Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Diệu Âm »»
Phẩm Bồ-đề Đạo Tràng của kinh Vô Lượng Thọ viết: “Gió nhẹ len qua, cành cây kẽ lá, diễn ra pháp âm, vô cùng vi diệu, tiếng Pháp chan hòa, khắp các nước Phật, mười phương thế giới, mầu nhiệm thanh thoát, vi diệu hòa nhã, cao tột bậc nhất.” Cây Bồ-đề ở cõi Cực Lạc có khả năng diễn ra pháp âm vô cùng vi diệu, tốt lành bậc nhất chẳng thể nghĩ bàn như vậy đó. Đây là cách mà A Di Đà Phật dùng tướng cảnh giới để hiển bày thật tánh của Bồ-đề tâm: Tướng là cây Bồ-đề, tánh là tâm Bồ-đề.
Thế nào là pháp âm vi diệu? Pháp âm gọi là vi diệu vì nó biết khéo dùng ngôn ngữ phân biệt của chúng sanh để hiển thị Chân ngã, nhằm khai hóa chỉ bày bờ mé chân thật, vượt hơn tất cả các pháp sở hữu thế gian. Nơi cõi Cực Lạc, khi gió nhẹ thổi qua làm lay động cành lá của cây báu, cây liền phát ra âm thanh, diễn nói diệu pháp, tuyên dương pháp Thật tướng, hiển bày Pháp thân Phật, quyết định chẳng thuyết các pháp sở hữu thế gian, thì đó gọi là pháp âm vô cùng vi diệu. Thật ra, âm thanh ấy cũng chính là vị Phật trong ba mươi bảy vị Phật biến hiện ra từ Tỳ Lô Giá Na Pháp thân để thuyết pháp độ sanh, làm lợi ích cho Phật đạo. Do vì âm thanh ấy vô cùng mầu nhiệm thanh thoát, trong trẻo và vi diệu hòa nhã, nên hễ ai nghe được liền trở nên thanh tịnh, sảng khoái, bi mẫn, tập khí trần lao chẳng thể dẫy khởi lên nổi. Kinh bảo pháp âm ấy là mầu nhiệm thanh thoát bởi vì hễ ai nghe được âm thánh ấy, tâm chẳng còn trược nhiễm nữa, tự nhiên phát sanh trí tuệ, thấu triệt thông đạt pháp Thật tướng và được giải thoát ra khỏi các thứ triền phược; thêm nữa, âm thanh ấy còn có khả năng khiến người nghe phát tâm đại bi, nguyện mau chóng thành Phật để phổ độ chúng sanh. Pháp âm vang ra từ cây Bồ-đề rất tinh tế, bí mật giống như tiếng âm nhạc ở cõi Phạm thiên, âm vận nhịp nhàng réo rắt, hay đẹp tuyệt diệu như tiếng chim Loan, thanh nhã đúng đắn thuận theo Phật pháp, nên kinh khen là “vi diệu hòa nhã, cao tột bậc nhất.” Cây Bồ-đề Đạo Tràng là y báo biến hiện ra từ Pháp thân của Phật A Di Đà nên âm thanh vi diệu phát ra từ cây Bồ-đề cũng chính từ Pháp thân Phật. Vì thế, những đức tánh của âm thanh phát ra từ cây ấy không những chỉ đặc biệt lạ lùng mà còn là cao tột bậc nhất trong khắp mười phương thế giới.
Trong phẩm Nghe kinh Được Lợi Ích của kinh Vô Lượng Thọ, Đức Thế Tôn dạy: Người nào nghe được kinh này sẽ được những lợi ích chân thật như là viễn ly trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, hết sạch các lậu nhẫn đến phát được đại tâm Vô thượng Bồ-đề. Vậy, chúng ta có nên vâng lời Phật dạy, phát tâm lắng nghe và thọ trì kinh điển này hay không? Kinh cũng nói, những người phát lòng tin ưa, thọ trì đọc tụng kinh này đều sẽ được vãng sanh về cõi Như Lai ấy, họ sẽ thứ lớp thành Phật, đồng một danh hiệu Diệu Âm Như Lai. Đấy đã nêu rõ, âm thanh phát ra từ cây Bồ-đề hay từ kinh Vô Lượng Thọ đều cùng là Diệu Âm phát ra từ Pháp thân của Phật A Di Đà. Vì Pháp thân Phật là thường trụ nên Diệu Ậm cũng thường trụ, không bị dính mắc. Diệu Âm là tên của âm thanh thanh tịnh của Tánh giác phát xuất ra từ Chân như Phật tánh, có khả năng thấu hiểu trọn vẹn tất cả các pháp và tâm tưởng của hết thảy chúng sanh, không bị chướng ngại, vượt qua sự ngăn cản của các căn và thức. Cho nên, hễ ai nghe được kinh này, rồi từ Tự tánh của mình phát ra cùng một âm thanh vi diệu diễn nói pháp môn này, thì âm thanh ấy cũng chính là Diệu Âm.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Tỳ-kheo Pháp Tạng lúc còn tu hạnh Bồ-tát, đứng trước Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai và đại chúng trong hàng trời người mà phát lời thệ nguyện rằng: “Nguyện con được như Phật, có thể phát ra những pháp âm thanh tịnh, không cấu nhiễm, để chuyển đưa giáo pháp của Như Lai đến trọn khắp vô biên các cõi giới mà chẳng bị giới hạn trong thanh âm, ngôn ngữ.” Cho nên, Diệu Âm thuyết pháp trang nghiêm phát ra từ cây Bồ-đề chính là một trong những cái đẹp đẽ tinh diệu bất khả tư nghì nhất nơi cõi Tây Phương Cực Lạc. Diệu âm ấy cũng chính là âm thanh thuyết pháp phát ra từ tâm Bồ-đề chân chánh của bất cứ người nào có cùng một tâm nguyện với A Di Đà Phật: “Nguyện chuyển đưa giáo pháp của Như Lai đến trọn khắp vô biên các cõi giới.” Phật A Di Đà dùng hết thảy những âm thanh vi diệu như là tiếng cành lá lay động của các cây báu, tiếng lưới báu lay động, tiếng linh, tiếng khánh, tiếng sóng gợn trong suối ao, tiếng chim hót v.v... làm phương tiện để diễn xướng pháp nhiệm mầu, khiến chúng sanh trong cõi ấy có thể tùy ý thích, tùy thời, tùy căn tánh mà nghe được pháp thích hợp, khiến họ tâm an, lý đắc, không trệ ngại. Do trong cõi Cực Lạc thường luôn thuyết pháp và nghe pháp như vậy nên mới giúp chúng sanh trong cõi ấy mau tiêu mòn vọng niệm, phát sanh huệ tư tu và đạo tâm không thoái chuyển. Phật A Di Đà đưa chúng sanh ở cõi Cực Lạc đi từ tướng đến tánh, tiến đến tuệ giác chân thật, thâm nhập vào Nhất thừa Nguyện hải của Như Lai. Các đạo tràng Tịnh độ nơi cõi Sa-bà cũng nên làm giống như vậy, hằng ngày cũng đều nên có các thời khóa đọc kinh Tịnh độ, dùng pháp âm thanh tịnh phát ra từ Bồ-đề tâm chân chánh để diễn giảng kinh Tịnh độ, giúp cho mọi người đều thâm nhập Nhất thừa Nguyện hải của Đức Phật A Di Đà, thì công đức ấy là cao tột bậc nhất, chẳng gì sánh bằng.
Âm thanh vi diệu hài hòa tự nhiên của cây Bồ-đề có đến vô lượng thứ biến hóa khác nhau, nhưng chúng đều xuất phát từ một tiếng A Di Đà Phật; cho nên, tiếng A Di Đà Phật chính là Diệu Âm. Chúng sanh trong khắp cùng cửu giới mười phương ba đời dù có tâm sanh diệt khác nhau, căn tánh khác nhau, nghiệp quả khác nhau v.v..., dù sự sai biệt có đến vô lượng vô biên đi chăng nữa, nhưng chỉ cần dùng cái tâm thanh tịnh mầu nhiệm để niệm một câu A Di Đà Phật, bèn có thể thành tựu đạo nghiệp, vãng sanh Tịnh độ, bất thoái thành Phật giống hệt như nhau; thế mới nói tiếng A Di Đà Phật chính là Diệu Âm, là tiếng vô cùng vi diệu, là tiếng pháp chan hòa khắp các cõi nước Phật trong mười phương thế giới, là tiếng pháp mầu nhiệm thanh thoát, là tiếng vi diệu hòa nhã, cao tột bậc nhất. Tiếng A Di Đà Phật diệu nhất là ở chỗ nào? Tiếng A Di Đà Phật diệu nhất là ở chỗ khi nào ta nhất tâm xưng niệm một câu A Di Đà Phật thì tâm ta và tâm Phật bổng trở thành một tâm; cho nên kinh mới nói: Chúng sanh trong mười phương thế giới niệm Phật vãng sanh thành Phật, đều có cùng chung một danh hiệu Diệu Âm Như Lai. Đấy chính chỗ diệu đến mức cao tột bậc nhất của tiếng A Di Đà Phật.
Kinh Hoa Nghiêm dạy, nếu niệm Phật với tâm thanh tịnh thì gọi là niệm Tự tánh Phật hay Tự tánh niệm Phật. Tự tánh niệm Phật là không có chủ thể niệm Phật ở bên ngoài mà là niệm ở ngay trong tâm mình nên Tự tâm mình vẫn có Diệu Âm chiếu sáng đồng giống như vị Phật A Di Đà mà mình niệm, tức là năng niệm (cái tâm mình đang niệm) và sở niệm (vị Phật được niệm) đồng chiếu sáng như nhau, dung hóa lẫn nhau thành một thể không hai. Như vậy, khi niệm Phật, chúng ta tuyệt đối chẳng nên có nghi ngờ, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chỉ là niệm Phật tự nhiên như vậy thì tự nhiên câu Phật hiệu trong sự niệm Phật ấy của mình chính là Diệu Âm.
Kinh Pháp Hoa cũng nói, Diệu Âm phát xuất từ Tự tánh vượt hơn hết thảy mọi thứ âm thanh thế gian, dù cho đó là Phạm âm hay Hải Triều âm cũng chẳng thể sánh bằng âm thanh phát ra từ Tự tánh. Với công hạnh ấy, dù chư Phật Thế Tôn diễn thuyết một âm thanh nhưng nó lại biến hóa thành vô lượng vô biên các loại âm thanh, khiến tất cả các loài hữu tình thảy đều thông hiểu. Vì sao Phật có thể thuyết pháp với Diệu Âm như thế? Vì lời nói thanh tịnh của Phật phát ra từ Tự tánh vốn trọn đủ biển công đức biện tài, vi diệu chẳng thể nghĩ bàn nên trong chỉ một âm thanh của Phật lại bao gồm đầy đủ trọn vẹn vô lượng vô biên diệu dụng. Từ trong một âm của Phật lại vang ra vô lượng âm, nói trọn vẹn hết thảy pháp khác nhau với ngôn ngữ và âm thanh khác nhau để phổ độ vô lượng vô biên các loài chúng sanh, khiến cho bất cứ loài chúng sanh nào nghe được âm thanh ấy đều được hiểu, tâm được khai ngộ giải thoát.
Khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, Ngài cũng dùng âm thanh để làm Phật sự. Phật sự của Thế Tôn trong suốt bốn mươi chín năm đều chỉ là giảng kinh, nói pháp, giáo hóa chúng sanh, giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Do đó, nếu ai biết dùng âm thanh phát ra từ Tự tánh của mình để chuyển đưa giáo pháp của Như Lai đến khắp mọi chúng sanh, thì âm thanh của người ấy còn vượt hơn hết thảy mọi thứ âm thanh thế gian, dù Phạm âm hay Hải Triều âm cũng chẳng thể nào sánh bằng âm thanh ấy. Vì thế, A Di Đà Phật lúc còn tu nhân, mới phát ra lời nguyện Khéo Nói Pháp Yếu: “Lúc con làm Phật, sanh vào nước con, căn lành vô lượng, thu hoạch được vô biên biện tài vô ngại, khéo nói các pháp, thâm mật bí yếu, thuyết kinh hành đạo, tiếng như chuông ngân. Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác.”
Kinh Thuyết Mật Tích Kim Cang nói: “Phật có ba sự bí mật; đó là Thân mật, Ngữ mật, Ý mật. Tất cả chư thiên, loài người đều không hiểu, không biết.” Nghĩa ấy là gì? Ngay trong một hội chúng, thế mà có người thấy thân Phật sắc hoàng kim, có người thấy thân Phật sắc bạch ngân, hoặc có người thấy thân Phật với các tạp sắc xen lẫn với nhau; cũng ngay trong cùng một hội chúng ấy, có người thấy thân Phật cao một trượng sáu thước, có người thấy Phật cao một dặm, mười dặm cho đến trăm ngàn vạn ức dặm, thậm chí có người thấy thân Phật cao lớn vô lượng vô biên che khắp cả hư không; đấy gọi là Thân mật của Phật. Lại nữa, ngay trong một hội chúng, thế mà có người nghe âm thanh của Phật tỏa xa một dặm, có người nghe tiếng Phật toả xa mười dặm cho đến trăm ngàn vạn ức vô số vô lượng khắp cả hư không; cũng ngay trong cùng một hội chúng ấy, có người nghe Phật đang thuyết về bố thí, có người nghe Phật đang thuyết về trì giới, có người nghe Phật đang thuyết về nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ v.v..., thậm chí có người nghe Phật cùng một lúc thuyết hết thảy mười hai bộ kinh, tám vạn bốn ngàn pháp tu. Vì sao lại có những sự kiện kỳ lạ như vậy? Vì mỗi mỗi sự kiện hiện ra ấy đều do tùy tâm của mỗi người nghe pháp mà nghe được các pháp họ muốn nghe; đấy gọi là Ngữ mật của Phật.
Nếu là đệ tử thuần thành của Phật độ thì ai ấy đều mong cầu đắc được âm thanh vi diệu thanh tịnh giống chư Phật để chuyển đưa giáo pháp của Phật đến khắp mọi chúng sanh. Nhưng phải làm sao để đắc được âm thanh này? Kinh Vô Lượng Thọ dạy ra bảy chữ: “Nội tâm thanh tịnh sạch trần lao.” Bảy chữ này ẩn chứa Bảy Bảo Bố Thí: Sắc bảo bố thí, Thanh bảo bố thí, Hương bảo bố thí, Vị bảo bố thí, Xúc bảo bố thí, Pháp Bảo Bố Thí và Phật bảo bố thí. Hễ ai buông xả bảy thứ Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp và cái thân phàm phu này ra khỏi tâm mình thì tự nhiên sẽ được “nội tâm thanh tịnh sạch trần lao.” Thế nhưng, chúng ta phải tu pháp nào mới có được nội tâm thanh tịnh sạch trần lao? Các kinh Tịnh độ đều dạy, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, liền dùng câu Phật hiệu để chuyển tất cả sáu trần ấy thành A Di Đà Phật, thì nội tâm sẽ thanh tịnh sạch trần lao. Khi nội tâm đã sạch hết thảy các thứ trần lao rồi, tự nhiên sẽ đắc được tiếng Phật thanh tịnh vang khắp vô biên cõi, tiếng Phật thanh tịnh ấy chính là Diệu Âm.
Trong hội Lăng Nghiêm, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát nói: “Trong ngũ căn, nhĩ căn của chúng sanh ở cõi Sa-bà là lanh lợi nhất.” Do vì nhĩ căn lanh lợi nên khi phàm phu lắng nghe âm thanh của duyên trần mà bị phiền não trói buộc, cũng do vì nhĩ căn lanh lợi nên khi phàm phu lắng nghe âm thanh của câu Phật hiệu mà được nội tâm thanh tịnh sạch trần lao. Tâm của Phật là bình đẳng, tâm của Bồ-tát là Lục Độ, tâm của Duyên giác là Nhân Duyên, tâm của Thanh văn là Tứ Đế, tâm của chúng sanh là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Phàm phu chúng ta có rất nhiều chướng ngại, những chướng ngại đó dù có đến vô lượng vô biên, nhưng đều có thể quy nạp lại thành hai thứ: Phiền não chướng và Sở tri chướng. Phiền não chướng là thị phi, nhân ngã, tham sân si mạn. Sở tri chướng là thành kiến, tức là ý kiến riêng tư. Đức Phật không khởi tâm động niệm nên không có thành kiến. Đức Phật chẳng duyên theo thinh trần nên tâm Phật thanh tịnh sạch trần lao, không có dính mắc những phiền não tham, sân, si, mạn. Kinh Kim Cang dạy chúng ta phải buông bỏ bốn tướng: nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng, cũng chính là bảo chúng ta phải buông bỏ thành kiến, thị phi, nhân ngã, tham sân, si, mạn. Hễ buông bỏ được những thứ ấy xuống, tâm liền ly cấu, ly nhiễm, tuyệt hẵn phiền não, nội tâm tịnh sạch trần lao, Như Lai tánh tự nhiên được khôi phục. Nói cách khác, chỉ khi nào nội tâm của chúng ta trở nên thanh tịnh sạch trần lao thì đức năng và trí tuệ sâu rộng vốn có sẵn trong Tự tánh mới có thể hiển lộ viên mãn, khi đó mới có thể đắc tiếng Phật thanh tịnh vang khắp vô biên cõi. Kinh Vô Lượng Thọ tỷ dụ tiếng Phật thanh tịnh phát ra từ Bồ-đề tâm như tiếng của Cây Bồ-đề nơi cõi Cực Lạc diễn ra pháp âm vô cùng vi diệu, chan hòa khắp các cõi nước Phật trong mười phương thế giới, tiếng pháp ấy mầu nhiệm thanh thoát, vi diệu hòa nhã, cao tột bậc nhất nên được gọi là Diệu Âm.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.12.88 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập