Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tôi đến với Đạo Phật »»

Tu học Phật pháp
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Tôi đến với Đạo Phật

Donate

(Lượt xem: 6.027)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Tôi đến với Đạo Phật

Thật tình mà nói, gia đình tôi là gia đình Phật giáo thuần thành. Tuy nhiên, thuở nhỏ vì lý do trường Nam Tỉnh Lỵ bị nước ngập hầu như quanh năm, nên ông tôi đã gửi tôi vào trường Thánh Minh để học những năm đầu của bậc tiểu học. Trong trường, hằng ngày ngoài học chữ ra, tôi còn phải học giáo lý Thiên Chúa. Đáng lý ra tôi phải thiên về Thiên Chúa chứ, nhưng không biết tại sao hễ mỗi lần nhìn các nhà sư ôm bình bát đi khất thực ngang nhà là tôi thấy có cảm tình. Họ đi từng bước, từng bước, rất chậm và rất khoan thai. Tôi thích hễ mỗi lần các vị đi ngang thì bà tôi bảo tôi mang vật thực ra cúng dường các ngài. Thích nhất là đứng đếm từng bước chân các ngài đi, mà tưởng chừng như chính mình cũng được như các ngài vậy. Chứ thuở ấy tôi nào biết thanh tịnh là gì, chỉ thấy từng bước đi của các ngài có cái gì là lạ ấy. Có cái gì ấy làm cho lòng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thơ thới. Giờ thì tôi mới khám phá ra là mỗi bước đi của mấy ngài là mỗi bước thanh tịnh. Giờ thì tôi mới thấy mỗi bước đi của các ngài là sen nở, chẳng những cho các ngài mà cho lẫn tôi nữa.

Tôi đã thích đạo Phật từ dạo ấy. Sau đó, từ những suy nghĩ cỏn con ấy, tôi đã xin với ông tôi cho tôi được về trường Tỉnh Lỵ học, nhưng không nói lý do vì lúc ấy tôi nghĩ nếu nói ra lý do như vậy thì thật là bâng quơ. Ông tôi cũng chiều theo ý tôi, nhưng thấy tôi mỗi ngày phải xăn quần để lội vào trường là ông tôi đau xót cằn nhằn: “Trường Thánh Minh cao ráo, sạch sẽ, không chịu học, mà lại đi lội bùn mỗi ngày cho cực cái thân.” Tôi vẫn mỉm cười. Tuy không nói ra, nhưng thật sự tôi đã là một Phật tử từ dạo ấy.

Thế rồi dòng đời đưa đẩy, và cũng vì thời cuộc, tôi không có cơ duyên gần gũi với Phật pháp. Tôi còn nhớ cái ngày mà tôi từ giã mái trường, xếp bút nghiên để dấn thân vào cuộc chiến chinh, thì bà tôi đã ân cần trao cho tôi một bức hình đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hình ép nhựa trong, rất cẩn thận. Tôi bỏ bức hình vào bóp và mãi chinh chiến, nên tôi quên mất bức hình đi. Mãi cho đến một hôm vào đầu năm 1972, trong một phi vụ yểm trợ Sư đoàn 1 ở phía tây Huế, trên đường trở về Đà Nẵng, lúc sắp sửa qua đèo Hải Vân, thì phi cơ chúng tôi trúng đạn 37 ly của địch, máy hỏng, thủy điều cũng hỏng, đây là điều tối kỵ trong đời phi công, vì như vậy thì không còn cách gì điều khiển được máy bay. Lúc đó tôi quyết định dùng hết sức bình sanh hướng phi cơ ra biển và cho rớt xuống biển. Phi cơ như một khối sắt đổ nhào xuống biển, lúc đó là khoảng 2 giờ chiều, phi hành đoàn 5 người (thường là 4 gồm một phi công chánh, một phi công phụ, một cơ khí phi hành, và một xạ thủ, nhưng trong chuyến này có một y tá phi hành đi theo chúng tôi), chết ngay tại chỗ 2 người, còn tôi, cơ phi Thọ và xạ thủ Đức, chúng tôi tìm cách lội vào bờ Hải Vân, nhưng vì cách bờ quá xa nên xạ thủ Đức không tới bờ được, chỉ có tôi và cơ phi Thọ là còn sống sót. Riêng tôi nhờ những năm tháng còn đi học, đã theo toán bơi của anh Hải, Cách và Mến, nên còn sức chịu đựng đến 6 giờ chiều, nhưng vì sóng biển quá cao, từng đợt từng đợt đánh vào đánh ra, đợt nào cũng cao mười mấy hai chục thước, nên sau ba lần vào bờ nhưng không bám được vào vách núi, vì vách quá trơn, lúc tôi bị sóng đánh giạt trở ra lần thứ ba cũng là lúc tôi không còn hơi sức để chống cự với tử thần, nhưng may mắn, toán cứu cấp của hạm đội 7 đã vào đến nơi và tôi được cứu thoát.

Lúc bị nạn, tôi sực nhớ đến lời ngoại dặn “hễ có chuyện gì thì con nhớ khấn nguyện đức Quán Thế Âm nhe con.” Lúc ấy tôi bị rớt tàu bay ở ngoài khơi đèo Hải Vân, đáng lý phải lội vào hướng Tây thì mới vào bờ được chứ, đàng này sau khi khấn nguyện ngài Quán Thế Âm, thì tôi nghe như có tiếng ai nói bên tai “Con ơi, con phải lội trở ra hướng Đông thì ta mới cứu được con.” Lúc đó tôi bán tín bán nghi, vì không nghi làm sao được khi hướng Tây là vào đất liền, còn hướng Đông là hướng trở ra đại dương. Sau bốn năm lần do dự, tiếng nói ấy hình như cứ chầm chậm mà đều đều bên tai tôi “Con hãy lội ra hướng của ta thì ta mới cứu được con. Con hãy lội ra hướng của ta thì ta mới cứu được con.” Cuối cùng, khi trời nước mênh mông, tôi biết lội hướng nào rồi cũng không xong, nên tôi quyết định, thôi cứ liều lội ra hướng Đông, nhưng lạ lùng thay, sau vài tiếng đồng hồ tôi bám được vào một mỏm đá, còn tất cả những người lội vào hướng đất liền đều thiệt mạng, vì cách bờ quá xa thì làm sao mà lội cho nổi. Đáng lý sau cái lần ấy, tôi phải lập tức về quỳ trước Phật đài mà xin quy y Phật, nhưng vì hoàn cảnh, tôi như những chàng cùng tử bỏ nhà đi lăn lóc với núi sông (chứ thật sự không phải vì danh hay vì lợi). Rồi trong quãng đời chinh chiến, tôi còn được đức Quán Thế Âm cứu độ đến năm bảy lần như vậy nữa, nhưng cũng không kéo được chàng cùng tử ấy trở về.

Mãi đến năm 1985, khi tôi đặt chân lên đất Mỹ với bao nhiêu thất vọng ê chề, chàng cùng tử mới lần tìm về nhà. Đức Từ Phụ và những người tiếp nối Ngài lúc nào cũng mở rộng vòng tay ra đón lấy đứa con thất lạc trở về. Trong lúc cực kỳ đau khổ, thì tôi được Tam Bảo che chở, tôi được Hòa Thượng, mà bây giờ là Hòa Thượng Bổn Sư của tôi, khuyên lơn và an ủi tôi. Ngài đã khuyên tôi nên thọ giới và tu tại gia, và chính Ngài đã dạy tôi một câu mà có lẽ từ bây giờ và cho đến mãi về sau này tôi sẽ nhớ mãi. Ngài nói rằng: “Con ơi hãy tu đi, cái khổ lúc nào nó cũng rình rập bên con. Con phải tu để diệt nó, chứ con không thể nào trốn chạy nó được đâu.” Thú thật, lúc đó trong đầu tôi, tôi vẫn còn nghĩ là cơn đau khổ nào rồi cũng sẽ qua đi, cho nên khi nghe Ngài nói vậy thì tôi cũng vâng vâng dạ dạ cho xong, rồi tôi lại tiếp tục lăn trôi nhập cuộc vào cuộc sống mới trên đất Mỹ, và tưởng đâu mình đã yên thân. Nhưng bắt đầu từ năm 1990, những đau khổ liên tiếp xảy đến với tôi, vì cả mẹ, nhạc phụ và cha tôi đều lần lượt qua đời. Trong cơn đau khổ tột cùng, tôi lại tìm đến Hòa Thượng Bổn Sư. Ngài nhìn tôi bằng ánh mắt của một đấng Từ Phụ, ngài bảo: “Con ơi, âu cũng là duyên. Ngày trước thầy đã nhiều lần khuyên con nên hướng về Tam Bảo mà tu, tại gia cũng được, nhưng phần nghiệp con hãy còn nên tội nghiệp cho con phải khổ mãi.” Nhưng lần này tôi đã đến với ngài khác hơn những lần trước, tôi đã bẩm ngài cho tôi được quy y và thọ giới. Dù chỉ tại gia, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản, chẳng những cho tôi, cho gia đình tôi mà còn cho những người quanh tôi nữa. Tôi đã nguyện với lòng, từ bây giờ và cho đến mãi về sau, chàng cùng tử của năm nào sẽ quay hẳn về nhà, biết ăn chay, biết giữ giới, và biết hướng về chính mình để tìm ra thanh tịnh. Chàng cùng tử này quyết phải hưởng cái gia tài mà đức Từ Phụ đã để lại. Chẳng những hưởng một mình, mà còn gọi bạn bè thân thuộc và chúng sanh xa gần cùng hưởng. Để có một ngày không xa nào đó tất cả chúng ta sẽ cùng đi trên con đường mà năm xưa đức Từ Phụ đã đi.

Vào một ngày kiết hạ an cư năm 94 tại Santa Ana, thầy Minh Đạt đã giảng cho Phật tử nghe về lòng tham của con người. Lòng tham ấy nó vô cùng vô tận, nó có thể đưa chúng ta đến những tinh cầu xa xôi, nhưng nó chưa bao giờ mang lại cho ta sự an lạc.

Trong phần thuyết giảng, thầy đã đương cử ra hai thí dụ điển hình về lòng tham không đáy của con người. Chính vì cái lòng tham vô cùng vô tận ấy mà con người không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có. Chính vì cái lòng tham đó mà con người cứ mãi đi tìm, mà quên mất đi cái vô thường nó có chờ có đợi ai đâu. Tìm mãi mà không thấy vừa lòng, để rồi một ngày nào đó lăn đùng ra chết, cái chết bất đắc chí, cái chết cầu bất đắc, cái chết của sự đau khổ không cùng tận. Thí dụ thứ nhứt mà thầy đương cử là câu chuyện một anh chàng nông dân nghèo khổ rách rưới. Anh chỉ ao ước có được một miếng đất để canh tác nuôi thân mà cũng chả bao giờ có được. Một ngày nọ, anh gặp một nhà chủ điền giàu có mà không có con cái để truyền lại sự nghiệp; ông điền chủ bảo anh nông dân là nếu mà anh có khả năng phóng lao đến đâu thì phần ruộng ấy sẽ thuộc về anh ta. Mừng quá, anh ta bắt đầu ngay cuộc phóng lao, anh ta mải mê phóng lao và cứ phóng mãi mà sao vẫn thấy phần đất về mình hãy còn quá nhỏ. Mãi đến xế chiều, anh biết sức đã cạn, hơi đã mòn nhưng lòng tham muốn thì quá nhiều, nên anh ta vẫn chưa chịu ngưng mà vẫn tiếp tục cho đến tối. Than ôi, mặt trời vừa sụp tối thì cũng là lúc anh ta kiệt sức, ngã lăn ra mà chết. Đây là kết quả của lòng tham. Nếu ta đem tất cả những đồ chứa trên thế gian này ra, cũng chưa chắc đã đựng hết lòng tham của ta.

Riêng câu chuyện thứ hai mà thầy Minh Đạt kể mới thực sự làm cho tôi suy gẫm thật nhiều. Thầy nói về một anh chàng nằm chết khát bên bờ sông. Lạ nhỉ, tại sao lại chết khát bên bờ sông? Khi thầy nói đến cái câu chết khát bên bờ sông thì cả đại chúng đều cười, nhưng tôi thì không, vì biết đây là một bài pháp mà tôi phải lắng tai nghe cho kỹ xem mình có phải đang vướng mắc vào cái chuyện tương tự này hay không? Nếu là một người vượt sa mạc, hay đại dương nước mặn mà chết khát thì cũng đành, còn có thể giải thích được, hoặc còn hiểu được, đàng này lại chết khát ở bờ sông. Tại sao lại chết khát bên bờ sông nhỉ? Tại sao lại chết khát bên cạnh một nguồn nước ngọt bao la nhỉ? Giảng đến đây thì đến giờ đại chúng dùng ngọ. Ai cũng chuẩn bị dùng buổi trưa, riêng tôi bồn chồn không thấy đói. Tôi muốn biết ra lẽ ngay. Một đôi lần muốn hỏi thầy, nhưng thấy thầy cũng mệt, cần phải ăn một cái gì và phải nghỉ ngơi một chút. Tôi đành lại bóng mát của bụi trúc trong sân chùa mà ngồi lẩm bẩm đi lẩm bẩm lại cái câu: “Tại sao lại chết khát bên dòng sông nhỉ?” Lạ thật. Tự hỏi, nhưng không làm sao trả lời được, không có câu trả lời nào ổn cả. Tôi đành đợi đến thời giảng buổi chiều. Nghỉ trưa chỉ từ 12 giờ đến hai giờ mà sao với tôi nó dài như cả thế kỷ. Tôi cứ nghĩ phải có tàng ẩn gì đây. Tôi nghĩ khi thầy nói ra thì phải có một diệu lý nào đó, chứ không phải không. Cái chuyện anh chàng nông phu phóng lao hưởng ruộng thì còn hiểu được, chứ cái chuyện chết khát bên dòng sông thì quả là hi hữu. Đến chiều, thầy Minh Đạt đã quẳng đi cái hi hữu mà tôi đã nghĩ ban sáng. Thầy nói anh chàng khát nước, đi tìm nước uống, nhưng khi có nước thì lại chê ít không chịu uống. Tiếp tục đi tìm nữa, nhưng đến đâu anh cũng lại chê ít. Cho tới khi anh ta đến được một con sông tươi mát thì còn hơi sức đâu nữa mà uống, đành phải lăn đùng ra mà chết bên bờ. Thầy đã giảng xong thời pháp, nhưng tôi thì chưa xong. Cái chuyện anh chàng chết khát bên bờ sông nó cứ lởn vởn ám ảnh tôi mãi. Tại sao lạ lùng vậy? Buổi tọa thiền tối hôm ấy, đầu óc tôi cũng chỉ lởn vởn với cái anh chàng chết khát bên bờ sông này.

Hôm sau về đến nhà, tôi kể cho nhà tôi nghe câu chuyện anh chàng chết khát bên bờ sông, thì nhà tôi bảo có lẽ thầy muốn khuyên chúng ta nên biết sống đơn giản, nên biết đủ, nên biết thiểu dục tri túc, chứ đừng chạy theo lòng tham mà mang họa vào thân... Tôi cũng có cùng một nhận xét như nhà tôi; tuy nhiên, câu chuyện này còn làm tôi phải suy nghĩ nhiều ngày, nhiều đêm nữa, vì tôi thấy anh chàng chết khát bên dòng sông ấy có thể là chính tôi, hoặc cũng có thể là mọi người trong chúng ta đấy các bạn ạ!

Tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nghèo lắm, lại thêm đông anh chị em, nên cha tôi phải đầu tắt mặt tối, mẹ tôi phải tần tảo suốt ngày này qua năm khác, mẹ phải thức khuya dậy sớm với gánh hàng rong mới có đủ tiền nuôi cho anh em chúng tôi được ăn học. Cái tình cha mẹ bao la như trời biển ấy cũng không níu kéo được tôi. Quê tôi hiền hòa, ruộng vườn, cây trái và nước ngọt quanh năm cũng không níu kéo được tôi. Tôi đã và đang đi tìm cái gì đây? Nước chăng? Có nhiều lúc tôi đã có nước ngọt thơm mát quê hương, nhưng tôi cũng không chịu uống, còn mơ mộng cái gì nữa đây? Tôi thấy tôi cứ chạy đi tìm mãi, tìm chưa được cái này thì đã mất cái kia. Chưa toại nguyện thì cả cha lẫn mẹ đều lần lượt qua đời mà tôi không được một lần nhìn thấy họ lần sau cuối. Tôi đang đi tìm cái gì đây? Quả tình tôi là cái anh chàng chết khát bên dòng sông kia. Nếu không có diệu lý của đạo Phật, chắc tôi vẫn còn chạy quanh chạy quẩn đi tìm, mà không biết mình đi tìm cái gì. Chính các thầy đã hé mở cửa giải thoát cho tôi để tôi thấy được sự tĩnh lặng nhiệm mầu của Phật pháp. Chính quý thầy đã dạy cho tôi biết cái đủ và sự thiểu dục tri túc. Chính các thầy đã ân cần nhắc nhở tôi là hễ thấy khát nước, ai cho nước nên uống, chứ đừng chờ đừng đợi. Chúng ta sẽ không có cơ hội để đợi đâu, hoặc giả nếu cứ mãi đợi thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có dịp để thỏa mãn cho cái lòng tham không đáy của chúng ta đâu.

Phải thật tình mà nói, nếu tôi không có duyên may được đến với Đạo Phật thì có lẽ giờ này thân tôi tâm tôi còn tệ hơn cái người "chết khát bên dòng sông" mà Thầy Minh Đạt vừa kể bên trên. Có thể nói tôi là một Phật tử rất may mắn vì ngay từ khoảng những năm 1953 và 1954, khi còn là một cậu bé bảy tám tuổi, thì con đã có duyên may gặp được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang (hồi đó bà ngoại thường kêu ngài bằng Đại Đức Minh Đăng Quang) vài lần trước khi Đức Ngài vắng bóng vào năm Giáp Ngọ 1954. Và rất nhiều lần được thấy Đức Tôn Sư dẫn đoàn chư Tăng đi khất thực ngang qua nhà (ngay góc đường Trương Vĩnh Ký và Lý Thường Kiệt, tỉnh lỵ Vĩnh Long) cũng như rất nhiều lần được nghe chính Đức Tôn Sư thuyết giảng tại khu chòm mã Xóm Chày và Xóm Búng, tỉnh lỵ Vĩnh Long, sau này trở thành Tịnh Xá Ngọc Viên. Còn một kỷ niệm thật đẹp nữa mà đệ tử luôn trân quý suốt đời, đó là những trái chuối và những cái bánh dừa mà chính tay Đức Tôn Sư đã trao cho. Đó chính là những duyên lành mà Đức Tôn Sư đã đưa vào hành trang vào đời của đệ tử về sau này.

Rồi bẵng đi một thời gian, đến đầu năm 1960 khi một trong những đại đệ tử của đức Tôn Sư Minh Đăng Quang là Pháp Sư Thích Giác Nhiên và đoàn Du Tăng Khất Sĩ về Sân Vận Động Vĩnh Long thuyết giảng (sau này người ta xây Tòa Hành Chánh trên sân vận động này). Lúc này thì tôi đã được 12 tuổi, nhưng chính cái phong cách thu-yết giảng bình dị mà xoáy sâu vào lòng người của Pháp Sư đã làm cho tôi nhớ mãi. Tôi khẩn khoản xin bà ngoại tìm cách đưa lên gần Pháp Tòa để nhìn cho rõ mặt Pháp Sư, thật may mắn cho tôi, vừa nhìn thấy tôi là Pháp Sư ngoắc lại vỗ đầu và ban Pháp danh Thiện Phúc.

Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, chiến tranh ngày càng khốc liệt, và tôi cũng bị dòng xoáy ấy cuốn vào đời, và quên mất Sư Phụ Giác Nhiên. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian lưu lạc phong trần này, vào cuối năm 1970, tôi lại có cơ duyên dạy Anh Văn cho học sinh trường trung học Bồ Đề Đà Nẵng, một trong những trường trung học Phật giáo do thầy Thích Minh Tuấn làm hiệu trưởng. Đến đầu năm 1971, Hòa Thượng Thích Quảng Liên, tổng hiệu trưởng của các trường Bồ Đề ở Miền Nam Việt Nam có đến thăm trường Bồ Đề Đà Nẵng. Tôi lại có duyên may được gặp Thầy Quảng Liên và được thầy cho phép cận kề trong suốt thời gian thầy lưu lại Đà Nẵng. Cho mãi tới ngày hôm nay, có lẽ một trong những câu nói về nghiệp quả của Hòa Thượng Quảng Liên sẽ mãi mãi đồng hành với tôi trong suốt quảng đời còn lại của mình: "Con ơi! Thầy cảm thấy thương cảm cho con cũng như tất cả tuổi trẻ Việt Nam, sinh ra nhằm thời loạn lạc: Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao. Nhưng con luôn nhớ điều này: không có thứ gì trên đời này xảy ra một cách ngẫu nhiên cả. Nếu không có nhân có duyên có nghiệp thì chẳng có thứ gì xảy ra cả! Thầy chỉ khuyên con một điều: Tránh làm các điều ác, chỉ làm các điều lành, và luôn giữ cho tâm ý được trong sáng. Đó chính là cách hành xử của người chân Phật tử."

Thế rồi chiến tranh ngày càng khốc liệt trên khắp các miền đất nước, cũng như bao thanh niên khác tôi phải trôi nổi thăng trầm theo vận nước, không có cơ duyên gặp lại thầy Quảng Liên. Ba mươi năm sau, đến khoảng năm 2000, tôi lại được gặp Hòa Thượng Quảng Liên tại chùa Liên Hoa, trong thành phố Garden Grove, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Thầy đến Mỹ để thăm lại trường cũ của Thầy là trường Harvard. Trước khi về lại Việt Nam, thầy ghé lại chùa Liên Hoa thăm người đệ tử của mình là Hòa Thượng Thích Chơn Thành. Khi nghe nói Thiện Phúc đang hoàn tất bộ tự điển Phật Học Việt-Anh Anh-Việt, Hòa Thượng Quảng Liên rất hoan hỷ, và ngài đã quyết định lưu lại Hoa Kỳ thêm nửa tháng nữa để xem cho hết bản thảo và viết lời giới thiệu cho bộ sách này. Ôi từ bi và cao quí làm sao tấm lòng của một vị Thầy luôn hết lòng vì đạo pháp! Mãi cho tới ngày hôm nay, đệ tử vẫn còn giữ nguyên văn bản thảo lời giới thiệu của Thầy và sẽ giữ nó mãi mãi như một báu vật trên bước đường tu tập của chính mình. Sau khi về lại Việt Nam trong một thời gian không lâu, Hòa Thượng Quảng Liên đã thị tịch và cao đăng Phật Quốc trước khi nhìn thấy các bộ Phật Pháp Căn Bản và Phật Học Từ Điển Anh-Việt của Thiện Phúc ra đời.

Nói về Pháp Sư Giác Nhiên, sau lần đệ tử Thiện Phúc gặp Thầy vào năm 1960 tại Sân Vận Động tỉnh Vĩnh Long, cũng như bao nhiêu thanh thiếu niên Việt Nam phải nổi trôi thăng trầm theo vận nước, nên không có cơ hội gặp lại Pháp Sư cho mãi đến một ngày vào đầu năm 1985, tôi may mắn gặp lại Thầy và kể từ đó tôi luôn cận kề Thầy để được Thầy dạy dỗ và dẫn dắt. Cơ duyên gặp lại Thầy lần này quả là một đại duyên chẳng những cho tôi, cho gia đình tôi, mà còn cho bà con bằng hữu trong suốt đoạn đời còn lại của tôi. Hồi đó, mỗi khi Thầy đi hoằng hóa phương xa như Canada, Úc, Hạ Uy Di, vân vân, thì Thầy bảo Thiện Phúc xin phép nghỉ làm để đi theo Thầy, còn ông Tám An Thiện thì ngủ lại để trông nom công việc của chùa và tụng những thời kinh khi vắng mặt Thầy. Nhờ đi theo Thầy trong những lần hoằng hóa ấy mà tôi lại có cơ duyên gặp được những bậc tôn túc khác như Hòa Thượng Tâm Châu, Hòa Thượng Thắng Hoan, Hòa Thượng Thanh Cát, Hòa Thượng Huyền Vi, Hòa Thượng Đức Niệm, thầy Tâm Quang ở chùa Tam Bảo (Fresno), vân vân.

Thật tình mà nói, nếu tôi không được gặp lại Pháp Sư Giác Nhiên nơi đất khách quê người, để rồi được Thầy dẫn dắt và dạy dỗ cho đến ngày Thầy thị tịch, có lẽ sẽ không có một đệ tử Thiện Phúc biết thương mình và thương người với một cuộc sống an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc. Có một điều, từ ngày gặp lại Thầy và nhờ sống tu với cái câu mà Thầy thường nói: "Hổng Sao Đâu Con!" mà tôi luôn luôn có được một cuộc sống biết "tha thứ", "chia xẻ" và "buông xả".

Nhiều khi tôi tự hỏi, cuộc đời tôi kể từ sau năm 1985 đến nay, nếu không gặp lại được Pháp Sư Giác Nhiên thì tôi sẽ ra sao? Đối với tôi, Phật giáo nói chung, Pháp Sư Giác Nhiên nói riêng chính là ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho mình trong những năm tháng tôi được sống với Đạo Phật. Riêng Pháp Sư Giác Nhiên, Thầy chẳng những là một vị Bổn Sư, một vị ân sư, mà Thầy còn chính là người đã khai sáng Đạo Tâm cho tôi để tôi biết đường biết lối mà lần về nẻo Bồ Đề. Thầy chính là ngọn hải đăng chẳng những soi đường dẫn lối cho hai chúng Tăng Ni, mà thầy còn là ngọn đuốc soi đường cho những đệ tử tại gia chúng tôi trong những lúc mưa dồn sóng vỗ nơi đất khách quê người này. Tôi nguyện luôn sống tu y theo những lời chỉ dạy mà Thầy đã dạy dỗ, và nhất là "Những Đóa Vô Ưu" mà Thầy đã vun bón năm xưa sẽ tiếp tục nở mãi giữa vườn đời, để cho thế gian biết rằng, ngày tháng xa xưa, nơi này đã từng có một bậc Thầy Khất Sĩ, với lòng từ bi vô lượng, mượn thân huyễn giả hành Phật sự, đem đuốc tuệ soi sáng nhân gian, hoằng hóa độ sanh không ngừng nghỉ, không thối chuyển. Dù thời gian có qua đi, hay dù không gian có đổi thay, sự hiến thân cho công cuộc hoằng hóa và công ơn dạy dỗ của Thầy đối với chúng tôi sẽ còn là ngọn đuốc soi đường cho nhiều thế hệ kế tiếp nữa. Tôi luôn nguyện sẽ giữ gìn và phát huy tất cả những gì cao đẹp nhất mà Thầy đã truyền trao cho chúng tôi. Những giáo pháp mà Thầy đã ân cần chỉ dạy cho tôi, tôi xin hứa là sẽ luôn được tuôn ra cho đến ngày cuối cùng tôi còn ở cõi Ta Bà này.




none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1507 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hạnh phúc khắp quanh ta


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Quy nguyên trực chỉ


Giọt mồ hôi thanh thản

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.19.18 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...