích này rõ ràng hoàn toàn không có căn cứ vào đâu cả và là trái ngược với lời Phật dạy.
Vì 10 giới của sa-di đều thuộc loại “tận thọ” (盡壽) nghĩa là người phát nguyện sẽ giữ giới cho đến suốt cuộc đời, nên 250 giới của vị tỳ-kheo được chế định để mở rộng hơn phạm vi giữ giới nhưng hoàn toàn không thiếu khuyết nội dung nào so với giới luật của sa-di.
Xét qua nội dung 10 giới của vị sa-di như trên, rõ ràng là cũng không dễ để giữ trọn. Tuy nhiên, dù khó cũng không phải là không thể được. Ở đây chúng ta sẽ thử cân nhắc về tính khả thi của các điều giới trong môi trường xã hội hiện đại.
- 5 giới đầu tiên là tất yếu, nhất thiết phải nghiêm giữ, không cần bàn đến.
- Các giới thứ sáu, thứ bảy và thứ tám thật ra chỉ là điều chỉnh thói quen. Nếu người có quyết tâm tu hành xuất thế thì 3 giới này chắc chắn phải thực hiện được. Giới thứ sáu hạn chế sự tham muốn ngủ nghỉ; giới thứ bảy và thứ tám giúp trừ bỏ sự đắm mê vào hương thơm, hình sắc, âm thanh. Đây đều là những nội dung giúp hạn chế, kiểm soát sự ham muốn.
- Giới thứ chín thì nhiều người cho là bất khả thi trong hoàn cảnh xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu chúng ta xét theo ý nghĩa của điều giới này là để dứt trừ sự bám chấp vào tiền bạc của một người xuất gia, thì điều giới này vẫn có thể được thực hiện ở mức độ hạn chế hợp lý, chẳng hạn như chỉ vừa đủ đáp ứng những nhu cầu tối cần thiết của người xuất gia. Nếu được như vậy vẫn có thể xem là lợi ích. Ngược lại, nếu một người đã thọ giới mà lại hành xử theo cách buông thả phóng túng với tiền bạc như thể chưa từng nghe biết đến điều giới này thì rõ ràng là hoàn toàn không đúng chánh pháp.
- Giới thứ mười hiện nay vẫn được một số vị xuất gia giữ theo nghiêm túc, và chính cuộc sống khỏe mạnh bình thường của các vị này là căn cứ cho chúng ta thấy rằng điều giới này hoàn toàn khả thi. Thầy Minh Tuệ có chia sẻ về thời gian đầu thầy giữ theo giới này thì cơ thể suy yếu, sụt ký rất nhiều, da xanh như tàu lá, nhưng sau khi vượt qua được một năm như vậy thì cơ thể bình thường trở lại và thậm chí tăng cân hơn so với khi còn ăn 3 bữa trong ngày. Điều này cho thấy khả năng thích nghi của cơ thể và do đó điều giới này hoàn toàn có thể thực hiện được. Khi thực hành điều giới này, người thọ giới sẽ đối trị được sự tham muốn đối với việc ăn uống, đồng thời cũng thuận lợi hơn về thời gian tu tập trong ngày. Trong thực tế, kinh sách ghi lại rằng vào thời đức Phật thì tất cả các vị tỳ-kheo đều vâng giữ nghiêm túc điều giới này.
Như vậy, nếu từ việc nhận hiểu 10 giới của sa-di, xét lên đến 250 giới của vị tỳ-kheo hay 348 giới của tỳ-kheo-ni, chúng ta có thể thấy rằng việc giữ theo trọn vẹn các giới là cực kỳ khó khăn.
Tuy nhiên, đức Phật dạy rằng giới luật là nền tảng của sự tu tập. Nếu không tròn giới luật thì không thể dựa vào đâu để tu tập. Trong Tam vô lậu học là Giới, Định và Tuệ thì giới là khởi điểm, là đứng đầu. Có giới rồi mới có thể có định; có định rồi mới có thể có tuệ. Ngay cả đối với người cư sĩ tại gia, nếu không giữ giới thì cũng không tu tập được gì khác. Ví dụ, nếu muốn tu pháp niệm Phật, tất yếu cũng phải là người giữ giới niệm Phật thì mới có kết quả.
Việc giữ giới tất nhiên là khó, nhưng chính vì vậy đức Phật mới dạy rằng “giới luật là phương tiện để giải thoát”, không có giới luật thì tất nhiên cũng không thể đạt đến sự giải thoát. Thấy và hiểu được sự khó khăn trong thực hành giới luật, chúng ta mới càng thêm kính trọng chư vị tăng ni, những người đã lưu truyền mạng mạch Phật pháp qua nhiều thế hệ cho đến chúng ta ngày nay bằng cách tự thân mình thực hành giới luật và tu tập Phật pháp. Bản thân tôi từ ngày có đủ cơ duyên để chuyển dịch bộ Luật Tứ Phần từ Hán ngữ sang Việt ngữ đã luôn tâm niệm rằng, đối với một vị tỳ-kheo dù chỉ mới vừa thọ đại giới cũng vẫn xứng đáng để người cư sĩ chúng ta cung kính lễ lạy, bởi vì vị ấy thực sự là cao quý hơn tất cả mọi chức tước, học vị, bằng cấp của thế gian. Chính vì vậy, đức Phật dạy rằng người xuất gia có 3 ý nghĩa: xuất thế tục gia là ra khỏi đời sống gia đình thế tục; xuất phiền não gia là ra khỏi những ràng buộc phiền não của đời sống; và cuối cùng xuất tam giới gia là ra khỏi căn nhà ba cõi, tức là chấm dứt vòng sanh tử luân hồi.
6. Thầy Minh Tuệ là một tấm gương
Như tôi đã nói trong một bài viết trước, thầy Minh Tuệ là một tấm gương buông xả mà chúng ta rất hiếm khi gặp được. Nhìn vào nếp sống tối giản của thầy, mỗi người đều có thể tự cảm thấy có thêm động lực để hướng đến sự thiện lành, để giảm bớt đi lòng tham muốn. Trong thực tế, tôi đã thực sự xúc động khi đọc được rất nhiều chia sẻ của nhiều người, thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Tất cả đều bày tỏ sự hướng thiện nhiều hơn, cảm thông nhiều hơn với mọi người quanh mình và cũng kham nhẫn nhiều hơn với những bất toàn trong cuộc sống. Thật ra, đó chính là những điều kiện để hướng đến hạnh phúc chân thật cho bản thân mỗi người. Lời “chúc mọi người hạnh phúc” mà thầy rất thường xuyên nói ra đã thực sự lan tỏa và mang lại hiệu quả cụ thể trong cuộc sống mỗi người.
Tuy nhiên, như người xưa thường nói, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, những tâm thức thiện lành sẽ hướng về sự thiện lành, người hướng thiện mới có sự đồng cảm với người hướng thiện. Mặc dù mỗi chúng ta đều chưa phải người hoàn toàn hiền thiện, nhưng chỉ cần ta có tâm hướng thiện, biết quý trọng và hướng đến sự thiện lương, thì tấm gương tu tập của thầy Minh Tuệ sẽ tất yếu tạo ra một sức hút mạnh mẽ khiến ta phải rung động và hướng về. Đó chính là lý do giải thích việc hình ảnh thầy trong thời gian qua đã thu hút một lượng người ngưỡng mộ đông đảo chưa từng thấy. Và sự cảm thông, thương yêu đã lan tỏa trong những người ngưỡng mộ thầy để kết thành những hành động giúp đỡ, sẻ chia cụ thể, mang đến niềm vui và sự giảm nhẹ khó khăn cho rất nhiều gia đình còn nghèo khổ. Còn hơn thế nữa, tôi tin rằng những chuyển hóa trong sự tu tập của đông đảo người Phật tử khắp nơi chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới và rồi sẽ đơm hoa kết trái thành những việc làm cụ thể, mang đến nhiều sự thay đổi tốt đẹp hơn cho cộng đồng.
Và điều ngược lại tất nhiên cũng đúng đối với những ai không có sự đồng cảm hướng thiện. Một khi không có sự đồng cảm với tấm gương tu tập của thầy, họ sẽ chỉ thấy đó như một con người “bất thường”, một kẻ ngu ngốc từ bỏ đời sống ấm êm để lang thang đây đó, sống vất vưởng trên đường, trong nhà hoang, nghĩa địa… mà chẳng đạt được điều gì, chẳng hưởng thụ được gì, chỉ toàn là những sự khổ sở, khó nhọc, và cũng chính do đó mà họ có khuynh hướng cho rằng thầy tu khổ hạnh.
Cho nên, trong một ý nghĩa nào đó, thầy Minh Tuệ không chỉ là tấm gương sáng để người tu tập noi theo, mà còn là một tấm gương phản chiếu, một tấm gương soi để khi nhìn vào trong đó ta có thể thấy rõ các yếu tố bất thiện tương phản. Có người gọi thầy là “tấm gương chiếu yêu”, tuy có hơi nặng lời nhưng không phải là không có lý. Có rất nhiều sự việc từ trước đến nay dường như đã trở thành quen thuộc đến mức bình thường trong nhận thức của mọi người, nay đối trước tấm gương của thầy bỗng trở nên xấu xí, khó coi và thậm chí gây khó chịu. Đơn giản chỉ vì chúng thuộc về nhóm những điều bất thiện.
Không ai có thể biết trước được tương lai, nhưng cơn gió lành Thích Minh Tuệ cũng như ngọn đèn Giới Định Tuệ mà thầy đã thắp lên trong thời gian ngắn ngủi vừa qua đã chứng tỏ sức lan tỏa nhiệm mầu của Phật pháp, cũng như cho thấy rằng những hạt giống lành và sự khát khao hướng thiện luôn tồn tại trong mỗi người chúng ta.
Và đến đây chúng ta có thể quay lại với vấn đề được nêu ra ở đầu bài này. Liệu người Phật tử hiện nay có nên cảnh giác với việc “trộm tăng tướng” hay “tặc trụ” như nhiều bài viết đã nêu ra hay không? Câu trả lời theo tôi là có. Người Phật tử, hơn ai hết cần phải sáng suốt nhận biết, phân biệt rõ ràng hiện tượng này, vì chính những kẻ “tặc trụ” đó mới đích thực là loài “sư tử trùng thực sư tử nhục” như trong nhiều kinh luận Phật giáo đã từng nhắc đến. Nếu người Phật tử không cảnh giác cao độ đối với hạng “tặc trụ” đó, chính họ sẽ làm cho Phật giáo biến tướng và suy thoái, trở thành một thứ tôn giáo mê muội và hoàn toàn xa lạ với những gì đức Phật đã truyền dạy.
Và theo định nghĩa đã được dẫn trên thì “người trộm tăng tướng hay tặc trụ là những kẻ không thực sự là tỳ-kheo nhưng giả mang tăng tướng và sống chung trong tăng đoàn chỉ vì mục đích để nhận sự lợi dưỡng”. Như vậy, kẻ trộm tăng tướng hay tặc trụ mà người Phật tử cần cảnh giác chỉ có thể được phát hiện, được tìm thấy đang “sống chung trong tăng đoàn” chứ không thể là những người đang bộ hành tu tập thênh thang vô trụ xứ.
Tháng 6/ 2024
Quế Minh Đường - Westminster, California.
Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.119.149 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập