Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Suối ao công đức »»
Cõi nước Cực Lạc vi diệu, trang nghiêm vượt xa hết thảy các cõi Phật phương khác. Cây báu, ao sen đầy khắp cõi Phật. Nước trong mỗi ao đều do bảy báu hợp thành, thơm tho trong suốt, đủ tám công đức. Khi nước ma-ni ấy chảy rót vào hoa, lên xuống theo thân hoa, phát ra âm thanh diễn nói pháp vi diệu nhiệm mầu, khiến cho người nghe đặng âm thanh ấy, thiện căn được thuần thục. Nói về tướng riêng biệt, hình dáng, kích thước và độ sâu cạn của mỗi ao đều chẳng có kích thước nào nhất định cả. Ao hiện ra các kích thước nhỏ lớn từ mười do tuần cho đến trăm ngàn do tuần đều để thích ứng với từng căn cơ của chúng sanh trong cõi ấy. Tuy các ao có kích thước sai biệt, nhưng hình thể vẫn tương xứng với nhau, nên mỗi chúng sanh đều thấy hình sắc của các ao và tánh đức của nước trong ao giống hệt nhau.
Cớ sao nước nơi cõi này cũng mát mẻ, cũng có đặc tánh nhuần thấm có thể dùng để tắm gội, rửa sạch các bẩn nhơ nơi thân, nhưng chẳng thể gọi là nước công đức? Bởi vì nước trong cõi này có thể bị biến hóa theo điều kiện môi trường; chẳng hạn nước bị mặt trời chiếu rọi bèn nóng lên, nước bị đun nóng trên lửa bị sôi sùng sục, bốc hơi, nước gặp lạnh bị biến thành băng v.v...; còn nước trong Tây Phương dẫu bị mặt trời nung rọi vẫn mát mẻ, dẫu đặt trên lửa đun tới độ nóng bao nhiêu đi nữa vẫn mát mẻ, chẳng bốc hơi. Thậm chí, dù cho Kiếp Hỏa có thể thiêu rụi cả thế giới vẫn không thể nung nóng nước trong cõi Cực Lạc, nước ấy vẫn thường luôn mát mẻ. Lại nữa, nước trong cõi này có thể rửa sạch các thứ nhơ bẩn nơi thân, nhưng chẳng thể tẩy sạch các thứ nhơ bẩn nơi tâm. Nước trong cõi Cực Lạc biến hóa không lường, biết tùy theo căn tánh của chúng sanh mà thuyết pháp độ sanh, khiến thần thức khai mở, ngũ căn ngũ lực tăng trưởng, tập khí phiền não trần lao không còn dẩy khởi v.v…., nên nước ấy gọi là nước công đức. Nước nơi cõi Cực Lạc có vô lượng vô biên công đức, nhưng ở đây kinh chỉ nêu lên tám công đức cụ thể, đó là: lặng sạch, trong mát, ngon ngọt, mềm mại, nhuần thấm, sáng bóng, an hòa, uống vào trừ được đói khát và vô lượng khổ sở, uống xong quyết định trưởng dưỡng các căn tứ đại và tăng ích các thứ thiện căn thù thắng.
· Tánh lặng sạch của nước nơi cõi Cực Lạc: Nước trong cõi Cực Lạc do bảy báu hóa hợp thành, nên lắng trong, tinh khiết, sạch sẽ, chẳng ô trược, chẳng xen tạp với những thứ khác. Nước trong thế giới này do hydrogen và oxygen kết hợp thành, thông thường trong nước còn có xen tạp phù sa, vi khuẩn và các hóa chất độc hại khác, nên chẳng thuần khiết, trong sạch. Nước trong cõi này tuyệt đối chẳng thể nào sánh bằng nước nơi cõi Cực Lạc, nhưng vì trong thế gian này chẳng có loại nước do bảy báu kết hợp thành lắng trong kỳ diệu như vậy, nên Phật đành phải dùng nước ở đây để sánh ví, giúp chúng ta mường tượng ra nước ở cõi kia, chớ thật ra nước nơi cõi Cực Lạc chẳng giống như nước trong thế gian này.
· Tánh trong mát của nước nơi cõi Cực Lạc: Nước bên Tây Phương Cực Lạc Thế Giới vĩnh viễn giữ được sự mát mẻ, chẳng quá lạnh cũng chẳng quá nóng. Tuy trong cùng một ao nước, thế mà mỗi người tắm trong ao cảm nhận độ nóng lạnh khác nhau tùy theo ý muốn của họ. Đây là điều vô cùng kỳ diệu và khó có, không giống như nước ở đây, hoặc rất lạnh vào mùa Đông, hoặc nóng hổi vào mùa Hè.
· Tánh ngon ngọt của nước nơi cõi Cực Lạc: Nước trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thảy đều ngọt ngào, ngon lành, trọn đủ vị tuyệt diệu. Người nào uống nước đó sẽ hết đói khát, các căn được tăng trưởng. Trong thế gian này, nước biển thì mặn, còn các thứ nước thông thường thì nhạt nhẽo.
· Tánh mểm mại của nước nơi cõi Cực Lạc: Nước trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới mềm mại, nhẹ nhàng, không chỉ có thể chảy xuống mà còn biết tùy ý thích của từng người mà chảy ngược lên trên, hoặc chảy ngang chảy dọc, điều này rất thú vị. Nước trong cõi chúng ta nặng nề, chỉ có thể chảy xuống, chẳng thể chảy ngược lên trên, hoặc chảy ngang chảy dọc.
· Tánh nhuần thấm sáng bóng của nước nơi cõi Cực Lạc: Nước trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới tươi nhuận, trơn láng, chẳng khô rít, giống như những loại mỹ phẩm dưỡng da tốt nhất hiện thời, càng tắm da dẻ càng tươi nhuận, trơn láng. Nước ở nơi đây có tác dụng ăn mòn làm cho da bị khô rít, nếu rửa mặt, tắm gội quá nhiều, có thể khiến cho da dẻ bị tổn thương.
· Tánh an hòa của nước nơi cõi Cực Lạc: Nước trong thế gian này có lúc chảy xiết, dâng tràn trở thành thủy tai, lụt lội, rất nguy hiểm. Nước trong cõi Cực Lạc chẳng có hiện tượng này, nước nơi cõi ấy an tĩnh, hòa hoãn, chẳng chảy xiết, không dâng tràn. Hơn nữa, nước nơi ấy còn biết tùy thuận ý thích của chúng sanh mà chảy lên, chảy xuống, chảy ngang, chảy dọc, hoặc ngừng lại một chỗ thì làm gì có những hiện tượng thủy tai, lụt lội hay chết chìm.
· Tánh trừ được đói khát và vô lượng khổ sở của nước nơi cõi Cực Lạc: Nước trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới có sức thù thắng, chẳng những chỉ trừ khát mà kiêm cả chữa đói. Người cõi ấy có thể khỏi ăn gì hết chỉ cần uống nước trừ cơm mà vẫn có đầy đủ chất dinh dưỡng dồi dào. Người cõi này không ăn sẽ phải đói chết, còn người trong cõi Cực Lạc chẳng phải là từ bé dần dần trưởng thành, họ có cái thân là thanh hư, cái thể là vô cực, vĩnh viễn bất hoại, há cần đến ăn uống hay sao? Nhưng cớ sao, ở đây kinh lại nói đến chuyện đói khát? Đói khát ở đây là ám chỉ thiếu thể lực. Nước nơi cõi Cực Lạc giúp nhân dân trong cõi ấy tăng trưởng sức mạnh có thể phi hành khắp mười phương, trên cúng chư Phật, dưới hóa độ chúng sanh.
· Tánh trưởng dưỡng các căn tứ đại và tăng ích các thứ thiện căn của nước nơi cõi Cực Lạc: Nước trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới tăng trưởng, nuôi nấng thân tâm từ trong đến ngoài. Nhìn bề ngoài, câu này dường như là nói về sắc thân, trên thực tế chẳng phải nói đến sắc thân, vì sao? Vì căn thân của Bồ-tát cõi Cực Lạc chẳng có nhu cầu phải được bù đắp bằng những chất dinh dưỡng bị hao hụt do các hoạt động như người thế gian. Câu “tăng trưởng, nuôi nấng thân tâm” ở đây có nghĩa là tăng trưởng năng lực nơi căn tánh của sáu căn. Do vì người đới nghiệp vãng sanh chưa đủ năng lực đoạn hoặc, chứng chân, nên công đức của nước nơi ấy giúp họ đoạn phiền não, phá vô minh, khai phát công đức trong Tự tánh.
Chẳng những nước nơi cõi Cực Lạc tỏa ra hương thơm mà hết thảy cây báu bên bờ ao, dòng suối, từ thân cây, cành lá cho đến hoa quả đều tỏa ra muôn ngàn mùi hương thơm ngát. Cây, lá, hoa và trái ấy lại còn phóng ra quang minh chiếu diệu; đó là vì các cây báu ấy đều do vô lượng các thứ hương báu hợp thành. Các rừng cây báu bên bờ ao, dòng suối đều có cành to khỏe, lá xum xuê, vươn dài ra khắp không gian, chạm ngọn vào nhau, soi bóng xuống mặt ao. Các rừng cây cũng tỏa ra các thứ diệu hương, chẳng phải là thứ hương thế gian có nổi. Các mùi thơm ngào ngạt lại nương theo gió bay và dòng nước chảy lan tỏa khắp nơi trong Thế giới Cực Lạc, cho đến chúng sanh hữu duyên trong mười phương cõi khác cũng có thể ngửi được mùi hương lạ này. Nếu ai ngửi đặng hương thơm trang nghiêm này đều được thân tâm nhu nguyến, thanh tịnh, phát tâm Bồ-đề, thích tu Phật hạnh. Đó là điềm ứng hiện tốt lành do kết quả của Nguyện 43: “Hương báu xông khắp” của Phật A Di Đà.
Người tu học chân thành, tụng kinh, nghe Pháp, niệm Phật được tâm thư thái thanh tịnh, không cấu nhiễm thường gặp được điềm ứng hiện tốt lành là ngửi được mùi hương thơm kỳ lạ từ cõi Cực Lạc. Chúng ta phải biết, cảnh giới ấy chẳng thể do tâm vọng tưởng, mong muốn, tham cầu mà được; cho nên, lúc người hữu duyên ngửi được mùi hương thơm ấy, chớ nên khởi tâm động niệm, suy tưởng này nọ; bởi vì một khi tâm khởi lên ý niệm thì mùi hương ấy bèn biến mất đi. Nói cách khác, mùi hương ấy chỉ có thể ngửi thấy bằng tâm thư thái thanh tịnh, chớ chẳng thể ngửi bằng khứu giác bình thường. Nếu trong tâm thường mong tưởng, muốn ngửi thấy mùi hương xông ra từ cõi Cực Lạc, thì dù có ngửi thấy, e rằng mùi hương ấy chỉ là do từ tâm mong cầu, tưởng tượng của mình hiện ra mà thôi, chớ chẳng phải là hương thơm trang nghiêm tỏa ra từ Tây Phương Cực Lạc. Nếu người học Phật khởi tâm mê hoặc, điên đảo, vọng cầu này nọ mà yêu ma quỷ quái biết được, chúng sẽ bỡn cợt, lừa gạt chúng ta. Chúng có thể đốt hương cho chúng ta ngửi thấy, chớ mùi hương ấy chẳng phải là từ Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Chỉ khi nào chúng ta vô tâm mà ngửi thấy mùi hương thì mùi hương ấy mới thật sự là điềm ứng hiện tốt lành, là cảm ứng đạo giao với Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Nhưng chúng ta phải biết, tướng tốt lành này chẳng thể có nhiều được, thỉnh thoảng khi chúng ta thật sự vô tâm, thật sự thanh tịnh mới ngửi đặng. Nếu chúng ta lúc nào cũng ngửi thấy mùi hương thơm thì đó là hiện tượng bị ma dựa, chúng ta phải cảnh giác điều này.
Phật pháp dạy chúng ta dùng tâm bình thường tu tâm thanh tịnh, nhằm tăng trưởng giới, định, huệ. Ngược lại, ma pháp lại dạy chúng ta những chuyện phi thường, lạ lùng, kỳ quái nhằm dụ dỗ, mê hoặc, khiến chúng ta tăng trưởng tham, sân, si. Cho nên, người học Phật chân chánh dẫu trông thấy hiện tượng Phật hiện ra, dẫu ngửi được mùi hương lạ, vẫn xem như là chẳng hề có những chuyện ấy xảy ra, thì mới đúng là tâm cảnh được nói trong kinh Kim Cang: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng.”
Thông thường, những sự cảm ứng tốt lành ấy hiện ra trong ba thời kỳ tu hành:
· Thời kỳ thứ nhất, khi chúng ta mới bắt đầu học Phật, mới phát lòng ưa thích Phật pháp nhưng chưa thật sự tin tưởng Phật pháp cho lắm, còn nữa tin nữa ngờ, nhưng do có duyên với Phật, Bồ-tát, nên các Ngài hiện tướng lành ấy để giúp cho chúng ta dấy lên lòng tin tưởng, hoan hỷ phát tâm tu hành. Sau khi đã thật sự tin tưởng, những tướng lành ấy từ đó trở đi chẳng còn nữa.
· Thời kỳ thứ hai, khi chúng ta tu hành đạt công phu đến mức độ khá tốt nào đó, cũng ngửi được mùi thơm. Lần này Phật, Bồ-tát sát hạch chúng ta, xem thử chúng ta có phản ứng gì khi ngửi thấy được mùi thơm ấy? Nếu chúng ta ngửi được mùi thơm bèn khởi tâm động niệm thì đó là hỏng rồi, là thi rớt rồi. Giống như học trò đi thi trắc nghiệm, nếu không làm bài đúng với chương trình giáo học là thi rớt. Phật dạy chúng ta: “Quán pháp như hóa, tam muội thường tịch,” “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng,” v.v… Nay, chúng ta vừa ngửi thấy mùi thơm bèn khởi tâm động niệm, thì đó là thi rớt rồi, chớ chẳng phải là điềm ứng hiện tốt lành. Bất cứ trong cảnh giới nào, mỗi lúc chúng ta khởi tâm động niệm khi tiếp xúc với trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), đều là thi rớt, đều là hỏng bét, chớ chẳng phải là điềm ứng hiện tốt lành. Ngược lại, dù bản thân ta đang đối diện với cảnh địa ngục mà trong tâm vẫn an định, một niệm không sanh, thì đó lại là điềm ứng hiện tốt lành. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói, nếu có một người tọa thiền đạt được tâm thanh tịnh, bổng thấy chư Phật, Bồ tát hiện ra chặt cả bầu trời, trong tâm người ấy vừa nghĩ thầm là mình đã chứng đắc, liền bị lọt vào lưới ma. Người tu hành đạt được công phu nào đó, có thể thấy chư Phật, Bồ-tát hiện thân để sát hạch họ, xem họ có khởi tâm động niệm trước các tướng lành đó không? ma cũng có thể hiện tướng lành để gạt gẫm, tưởng lầm là đã chứng đắc, đã tu hành thành tựu, khiến trong tâm khởi sanh các thứ vọng tưởng tham, sân, si, mạn v.v… Thế là hỏng cuộc rồi!
· Thời kỳ thứ ba, lúc lâm chung, người ấy niệm Phật với tâm địa thanh tịnh, bèn thấy Phật, Bồ-tát hiện thân rõ ràng ở ngay trước mặt để tiếp dẫn, họ ngửi thấy mùi thơm và quang minh phóng ta từ Phật, Bồ-tát v.v…. Những gì họ thấy được cũng giống như những gì đã được thuật lại trong kinh Vô Lượng Thọ. Sau khi được thấy các tướng lành, người ấy tuyên bố với đại chúng: “Tôi đã thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Xin chào tạm biệt quí vị, tôi đi đây,” rồi họ an nhiên ra đi để lại thoại tướng tốt đẹp để chứng tín. Thậm chí có khi những người đang hiện diện cũng đồng thời trông thấy các tướng lành và cảm ứng đặc biệt mạnh mẽ ấy. Chúng ta phải biết, người ấy chắc chắn vãng sanh Cực Lạc ở địa vị Thượng Phẩm Thượng Sanh.
Đại khái, người trung hạ phẩm vãng sanh, nhất là hạ bối vãng sanh, lúc lâm chung tuy cũng thấy Phật, tuy cũng ngửi thấy mùi hương, nhưng họ chẳng thể nói ra. Dù họ rất muốn nói cho chúng ta biết là Phật đến tiếp dẫn họ, nhưng chẳng có sức lực để nói, một tiếng cũng không nói ra được. Những người như thế cũng vãng sanh, nhưng chúng ta không có chứng cớ thật sự để chắc chắn là họ đã được vãng sanh. Những tướng lành như thân thể mềm mại, sắc mặt hồng hào v.v… chưa phải là chứng cớ đầy đủ để sát định việc vãng sanh, vì sao? Vì người sanh vào cõi phước báo trời người sau khi ra đi cũng để lại thoại tướng tốt đẹp giống như vậy. Những thoại tướng ấy chỉ có thể cho chúng ta biết là người ấy được sanh vào cõi phước báo, không bị đọa trong ba ác đạo, chớ không thể chứng thực là người ấy vãng sanh Cực Lạc. Chỉ khi nào người ấy thấy Phật A Di hiện ra tiếp dẫn và thuật lại cho chúng ta biết, thì chúng ta mới biết thật sự, còn những sự dự đoán của chúng ta đều là không có chứng cớ.
Điều trọng yếu bậc nhất để vãng sanh là ý niệm phải kiên quyết cầu sanh Tịnh độ, có tín tâm kiên định, tin Phật quyết định chẳng dối gạt chúng ta, chẳng mảy may hoài nghi. Nếu đã có tín và nguyện lúc nào cũng kiên cố vững chắc như núi Tu Di, không mảy may nghi ngờ thay đổi, tám gió thổi cũng chẳng động, thì lúc bình thường phải nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật. Hạnh là niệm Phật, niệm Phật đúng như lời Phật dạy: ““Tùy ý tu tập, tự do hành đạo, thảy đều hoan hỷ.” Nghĩa ấy là gì? Hễ niệm mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ khỏe khoắn xong bèn niệm tiếp. Nếu có việc gì cần phải làm thì buông câu Phật hiệu xuống, chuyên tâm làm việc ấy, làm xong việc lại niệm tiếp. Nếu công chuyện là việc lao động tay chân nhẹ nhàng, chẳng đòi hỏi phải chú tâm suy nghĩ, thì có thể vừa làm việc vừa niệm Phật. Nếu công chuyện đòi hỏi sự tập trung, chú ý và suy nghĩ thì ngàn vạn phần chớ nên vừa làm việc vừa niệm Phật, đó là sai mất rồi, đó là xen tạp. Vừa làm việc vừa niệm Phật kiểu ấy rất dễ bị loạn tâm, rất nguy hiểm, chẳng có kết quả tốt đẹp. Vừa niệm Phật lại vừa suy nghĩ đến công chuyện, xen tạp công chuyện vào câu Phật hiệu, chẳng những niệm Phật không được trọn vẹn mà công chuyện cũng chẳng làm được tốt đẹp, hai đằng đều lỡ làng. Hơn nữa, vó những công việc lao động tay chân nặng nhọc vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi phải chú tâm, nếu không chú tâm sẽ gây tai nạn rất nguy hiểm. Tỷ dụ, nếu chúng ta đang làm công việc xây cất ở trên nóc của một tầng lầu cao, nếu không quan tâm, chú ý đến công việc và sự an toàn, có thể trợt chân té xuống mà chết, lúc ấy hỏng bét rồi! Nếu người ta đăng trên báo chí là có người niệm Phật cầu vãng sanh té lầu chết phanh thây thì càng hỏng bét hơn nữa. Ai nghe nói đến pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh cũng phải tránh xa. Những điều căn bản như vậy, mỗi người chúng ta đều có khả năng suy nghĩ mà nhận ra lẽ thật, không có điều gì là nhất định cả; cho nên Đức Phật mới bảo chúng ta phải biết tùy ý tu tập, phải biết tự do hành đạo để được mọi sự hoan hỷ trong Phật pháp, chẳng nên học Phật theo kiểu “y văn bất y nghĩa,” khiến cho ba đời chư Phật cũng phải kêu oan.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.181.181 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập