Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chí Tâm Tinh Tấn xuất sanh từ Tự Tánh Tam Bảo »»
Tỳ-kheo Pháp Tạng ở trước đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai và các đại chúng trong hàng trời người phát đại nguyện rằng: “Hiện tại, con vì muốn hướng dẫn các chúng Bồ-tát tu đạo Bồ-đề, nên con lấy sự giác ngộ chân chánh mà chí tâm phát nguyện thành Phật, xin nguyện tất cả tâm hành của con đều giống như Phật.” Tỳ-kheo Pháp Tạng còn nguyện rằng: “Lúc con thành Phật, quốc độ và Phật hiệu của con đều nổi tiếng khắp mười phương. Hết thảy hữu tình cho đến cả các loài giun trùng bò bay cựa động, hễ sanh vào cõi nước của con đều thành Bồ-tát.” Từ hai lời nguyện này, chúng ta nhận thấy, có hai yếu tố nổi bậc nhất trong lời phát nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng: Yếu tố thứ nhất là trong cõi nước của Ngài chẳng có thừa nào khác ngoài Bồ-tát thừa; yếu tố thứ hai là cõi nước của Ngài sẽ siêu việt vô số cõi Phật phương khác.
Phật Thế Gian Tự Tại Vương nghe lời phát nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng thù diệu như thế, liền đáp ứng lời thỉnh cầu và hiện ra hai trăm mười ức cõi Phật vi diệu cho Tỳ-kheo Pháp Tạng được thấy. Sau khi Tỳ-kheo Pháp Tạng thấy các cõi Phật độ này rồi, Ngài suy nghiệm tỏ tường, siêng gắng tu tập trong năm kiếp, rồi liền nhất tâm chọn lấy những điểm mình thích để kết thành những nguyện lớn thù thắng, nhằm nhiếp thọ cõi nước Cực Lạc vượt trội hơn cả hai trăm mười ức cõi Phật sát ấy. Như vậy, “chí tâm tinh tấn” chính là tâm hạnh chí thành vô thượng được nói trong Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh. Chí tâm cũng có nghĩa là nhất tâm, tức là chỉ có một tâm duy nhất, chẳng xen tạp với những thứ tâm khác. Tinh tấn chính là siêng năng gắng gỏi, cung kính, thận trọng gìn giữ, tu tập công đức trọn đầy viên mãn để thành tựu các hạnh trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh. Cũng do lời nguyện cầu của Ngài Pháp Tạng mà pháp môn Tịnh độ được mở ra. Tỳ-kheo Pháp Tạng chí tâm tinh tấn tu hành, chuyên chí dõng mãnh trang nghiêm cõi nước Cực Lạc vi diệu, mục đích chủ yếu là để mở ra Tha Lực môn, gồm thu năm thừa: Thiên nhân, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát và Phật thừa đồng quy về Biển Hải Nguyện Nhất thừa của Ngài.
Vì sao Tỳ-kheo Pháp Tạng phải mở ra Tha Lực môn? Bởi do trong năm kiếp quán chiếu, tư duy các chỗ thô và diệu của chúng sanh, Ngài thấy rằng, ngay cả các bậc thượng địa Bồ-tát cũng khó thể nhập thẳng vào pháp môn Không và Vô tướng, huống gì là phàm phu chúng sanh. Vì thế, Ngài mở ra Tha Lực môn nhằm giúp chúng sanh vào được thành Niết-bàn bằng cửa Vô tác, tức là nương vào tha lực Phật bằng câu Phật hiệu để nhập vào Biển Hải Nguyện Nhất thừa của Phật mà đạt đến cảnh giới Vô niệm, hay còn gọi là Vô nguyện, Nhất Tâm Bất Loạn, Niệm Phật tam muội v.v... Biển Hải Nguyện Nhất thừa ấy được Tỳ-kheo Pháp Tạng trình bày trước Phật Thế Gian Tự Tại Vương trong kinh này như sau: “Con vì đạo Bồ-tát, nay chí tâm phát Vô Thượng Chánh Giác, chọn nguyện làm Phật, ắt khiến như Phật, nguyện Phật vì con rộng nói kinh pháp, con sẽ phụng trì như pháp tu hành, cần khổ dứt trừ cội rễ sanh tử, chóng thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Muốn khiến cho con đến lúc thành Phật, trí huệ sáng suốt, chỗ ở cõi nước, danh từ giáo thọ, mười phương đều nghe. Chư thiên nhân dân, các loài giun trùng sanh về nước con đều làm Bồ-tát. Con lập nguyện này đều thù thắng hơn vô số cõi Phật, được không Thế Tôn?”
Tỳ-kheo Pháp Tạng dùng kệ tỏ bày thệ nguyện với Phật Thế Gian Tự Tại Vương rằng: “Con vì đạo Bồ-tát, nay chí tâm phát Vô Thượng Chánh Giác, chọn nguyện làm Phật,” đấy là bởi vì điều quan trọng để nhập đạo trước hết là phải phát Bồ-đề tâm, và sự cần gấp trong việc tu hành trước hết là phải lập thệ nguyện độ sanh. Vậy, lời nguyện này hàm chứa cả hai điều trọng yếu; đó là nguyện có trí tuệ và có tâm từ bi giống như Phật để độ sanh. Trí tuệ của Phật được biểu tượng bằng hình ảnh của Ngài Đại Thế Chí Bồ-tát, và tâm từ bi của Phật thì được biểu tượng bằng hình ảnh của Quán Thế Âm Bồ-tát. Hai vị Bồ-tát này đứng hai bên trái phải của Phật A Di Đà biểu tượng cho Chân tâm Bổn tánh của mỗi chúng sanh vốn có sẵn đầy đủ trí tuệ và tâm từ bi của Phật. Lúc Pháp Tạng hành Bồ-tát đạo, Ngài đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, tức là nguyện thành Phật, cũng chính là nguyện được thành tựu trí tuệ, lòng từ bi và hết thảy công đức đều giống như Phật. Ngài còn nguyện lúc Ngài thành Phật, cõi nước Tịnh độ do Ngài sáng lập ra sẽ vượt trỗi hơn vô số cõi Phật khác. Vì vậy, Ngài thỉnh đức Thế Tôn rộng nói kinh pháp, Ngài sẽ y giáo phụng trì, tu hành đúng y như pháp mà Phật dạy để vĩnh viễn lìa khỏi hết thảy gốc rễ sanh tử khổ đau, nhọc nhằn.
Muốn diệt trừ sanh tử khổ quả thì phải nhổ tận gốc rễ của nó. Rễ của sanh tử khổ đau chính là các hoặc: kiến tư, trần-sa và vô minh, nên khi các hoặc ấy được đoạn sạch thì cội rễ sanh tử sẽ được dứt trừ. Kiến tư hoặc là những thứ phiền não sanh ra do tâm chấp trước; nguồn gốc của kiến tư phiền não là vô minh tham, sân, si, ngã, mạn, nghi. Trần-sa hoặc là những phiền não sanh ra do tâm phân biệt. Thông thường những thứ phiền não này phát xuất từ bên ngoài, chẳng phải do tự nơi tâm mình tạo ra. Nhưng do vì tâm khởi sự phân biệt, không trụ ở trong Trung đạo nên để cho sự vật bên ngoài xoay chuyển tâm mình mà sanh ra các thứ phiền não. Vô minh còn gọi là si, chỉ cho sự u mê, không biết Tứ Diệu Đế và nguyên lý của nghiệp hay định luật nhân quả. Vô minh là nguyên nhân chánh yếu làm con người vướng trong luân hồi sanh tử. Vô minh là gốc rễ của mọi sự bất thiện trong thế gian và cũng là nguồn gốc sanh ra hết thảy các khổ. Vô minh là tình trạng tâm thức không thấy thật tướng của sự vật, cho ảo giác là sự thật. Vô minh sinh ái mà ái là yếu tố cơ bản gây ra sự tái sinh. Theo quan điểm của Đại thừa, vì vô minh mà từ tánh không thoát sinh ra hiện tượng làm cho người mê lầm, tưởng đó là sự thật, nên không thấy được Tự tánh của vạn hữu. Như thế, vô minh có hai khía cạnh: Một là nó che đậy chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh là: không, vô thường, vô ngã. Hai là nó xây dựng cái ảo ảnh, cái giả cảnh mà ta gọi đó là vọng tưởng. Hai mặt này cứ luôn luôn dựa vào nhau làm cho chúng ta thấy biết thế giới một cách sai lạc, không đích thật. Vô minh làm cho con người tưởng lầm thế giới có tự ngã, thường còn, không thay đổi, nhưng sự thật thế giới là vô thường, vô ngã.
Trước khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện đản sinh nơi đời uế trược thì đã có nhiều tôn giáo và triết học khác ở khắp mọi miền Ấn Độ và thế giới. Nhưng không có một tôn giáo nào có thể chỉ rõ được nguồn gốc của sanh tử và con đường để chấm dứt sanh tử. Vì sao? Vì tất cả tôn giáo và triết học khác từ xưa đến nay đều dùng vọng thức mà hướng ra ngoài để tìm cầu giải thoát; trong khi đó nguồn gốc của sanh tử chẳng phải ở bên ngoài mà chính là hiện hữu ở bên trong tâm mình. Nói cách khác, vọng thức chính là nguồn gốc của sanh tử. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn,” nghĩa là tri kiến mà qua lăng kính của vọng thức thì liền thấy biết sai lầm. Vì sao vậy? Vì vọng thức che lấp tâm tánh, khiến tâm tánh bị mê mờ nên nhận biết sai lầm. Cái thấy biết sai lầm đó chính là cái gốc của vô minh. Trong Thập Nhị Nhân Duyên thì vô minh đứng đầu làm riềng mối và then chốt cho vòng sanh tử của chúng sanh. Vì vậy, kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: Sở dĩ chúng sanh lưu chuyển trong sanh tử là bởi vì không biết mình có Chân tâm thường trụ Bản tánh tịnh minh, nên cứ hướng ra ngoài vơ lấy vọng thân, vọng tâm và vọng cảnh, rồi cho đó là mình. Do vậy, nếu chúng sanh muốn thoát khỏi sanh tử thì phải nhổ sạch tận gốc của vô minh, tức là chấm dứt hết thảy các sở niệm thuộc về vọng thức làm che mờ tâm tánh.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện trong đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, đó là chỉ cho chúng sanh con đường tỉnh giác mà nhận ra cái gì là vọng, cái gì là chân ngay nơi tâm tánh của chính mình. Do vậy nên mới có hai chữ “đạo Phật.” Đạo là con đường, Phật là giác ngộ, đạo Phật nghĩa là con đường giác ngộ. Không có một tôn giáo nào trong thế gian có thể giúp chúng ta vượt thoát sanh tử, bởi vì ngoài Phật giáo ra, không có một tôn giáo nào thật sự có thể chỉ ra “con đường giác ngộ, đoạn hết vô minh.” Chỉ có đạo Phật mới chỉ rõ cho chúng sanh thấy con đường giác ngộ, khi giác rồi thì không còn vô minh, vô minh đã tận thì sanh tử cũng ngừng. Bởi vậy, “giác ngộ” chính là sự khác biệt giữa đạo Phật và tất cả tôn giáo khác trên thế giới từ xưa tới nay. Vì thế, đối với những ai muốn tìm sự liễu thoát khổ đau của sanh tử thì phải tìm về đạo Phật chân chánh để tìm thấy con đường giác ngộ; tức là phải quy y Tam bảo, nói cho đầy đủ là quy y Tự tánh Tam bảo.
“Quy y” nghĩa là trở về nương tựa. Tự tánh là Chân tâm Bổn tánh Giác nơi chính mình. “Tam bảo” là Phật, Pháp, Tăng. Phật là giác mà chẳng mê, Pháp là chánh mà chẳng tà, Tăng là tịnh mà chẳng nhiễm. Tại sao chúng phải trở về nương tựa Chân tâm Bổn tánh: Giác, Chánh, Tịnh của chính mình? Bởi vì chúng ta từ vô thủy đến nay đều là theo vọng thức, hướng tâm ra bên ngoài chạy đua với trần cảnh, nên đánh mất đi Chân tâm Bổn tánh nơi mình. Vì thế, Phật dạy cho những ai muốn tỉnh giác, muốn đi trên con đường giác ngộ thì phải dừng chân lại, đừng theo vọng tâm mà chạy lạc ra bên ngoài nữa. Chẳng những thế mà còn phải xoay trở về với tâm tánh Phật nơi mình để phản tỉnh hồi đầu; làm như thế mới đúng với ý nghĩa “quy y Tự tánh Phật,” tức là trở về nương tựa Phật tánh nơi chính mình. Kỳ thật! Nếu có thể xoay trở về với Tự tánh giác nơi mình, thì không những là quy y Phật bảo, mà còn là quy y Pháp bảo và Tăng bảo nữa. Vì sao? Bởi vì Tự tánh vốn có đủ ba thứ bảo: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, nên gọi là Tự tánh Tam bảo. Nói cách khác, vì Phật, Pháp và Tăng là bất nhị, nên một khi đã quay trở với Tự tánh nơi mình rồi, thì tánh giác ấy hiển lộ tròn đầy Tam bảo, như Tâm kinh nói: “Không thêm cũng không bớt, không tăng cũng không giảm, không sạch cũng không dơ.”
Nay, đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết rõ nguồn gốc của sanh tử chính là vô minh vọng thức và con đường liễu thoát sanh tử là quy y Phật, Pháp, Tăng, thì chúng ta cứ thế mà làm. Quy y Phật, Pháp, Tăng không có nghĩa là cúng kiến, bái lạy, cầu xin; bởi vì Phật giáo không phải là thần giáo và Phật chẳng hề cần những thứ cúng dường này từ chúng sanh. Phật giáo là con đường giác tỉnh, là nền giáo học của Phật-đà cốt hầu xóa tan mây mù vọng thức cho chúng sanh, giúp họ trở về với tâm tánh Bồ-đề nơi chính mình. Ở đây chúng ta không có bác bỏ việc kính lễ chư Phật, nhưng khi làm việc đó thì chính mình phải có chánh kiến và hiểu đúng với lời Phật dạy về cách lễ kính như thế nào cho đúng pháp, chớ chẳng nên vì mê tín mà lập ra các nghi thức cúng kiến tài vật đủ thứ để mưu cầu phước báu thế gian. Những việc làm như vậy, thật sự là ngược lại với lời Phật dạy. Tỳ-kheo Pháp Tạng nói: “Ví như cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng vững mạnh cầu chánh giác” là có ý muốn dạy rằng: Một khi chúng ta có chánh giác bèn có thể xóa tan được đám mây mù vọng thức, khiến Bản tánh tròn sáng của Chân tâm tự chiếu soi. Tới lúc đó thì như kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn,” nghĩa là cái thấy biết của Tự tánh phản ảnh trung trực của Tâm tánh Bồ-đề với thực tại muôn đời, muôn nơi, không qua vọng thức lầm chấp của kiến tư hoặc. Muốn được thế thì chỉ còn một cách là thực hành pháp quán chiếu Bát-nhã của đạo Phật. Bởi vì đạo Phật là con đường đạo học chứ không phải là triết học, nên chúng ta không thể giác ngộ giải thoát bằng sự tìm tòi qua ống kính của vọng thức, mà phải là sự thực hành việc chấm dứt hết thảy các sở niệm của vọng thức thì mới có thể đánh tan được đám mây mù vô minh mà giác ngộ giải thoát.
Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện chóng thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, tức là nguyện mau đoạn sạch kiến tư, trần-sa và vô minh hoặc, vì sao? Bởi vì muốn thật sự được hưởng an vui như chư Phật thì phải dứt sạch hết các hoặc phiền não kiến tư, trần-sa và vô minh và nhổ tận cội rễ sanh tử khổ đau. Ngài còn nguyện rằng: Các loài chúng sanh sanh về nước của Ngài chẳng có Nhị thừa, chỉ toàn là Bồ-tát thuộc vào địa vị Bất Thoái, Nhất Sanh Bổ Xứ một đời thành Phật. Tất cả chúng sanh vãng sanh Cực Lạc đều sẽ thành Phật quả là Nhất thừa, chẳng có hai hay ba thừa gì cả. Vì vậy đại nguyện của Ngài Pháp Tạng chính thật là Nhất thừa Nguyện hải, tức là ba bậc vãng sanh Thượng, Trung và Hạ đều phải phát Bồ-đề tâm. Rõ ràng, Tỳ-kheo Pháp Tạng mong muốn mau chóng thành Phật với mục đích duy nhất chỉ là để chóng được độ hết thảy chúng sanh thành Phật. Do đó, cái nguyện “chóng thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác” của Tỳ-kheo Pháp Tạng chính là cái nguyện cho hết thảy các loài chúng sanh, chớ chẳng phải là cái nguyện cho riêng Ngài. Thật vậy, muốn độ sanh một cách viên mãn thì chính mình phải thành Phật, bởi vì chỉ có Phật mới có đủ năm thứ cần thiết để độ sanh, đó là: trí huệ, quang minh, quốc độ mình ở, giáo thọ và danh hiệu.
Khác với các nguyện của chư Phật lúc còn tu nhân địa, Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện các điều cần thiết để Ngài độ sanh đều nổi tiếng vượt trổi khắp cả chư Phật mười phương. Ðây chính là căn bản của các nguyện: “Được chư Phật xưng tán,” “Mười niệm tất vãng sanh” và “Nghe danh phát tâm” trong Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của đức Phật A Di Đà mà chúng ta chẳng thấy nơi các chư Phật khác. Nói cách khác, nếu muốn khiến cho mười phương chúng sanh nghe danh hiệu Phật, liền phát được tâm Bồ-đề, một dạ chuyên niệm, thậm chí chỉ có mười niệm cũng đều được vãng sanh, và nếu muốn cho chúng sanh mau đắc độ và giải thoát, thì trước hết phải làm sao khiến cho chúng sanh nghe được danh hiệu “A Di Đà Phật” mà sanh lòng hoan hỷ, tin vui. Do vậy, Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện rằng: “Lúc con thành Phật thì quang minh, trí huệ, cõi nước thù diệu siêu thắng, công đức và danh hiệu của con đều vang dội khắp mười phương. Nhờ vào công đức này, chúng sanh mới có thể nghe biết được danh hiệu con mà sanh lòng tin vui, phát tâm nguyện được vãng sanh Cực Lạc. Một khi chúng sanh được vãng sanh Cực Lạc rồi, liền được thọ giáo pháp của con, quyết định sẽ thành Phật.”
Sau khi nghe Phật Thế Gian Tự Tại Vương rộng nói kinh pháp, Tỳ-kheo Pháp Tạng y theo kinh giáo mà thực hành Bồ-tát đạo, chẳng dám nghi ngờ, chẳng chút trái phạm và cũng chẳng khởi vọng tưởng tăng giảm kinh pháp của Phật. Do đó, người nghe kinh pháp này của A Di Đà Phật thì dù ở trong bất cứ thời gian và không gian nào trong mười phương thế giới đều phải nên tin, nhận, tuân hành và hết lòng cung kính gìn giữ sự dạy dỗ và truyền thọ nghĩa lý của kinh pháp, chẳng nên sanh vọng tưởng mà cho là pháp Phật không có lực dụng trong tất cả các thời, các chỗ. Bởi vì pháp của Phật là “thường pháp” cho muôn đời nên ở phần cuối của các kinh thường ghi câu “tin nhận, phụng hành.” Chúng ta học Phật là để phát sanh trí tuệ, nhưng trí tuệ từ đâu mà có? Ở trong giai đoạn học Phật hiện tại của chúng ta, nguồn gốc của trí tuệ chỉ có được bằng một biện pháp là nghe kinh và niệm Phật, vì sao? Vì nghe kinh mà không niệm Phật, hoặc niệm Phật mà không nghe kinh, thì trí tuệ sẽ khai mở rất chậm. Nghe kinh cùng niệm Phật hợp lại thì trí tuệ mới mau chóng khai mở. Tỷ dụ, nếu chúng ta chỉ nghe kinh hoặc chỉ niệm Phật thì phải mất mười năm mới có thể khai mở trí tuệ. Trong khi đó, nếu chúng ta một mặt nghe kinh lại một mặt niệm Phật thì có thể khai mở trí tuệ trong vòng năm năm sớm hơn. Chúng ta phải nên biết, niệm Phật và nghe kinh đều là tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng và tâm giác ngộ, tức là định-huệ cùng tu một lúc. Nếu chúng ta có được một phần tâm thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ thì sẽ tiếp nhận được một phần gia trì của chư Phật, Bồ-tát, cứ thế mà tăng thượng tâm mình cho đến khi triệt khai triệt ngộ.
Muốn mau chóng khai ngộ, chúng ta cần phải dùng thái độ gì để đọc kinh, nghe pháp? Thứ nhất, chúng ta phải lìa tướng ngôn thuyết, nghĩa là khi chúng ta nghe kinh pháp, không nên chấp dính vào lời nói của người thuyết pháp. Thứ hai, là lìa tướng danh tự, tất cả những danh từ thuật ngữ trong kinh điển chỉ là công cụ để trao đổi ý kiến, không nên chấp vào nó một cách thái quá. Thứ ba, là lìa tướng tâm duyên, tức là nghe hiểu được thì hiểu, không hiểu được thì thôi, không cần phải suy nghĩ, tìm tòi câu trả lời. Vì sao? Vì suy nghĩ, tìm tòi là dùng tâm phân biệt để nhận biết xuyên qua lăng kính của vọng thức, chớ chẳng phải là dùng Chân tâm, nên càng suy nghĩ, tìm tòi càng tăng trưởng vọng tưởng, càng xa rời chân thật nghĩa của Phật. Sự hiểu biết kinh pháp phải từ Chân tâm bộc lộ ra; khi trong Chân tâm của chúng ta không có khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước, tức là không xuyên qua lăng kính của vọng thức, thì tự nhiên chúng ta sẽ hiểu được hoàn toàn chân thật nghĩa của Như Lai. Lại nữa, nếu tâm mình rỗng lặng, không khởi tâm động niệm, chỉ chú trọng vào văn tự Bát-nhã trong kinh mà không tác ý thì tự mình sẽ nhận được Vô tác Diệu lực của chư Phật, Bồ-tát gia trì làm cho trí huệ trong Tự tánh bổng dưng phát sanh mà hiểu được chân thật nghĩa trong kinh. Vì thế trong bài kệ khai kinh mới có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa.” Như Lai chân thật nghĩa là gì? Là không có nghĩa gì cả! “Như Lai chân thật nghĩa” chính là cái tâm rỗng lặng, không có dấu vết, cũng chính là Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ, nên tâm ấy và tâm Phật là một tâm, không hai không khác; đó mới chính thực là nghĩa chân thật của Như Lai, đó cũng chính là Tự tánh Tam bảo thường luôn hiện hữu trong tâm của từng mỗi chúng sanh.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.122.140 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập