Người đọc: Kiều Hạnh
Bản chất của tâm
Bệnh tật được chữa lành chủ yếu là do tâm chứ không phải do thân, cho nên việc hiểu biết về bản chất của tâm vô cùng quan trọng. Bản chất tự nhiên của tâm là thanh tịnh, trong ý nghĩa là nó không đồng nhất với những lỗi lầm của tâm, với những vọng tưởng rối rắm và chướng ngại. Tất cả các sai lầm của tâm ta – sự ích kỷ, vô minh, sân hận, tham đắm, tội lỗi và những tư tưởng rối rắm khác – đều chỉ là tạm thời, không thường hằng vĩnh cửu. Và vì nguyên nhân khổ đau của ta – những vọng tưởng rối rắm và chướng ngại – là tạm thời, nên khổ đau cũng là tạm thời.
Tâm cũng là rỗng không về mặt thực hữu, hay sự hiện hữu riêng biệt tự nó [không phụ thuộc vào gì khác bên ngoài]. Phẩm tính này của tâm còn được gọi là Phật tánh, cho phép chúng ta có khả năng tự mình giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau, kể cả bệnh tật, cùng với nguyên nhân của khổ đau và đồng thời đạt tới bất kỳ hạnh phúc nào mà chúng ta muốn, kể cả hạnh phúc tối thượng của sự giác ngộ. Vì tâm có trọn vẹn tiềm năng này nên chúng ta không cần phải cảm thấy tuyệt vọng chán nản. Chúng ta không mãi mãi gánh chịu các vấn đề bất ổn. Chúng ta có sự tự do kỳ diệu để phát triển tâm mình theo bất cứ cách nào mà chúng ta muốn. Vấn đề chỉ đơn giản là làm sao tìm ra cách thức đúng đắn để sử dụng tiềm năng này của tâm.
Thân và tâm là hai hiện tượng khác biệt. Tâm được xác định là phần sáng suốt và nhận biết các đối tượng. Giống như các hình chiếu xuất hiện trong một tấm gương, các đối tượng cũng hiện ra rõ ràng trong tâm, và tâm có khả năng nhận ra chúng. Thân là vật chất, còn tâm thì không hình tướng, không có màu sắc hay dạng thể. Thân bị tan rã sau khi chết, còn tâm thì tiếp nối từ đời này sang đời khác. Chúng ta thường nghe nói về những người ở phương Đông cũng như phương Tây có khả năng nhớ lại các kiếp trước hay thấy trước tương lai, không chỉ của bản thân họ mà cả của những người khác. Một số người có khả năng này do bẩm sinh, nhưng một số khác phát triển qua thiền định. Một số người có thể nhớ lại những kiếp sống cách đây hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn năm. Khi Lama Yeshe, người thầy của tôi trong nhiều năm, đến viếng các Kim tự tháp Ai Cập, ngài có thể nhớ lại rằng ngài đã từng sống ở đó trong một kiếp quá khứ.
Vấn đề ở đây là, dù cho nhiều người không tin có kiếp trước, kiếp sau, nhưng không ai thực sự chứng minh được rằng không có những kiếp sống đó. Trong khi đó, có nhiều người nhận biết là có các kiếp trước bởi họ nhớ lại rất rõ như thể chúng ta nhớ lại những việc mới làm hôm qua. Họ nhận biết rằng sự tái sanh là có thật bởi vì tâm của họ có khả năng thấy được những kiếp sống quá khứ và tương lai.
Kiến thức về bản chất của tâm là một chủ đề mênh mông hơn, quan trọng hơn nhiều so với kiến thức về bản chất của các hiện tượng bên ngoài tâm. Và nếu bạn không hiểu được bản chất của tâm thì bạn không có cách nào hiểu đúng được bản chất của các hiện tượng khác về cả hai phương diện tương đối (theo quy ước) và tuyệt đối. Và ngay cả trong phương diện thế tục, chỉ thông qua sự hiểu biết về tâm chúng ta mới có thể hiểu và xác định được chính xác các hiện tượng bên ngoài tâm hiện hữu như thế nào.
Một cách tổng quát, sự phát triển hiểu biết về tâm là giải pháp thực tiễn đối với các vấn đề bất ổn của chúng ta. Trước tiên chúng ta phải xác định nguồn gốc phát sinh các vấn đề, vì chỉ khi đó ta mới có khả năng chấm dứt được chúng và bảo đảm rằng chúng không phát sinh trở lại. Chúng ta cũng phải nhận biết các vấn đề bất ổn một cách toàn diện, vì nếu chỉ nhận biết một phần của chúng, thì khái niệm về sự giải thoát của ta sẽ bị giới hạn.
Điều trị tâm
Việc điều trị tâm là thiết yếu, vì nếu không thì các vấn đề bất ổn của chúng ta, vốn không có điểm khởi đầu, sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta có thể dùng thuốc hay các phương cách bên ngoài khác để chữa lành một căn bệnh nào đó, nhưng bệnh sẽ tái phát nếu chúng ta không điều trị tâm. Nếu không điều trị tâm thì luôn luôn có nguy cơ là ta sẽ lại tạo ra nguyên nhân của bệnh, chúng ta sẽ tái diễn các hành vi mà trước đây đã khiến cho cơ thể chúng ta bị đau ốm. Và rồi chúng ta sẽ bị cùng căn bệnh đó trong các kiếp sau, hay thậm chí ngay trong kiếp này.
Chữa bệnh bằng các phương cách ngoài tâm không phải là giải pháp tốt nhất vì nguyên nhân của bệnh không ở bên ngoài. Vi trùng, vi-rút hay ma quỉ... có thể tác động như các điều kiện bên ngoài (duyên) gây bệnh, nhưng bản thân căn bệnh không có nguyên nhân từ bên ngoài. Tuy nhiên, người phương Tây thường cho rằng các điều kiện bên ngoài gây ra một căn bệnh nào đó chính là nguyên nhân của bệnh. Nhưng nguyên nhân của bệnh không ở bên ngoài; nó ở trong tâm – hay cũng có thể nói nó chính là tâm. Bệnh tật gây ra bởi tâm ích kỷ, vô minh, sân hận, tham luyến, các phiền não khác, và bởi các hành vi bất thiện xuất phát từ các tâm niệm bất thiện này. Các tư tưởng và hành vi bất thiện của ta để lại dấu ấn tạo thành chủng tử trong tâm, và các chủng tử đó thể hiện ra thành bệnh hay các vấn đề bất ổn khác. Các chủng tử đó cũng tạo điều kiện cho các vọng tưởng và các hành vi bất thiện tiếp tục sinh khởi.
Một dấu hiệu thực thể cần phải có nguyên nhân vật thể, nhưng nguyên nhân vật thể lại sinh khởi từ nguyên nhân nội tại – tức là các chủng tử do các tư tưởng và hành vi bất thiện để lại trong tâm. Để hiểu về bệnh một cách đầy đủ, chúng ta phải hiểu được nguyên nhân nội tại này, vốn là nguyên nhân thực sự của bệnh tật và cũng tạo ra các điều kiện vật thể gây bệnh. Nếu chúng ta không đếm xỉa gì đến nguyên nhân nội tại của bệnh thì ta sẽ không thực sự chữa lành được bệnh. Chúng ta phải nghiên cứu sự phát triển của bệnh và nhận ra rằng nguyên nhân của bệnh là ở trong tâm. Một khi chúng ta nhận biết được như vậy, tự nhiên chúng ta hiểu được rằng việc chữa trị bệnh phải bắt đầu từ tâm.
Những gì tôi vừa giải thích không chỉ phù hợp với giáo lý đạo Phật mà còn phù hợp với cả những kinh nghiệm sống của chúng ta. Nghiên cứu cho thấy rằng sức khỏe của một người liên quan rất nhiều đến thái độ ứng xử hằng ngày và khả năng duy trì tâm tích cực. Lấy ví dụ, trong sách "The Uncommon Wisdom", tác giả Fritjof Capra đã phỏng vấn các bác sĩ và các nhà tâm lý học nổi tiếng về nguyên nhân của bệnh ung thư. Dựa vào các nghiên cứu, họ đã kết luận rằng, bệnh ung thư bắt nguồn từ các thái độ bi quan tiêu cực và nó có thể được chữa trị bằng việc phát triển các thái độ lạc quan tích cực. Quan điểm khoa học này đang tiến đến gần hơn với giáo lý Đức Phật.
Mỗi vấn đề bất ổn là một sự tạo tác cụ thể của tâm. Nếu nguyên nhân của một vấn đề bất ổn đang hiện hữu trong tâm, thì bất ổn đó chắc chắn sẽ thể hiện ra, trừ phi ta thanh tịnh hóa được nguyên nhân đó. Nếu nguyên nhân nội tại của một vấn đề bất ổn đang hiện hữu thì các điều kiện bên ngoài liên quan đến bất ổn đó cũng sẽ hiện hữu, vì chúng được tạo ra từ nguyên nhân nội tại. Nói cách khác, các chướng ngại bên ngoài bắt nguồn từ các chướng ngại bên trong. Ngay cả các điều kiện bên ngoài của một vấn đề bất ổn cũng được tạo ra bởi tâm ta. Các yếu tố bên ngoài trở thành điều kiện của một vấn đề bất ổn là vì có nguyên nhân nội tại trong tâm ta; nếu không có nguyên nhân nội tại thì dù các yếu tố bên ngoài đang hiện hữu, chúng cũng không thể trở thành các điều kiện gây bất ổn. Nếu không có các chướng ngại bên trong, sẽ không có các chướng ngại bên ngoài.
Lấy thí dụ về bệnh ung thư da. Người ta thường cho rằng nguyên nhân của bệnh này là do phơi trần tắm nắng quá lâu. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân chính là ánh nắng của mặt trời thì bất cứ ai tắm nắng cũng mắc phải bệnh này. Thực tế là không phải bất kỳ ai tắm nắng cũng bị bệnh, do đó ánh nắng mặt trời không phải là nguyên nhân chính. Phơi trần dưới nắng là một điều kiện gây bệnh ung thư da, nhưng đó không phải nguyên nhân chính của bệnh. Nguyên nhân chính của bệnh ung thư da là ở bên trong, không phải bên ngoài. Nguyên nhân chính là tâm. Đối với những ai có sẵn nguyên nhân ung thư da ở trong tâm thì việc phơi da trần dưới ánh nắng là điều kiện để ung thư da phát triển. Với những người không có nguyên nhân ung thư da ở trong tâm thì việc phơi trần lâu dưới ánh nắng sẽ không trở thành điều kiện cho bệnh đó phát sinh.
Như tôi đã nêu ở trước, nguồn gốc những bất ổn của chúng ta nằm ở trong tâm. Đó là những cách suy nghĩ không khéo léo. Chúng ta phải nhận biết [phân biệt] được những cách suy nghĩ đúng đắn, vốn mang lại hạnh phúc, và những cách suy nghĩ sai trái, vốn dẫn tới đau khổ. Có những cách suy nghĩ làm phát sinh vấn đề bất ổn, có những cách suy nghĩ khác không gây bất ổn. Nói cách khác, hạnh phúc hay khổ đau đều từ tâm ta mà ra. Tâm chúng ta tạo ra cuộc đời ta.
Thiền định là dược phẩm
Các dược phẩm bên ngoài có thể được dùng để chữa trị một căn bệnh thể xác; trong khi đó, dược phẩm bên trong cần được dùng để chữa trị nguyên nhân của bệnh và bảo đảm là bệnh không bao giờ tái phát.
Vậy dược phẩm bên trong là gì? Đó là thiền định. Thiền định là dùng tâm của mình, các thái độ sống tích cực của mình, để chữa trị cho chính mình. Và định nghĩa này không chỉ giới hạn trong việc chữa trị một bệnh nào đó, mà còn áp dụng rộng hơn, bao gồm việc điều trị tất cả mọi vấn đề bất ổn cùng với nguyên nhân của chúng. Bệnh tật và tất cả mọi vấn đề bất ổn khác đều được tạo ra bởi các chủng tử bất thiện đang tồn tại trong tâm, cho nên việc loại bỏ nguyên nhân của các bất ổn cũng phải được thực hiện từ tâm. "Thiền định" là tên gọi đơn giản của tất cả những gì mà chúng ta làm với tâm, và đó là cách chữa trị tốt nhất vì nó không gây ra phản ứng phụ.
Thiền định là chìa khóa chính để chữa trị đau khổ, vì đau khổ cũng như hạnh phúc đều do tâm mà ra. Thiền định là cách duy nhất để dập tắt nguyên nhân của đau khổ và tạo ra nguyên nhân của hạnh phúc. Các phương tiện bên ngoài không thể làm được như vậy. Chỉ nhờ vào tâm chúng ta mới làm được. Nếu chỉ dùng thuốc, hay chỉ dùng một pháp quán tưởng đơn giản mà thôi, thì có thể điều trị được một bệnh nào đó, nhưng không đủ để điều trị tâm. Ngoài thiền định ra, sẽ không còn cách nào khác hơn để chữa trị bệnh cùng với nguyên nhân của bệnh.
Trong thiền định, các thái độ tích cực hiền thiện của ta sẽ trở thành dược phẩm bên trong để điều trị tâm và giải quyết nguyên nhân của mọi vấn đề bất ổn. Khi chúng ta phát triển được các phẩm tính tốt đẹp của tâm thì sự chữa trị mới thành công. Những suy nghĩ như thế này sẽ mang đến sự an lạc và chữa lành bệnh tật; trong khi đó, những suy nghĩ như thế kia sẽ mang đến rối loạn và gây tác hại. Bệnh tật và tất cả những vấn đề khác nữa trong cuộc sống chúng ta đều bị những tâm không lành mạnh gây ra. Một tâm không lành mạnh hàm nghĩa là bất cứ hoạt động tâm thức nào quấy nhiễu chúng ta và làm cho ta mất hạnh phúc, và một thân thể không lành mạnh phát sinh từ một tâm không lành mạnh.
Thiền định không chỉ chữa lành bệnh tật mà còn mang sự bình an lớn lao đến cho tâm. Bản chất của các suy nghĩ tích cực là làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái và thanh thản. Những suy nghĩ tích cực tốt nhất là các tâm từ ái và bi mẫn. Tâm từ ái là tâm ao ước người khác có được hạnh phúc và nguyên nhân hạnh phúc; tâm đại từ là tự mình nhận lấy trách nhiệm mang hạnh phúc và nguyên nhân hạnh phúc đến cho người khác. Tâm bi mẫn là ước muốn cho những người khác được thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân khổ đau; tâm đại bi là tự mình nhận lấy trách nhiệm làm cho người khác thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân của khổ đau. Việc phát sinh các thái độ hiền thiện này có năng lực giúp điều trị được bệnh.
Tâm bi mẫn là người thầy thuốc giỏi nhất. Năng lực chữa bệnh mạnh nhất đến từ việc phát sinh tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sinh, không phân biệt nòi giống, quốc tịch, tín ngưỡng hay họ hàng thân thích. Chúng ta cần có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh hữu tình, bất kỳ ai cũng mong muốn được hạnh phúc và không muốn phải chịu khổ đau. Chúng ta cần phát triển không chỉ tâm bi – ước muốn giải thoát cho tất cả chúng sinh khỏi mọi khổ đau – mà còn cả tâm đại bi – tự mình nhận lấy trách nhiệm làm việc đó. Điều này sẽ mang đến năng lực điều trị bệnh một cách mãnh liệt và triệt để.
Tâm từ và tâm bi đều có bản chất bình an và lành mạnh, hoàn toàn khác với bản chất của các tâm sân hận, vô minh, tham lam, kiêu căng hay ganh tị. Cho dù một người có tâm bi mẫn sẽ chân thành quan tâm đến người khác và cảm thấy như không thể chịu đựng nổi khi thấy bất kỳ ai đó đang đau khổ, nhưng bản chất cốt lõi của tâm họ vẫn là sự bình an.
Ngược lại, loại tâm khởi lên từ ý xấu ác, muốn hãm hại người khác, không thể thư thái bình an; nó giống như một cái gai sắc nhọn đâm vào tim ta. Sự tham ái cũng có nỗi đau đớn riêng của nó; chúng ta như thể bị cột chặt, bị vắt ép và rất đau đớn khi phải chia cách với đối tượng ta thèm khát. Sự tham ái cũng che mờ tâm thức chúng ta, tạo ra một bức tường ngăn cách chúng ta với thực tại. Khi chúng ta tham luyến một người nào đó, hay thậm chí chỉ là một con vật, chúng ta không thể thấy được thực tiễn đau khổ của đối tượng đó hay phát khởi được lòng bi mẫn từ trái tim ta, vì tham ái đã che mờ tâm ta. Tham ái ngập đầy tâm ta, không còn chỗ để lòng bi mẫn phát sinh. Ngay cả khi ta giúp đỡ đối tượng ấy, ta cũng luôn chờ đợi sự đền đáp. Chúng ta không giúp đỡ chỉ vì đối tượng ấy đang đau ốm hay bị nguy hiểm, mà là với sự mong chờ sẽ được đền đáp trong tương lai theo một cách nào đó.
Khi sự tham ái choán đầy tâm ta, thật khó để sinh lòng bi mẫn. Nếu suy xét kỹ, ta sẽ thấy rằng khi tâm ta ngập tràn sự tham ái mãnh liệt, ta chỉ còn quan tâm duy nhất đến những gì ta muốn. Mục đích chính của ta là hạnh phúc của riêng mình. Thậm chí nếu ta có giúp người khác cũng chỉ vì ta muốn nhận lại được một điều gì đó. Tâm ta bị rối loạn và che chướng. Đối với người mà ta tham luyến mãnh liệt, ta không thể thấy được rằng ít nhất họ cũng quan trọng như ta; chúng ta không thể yêu thương và chân thành giúp đỡ họ.
Dùng tâm đại bi để điều trị tâm, chúng ta sẽ có thể giải quyết các vấn đề bất ổn của chính mình và cả của những người khác. Ý niệm tích cực của tâm bi mẫn không chỉ giúp ta khỏi bệnh mà còn mang đến cho ta sự bình an, hạnh phúc và toại nguyện. Nó giúp ta có khả năng vui hưởng cuộc sống. Nó cũng sẽ mang bình an và hạnh phúc đến cho gia đình và bạn bè, những người quanh ta. Vì chúng ta không có những tư tưởng xấu ác [gây hại] nhắm vào họ, nên những người – hay thậm chí cả loài vật – tiếp xúc với ta đều sẽ cảm thấy hạnh phúc. Khi chúng ta có lòng tốt và tâm từ bi, mối quan tâm chính của ta sẽ luôn là việc tránh không làm tổn hại người khác, và điều này tự nó đã là một sự điều trị bệnh. Người có tâm bi mẫn là người có năng lực chữa trị mạnh mẽ nhất, không chỉ đối với những bệnh tật và bất ổn của riêng họ, mà với cả những bệnh tật và bất ổn của người khác nữa. Một người có tâm từ bi có thể chữa lành bệnh cho người khác chỉ đơn giản bằng sự có mặt của mình.
Điều trị bệnh tận gốc
Mỗi khi thiền định về lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh, chúng ta tích tụ được vô lượng công đức, là nhân của tất cả những thành công và hạnh phúc; mỗi lần chúng ta tu tập thiền định vì lợi ích của tất cả chúng sinh, chúng ta thực hiện việc điều trị bệnh tận gốc rễ.
Việc phát triển lòng bi mẫn cũng giúp chúng ta phát triển trí tuệ, đặc biệt là trí tuệ thực chứng tánh Không, bản chất rốt ráo của cái tôi, của tâm và của tất cả các hiện tượng khác. Trí tuệ này từng bước làm mỏng dần các đám mây che mà đang lúc này tạm thời phủ tối tâm ta, cho đến khi tâm ta được trong sáng như bầu trời xanh trong suốt tràn ngập ánh sáng. Trí tuệ này trực tiếp thanh tịnh hóa tâm ta. Nó giúp cho tâm thoát khỏi vô minh, sân hận, tham lam và mọi suy nghĩ quấy nhiễu khác nữa; nó giải thoát tâm ta khỏi các mầm mống của các suy nghĩ phiền não này, và thậm chí kể cả những chủng tử của chúng. Tất cả những che chướng, kể cả những che chướng vi tế nhất, đều hoàn toàn được thanh tịnh hóa bởi trí tuệ này.
Với sự phát triển đầy đủ trí tuệ và từ bi, tâm ta sẽ được giải thoát trọn vẹn khỏi các thứ che chướng từ thô đến vi tế. Vào lúc đó, tâm đạt được sự toàn giác hay biết được tất cả. Một tâm toàn giác có khả năng trực tiếp thấy được quá khứ, hiện tại và vị lai; có khả năng thấy biết được tâm của tất cả chúng sinh hữu tình và rõ biết phương pháp để giải thoát họ khỏi các vấn đề bất ổn và mang đến cho họ hạnh phúc, kể cả hạnh phúc tối thượng của sự giác ngộ viên mãn.
Hiện nay sự hiểu biết của chúng ta rất giới hạn. Thậm chí để biết được tình trạng sức khỏe của chính mình, chúng ta cũng phải dựa vào các bác sĩ, máy móc, xét nghiệm máu, vân vân... Ngay cả trong lãnh vực nhỏ hẹp của việc điều trị bằng thuốc men, chúng ta cũng không thể hiểu được các vấn đề bất ổn của người khác cũng như nguyên nhân và cách chữa trị thích hợp. Hiểu biết của chúng ta rất giới hạn, khả năng giúp người khác của chúng ta cũng thế. Khả năng thấy biết tương lai của ta cũng rất giới hạn. Chúng ta không thể nói trước được những gì sẽ xảy ra vào năm tới, tháng tới hay tuần tới, thậm chí vào ngày mai, nói gì đến những việc của kiếp sau!
Năng lực thân, khẩu và ý của chúng ta bị giới hạn là vì những che chướng tâm thức. Tuy nhiên, khi chúng ta giải thoát được dòng tâm thức tương tục của chúng ta khỏi những che chướng thô và vi tế đó, thì sẽ không có gì hạn chế năng lực của chúng ta. Tâm ta không chỉ có khả năng thấy biết trực tiếp tất cả quá khứ, hiện tại và vị lai, mà còn tràn ngập khắp cả mọi nơi. Tâm ta sẽ có khả năng tiếp cận tức thì bất kỳ đối tượng nào được ta nghĩ tới, không một chút chướng ngại. Lúc tâm chúng ta được toàn giác, có nghĩa là giải thoát tất cả các che chướng thô và vi tế, chúng ta sẽ hoàn toàn thoát khỏi tâm thô lậu và thân thô lậu. Vào lúc ấy, chúng ta sẽ không bị giới hạn bởi bất cứ cái gì. Đây là sự tự do tối thượng.
Khi mặt trời mọc lên, ánh sáng sẽ tức thời được phản chiếu khắp nơi. Ánh sáng được phản chiếu ở khắp những vùng nước không bị che khuất trên mặt đất – khắp các đại dương, dòng suối và ngay cả trên giọt sương mai. Cùng một cách thức như vậy, vì mọi che chướng thô và vi tế đã được loại bỏ, tâm toàn giác tự nhiên tràn ngập khắp mọi nơi. Bất cứ khi nào chủng tử hiền thiện của một chúng sinh hữu tình đạt đến sự chín mùi, tâm toàn giác lập tức thể hiện ở dạng thích hợp với mức độ tâm của chúng sinh đó. Nếu họ có tâm thanh tịnh, tâm toàn giác sẽ thể hiện ở dạng thanh tịnh để dẫn dắt họ; nếu tâm họ chưa thanh tịnh, nó thể hiện ở dạng không thanh tịnh. Bởi vì tâm toàn giác thấy được sự hiện hữu trọn vẹn ở mọi thời khắc, nên khi chủng tử hiền thiện chín mùi trong tâm một chúng sinh thì tâm toàn giác tức thì hiển lộ để dẫn dắt chúng sinh đó đi từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác, cho tới hạnh phúc vô thượng của giác ngộ viên mãn. Đây là ý nghĩa của năng lực toàn hảo.
Tuy nhiên, kiến thức và năng lực không thôi thì chưa đủ. Cần có lòng từ bi. Mặc dù tâm toàn giác thấy biết mọi sự, nhưng động lực cứu giúp người khác chính là lòng từ bi. Chẳng hạn, một người có khả năng hiểu biết, nhưng không có nghĩa là họ sẽ dùng kiến thức của họ để giúp đỡ người khác. Kiến thức và năng lực có thể trở thành chướng ngại nếu không có lòng từ bi. Cho dù họ biết cách giúp bạn và họ có năng lực để làm, nhưng rất có thể họ không giúp bạn, ngay cả khi bạn yêu cầu. Ngược lại, người có lòng từ bi thì lúc nào cũng sẵn sàng ra tay giúp đỡ khi bạn nhờ đến.
Chính lòng từ bi giúp ta hoàn thiện trí tuệ và năng lực. Lòng từ bi thúc giục ta phát triển tâm vì lợi lạc của người khác. Chúng ta cần phát khởi và hoàn thiện tâm từ bi, cũng như phát triển lòng từ bi vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh hữu tình, để nhờ đó ta có thể phát triển hơn nữa tất cả các phẩm tính tốt đẹp khác. Khi có được lòng từ bi hoàn thiện cùng với kiến thức và năng lực, ta mới có thể thực sự giúp người khác.
Sự chuyển hóa này của tâm chính là sự điều trị tận gốc rễ. Tôi chỉ là người nói ra tất cả những điều này, nhưng việc điều trị thực sự phải đến từ chính bạn, từ tâm thức bạn. Việc điều trị sẽ có được thông qua sự tu tập thiền định của bạn, thông qua những suy nghĩ tích cực, mà về cơ bản có nghĩa là thông qua trí tuệ và lòng từ bi của chính bạn. Sự thiền định về tánh Không, về tâm từ, tâm bi giúp chấm dứt nhu cầu điều trị, vì thông qua sự điều trị tận gốc rễ này, bạn sẽ không bao giờ còn bị đau ốm nữa.