Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Biết huyễn lìa huyễn chính là giác »»
Kinh Phật Thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác dạy chúng ta phải từ Văn Thù diệu trí tu tập để viên mãn hạnh Phổ Hiền thù thắng, kinh chép: “Trong các cõi Phật đều hay thị hiện như ảo sư giỏi hiện các tướng lạ, trong mỗi tướng đó thật chẳng thể được, các Bồ-tát này cũng lại như thế. Thông các Pháp tánh, rõ tướng chúng sanh, cúng dường Chư Phật, khai đạo quần sanh, hóa hiện thân kia giống như điện chớp, xé lưới ma kiến, cởi dây triền phược, siêu vượt Thanh Văn và Bích-chi Phật, nhập pháp môn Không, Vô tướng Vô nguyện, khéo bày phương tiện hiển rõ ba Thừa. Với căn trung hạ, thị hiện diệt độ,” đều là để biểu thị trí đức của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát. Vì sao lại khó nhập nổi hạnh Phổ Hiền hạnh môn nếu không có trí Văn Thù? Bởi vì nếu không có Bát-nhã vô tri của Ngài Văn Thù thì chẳng biết rõ: Phàm lẫn Thánh đều có cùng bình đẳng chánh tánh, không sai khác chút nào, chỉ cần một niệm Di Đà Nhất Tâm viên đốn, nơi Phật không thêm, nơi chúng sanh không bớt thì liền có thể quay về với Chân tâm Tự tánh của mình. Do phàm phu và Nhị thừa chẳng hiểu rõ ý nghĩa này nên tất cả hạnh nguyện đều chẳng thể đầy đủ mà khởi nổi nguyện hạnh của Phổ Hiền Đại sĩ
Lục Tổ Huệ Năng nói: “Tự tánh vốn tự thanh tịnh, Tự tánh vốn không sanh diệt, Tự tánh vốn tự đầy đủ các pháp, Tự tánh vốn không giao động và Tự tánh hay sanh muôn pháp.” Câu nói này đã chỉ rõ: Vô biên công đức chẳng ngoài Tự tâm, mà Tự tâm của ta và Phật vốn giống hệt như nhau, chẳng có một mảy may sai khác. Do đó, nếu chúng ta tùy thuận Chân như, tu hết thảy thiện pháp mà chẳng thấy có pháp nào để tu thì sẽ thành tựu đầy đủ vô lượng vô biên công đức thắng diệu của Như Lai. Ngược lại, nếu chúng ta từ ở ngoài tâm mà khởi tu thì tất cả công đức đều trở thành phước đức hữu lậu, mà phước đức hữu lậu thì có giới hạn nên chẳng sánh nổi công đức vô lượng của Như Lai. Chính vì vậy, mà cổ đức thường dạy chúng ta phải lấy cái tâm chân thật của mình làm đạo tràng, phóng tâm ra ngoài tìm Phật chỉ là hành ma nghiệp.
Câu “trong các cõi Phật đều hay thị hiện như ảo sư giỏi hiện các tướng lạ, trong mỗi tướng đó thật chẳng thể được, các Bồ-tát này cũng lại như thế” cũng là lời khen ngợi tỉ mỉ Thật Ðức và Quyền Ðức của các Đại sĩ. Câu “hiện các tướng lạ” biểu thị Quyền Đức và câu “thật chẳng thể được” biểu thị Thật Đức của chư Bồ-tát. Chư Bồ-tát thường luôn thị hiện các tướng khác nhau trong mười phương thế giới để giáo hóa chúng sanh. Các Ngài ở trong pháp hội hiểu rõ và thông đạt bản thể và tác dụng của hết thảy sự tướng trong vũ trụ, và thường dùng tâm từ bi vì chúng sanh mà hiện ra các tướng mô phạm của một vị thầy mẫu mực, trước tiên là chỉ dạy cho chúng sanh biết thế nào là sự cung kính cúng dường chư Phật; sau đó mới dẫn dắt chúng sanh ngộ nhập cảnh giới trí giác của Như Lai. Vì vậy, người sơ học Phật pháp trước hết là phải học nghi thức cung kính, tức là tu nơi hành vi; đó gọi là Quyền pháp; nhưng sau đó thì phải xả bỏ Quyền pháp để nhập vào Thật pháp, tức là chỉ tu nơi Tự tâm để hiển lộ Tự tánh.
Bồ-tát tùy thuận tâm ý của chúng sanh mà biến hóa ra nhiều hình dạng và sự vật khác nhau. Các Ngài có thần thông tự tại, nhanh như điện chớp phá tan tà ma, ác kiến, giải trừ hết thảy trói buộc của phiền não cho chúng sanh mà tâm của các Ngài chẳng hề bị dính mắc vào những sai khác trong những cảnh tướng ấy. Kinh Viên Giác nói: “Biết huyễn liền lìa, lìa huyễn chính là giác;” nghĩa là chư Bồ-tát tuy thị hiện là một con người như chúng ta, cũng có gia đình con cái, cũng làm ăn buôn bán để kiếm sống v.v..., nhưng trong cuộc sống đời thường ấy, các Ngài chẳng khởi tâm phân biệt chấp trước đối với huyễn cảnh và cũng không chấp giữ những thứ thọ dụng của thế gian. Vì sao? Bởi vì chư Bồ-tát có Bát-nhã vô tri của Ngài Văn Thù để nhận biết thế nào là “biết huyễn,” và bởi do chư Bồ-tát tu Nhất hạnh Niệm Phật tam muội của Ngài Văn Thù nên mới biết làm sao để “lìa huyễn.” Chúng ta tu hành theo liễu nghĩa kinh thì cũng phải “biết huyễn liền lìa.” Có “biết huyễn liền lìa” thì mới có thể chuyển vọng tâm trở về với Tự tánh Thanh tịnh Bồ-đề của mình được. Tự tánh Thanh tịnh Bồ-đề ấy chính là Giác tánh diệu minh của Chân tâm. Vì vậy, năm chữ “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” trên đề tựa của kinh Vô Lượng Thọ đã chỉ rõ Niệm Phật Vãng Sanh là một pháp môn tu để thành Phật, chớ chẳng phải là pháp môn tu để thành Tiên, thành Thần, thành Thánh như ngoại đạo lầm tưởng. Vì vậy, đối với người không có đại trí của Văn Thù thì đối với pháp môn này cũng chẳng thể nào thấu rõ tường tận. Do chưa hiểu rõ tường tận nên còn có nghi hoặc mà làm mất lợi lớn.
Ở đây, kinh mượn tài huyễn hóa của nhà ảo thuật tài giỏi để ví cho các Đại sĩ có khả năng phổ môn thị hiện trong thế gian để tu nhân địa và giáo hóa chúng sanh. Kinh nói: “Như ảo sư giỏi hiện các tướng lạ,” rồi lại nói: “Trong mỗi tướng đó thật chẳng thể được” có nghĩa là: Bồ-tát thật sự biết rằng các tướng hóa hiện đều là huyễn, nên đối với những huyễn cảnh ấy họ không bị mê lầm và cũng không bị dụ hoặc. Ví dụ, nếu như là một nhà ảo sư giỏi thì tất nhiên phải biết các trò huyễn thuật chỉ là hư vọng, chẳng thật, nên chẳng thể mê lầm nơi các trò huyễn thuật ấy. Phật, Bồ-tát xem thấy hết thảy thế gian chúng sanh đều là huyễn thuật, nên dù họ thị hiện trong đời, hằng ngày đều sống trong huyễn cảnh; nhưng đối với các huyễn tướng của thế gian họ chẳng chấp, chẳng dính mắc và cũng chẳng thấy có gì để chứng, để đắc, để được. Đấy chính là như kinh Viên Giác nói: “Biết huyễn liền lìa, lìa huyễn chính là giác.” Chúng ta tu hành trong thế gian này cũng vậy! Nếu chúng ta thật sự muốn triệt để khai ngộ, biết rõ thế gian này là huyễn thì cũng phải như các Đại sĩ, bước vào sống trong cuộc đời để nhận biết các huyễn mà lìa nó; cũng phải giống như là nhà ảo sư giỏi có thể biết rõ các tướng trạng của các trò huyễn thuật là không thật, nên chẳng bị chúng làm mê hoặc điên đảo.
Con người chúng ta thường rất sợ sống cô đơn một mình. Thế nhưng có những lúc một mình lại là lúc an bình và thanh thản nhất. Suy cho cùng thì chúng ta sinh ra một mình, chết đi cũng một mình, và có những nỗi niềm chỉ có một mình mình biết, không thể diễn tả cùng ai. Thế thì tại sao chúng ta không tập làm quen với nếp sống một mình, hay nói cách khác là tập sống với chính mình. Thế nhưng, câu hỏi muôn thuở của con người vẫn là “ta là ai, ta từ đâu tới và ta sẽ đi về đâu?” Vì chúng ta vẫn chưa tự mình tìm ra câu trả lời cho câu hỏi ấy, nên thường cảm thấy rất bất an, sợ hãi trước sự cô đơn lẽ loi một mình. Đức Phật thì khác hẵn chúng ta, Ngài có đầy đủ mọi thứ, nào là phụ vương hiền đức, kế mẫu nhân hậu, vợ đẹp con ngoan, quân thần trung hiếu đông đảo, ngai vàng cung điện nguy nga diễm lệ; thế mà Ngài lại từ bỏ mọi thứ, chọn lấy cách sống một mình để tìm lại chính con người thật của mình. Tại sao Ngài phải làm như vậy? Bởi vì chính những lúc ở một mình, không bị lôi cuốn bởi những cảnh tượng xôn xao bên ngoài, ta mới có dịp để nhìn lại chính mình, hay nói đúng hơn, là trở lại với tâm mình. Tâm ta lúc nào cũng ở chung với ta như người bạn tri kỷ, nhưng vì sao nó lại không bao giờ được ta biết đến và quan tâm đến nó? Nguyên nhân chánh yếu là do bởi ta thường sống với trần cảnh bên ngoài mà bỏ quên chính mình.
Thiên hạ bao la, nhưng trên đời này có mấy ai thật sự gặp được tri kỷ. Có lúc ta cũng có được một người bạn thân, ngày nào cũng cùng nhau tâm sự, cầu tham học vấn; thế mà do một tư tưởng bất đồng nào đó chợt dấy lên, ta và người bạn thân ấy phải xa lánh nhau, cười đau khóc hận, ôm mối tâm sự một mình. Ngay cả cha mẹ, chồng vợ, con cái, họ hàng quyến thuộc cũng chẳng hiểu rõ tâm trạng của mình. Vì vậy, trong thế gian này mà muốn tìm một tri kỷ thì khác gì đi tìm bắt ánh trăng dưới đáy nước, nếu có gặp được cũng chỉ là một cái duyên giả hợp, có hợp ắt có tan như tất cả những nhân duyên khác trên cõi đời này. Dù có gặp được tri kỷ đi chăng nữa, mỗi người cũng vẫn là một thế giới cách biệt, có cảm thông cũng chẳng làm gì được cho nhau, vì ai nấy đều phải sống cuộc đời riêng của mình, phải đối diện với những vấn đề riêng của mình, không ai có thể cảm nhận được hoàn toàn và giúp cho mình được. Vì thế, nếu muốn xây đắp hạnh phúc hay sự an lạc của mình trên những đối tượng bên ngoài hay những gì do duyên hợp, chắc chắn sẽ không khỏi có lúc phải thất vọng, buồn đau, bởi vì những gì do duyên hợp đều phù du, huyễn ảo như giấc mộng, như bọt nước, như sương rơi mà thôi! Vì thế, đức Phật bảo chúng ta, tất cả mọi thứ trong thế gian đều là “bất khả đắc,” tức là không thể cầu được.
Trên thế giới này, tất cả mọi thứ đều luôn luôn chuyển biến, và con người cũng không ngừng thay đổi, không bao giờ đứng lại một chỗ. Vì vậy, những vấn đề của ngày hôm qua có thể không còn là vấn đề của ngày hôm nay, và những nỗi niềm ôm ấp lâu nay đến lúc nào đó cũng sẽ nhạt nhòa, phai tàn cùng với thời gian. Tri kỷ ngày hôm nay có thể không còn là tri kỷ của ngày mai, vì sao? Vì mọi quan hệ tình cảm giữa con người và con người đều phát khởi từ vọng tâm, đều chỉ là hư tình giả ý, thì tất nhiên sẽ không bao giờ giữ được lâu bền. Có những người bạn trước đây thật thân thiết với ta nhưng ngày nay khi gặp ta, lại ngoãnh mặt làm ngơ; nhiều khi cũng cố gắng gượng gạo trao đổi vài ba câu chuyện rồi đường ai nấy đi, vì hoàn cảnh đã thay đổi, đường đạo và đời không đồng nên tâm tình của con người cũng không còn giống như xưa nữa. Ngược lại với thế gian này, ở Tây Phương Cực Lạc, tất cả Phật, Bồ-tát đều là tri kỷ của ta, họ thấu rõ nội tâm ta như thấu hiểu chính họ, tình bạn của họ và ta vô cùng chân thật, chẳng có chuyện bất đồng tư tưởng về đường đời, đường đạo làm hư hoại tình thâm, cũng chẳng có nhân duyên giả hợp làm ly tán. Vì sao? Bởi vì mỗi người đều chung sống với cùng một Chân tâm, mà Chân tâm là Nhất thể Chân như thì làm gì có sự bất đồng và biến đổi bởi nhân duyên.
Một lúc nào đó, dù cuộc sống của ta có thay đổi như thế nào, hạnh phúc hay đau khổ, may mắn hay bất hạnh, thậm chí lúc sắp trút hơi thở cuối cùng, dù có bao nhiêu người ở xung quanh ta, ta cũng chỉ phải một mình đối diện với chính mình. Do đó, nếu ngay bây giờ ta không thực tập sống một mình, thì chắc hẳn ta sẽ có rất nhiều điều bất an, phiền muộn và đọa lạc về sau, bởi vì lúc ấy ta không biết làm gì để lấp đầy khoảng trống trong cõi lòng mình. Biết sống một mình không có nghĩa là phải xa lánh đời, xa lánh người mà chỉ biết đến mình. Sống một mình như vậy chỉ là chấp theo hình tướng, nên trên thực chất vẫn là còn đầy vô minh phiền não thì cũng chẳng ích lợi gì. Biết sống một mình là ý thức được sự huyễn hóa trong cuộc đời mà đi tìm sự thường hằng an lạc nơi chính mình, qua sự tìm hiểu và khai phá thân tâm của chính mình như kinh Viên Giác nói: “Biết huyễn liền lìa, lìa huyễn chính là giác.” Vậy, thực tập cách sống một mình chính là tập trung tư tưởng trong sự thấy biết thân và tâm, cảm nhận sự sống hiện tại qua từng hơi thở, từng niệm từng niệm khởi lên đều là từ Tánh giác, rồi trở về với Tánh giác, không hề bị mê hoặc bởi bất cứ một ý niệm nào cả. Rồi từ nền tảng bao la của Tánh giác đó, ta phát khởi những năng lực chuyển hóa mầu nhiệm, làm cho sức mạnh nội tâm tăng trưởng, giúp ta có thể an nhiên vượt qua những khó khăn thử thách và lầm lỗi trong cuộc đời. Người biết sống một mình như thế được kinh ví như nhà ảo sư giỏi biết huyễn, lìa huyễn, chẳng bị nó dụ hoặc làm cho mê lầm; đấy chính là người biết sống một mình trong tỉnh thức.
Có lần, đức Phật bảo một Tỳ kheo thích sống một mình rằng: “Tôi biết có một cách sống một mình thật là mầu nhiệm, đó là sự quán chiếu thấy rằng quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, nên an nhiên sống trong hiện tại mà không vướng mắc vào những ước vọng ràng buộc. Người thức giả sống như thế, tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu hối tiếc, xa lìa mọi tham dục trên thế gian, cắt đứt những sợi dây ràng buộc lôi kéo mình. Đó gọi là thực sự biết sống một mình. Không có cách nào sống một mình mầu nhiệm hơn thế được.” Như vậy, biết sống một mình tức là biết sống an vui tự tại với mọi hoàn cảnh biến đổi trong cuộc đời vì đã thấy rõ được bản chất hư ảo của cuộc đời, nên xả bỏ cái ngã đầy chấp trước si mê, nguồn gốc của mọi phiền não đau khổ. Điều nghịch lý kỳ diệu là: Người biết sống một mình chính là người biết quên cái “ta” của mình, người còn chấp giữ cái “ta” thì lại là người chưa biết sống một mình. Vì sao? Vì Khi chưa ngộ thì ta không phải là người ấy, nhưng khi ngộ rồi thì người ấy lại chính là ta. Nói một cách sâu xa hơn, khi chưa ngộ thì chúng sanh không phải là Phật, khi ngộ rồi thì Phật cũng chính là chúng sanh, nên được sống với tâm thanh tịnh bình đẳng, ở nơi Phật cũng chẳng thêm, ở nơi chúng sanh cũng chẳng bớt. Nói cách khác, do giác ngộ rằng Phật, chúng sanh và ta vốn là không hai, nên trong ta có Phật và chúng sanh, trong Phật và chúng sanh có ta, nên có thể sống với bổn tâm hoàn toàn thanh tịnh và bình đẳng, không bao giờ cảm thấy cô đơn, lẽ loi một mình.
Lại nữa, Bồ-tát thị hiện ở thế gian, tuy sống trong huyễn cảnh nhưng thông hiểu hết thảy các Pháp tánh và rõ biết tất cả các tướng huyễn hoặc của chúng sanh, nên các Ngài có thể luôn an trú trong bổn tâm thanh tịnh bình đẳng. Pháp tánh là Tự thể của các pháp, còn gọi là Chân như, Thật tướng, Pháp Giới, Niết-bàn, Thật Tế v.v... Bồ-tát từ nơi huyễn tướng mà lại thấy được Chân như nên kinh ví Bồ-tát như là nhà ảo sư giỏi. Thế nào là Chân như? Chân như có hai đặc tính; đó là tùy duyên và bất biến. Do Chân như có tính tùy duyên nên Chân như sanh ra vạn pháp. Do Chân như có tính tùy duyên mà chẳng bất biến, tức là tùy duyên mà biến đổi nên Chân như tạo ra các pháp có nhiễm có tịnh, có cao có thấp, có hữu tình, có vô tình. Mặc dù Chân như sanh ra vạn pháp, có nhiễm có tịnh, có cao có thấp, có hữu tình có vô tình, nhưng Chân như chẳng hề biến đổi. Chân như chẳng sanh chẳng diệt, thuần thiện chẳng nhiễm; đó chính là Phật tâm. Ví dụ, nước biến thành sóng, thành tuyết, thành nước đá, thành mây, thành hơi v.v... mà tánh của nước là H2O thì chẳng hề thay đổi.
Chư đại Bồ-tát có hai thứ trí làm căn bản cho hết thảy hạnh tu; đó là Như Lý trí và Như Lượng trí. Do có hai thứ trí này nên Bồ-tát thấy hết thảy các tướng dạng khác nhau của chúng sanh, nhưng chẳng có thứ nào mà chẳng phải từ Chân như sanh ra. Do vậy nên chư đại Bồ-tát thấy tất cả chúng sanh vốn là Phật! Do thành tựu được tri kiến Phật này mà các Ngài cứu cánh Bình Đẳng Phật quả. Như Lý trí là trí có khả năng chiếu soi bổn tánh của các pháp vốn chỉ là Nhất thể: chẳng một, chẳng khác, chẳng sanh, chẳng diệt, nên kinh bảo là Bồ-tát thông các Pháp tánh. Vậy, “thông các Pháp tánh” có nghĩa là Căn Bản trí. Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi là đại biểu cho Căn Bản trí, từ nơi trí này mà Ngài thông rõ hết thảy các Pháp tánh. Như Lượng trí là trí có khả năng chiếu soi các tướng khác biệt của chúng sanh: mê, ngộ, phàm, Thánh đều khác nhau; nên kinh bảo là Bồ-tát “rõ tướng chúng sanh.” Vậy, “rõ tướng chúng sanh” chính là Sai Biệt trí.
Bồ-tát cúng dường chư Phật gồm có ba loại: Tài như cúng dường như hương hoa, thức ăn, tài vật v.v…, kính cúng dường như khen ngợi, cung kính, lễ bái v.v..., pháp cúng dường như lắng nghe lời Phật dạy, y pháp tu hành, làm lợi ích chúng sanh. Tuy Bồ-tát biết rõ các cõi nước Phật và chúng sanh đều là không, mà vẫn thường tu Tịnh độ, kết hợp Quyền pháp và Thật pháp một cách tinh xảo để giáo hóa và hướng dẫn chúng sanh, nên kinh gọi là “khai đạo quần sanh.” Bồ-tát có thần lực vô biên, khó lường, nên có thể nhanh như ánh điện chớp, đến đi, qua lại, xuất nhập, ra vào trong khắp tất cả mười phương thế giới để cúng dường chư Phật và khai đạo quần sanh, làm lợi ích cho chúng sanh. Bồ-tát biến hiện ra vô lượng thân, ứng hiện trong các cõi nước nhiều như vi trần mà chẳng có trụ xứ, chẳng có dấu vết, nên kinh ví Bồ-tát giống như ánh chớp nháng trên không, chẳng biết từ đâu đến và cũng chẳng biết đi về đâu, cũng không có dấu tích nhất định. Lại nữa, tâm của Bồ-tát bình đẳng như ánh điện chớp soi sáng vạn vật mà chẳng hề phân biệt trước sau, đây kia, nên kinh ví Bồ-tát giống như ánh sáng chớp chiếu sáng pháp hội của Phật, phá tan màn đêm tăm tối vô minh cho chúng sanh. Bồ-tát thị hiện khắp nơi với nhiều loại thân hình, giai cấp, phẩm vị, thân phận khác nhau để khai thị, hướng dẫn chúng sanh phá tan bức tường phiền não, xé toang cái lưới ma kiến, cởi bỏ sợi dây triền phược trói buộc để chúng sanh trở thành một Quán Tự Tại Bồ-tát viễn ly mọi điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn thường quả.
“Lưới ma kiến” chính là cái lưới tà kiến. Tà kiến là những kiến giải không chánh xác, không đúng đắn bời bời, đan rối vào nhau giống như lưới rập trong tâm, khiến chúng ta khó thể thoát ly. Mỗi khi chúng ta khởi tâm động niệm thì đều là bị đọa vào trong lưới tà kiến. Khi chúng ta lọt vào trong lưới tà kiến rồi thì liền sanh phiền não, phá hỏng chánh trí của mình. Chỉ có tịnh niệm nối tiếp một câu Phật hiệu, vô niệm mà niệm Phật thì mới có thể lìa khỏi lưới tà kiến mà xuất ly tam giới, nên Trí Ðộ Luận mới viết: “Hữu niệm đọa lưới ma, vô niệm thì thoát được.” “Triền” nghĩa là vấn vít, “phược” nghĩa là trói buộc. “Cởi dây triền phược” nghĩa là đoạn lìa sự vấn vít và trói buộc của phiền não. Có tám thứ triền; đó là: vô tàm (không biết hổ thẹn), vô quý (thiếu tự trọng, không khéo gìn giữ thân tâm, hành động, lời nói và suy nghĩ bất cẩn của mình), ganh ghét, keo kiệt, làm việc ác, ham ngủ, lao chao, hôn trầm; và ba thứ “phược” là tham, sân, si. Các Bồ-tát trong hội do có đầy đủ Căn Bản trí và Sai Biệt trí, thông hiểu hết thảy các Pháp tánh và rõ biết tất cả các tướng sai biệt của chúng sanh, nên các Ngài có thể vì chúng sanh mà phá lưới ma kiến, khiến cho họ lìa bỏ tà nghiệp và giải trừ các triền phược mà được rốt ráo giải thoát, đắc đạo Niết-bàn.
Bồ-tát Quán Âm lúc còn tu nhân địa, do Ngài thành tựu hai thứ Căn Bản trí và Sai Biệt trí nên có thể tu chỉ quán đến chỗ Vô tác Diệu lực; có nghĩa Ngài có thể lắng nghe âm thanh, tiếng lòng thanh tịnh của mình đến trình độ không cần dụng công để loại bỏ những tâm niệm xấu ác, phiền não mà tự nó xóa sạch hết những điều xấu ác, bất thiện và phiền não. Trong pháp môn Niệm Phật cũng vậy; lúc ban đầu người sơ tu do còn có sự phân biệt thiện ác nên còn phải dụng công, lấy câu Phật hiệu để đè nén, loại bỏ những ý niệm ác và chỉ giữ lại những tâm niệm thiện lành; tức là còn có loại bỏ cái này và lấy cái kia, tức là còn dụng công, tác ý. Khi hành nhân lâu dài huân tu theo kinh Vô Lượng Thọ, thường tu tập và quán niệm câu Phật hiệu không gián đoạn, thì phần ác niệm trong tâm tự nhiên dần dần biến mất. Vì sao? Bởi do lắng nghe được tiếng A Di Đà Phật mầu nhiệm luôn có mặt trong lòng, nên tâm ác chẳng phát sanh nữa, chỉ còn lại một bản tâm thanh tịnh tự nhiên; đó đều là do tác dụng của Vô tác Diệu lực của tâm mình và cũng là do Vô tác Diệu lực của Phật A Di Đà cùng có phần tương ứng. Tiến tới công phu cao hơn, hành nhân hoàn toàn an trụ nơi Tự tâm vốn sẵn trong sáng thanh tịnh, không còn nhiễm dù chỉ một mảy trần, tức là không còn quan tâm đến việc loại bỏ những tư tưởng thuộc về ý ác, nói ác, làm ác và cũng không còn nắm giữ những ý thiện, nói thiện, làm thiện nữa. Khi hành nhân đạt đến trình độ niệm Phật với bản tâm vô niệm như vậy thì gọi là Niệm Phật tam muội hay Niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn, và cũng từ đó mà Tâm mình phát sanh Vô tác Diệu lực giống như chư Phật và Bồ-tát. Đây mới chính là công đức đại thiện thật sự.
Bồ-tát do lắng nghe âm thanh A Di Đà Phật từ trong nội tâm rồi tư duy và quán niệm thì gọi là “Vô tác Diệu lực Văn huân Văn tu.” Do Niệm Phật tam muội của Bồ-tát chính là nghiệp dụng của chúng sanh, và bi ngưỡng của chúng sanh chính là bi ngưỡng của Bồ-tát, nên Bồ-tát có thể khiến cho tất cả chúng sanh có được các thứ công đức vô úy có năng lực xa lìa những khổ nạn mà không cần tác ý gì cả. Lại nữa, do vì Bồ-tát có hai thứ Căn Bản trí và Sai Biệt trí, nên các Ngài không quán âm thanh đối tượng bên ngoài và cũng không chấp vào các tướng tu hành, mà chỉ quán cái tâm năng quán của chính mình để khởi tác dụng Vô tác Diệu lực của Tự tánh, khiến cho chúng sanh khổ não trong mười phương do cũng quán âm thanh như vậy mà được giải thoát. Thí dụ: Bồ-tát do quán tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm ngã mạn, tâm ganh ghét v.v... nơi nội tâm của Ngài mà phát khởi Vô tác Diệu lực, khiến hữu tình nghĩ nhớ đến Bồ-tát liền tiếp nhận được Vô tác Diệu lực ấy mà tự tâm bổng khai giải, xa lìa tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm ngã mạn, tâm ganh ghét v.v..., lìa khổ được vui. Vậy, chúng sanh lìa khổ được vui phần lớn là do tiếp nhận được Vô tác Diệu lực của Phật, Bồ-tát, chớ chẳng phải hoàn toàn do sức tự lực huân tu lâu dài của mình mà thành, vì sao? Vì chúng sanh không có đủ sức định, huệ thì làm sao có thể tự mình thoát ra khỏi lưới ma kiến và dây triền phược. Do đó, khi chúng ta thường nghĩ nhớ đến công đức của A Di Đà Phật, thường niệm danh hiệu A Di Đà Phật thì sẽ thường tiếp nhận Vô tác Diệu lực của A Di Đà Phật; nhờ đó mà dù không tu đoạn ác mà tâm tự lìa ác, dù không tu thiện mà tâm tự nhiên thiện, dù không trừ phiền não mà phiền não tự diệt, dù không đoạn nghiệp mà nghiệp chẳng thể phát khởi. Do vậy, điều cần và đủ để người niệm Phật thành tựu công đức vô thượng, tròn đầy của chư Phật chỉ võn vẹn là niệm Phật với tâm vô niệm, tức là tâm không tác ý, thì tự nhiên tâm này dần dần trở thành Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác giống như chư Phật. Như vậy, ai thường niệm danh hiệu A Di Đà Phật thì tự nhiên tâm họ sẽ dần dần giống A Di Đà Phật; hết thảy sự việc nhiệm mầu này đều là do nơi sức oai thần, nơi sức bổn nguyện, nơi minh liễu nguyện và cứu cánh nguyện của Phật A Di Đà. Vì thế, Tịnh tông chỉ lấy “phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật” làm tông chỉ để tu hành; đây chính là chỗ vi diệu bậc nhất của Tịnh tông mà chẳng có pháp môn nào so sánh nổi. Vì vậy, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát mới bảo: “Các môn tu hành chẳng môn nào bằng pháp Niệm Phật. Trong kiếp quá khứ, ta do niệm Phật, nên đắc Nhất Thiết Chủng Trí. Vì thế, hết thảy các pháp: Bát-nhã Ba-la-mật Ða, thiền định rất sâu cho đến biển Chánh Biến Tri của chư Phật, đều từ pháp Niệm Phật sanh ra.”
Vì sao kinh lại bảo các vị Đại sĩ trong pháp hội Vô Lượng Thọ vượt xa các các bậc Thanh Văn, Bích-chi Phật? Là vì các Ngài do tu pháp môn Niệm Phật mà chứng được ba giải thoát môn: Không, Vô tướng, Vô Tác, nên Thật Ðức và Sở Giác của các Ngài thù thắng vượt xa các các bậc Thanh Văn, Bích-chi Phật; đồng thời, cũng là do các Ngài biết khéo dùng phương pháp thiện xảo để giáo dục, cảm hóa và cứu độ chúng sanh. Do vì căn tính của chúng sanh có khác nhau, nên Bồ-tát phải kiến lập ra ba phương pháp khác nhau để giáo dục cho các hàng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát; ba phương pháp giáo dục này được gọi là Tiểu thừa, Trung thừa và Đại thừa. Thanh Văn là đệ tử tu theo pháp Tiểu thừa của Phật; do nghe giáo pháp Tiểu thừa mà ngộ lý Tứ Ðế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), đoạn trừ hai hoặc kiến và tư phiền não, thoát ra khỏi phần đoạn sanh tử, nhập vào Hữu Dư Niết-bàn. Duyên Giác là người do nghe pháp Thập Nhị Nhân Duyên của Phật mà giác ngộ. Các vị Đại sĩ trong pháp hội này vượt rất xa hơn hàng Nhị Thừa (Thanh Văn và Bích-chi Phật) trong đệ tử Phật là vì tuy rằng hàng Nhị Thừa đắc Ba Không môn nhưng họ bị chìm đắm nơi thiên không; còn Bồ-tát thì chẳng như vậy, các Ngài thấu đạt lưới huyễn, đắc pháp bình đẳng. Tuy Bồ-tát cũng trụ Ba Không môn nhưng chẳng trụ vô vi, nên các Ngài tự tại sinh hoạt trong lưới huyễn của thế gian mà chẳng bị nó làm chướng ngại; cho nên dẫu rằng chư Bồ-tát có lúc phổ môn thị hiện là Thanh Văn hay Duyên Giác để giáo hóa chúng sanh, nhưng các Ngài lại siêu việt địa vị Thanh Văn và Duyên Giác.
Chư vị Bồ-tát trong hội siêu việt địa vị Thanh Văn và Duyên là do vì các Ngài đã xả ly tâm phân biệt chấp trước, nên được tự tại vô ngại trong hết thảy các pháp giải thoát môn. Do vậy, đối với mọi hạng chúng sanh, các Ngài đều có thể đem lòng đại bi, tùy thuận theo tâm ý và căn tánh của họ mà hóa độ. Có lúc Bồ-tát hiện thân làm Thanh Văn dùng pháp Tứ Diệu Đế để giáo hóa chúng sanh với căn tánh Tiểu thừa. Hoặc có lúc Bồ-tát hiện thân làm Bích-chi Phật để vì chúng sanh có căn tánh Trung thừa mà nói pháp Thập Nhị Nhân Duyên. Đối với chúng sanh có căn tánh Đại thừa thì các Ngài không ngằn ngại hiện thân làm Bồ-tát để nói các Pháp Đại thừa như Phổ Hiền Thập Đại Nguyện Vương, Lục độ Ba-la-mật, Tứ nhiếp pháp v.v... Tóm lại, ở đây kinh nói đến sự thị hiện của các Đại sĩ trong các cõi để giáo hóa và cứu độ chúng sanh cũng giống hệt như sự thị hiện của đức Quán Âm Bồ-tát trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa, ai đáng được thân nào thì các Ngài sẽ tùy thuận vào căn tánh của người đó mà hiện các thân tướng ứng hợp, riêng vì người đó mà thuyết pháp, giúp cho họ thoát khổ, được vui. Các Ngài chẳng bỏ một hình tướng nào có thể đem lợi ích cho chúng sanh; đây chính là phương tiện khéo léo của các Đại sĩ, tùy cơ độ sanh thị hiện làm các hạng chúng sanh, Nhị Thừa, Bồ-tát, nhẫn đến hiện làm thân Phật hoặc thiên hà, đại địa, sông núi, rừng cây, hoa lá v.v...
Do vì kinh này dẫn dắt chúng sanh khế nhập vào Niết-bàn Thật tướng bằng ba cửa: Không, Vô tướng và Vô nguyện, nên kinh lấy tất cả Bồ-tát thâm nhập pháp môn Không, Vô tướng, Vô nguyện trong hội làm đại biểu. Thế nào là Pháp Không? Trên mặt Lý thể mà nói, tất cả chúng sanh và pháp đều là do sự hòa hợp của nhiều điều kiện mà thành, hoàn toàn không có tự thể thực tại, tức là không có Tự tánh, nên đương thể của chúng sanh và pháp chính là Không. Thế nào là pháp Vô tướng? Về mặt sự tướng mà nói, tất cả nhân duyên và sự tướng đều do nhiều điều kiện hòa hợp mà sản sanh, không ngừng thay đổi, hư vọng, không thật nên nói là Vô tướng. Chữ Vô tướng trong đạo Phật không có nghĩa là không có hình tướng gì hết, mà nó có nghĩa là tất cả nhân duyên và tướng đều thường luôn biến đổi, không có nhân duyên và sự tướng nào gọi là nhất định, bất biến cả. Thế nào là pháp Vô nguyện? Khi chúng ta quán sát hiện tượng, rồi khởi lên tác dụng tương ứng với tính Không, tức là không sanh tâm phân biệt chấp trước thì gọi là Vô nguyện. Vì do Vô nguyện nên Bồ-tát vượt ra khỏi cái bị lấy và xa lìa tâm chấp lấy mà chẳng tạo nghiệp sanh tử; vì vậy, Vô nguyện còn được gọi là Vô tác.
Do vì Bồ-tát có trí huệ và phương tiện thiện xảo, có thể dùng Ba Không môn để độ vô lượng chúng sanh, nên kinh ghi: “Nhập pháp môn Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, khéo bày phương tiện, hiển rõ ba Thừa.”Để có khái niệm về Ba Không môn, tức là ba cửa Không, Vô tướng và Vô nguyện để nhập vào Niết-bàn Thật tướng, chúng ta có thể ví Niết-bàn Thật tướng như là một tòa thành. Nếu hành nhân từ cửa Không đi vào thành nhưng chẳng thấy tướng Không thì liền vào thẳng ngay tòa thành Niết-bàn. Nhưng nếu hành nhân còn thấy có tướng Không thì chẳng thể qua nổi cửa Không để vào thành, nếu hành nhân trừ được tướng Không, liền có thể theo cửa Vô tướng mà vào thành. Nhưng nếu hành nhân chấp là tướng của Vô tướng là Thật tướng thì cũng chẳng thể vào được thành Niết-bàn. Ðể trừ tướng Vô tướng này, hành nhân cần phải từ cửa Vô tác mà vào thành, tức là phải buông xả hết tâm phân biệt, chấp trước mới có thể vào thành Niết-bàn.
Kinh Niết-bàn chép: “Trí độ là mẹ của Bồ-tát, phương tiện là cha.” “Khéo bày” là trí huệ thấu rõ tánh Không, Vô tướng, Vô nguyện; trí này còn được gọi là Trí độ hay Bát-nhã. “Phương tiện” gồm có hai thứ: Thứ nhất là hiểu sâu tánh Không mà chẳng chấp tướng thọ chứng; thứ hai là do vì lý Thật tướng (tức Ba Không môn) rất thâm sâu, không ai tin nhận nổi, nên Bồ phải dùng phương tiện dẫn dụ chúng sanh, khiến cho họ giác ngộ dần dần. Vì công đức độ sanh dẫn nhập chúng sanh vào Niết-bàn quá sức rộng lớn, đòi hỏi Bồ-tát phải có đầy đủ hai thứ Bát-nhã và phương tiện, nên chỉ có Phật và các bậc Bồ-tát Đại thừa mới làm nổi. Hơn nữa, do đức Như Lai có vô lượng trí huệ, lực dụng, lực vô sở úy và các pháp tạng, nên Ngài có thể ban cho hết thảy chúng sanh pháp Phật thừa, nhưng chúng sanh chẳng thể lãnh nhận hết nổi; do vậy, chư Phật phải dùng sức phương tiện, ở nơi một Phật thừa mà phân chia ra thành ba thừa, nên kinh mới nói: “Khéo bày phương tiện, hiển rõ ba Thừa.” “Thừa” có nghĩa là cỗ xe để chuyên chở; ý nói đến phương tiện để chuyên chở chúng sanh ra khỏi tam giới, trở về Niết-bàn. Kinh Pháp Hoa dùng ba loại xe dê, xe nai và xe trâu để ví cho ba thừa Tiểu, Trung và Đại. Tiểu thừa là Thanh Văn thừa, Trung thừa là Duyên Giác thừa và Ðại thừa là Bồ-tát thừa. Ba phương tiện này chính là cửa ngõ để chúng sanh nhập đạo, rồi từ đó mà thể nhập vào chân thật pháp. Bồ-tát hiển lộ được chân thật pháp hoàn toàn là nhờ vào phương tiện. Như vậy, Tiểu thừa là cái cửa để vào được Ðại Thừa, nên Tiểu thừa được gọi là giáo pháp phương tiện. Nói rộng ra, ba thừa Tiểu, Trung và Đại đều là những cánh cửa để thông với Phật Thừa, nên ba thừa được gọi là Phương Tiện Giáo môn. Cũng giống như nếu chúng ta muốn lấy bằng Tiến sĩ, thì trước hết phải thông qua các lớp Tiểu học, Trung học và Đại học, rồi sau đó mới có thể tiếp tục học tập và thực nghiệm để lấy bằng Tiến sĩ.
Kinh Niết-bàn cũng dạy: “Diệt các phiền não gọi là Niết-bàn. Lìa các hữu cũng là Niết-bàn.” Niết-bàn là tiếng Phạn, dịch nghĩa là diệt độ hay viên tịch. Diệt độ là diệt hết nhân quả sanh tử. Viên tịch là thành tựu đầy đủ tất cả các quả đức, đồng thời diệt tận tất cả các phiền não chướng. Đức Như Lai vốn đã thoát khỏi sanh diệt, đắc đại tự tại, Pháp thân hằng hiện hữu trên khắp quốc độ, chẳng có cái gọi là từ đâu đến hay đi về đâu, thì làm gì có việc thật sự nhập Niết-bàn? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện tại vẫn còn đang thuyết kinh chưa bao giờ ngừng nghĩ, thì làm gì có việc đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết-bàn. Phật nhập Niết-bàn chỉ là tướng thị hiện, chớ thật ra Ngài chẳng thật sự diệt độ. Khi xưa, Trí Giả Đại sư đời nhà Tùy, lúc đọc kinh Pháp Hoa đến phẩm Dược Vương thì bổng dưng thấy pháp hội Linh Sơn nghiễm nhiên vẫn còn đó, chưa hề tan mất. Vì sao Phật không bao giờ diệt độ mà lại phải thị hiện có tướng diệt độ? Bởi vì nếu Phật trụ thế lâu dài trong đời thì những người đức mỏng, trí thô, tham đắm ngũ dục lục trần sẽ chẳng chịu chăm lo tu hành, gieo trồng căn lành. Phàm tình chúng sanh đều bị vướng vào lưới ức tưởng vọng kiến, hễ cái gì thường gặp thì coi thường, chẳng tôn trọng, nên khi thấy Như Lai thường trụ bất diệt bèn khởi ý kiêu ngạo, phóng túng, sanh lòng ỷ lại, lười biếng, mà chẳng thể sanh nổi ý tưởng khó gặp Phật và tâm cung kính được. Vì vậy, tuy rằng Như Lai thật sự chẳng bao giờ diệt độ mà lại thị hiện có diệt độ, nên kinh ghi là “với căn trung hạ, thị hiện diệt độ.” Cũng giống như vậy, Pháp thân Đại sĩ chuyên chí Phật quả, chẳng trụ vào diệt tận, nhưng vì muốn làm lợi ích cho hai thừa trung và hạ, nên các Ngài dùng phương tiện khéo léo thị hiện có tướng diệt độ, chớ thật ra chẳng phải là thật sự diệt độ. Các Ngài thị hiện diệt độ như vậy chỉ là để độ các căn cơ trung và hạ.
Lão Hoà thượng Hải Hiền bảo: “Trong tâm có Bồ-đề, việc gì phải ôm chân Phật lúc lâm chung. Thân không nghĩ chuyện thế tục, tự nhiên Cực Lạc ở trong lòng.” Thế nhưng thử hỏi, trong tâm chúng sanh thật sự có Bồ-đề hay không? Lẽ tất nhiên, trong tâm của hết thảy chúng sanh đều không có Bồ-đề, vì nếu thật sự có Bồ-đề, tức là thật sự giác ngộ, thì đâu còn là chúng sanh nữa. Do vậy, hễ còn là chúng sanh thì không thể không ôm chân Phật. Câu nói này của lão Hòa thượng không có ý bảo chúng ta không nương vào Phật A Di Đà để cầu sanh Cực Lạc, mà có ý bảo chúng ta không nên ỷ lại sự gia trì của đức Phật mà sanh vọng kiến, lười biếng, phóng túng, chẳng chăm lo gieo trồng thiện căn, phước đức. Ngài cũng muốn nhắc nhở chúng ta rằng A Di Đà Phật vốn là Chân tâm, Tự tánh của mình, nếu mình không chăm lo tu hành, niệm Phật để quay trở về với Tự tánh Di Đà của chính mình thì làm sao thấy được Tịnh độ. Nói tóm lại, “trong tâm có Bồ-đề” có nghĩa là phát Bồ-đề tâm: Tâm này chính là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà ngự ngay nơi tâm của từng mỗi chúng sanh thì làm gì có diệt độ. “Thân không nghĩ chuyện thế tục” là buông xả hết thảy thân tâm thế giới. “Cực Lạc ở trong lòng” tức là Tịnh độ tại tâm. Nếu tâm này luôn nhớ niệm Phật A Di Đà, tức tâm tức Phật, thì Tây Phương Tịnh độ tất nhiên sẽ tự nhiên hiện ra.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.140.208 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập