Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Văn hóa Phật giáo »» Xem đối chiếu Anh Việt: PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG »»
Trong cuộc sống có những nhân vật lừng danh lịch sử qua sự cống hiến công lao, tài năng, trí tuệ của họ thuộc nhiều lãnh vực khác nhau cho đời, cho đạo. Bút hầu cùn, mực khô cạn qua thơ phú, văn chương ca tụng tài hoa, chí hướng cao thượng như Đức vua Trần Nhân Tông, tưởng không thể chỉ đơn thuần tán dương công hạnh vị vua anh hùng của dân tộc, bậc Thiền sư ngộ đạo của Phật giáo Việt Nam vào đời nhà Trần thế kỷ mười ba cho hậu thế học hỏi phong cách phi phàm của vị cha già dân tộc, vẫn hằng sống mãi gương hy sinh giữ nước, xây dựng mở mang bờ cõi; phát triển đạo Phật Việt tiếp nối đời Lý - Trần trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Không còn nghi ngờ gì nữa, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) đầy đủ túc duyên với Phật Pháp, như Thánh Đăng Ngữ Lục và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên ghi nhận các chi tiết: “Đến khi vua ra đời, màu da như vàng ròng. Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Bên vai phải vua còn nốt ruồi đen như hạt đậu lớn. Kẻ thức giả bảo: ‘Ngày khác chắc chắn có thể gánh vác việc lớn.’”
Thiền tông bản hạnh mô tả chi tiết này như sau:
Mãn nguyệt no tháng thoát thai
Mình vàng kim sắc tướng ngài lạ thay
Vua cha thốt bảo rằng bay
Hai ta có đức sanh nay Bụt vàng
Hữu kiên nốt ruồi bên nương
Thuật sĩ xem tướng đoán lường rằng bay
Thái tử trí cả bằng nay
Gánh việc đại khí làm thầy mười phương.
Nhưng khi lớn lên, vua cha Thánh Tông đặt tên là Khâm và lo việc giáo dục chu đáo để chuẩn bị kế tục sự nghiệp lãnh đạo quốc gia sau này. Theo Trần Quang Chỉ khi đề từ cho bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, đã cho biết rõ chi tiết Trần Nhân Tông đã được nuôi dạy lúc nhỏ: “Khi lớn Ngài học thông Tam giáo (Phật, Khổng, Lão) và hiểu sâu Phật điển. Ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì là không mau chóng nắm được sâu sắc”. Do vậy Trần Nhân Tông cả văn lẫn võ đều song toàn để chuẩn bị hai sự nghiệp vĩ đại sau này: vương nghiệp và đạo nghiệp. Cả hai đều được lo liệu một cách chu đáo cẩn thận. Nhưng đối với vua cha, không muốn con mình theo sự nghiệp thứ hai, cũng như vua Tịnh Phạn xưa kia không muốn Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia học đạo, nên tìm cách ràng buộc Trần Nhân Tông cưới vợ năm 16 tuổi (1274), cũng như sắc phong làm Hoàng Thái Tử, với ý định truyền ngôi vua, nhưng Hoàng Thái Tử từ chối muốn nhường ngôi lại cho em.
Sự kiện này rất ấn tượng như Thánh Đăng Ngữ Lục ghi những chi tiết vua Trần Nhân Tông bỏ nhà đi lên núi Yên Tử: “Một đêm vào giờ Tý, vua bèn vượt thành mà đi, tìm vào núi Yên Tử. Đến chùa Tháp núi Đông Cứu thì trời đã sáng mà mình lại rất mệt, bèn vào nghỉ ở trong tháp. Vị sư chùa thấy diện mạo vua khác thường, bèn đem thức ăn dâng vua.”
Sự kiện bất ngờ khiến hoàng gia lo lắng, nhất là hoàng hậu một mực tìm cho ra tông tích, theo Thánh Đăng Ngữ Lục viết rằng: “Hoàng hậu đem tâu hết cho Thánh Tông nghe. Vua ra lệnh cho quần thần tung ra bốn phương tìm kiếm. Thái tử bất đắc dĩ tự trở về và lên ngôi. Tuy ở ngôi cửu trùng sang trọng mà vẫn tự mình giữ thanh tịnh.”
Thái tử Trần Khâm đã chấp nhận lên ngôi vua ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Phù thứ 6 (1278), trước một tình thế nguy biến vì đất nước gặp lúc giặc phương Bắc xâm lăng. Vua Trần Nhân Tông với tài thao lược đã vận dụng lòng dân quân đánh thắng kẻ thù dân tộc nhiều trận khiếp vía kinh hồn mà điển hình qua 2 cuộc đọ sức với Hốt Tất Liệt năm 1285 tại Chương Dương nằm cách Kinh thành Thăng Long không xa. Theo sử gia Lê Mạnh Thát thì “sau khi quét sạch quân thù ra khỏi đất nước, vua Trần Nhân Tông đã thực hiện một số biện pháp nội trị và ngoại giao nhằm ổn định và nâng cao tiềm lực chiến đấu của dân tộc”. Do chinh phục được lòng dân, vua Trần Nhân Tông đã kết nạp được những tướng tài như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư một lần nữa đã chiến thắng trận Vân Đồn như sử liệu ghi: “Chiến thắng Vân Đồn là một chiến thắng vang dội và quyết định. Phía dịch cũng thừa nhận chiến thắng này là một tổn thất to lớn của chúng.” Tiếp theo là trận thủy chiến ở sông Bạch Đằng do Hưng Đạo Vương chỉ huy, giặc bị thua. Do trước đó ông cho trồng cọc ở lòng sông phủ cỏ lên trên, chờ cho nước triều lên Vương cho quân khiêu chiến, dùng kế hoãn binh, giả thua bỏ chạy, khiến giặc đuổi theo, quân ta ra sức cự địch. Chờ nước triều rút, thuyền giặc bị vướng cọc quân ta xáp đánh với giặc, giặc bị thua; tướng giặc Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ bị bắt. Đó là trận chiến tranh vệ quốc năm 1288 do Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, cũng như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Khoái trực tiếp chỉ đạo, vạch kế hoạch, nếu không do chính vua Trần Nhân tông chỉ đạo kế hoạch thì, cũng phải do nhà vua phê chuẩn và đồng ý thực hiện, theo như sử gia Lê Mạnh Thát.
Dù chiến thắng võ công vẻ vang tới đâu, địa vị nhà vua vững vàng thế mấy, cũng không làm thui chột được chí xuất trần còn vững mạnh nơi tâm của vị Phật vương này. Do vậy, một mặt vua trực hoặc gián tiếp nung chí cho Thái tử Anh Tông lên kế vị, mặt khác lo ổn định nhân tâm như giảm sưu dịch, cho phóng thích tù nhân các loại, củng cố binh bị cho một Việt Nam độc lập, tự chủ, phú cường trong thời bình.
Vua đảm nhận chân mạng đế vương (1278) được 16 năm, rồi nhường ngôi cho con là Anh Tông năm 1293, và năm sau 1294 vua Trần Nhân Tông xuất gia tại núi Vũ Lâm ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay.
Vương nghiệp của nhà vua lừng danh và đang thời cực thịnh như thế, nhưng một khi đã quyết tâm thì giũ bỏ như người bỏ đôi dép rách không màng tới nữa, để dành hết tâm tư vào việc tu tập ngõ hầu vun bồi đạo nghiệp là mục đích tối hậu của Ngài. Như bài “Cư trần lạc đạo phú”, Trần Nhân Tông đã diễn tả quan điểm của mình ở đoạn kết như sau:
Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền.
(Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.)
Sau khi đã xuất gia ở chùa nơi núi Yên Tử tu khổ hạnh, và đây là đoạn bài ca đã nói tới:
Yên bề phận khó
Kiếm chốn dưỡng thân
Khuất tĩnh non cao
Náu mình sơn dã...
Riêng với người khác, như tôn giả Huyền Quang với cái nhìn khi tả về cảnh chùa Vân Yên và cuộc sống của vua Trần Nhân Tông lúc bấy giờ như thoát tục:
... Cảnh tốt hòa lành
Đồ tựa vẽ tranh
Chỉn ấy trời thiêng mẽ khéo
Hèn chi vua Bụt tu hành...
Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh
Nương am vắng Bụt hiện từ bi
Gió hiu hiu mây nhè nhẹ
Kề song thưa thầy ngồi thiền định
Trăng vằng vặc, núi xanh xanh...
Mặc cà sa, nằm trướng giấy
Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương
Quên ngọc thực, bỏ hương giao
Cắp nạnh cà một vò, tương một hũ...
Thầy tu trước đã nên Phật quả
Tiểu tu sau còn vị Tỳ kheo.
Thoát vương bào, khoác phương phục của người Tăng sĩ trong đời đã mấy ai làm được, thế mà một bậc quân vương uy quyền tột đỉnh, thần dân một mực kính tôn, hễ đã nói xả bỏ thì quyết dứt bỏ không một niệm luyến tiếc vấn vương, đó là hạnh đức sáng ngời của Phật hoàng Trần Nhân Tông, một nhân vật lịch sử kiệt xuất của Việt Nam đời nhà Trần, dù đã trải qua gần 800 năm nhưng vẫn như mới tinh chưa hề hoen lớp bụi thời gian. Đó là do nhân cách đạo phong, công phu tu tập và đạo hạnh tu chứng của Ngài như mồi đèn tiếp lửa với vai trò truyền đăng tục diệm trong công cuộc xiển dương đạo Phật Việt ở ngày mai.
Nghiên cứu tìm hiểu nhân vật lịch sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông ta phải đặc biệt chú tâm hai vai trò chủ yếu hàng đầu của Ngài: Trọng trách đối với quốc gia dân tộc và sứ mạng đối với đạo Phật Việt:
* Với quốc gia dân tộc:
Quốc gia dân tộc là di sản ngàn đời của tiền nhân để lại, các thế hệ thừa kế phải chứng tỏ đủ khả năng giữ gìn, cũng như bản lãnh đánh đuổi giặc ngoại xâm để trị an xứ sở và mở mang bờ cõi.
Vua Trần Nhân Tông không những lo đối phó với nhà Nguyên mà còn phải lo giải quyết vấn đề Chiêm Thành trong sự nỗ lực xây dựng mối quan hệ ngoại giao thân thiện với quốc gia láng giềng nằm ở biên giới phía Nam của Việt Nam. Vào tháng Giêng năm Thiệu Bảo thứ nhất 1279 vua Chiêm cử một phái bộ gồm các nhân vật Chế Năng và Chế Diệp... đến nước ta để cầu thân và cầu viện binh. Đến tháng 12 năm 1279 bọn quân Nguyên kéo binh sang xâm lược nước Chiêm Thành, vua Trần Nhân Tông gởi sang hai vạn quân và 500 chiến thuyền chi viện, giúp Chiêm Thành đẩy lui được quân Nguyên.
Món quà ngoại giao muôn mặt, là vô cùng tinh vi sâu sắc, bấy giờ vua Chiêm Thành là Chế Mân, trước sau gì cũng phải trả. Sau khi Thượng Hoàng đã xuất gia mà vẫn còn mối quan tâm đặc biệt với đất nước, nhất là cuộc vân du nhiều tháng nơi Chiêm quốc của Ngài vào tháng 3 năm 1304, theo ĐVSKTT, qua sự thương thảo sau đó, Chế Mân đem 2 châu Ô và Rí để tạ ơn và làm sính lễ cưới Huyền Trân Công Chúa.
Vua Trần Nhân Tông với viễn kiến nhìn xa thấy rộng đặt nền móng mở mang bờ cõi sang phía Nam để giữ vững biên cương, phát triển xứ sở, tiếp tục tới đời chúa Nguyễn Hoàng sau 400 năm tiến xa vào tới miền đồng bằng sông Cửu Long và giáp giới tận cùng đến mũi Cà Mau.
Một sử kiện hào hùng của dân tộc là cuộc hội nghị Diên Hồng do Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các bô lão trong toàn quốc về họp vào tháng 12 năm 1284, hỏi kế sách đánh giặc. Để trả lời câu hỏi của vua về việc có nên đánh hay không, các vị bô lão đã “muôn người như cùng một lời”, đáp lại “nên đánh”, như sử gia Lê Mạnh Thát dẫn: Nhà sử học Ngô Sĩ Liên bình luận về hành động này, đã nói: “Thánh tông muốn làm thế để xem sự ái mộ thành thật của hạ dân và muốn cho họ nghe dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên.” Đúng thế, hội nghị Diên Hồng là một cuộc vận động tư tưởng lớn, nhằm phổ biến rộng rãi chủ trương nhất định kháng chiến của vua Trần Nhân Tông và triều đình cùng quân đội tới toàn dân. (Toàn tập Trần Nhân Tông của Lê Mạnh Thát trang 50 do Nxb Tổng Hợp thành phố HCM ấn hành 2006).
Nhờ chính sách ngoại giao khéo léo mềm dẻo, nhân đạo, nhún nhường, thả các tù nhân của giặc trong 2 cuộc chiến năm 1285 và năm 1288, vua Trần Nhân Tông được toàn dân tôn kính, cũng như đối phương nể phục đức trị của ông vua một nước nhỏ yếu kém về mọi mặt: Kinh tế, chính trị, tài chánh, quốc phòng..., nhưng về mặt nhân tâm vua nước Việt có phần thắng lợi.
Vua Trần Nhân Tông lên ngôi vua vào tháng 10 năm 1278 đến năm 1293 là 16 năm, rồi nhường ngôi lại cho con là Anh Tông lên trị vì năm 1293.
Việc thoái ngôi vị trong lúc vua Trần Nhân Tông tạo được uy thế cũng như uy tín trong lòng dân tộc một cách vẻ vang sau 2 cuộc chiến tranh thắng lợi lừng danh trong lịch sử, nhưng không vì thế Ngài tiếp tục nắm giữ quyền bính trong tay, mà giũ bỏ tất cả, phát đại nguyện xuất gia làm Tăng sĩ, chỉ có mỗi ba y với một bình bát, sống không nhà theo hạnh đầu đà như Phật Tổ, để có thì giờ và tâm lực phục vụ chúng sanh đúng theo tâm nguyện.
* Đối với đạo Phật Việt:
Nếu cho rằng Thiền tông Trung Hoa lột bỏ lớp áo của Ấn Độ từ Lục Tổ Huệ Năng thì, Thiền tông Việt Nam cũng bắt đầu từ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, không còn hơi hướng của đạo Phật ngoại nhập mà bấy giờ là đạo Phật Việt thuần túy. Đó là do ảnh hưởng sâu đậm bởi hai dòng tư tưởng lớn của Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng, cũng có một phần tư tưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, vốn là cậu ruột và là thầy của vua Trần Nhân Tông hình thành như được đề cập ở sau.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma qua Trung Hoa truyền pháp do thầy của mình là Tổ Bát Nhã Đa La phó chúc. Ngài qua Đông Độ với một sứ mạng như Phật bổ xứ để làm sống lại đạo Phật, trong khi bị lu mờ chính nơi phát xuất tại Thiên Trúc (Ấn Độ). Tổ đến Trung Hoa trong khi đạo Phật đã du nhập Trung quốc chừng bốn thế kỷ trước đó, nhưng hình như không hội nhập được vào dòng chính của văn hóa bản địa. Vì tại đấy đã có đạo Lão, đạo Khổng bắt được gốc rễ từ đầu trong lòng dân tộc Trung Hoa, nên đạo Phật đến sau được xem như là thứ yếu, niềm tin của quần chúng vào đạo Phật hãy còn lơ là lỏng lẻo, vì không có cơ sở vững chắc. Bằng chứng hiển nhiên dễ thấy qua thái độ người Trung quốc đối với Ngài Đạt Ma lúc đầu mới đến nơi đất Ngụy, chùa Thiếu Lâm trên ngọn Tung Sơn, họ nhìn Ngài như một người xa lạ nếu không muốn nói như vô cảm qua câu “ông Bà-la-môn nhìn vách” (bích quán Bà la môn) thành ra có một khoảng cách khá lớn, để tiếp xúc gần gũi. Phải chăng đây chính là động lực để Tổ ngồi tham thiền nhập định suốt chín năm? Nếu như nhận định này đúng thì thật quả việc Tổ diện bích là xứng đáng để cho tinh hoa Phật giáo phát tiết sau này như chủ trương của Tổ Đạt Ma:
Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.
Nghĩa
Không lập văn tự
Truyền ngoài giáo pháp
Chỉ thẳng tâm người
Thấy tánh thành Phật.
Tới đây phải nói là đạo Phật nhảy vọt một bước tiến khá xa trên đường hoằng hóa mà Thiền tông Trung Quốc mở đầu cho tư trào khai phóng này mãi cho tới ngày nay qua bao nhiêu đời truyền thừa, từ Sơ Tổ Đạt Ma, đến Lục Tổ Huệ Năng cũng như trên 30 vị Tổ sư thiền khác chỉ riêng Trung Quốc mà chưa kể đến Phật giáo Thiền tông các quốc gia Đông Nam Á Châu khác. Như trăm hoa đua nở, Phật giáo phát triển cực thịnh vào đời Đường (618-907) suốt 300 năm tại Trung Quốc, hơn 200 năm tại Nhật Bản (vào đời Thánh Đức Thái Tử Sotoku Taishi (574-622) cho đến dòng dõi Đức Xuyên (Toku Gawa) và gần 400 năm tại Việt Nam vào đời Lý - Trần từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13, Phật giáo gần như là quốc giáo tại 3 quốc gia như vừa nêu trên.
Tư tưởng Thiền Phật giáo như cắm sâu gốc rễ vào vùng đất Trung Hoa manh nha từ Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma cho đến 200 năm sau tới đời Lục Tổ Huệ Năng (638-713) chủ trương Nam đốn Bắc tiệm hay Nam Năng Bắc Tú qua kệ ngộ đạo của Ngài như sau:
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhứt vật
Hà sử nhạ trần ai?
Nghĩa:
Bồ đề chẳng phải cây
Gương sáng chẳng phải đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào nhiễm trần ai?
Ngài Huệ Năng cũng cải cách công cuộc truyền thừa pháp không truyền trao y bát từ Thầy xuống đệ tử như từ trước mà chấm dứt kể từ sau đời Ngài. Tinh thần khế lý và khế cơ như lời Phật dạy đã được thẩm thấu qua hơi thở Trung Hoa mà Lục Tổ cùng chư Tổ đem ứng dụng thành công và lưu truyền ở đời.
Vua Trần Nhân Tông chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền của Sơ Tổ Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng và cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ không ít, mặc dù ông chỉ là cư sĩ, chứ chưa là Tăng sĩ. Ảnh hưởng như thế nào? Theo như Thánh Đăng Ngữ Lục thì Trần Nhân Tông đã “tham học với Tuệ Trung Thượng Sĩ, sâu được cốt tủy của thiền, nên thường lấy lễ thầy mà thờ”. Theo giáo sư Lê Mạnh Thát, vậy người truyền tâm ấn cho Thượng hoàng Trần Nhân Tông không ai khác hơn là Tuệ Trung Thượng Sĩ, “danh tướng đã giải phóng Thăng Long trong cuộc chiến vệ quốc năm 1285, và người đã đi điều đình với giặc ở căn cứ Vạn Kiếp, để cho quân ta có cơ hội tấn công chúng.” (Sđd trang 170)
Khi Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung mất, vua Trần Nhân Tông đã viết tiểu sử của vị thầy, đồng thời cũng là cậu ruột của mình. Nhân đó, vua Trần Nhân Tông đã kể lại kinh nghiệm ngộ đạo của mình như sau: “Trước đây khi ta chưa xuất gia, gặp lúc cư tang Nguyên Thánh Mẫu Hậu, nhân đó đi mời Thượng Sĩ. Người trao cho hai bộ ngữ lục của Tuyết Đậu và Dã Hiên. Ta thấy Thượng Sĩ sống rất thế tục, nên sinh ngờ vực, bèn giả bộ ngây thơ lén hỏi: ‘Chúng sinh quen nghiệp uống rượu, ăn thịt, thì làm sao tránh được tội báo?’ Thượng Sĩ giải rõ: ‘Giả như có người đứng quay lưng lại, bỗng có nhà vua đi qua sau lưng, người kia bất ngờ ném một vật gì đó trúng vào người vua. Người ấy có sợ chăng? Vua có giận chăng? Như vậy phải biết hai việc không liên quan với nhau.’ Bèn mới viết hai bài kệ để chứng tỏ:
Vô thường các pháp hành
Lòng nghi, tội liền sanh
Xưa nay không một vật
Chẳng giống cũng chẳng mầm.
Lại nói:
Ngày ngày khi đối cảnh
Cảnh cảnh từ tâm ra
Tâm cảnh xưa nay chẳng
Chốn chốn đều ba la.
Ta hiểu ý, chặp lâu mới nói: “Tuy là như thế, nhưng tội phước đã rõ thì làm sao?” Thượng Sĩ lại đọc tiếp bài kệ để chỉ bảo:
Ăn cỏ với ăn thịt
Chúng sinh mỗi có thức
Xuân đến trăm cỏ sinh
Chỗ nào thấy họa phúc.
Ta nói: “Chỉ như thế thì công phu giữ sạch phạm hạnh không chút xao lãng để làm gì.” Thượng Sĩ chỉ cười mà không đáp. Ta lại thỉnh ích (hỏi lần nữa), Thượng Sĩ lại làm thành 2 bài kệ, để ấn chứng cho ta:
Trì giới với nhẫn nhục
Chuốc tội chẳng chuốc phúc
Muốn biết không tội phúc
Chẳng trì giới nhẫn nhục.
Lại nói:
Như người lúc leo cây
Đang yên tự tìm nguy
Như người không leo nữa
Trăng gió làm được gì?
Lại kín đáo dặn ta: “Chớ bảo cho người không đáng.”
Theo sử gia Lê Mạnh Thát, cũng chính qua đoạn văn trên ta biết thời gian chứng ngộ của vua, đó là vào mùa xuân năm Đinh Hợi (1278), khi cả nước đang rầm rộ chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để đối phó với cuộc xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên, và đó là lúc Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu mất, như ĐVSKTT 5 tờ 51 b5 đã ghi: “Nhân lúc mẹ mình mất, vua Trần Nhân Tông đã đến mời người anh của mẹ là Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung đến dự tang. Vào dịp ấy, đã xảy ra cuộc đối thoại giữa hai người, mà ta vừa dẫn trên, và do chính vua Trần Nhân Tông ghi lại. Tuệ Trung đã ấn chứng cho vua Trần Nhân Tông trong cuộc đối thoại đó.” (Sđd trang 172 và 173)
Do ảnh hưởng tư tưởng như thế, nên sau này vua Trần Nhân Tông viết Cư Trần Lạc Đạo Phú là chỉ nam cho sự phát triển của Phật giáo hoàn toàn thế tục, không có sự cách biệt giữa tại gia và xuất gia. Nên biết rằng, đây cũng là nguyên nhân để Phật giáo thế tục hóa chỉ tồn tại được chừng bốn trăm năm sau (từ 1300 đến 1695). Mãi cho đến hơn 250 năm sau đó vào giữa thế kỷ 20, Hòa thượng Thanh Từ mới nhen nhúm khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử qua công cuộc khai mở đạo tràng, tiếp nạp đồ chúng, lập thiền quy tại nhiều nơi ở trong nước và mở rộng ra các nước khác như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc Đại Lợi v.v...
Thích Bảo Lạc
Thiền Lâm Pháp Bảo Sydney, ngày 1 tháng 3 năm 2018
________________
Tài liệu tham khảo
- Đại Việt Sử Ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên
- Thiền tông bản hạnh của HT. Chân Nguyên biên soạn y cứ theo quyển Thánh Đăng Lục kể lại sự tu thiền ngộ đạo của 5 ông vua đời Trần, HT. Thanh Từ dịch giải, nxb Thành phố HCM 1998
- Toàn tập Trần Nhân Tông của sử gia Lê Mạnh Thát, nxb Tổng Hợp Thành phố HCM năm 2006 - VN
- Phật học Đại Từ Điển của Phật Quang Sơn, nxb Phật Quang Sơn Đài Bắc tập 6 năm 2000, do HT. Quảng Độ dịch
- Lục Tổ Đàn Kinh, do HT. Huệ Hưng dịch.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.39.85 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập