Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Học Phật Trong Mùa Đại Dịch »» Xem đối chiếu Anh Việt: Học, Hiểu và Hành PHẨM PHỔ MÔN - Phần 2 »»
2 . Nội Dung Phẩm Phổ Môn:
Nội Dung phẩm Phổ môn được trình bày dưới dạng các câu hỏi của Bồ Tát Vô Tận Ý và các câu trả lời hoặc chỉ giáo thêm của Đức Phật. Có thể lượt kê các điều được hỏi và được trả lời hoặc chỉ giáo thêm như sau :
- Bồ Tát Vô Tận Ý thưa hỏi đức Phật : do nhơn duyên gì mà Bồ Tát Quán Thế Âm có tên là Quán Thế Âm ?
- Đức Phật trả lời là do chúng sinh gặp các khổ não, nhất tâm xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm tức thời Bồ Tát liền xem xét tiếng tăm kia và độ cho được giải thoát.
- Đức Phật dạy thêm về các thứ khổ nạn gồm có : lửa đốt, nước cuốn trôi, gió bão, dao gậy đánh đập, quỉ Dạ Xoa và La Sát muốn hãm hại, bị gông cùm xiềng xích, giặc cướp. Tính ra là 7 nạn.
- Ngoài việc cứu vớt ra khỏi 7 nạn này, Bồ Tát còn chuyển hóa tâm bị ô nhiễm bởi ba thứ phiền não hay Tam Độc, nhờ thành tâm xưng danh hiệu Bồ Tát mà dứt trừ được tâm dâm dục (cũng thuộc tâm tham) tâm sân hận và tâm ngu si.
- Bồ Tát làm toại nguyện 2 mong cầu là sinh con trai, con gái.
- Đức Phật chỉ giáo thêm, nếu có người chỉ cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, so với người cúng dàng Tứ Sự đầy đủ cho 62 ức hằng hà sa Bồ Tát, công đức của hai người bằng nhau.
Sự cung kính lễ lạy Bồ tát Quán Thế Âm phước đức không bao giờ mất, vì thế đức Phật khuyên nên trì niệm danh hiệu Bồ Tát này. Xin nhắc lại là trong mỗi tình huống gây sợ hãi, cái chết kề cận, hay họa tai đe dọa, cũng như mong cầu muốn được toại nguyện đều phải nhất tâm, chí tâm, chân thành trì niệm danh hiệu Bồ Tát. Như vậy trì niệm danh hiệu có thể xem như là một điều kiện cần phải có, không phải tự nhiên mà Bồ Tát đến với chúng sinh, chúng sinh cần phải có lòng hướng đến ngài. Như vậy để hiểu, không có tiếng ai kêu gọi thì cũng không thể có tiếng ai đáp lại. ( Cảm ứng )
- Bồ Tát Vô Tận Ý thưa hỏi về việc dạo khắp cõi Ta Bà của Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài dùng phương tiện gì để thuyết pháp, cứu độ chúng sinh ?
- Đức Phật trả lời là Bồ tát Quán Thế Âm có thể ứng hiện đủ thứ thân hình, nói chung là có 32 Ứng Thân để tùy duyên hóa độ : thân Phật (Chánh Đẳng Giác), Phật Độc Giác, Thanh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Trời Tự Tại, Trời Đại Tự Tại, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn, Tiểu Vương, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Tể Quan, Bà La Môn, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Phụ Nữ, Đồng nam, Đồng nữ, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma hầu La Già, Nhơn, Phi nhơn, Thần Chấp Kim Cang.
- Đức Phật dạy thêm : vì Bồ Tát dạo đi khắp cõi Ta Bà như thế, thị hiện nhiều thứ thân hình để độ sinh như thế, thì chúng sinh cũng nên một lòng cúng dường vị Bồ Tát này. Vị Bồ Tát này còn có danh hiệu là bậc Thí Vô Uý vì đã ban cho chúng sinh sự không sợ hãi.
- Bồ Tát Vô Tận Ý phát tâm cúng dường chuỗi ngọc, tượng trưng cho Pháp Thí. Bồ Tát Quán Thế Âm nhận chuỗi ngọc theo lời Phật dạy vì thương xót mọi người, vì Bồ Tát Vô Tận Ý, vì Tứ Chúng cho tới Thiên Long Bát Bộ.
- Thâu nhận xâu chuỗi Pháp Thí rồi thì Bồ Tát Quán Thế Âm lại dâng cúng Tháp Đức Phật Đa Bảo và Đức Phật Thích Ca.
- Tiếp đến để tóm lược lời dạy của Đức Phật, Bồ Tát Vô Tận Ý nói bài Kệ. Theo bài Kệ thì có thêm các nạn được giải cứu là : Bị xô rớt từ trên đỉnh cao, bị trù ếm thuốc độc, thú dữ vây quanh, rắn độc, bò cạp phun nọc độc, sấm sét giông bão lớn, ra tòa tranh cãi kiện tụng đều được giảng hòa, và ở trong quân trận, chiến tranh, sát phạt nhau, mọi oán cừu cũng được tiêu tán.
- Đức Phật dạy thêm : Chúng sanh bị vô lượng khổ bức thân, Bồ Tát Quán Thế Âm với cái trí diệu, không thể nghĩa bàn, đều cứu độ cho thoát khổ. Ngài có vô lượng phương tiện và thần thông, khắp cùng mười phương chỗ nào cũng ứng hiện được. Các đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, các khổ về sanh lão bệnh tử cũng lần lần được dứt sạch.
- Nơi Bồ Tát Quán Thế Âm có đầy đủ Chơn Quán, Thanh Tịnh Quán, Trí Huệ Quán, Bi quán, Từ Quán. Chúng sinh cần phát nguyện và chiêm ngưỡng.
- Với lòng từ bi, Bồ Tát Quán Thế Âm đã dùng Pháp như cam lộ để dập tắt lửa phiền não.
- Diệu Âm, Quán Thế Âm, Phạm Âm, Hải Triều Âm là những âm thanh hơn hết mà chúng sanh cần phải niệm, nhớ nghĩ luôn, không sanh lòng nghi hoặc, Quán Âm Bồ Tát chính là bậc Tịnh Thánh, là nơi nương tựa cho chúng sanh, nơi nào có khổ não, nạn chết, ngài có đủ công đức, có đủ thứ phương tiện, biển phước không thể lường, vậy chúng sanh nên đảnh lễ Bồ Tát.
- Sau bài Kệ của Bồ Tát Vô Tận Ý thì Bồ Tát Trì Địa bạch Phật là nếu có chúng sinh nào chỉ nghe Phẩm Phổ Môn này, công đức của người đó không phải nhỏ.
- Sau khi Phật dạy xong phẩm Kinh thì trong chúng có tám vạn bốn ngàn chúng sinh đồng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
3.Tìm hiểu nghĩa lý Nội Dung:
Sau khi trình bày nội dung, chúng ta bước qua phần tìm hiểu nghĩa lý. Nơi phần tìm hiểu nghĩa lý của Kinh ở đây chúng ta sẽ cố gắng để không bị vướng vào lỗi lầm mà các bậc Thầy, Tổ thường cánh giác: Y kinh liễu nghĩa tam thế Phật oan, Ly kinh nhất tự đồng ma thuyết.
Chúng ta tìm hiểu nghĩa lý, sẽ không dễ dàng chút nào, phần còn lại là do căn cơ hay tín tâm của mỗi chúng ta mà lãnh thọ Giáo Pháp và thực hành. Tìm hiểu nghĩa lý phức tạp, nhất là theo kinh điển Đại Thừa. Chúng ta biết một khi bàn đến điều gì, việc gì thường hay có hai mặt, nghĩa bóng nghĩa đen, nghĩa rộng nghĩa hẹp, Sự, Lý, nghĩa ẩn dụ, nghĩa biểu tượng và nhất là bàn đến kinh điển, còn phải tìm hiểu gì là Khế Lý, phù hợp với chân lý, gì là Khế Cơ, phù hợp với căn cơ, khả năng, trình độ, hoàn cảnh và cũng còn tùy theo tông phái nữa, các tông phái đều không có cùng một cách hiểu. Ở đây chúng ta cũng nên đặt giới hạn hiểu theo tinh thần của kinh Pháp Hoa, và y theo lời kinh thì tìm hiểu thêm ý nghĩa sâu xa, ẩn dụ hay biểu tượng để tránh thiếu sót.
Lại nữa gốc bản kinh từ chữ Phạn được dịch ra Hán văn sau đó là Việt dịch và còn có nhiều bản dịch khác nhau, thì mức chính xác không thể nào tuyệt đối được. Có những tài liệu cho rằng bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập không có phần Kệ nơi Phẩm Phổ Môn, chỉ được thêm vào sau. Và chúng ta cũng nhận thấy nơi phần Kệ này nêu thêm những nạn được giải cứu không tìm thấy ở phần trên, các đoạn Phật dạy.
Tham khảo thêm: https://thientruclam.info/ht-thich-thanh-tu/kinh-dieu-phap-lien-hoa-giang-giai/luoc-khao-lich-su-kinh
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1p_hoa_kinh
Trước tiên hãy hiểu ý nghĩa hai chữ Phổ Môn, tựa của phẩm Kinh. Phổ là nói đến tính cách phổ biến, phổ cập, phổ quát, lan rộng khắp mọi nơi. Môn là cánh cửa. Vậy Phổ Môn là cánh cửa mở rộng ra khắp nơi, có thể cho thấy hoặc đưa chúng ta tới, tiếp cận với chung quanh bao la, thênh thang, cùng khắp, có ta, có người, có vạn vật, vạn nhà, vạn nước, vạn quốc gia, vạn thế giới, vạn cõi, vạn chân trời. Nói chung là Pháp Giới.
Phổ Môn là cánh cửa mở rộng ra cho thấy ta không chỉ một mình, ta không phải là số một, độc nhất mà ta liên hệ với số nhiều, số đông, vô cùng tận, không thể tính đếm. Do liên hệ như vậy, cánh cửa mở cho con người thấy cái thân Ngũ Uẩn này theo Duyên sinh, Duyên diệt. Cho dù là vật chất hay tinh thần. Cho dù là vật lý hay tâm lý. Tất cả đều liên hệ chặt chẽ với nhau, cái thân có bị hoại diệt mà cái tâm vẫn tiếp tục rong đuổi theo một nhân một duyên khác, tiếp tục bám vào một cái thân khác, tiếp tục con đường của tái sinh luân hồi, chừng nào còn vô minh, tham ái, ngã chấp, chưa giác ngộ tỉnh thức.
Cánh cửa của Bồ Tát Quán Thế Âm mở rộng ra cho con người thấy mình bị cột trong Nghiệp, Nhân Quả, Luân Hồi nhưng cánh cửa cũng mở cho thấy có con đường giải thoát, giác ngộ tỉnh thức.
Phổ Môn là cánh cửa mở ra mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã gặp gỡ chúng sinh cũng như chúng sinh được gặp gỡ Ngài. Theo cánh cửa này mà Bồ Tát tiếp cận, giáo hóa, và giải cứu chúng sinh, chỉ cho con đường giải thoát. Bất kỳ chúng sinh ở đâu, từ Lục Đạo, từ ba cõi Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Không gì ngăn ngại, cản trở. Chúng sinh và Bồ Tát có được cuộc hội ngộ qua cánh cửa này. Cánh cửa này có tên là Quán Thế Âm Bồ Tát. Muốn cho Bồ Tát gặp chúng sinh cũng như chúng sinh gặp Bồ Tát thì phải xưng niệm danh hiệu của Bồ Tát. Danh hiệu được xướng lên thì Bồ Tát nghe thấy cũng như nhìn thấy chúng sinh đó liền và tức thời xuất hiện. Do đó mà phẩm kinh mang đề tựa là Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn. Cánh cửa Quán Thế Âm Bồ Tát mở rộng ra khắp Pháp Giới.
Tuy nói là cánh cửa nhưng thật sự chẳng có cánh cửa nào hết ! Bồ Tát Quán Âm mắt có thể thấy, tai có thể nghe tất cả âm thanh của chúng sinh trong Pháp Giới không có cửa nào ngăn ngại. Chỉ có chúng sinh là không thể có được khả năng như vậy vì vô minh nghiệp chướng che lấp nhưng Pháp Giới vẫn hiển hiện chung quanh. Chúng sinh phải nương nhờ vào Bồ Tát Quán Thế Âm để phá vỡ cánh cửa ngăn ngại tầm nghe, tầm thấy hữu hạn của mình. Với chúng sinh thì dường như có cánh cửa, với Bồ Tát thì không, vì Ngài không còn là phàm nhân, không mang cái sắc thân Ngũ Uẩn mà theo tinh thần Kinh Pháp Hoa thì Phẩm thứ 25 nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm là vị này đã Chứng, Nhập vào Tri Kiến Phật, đã đạt Phật Tánh tức có đủ Tam Thân thì đâu có gì ngăn ngại nữa, Bồ Tát viên dung tất cả các cảnh giới, từ phàm đến Thánh, và có thể dùng vô lượng phương tiện, hóa hiện khắp nơi để cứu độ, giáo hoá chúng sinh.
Chúng sinh cũng có Phật Tánh nhưng chưa chứng, chưa đắc, chưa Nhập nên cũng như người mù, người điếc, nhưng nếu nương theo Bồ Tát, nhờ hạnh nguyện của Ngài hỗ trợ và tự mình nổ lực tu tập cùng với Tâm Đại Từ Đại Bi như Bồ Tát thì sẽ không có một cánh cửa nào phải đóng, phải mở hết.
Chúng ta vừa định nghĩa xong hai chữ Phổ Môn, tiếp đến là tìm hiểu nghĩa hai chữ Bồ Tát.
Bồ Tát, tiếng Sanskrit là Bodhisattvà, Pàli là Bodhisattà. Bodhi có nghĩa là tỉnh thức, giác ngộ; Sattà là Hữu Tình, Chúng sinh, còn được gọi là Giác Hữu Tình. Một Hữu tình hay chúng sinh đang tiến đến con đường giác ngộ để đạt Đạo Quả, thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, thì cần phải thực hành các hạnh tu Ba La Mật ( Paramita ) mang ý nghĩa là Đáo Bỉ Ngạn, đi qua bên kia bờ giải thoát. Theo Phật Giáo Nam Truyền thì Bồ Tát phải thành tựu Mười Ba La Mật : Bố Thí (Dàna), Trì Giới (Sìla), Xuất Gia (Nekkhamma), Trí Tuệ (Pannà), Tinh Tấn (Viriya), Nhẫn Nại (Khanti), Chân Thật (Sacca), Quyết Ðịnh (Adhìtthàna), Tâm Từ (Mettà), và Tâm Xả (Upekkhà). ( Theo tài liệu của Tỳ kheo Narada ) Nhưng cũng có tài liệu ghi là Ba Mươi Ba La Mật vì phải trải qua ba cấp độ Hạ, Trung và Thượng.
Theo Phật giáo Bắc Truyền thì Bồ Tát chỉ tu Lục Độ : Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định và Trí tuệ. (Tài liệu của Hòa Thượng Thích Chơn Thiện)
Danh xưng Bồ Tát đều tìm thấy trong các tạng kinh điển Nam Truyền và Bắc Truyền, chỉ có sự khác biệt là Bắc Truyền đẩy mạnh con đường tu tập đầy đủ giới đức với hạnh nguyện độ sinh của Bồ Tát lên đỉnh cao, là lý tưởng của mọi hành giả trên con đường tu tập. Con đường Bồ Tát này được dạy rõ qua các kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, phải dày công tu luyện với đầy đủ Giới Định Tuệ và Tâm Đại Bi, trải qua nhiều cấp bậc, quả vị. Theo Hoa Nghiêm thì phải trải qua các quả vị như: Thập tín, Thập Hạnh, Thập Trụ, Thập Hồi Hướng cùng với Thập Địa. Theo Pháp Hoa thì qua các giai đoạn được Khai, Thị, Ngộ và Nhập vào Phật Tánh, có được Pháp Thân bấy giờ khả năng độ sinh mới thật là tuyệt đối vì có vô lượng diệu dụng, vô lượng thần thông, vô lượng phương tiện, không gì ngăn ngại. Cố Hòa Thượng Thích Chơn Thiện giải thích thêm về Bồ tát : một chúng sinh có trí tuệ đi ra khỏi khổ đau, và đưa các chúng sinh về với trí tuệ đi ra khỏi khổ đau. Như vậy một Bồ Tát phải có đầy đủ Trí Tuệ và Tâm Từ Bi.
Tham khảo thêm: http://trisieu.free.fr/PhatPhap/01-PhatPhapCanBan/BoTat.htm
Nếu tìm đọc tài liệu về Đạo sĩ Sumedha, đã được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký thành Phật Thích Ca thì chúng ta càng nhận thấy rõ tâm lượng của một vị Bồ Tát vĩ đại như thế nào :
Nguyện Ước Của Đức-Bồ-Tát Sumedha
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha suy tư rằng:
“Hôm nay, nếu ta từ bỏ ý-nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thì chắc chắn ta sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong giáo-pháp của Đức- Phật Dīpaṅkara, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới chỉ một mình ta; nhưng còn bao nhiêu chúng-sinh khác vẫn đang chìm đắm trong biển khổ trầm luân, chịu cảnh khổ tử sinh luân- hồi. Ta không đành giải thoát khổ riêng một mình ta.”
Nghĩ như vậy, với tâm đại-bi vô lượng thương xót chúng- sinh, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha phát nguyện rằng:
“Buddho bodheyyaṃ …” Khi ta tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả, Niết-bàn, trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác rồi, khi ấy ta sẽ thuyết pháp giáo hóa chúng-sinh cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra- hán y theo ta vậy (tự giác rồi giác tha).
“Mutto moceyyaṃ …” Khi ta tự mình giải thoát khỏi mọi sự ràng-buộc của tham-ái, phiền-não, chứng ngộ Niết-bàn rồi, khi ấy, ta sẽ dẫn dắt chúng-sinh cùng giải thoát khỏi mọi sự ràng-buộc của tham-ái, phiền-não, chứng ngộ Niết-bàn y theo ta vậy (tự độ rồi độ tha).
“Tinno tareyyaṃ …” Khi ta tự mình vượt qua khỏi biển khổ tử sinh luân-hồi, đạt đến Niết-bàn an-lạc rồi, khi ấy, ta sẽ cứu vớt, dẫn dắt chúng-sinh cùng vượt qua khỏi biển khổ tử sinh luân-hồi, đạt đến Niết-bàn an-lạc y theo ta vậy (tự đáo rồi đáo tha).
Tham khảo thêm https://theravada.vn/1-duc-bo-tat-sumedha-bac-dai-tri/
Đi kèm theo với Bồ Tát chúng ta có danh hiệu Quán Thế Âm. Vậy hãy tìm hiểu ý nghĩa danh hiệu này.
Theo bản dịch Hán Việt thì chúng ta có tên gọi Bồ Tát Quán Thế Âm và cũng có bản dịch là Quan Thế Âm. Có sự khác biệt nơi chữ Quán là nhìn mà có sự chú ý, chăm chú, thông suốt và Quan là xem, nhìn, ngắm nhìn, trông thấy, không mang ý nghĩa có sự chú ý trong đó. Nhưng nếu hiểu là Quan Sát thì sẽ gần với nghĩa chữ Quán hơn. Và Quán cũng thường được hiểu là cái nhìn, cái thấy của Tâm, không chỉ là cái nhìn, cái thấy của con mắt hay thị giác.
Thế có nghĩa là cõi đời, trần thế, thế gian. Âm là âm thanh, tiếng động mà tai hay nhĩ căn có thể nghe, nhận ra.
Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát có thể dùng tai mà cũng có thể chỉ dùng Tâm mà xem xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Tiếng của thế gian chắc chắn là đủ loại, có ai, có oán, có hỉ, có nộ, có ố, có ái, có dục, có tham…Bồ Tát nghe để làm gì ? Chỉ là để giúp cho chúng sinh thoát khổ mà thôi. Với cái Tâm Đại Từ Đại Bi của Bồ tát, làm sao chỉ có thể nghe rồi bỏ đi. Nhưng Ngài cũng phải xem xét có chúng sinh nào hướng đến Ngài, xưng danh hiệu Ngài thì Ngài giúp chúng sinh đó giải thoát khổ đau hay họa tai trước mắt, cũng như qua phương tiện là ứng hiện các thứ thân hình cần có tùy theo căn cơ, hoàn cảnh, tùy thời mà thuyết pháp để độ cho được giải thoát. Sự giải thoát rốt ráo. Nhắc lại, không xưng danh Ngài thì cũng không có cảm ứng được. Như muốn bóng đèn được cháy sáng thì phải cặm vào dòng điện. Muốn Bồ Tát đến với chúng ta thì chúng ta cũng phải hướng hết tâm tư, ý muốn, tưởng nhớ, ức niệm đến Ngài.
Danh hiệu Quán Thế Âm là Hán Việt nhưng nếu tìm hiểu xa hơn, nơi bản gốc tiếng Sanskrit thì Quán Thế Âm được dịch từ chữ Avalokitesvara :
Avalokiteśvara được tạo nên từ chữ Īśvara, nghĩa là ''chúa tể'' kèm với chữ avalokita, quá khứ phân từ của động từ avalok ''quán sát'' (lok) ''phía bên dưới'' (ava). Nếu dịch đúng chữ đúng nghĩa, phải dịch là Vị Chúa Tể Từ Trên Cao Nhìn Xuống.
https://thuvienhoasen.org/p67a31193/bo-tat-quan-the-am
Và rõ hơn nữa, qua tài liệu của Tiến Sĩ Chun Fang Yu do cư sĩ Tâm Hà Lê Công Đa chuyển ngữ, chúng ta có định nghĩa như sau :
Quán là xem xét lắng nghe, Âm là âm thanh, tiếng kêu. Quán Âm hay Quán Thế Âm (Kuan-Yin) là danh hiệu bằng tiếng Trung Hoa của Bồ Tát Avalokitesvara, vị Bồ Tát tiêu biểu của phẩm tính Đại Từ Bi mà công năng và hạnh nguyện chính là chuyên tâm xem xét, lắng nghe những tiếng kêu thương của cuộc đời để tìm đến giúp đỡ, cứu độ.
Phạn ngữ Avalokita và isvara khá rõ ràng, là " nhìn " hoặc " xem xét " và " chủ tể, vua " nhưng khi ghép chung lại thành Avalokitesvara, thì danh hiệu của Bồ Tát lại có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó có thể là "Vua của những gì mà ta trông thấy", " Vị chủ tể được nhìn thấy ", " Vị chủ tể được nhìn thấy (từ trên cao) ", " Vua, Người đang xem xét " hoặc " Vua, người đang xem xét (từ trên cao) " (Holt 1991 :31). Từ những ý nghĩa này mà Huyền Trang, nhà chiêm bái hành hương nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, đã dịch Avalokitesvara là QUÁN TỰ TẠI. Tuy nhiên danh xưng này đã không được phổ thông bằng danh hiệu QUÁN ÂM hay QUÁN THẾ ÂM như chúng ta được biết, bao gồm ý nghĩa của hai từ Avalokita và Isvara có nghĩa là "Người xem xét, lắng nghe những tiếng kêu than của trần thế."
http://cusi.free.fr/lsp/lsp0086.htm
Tham khảo thêm các tài liệu để chúng ta có thể nhận ra Bồ Tát Quán Thế Âm và Avalokitesvara là một, không phải hai vị khác nhau. Khi nói về Quán Thế Âm Bồ Tát là cũng nói đến Avalokitesvara. Như khi đọc chú Đại Bi, danh hiệu Avalokitesvara được dịch theo âm là Bà Lô Kiết Đế và có thêm chữ Arya đằng trước : Āryāvalokiteśvaraḥ nên dịch âm là A Rị Da Bà Lô Kiết Đế, hay nơi Bát Nhã Tâm Kinh cũng là Āryāvalokiteśvaraḥ nhưng được dịch theo nghĩa là Quán Tự Tại.
Bàn thêm về Bồ Tát Quán Thế Âm hay Avalokitesvara và cũng là Āryāvalokiteśvaraḥ chúng ta có thêm các tài liệu :
Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, Đức Phật Thích Ca dạy ngài A-nan rằng : « Nầy Thiện nam tử, vị Quán Thế Âm Bồ Tát này có oai thần lực không thể nghĩ bàn, trong vô lượng kiếp về đời quá khứ đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Bởi lòng đại bi nguyện lực, vì muốn phát khởi cho tất cả các vị bồ Tát được an lạc trong việc thành thục tất cả chúng sinh nên ngài hiện thân làm Bồ Tát vậy. »
Kinh Bi Hoa, Phẩm Bồ Tát Thọ Ký, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể lại, vào thời Đức Bảo Tạng Như Lai, có vị vua Chuyển Luân tên là Vô Tránh Niệm cùng 3 Thái Tử lần lượt được Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký, có nghĩa là nói trước, cũng mang cái nghĩa Ấn Chứng, xác định trong tương lai, vua Chuyển Luân Vô Tránh Niệm sẽ là Vô Lượng Thọ hay A Di Đà, tịnh độ là An Lạc. Thái Tử thứ nhất, có tên là Bất Huyền, được đổi lại là Quán Thế Âm, sẽ thành Phật hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Như Lai, Tịnh Độ là Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu.
Đó là theo kinh điển, nếu theo truyền thuyết dân gian thì chúng ta có Bồ Tát Quán Âm qua các hình ảnh của Chúa Ba hay Diệu Thiện, tại động Hương Tích, và Quan Âm Thị Kính tu ở chùa Pháp Vân, miền Bắc nước Việt Nam ta, thời Bắc thuộc, gọi là Giao Châu.
Các hình tượng được tôn thờ thì cũng rất đa dạng, Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt, xuất xứ từ Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, có tượng Bồ-Tát tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu, có tượng tay cầm hoa sen, có tượng ngồi hoặc đứng trên tòa sen, có tượng 11 đầu, có tượng Bạch Y Quán Âm…Phần lớn là hình tượng người Nữ, tượng trưng cho người Mẹ hiền, đầy lòng từ bi. Chúng ta được biết qua phần Chánh Văn phẩm Phổ Môn thì Bồ Tát Quán Âm ứng hiện 32 thứ thân hình, đây chỉ là một con số biểu trưng và Bồ Tát không nhất thiết là người Nữ. Hình tượng của Bồ Tát thay đổi, khác nhau, không chỗ nào giống chỗ nào, tùy theo văn hóa, phong tục tập quán của mỗi địa phương, mỗi quốc gia với bản sắc riêng mà được tạo dựng. Hình tượng Bồ Tát Quán Âm lộ thiên khá được thịnh hành, có thể thấy bóng dáng Ngài khắp vạn nẻo đường, có thể bất ngờ gặp Ngài và kết duyên cùng Ngài, Ngài cũng dầm mưa dãi nắng như chúng sinh, nói lên tấm lòng từ bi và hạnh nhẫn nhục của Ngài mà tất cả chúng ta ai cũng cần chiêm ngưỡng và noi theo.
Việc thờ phượng hình tượng Bồ Tát Quán Âm cũng được thờ chung với A Di Đà Phật và Bồ Tát Đại Thế Chí, gọi là Tây Phương Tam Thánh y theo lời dạy trong Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Bồ Tát Quán Âm và Đại Thế Chí hỗ trợ cho Phật A Di Đà tiếp độ, giáo hóa chúng sinh nơi cõi Cực Lạc, ở phương Tây. Khi thờ Tây Phương Tam Thánh, tượng Phật A Di Đà đứng ở giữa, tượng Bồ-tát Ðại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh (tượng trưng cho trí tuệ) đứng bên tay phải Phật A Di Ðà, tượng Bồ-tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy (tượng trưng cho từ bi) đứng bên tay trái Phật A Di Đà.
Trích một đoạn trong Kinh vừa nêu trên, chúng ta đọc thấy nơi phẩm Thứ Hai Mươi Tám :
Phật nói: “Một vị tên là Quán Thế Âm, vị thứ hai tên là Đại Thế Chí, hai vị Bồ Tát này khi còn ở cõi Ta Bà tu hạnh Bồ Tát được sanh về cõi Cực Lạc thường ở hai bên tả hữu Phật A Di Đà. Muốn đến mười phương vô lượng cõi Phật liền đến, hiện ở thế giới này làm nhiều sự lợi lạc. Những trai lành gái tín ở thế gian nếu có tai nạn ngặt nghèo hoảng sợ, chỉ cần hướng tâm về Bồ Tát Quán Thế Âm thì không có nạn gì mà không được cứu thoát.
Như vậy rõ ràng có sự đồng nhất giữa kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn khi nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài đúng là vị Bồ Tát cứu khổ ban vui cho chúng sinh.
Trong phẩm Phổ Môn, chúng ta lại đọc thấy Vô Tận Ý Bồ Tát và Trì Địa Bồ Tát. Hãy cùng tìm hiểu các vị này là ai ?
Vô Tận Ý Bồ Tát (Aksayamatir Bodhisattvah) : là vị Bồ-tát bổ xứ của Phật Phổ Hiền ở thế giới Bất Thuấn phương Đông. Thế giới Bất Thuấn phương Đông chỉ có Bồ-tát không có quốc độ của Thanh văn, Duyên giác. Phật Phổ Hiền là giáo chủ cõi đó. Vị Bồ-tát này phụ giúp Phật giáo hóa, nhưng hiện tại Ngài vâng lời Phật đến cõi Ta-bà giúp Phật Thích Tôn giáo hóa. Nhân đây được kể trong hội Pháp Hoa núi Linh Thứu, cũng có một chỗ của Ngài. Bây giờ Ngài xuất hiện đặt câu hỏi về nhân duyên của Bồ Tát Quán Thế Âm, ý nghĩa rất sâu.
Vô Tận Ý là ý nghĩ không có cùng tận, vô lượng vô biên. Vị Bồ Tát này, do thế giới vô tận và chúng sanh vô tận, nghiệp giới cũng vô tận, bi nguyện độ sanh của Bồ Tát cũng vô tận nên gọi là Vô Tận Ý.
Tất cả những câu hỏi được Bồ Tát Vô Tận Ý đặt ra trong Phẩm Phổ Môn hay ở những phẩm kinh khác đều là những phương tiện khéo léo để làm lợi ích cho chúng sinh, khơi dậy nơi chúng sinh những điều chưa được sáng tỏ, nhờ qua những vấn đáp giữa Bồ Tát và Đức Phật mà trí huệ chúng sinh được khai sáng.
http://thuongchieu.net/index.php/phaplu/1873-vo-tn-y-phat-vn
Trì Địa Bồ Tát theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã cho chúng ta biết Ngài là ai :
Con nhớ kiếp xưa, khi Phật Phổ Quang ra đời, con làm Tỳ Kheo, thường hay sửa sang những đoạn đường, bến nước, nơi gập ghềnh, lồi lõm làm cản trở xe cộ, hoặc làm cầu cống, hoặc gánh đất cát, siêng năng chịu cực, trải qua nhiều đời Phật. Hoặc có chúng sanh ở nơi chợ búa cần người mang đồ, con liền mang giúp đến nơi đến chốn mà chẳng lấy tiền.
Khi Phật Tỳ Xá Phù ra đời, nhằm lúc đói kém, con cõng giúp người, chẳng kể xa gần, chỉ lấy một xu; hoặc có xe trâu bị sa xuống bùn lầy, con dùng thần lực xô kéo, khiến ra khỏi khổ não. Thuở đó, vua thiết trai cúng dường Phật, con bèn sửa đường, chờ Phật đi qua, Tỳ Xá Như Lai xoa đỉnh đầu con và bảo rằng: “Nên bình tâm địa, thì tất cả địa trên thế giới đều bình”. Con liền khai ngộ, thấu vi trần của thân thể với tất cả vi trần tạo thành thế giới đều chẳng sai biệt; vi trần tự tánh không, nên mỗi mỗi chẳng đụng chạm nhau, cho đến binh lính giao chiến cũng chẳng đụng chạm. Con do pháp tánh ngộ Vô Sanh Nhẫn, đắc quả A La Hán, hồi tâm hướng Đại Thừa, vào ngôi vị Bồ Tát, nghe chư Phật khai diễn Diệu Pháp Liên Hoa, nhập Tri Kiến Phật, con được chứng minh là bậc thượng thủ. Phật hỏi về viên thông, con do quán thân thể và thế giới hai thứ vi trần chẳng sai biệt, vốn là Như Lai Tạng, do hư vọng phát ra cảnh trần, trần tiêu thì trí hiện, thành Vô Thượng Đạo là hơn cả.
Vào cuối Phẩm Phổ Môn, Bồ Tát Trì Địa mới lên tiếng : « Bạch Thế Tôn, nếu có chúng sinh nào nghe Phẩm Phổ Môn Bồ Tát Quán Thế Âm có sức thần thông tự tại, thị hiện khắp nơi, nên biết người đó công đức chẳng nhỏ. » Pháp Nhãn, sự chứng đắc của Bồ Tát Trì Địa đã cho thấy điều mà phàm nhân không thể thấy, không thể hiểu, dù chỉ có nghe Phẩm Phổ Môn cũng đã có công đức lớn.
Sau khi tìm hiểu các vị Bồ Tát, chúng ta sẽ phân tích từng phần được đề cập đến trong nội dung Phẩm Phổ Môn. Phân tích từng phần Nội Dung gồm có :
A. Lý do gì Bồ Tát Quán Thế Âm có tên là Quán Thế Âm ?
B. Các nạn được giải cứu là các nạn gì và giải cứu bằng cách nào ?
C. Chuyển hoá Tam Độc là những gì, bằng cách nào ?
D. Hai mong cầu có chắc chắn được toại nguyện không ?
E. Làm sao mà công đức cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm được so sánh bằng công đức cúng dường 62 ức hằng ha sa số Bồ Tát ?
F. Các thứ thân hình được hiện là những thân hình nào ?
G. Vì sao Bồ Tát Quán Thế Âm còn được gọi là bậc Thí Vô Úy ?
H. Vì sao chúng sinh nên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Vô Tận Ý dâng chuỗi ngọc cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm ?
I. Năm Pháp Quán của Bồ Tát và Bốn thứ Âm Thanh hơn hết trên đời là gì ?
J. Vì sao xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm được phước lớn và chúng sinh nên đảnh lễ Ngài ?
K. Phải hiểu như thế nào : « Sau khi nghe Phẩm Phổ Môn, tám vạn bốn ngàn chúng sinh đồng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác » ?
Xin hẹn quí đạo hữu cùng độc giả bốn phương kỳ sau với Phần 3, Phân Tích Từng Phần Nội Dung.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nhật Duyệt LKTH
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.189.188.79 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập