Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Xem đối chiếu Anh Việt: Bố ơi, tha lỗi cho con »»
Mẹ tôi mất vào lúc cuộc sống ở Việt Nam đang rơi vào thời kỳ khó khăn sau khi chiến tranh chấm dứt được vài ba năm, lúc đó tôi cũng vừa rời bỏ Nhật Bản sang Thuỵ Sĩ định cư. Mặc dầu cuộc sống ở Thuỵ Sĩ không còn bi đát như khi ở Nhật, nhưng cũng vẫn là giai đoạn khởi đầu. Việc dè xẻn tiêu pha để có tiền gửi về cưu mang cha mẹ và các em tại Việt Nam vẫn là việc mà tôi phải làm.
Trước khi mất, có lẽ mẹ tôi chỉ biết tí chút về cuộc sống của tôi, thằng con trai trưởng tại Thuỵ Sĩ qua vài tấm ảnh mà tôi đã gửi về cho gia đình. Sau này khi về Việt Nam, qua lời kể của vài đứa em, mẹ tôi đã ngắm nhìn say sưa những tấm ảnh với niềm vui tột cùng, biết rằng thằng con trai lớn mà bà đặt bao nhiêu niềm tin yêu, đã tìm được chốn định cư ở một nơi giàu có, xa xôi nào đó. Nó vẫn không quên lời hứa hẹn lúc từ giã bà tại phi trường, sẽ mãi mãi tìm cách giúp đỡ gia đình và các em.
Bố tôi, có phần nào may mắn hơn. Ông sống thọ hơn nên được hưởng ít nhiều sự sung túc, an nhàn tuổi già do những món tiền dè xẻn của tôi gửi về. Ông không phải lam lũ làm việc nặng nhọc, lo lắng từng bữa ăn hằng ngày cho đàn con 7 đứa như xưa nữa. Ông tìm được niềm vui trong giao tiếp bình đẳng với những bạn bè, hàng xóm, thân nhân. Trong đó, có những người mà xa xưa, thủa còn lam lũ, đói nghèo, ông chỉ dám cúi đầu im lặng khi tiếp xúc với họ vì cách biệt giai cấp hay vì sức mạnh của đồng tiền và thế lực. Sau năm 1975, bố tôi đã có cuộc sống an nhàn hơn, vui vẻ với con cháu. Ông tham gia vào những công việc từ thiện, giúp đỡ họ hàng nghèo khó ở miền Bắc hay đóng góp cho những hoạt động tôn giáo mà ngày xưa ông vẫn ấp ủ.
Viết như vậy cũng không có nghĩa là cuộc sống của bố tôi hoàn toàn thoải mái cho đến hết cuộc đời. Nhất là ở Việt Nam, xã hội và lối sống không dễ dàng cho bất cứ ai muốn đứng bên ngoài những tật ách từ cuộc chiến tranh quá dài, một xã hội dân trí còn thấp kém. Bố tôi đã buồn khổ vì những cái không may mắn của vài đứa em của tôi.
Riêng đối với gia đình tôi, bố tôi (cả mẹ tôi lúc còn sống) luôn luôn dành cho tôi những ưu ái và tin tưởng đặc biệt. Có lẽ sự ưu ái đó được phát sinh từ vị trí của đứa con trai trưởng trong gia đình, vào đời rất sớm. Hoàn cảnh khó khăn đã dạy cho nó biết tính toán, kiếm tiền, thay mẹ cha chăm sóc, cưu mang các em. Đúng như vậy, cuộc sống của tôi, từ lúc còn trẻ thơ cho đến khi bước vào đời, tôi luôn luôn có khả năng tự lo liệu, giải quyết những rắc rối cho chính mình. Chưa bao giờ, dù chỉ một lần tôi phải mang những rắc rối, buồn lo cho bố mẹ. Tôi sống và làm việc cũng như học hành khá qui củ, không vướng vào những thói hư, tật xấu như cờ bạc, rượu chè nghiện hút. Khi lập gia đình, tôi lại may mắn có được người vợ dù khác giống nòi, ngôn ngữ nhưng lại là người rất mềm mỏng biết lễ kính với bố và thương yêu các em cho nên bố tôi càng dành ưu ái cho gia đình tôi hơn.
Có lẽ bức tranh được thêu dệt bằng niềm ưu ái đặc biệt của bố dành cho tôi sẽ đẹp đẽ, trọn vẹn hơn. Nếu không vì một vài lầm lẫn mà tôi đã vô tình làm cho bố tôi âm thầm phiền muộn. Chắc chắn ngày nay khi bố đã mất, tôi sẽ không phải ân hận, ray rứt với những sai trái mà mình đã tạo ra cho bố, tôi sẽ có quyền tự hào là đứa con hiếu đễ. Hôm nay, nhân dịp một lần về nước viếng mộ mẹ cha, tôi muốn dành chút thời gian viết ra đây vài ba lỗi lầm của mình như một nén hương lòng tưởng nhớ đến tình cha và cũng mong ở chốn linh thiêng xa xôi nào đó, bố tôi hãy rộng lòng tha thứ cho những sai lầm đáng trách mà tôi đã vướng phải khi ông còn sống.
Những buổi đi chơi về khuya
Bước sang năm 2000, với tuổi trên 75, nhất là sau vụ tai nạn giao thông với nhiều tháng trong bệnh viện, sức khoẻ của bố tôi đã sa sút thấy rõ. Vì muốn có nhiều dịp gần gũi, tâm sự và chăm sóc bố, tôi đã dành thời gian về Việt Nam nhiều hơn. Thỉnh thoảng hai bố con làm những cuộc du lịch ngắn, quanh thành phố, thăm viếng bè bạn, họ hàng hay vào những dịp lễ kỵ, tôi cũng theo bố đi lễ chùa nơi ông nội và mẹ tôi yên nghỉ.
Có thể nói trong những lần về đó, không một bữa điểm tâm và bữa ăn trưa nào mà bố con chúng tôi không cùng ăn với nhau. Việc gặp gỡ, vui chơi với bạn bè của tôi, được tôi xếp đặt vào buổi chiều tối và tôi cũng cố gắng về nhà trước 10 giờ đêm, thời điểm mà bố tôi chuẩn bị đi ngủ. Tuy nhiên đôi lúc vì ham vui bạn bè, tôi về nhà muộn hơn. Những lúc như vậy tôi thường phải phá giấc ngủ của bố vì bố phải chờ mở cửa cho tôi. Đôi khi tôi cũng cảm thấy áy náy, nói vài câu xin lỗi. Nhưng bố cũng cười xoà cho tôi biết tuổi già giấc ngủ thường chập chờn, thức giấc rất dễ nhưng ngủ lại ngay nên việc gọi cửa của tôi vào đêm khuya không có gì phiền phức cả. Với lý lẽ hợp lý đó đã làm cho tôi yên lòng và những cuộc tụ họp bạn bè ăn uống đến khuya của tôi vẫn bình thản xảy ra.
Một hôm, cùng với một nhóm bạn đón tiếp vài người bạn từ Mỹ về. Chúng tôi rủ nhau đi ăn uống mãi đến khuya mới tan hàng, khoảng nửa đêm tôi mới đi xe ôm về nhà. Thay vì gõ mạnh vào tấm cửa sắt để gọi bố như mọi lần về khuya. Tôi ghé sát mắt vào kẽ nhỏ của tấm cửa kéo, nhìn vào trong nhà. Dưới bóng đèn mù mờ của bàn thờ Phật, bố ngồi trên chiếc ghế cao chân bằng nhựa, gục đầu xuống chiếc bàn ăn trước bàn thờ ngủ! Nhìn cảnh cô đơn, buồn tẻ của bố dưới ánh đèn yếu ớt từ bàn thờ chiếu xuống, mái tóc thưa thớt đã bạc màu của bố đập vào mắt tôi. Cảm giác nhói đau vì thương bố bừng dậy tràn ngập trong lòng tôi. Tôi đã hiểu rằng những lần tôi đi chơi về khuya, bố đã phải nửa ngủ, nửa thức chờ đợi mở cửa cho tôi. Tôi cũng đã biết rõ lý do tại sao, những lần về khuya, chỉ cần đập nhẹ vài tiếng vào cánh cửa cuốn, kèm theo câu gọi duy nhất, không cần đến lần thứ hai:“Bố ơi, mở cửa cho con.” Lần nào cũng vậy, chỉ với thời gian rất ngắn ngủi không quá một phút, bố đã hiện ra trước mắt tôi với nụ cười rất vui, không một tí than phiền vì phải đón chờ thằng con đã vì vui bạn bè mà làm khổ bố.
Nhưng lần này, nhờ có tí chút tò mò mà tôi đã nhìn rất rõ cảnh ngủ gục của bố chỉ vì phải đợi mở cửa cho tôi. Im lặng để cho lòng mình ngấm trọn cái cảm giác ân hận vì sự vô tình thiếu suy nghĩ của mình suốt bao năm qua. Một lúc sau, khi tâm tư đã trở lại an bình, tôi mới gõ rất nhẹ vào tấm cửa sắt cùng với lời gọi bố cũng nhẹ hơn, êm ái hơn như được pha trộn cảm giác ăn năn:
-Bố ơi! mở cửa cho con.
Cũng qua khe cửa, tôi thấy bố giật mình, ngẩng đầu lên khỏi mặt bàn, với vẻ vội vàng vừa đứng dậy, vừa nói vọng ra :
-Nghe rồi, chờ một tí, ra ngay đây.
Bất thình lình, một sự việc xảy ra hiển hiện qua khe cửa sắt đã làm tôi giật mình. Có lẽ vì quá vội vàng muốn nhanh mở cửa cho thằng con và cũng có lẽ vẫn còn ngái ngủ, lại thêm chiếc chân trái khập khễnh, di tật do vụ tại nạn giao thông mấy năm về trước... Bố đã vướng vào chiếc chân bàn, ngã nằm xoài trên nền nhà! Tôi lịm người, nhìn thấy tất cả, rất rõ. Bố vội vàng đứng dậy, lấy tay phủi vội vàng bộ quần áo ngủ đang mặc trên người rồi làm ra vẻ không có gì, bình thản đi ra mở cửa cho tôi.
Tôi im lặng bước vào nhà với, với nét mặt buồn, ân hận... Sau khi giúp bố đóng cửa nhà xong, nhìn thẳng vào mắt bố, nhẹ nhàng tôi hỏi:
-Bố phải thức, đợi chờ mở cửa cho con phải không?
Như mọi lần, bố nhanh nhẹn trả lời, như chẳng có gì xảy ra:
- Có gì đâu mà phải đợi với chờ! Tao đã ngủ được cả một giấc dài rồi đó. Đúng lúc tỉnh giấc giữa chừng thì nghe tiếng gọi cửa.
Nghe bố trả lời, lòng tôi quặn đau, buồn bã đưa mắt nhìn bố, chậm rãi tôi nói:
-Qua khe cửa sắt con đã nhìn thấy tất cả rồi! Bố đã ngủ gục trên bàn, đợi chờ mở cửa cho con. Bố đã vấp té lúc đứng dậy vì tiếng gõ cửa của con.
Bố im lặng nhìn tôi với tí ngượng ngùng vì lời nói dối, rồi vội vàng lấp liếm cho qua:
-Tao cũng vừa coi xong TV nên buồn ngủ mà thiếp đi tí chút đó mà thôi!
Im lặng nhìn bố, tôi thẩn thờ nói:
-Tội nghiệp bố quá! Từ nay con sẽ không bao giờ về khuya nữa. Nếu sau 10 giờ đêm mà con chưa về, nghĩa là con sẽ ngủ lại nhà của bạn bè, bố đừng chờ con nữa.
Đúng như vậy từ hôm đó cho đến ngày bố mất, tôi không bao giờ đi chơi với bạn bè mà trở về nhà sau 10 giờ đêm nữa. Đôi lần vì ham vui, không thể bỏ bạn mà về sớm hơn được, tôi thường điện thoại trước cho bố rồi ngủ lại nhà bạn hay tìm một nhà nghỉ bình dân, rẻ tiền nào đó qua đêm.
Bố ơi, nếu con được sinh ở một gia đình quyền quý cao sang nào đó trong thời gian Việt Pháp chiến tranh tại quê nhà miền Bắc. Làm sao con cảm nhận được ý nghĩa to lớn của tình cha dành cho con trong những lần bố đã lấy thân xác che phủ cho con trong đường hào chữ chi tránh bom sau nhà, khi trên trời tiếng máy bay gầm rú bỏ bom?
Con làm sao quên được những giọt mồ hôi mặn chát trên lưng bố khi cõng con chạy loạn trên những con đường bờ đê miền Bắc vào những năm 1950 - 1952 tan hoang vì bom đạn cày xới. Con cũng làm sao quên được những năm tháng gia đình chúng ta sống lây lất trong những khu ổ chuột tại Hà Nội, bữa đói bữa no. Bố mẹ đã từng chịu đói để dành những bát cơm cho anh em chúng con...
Tất cả vẫn là những hình ảnh đượm buồn nghèo khổ nhưng lại tuyệt vời tình thương yêu, nó vẫn còn và mãi mãi in sâu trong trí nhớ của con. Nhưng lần này nếu không vì vui chơi với bạn bè, con đã trở về nhà giữa đêm khuya khoắt, tò mò nhìn qua khe cửa sắt, làm sao con chứng kiến được cảnh bố ngủ gục bên chiếc bàn dưới ánh đèn le lói trước bàn thờ Phật, đợi chờ mở cửa cho con?! Bố vẫn vậy, bố vẫn là người cha thương yêu, hy sinh và sẵn sàng chịu đựng đói nghèo thua thiệt cho con, dù con đã là ông già ngấp nghé 70 rồi.
Bố ơi, tất cả những ký ức tuyệt vời nhưng nhuốm màu thê lương đó mãi mãi ẩn hiện trong tim, trong óc của con, nhắc nhở cho con luôn luôn hiểu rằng con đã có một người bố tuyệt vời, một người bố đáng tôn vinh. Chính tình thương yêu nồng nàn đó đã là nguồn cảm hứng cho cuộc sống của con hướng về đạo đức và cũng chính nó cho con biết yêu quý những giọt mồ hôi cực nhọc của bất cứ người lao động nào khi con gặp trong cuộc sống! Suốt nhiều chục năm sống tha phương, đã có đôi lần con có chức vị, dưới quyền hạn của con cũng có những người lao động, già nua, nghèo túng, ít học như bố. Nhưng con chưa bao giờ và mãi mãi không bao giờ dùng lời nói thô lỗ, đe doạ họ bởi vì qua sự nghèo hèn, thấp kém của họ con đã nhìn thấy hình ảnh bố, một người bố mà suốt đời con kính mến nhớ thương.
Hộp sữa đặc có đường
Một lần khác, tôi về thăm Việt Nam với cô con gái út. Những ngày đầu tiên vì ngại cô cháu gái chưa quen với các món ăn bán sẵn trên đường phố, bố thường dậy rất sớm chuẩn bị bữa điểm tâm cho cháu. Khi thì chõ xôi đậu xanh, đậu đỏ, khi thì đĩa trứng tráng với thịt bằm để cho cháu gái ăn với cơm nóng...
Khoảng một tuần lễ đầu tiên, thấy bố rất vui, tôi chẳng nói gì, để mặc kệ ông nội chăm lo cho cô cháu gái còn lõm bõm tiếng Việt. Nhưng sau đó, đêm nào cũng thấy bố lục đục dưới bếp sửa soạn cho món ăn điểm tâm sáng hôm sau. Nào là ngâm đậu xanh, đậu đỏ, vò gạo nếp cho vào chõ xôi, nào xay thịt, ướp cá cho món canh hay trứng tráng v.v... Buổi sáng khi trời còn nhá nhem, đã thấy bố lăng xăng lo việc nấu nướng bày biện bát đĩa ra bàn chờ con cháu gái đến ăn. Tôi bàn với bố bỏ qua việc nấu ăn quá phiền phức và mất thời gian đó, thay vào đó tôi ra siêu thị gần nhà mua vài hộp phó mát “bò cười” cùng với hộp sữa đặc có đường để trong tủ lạnh ăn dần. Buổi sáng, bố chỉ đi vài ba bước đến tiệm bánh mì ở góc đường gần nhà mua ổ bánh mì nóng hổi mới ra lò, đơn giản nhanh gọn cho bữa điểm tâm bổ dưỡng và lại đúng với khẩu vị mà đứa cháu vẫn ăn tại Thuỵ Sĩ. Bố lại không phải cực nhọc nấu nướng hay thu dọn và nhất là không phải bỏ thói quen đi công viên gặp bạn bè hay tập thể dục vào buổi sáng. Bố đồng ý với đề nghị đó.
Sáng hôm sau, khi tôi và cô con gái xuống dưới nhà, đã thấy bố đã bày biện bát muỗng, ly cốc, phích nước sôi cùng với bánh mì, phó mát và dĩ nhiên có cả hộp sữa bò đậm đặc có đường mà chiều hôm qua tôi cùng với bố và con gái ra siêu thị gần nhà mua về. Nhưng một việc làm tôi chau mày, ngạc nhiên khi thấy hộp sữa bò, thay vì được mở ra 2 lỗ nhỏ đối chiếu nhau trên nắp hộp như ngày xưa (tiện lợi, sạch sẽ, tiết kiệm và dễ dàng cho việc ruôn rót khi ăn cũng như tránh được ruồi bọ, bụi bặm hay giới hạn sự tiếp xúc với không khí làm cho sữa mau bị hư hỏng). Nhưng hộp sữa đã được bố tôi mở hoàn toàn nắp hộp, để ở giữa chiếc bàn ăn với một chiếc muỗng ăn canh gác ngang lên trên hộp sữa. Đưa mắt nhìn hộp sữa với thái độ không vui, lắc đầu nhè nhẹ nhìn bố, tôi nói chậm rãi từng chữ:
-Con không hiểu tại sao bố mở hộp sữa như vậy? Bố cũng biết cả hộp sữa làm sao chúng ta ăn hết trong một lần được!
Bố im lặng, chưa kịp nói gì thì tôi đã thở dài đay nghiến:
-Có lẽ bố đã quên những năm tháng gia đình chúng ta nghèo khổ, lê lết ở Hà Nội kiếm ăn. Bố cũng đã quên thời gian mới di cư vào Nam, lũ anh em chúng con phải nhịn đói đến trường hay những mâm cơm hằng ngày sơ sài với vài cọng rau muống xào, rau muống luộc mà cả 6, 7 đứa tranh nhau vì bụng đói! Cá nhân con đã hơn 3 lần bị bệnh phù thũng chỉ vì suy dinh dưỡng, đói ăn. Bố đã quên tất cả rồi sao? Bố làm con buồn quá!
Im lặng nghe tôi nói xong, bố buông tiếng thở dài nhè nhẹ với nét mặt buồn bã chậm rãi đưa tay cầm lấy chiếc muỗng múc sữa cho vào cái ly, đổ nước sôi pha sữa cho con gái tôi. Ngay lúc đó tôi đã nhận thấy sự quá đáng (đúng ra là độc ác và vô giáo dục) của mình. Tôi đỡ lấy ly sữa trên tay bố, để trước mặt con gái và ra hiệu cho nó uống rồi quay lại nhìn bố với vẻ ăn năn, nhẹ nhàng tôi phân trần:
-Thật ra con không có ý trách bố phí phạm hay cấm đoán bố lo lắng quá đáng mà cung phụng cho đứa cháu nội lâu lâu mới có dịp về thăm Việt Nam. Nhưng dù sao con cũng xin lỗi bố vì những lời nói thiếu tế nhị và không suy nghĩ của con đã làm bố buồn. Con cũng mong bố hiểu cho con, nhiều chục năm qua với công việc chuyên môn về thực phẩm, dinh dưỡng, con đã đi công tác tại các quốc gia nghèo đói ở Phi châu. Hình ảnh những đứa bé tong teo, da bọc xương, những bà mẹ da đen ốm gầy như que củi gục chết ở bìa rừng, góc phố vì đói ăn, vì bệnh tật... Những hình ảnh bi đát đó kèm theo những ký ức về sự đói khổ của gia đình mình ngày xưa đã ấn sâu vào tiềm thức của con. Chính vì những ấn tượng không đẹp đó đã làm cho con người con trở nên quá khắt khe, chi li thiếu cảm thông, Đôi khi cho con có cái nhìn rất méo mó, sai lầm không đúng chỗ, ngay cả với bố, mong bố cảm thông, đừng buồn, coi như con lỡ lời mà bỏ qua.
Hình như lời phân trần của tôi đã làm cho bố có chút vui lòng, bố mở hộp phó mát lấy một cục, bóc bao giấy, để vào cái đĩa nhỏ trước mặt cô cháu gái cùng với ổ bánh mì nhỏ, mỉm cười nói với cháu:
- Cháu thử ăn phó mát với bánh mì Việt Nam xem có ngon hơn Thuỵ Sĩ không?
Tôi biết bố đã tế nhị chuyển hướng câu chuyện không vui sang một hướng khác. Nhưng với tôi, sự hối hận vì thiếu tế nhị vẫn tràn lan trong lòng tôi! Tôi đã quá quắt, soi mói những cái sai lầm nhỏ nhặt của bố để nói những lời nói thiếu suy nghĩ làm đau lòng bố. Nguời bố đáng kính, suốt cuộc đời đã nhịn ăn, nhịn mặc, chịu đựng biết bao nhiêu nhục nhã mong kiếm tiền chi dụng cho việc ăn học của 7 anh em chúng tôi. Nhờ sự hy sinh to lớn đó mà chúng tôi đã thành người có ăn học trong xã hội.
Đúng như vậy, không riêng gì với người thân trong gia đình và ngay cả khi làm việc, đối đãi với nhân viên, bạn bè, tôi rất hời hợt, thiếu thận trọng khi nói năng. Thêm vào đó tôi còn có tính xấu, không dễ dàng tha thứ hay dễ quên những gì không vui xảy ra trong cuộc sống dù sự việc đã trôi vào rất xa trong dĩ vãng, không còn mảy may gì liên hệ với hiện tại. Chính những khiếm khuyết này đã mang đến cho tôi khá nhiều rắc rối trong giao tiếp ngoài xã hội, đôi khi chỉ vì những sự kiện rất nhỏ bé, với người khác, không có gì để bận lòng nhưng với tôi có khi lại trở thành chuyện to tát, phiền phức, không vui.
Lần này cũng vậy, chỉ vì một sai lầm quá nhỏ nhặt của bố, liên quan đến một hộp sữa, tôi đã có những lời lẽ quá bất nhã, tiểu tiết làm cho bố tôi buồn và tôi suốt đời hối hận! Giả sử muốn nhắc nhở bố vì cái lầm lẫn bé nhỏ đó, tại sao tôi phải dùng đến những lời lẽ quá mạnh, thiếu tế nhị và tàn ác với chính người bố tuyệt vời mà tôi mãi kính yêu? Tại sao tôi không biết sử dụng những câu nói nhẹ nhàng pha tí chút đùa vui khi nói với bố?... Chắc chắn bố tôi sẽ hiểu và vui vẻ sửa sai, tôi cũng không phải mang mặc cảm tội lỗi với bố để ngày nay bố đã thành người thiên cổ, tôi đã là một ông già trên 70 nhưng vẫn bị giày vò với những lỗi lầm mà mình tạo ra cho bố?
Vắng mặt ngày bố mất
Khoảng 15 năm trở lại đây, năm nào tôi cũng về Việt Nam 1 hay 2 lần. Lúc thì với vợ con 4 hay 5 tuần lễ. Khi thì kết hợp trên đường về Nhật Bản thăm bố mẹ vợ hay bên thông gia của cô con gái út, tạt vào Việt Nam vài ba tuần thăm, chơi với bố và lang thang đây đó với bạn bè. Tuy nhiên vì công việc làm ăn của tôi tại Thuỵ Sĩ có vài điều đặc biệt, khoảng thời gian cuối và đầu năm Dương lịch, trùng với dịp tết Âm lịch, việc làm của tôi rất bận, không dễ dàng cho tôi xin nghỉ mà về Việt Nam được. Chính vì vậy tôi luôn luôn về Việt Nam vào những tháng 3, tháng 4, hay tháng 10, tháng 11 Dương lịch, đó thời gian công việc của tôi thong thả nhất. Có lẽ tôi đã về Việt Nam trên dưới 30 lần trong mấy chục năm qua, nhưng chỉ có một lần duy nhất vào khoảng năm 2000 tôi đã may mắn về Việt Nam vào dịp tết Âm lịch mà thôi.
Tháng 10 năm 2006 cũng vậy, như mọi lần tôi về Việt Nam ở với Bố, dẫn bố đi thăm viếng họ hàng hay lo việc cầu siêu cho mẹ và ông nội tôi tại các chùa trong Sàigon. Thời gian đó, bố tôi vẫn khoẻ mạnh, không có biểu hiệu bệnh tật gì dù đã bước sang tuổi 83, ngoài căn bệnh hen suyễn duy nhất, nó đã đồng hành với bố nhiều chục năm. Việc chữa trị, săn sóc định kỳ tại bệnh viện, kèm với hộp thuốc bơm cortisone luôn luôn có sẵn, giúp bố tôi tạm thoải mái trong cuộc sống. Trong lần về thăm bố này, hình như linh tính có điều gì báo trước không hay cho bố, lúc ngồi ăn sáng với bố ở tiệm phở gần nhà, tôi chợt nói với bố:
-Bố cũng biết công việc làm ăn của con, không nói là bận rộn nhưng không có nghĩa bất cứ lúc nào, nếu muốn con cũng có thể bỏ công việc để về Việt Nam được. Chính vì vậy hằng năm con đã xếp đặt về nước một hay hai lần thăm bố. Nhưng nếu có chuyện gì không hay, bất thình lình xảy ra cho bố, con không thể nào bỏ ngang công việc mà về đúng lúc khi bố cần được. Con mong bố hiểu và đừng trách con nếu trường hợp không muốn đó xảy ra.
Nghe tôi nói, bố phẩy bàn tay mấy cái cho tôi biết, cả chục năm qua tôi đã về liên tục, với bố vậy là quá đủ và không có một tí gì chê trách nữa. Bố cũng khuyên tôi hãy bình thản lo việc làm ăn và dành thời gian lo cho gia đình được tốt đẹp, đó là thực tế và cũng là niềm vui và mong đợi của bố. Với sự cảm thông đó đã làm tôi yên lòng. Ngày từ giã để ra phi trường trở lại Thuỵ Sĩ, bố tôi vẫn khoẻ mạnh, ông còn cố nhét vào chiếc xách tay của tôi những chiếc bánh gai và một nải chuối cau, căn dặn tôi đem về làm quà cho vợ. Nhưng khi tôi về Thuỵ Sĩ được vài tháng, gần tết Âm lịch, cô em gái điện thoại cho biết bố bị mệt, khó thở vì bệnh suyễn xảy ra thường xuyên và mạnh hơn trước rất nhiều, kèm theo những cơn đau trong lồng ngực, phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Xem xét nghiệm, bác sĩ cho biết ngoài bệnh suyễn bố tôi còn bị ung thư phổi, đó là lý do gây triệu chứng mệt và đau đớn khi hô hấp.
Bịnh tình của bố tôi kéo dài hơn 2 tháng trời, không có chiều hướng thuyên giảm, những cơn đau của bệnh ung thư kèm theo tình trạng khó thở của bệnh suyễn càng lúc càng mạnh thêm. Ở xa, tôi cũng chẳng biết làm gì hơn là đốc thúc các em tôi tìm mọi cách tốt nhất chạy chữa cho bố, sửa sang căn phòng riêng biệt có máy lạnh ở tầng trệt để tiện lợi việc chữa trị, săn sóc. Bố cũng không phải khốn khổ với việc lên xuống cầu thang khi ốm đau.
Với những cơn đau dữ dội của bệnh ung thư, chúng tôi nghĩ tuổi bố cũng đã già, không nỡ để bố phải chịu đau đớn, rên la, chúng tôi đã bàn định tìm mua heroin trong chợ đen chích cho bố, đồng thời đặt mua một bình oxygen để hỗ trợ cho việc bơm cortisone khi cơn suyễn xảy ra, làm như vậy giúp cho bố dễ thở hơn. Tất cả những tính toán đó đã được các em tôi liên hệ với giới chuyên môn gấp rút khởi sự vào ngày hôm sau. Nhưng sự may mắn đã không đến với bố tôi! Ngay sáng hôm sau, ngày 26 tháng 2 dương lịch (2007), cơn suyễn xảy ra rất mạnh, bơm cortisone không đủ tác dụng cho khí quản mở rộng hơn, lại không có sẵn bình oxygen để hỗ trợ hô hấp! Bố tôi đã ra đi không phải vì bệnh ung thư mà vì căn bệnh suyễn. Có lẽ nếu cơn suyễn xảy ra chậm một ngày, khi bình Oxygen đã được chở đến, bố tôi còn kéo dài sự sống được vài ba tháng nữa. Thời gian đủ cho tôi sắp xếp công việc để về gặp lại bố lần cuối cùng trước khi vĩnh viễn chia ly, và ngày nay tôi không phải ray rứt vì đã phạm thêm một lỗi lầm với bố tôi. Một lỗi lầm cuối cùng để rồi bố và tôi vĩnh viễn chia ly, không bao giờ còn dịp gặp lại, nhìn thấy nhau nữa!
Mãi đến tháng 6 năm 2007, tôi mới thu xếp về được Việt Nam để cùng các em tôi liên hệ với vị sư trưởng của ngôi chùa gần trung tâm Saigòn, cũng là nơi để hũ cốt của mẹ và các em tôi để tổ chức buổi cầu siêu 100 ngày mất cho bố tôi. Và cũng là dịp để tôi gặp lại, nói lời cám ơn chân tình của tôi đến những người bạn thân thiết của bố tôi, họ đã bao năm thân cận, tâm giao, giúp đỡ bố tôi lúc còn sống cũng như lúc đưa tiễn bố tôi về với cõi hư vô. Cũng trong dịp đó chúng tôi đã xúc tiến việc di chuyển hũ cốt của mẹ tôi đem về an táng trong cùng mộ với Bố tôi tại nghĩa trang của chùa Hoằng Pháp, quận Hóc Môn, ngoại biên Sàigon. Ngôi chùa khá đồ sộ, danh tiếng, cũng là ngôi chùa mà bố tôi là một trong những tín đồ tiên phong đóng góp nhiều công quả ngay từ khi chùa còn đơn sơ, nhỏ bé.
Vài dòng giã biệt không hẹn ngày tái ngộ với bố mẹ
Bố tôi mất được khoảng 3, 4 năm thì tôi cũng đã đến tuổi hưu nghỉ, thời gian và công việc không còn khó khăn với tôi nữa, khoảng 6, 7 tháng tôi lại về Việt Nam một lần. Mỗi lần về, dù bận rộn với thú vui du lịch, tham quan những thắng cảnh, đền đài khắp trong nước hay những chuyến thăm viếng bạn bè từ các quốc gia Á châu, những người bạn quen biết trong lãnh vực chuyên môn khi học hành và làm việc với tôi suốt gần 45 năm tại Nhật Bản và Thuỵ Sĩ, nhưng không một lần nào về nước, tôi không dành thời gian đến nghĩa trang của chùa Hoằng Pháp để thăm viếng mộ phần của ông nội, bố mẹ và các em tôi.
Năm nay cũng vậy, vào khoảng cuối tháng 9 tôi về Việt Nam, kết hợp với việc đi Đại Hàn thăm viếng gia đình người bạn thân thiết với tôi từ thời còn học với nhau ở Nhật. Sau đó tôi sang Nhật Bản thăm gia đình con gái út, 2 đứa cháu ngoại và tham dự lễ mừng thượng thọ 92 tuổi của bà mẹ vợ. Với khoảng hơn 3 tuần lễ ở Việt Nam, tôi dự tính sau khi viếng mộ phần của bố mẹ, tôi sẽ ra Hà Nội, Nam Định tìm và nhìn lại những dấu tích tuổi thơ cực nhọc và đói nghèo của tôi và gia đình vào những năm trước 1954 thêm một lần nữa. Nhưng suốt thời gian ở Việt Nam, hàng chục trận bão lũ liên tiếp đổ vào miền Bắc và Trung đã không cho tôi thực hiện được ý định. Bị chôn chân ở Sàigon, ngoài vài lần du lịch ngắn tại vài tỉnh miền Nam hay cao nguyên miền Trung, thời gian còn lại tôi dành tất cả cho những lần lên thăm mộ của bố mẹ.
Buổi sáng, thật sớm khi người dân Saigon còn ngái ngủ, xe cộ còn thưa thớt tôi đã lấy những chuyến xe bus thật sớm đến nghĩa trang, quét dọn tí chút rồi đốt vài nén hương trước mộ bố mẹ. Ngồi im lặng trầm tư, hồi nhớ lại công ơn dưỡng dục của bố mẹ khi còn sinh tiền, suy nghĩ lại những lỗi lầm mà mình đã vì thiếu suy xét hay ham vui bè bạn mà làm cho bố mẹ buồn lòng. Khi mặt trời đã thu ngắn bóng râm của lùm cây trước mộ, với niềm tin của người trong văn hóa thờ cúng, tôi “hoá vàng” cho bố mẹ một số “tiền âm phủ” biểu tượng của một món quà tâm linh gửi cho bố mẹ ở một nơi linh thiêng nào đó.
Trong lần về Việt nam vừa qua, tôi có cảm giác ở tuổi xấp xỉ 73, sức khoẻ của tôi hình như đã manh mún có vấn đề. Tôi không còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn như các lần về nước trước nữa. Với khoảng đường di chuyển bằng máy bay quá dài, kèm theo thời gian chuyển đổi máy bay tại các phi trường trung gian, nhiều khi dài hơn chục giờ đồng hồ đã làm cho tôi khá mệt nhọc. Chuyến về nước lần này không còn đơn giản như những lần về trước. Tôi có linh cảm chuyến về nước thăm viếng phần mộ bố mẹ tôi lần này là một lần chào từ biệt mà không biết bao giờ mới có dịp tái ngộ.
Với sự linh cảm không vui đó, hai ngày trước khi chuẩn bị rời Việt nam về lại Thuỵ Sĩ, tôi lại đến thăm mộ phần bố mẹ tôi thêm một lần nữa. Cũng như mấy lần trước, khi ánh mặt trời còn lẩn khuất sau lùm cây trước mộ bố mẹ, làn khói trắng đục mang theo mùi thơm thoang thoảng của những cây hương đang cháy trên ngôi mộ của bố mẹ, lan tỏa ra không gian, cho tôi cái cảm giác sảng khoái và hình như hòa trộn với cái gì đó có chút mông lung. Trong không gian tĩnh lặng đó, tôi trầm tư ngồi bên mộ của bố mẹ, thì thầm khấn vái:
- “Bố mẹ ơi, sau lần thăm viếng này, con không biết bao giờ sẽ lại có dịp về lại đây để thắp hương hoa, cầu kính bố mẹ nữa. Sức khoẻ, tuổi tác và đường xa cách trở đã là những vật ngăn cản không còn cho con dễ dàng hằng năm về với bố mẹ như trước nữa. Con cũng không dám chắc vào lúc cuối đời sẽ có được về yên nghỉ cùng với bố mẹ nơi quê hương hay không? Không gian, hoàn cảnh cũng như thời gian tha hương của đời con đã quá dài lâu, kéo theo những gắn bó nhiều thế hệ tại những chốn định cư (Nhật Bản và Thuỵ Sĩ) đã không cho con cái quyền lựa chọn để về với Việt Nam nữa. Dù con biết nơi đó chứa đầy những dấu tích kỷ niệm buồn vui, sướng khổ của con, của bố mẹ và của các em.
Nhưng ở những nơi đất mới định cư này, con cũng có những níu kéo sâu đậm của những thành viên thân thiết của gia đình con. Làm sao con có thể dứt bỏ được?! Bố mẹ ơi, hãy tha thứ cho con nếu sự lựa chọn của con có cái gì không như ý bố mẹ muốn. Bố mẹ hãy yên nghỉ nơi đây, con tin rằng hằng ngày với tiếng chuông chùa, những câu kinh, tiếng kệ của Phật pháp từ chùa vọng lại sẽ là nguồn thanh tịnh cho linh hồn bố mẹ. Còn con, dù ở nơi nào, sống hay chết con vẫn là đứa con luôn luôn hướng về bố mẹ với tất cả lòng trân trọng kính yêu.
Thôi, lời chào cuối cùng của con gửi đến bố mẹ của lần thăm viếng hôm nay. Ngày mai con sẽ chuẩn bị rời xa với lời giã biệt mà con không xác định cho ngày trở lại.”
Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn
(Thuỵ sĩ, November 2017)
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.159.17 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập