Trên thế gian này có những thứ tối ư quan trọng đối với sự sống mà nếu không có nó thì cũng chẳng ai sống được, nhưng chúng ta dường như ít khi hay chẳng khi nào quan tâm đúng mức đến, như không khí để thở và nước để uống.
Tuy nhiên, ít nhất một người mà tôi quen biết đã không quên những thứ đó chút nào cả. Người đó chính là nhà văn Văn Công Tuấn hiện sống tại Đức. Anh đã canh cánh trong lòng mấy mươi năm về chuyện môi trường và nước. Nên anh đã viết cả một cuốn sách, “Chớ Quên Mình Là Nước,” được Nhà Xuất Bản Liên Phật Hội ấn hành vào năm 2019, để nhắc nhở chúng ta rằng nước và môi trường sống không những đóng vai trò tối cần thiết cho sự sống của chúng ta, nó hiện đang lâm vào tình trạng khủng hoảng báo động trên toàn cầu. Anh viết trong Lời Thưa của cuốn sách:
“Xin thưa rằng, mười sáu bài viết ngắn dài trong tập sách này như những lời tâm sự, cũng chỉ vì một ước mong duy nhất: Xin phép nói lên một lời nhắc nhở. Nhắc gì? Nhắc rằng, chúng ta cần biết trân quý trái đất này của chúng ta. Chúng ta cũng nên biết giữ gìn những giọt nước của trái đất, vốn phủ đầy hai phần ba địa cầu…” (Chớ Quên Mình Là Nước, trang 12)
Đọc tựa đề của cuốn sách, “Chớ Quên Mình Là Nước,” tôi giật mình vì cái ý nghĩa đặc biệt của tựa đề. “Mình Là Nước”? Tôi tự hỏi. Phải chăng tác giả muốn nói rằng toàn thân mình là nước? Có vậy. Văn Công Tuấn ở một nơi nào đó trong cuốn sách viết rằng, “trong cơ thể con người, 70% là nước.” Nhưng, anh không phải chỉ nói đến cơ thể con người không thôi, anh còn đi xa hơn thế nữa:
“Nước hiện diện trong mọi vật thể quanh ta mà ta thực sự ít quan tâm đến nó. Nước là yếu tố đầu tiên cho sự sống. Các nhà thám hiểm không gian khi đặt chân lên các hành tinh khác, việc đầu tiên họ tìm hiểu là có nước ở đó hay không. Tại sao? Vì khi có nước thì mới có hy vọng bắt đầu sự sống.” (tr. 45)
Anh giải thích thêm về sự quan trọng của nước đối với cuộc sống không thua kém dưỡng khí.
“Thông thường ta nghĩ rằng, dưỡng khí là cần thiết bậc nhất cho chúng ta. Đúng, vì chỉ trong vòng 4 phút mà không có dưỡng khí (oxy) thì bộ não của ta đã bị tổn thương và trong 15 phút thiếu dưỡng khí là ta sẵn sàng đi chầu Diêm Vương. Nhưng nếu có nước thì chúng ta sẽ tạo ra oxy, còn thiếu nước là thiếu tất cả.” (tr. 45)
Một chỗ khác trong sách, Văn Công Tuấn qua kiến giải về diệu lý pháp giới trùng trùng duyên khởi đã lý giải mối tương quan tương duyên của nước trong cuộc sống của con người:
“Nước hiện cũng ở quanh tôi, quanh anh chị. Nó ở ngay trang sách này mà ta đang đọc. Ở trong màn hình tôi đang nhìn, trong bàn phím máy computer tôi đang gõ, ở trong cái áo cái quần tôi đang mặc, trong bức tranh trên trên tường…, kể cả trong cái đinh đóng trên đó. Tôi không thấy nó vì tôi ít khi chịu khó nhìn kỹ để thấy nó. Nhưng có điều bây giờ tôi biết rất rõ rằng: không có nước thì cái thằng tôi này cũng không có; không có nước thì cũng không có anh, không có chị ngồi đó mà đọc trang sách này. Cái bàn, cái ghế, cái cây, cái đám mây ngoài kia… cũng không tuốt.” (tr. 158)
Không chỉ có vậy đâu mà còn nhiều nữa. Văn Công Tuấn, trong tác phẩm “Chớ Quên Mình Là Nước,” đã dẫn người đọc từ chuyện đất và nước trong đời thường, trong khoa học, trong văn chương tới chuyện đất và nước trong lãnh vực quốc gia dân tộc, từ chuyện đất và nước trong triết học với bản thể và diệu dụng của nước, bước sang chuyện lấy cơ duyên đất và nước để nói đến chuyện thực chứng tâm linh để giác ngộ và giải thoát khổ đau của kiếp nhân sinh.
Chuyện báo động về khủng hoảng nước và môi trường thì có nhiều người, nhiều tổ chức, kể cả Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng từ nhiều năm nay. Nhưng điểm đặc biệt thú vị đối với tôi trong tác phẩm “Chớ Quên Mình Là Nước” của Văn Công Tuấn chính là, thứ nhất, anh không viết như một nhà khảo cứu khoa học với những thống kê và con số, mà anh viết với ngòi bút của một nhà văn, hay đúng hơn anh kể chuyện về đất, nước và môi trường; thứ hai, anh viết bằng cái tâm, bằng tấm lòng, bằng sự khẩn thiết và cấp bách của một người nhìn thấy tình trạng báo động về sự khan hiếm và ô nhiễm của nước và môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân loại trên hành tinh này.
Thơ mộng nhất là lúc nghĩ tới nước, Văn Công Tuấn nhớ tới bài thơ “Thề Non Nước” của thi sĩ Tản Đà mà theo anh khi viết bài này một cách ngẫu nhiên lại trùng với ngày giỗ thứ 80 của người thi sĩ tài ba này:
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời “nguyện nước thề non,”
Nước đi chưa lại non còn đứng không…
Từ mối tình trong lời “Thề Non Nước,” Văn Công Tuấn kể cho người đọc nghe mối tình si của nàng Ma Đăng Già (Prakirti) qua câu chuyện “Đầy vơi một bát nước.” Câu chuyện kể về nàng Ma Đăng Già do nhân duyên cúng bát nước cho Tôn Giả A Nan mà đem lòng si tình với Tôn Giả, là thị giả của Đức Phật. Nàng bèn tìm mọi cách để lấy cho được Ngài A Nan nên đã bàn bạc với mẹ để nhờ một vị Bà La Môn dùng thần chú Ca Tỳ La Phạm Thiên để mê hoặc Tôn Giả. Cũng may là Đức Phật biết được nên nhờ Bồ Tát Đại Trí Văn Thù đem Chú Lăng Nghiêm tới để hóa giải. Đức Phật sau đó đã cảm hóa Ma Đăng Già xuất gia trong Ni Đoàn và nhờ sự tu tập mà đã đắc quả A La Hán diệt sạch tham sân si. Tôi thích nhất là đoạn kết thúc câu chuyện này qua ngòi bút dí dỏm một cách dễ thương của Văn Công Tuấn:
“Cái lửa lòng kia, khi đã bén thì sẽ bộc phát dữ dội, sức cháy mạnh hơn cả trận cháy rừng Brasilien hay California. Không tin cứ hỏi Tôn giả Prakirti (sau khi chứng A La Hán) hay Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi thì biết. Dễ sợ lắm?
Ở đó mà cứ ngồi gật gù than thở:
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau… Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông...” (tr. 76)
Từ câu chuyện bát nước, nhà văn Văn Công Tuấn kể chuyện “chiếc bình bát trôi ngược” để dẫn người đọc đi tới miền đất Phật ở bờ sông Ni Liên Thuyền gần Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ. Xin hãy nghe nhà văn của chúng ta kể:
“Khi anh Naresh với tất cả lòng cung kính đặt bình bát xuống cát, nơi được xem như là giữa dòng sông lúc bình bát trôi ngược. Tôi thì đã nằm dài dưới cát nóng cầm sẵn máy ảnh để chụp hình. Tôi muốn chụp tấm hình phía trước là bình bát mà đằng sau có phông nền là hình ngôi Tháp Đại Giác Bồ Đề. Chăm chú nhìn vào ống kính, tôi giật mình tưởng mắt mình đang hoa. Hay do vì buổi trưa nắng Ấn Độ mà cát lại nóng quá nên tôi bị lóa mắt? Tôi đẩy máy ảnh qua bên và nhìn kỹ bình bát. Tôi đã nhìn thấy. Vâng, tôi thấy bình bát chuyển động trong vòng khoảng gần một phút. Có thể nào do cát lún nên bình bát “rục rịch” như vậy? Hay là một cái rùng mình của đất trời? Nhưng sao kéo dài cả phút. Trong tôi dấy lên một niềm rung động kỳ lạ. Naresh cũng thấy như tôi và đứng ngẩn người trố mắt nhìn. Có phải có bàn tay chư Thiên hay có con rắn chuyển mình làm bình bát chuyển mình trên cát?
Không, tôi nghe rất rõ: “hồn nước” đang nhẹ nhàng luân chuyển dưới nguồn sâu trong lòng cát nóng buổi chiều Ấn Độ.” (tr. 87, 88)
Chỗ mà anh Văn Công Tuấn đặt chiếc bình bát và thấy nó chuyển động, chính là dòng sông Ni Liên Thuyền ngày xưa lúc Đức Phật tới đây để tắm và nhận bát cháo cúng dường của nàng Sujata trước khi Ngài tọa thiền 49 ngày đêm và đắc đạo. Anh Văn Công Tuấn viết:
“Trong nhiều tài liệu lịch sử Phật Giáo có ghi lại rằng, sau khi thọ thực bát cháo sữa cúng dường, Sa môn Gotama đã đi đến dòng sông Ni Liên Thuyền, Ngài ném bình bát xuống giữa dòng sông và phát lời nguyện rằng: “Nếu ta thành đạo Bồ Đề, thì bình bát này sẽ trôi ngược nước sông.” Lạ thay, bình bát trôi ngược dòng nước chảy một khoảng xa.” (tr. 84)
Từ chuyện tình liên quan đến nước, Văn Công Tuấn dẫn người đọc tới thảm họa của môi trường qua bài “Bà Ny-lông, Ông Mủ nhựa.” Trong bài anh báo động vể tình trạng ny-lông làm ô nhiễm môi trường như thế nào. Anh viết:
“Vấn để đồ nhựa không phải chỉ có ở Ấn Độ. Toàn thế giới hàng năm đã có 300 triệu tấn đồ mủ nhựa, ny-lông hằng năm và chỉ 20% con số 300 triệu tấn này được đưa vào quá trình tái chế. 80% còn lại biến thành rác phế thải mà đa phần những rác này trôi dạt vào biển. (Số liệu dựa theo Tuần báo Die Zeit, số 23, 30.05.2018).” (tr. 118)
Chưa hết, Văn Công Tuấn còn nói đến cái chết của một dòng sông qua tựa đề bài viết rất thơ mộng “Bởi vì chiều buồn chiều về dòng sông.” Dòng sông ở đây là Sông Cửu Long.
“Thế giới đang báo động về thảm họa do con người tạo ra làm hư hại môi trường thiên nhiên. Thế nhưng đâu phải chỉ có các nước Fidschi, Kiribati… thuộc châu Đại Dương, hay những quốc gia ở châu Phi đang bị cuốn trôi vào lòng biển cả. Ngay trên quê hương mình, ngay trên dòng sông Cửu Long hiền hòa bao nhiêu đời nay, bây giờ cũng đang bị tai họa ấy. Chỉ có điều, những người dân miền Tây chất phát hiền hòa, thấp cổ bé họng không kêu la gì nên không ai hay biết đến. Còn có kẻ hay biết đến thì lại lo bỏ đầy túi nên phớt lờ đi.” (tr. 144)
Để giúp người đọc hiểu rõ hơn mối đe dọa của sự ô nhiễm môi trường do con người tạo ra, nhà văn Văn Công Tuấn đã trích lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc nhở mọi người hãy sống bằng lòng từ bi để không làm hại cho tha nhân và môi trường sống:
“… Hai phần ba các loài sinh vật có xương sống đã bị tuyệt chủng. Khắp nơi, từ đồng ruộng, đại dương, không trung cho đến rừng rậm, sinh vật ngày càng thưa hiếm dần. Sau sự tuyệt chủng của các giống khủng long cách nay 66 triệu năm thì sự tận diệt hàng loạt lần này đang cho thấy những hậu quả vô cùng trầm trọng đối với hệ thống môi sinh và cả các xã hội con người của chúng ta. Nguyên nhân trực tiếp của sự tuyệt chủng đó là sự sinh hoạt của con người, mà chính sự sinh hoạt này lại còn được gia tăng thêm bởi kỹ nghệ. Quả đã đến lúc mà lòng từ bi phải giúp chúng ta xét lại cung cách hiện hữu của mình trên địa cầu này hầu tái lập lại sự sống.” (tr. 128 – trích lại Đức Đạt Lai Lạt Ma & Sofia Stril-Rever; Hoang Phong chuyển ngữ: Hãy làm một cuộc cách mạng, lời kêu gọi tuổi trẻ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lutus Media, 2019)
Tôi vẫn còn muốn giới thiệu đến độc giả nhiều điều rất thích thú mà nhà văn Văn Công Tuấn đã viết trong cuốn sách dày 190 trang “Chớ Quên Mình Là Nước.” Ngặt một nỗi là khuôn khổ của một bài viết trên báo không cho phép. Nên tôi đành dừng lại đây. Nhưng tôi xin mượn lời của tác giả Văn Công Tuấn để kết thúc bài viết.
“Trong sổ tay của tôi có ghi một câu quá hay, tiếc rằng quên ghi xuất xứ, hình như của một sắc dân thiểu số da đỏ, xin phép tác giả cứ ghi ra đây để chúng ta cùng suy ngẫm:
‘Khi cái cây cuối cùng bị đốn, khi dòng sông cuối cùng bị ô nhiễm, khi con cá cuối cùng bị đánh bắt, các người phải nhìn nhận ra rằng tiền không thể ăn được’.”
Xin cảm ơn nhà văn Văn Công Tuấn và xin giới thiệu đến quý độc giả tác phẩm “Chớ Quên Mình Là Nước.”