Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Bình đẳng là Phật »»
Chúng ta phải biết, chánh tri chánh kiến chỉ có thể hiện tiền khi tâm mình bình đẳng trước mọi hiện tượng từ uẩn sắc lẩn uẩn tâm (thọ, tưởng, hành, thức). Thế nhưng, con người lại thường hay có lòng hiếu kỳ trước mọi hiện tượng trong thế gian, nên mới có nhiều chuyện kỳ quái xuất hiện làm mê hoặc, khiến con người trở thành điên đảo, chạy loạn xạ bên đông bên tây để đi tìm những chuyện kỳ diệu, thần thông, linh nghiệm. Người tu hành như vậy thường bị cảnh giới bên ngoài làm xoay chuyển, chẳng thể tự chủ được tâm mình. Chúng ta bị cảnh giới xoay chuyển là bởi do cái tâm hiếu kỳ của chính mình, mà tâm hiếu kỳ lại chính là tâm tham tạo ra những chuyện kỳ quái. Lại nữa, người không có lòng tham thì không cần phải làm ra dáng vẻ đặc biệt kỳ quái khiến cho người ta nhầm lẫn mình là người phi thường mà sanh lòng chiêm ngưỡng. Người có tâm tham thường hay bị những thứ kỳ quái hấp dẫn, lôi cuốn, trở thành giả dối, hư nguỵ, rồi từ đó tự mình lại sáng tạo ra những chuyện kỳ quái để thu hút người khác. Những điều kỳ quái đó thường là những việc không chánh đáng, thuộc về ma nghiệp, song con người vẫn cứ thích nghe những chuyện đặc biệt kỳ quái, nghe xong họ vĩnh viễn nhớ mãi không bao giờ quên. Đến lúc lâm chung, những cảnh giới kỳ quái ấy hiện ra rành rành trước mắt, đành phải theo vọng nghiệp tái sanh vào những cảnh giới kỳ quái đó. Khi ấy có hối hận cũng đã muộn rồi vì trước đó chẳng lo tu tâm thanh tịnh, thích phô trương bày vẻ, thích nghe ngóng những chuyện kỳ quái, nên bị lòng tham si ấy tác oai tác quái, làm mất đi chánh tri chánh kiến.
Người trên thế gian đa số chỉ thích nhận cái giả, không chịu nhận cái thật. Cho nên, đối với chánh trí Bát-nhã họ không thích nghe. Khi mình lấy kinh Phật ra để dẫn chứng điều ngay lẽ thật thì không ai muốn nghe cả, ngược lại còn sanh ra những chuyện tranh biện, cãi vã một cách vô ích. Thế mà nếu mình nói những điều nịnh hót ca ngợi họ, thì họ hết sức vui vẻ lắng nghe và sẵn sàng tiếp nhận. Người chân chánh học Phật không bao giờ phụ bỏ kinh pháp, khinh chê lời giảng dạy của chư tổ sư, cổ đức và thiện tri thức. Dù có ai đánh chưởi họ, họ cũng chẳng rời bỏ kinh Phật dù nữa bước, bởi vì họ biết rõ kinh Phật chính là Chánh pháp trụ thế. Họ chỉ muốn tiếp cận với Chánh pháp của Phật, chớ chẳng muốn nghe những lời hư dối kỳ quái của người thế gian. Ở trong thế gian này, con người thường làm ra những chuyện kỳ quái, trái nghịch với Pháp tánh, nên mới có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông, nóng lạnh, mưa gió sai khác. Thời tiết nóng lạnh của từng mùa, từng chỗ đều sai khác, có lúc mưa to gió lớn, giông bảo tối đen mịt mù, không thấy nẻo đi; đấy đã thể hiện rõ tánh ô nhiễm, ác khổ của người trong cõi này. Dù có ai dùng lòng thành thật, cố gắng đem Phật pháp ra khuyên nhũ họ đến đắng miệng nhọc lời, cũng chỉ là vô ích, vì tâm của họ đã bị bế tắc nên những lời pháp chân chánh chẳng thể lọt vào lỗ tai họ nên rất khó được khai giải.
Trong phẩm Cõi Nước Nghiêm Tịnh của kinh Vô Lượng Thọ có ghi: “Cõi Cực Lạc kia, đầy đủ vô lượng, công đức trang nghiêm, vĩnh viễn không có danh từ các khổ, các nạn ác thú, các thứ ma não. Cũng lại không có bốn mùa nóng lạnh, mưa gió sai khác. Lại không có cả, sông biển lớn nhỏ, gò nổng hầm hố, chông gai cát sạn, Thiết Vi Tu Di, các núi đất đá, chỉ là tự nhiên, làm bằng bảy báu, đất bằng vàng ròng, rộng rãi bằng phẳng, không thể hạn lượng, vi diệu đẹp đẽ, thanh tịnh trang nghiêm, siêu vượt mười phương, tất cả thế giới.” Kinh dùng câu “trong cõi nước ấy không có bốn mùa nóng lạnh, mưa gió sai khác” là để diễn tả Pháp tánh bình đẳng nơi cõi Cực Lạc. Vì Pháp tánh bình đẳng của cõi Cực Lạc là lẽ tự nhiên của Chân Như nên cõi nước ấy không có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, nóng lạnh mưa gió sai khác, trái nghịch với Chân như. Hơn nữa, thánh chúng nơi ấy tùy thuận Pháp tánh, chẳng làm ra những chuyện trái nghịch với gốc pháp, nên không có bốn mùa nóng lạnh mưa gió sai khác; đấy đã thể hiện Tánh Trang Nghiêm Công Ðức Thành Tựu của thánh chúng nơi cõi Cực Lạc.
“Tánh” có nghĩa là tự nhiên, tất nhiên, chẳng hề biến đổi. Ví dụ, tánh của biển chỉ có một vị, tất cả các dòng nước chảy vào biển đều trở thành một vị ấy, mà tánh của biển chẳng bị biến đổi theo các dòng nước kia. Trong cõi Cực Lạc, nếu xét về trời thì không có bốn mùa nóng lạnh, mưa gió sai khác v.v…; nếu xét về đất thì chẳng có các tướng sông biển, núi non, hang hốc, gò nổng, hầm hố, chông gai cát sạn v.v... Cõi nước Cực Lạc chỉ là một cõi đất mênh mông, bát ngát, phẳng phiu, thuần sắc vàng ròng. Vì vậy, những người vãng sanh về đấy, ai nấy đều được tịnh sắc và tịnh tâm, tức là đều rốt ráo chứng được Thanh tịnh Bình đẳng Vô vi Pháp thân giống hệt như Phật A Di Đà. Vậy, từ câu “lại không có cả sông biển lớn nhỏ, gò nổng hầm hố” cho đến “đất bằng vàng ròng, rộng rãi bằng phẳng, không thể hạn lượng” đều là mật ngữ mà Phật dùng để hiển thị thể tánh bình đẳng của pháp giới ví như tánh bình đẳng của đất dung chứa tất cả, không có hạn lượng, hết thảy biển pháp đều có cùng chung một vị, chẳng có phân biệt. Tánh Trang Nghiêm Công Ðức Thành Tựu của cõi Cực Lạc hiện ra từ Pháp thân của Phật A Di Đà dùng để thu nhiếp nhân dân trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ và hết thảy chúng sanh trong cửu giới cùng quy nhập vào trong thể tánh bình đẳng của pháp giới, đó là Nhất chân Pháp giới Thường tịch Quang độ.
Cõi uế độ Sa-bà do tạp nghiệp cảm thành nên dùng bùn, đất, sỏi, sạn làm chất đất. Còn cõi Cực Lạc là do tịnh tâm vô lậu và các nghiệp lành như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ của Phật A Di Đà biến hiện ra, nên các thứ đất làm bằng vàng ròng, vạn vật làm bằng bảy báu v.v... đều chỉ là tự nhiên biến hiện ra, chẳng phải do tạo tác mà làm thành. Chữ “chỉ là tự nhiên” ở đây hàm chứa ý nghĩa là hãy có công tu đức thì tánh đức tự nhiên hiển hiện ra, chẳng phải là do tham cầu, tạo tác mà có thể thành lập được. Nếu chúng ta đã hiểu rõ thể tánh của pháp giới chỉ là như như, không hề biến đổi sai khác, thì hãy rốt ráo dứt bỏ các vọng niệm, xa lìa những tập đế tham, sân, si, kiêu mạn và ganh ghét, một lòng chuyên niệm danh hiệu Phật, quy hướng trọn vẹn về cõi Cực Lạc. Có làm được như vậy thì dù chúng ta ở trong cõi uế độ Sa-bà cũng cảm được cái quả giác thù thắng của Phật A Di Đà mà được hai thứ tịnh sắc và tịnh tâm. Tịnh sắc là thân thể khỏe mạnh, tướng hảo quang minh, tịnh tâm là hoan hỷ, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Nếu chúng ta ở trong cõi uế độ Sa-bà niệm Phật mà cảm được cái quả giác thù thắng của Phật A Di Đà, thì tất nhiên sau khi lâm chung quyết định sẽ được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Vì tánh là gốc pháp, nên người tu hành phải từ tánh khởi tu, tu nơi hành vi chỉ là bỏ gốc mà muốn được cành, ngọn, hoa, quả, việc này hoàn toàn trái nghịch với thể tánh của pháp giới, nên chẳng thể có thành tựu thật sự trong Phật đạo.
Trong các kinh, đất thường được dùng để ví cho tâm địa bởi vì đất luôn bình đẳng bao dung mọi sự vật, không hề phân biệt tốt xấu, lớn nhỏ, sạch dơ. Vàng ròng thường được dùng để mô tả Pháp thân Phật vì vàng là kim loại có bốn đặc điểm như sau: vàng có màu sắc không biến đổi, vàng làm cho người ta giàu sang, vàng có thể chất không ô nhiễm và có hình dáng dễ dàng được thay đổi. Bốn đặc điểm này của vàng được dùng để làm tỷ dụ cho bốn đức tính Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Pháp thân Phật hay của cõi Phật Tịnh độ. Kinh nói, hết thảy các thứ trong cõi Cực Lạc đều là do bảy báu hợp thành, các thứ báu ấy vi diệu, đẹp đẽ lạ lùng vượt xa các thứ báu vật trong thế gian; nhưng do vì thế gian chẳng có những thứ báu này, nên Phật phải tạm mượn các tên vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, mỹ ngọc, mã não trong cõi trần để mô tả, giúp chúng sanh dễ dàng hình dung ra cảnh vật ở cõi nước Cực Lạc mà thôi! Chớ thật ra, ngay cả các chư Bồ-tát dù có thiên nhãn, cùng nhau hợp lại để bàn luận về số lượng và sự vi diệu, đẹp đẽ của các thứ trong cõi Cực Lạc, cũng không thể nào diễn tả cho nổi. Nói tóm lại, mặt đất của cõi nước Cực Lạc chẳng có đất đá, cát sạn, chỉ thuần trang nghiêm bằng các thứ báu có đầy đủ tánh trân bảo và các thứ sự trang nghiêm mầu nhiệm. Tánh trân bảo của bảy báu ở cõi ấy dùng để biểu thị những đức tánh quý báu vốn sẵn có trong Tự tánh, cũng tức là các thứ sự trang nghiêm công đức thành tựu của cõi nước Cực Lạc.
Ngoài ra, Phật còn dùng bảy báu “vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, mỹ ngọc, mã não” làm mật ngữ để tỷ dụ, ám chỉ bảy thứ bảo bố thí nơi thân để chuyển thân phàm phu thành Pháp thân Phật. Thí dụ: Con mắt chẳng tham nhìn các sắc đẹp, vật xinh là sắc bảo bố thí. Tai chẳng thích nghe tiếng vui của đời như là hí luận, đờn ca, xướng hát là thanh bảo bố thí. Mũi chẳng ham ngửi mùi thơm vật lạ là hương bảo bố thí. Lưỡi chẳng tham vị ngon béo ngọt là vị bảo bố thí. Thân chẳng tham mặc áo quần tốt đẹp là xúc bảo bố thí. Ý chẳng tham danh lợi, ân ái dục tình là pháp bảo bố thí. Tâm chẳng bị quấy nhiễu bởi dục lạc thế gian là Phật bảo bố thí. Nếu ai biết rõ trong thân mình vốn có sẵn bảy báu bố thí ấy và thực hành được các hạnh bố thí như thế, thì đó chính là người tu hành vững chắc bất động, chẳng có ma lực nào có thể lay động được họ. Phật nói, người vững mạnh cầu chánh giác như thế sẽ được nhiều phước đức gấp trăm ngàn vạn ức lần hơn không thể tính đếm nổi là đem cúng dường hằng sa thánh cùng khắp thế giới những thứ báu vật như là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, xà cừ, mã não v.v... Như vậy, nơi cõi uế độ này, nếu chúng ta y theo lời dạy của Bồ-tát Đại Chí trong kinh Lăng Nghiêm: “Nhiếp thủ sáu căn, tịnh niệm tiếp nối câu Phật hiệu A Di Đà không ngừng cho đến khi tâm phàm phu biến thành tâm Phật” thì đấy mới chính thực là hạnh bố thí bảy báu bậc nhất, chẳng có hạnh bố thí nào có thể sánh bằng. Vì sao? Bởi do bố thí vô lậu như thế sẽ mau chóng liễu ngộ Tự tâm, vượt qua bờ sanh tử, cứu cánh Phật quả. Do vì tâm địa của người trong cõi Cực Lạc thanh tịnh, bình đẳng, bao dung với đầy đủ bảy tánh đức bố thí vô lậu kể trên, nên kinh ví tâm địa ấy giống như là đại địa rộng rãi bằng phẳng, không thể hạn lượng, thuần chỉ làm bằng vàng ròng. Vậy, câu “rộng rãi bằng phẳng, không thể hạn lượng” hàm chứa ý nghĩa “tâm bình đẳng là bản thể của Phật tánh.”
Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Thập phương chúng sanh vãng sanh, dù đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh, tuy nói là vô lượng vô biên không thể tính kể, nhưng rốt ráo luôn chỉ giống như hư không, vô cực.” Cõi Cực Lạc không thể hạn lượng ví như hư không là vì chúng dân trong cõi ấy tuy đông đến không thể tính đếm nổi nhưng vẫn như là không có; đây đã nói lên thế tánh bình đẳng, chẳng tăng cũng chẳng giảm của cõi nước Phật. Chẳng những cõi ấy rộng lớn không ngằn mé mà số lượng của các thứ vi diệu đẹp đẽ, thanh tịnh trang nghiêm trong cõi nước ấy cũng chẳng có chừng hạn, chẳng thể xưng lượng cũng chẳng thể tính đếm nổi; ngay cả các bậc Bồ-tát, Nhị thừa dù có thiên nhãn cũng không thể nào nghĩ tưởng nổi. Cõi Cực Lạc vĩnh viễn thoát khỏi tạp nhiễm, đầy đủ vạn đức, tuyệt đẹp, xinh khéo, rực rỡ một cách lạ lùng, đặc biệt, phi thường, độc đáo, vượt trỗi cõi Phật mười phương. Chẳng hạn như mặt đất cõi Cực Lạc do bảy báu hợp thành, trong mỗi thứ báu lại có năm trăm quang sắc. Quang minh ấy có hình giống như đóa hoa hoặc vầng trăng cực kỳ diểm lệ, mầu nhiệm, lạ lùng. Trong quang minh của vạn vật nơi cõi Cực Lạc lại hiện ra tất cả thế giới uế lẫn tịnh trong mười phương cõi Phật, trong quang minh đó có thể thấy được tất cả chư Phật và Bồ-tát trong thập phương thế giới v.v… Tất cả những thứ vi diệu đẹp đẽ, thanh tịnh trang nghiêm, siêu vượt mười phương nơi cõi Cực Lạc đều từ nghiệp trí huệ thanh tịnh của chư Phật, Bồ-tát trong cõi ấy phát khởi để trang nghiêm Phật sự; tức là các Ngài do nương vào pháp tánh tự nhiên mà nhập tướng thanh tịnh, chớ chẳng phải do tạo tác mà có thể có thành tựu được các tướng vô lậu không thể nghĩ bàn như vậy. Nói cách khác, bởi vì pháp tánh tự nhiên là cái gốc của Chân như, nên khi cái năng sanh (tức là tánh) đã tịnh thì cái sở sanh (tức là cõi nước Cực Lạc) cũng tịnh; cho nên mới nói: “Tâm tịnh thời cõi nước tịnh. Tâm bình thời cõi nước bình.” Đấy đã nêu rõ, cõi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới được trang nghiêm thành tựu bằng bổn tánh thanh tịnh, chớ chẳng phải do tạo tác mà thành.
Bát-nhã Tâm Kinh bảo: “Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh, diệc vô vô minh tận; nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc.” Tức là nói, trong Thật tướng của Nhất Chân pháp giới, tất cả đều bình đẳng, tức là không có lục phàm, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, thậm chí cũng không có Phật pháp giới. Phẩm Hiếm Có Siêu Vượt Thế Gian của kinh này cũng bảo: “Chỉ vì thuận theo phương tục nên có các tên trời người.” Như vậy có thể biết, Đức Phật diễn nói cảnh giới trong mười phương đều là nói phương tiện, đều là nói theo Tục đế để phàm phu có thể từ Tục đế mà bèn quay ngược lại để lãnh hội Chân đế. Cư sĩ Âu Dương Cánh Vô giảng về đạo lý này trong bài “Phật pháp dùng thế tục để giảng giải lẽ chân,” đã nêu rõ sự thiện xảo và nghĩa thú trong việc thuyết pháp của Đức Phật. Hàng hậu học chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa này mới có thể lãnh hội nghĩa chân thật do Đức Thế Tôn nói ra. Nếu chúng ta chẳng thấu hiểu nghĩa này thì chỉ có thể thấy được ý nghĩa hời hợt bề ngoài nơi văn tự, những gì chúng ta đạt được chỉ là việc Phật học thường thức, chớ chẳng phải là trí tuệ Bát-nhã.
Nếu chúng ta có nguyện sanh Cực Lạc thì phải quy y với Phật A Di Đà, tức là tôn A Di Đà Phật làm thầy, tiếp nhận A Di Đà Phật đích thân giáo hóa. Chúng ta thọ trì kinh Vô Lượng Thọ chính là tôn A Di Đà Phật làm thân sư, tiếp nhận A Di Đà Phật đích thân giáo hóa. Thầy A Di Đà Phật dạy chúng ta phải tu như thế nào thì chúng ta phải theo đó mà tu, thầy A Di Đà Phật bảo chúng ta phải bắt đầu tu từ Nhất Tâm để có được phước đức và trí tuệ Bát-nhã thật sự, thì chúng ta phải y giáo thực hành, chẳng dám trái phạm. Vì sao chúng ta phải tu phước-trí từ Nhất Tâm? Vì chỉ có phước-trí trong Nhất Tâm mới là phước-trí xứng tánh, không có hạn lượng; còn phước-trí do làm nhiều chuyện tốt thế gian đều có hạn lượng, nên sau khi hưởng xong rồi thì hết. Chúng ta phải biết, tánh đức chẳng có hạn lượng nên phước-trí từ tánh đức cũng to tát không có hạn lượng. Chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng nổi phước-trí của chư Phật vì phước-trí của các Ngài là do từ tánh đức vốn trọn đủ trong Chân như Bổn tánh hiển hiện ra, chẳng phải là do tu mà được. Vì thế, người biết tu phải tu từ căn bản! Căn bản là gì? Căn bản là cái tâm vốn sẵn bình đẳng của chính mình. Tâm bình đẳng, chẳng tăng chẳng giảm mới là bổn tâm thanh tịnh thật sự. Tâm thanh tịnh sanh ra trí huệ và phước báo kỳ diệu bậc nhất.
Trong Đàn Kinh, Lục Tổ Đại sư dạy: “Trong bổn tâm thanh tịnh vốn đã trọn đủ phước báo viên mãn;” cho nên, chúng ta chỉ có thể cầu phước báo và trí huệ viên mãn từ bổn tâm thanh tịnh của chính mình mà thôi! Phật là Tự tánh, là Pháp thân, là Bản thể, là Chân tánh và cũng là Bản giác của chính mình. Trong Bản giác chẳng có không cũng chẳng có hữu, không và hữu là hai bên, chân và giả cũng là hai bên. Bất luận là nói không hay nói hữu, nói chân hay nói giả, đều chẳng ra ngoài Bản thể Bình đẳng của tâm tánh; cho nên Tâm Kinh mới nói: “Không chính là có. Có chính là không.” Phật là hết thảy điều gì cũng đều bao dung, hết thảy thứ gì cũng đều hàm nhiếp, nên trong Phật có Bồ-tát, có Thanh văn và cũng có hết thảy chúng sanh. Nói rõ ràng hơn, tất cả các tướng đều hiện ra từ Bản thể, mà Bản thể là bình đẳng, bình đẳng là chánh giác, nên bình đẳng chính là Phật!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.175.66 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập