Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lịch sử phát triển nền Phật học Việt Nam »»
Vào 10 giờ sáng ngày 4-4-1973, tại Giảng đường 18 của Viện Đại học Vạn Hạnh, lòng tôi đầy niềm hoan lạc khi được tham dự buổi diễn thuyết của Thượng tọa Thích Minh Châu, với đề tài “Giá trị Lịch sử của Trường Bộ Kinh”. Mở đầu, với điểm thứ nhứt, Thượng tọa Thích Minh Châu cho chúng ta thấy vị trí lịch sử. Trong phần này, diễn giả trình bày qua hai giai đoạn: Giai đoạn Phật giáo Nguyên thủy và giai đoạn các Học phái. Trường Bộ Kinh (Dighà - Nikayà) gồm 4 tập mà Thượng tọa đã dịch xong, nó đại diện cho Học phái Thượng tọa bộ gồm có vừa tư tưởng nguyên thủy, vừa tư tưởng của bộ phái. Với điểm này, diễn giả không chấp nhận quan điểm xem Trường Bộ Kinh là thuần túy đại diện cho thời đại nguyên thủy. Bởi vì theo quan niệm của các học giả, khi sanh thời đức Phật có thể nói tiếng Magadhi - đó là tiếng nói của dân chúng Magadha (Ma Kiệt Đà) - với điểm thứ hai, diễn giả đề cập đến “Giá trị lịch sử”. Ở đây, Thượng tọa Thích Minh Châu cho chúng ta thấy, thuở sanh thời đức Phật đi thuyết pháp từng làng một, những làng này nằm trong vòng đai Trung Ấn. Do đó, đức Phật phải nói tiếng nói của dân chúng Magadha.
Ngoài hai điểm chánh về lịch sử của Trường Bộ Kinh mà Thượng tọa Thích Minh Châu đã trình bày ra, theo ý chúng tôi khi Thượng tọa Thích Minh Châu hoàn thành công tác phiên dịch Trường Bộ Kinh đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển nền Phật học Việt Nam. Chúng tôi nói đây là một giai đoạn quan trọng, bởi vì, kể từ đây, Phật học Việt Nam sẽ có thêm một nguồn văn học mới làm căn bản cho mọi công trình nghiên cứu và học tập.
Trên phương diện lịch sử phát triển, từ sau Pháp nạn 1963, Phật giáo Việt Nam đã thực hiện một bước tiến vĩ đại là thống nhất hai truyền thống sai biệt của Phật giáo. Sự kiện đó cho thấy rằng, Phật giáo Việt Nam luôn luôn khát vọng một đời sống thuần nhứt của cộng đồng Tăng Sĩ, vốn là điều mà đức Phật thường khuyên dạy. Chỉ có sự thuần nhứt của cộng đồng Tăng Sĩ trên mọi lãnh vực, đạo Phật mới là nguồn hy vọng hòa bình và hạnh phúc của nhân loại. Sáng hôm nay, chúng tôi đến dự buổi diễn thuyết nói về Giá trị Lịch sử của Trường Bộ Kinh trong niềm tin tưởng đó.
Đằng khác, trên phương diện văn học và tư tưởng, truyền thống Phật học Việt Nam xưa và nay vốn thiên trọng về Đại thừa nên không khỏi có phần coi nhẹ những kinh điển như A Hàm của Hán Tạng hay Nikàya của Tạng Pàli. Đó là một thiếu sót lớn lao. Do sự thiếu sót này, mỗi khi Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng, đã không biết dựa vào đâu để thiết lập lại thể chế sanh hoạt đúng theo tinh thần nguyên thủy của đạo Phật. Lấy thí dụ triều đại nhà Nguyễn của ta gần đây mà nói, các thể chế sanh hoạt Thiền môn được lập theo khuôn sáo Trung Hoa một cách vô ý thức, mà các khuôn sáo đó được các vua chúa Trung Hoa đặt ra một cách ác ý. Bên ngoài trông có vẻ như là chỉnh đốn quy củ Tòng Lâm, nhưng nội dung lại là những biện pháp ngăn chận đà phát triển đạo Phật. Vì không truy nguyên ra được hậu quả của những ác ý đó, nên trong những năm gần đây, trước tình trạng cực kỳ xáo trộn của đạo Phật tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều khuynh hướng cải cách thể chế sanh hoạt Phật giáo mà chỉ dựa vào kiến thức thô thiển. Chẳng hạn, người ta chỉ căn cứ một cách mơ hồ vào một yếu quyết trong Luật Tạng, theo đó, thể chế sanh hoạt được phép thay đổi tùy theo địa vực và truyền thống của mỗi địa phương, rồi từ đó, thiết lập một thể chế mới mà không lấy tinh thần của Luật Tạng làm căn bản. Mặc dù trên phương diện tư tưởng, đạo Phật chia làm hai truyền thống Bắc và Nam nhưng tinh thần Luật Tạng chỉ có một. Các nhà Đại thừa của Trung Hoa cũng đã từng nói rằng trong giáo lý của đức Phật không ai được phép thiết lập một Giáo hội Bồ tát Tăng. Giáo hội phải lấy Giáo bổn Ba La Đề Mộc Xoa làm sở y. Như vậy, những cải cách nếu không khéo léo dựa vào các kinh điển mà chỉ giải thích theo quan niệm riêng tư, theo chỗ kiến văn thô thiển, thì hậu quả chỉ làm cho tình trạng càng trở nên xáo trộn.
Căn cứ vào một ít trường hợp điển hình trên đây, nên chúng tôi mới nói rằng công tác phiên dịch Tam tạng Pàli đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển Phật học Việt Nam. Đó chỉ mới nói về khía cạnh thể chế sanh hoạt của đạo Phật. Về khía cạnh học thuật, Tạng Pàli còn mang lại cho Phật tử Việt Nam nhiều kiến giải hào hứng. Nhứt là nhờ đó mà Phật tử Việt Nam sẽ dứt khoát với thái độ tự cao ngã mạn một cách sai lạc về truyền thống Đại thừa. Nếu đã từng đọc các kinh điển xưa nay bị liệt vào Tiểu thừa như A Hàm hay Nikàya, đọc với một tinh thần không cố ý xuyên tạc, chúng ta sẽ thấy ngay toàn bộ giáo lý tư tưởng của Đại thừa đều được chứa đựng trong đó. Ngay như thuyết Tánh Không, được coi như đặc trưng của tư tưởng Đại thừa nếu không truy nguyên ra mầm mống từ các bộ A Hàm, thuyết Tánh Không đó không những chỉ là một quan niệm hư vô và một thái độ ngụy biện, mà còn gây những tai hại trầm trọng cho người học Phật. Đằng khác, ngay trong Trường Bộ Kinh tập IV, chúng có thể được chứa đựng những quan niệm cốt yếu của Đại thừa như Bồ tát, Pháp Thân và Pháp Tánh. Nơi trang 85, bản dịch của Thượng tọa Thích Minh Châu, chúng ta đọc thấy câu này: “Ta là con chính tông của Thế Tôn, sanh ra từ miệng, do Pháp sanh, do Pháp tạo ra là con cháu thừa tự của Pháp”. So sánh với kinh Pháp Hoa, chúng ta cũng có câu tương tự: “Tùng Phật khẩu sanh, tùng Phật hóa sanh”. Đại thừa lấy đó để định nghĩa Bồ tát. Trường Bộ Kinh lấy đó để xác tín đối với Như Lai. Cũng ngay sau đó, Trường Bộ Kinh nói rằng Như Lai đồng nghĩa với những chữ: Pháp Thân, Pháp Thể, Phạm Thể. Đây cũng là một định nghĩa căn bản của Đại thừa về Như Lai và Pháp Thân. Nếu công trình nghiên cứu tỉ giảo như vừa được kể, chắc chắn chúng ta có thể tiến đến một kiến giải chân chánh về đạo Phật, không bị chi phối bởi những giải thích theo ý kiến riêng tư, như lời Thượng tọa Thích Minh Châu có nói trong các bài tựa cho tập III và tập IV của Trường Bộ Kinh này.
Cho đến bây giờ Trường Bộ Kinh mới được phiên dịch trọn và chỉ mới là một phần nhỏ của Kinh tạng Pàli (1), chúng ta còn đang mong đợi ngày hoàn thành của Tam tạng này gồm tất cả các Kinh, Luật và Luận Tạng của truyền thống Nam phương. Trong hoàn cảnh đau thương của dân tộc ta hiện nay, cái ngày ấy quả thật là xa, nên niềm hy vọng quả là vô cùng to lớn. Huống chi, các kinh trong truyền thống Bắc phương chưa được khởi công một cách có quy củ. Do vậy, niềm hy vọng của chúng ta lại càng bất khả thuyết. Nhưng nhìn lại công trình mà Thượng tọa Thích Minh Châu đã đơn độc thực hiện, trong khi công việc đa đoan của một Viện trưởng Đại học mà Thượng tọa phải đảm trách hằng ngày, chúng tôi tự thấy rằng công trình ấy của Thượng tọa đã gợi lên niềm tin tưởng vô biên trong lòng toàn thể Phật tử Việt Nam. Riêng cá nhân chúng tôi, chúng tôi tự thấy không đủ lời để bày tỏ tất cả sự ngưỡng mộ và kính phục của mình đối với Thượng tọa. Và, với tư cách một Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa của Giáo hội, công trình mà Thượng tọa đã thực hiện được quả là một khích lệ lớn lao đối với chúng tôi, trong nỗ lực cho một nền văn hóa Phật giáo Việt Nam giữa hoàn cảnh khó khăn của Giáo hội và của cả dân tộc nữa.
Để kết thúc buổi nói chuyện, Thượng tọa Thích Minh Châu đã đưa ra ba điểm, đặc biệt chú trọng đến hàng ngũ sinh viên, nhứt là sinh viên Phật khoa. Thứ nhứt, khi học một tác phẩm Phật giáo, sinh viên nên nghiên cứu, tìm hiểu vị trí lịch sử, giá trị lịch sử của tác phẩm ấy; thứ hai, sinh viên phải hiểu đạo Phật là Đạo như thật và cố gắng suy nghĩ coi đức Phật đã dạy những gì. Với phần này, Thượng tọa Thích Minh Châu cho rằng dịch kinh không phải chỉ làm công tác văn hóa mà thôi, thật sự dịch kinh chính là để có dịp gần gũi với đức Phật qua lời dạy của Ngài; thứ ba, phần sau chót, Thượng tọa Thích Minh Châu nhấn mạnh về người học Phật cần phân biệt đức Phật của tôn giáo và đức Phật của lịch sử. Lẽ đương nhiên, qua lời diễn giả, tại giảng đường của đại học, trước thính giả là giáo sư và sinh viên, đức Phật lịch sử được nêu cao.
Cuối cùng, chúng tôi xin phép trích một đoạn Phật ngôn trong Trường Bộ Kinh tập IV, để thay cho ý kiến thô thiển của chúng tôi. Lời Phật dạy rằng: “Do vậy (…), những pháp do Ta tự chứng tri và tuyên bố cho mọi người, tất cả các người hãy hội họp lại, chớ có cãi lộn nhau, hãy so sánh các nghĩa với nhau, các câu với nhau để cho Phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.
Thích Mãn Giác
(Phật học, Thiền học và Thi ca)
Tu thư Đại học Vạn Hạnh,
Vu Lan 2518 - 1974, tr. 141-149.
----------
(1) Tu thư Đại học Vạn Hạnh đã cho phát hành Trung Bộ Kinh tập I, tập II và tập III của bộ này đang in và sẽ cho phát hành vào lễ Thành đạo 2518. Hiện nay, Thượng tọa Thích Minh Châu đang tiếp tục dịch bộ thứ 3 trong 5 bộ thuộc Kinh Tạng Pàli. (Ghi chú của Nxb).
* Thượng tọa Thích Mãn Giác, trước năm 1975 là Phụ tá Viện trưởng Điều hành Viện Đại học Vạn Hạnh (tức là Phó Viện trưởng). Thượng tọa đã xuất bản một số tác phẩm (trước tháng 4/1975):
Sau năm 1975, Thượng tọa thành lập và trụ trì Chùa Việt Nam ở gần LA, California. Năm 2000 vợ chồng chúng tôi được anh Trần Thái Bình, nguyên Trưởng phòng Hành chính Đại học Vạn Hạnh đưa đến thăm chùa và dâng hương tưởng niệm Thầy. Trước cổng chùa có khắc hai câu thơ quen thuộc và nổi tiếng từ rất lâu của Thầy:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
(Huyền Không - Nhớ chùa)
(Ghi chú: Nguyễn Hiền-Đức)
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.228.234 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập