Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Một Nhà Nước Tỉnh Thức »» Xem đối chiếu Anh Việt: Một Nhà Nước Tỉnh Thức »»
Hãy hình dung về một nhà nước, từ người lãnh đạo cho tới cán bộ cấp làng xóm, rủ nhau tập Thiền mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây phút… Nói như thế, có vẻ như chúng ta đang nói về một Tây Tạng một thời quá khứ?
Không. Bài này không nói gì về chuyện xưa, chỉ muốn nói chuyện nay. Cũng không nói về các nhà nước Tây, Tàu, Ta, Đức, Nhật… và chỉ có ý nói về các nhà nước Anh, Úc, và một phần Hoa Kỳ, dựa theo các bản tin tiếng Anh, và độc giả có thể dò lại nguồn tin bằng cách đưa dòng chữ nhan đề của bản tin vào Google để tìm.
Nói chuyện Anh quốc. Đúng ra, cũng không phải là đông tới mức gọi là nhà nước thiền tập. Chỉ mới một phần lớn thôi.
Báo The Guardian ngày 14/1/2015 có bản tin nhan đề “Meditation may prevent absenteeism by stressed public servants, MPs claim” (Các công chức bị căng thẳng có thể bớt vắng mặt nhờ Thiền tập, theo lời các Đại biểu Quốc hội nói).
Bản tin cho biết một cuộc nghiên cứu kéo dài 8 tháng đưa ra kết luận rằng công chức có thể bớt kiệt sức nếu họ dùng kỹ thuật Thiền tỉnh thức để kiểm soát sự lo lắng và trầm cảm.
Một nhóm Đại biểu Quốc hội của Anh quốc nói rằng các công chức– giáo viên, cai tù, y tá… -- bị căng thẳng nên được huấn luyện về kỹ thuật Thiền tỉnh thức.
Nghiên cứu này cho thấy các công chức sẽ ít xin nghỉ vì bệnh hơn, cũng giảm xin nghỉ tập thể, nếu tập thiền với kỹ thuật nhận biết về khoảnh khắc hiện tại để đối trị lo lắng và trầm cảm.
Nghiên cứu do Bộ Y Tế Anh thực hiện, thử nghiệm dạy Thiền tỉnh thức cho 100 nhân viên y tế ở thành phố Surrey năm trước, kết quả là giảm sự vắng mặt vì bệnh. Trong khi đó, nhiều trại tù Anh quốc cũng dạy Thiền tỉnh thức để xem có thể giúp các phạm nhân sẽ tránh tái phạm, và 300 giáo viên trong một mạng lưới nhà trường phía tây bắc Anh quốc cũng đã được huấn luyện.
Dân biểu Quốc hội Chris Ruane, đồng chủ tịch nhóm các dân cử thúc đẩy chương trình này, nói rằng nếu kết luận rằng thiền giúp ổn định được những chuyên viên trong các nghề căng thẳng như thế, đó sẽ là lợi ích lớn cho xã hội.
Dân biểu Quốc hội Tracey Crouch, một đồng chủ tịch khác, nói rằng tình hình công chức vắng mặt gây ra nhiều tốn kém, và phương pháp Thiền này có hể giúp tiết kiệm công quỹ cho Anh quốc. Bà nói, bà biết rằng có 2 Bộ Trưởng đang thực tập Thiền pháp này, và đã có 60 Dân biểu Quốc hội Anh quốc cũng đã trải qua khóa huấn luyện Thiền pháp này.
Bản tin báo The Guradian cũng nhắc rằng Thiền pháp này có nguồn gốc từ Phật Giáo.
Bạn muốn biết tên 2 Bộ Trưởng Anh quốc tập Thiền nêu trên? Bản tin một năm trước có ghi rõ. Thử đọc lại,báo The Guardian ngày 7 tháng 5/2014, có nhan đề “Politicians joined by Ruby Wax as parliament pauses for meditation” (Các chính khách cùng tham gia với nghệ sĩ Ruby Wax trong khi Quốc hội ngưng lại để Thiền tập).
Và đó là chuyện xảy ra: các Dân biểu Quốc hội Anh quốc nhắm mắt, lặng lẽ Thiền tập trong một phút đồng hồ. Đó là chuyện xảy ra hôm Thứ Tư ngày 7 tháng 5/2014, toàn bộ Quốc hội Anh quốc ngồi thiền một phút đồng hồ. Ngồi trên ghế, thẳng lưng, nhắm mắt, theo dõi hơi thở. Hy hữu. Chúng ta có thể đoán là sẽ có người ngủ gục, có người động đậy nhúc nhích, có người ngứa lưng ngứa vai… nghĩa là, không thể an tĩnh như ý. Nhưng, như thế cũng rất là hy hữu.
Hiện diện nổi bật trong buổi Thiền tập đó là nữ nghệ sĩ Ruby Wax, người nhiều năm quảng bá Thiền tỉnh thức tại Anh, và các cựu Bộ trưởng Lord Haworth và Jim Fitzpatrick. Bản tin nói rằng tham dự buổi Thiền tập đó có 95 Dân biểu Quốc hội, và các quan chức, nhân viên.
Bây giờ, bàn chuyện Hoa Kỳ. Để dễ hơn, sẽ thu hẹp về tiểu bang California, nơi người Mỹ gốc Việt về cư ngụ đông nhất tại Hoa Kỳ.
Nhiều Phật tử đã bất ngờ khi nghe một câu khá quen thuộc từ Thống đốc Jerry Brown của Califonria tuyên bố trong năm 2012 khi nói về Đề luật Prop. 30: “Desires are endless. I vow to cut them down” (Lòng tham vô tận. Tôi thệ nguyện đoạn). Cần ghi nhận rằng Đề luật Prop.30 là Luật tăng thuế tạm để tài trợ giáo dục.
Tạp chí Shambhala Sun ngày 2 tháng 11/2012 kể như thế qua bản tin nhan đề “Desires are endless — Governor Jerry Brown evokes a Zen vow”… Bản tin đó là dẫn theo báo Los Angeles Times với ghi nhận từ báo L.A.Times rằng Brown đã tụng câu trên hàng đêm, khi Brown sống trong một Thiền viện ở Nhật Bản thời thập niên 1980s.
Như thế, Thống Đốc Brown đã mượn từ câu thứ nhì trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, chính xác phải là: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” – để chuyển sang, nói về sử dụng ngân sách tiểu bang: Lòng tham vô tận, thệ nguyện đoạn.
Thực ra, Thống Đốc Brown đã thân thiện với Phật giáo từ lâu rồi, và bản thân ông cũng có nhiều giao tình với Thiền sư Nhất Hạnh và nhiều nhà sư khác.
Tạp chí Lion's Roar ngày 1 tháng 9/2000 trong bài phỏng vấn nhan đề “Jerry Brown: Zen and the Art of the Possible” (Jerry Brown: Thiền và Nghệ Thuật của Khả Thể) có ghi nhận rằng trong tác phẩm Dialogues của Brown, có kể về một cuộc thảo luận giữa Brown và Thầy Nhất Hạnh.
Brown nói phóng viên Trevor Carolan rằng Thầy Nhất Hạnh đã thăm thành phố Oakland năm 1999, khi đó Brown là Thị Trưởng nơi này, và Brown đã giúp Thầy tổ chức “Day of Mindfulness” (Ngày của Tỉnh Thức), và trong cương vị Thị Trưởng Oakland, Brown đã ban hành một bản tuyên bố về Bát Chánh Đạo.
Brown kể rằng khi lưu trú tại Nhật, Brown hàng ngày tập Thiền dưới hướng dẫn của Thiền sư Yamada trong vòng 6 tháng và có tham dự 4 khóa nhập thất gọi là sesshins (mỗi khóa dài 1 tuần, tập trung nhiều vào ngồi Thiền).
Cũng cần nói rằng, thực tập Thiền vẫn không có nghĩa là Phật tử. Nhất là khi chúng ta nhìn thấy toàn bộ Dân biểu Quốc hội Anh ngưng mọi chuyện để thực tập một phút Thiền tập, chỉ có nghĩa là Thiền được giản lược như một liều thuốc tiện dụng. Bản thân Thống đốc Jerry Brown là một người tu xuất: thời mới lớn học trong chủng viện Sacred Heart Novitiate của truyền thống Thiên Chúa Giáo La Mã, rồi mới ra đi để học ở U.C. Berkeley, rồi tốt nghiệp luật sư ở Đại học Yale, và rồi hoạt động chính trị, tập trung ở California. Chính xác, chúng ta không biết rõ Brown theo tôn giáo nào hay không, vì ông không nói rõ.
Một số chức vụ dân cử đáng chú ý của Jerry Brown là:
-- đương nhiệm Thống Đốc California từ tháng 1/2011.
-- Bộ Trưởng Tư Pháp California từ ngày 8 tháng 1/2007 tới ngày 3 tháng 1/2011.
-- Thị trưởng Oakland từ ngày 4 tháng 1/1999 tới ngày 8 tháng 1/2007.
-- Thống Đốc California từ 1975–1983.
Cũng đáng chú ý về Jerry Brown là ba lần ra ứng cử Tổng Thống, và đều rớt ngay trong vòng sơ bộ của Đảng Dân Chủ.
Lần đầu là năm 1976, Brown thua sơ bộ trước Jimmy Carter.
Lần thứ nhì là năm 1980, Brown đổi chiến lược, tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ bằng một nghị trình rất là Phật giáo: kết hợp tư tưởng của nhà hoạt động môi trường Buckminster Fuller và lý thuyết “Kinh tế Phật giáo” của kinh tế gia Đức quốc E. F. Schumacher. Jerry Brown đưa ra khẩu hiệu tranh cử: “Bảo vệ địa cầu, phục vụ nhân dân, và khám phá vũ trụ.” Vậy mà cũng thua Carter vòng sơ bộ Dân Chủ (và rồi, Carter thua ứng viên Cộng Hòa Ronald Reagan vòng tổng tuyển cử Tổng Thống Hoa Kỳ).
Lần thứ ba là năm 1992, Brown thua Bill Clinton vòng sơ bộ Dân Chủ.
Có vẻ như Jerry Brown từ một người say mê với hoạt động tâm linh, rồi với Thiền tập, rồi với chính trị… Câu hỏi rằng: Brown hiểu thế nào về ý nghĩa tâm linh trong chính trị (the place of spirituality in politics)?
Jerry Brown trả lời: “Tôi không nghĩ rằng chính trị dị biệt với các hoạt động khác có liên hệ với nhiều người. Cũng y hệt như là bạn đang điều hành một cửa tiệm, hay đang xây dựng một cơ sở kinh doanh Internet, hay đang giữ chức Thị trưởng – chỉ đơn gỉan là nhiều hoạt động. Đối với tôi, con đường tâm linh rất rõ ràng về những gì chúng ta đang làm, rất rõ ràng khi hỏi, “Tôi đang dấn thân vào những gì đây?” Và từ sự sáng tỏ đó, tôi làm bất cứ quyết định nào tôi phải làm. Đối với tôi, con đường sẽ là sự rõ ràng minh bạch. Tôi đã tới nghe Krishnamurti nhiều lần, và ông ta sẽ nói, “Hãy chỉ quan sát” (“Just observe.”)… Như thế, rất là y hệt như đang ngồi thiền.”
Rõ ràng minh bạch? Thực tế, có một câu hỏi Jerry Brown trả lời không minh bạch tí nào. Và như dường cố ý làm cho câu hỏi trở nên khó trả lời như một công án.
Nhật báo Sacbee.com có bản tin ngày 22/7/2015, nhan đề “Jerry Brown, ‘Are you Catholic?’” (Jerry Brown ơi, ‘Ông có phải là tín đồ Công giáo?’)…
Phóng viên David Siders ghi nhận về chuyến đi của Jerry Brown (cùng với vợ là bà Anne Gust Brown) tới Vatican để nói về tình hình biến đổi khí hậu. Bản tin như sau, trích dịch:
“Trong khi Thống Đốc Jerry Brown đang làm một loạt cuộc phỏng vấn về biến đổi khí hậu hôm Thứ Tư, một phóng viên địa phương hỏi ông, “Ông có phải là một tín đồ Công giáo?”
Nhưng người quen thuộc của Brown, kể cả vợ ông ta, sẽ nói với bạn rằng ông ta đúng là một tín đồ Công giáo. Nhưng như một quy luật, vị Thống đốc 4 nhiệm kỳ không ưa nói chuyện ông theo tôn giáo thế nào.
Ông hỏi: “Có nghĩa gì vậy? Tôi không phải tín đồ Tin Lành. Và tôi không phải người cộng sản.”
Phóng viên kia cười lúng túng, và Thống đốc phu nhân Anne Gust Brown mới chen vào đỡ cho phóng viên kia. Bà nói rằng đây là Vatican City nhé, và “Cô phóng viên kia mới hỏi, “Ông có phải là một tín đồ Công giáo?”
Brown mới nói rằng đó chỉ là một nhãn hiệu – không phải tôn giáo. Và ông chống lại nhãn hiệu. Nhiều năm trước, ông từng tu học Thiền Tông tại Nhật Bản.
Ông nói, “Có cả đủ thứ lý thuyết và niềm tin, và tôi không muốn bị hiểu rằng tôi sẵn sàng để bênh vực cho tất cả [các nhãn hiệu].”
Brown nói rằng ông một thời từng là tu sinh dòng Jesuit, và quay sang bà Gust Brown, ông giỡn, “Chúng ta nói rằng em theo Anh giáo, nhưng anh có vài câu hỏi về chuyện đó.”…” (ngưng dịch)
Nghĩa là, ông Jerry Brown không ưa các nhãn hiệu. Kể cả nhãn hiệu tôn giáo. Tuy nhiên, có một nhãn hiệu dính với ông như tiền định: Governor Moonbeam. Có thể dịch là: Thống Đốc Nguyệt Quang, hay là Thống Đốc Ánh Trăng, hay kẻ trên mây. Nhãn hiệu này là báo chí gán cho ông, sau mấy bài diễn văn về “kinh tế Phật giáo” thời tranh cử 1980…
Dù vậy, đối với một số nhà báo, Brown cũng vẫn được nhắc tới nhãn hiệu Thiền sư.
Thí dụ, báo Phật giáo Wisdom Quarterly ngày 8 tháng 3/2010 có bản tin tựa đề "Zen monk to be California's governor again" (Thiền sư sẽ trở thành Thống Đốc California một lần nữa).
Hay như báo Gq.com ngày 3 tháng 10/2010, bản tin tựa đề “The Once—And Future?—Governor Moonbeam” (Đã Từng Một Lần – và sẽ Tương Lai?—Thống Đốc Trên Mặt Trăng”… Bài báo này nhắc rằng Jerry Brown đã từng biến dạng vào một Thiền viện trong 6 tháng để chiêm nghiệm về "the essential emptiness" (cái rỗng rang cốt tủy). Ghi nhận: bài báo này xuất hiện một tháng trước khi cử tri bỏ phiếu để lựa chọn giữa Brown và một ứng viên Cộng Hòa, nghĩa là bài báo có thể kiếm cho Brown một số phiếu Phật tử và có thể làm Brown mất một số phiếu khác.
Tuy nhiên, làm thế nào một người chiêm nghiệm về Tánh Không lại có thể điều hành một chính quyền?
Báo SCPR.org ngày 8 tháng 3/2010 có bản tin “Jerry Brown talks about Buddhism and governing” (Jerry Brown nói về Phật Giáo và việc điều hành chính quyền).
Bài báo ghi một câu nói của Brown: “Illusions are endless and our job as human beings is to cut them down” (Ảo giác thì vô tận, và chúng ta trong cương vị nhân loại là phải đoạn trừ chúng). Câu này, hiển nhiên cũng là dẫn ra và sửa lại từ Tứ Hoằng Thệ Nguyện.
Jerry Brown giải thích: “Điều cốt tủy rằng, mọi người hãy nhìn xuyên qua sự rỗng rang của nhiều niệm tưởng và những lời tuyên bố người ta được trao cho.”
Hình như Brown lại dẫn ra, hay đã sửa một vài ý niệm từ kinh điển Phật giáo trong khi đi tranh cử?
Nguyên văn Kinh Tương Ưng SN 43.4 (https://suttacentral.net/en/sn43.4), Đức Phật nói:
“Các sư, con đường nào dẫn tới Niết Bàn? Pháp định rỗng rang vô tự tánh, pháp định vô tướng, pháp định vô nguyện: đây là con đường tới Niết bàn.” (And what, bhikkhus, is the path leading to the unconditioned? The emptiness concentration, the signless concentration, the undirected concentration: this is called the path leading to the unconditioned.)
Bản kinh này trong nhóm các kinh hay vô cùng tận của Đức Phật, và thường ngắn, chỉ có vài dòng. Nhưng kinh này có thể ứng dụng vào kinh tế hay điều hành chính quyền được không? Cũng khó vô cùng tận vậy.
Có lẽ, chúng ta hiểu được vì sao Jerry Brown ba lần thất cử Tổng Thống. Nhưng, giả sử, nếu Brown đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ, chuyện gì sẽ xảy ra? Chỉ có một điều biết chắc rằng, sẽ có rất nhiều Ngày Tỉnh Thức được tổ chức tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ, chứ không phải chỉ ở thành phố Oakland…
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.194.204 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập