Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tham luận cho GĐPT »» Xem đối chiếu Anh Việt: Theo dấu chân xưa »»
Kính bạch Chư Tôn Đức trong Hội đồng Chứng minh.
Kính thưa quý vị trưởng bối trong Hội luận đoàn.
Kính thưa quý anh chị em Huynh trưởng và toàn thể quý vị quan khách.
Tham luận này, đúng như tên gọi của nó, sẽ không đề cập đến điều gì mới mẻ hơn là những lời dạy từ xa xưa của Đấng Từ Phụ. Mặc dù vậy, những gì nêu ra sẽ được nhận thức và trình bày theo cảm nhận chủ quan của bản thân người viết, nghĩa là dựa trên những trải nghiệm thực tế hiện nay chứ không chỉ là sự lặp lại hoàn toàn theo khuôn thước cũ. Trên tinh thần đó, người viết sẽ đề cập đến một số phẩm tính cần thiết của người dẫn dắt GĐPT và sau đó là gợi ý một vài phương hướng trong việc hoàn thiện hoạt động của GĐPT.
I. NGỌN ĐUỐC SOI ĐƯỜNG
Đức Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.” Tuy vậy, trong thực tế không phải tất cả mọi người đều có đủ trí tuệ để thắp lên ngọn đuốc soi đường cho chính mình. Vì thế, trong hầu hết mọi trường hợp thì chúng ta luôn cần đến những ngọn đuốc soi đường từ các bậc thiện tri thức. Ngay từ thời Phật còn tại thế, chính bản thân ngài cũng là một ngọn đuốc soi đường vĩ đại cho tất cả Thánh chúng đệ tử cũng như biết bao nhiêu người khác noi theo. Và trong suốt hơn 25 thế kỷ qua, bằng vào những chất liệu quý giá có được từ lời dạy của Ngài, nhiều ngọn đuốc tiếp nối cũng đã được các bậc Thầy Tổ qua từng thời đại lần lượt thắp lên, soi sáng cho cả nhân loại này trên con đường tìm kiếm an vui, xa lìa đau khổ.
Từ thực tế đó, chúng ta hiểu được rằng, trên con đường tu học và hành trì Phật pháp, mặc dù yếu tố nỗ lực tự thân của mỗi người luôn được xem là quyết định, nhưng sự soi sáng và dẫn dắt của chư Tôn đức Tăng-già cũng như các bậc trưởng bối, huynh trưởng, thiện tri thức vẫn luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng.
Đối với thế hệ trẻ là những mầm non đang phát triển, rất nhiều phẩm tính tốt đẹp của các em chỉ vừa mới hình thành chưa thực sự vững vàng nhưng đồng thời cũng có không ít những ham muốn lệch lạc, những khát vọng mơ hồ bởi sự nhận thức chưa định hình đúng hướng, thì vai trò dẫn dắt của những bậc đàn anh đàn chị là vô cùng thiết yếu, có thể quyết định một phần lớn tương lai của các em.
Mặc dù vậy, dường như chúng ta đang vấp phải một sự “phản kháng” âm thầm nhưng rất đáng lo ngại khi khoảng cách giữa thế hệ trẻ và rất trẻ với các bậc đàn anh đàn chị đang ngày càng gia tăng. Số lượng các em về chùa ngày một giảm dần và sự quan tâm đến sinh hoạt GĐPT cũng suy giảm như một hệ quả. Nhiều nguyên nhân khác nhau đã được nêu ra, trong đó có cả những khác biệt về môi trường sống, về sự chuyển biến của thời đại và kể cả những khác biệt về văn hóa hay khoảng cách thế hệ... Tuy nhiên, cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì đây vẫn là một thực trạng không thể phủ nhận, chỉ cần quan sát các sinh hoạt hiện thời của hầu hết các GĐPT, chúng ta đều có thể nhận ra được thực trạng này. Và theo nhận định của riêng tôi thì đây không chỉ là vấn đề của các GĐPT ở hải ngoại, mà ngay cả thực trạng trong nước hiện thời cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự.
Thừa nhận thực trạng này không phải là một cách nhìn bi quan về thực tại, mà chính là sự khởi đầu cần thiết để xác lập những bước đi đúng hướng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Và chính từ thực tế khuynh hướng “lạnh nhạt” của thế hệ đàn em đang ngày càng gia tăng mà vai trò dẫn dắt của các bậc anh chị trưởng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nói cách khác, trong thực trạng hiện nay, nếu như mỗi một huynh trưởng không thắp lên được một ngọn đuốc soi đường cho chính bản thân mình và dẫn dắt các em, thì nguy cơ lệch lạc của cả một thế hệ đi sau sẽ là rất lớn. Rất nhiều các giá trị truyền thống về tâm linh, đạo đức và kể cả bản sắc dân tộc Việt sẽ có nhiều khả năng mai một hoặc biến dạng.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đánh mất niềm tin vào thế hệ trẻ, vào khả năng hướng thiện của tự thân các em. Nhưng chúng ta hoàn toàn không thể phủ nhận một thực tế là trách nhiệm của những người đi trước phần lớn nằm ở chỗ tạo ra một môi trường phát triển và trưởng thành tốt nhất cho các em. Điều này chúng ta đã may mắn nhận được từ thế hệ cha anh ngày trước, và do đó chúng ta cũng phải có một trách nhiệm tương tự đối với thế hệ trẻ hôm nay. Hơn bao giờ hết, việc thắp lên những ngọn đuốc soi đường vào thời điểm này là vô cùng quan trọng và cần thiết, cho chính tự thân mỗi người chúng ta cũng như cho thế hệ trẻ tiếp bước theo sau.
Nói cách khác, khi tự thân mỗi người chưa thực sự quay lại suy xét để tự giải quyết và hoàn thiện những vấn đề của chính mình, để thắp lên ngọn đuốc trí tuệ soi đường cho chính mình, thì mọi nỗ lực để làm thay đổi hoàn cảnh hay cải thiện thực trạng hiện nay sẽ không thể nào mang lại kết quả như mong muốn.
Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, Đức Phật dạy rằng: “Thường xét lỗi mình, không nói chỗ khiếm khuyết của người.” (Thường tỉnh kỷ quá, bất tụng bỉ đoản.) Chúng ta không thể mặc nhiên nhận về mình quyền dẫn dắt, dạy dỗ thế hệ trẻ khi chưa soi rọi lại chính bản thân mình để tự tu sửa và hoàn thiện. Nguyên lý giáo dục truyền thống của Phật giáo luôn nhấn mạnh ở sự thực hành hơn là lý thuyết, và do đó đối với hầu hết các bậc thầy chân chánh xưa nay thì hiệu quả thân giáo của các ngài luôn vượt xa so với sự dạy dỗ bằng lời nói. Không cần nói nhiều, nhưng chỉ bằng đức độ và phẩm hạnh tỏa sáng, một vị thầy có thể truyền trao rất nhiều những giá trị tâm linh và đạo đức cho hàng đệ tử. Ngược lại, một vị thầy cho dù uyên bác, thuyết giảng rất nhiều nhưng kém về phẩm hạnh thì sẽ không có khả năng trao truyền những điều tốt đẹp cho đệ tử. Danh xưng Hòa Thượng vốn được dịch nghĩa là “thân giáo sư”, tức là bậc thầy dạy dỗ bằng chính hành vi tự thân của mình. Điều này càng cho chúng ta thấy rõ hơn nữa ý nghĩa của việc tu dưỡng phẩm hạnh tự thân là quan trọng như thế nào.
Khi tu dưỡng tự thân, mỗi chúng ta sẽ trở thành một ngọn đuốc sáng, soi đường cho chính mình và cho người khác. Đây chính là ý nghĩa căn bản của nguyên tắc “tự giác giác tha” trong Phật giáo. Cái gọi là nguồn sáng, một khi không tự nó tỏa sáng thì không thể có khả năng soi sáng quanh nó, đó là lẽ tất nhiên. Chính vì vậy, Tuệ Trung Thượng Sĩ, bậc thầy của vua Trần Nhân Tông đã có lần dạy rằng: “Việc của chúng ta là xem lại chính mình, [điều mình mong muốn] không thể có được từ người khác.” (Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc.) Lời dạy này đến nay vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa thiết thực của nó.
Trên nguyên tắc, GĐPT là tập hợp của những người con Phật, những người có cùng một niềm tin, một lý tưởng, và hơn thế nữa còn là có chung một nguồn mạch, một huyết thống tâm linh. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập thì hai chữ “gia đình” đã được chọn làm một phần trong tên gọi của tổ chức. Trong ý nghĩa này, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình phải là mối quan hệ thân ái, yêu thương và hòa hợp, không thể là mối quan hệ dựa trên quyền uy hay thế lực. Do đó, sự dẫn dắt của các anh chị trưởng đối với thế hệ đàn em vừa là bổn phận và trách nhiệm, vừa là biểu hiện tất yếu của tình thương yêu. Và như vậy, sự tu dưỡng tự thân của mỗi người vừa mang ý nghĩa tự hoàn thiện để lợi lạc cho chính mình, vừa là điều kiện tất yếu để có thể thực hiện vai trò soi sáng và dẫn dắt thế hệ đàn em.
Nhìn trong bối cảnh rộng hơn thì GĐPT chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ là một tổ chức riêng lẻ. Từ khi thành lập đến nay, GĐPT luôn gắn bó và trưởng thành ngay trong lòng Đạo pháp, dưới sự soi sáng và dẫn dắt của chư Tôn Đức trong Tăng-già. Do vậy, mối quan hệ giữa GĐPT và Giáo Hội trước hết là mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ giữa người dẫn dắt và người được dẫn dắt. Trong quan hệ đó, chư tăng chính là những ngọn đuốc soi đường và dẫn dắt GĐPT trong sự tu tập và hành trì cũng như trong mọi sinh hoạt thường nhật. Và trong vai trò đó, phẩm hạnh cũng như đạo đức của mỗi một bậc thầy luôn là nguồn động lực thúc đẩy, nuôi dưỡng sự trưởng thành và hoàn thiện của GĐPT. Do ý nghĩa này, sự tu dưỡng của chư tăng luôn ảnh hưởng trực tiếp đến sự dẫn dắt GĐPT, bởi trước hết thì mỗi một vị thầy cũng đều đang trên đường tu tập, cũng là một thành phần của tứ chúng đồng tu trong Giáo pháp của đức Thế Tôn. Khi một vị thầy có nỗ lực tu tập để hoàn thiện phẩm hạnh và đạo đức của chính bản thân vị ấy, thành quả tốt đẹp này cũng sẽ ảnh hưởng tích cực đến những thành viên GĐPT đang sinh hoạt, tu tập dưới sự dẫn dắt của thầy. Một lần nữa, ý nghĩa tỏa sáng của những ngọn đuốc soi đường lại có thể được nhìn thấy ở đây.
II. PHẨM TÍNH CẦN THIẾT
Hãy nói một cách cụ thể hơn, những phẩm tính nào là cần thiết để duy trì và phát triển một tập thể? Ở đây, chính đức Phật đã nhiều lần đề cập đến những phẩm tính này. Đối với tập thể, có sáu nguyên tắc hay phẩm tính phải đạt được và gìn giữ để bảo đảm sự hoàn thiện và phát triển của tập thể đó. Sáu nguyên tắc hay phẩm tính này được gọi chung là Lục hòa kính. Mặc dù xưa nay Lục hòa kính vẫn thường được đề cập đến như những khuôn thước của Tăng-già, nhưng trong thực tế đây cũng là những khuôn thước vô cùng tốt đẹp và có thể được vận dụng trong mọi đoàn thể, ngay cả trong phạm vi những người cư sĩ tại gia. Do vậy, Lục hòa kính hoàn toàn có thể được vận dụng để hoàn thiện tổ chức GĐPT, để tạo ra môi trường sinh hoạt tốt đẹp và phát triển thuận lợi.
Trước hết, hai chữ “hòa kính” trong tên gọi nói lên yêu cầu chung của các nguyên tắc này, đó là hướng đến sự hòa hợp và tôn kính lẫn nhau. Trong một tập thể mà mọi người có thể sống chung hòa hợp và duy trì được sự kính trọng lẫn nhau thì chắc chắn là tập thể ấy đã có được nền tảng căn bản nhất để tồn tại và phát triển. Ngay từ khi thành lập Tăng đoàn, đức Phật cũng đã thường xuyên nhắc nhở chư tăng phải luôn biết sống trong tinh thần hòa kính này. Những chuyện kể về Lục quần tỳ-kheo vào thời Phật còn tại thế cho chúng ta biết được rằng chính vì họ không giữ theo tinh thần hòa kính trong Tăng đoàn nên mới thường xuyên phạm vào những điều sai trái, là nguyên nhân khiến đức Phật phải chế định rất nhiều điều giới.
Ba phẩm tính đầu tiên của Lục hòa kính đề cập đến ba phạm trù tổng quát là thân, khẩu, ý, bao gồm thân hòa cộng trú (身和共住), khẩu hòa vô tranh (口和無諍) và ý hòa đồng sự (意和同事). Nói theo cách dễ hiểu nhất, thân hòa cộng trú là cùng sống chung hòa hợp, khẩu hòa vô tranh là lời nói hòa hợp không tranh cãi, và ý hòa đồng sự là hòa hợp ý kiến để cùng nhau thực hiện công việc. Như vậy, với ba phẩm tính đầu tiên này, chúng ta đã có thể làm cho một tập thể trở nên hòa hợp và tránh xa được những sự tranh cãi, bất hòa, cùng thống nhất ý kiến trong những công việc chung của tập thể đó.
Nhìn chung, ba phẩm tính này có thể xem như là mục tiêu mong muốn đạt được của mọi đoàn thể. Nhưng làm thế nào để đạt được những mục tiêu tốt đẹp này? Hẳn nhiên không thể chỉ đơn giản đề ra là có thể đạt được, cho dù mỗi người chúng ta đều rất muốn như vậy. Vì thế, giáo pháp Lục hòa kính nêu lên ba nguyên tắc, có thể xem là những phương thức để đạt đến các mục tiêu trên. Những nguyên tắc này bao gồm giới hòa đồng tu (戒和同修), kiến hòa đồng giải (見和同解) và lợi hòa đồng quân (利和同均).
Giới hòa đồng tu nghĩa là cùng nhau tu tập trong tinh thần của giới luật, cùng nghiêm trì giới luật. Giới luật là chuẩn mực chung của mọi người con Phật, bất kể đó là hàng đệ tử xuất gia hay tại gia. Cư sĩ có giới luật của cư sĩ, đó là Năm giới. Chư tăng có giới luật của chư tăng, đó là Đại giới tỳ-kheo hay Cụ túc giới. Khi mọi người trong tập thể đều nghiêm giữ theo tinh thần giới luật giống như nhau, những hành vi, lời nói và ý tưởng xấu ác đều sẽ bị ngăn chặn, và những điều tốt đẹp đều có cơ hội được phát huy. Đây chính là môi trường lý tưởng để ba phẩm tính thân hòa cộng trú, khẩu hòa vô tranh và ý hòa đồng sự có thể phát triển dễ dàng.
Hơn thế nữa, những giới luật của hàng xuất gia và tại gia như vừa nhắc đến bên trên đều là những giới “tận hình thọ” (盡形壽), nghĩa là được phát nguyện thọ nhận suốt đời, không có thời điểm chấm dứt, trừ phi người thọ giới cảm thấy không thể thọ trì được nữa và xin xả giới. Vì thế, nguyên tắc giới hòa đồng tu có thể xem là một nguyên tắc quan trọng và có ý nghĩa lâu dài, bởi nó giúp thiết lập một nền tảng chung cho tất cả những người cùng phát nguyện thọ giới giống nhau. Dựa trên căn bản này, nếu bất kỳ thành viên nào trong tổ chức không thực sự nghiêm trì giới luật mà mình đã thọ nhận thì đó chính là đi ngược lại với nguyên tắc giới hòa đồng tu. Và thiếu đi yếu tố giới hòa đồng tu thì tất nhiên không thể phát huy được hiệu quả của Lục hòa kính như mong muốn.
Kiến hòa đồng giải có thể hiểu nôm na là sự chia sẻ tri thức giữa tất cả mọi người trong một tập thể. Tri thức là vốn quý được tích lũy và phát triển hoàn toàn khác biệt ở mỗi người. Sự chênh lệch tri thức thường có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến cảm giác xa lạ, ít gần gũi trong một tập thể, bởi những người thua kém thường mang mặc cảm, trong khi những người vượt trội thường có khuynh hướng phát triển sự cao ngạo. Chính vì vậy, nguyên tắc kiến hòa đồng giải giúp mọi người đến gần nhau hơn, xóa bỏ dần sự cách biệt và nhất là mang lại lợi ích chung cho tập thể. Theo các luận giải xưa thì kiến hòa đồng giải thường được hiểu là sự hòa hợp nhờ có chung một nền tảng tri kiến, đó là cách nhận thức về mọi vấn đề đúng thật như lời Phật dạy. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể hiểu sự hòa hợp về tri kiến ở đây như là sự chia sẻ và trao đổi, thảo luận một cách cởi mở để cùng nhau đạt đến một nền tảng hiểu biết chung, một nhận thức chung.
Lợi hòa đồng quân được hiểu là sự chia đều những lợi lạc có được, ở đây hàm ý những nguồn lợi về vật chất. Chúng ta đều biết, sự phân chia không đồng đều về lợi nhuận rất thường là nguyên nhân chính gây bất hòa và chia rẽ trong mọi tổ chức. Khi những thành viên trong tổ chức cảm thấy không hài lòng, cảm thấy mình bị đối xử bất công do không được phân chia lợi nhuận hợp lý, phản ứng của họ thường là sẽ dẫn đến sự chia rẽ, tan rã. Chính vì vậy mà ngay cả trong Tăng đoàn đức Phật cũng vẫn đề ra nguyên tắc này để ngăn chặn từ đầu nguyên nhân gây chia rẽ. Lợi hòa đồng quân hướng đến sự sống chung hòa hợp với tất cả nguồn lợi luôn được chia đều cho mọi thành viên trong tổ chức. Nguyên tắc này thể hiện sự bình đẳng và đối trị với tâm tham lam vốn có của mỗi người, nuôi dưỡng sự quan tâm chia sẻ cùng nhau trong cùng đoàn thể.
Với ba nguyên tắc giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân, mọi thành viên trong tổ chức sẽ cùng nhau tạo ra một môi trường tốt đẹp và lý tưởng để phát triển ba phẩm tính mong muốn là thân hòa cộng trú, khẩu hòa vô tranh và ý hòa đồng sự. Như vậy, sự kết hợp vận dụng Lục hòa kính chính là phương thức cụ thể và khả thi để giúp hoàn thiện và phát triển GĐPT. Bằng vào tính sáng tạo của các anh chị trưởng, chúng ta chắc chắn có thể vận dụng theo nhiều cách khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng Gia Đình. Bằng cách sử dụng Lục hòa kính như những nguyên tắc chủ đạo, mọi phương thức được vận dụng phù hợp với các nguyên tắc này chắc chắn đều sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp.
Ngoài ra, khi nhìn lại môi trường sinh hoạt trong mỗi một Gia Đình, dựa trên những tiêu chí của Lục hòa kính như vừa được nêu trên, chúng ta cũng có thể tìm ra được những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu hay hoạt động kém hiệu quả. Bởi vì, có thể nói hầu hết những nguyên nhân đó đều là do không phù hợp với các nguyên tắc Lục hòa kính.
Việc vận dụng Lục hòa kính sẽ tạo ra một môi trường hòa hợp và phát triển cho GĐPT. Tuy nhiên, yêu cầu dẫn dắt, hướng dẫn các em còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Vì vậy, chúng ta cần đề cập thêm đến những phẩm tính cần thiết mà người anh chị trưởng cần phải có để có thể thành công trong việc dẫn dắt các em. Các phẩm tính này thường được đức Phật nhắc đến trong nhiều kinh điển với tên gọi là Tứ nhiếp pháp, và thường được hiểu như là bốn phương pháp nhiếp phục lòng người. Nói một cách dễ hiểu hơn, đây là những phương pháp có thể giúp các anh chị trưởng đạt được sự đồng thuận, ủng hộ từ các em, để các em chấp nhận đi theo sự dẫn dắt của mình.
Tứ nhiếp pháp bao gồm bốn phạm trù là bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp.
Bố thí nên được hiểu theo nghĩa rộng là chia sẻ vô điều kiện những giá trị thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác. Những giá trị đó có thể là vật chất, nhưng cũng có thể là những giá trị thuộc về tinh thần hay tri thức. Vì vậy, trong Phật pháp thường nói đến các loại bố thí như tài thí (chia sẻ tài vật), pháp thí (chia sẻ hiểu biết về giáo pháp) và vô úy thí (tạo ra sự che chở, bảo vệ hoặc trấn an, giúp người khác không còn sợ sệt). Thực hiện một trong những sự chia sẻ, giúp đỡ này thì đều gọi chung là bố thí. Trong tâm lý giao tiếp thông thường, người nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ người khác luôn khởi sinh một ấn tượng, tình cảm tốt đẹp và gần gũi hơn với người đã giúp mình. Đây chính là ý nghĩa vận dụng thiết thực của bố thí nhiếp, nghĩa là sử dụng hành vi bố thí, chia sẻ như một phương tiện để thu phục lòng người.
Ái ngữ là sự tỉnh giác trong lời nói, ngôn từ, luôn chú ý chọn lựa cách diễn đạt hiền hòa, từ ái và thích hợp để không gây tổn thương cho người khác. Người thực hành ái ngữ dễ dàng chiếm được tình cảm từ người khác, bởi tâm lý rất thông thường là bất cứ ai cũng thích được nghe những lời hòa ái, êm dịu. Đây cũng chính là ái ngữ nhiếp trong ý nghĩa là sử dụng ái ngữ như một phương tiện thu phục lòng người.
Lợi hành có nghĩa là làm những việc mang lại lợi ích cho người khác, hay nói đơn giản hơn là những hành vi lợi tha. Khi sự có mặt của chúng ta trong một tập thể luôn mang lại lợi ích cho người khác bằng những nỗ lực hành vi thiết thực và cụ thể, thì việc người khác chấp nhận nghe theo sự dẫn dắt của chúng ta cũng là điều hợp lý và dễ hiểu. Trong ý nghĩa này, khi người anh chị trưởng luôn tâm niệm thực hiện lợi hành nhiếp, chắc chắn sẽ dễ dàng chiếm được tình cảm và sự đồng thuận từ các em.
Đồng sự có thể hiểu đơn giản là cùng nhau làm việc. Tuy nhiên, trong đồng sự nhiếp thì hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta sẽ chấp nhận cùng làm hết thảy mọi việc với các em, mà sự hợp tác, cùng làm chung này luôn phải có ý nghĩa dẫn dắt các em theo về con đường tiến bộ, hay nói khác hơn là một cách “đồng sự” có chọn lọc. Và trong một ý nghĩa khác, việc thực hành “đồng sự” chính là để giúp chúng ta gần gũi với các em hơn, thấu hiểu được những suy nghĩ và mong muốn của các em, từ đó mới có thể có sự hướng dẫn thích hợp. Một người hướng dẫn chỉ biết đưa ra những mệnh lệnh, chỉ dẫn về mặt lý thuyết mà không gần gũi, không chung tay thực hiện cùng các em thì không thể nào tạo ra được sự gắn bó tình cảm cũng như sự dẫn dắt có hiệu quả.
Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự là bốn phương thức được sử dụng để chinh phục lòng người, nhưng cũng chính là bốn pháp tu tập để hoàn thiện bản thân mình. Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng việc tu dưỡng tự thân luôn được xem là yếu tố quyết định trước khi có thể dẫn dắt người khác. Sự giáo dục bằng chính hành vi tự thân của mình, hay thân giáo, bao giờ cũng là phương thức hiệu quả nhất.
III. KẾT LUẬN
Sự thay đổi hoàn thiện của bất kỳ một tổ chức nào cũng đều phải bắt đầu từ nỗ lực vươn lên của mỗi một thành viên trong tổ chức ấy. Không một phép mầu nào có thể giúp chúng ta đạt được những thành quả mong muốn mà không cần đến sự chung tay xây dựng của tất cả mọi người. GĐPT trước hết là một tổ chức tập hợp của những người con Phật, những người đã sẵn có tâm nguyện đi theo con đường tu dưỡng và hướng thiện do đức Phật khai sáng. Đây là một ưu điểm rất lớn mà không một tổ chức, đoàn thể nào khác có được. Do đó, mọi nỗ lực kiện toàn hay thúc đẩy sinh hoạt của GĐPT đều không thể xa rời lời Phật dạy. Trong ý nghĩa đó, những phẩm tính và phương thức được đề cập đến trong tham luận này không nhằm vạch ra những bước đi hay biện pháp cụ thể cho từng GĐPT, nhưng có thể xem là những nguyên tắc chung vô cùng khái quát dựa trên lời Phật dạy. Vì thế, cho dù chúng ta có vận dụng bất kỳ giải pháp cụ thể nào cũng sẽ không đi ra ngoài những khuynh hướng đó. Một cách tổng quát, có thể tóm gọn thành các nguyên tắc chính sau đây.
Thứ nhất, nguyên tắc thân giáo đòi hỏi sự tu dưỡng tự thân của mỗi người là điểm khởi đầu trước nhất. Bất kỳ ai muốn đứng ra dẫn dắt người khác thì trước hết cũng đều phải tự tu dưỡng hoàn thiện bản thân mình. Trước khi làm một ngọn đuốc soi đường cho tha nhân, bản thân chúng ta phải có khả năng tự tỏa sáng để soi đường cho chính mình.
Thứ hai, nguyên tắc tự lợi lợi tha đòi hỏi bất kỳ giải pháp hay hành động nào cũng phải mang lại lợi lạc cho chính mình và lợi lạc cho tha nhân. Sự tu tập đúng hướng trong Phật pháp luôn mang lại lợi ích cho chính bản thân mình và người khác. Nếu một pháp tu nào mang lợi lạc cho người khác nhưng gây tổn hại đến bản thân người tu tập thì nhất thiết phải xem xét lại, vì đó không thể là Chánh pháp theo lời Phật dạy. Bởi vì mọi nỗ lực đúng Chánh pháp sẽ luôn luôn mang lại lợi ích cho chính bản thân mình và người khác.
Cuối cùng, cho dù những lời dạy của đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ, nhưng thực tế đã chứng minh Giáo pháp của ngài vẫn giữ nguyên tính chính xác và lợi lạc khi được vận dụng vào thời đại hiện nay. Dù vậy, để có thể thực sự phát huy được những lợi lạc từ lời dạy của đức Phật, chúng ta cũng cần phải biết vận dụng khéo léo sao cho phù hợp với những điều kiện thực tế của thời hiện đại. Nói cách khác, cho dù về mặt nguyên tắc thì Giáo pháp vẫn không thay đổi, nhưng trong sự thực hành vận dụng vào từng hoàn cảnh thực tế hiện nay, chúng ta nhất thiết phải cần đến tính sáng tạo và sự linh hoạt thích nghi. Nói theo thuật ngữ Phật giáo thì đây là nguyên tắc tùy duyên bất biến. Và chính nguyên tắc này sẽ giúp mỗi người chúng ta vận dụng khéo léo những lời Phật dạy vào trong từng trường hợp cụ thể, mang lại lợi ích cho chính bản thân ta và mọi người quanh ta.
Khi nêu ra những nguyên tắc như trên qua tham luận này, người viết mong rằng có thể đóng góp phần nào theo hướng tìm tòi và xây dựng nên những phương thức hoạt động mới từ những chất liệu xưa nhưng không cũ. Thực trạng và những vấn đề cần giải quyết của hôm nay quả thật không dễ dàng, nhưng tôi tin chắc rằng với niềm tin chân chánh và nỗ lực tu tập đúng hướng, các anh chị trưởng hiện nay sẽ tìm được những phương cách hoạt động thích hợp để duy trì và phát triển GĐPT. Mặt khác, mong rằng trên tinh thần tự giác giác tha, chư tăng trong Giáo Hội sẽ tiếp tục là những ngọn đuốc sáng soi đường dẫn dắt và luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho GĐPT.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.57.198 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập