[ một ] Đản Sinh – Sao không gọi là Giáng Sinh? Hễ cứ rộn ràng không khí Phật Đản là khúc nhạc này cứ quyện mãi trong tôi: „Vui mừng gặp ngày nay, mồng tám tháng tư. Là khánh tiết Phật Thích Ca Ngài hiện về Ca Tỳ La Vệ trong đời khổ, vận đức từ bi. Dày công đức độ chúng tam thừa, vượt vòng vô minh phiền trược chân tâm tỏ bày. Chúng con một lòng xin quy y Phật Đà”.
Chắc sẽ có người hỏi: bài hát gì lạ? Sao lại nói mồng tám tháng tư? Vâng, bài hát thật ngắn vàhơi lạ,giờ này ít còn nghe hát nhưng thời tôi còn nhỏ thì cứ nghe lặp lại hoài trong mùa Phật Đản. Đàn chim Oanh Vũ chúng tôi không cần học cũng thuộc và thường múa theo khi hát. Phải công nhận rằng điệu nhạc du dương kiểu này thì ít thích hợp lúc hát sinh hoạt, nhưng để hát và múa theo thì tuyệt diệu. Bởi thế lúc đoàn chim Oanh Vũ lên sân khấu mà tay chân làm động tác theo thì thật dễ thương. Bài hát lại ngắn nên rất dễ thuộc. Bài hát này đã có từ thời rất xưa, do cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (thân phụ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương) soạn lời theo điệu nhạc cung đình cổ có tên là Đăng Đàn Cung vào năm 1937 nhân dịp „Ban Đồng Ấu“ thành lập tại cố đô Huế để múa hát chào mừng đại lễ Phật Đản. Ban Đồng Ấu này đã được Đức Từ Cung – tức thân mẫu của Vua Bảo Đại – bảo trợ thành lập. Sau này, khi Giáo hội Phật Giáo quyết định đổi ngày Kỷ niệm Phật Đản Sanh vào ngày rằm tháng tư thì câu đầu bài hát cũng được đổi thành: „Vui mừng gặp ngày nay ngày vía Đản Sanh…“
Khi nhỏ chỉ biết vô tư múa hát. Điệu nhạc Đăng Đàn Cung này cũng được soạn lời cho vài bài hát khác nhưng ít phổ biến hơn. Tôi còn nhớ bài khuyên học trò siêng học với câu đầu là : „ta càng học càng khôn càng tiến lên càng nhanh...“, hay có bài khuyến khích phong trào xóa nạn mù chữ mà tôi không nhớ hết. Đó là cách các cụ xưa dùng âm nhạc đưa những tư tưởng, tập quán mới vào giới bình dân ít học thời ấy.
Nói sa đà vào chuyện nhạc. Điều tôi muốn nói là, hồi nhỏ là vậy. Bây giờ nghe lại bỗng dưng thắc mắc: sao Phật Giáo mình nói „Khánh tiết Phật Thích Ca“. Sao lại nói Phật đản sanh, nói Phật đản mà không nói chữ giáng sinh, giáng thế, giáng trần v.v…
Thắc mắc thì phải tìm cho ra. Tôi lục từ điển thấy giải thích như sau.
Khánh Tiết là: Mừng, Lễ mừng; như quốc khánh: lễ lớn quốc gia (Tự điển Trần Văn Chánh); chứ không phải cái nghề mới khánh tiết là đứng làm cảnh cho đám cưới, đám tiệc mới có ở Việt Nam sau này.
Đản sinh nghĩa là: Ra đời, xuất sinh. Thường dùng cho bậc thánh nhân.
Thì ra thế. Đức Phật ra đời, như một con người sinh ra. Vâng, Ngài là một con người. Nhưng Ngài lại không phải là một người thường. Một thánh nhân xuất hiện mang ý nghĩa xuất hiện trên đời của một bậc đạo sư để tìm phương thuốc cứu khổ cho muôn loài chúng sinh. Nhưng yếu tố chính, Ngài là một con người bằng xương bằng thịt – như mọi con người khác. Ngài ra đời,là một vị Thái tử con của đức vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia, được sinh ra dưới cây hoa Vô Ưu tại vườn hoaLâm Tỳ Ni, nay là nước Nepal. Đó là lịch sử, là sự thật.
Như vậy, ngay cả với một Thánh nhân được tôn xưng là Thiên Nhân Sư, là thầy của cả trời và người mà cũng đã sinh ra đời này như thế. Cuối đời cũng bệnh và chết như một con người. Huống chi những con người tầm thường như chúng ta hay cả các loài chúng sanh khác.
[ hai ] Đâu phải chuyện Tôn Ngộ Không! Ngày vui là thế mà lại đọc báo nghe những tin tức giật gân, rồi đột nhiên đâm ra lo lắng.
Tháng 11 năm 2018 cả thế giới hoảng hốt lo ngại vì một nhà sinh vật và vật lý tên là He Jiankui (Hạ Kiến Khuê; sinh năm 1984) công bố tại một hội nghị khoa học và rộng rãi trên các phương tiện truyền thông một đoạn phim đăng tải việc sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISP-Case 9 thay đổi gen cho hai phôi thai người để có khả năng miễn nhiễm virus HIV. Ông He Jiankuilúc ấy đang giảng dạy và nghiên cứu ở Phân khoa Sinh Học (Biologie) thuộc Đại học Khoa học và Kỷ Thuật Nam Trung Quốc. Ngay lập tức sau đó, các nhà khoa học trên thế giới đã lên tiếng phản đối và gọi đây là "thử nghiệm nhân loại vô lại". Rồi bỗng dưng người ta không còn nghe gì đến nhà „khoa học trí tuệ“ này của cả. Có thể trước phẫn nộ của tất cả khoa học gia trên thế giới chính quyền Trung quốc đã ém nhẹm một công trình nghiên cứu phi nhân bản này. Rồi yên lặng như tờ không thấy tăm hơi gì thêm.
Vấn đề để ta suy ngẫm là, không lẽ chính quyền hay giới nghiên cứu cấp đại học ở Trung quốc trước đây không hề biết gì về việc nghiên cứu điên rồ của ông He Jiankui chăng? Không, không thể nào như vậy được. Một công trình nghiên cứu ở đại học thường phải qua nhiều bước thực hiện các dự án khác nhau, kể cả việc xin các ngân khoản tài trợ. Còn nếu như thật sự không ai biết gì đến trước đó thì thật tội nghiệp, đáng thương cho ông He Jiankui, một con người trẻ tuổi thông minh lại rơi vào cái mà ta gọi là tà kiến. Nghĩ thương cho những kẻ khờ dại kia dám cả gan chơi trò "thayđấng hóa công" để rồi sinh sản những vật chẳng phải người mà cũng chẳng phải ngợm.
Nhớ lại, trước đấy chưa đầy một năm, tháng 1/2018, cũng tại đại quốc ấy ông tiến sĩ Mu-ming Poo, giám đốc Học Viện Nghiên cứu Thần kinh học thuộc Chinese Academy of Sciences ở Thượng Hải công bố họ đã „sản xuất“ được hai chú khỉ sống, tức loài động vật nhiều đặc tính gần giống loài người. Wikipedia giải thích: trong các bộ động vật thì khỉ thuộc vào Bộ Linh Trưởng (từ khoa học gọi là Primates) là một bộ thuộc giới động vật (Animalia), ngành động vật có dây sống (Chordata), phân ngành động vật có xương sống, lớp Thú (hay động vật có vú) (Mammalia). Loài người chúng ta cũng thuộc về bộ này.
Do vậy, khi họ đã tạo ra được những chú khỉ thì họ cũng có thể có khả năng tạo ra những cái „thằng người“. Không biết sao tôi cứ lo cho cái yên lặng đầy khả nghi của mấy ông khoa học gia này quá. Mấy ổng không nói thì có thể vẫn đang âm thầm làm tiếp. Cả lúc nói không mà cũng cứ làm huống chi không nói! Chỉ có điều, mấy ông có thể có khả năng tạo ra những sinh vật trong phòng thí nghiệm được, nhưng chắc chắn chỉ là những hình sáp hay những ông phỗng đá biết đi, hoặcmấylão bù nhìn đội mũ đứng đuổi chim ngoài ruộng. Khá hơn nữa thì tạo ra những sinh vậtđược nhào nặn theo một công thức có sẵn, việc làm vô cùng nguy hiểm tạo ra tai họa cho nhân loại. Những kết quả nắn ra được ấy không bao giờcó thể là những con người với đầy đủ nhân tính được.
Xưa có chuyện ôngTề Thiên Đại Thánh theo Đường Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh mà ai cũng biết. Nhân vật Tôn Ngộ Không Tề Thiên Đại Thánh này cũng là một con khỉ. Khỉ này còn có tên là Thạch Hầu vì nó được sinh bởi một hòn đá ở biển Hoa Đông nứt ra. Nhưng Thạch Hầu đâu có thật. Thạch Hầu chỉ là nhân vật hư cấu dưới ngòi bút của Ngô Thừa Ân vào thế kỷ 16 thôi.Học Viện Thần Kinh Học của ông Mu-ming Poo này hãnh diện đặt tên cho hai chú khỉ mới chào đời „nhân tạo“ này là Zhong Zhong & Hua Hua (Trung Trung & Hoa Hoa). Lùi thêm lại ít bước nữa, trước đây 20 nămcũng có một cô cừu mang tên Dollyđược cấy thành công tại Viện Roslin ở Edinburgh nước Tô Cách Lan đã gây ra không biết bao nhiêu tranh luận, vì cừu là một loài động vật có vú. Nhưng lần này, trường hợp hai chú khỉ Zhong Zhong & Hua Hua là trường hợpđáng lo ngại vì lần đầu tiên phòng thí nghiệmcó thể (hay dám cả gan)tạo ra một động vật trong bộ động vật Linh Trưởng từ một tế bào gốc trưởng thành.
Hãnh diện khoa học hay hãnh diện dân tộc đây? Khỉ hay người?
Vậy, trước hiện tượng nàyPhật tử mình nghĩ sao đây? Nghĩ sao chuyệnnhững sinh vật không cha không mẹ được chào đời trong các phòng thí nghiệm bởi những máy móc vô tri và những cái đầu vô … duyên (tôi tránh không dám dùng chữ vô lại như các phản ứng của những nhà khoa học Tây phương)? Từ câu chuyện Thạch Hầucho đến các câu chuyện hôm nay, ta thửsuy nghiệm về sự kiện,bởi duyên cớ gì màmột con người hay vật – một chúng sinh – có mặt trên cõi đời này.Không lẽ chỉ đơn giản xuất hiện khơi khơi, nói hello rồi good bye biến mất thôi ư? Đâu là nghiệp chướng, đâu là nhân duyên?
Đầu óc miên man cố đi tìm giải đáp cho mình, tai tôi nghe như có ai nhắc lại lời kinh của Pháp Hội trì tụng Đại Bảo Tích Kinh tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ năm 2018 vừa qua, mà cá nhân tôi đã duyên may được tham giagần hai tuần lễ (trong ba tuần của Pháp Hội). Còn nhớ mãiđoạn kinh ngắnchiều hôm ấy, nó đã làm tôi giật mình. Tối vềphòng trọ phải lật kinh chép ngay vào sổ tay. Đoạn đức Phật dạy ngài Bửu Tràng Đồng Tử:
(Trước tiên quán trung ấm nơi cha mẹ sanh tâm tham ái). Do ái nhơn duyên nên tứ đại hoà hiệp hai giọt tinh huyết hiệp thành một giọt bằng hột đậu gọi là ca la la. Ca la la ấy có ba sự là mạng căn, thức và hơi nóng. Nghiệp duyên quả báo trong đời quá khứ không có tác giả và thọ giả. Sơ tức xuất nhập gọi là vô minh ca la la. Lúc ấy hơi thở ra vào có hai đường đó là theo hơi thở lên xuống của bà mẹ cứ bảy ngày thì một lần biến đổi. Hơi thở ra vào gọi là thọ mạng đây gọi là phong đạo. Chẳng thúi chẳng rã đây gọi là noãn nóng. Tâm ý trong ấy gọi là thức.
(Kinh Đại Bảo Tích, Quyển 9: Pháp Hội Hư Không Mục thứ năm mươi chín. Bản dịch của cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh)
Như thế, tôi hiểu ngay rằng. Khi một thai nhi được tượng hình thì cái cơ sở vật chất căn bản đầu tiên phải cần có là tinh cha huyết mẹ. Giống nhưkhi talàm cái bánh thì phải có phần bột, đường… Chưa đủ, thêm vào tinh cha huyết mẹ cần phải có một „Thức“ tham dự vào thì mới thành hình được. Lại cần thêm vào đó môi trường hơi ấm nuôi dưỡng một đời sống tương lai. Tất cả những quá trình hình thànhấy thường được gọi gọn bằng hai chữ nhân duyên. Hai từ này Phật tử chúng ta vẫn nóitrong sinh hoạt thường nhật mà ít lưu tâm đến. Nhưkhi hai người gặp nhau trong chùa, trò chuyện giây lát rồi khi chia tay nhau thường nói một câu đầyđạo vị: „Chào nhé, anh/chị đi nhé, nếu còn nhân duyên thì còn gặp lại“.Câu nói tuyệt vời, đầy triết lý. Nghĩa là, dù họ muốn ngày mai hay ngày mốt gặp nhau nhưng nhân duyên chưa đủ thì đâu gặp được. Nhân duyên đã đủ rồi thì không hẹn cũng thấy nhau. Sao mà hay quá, có nhân ấy thì mới có duyên ấy. Đi xa hơn chút nữa, nhân duyên có thể ở ngay đời này mà cũng có thể ở cả những kiếp sau. Nhân duyên chính là căn bản cho cuộc vận hành của nghiệp lực bao đời trong suốt mười hai tiến trình. Mười hai tiến trình đó là: "Do vô minh, có hành sinh. Do hành, có thức sinh.Do thức, có danh sắc sinh. Do danh sắc, có lục nhập sinh.Do lục nhập, có xúc sinh. Do xúc, có ái sinh. Do ái, có thủ sinh. Do thủ, có hữu sinh. Do hữu, có sinh sinh. Do sinh sinh, có lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khỗ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi".(Theo Tương Ưng Bộ Kinh, bản dịch của cố Hòa Thượng Thích Minh Châu).
Vậy, một em bé ra đời không thể chỉ đơn giản là kết hay hậu quả của hành vi dục tính từ hai con người nam nữ. Ứng dụng cho mọi loài chúng sinh.Lại càng không thể là do một thần linh, mộttảng đá… hay cả một nhóm người nào đó tự ý tạo nên - dù bằng quyền phép hay máy móc y cụtrong phòng thí nghiệm. Từ nhận thức này giúp tahiểu được các hiện tượng, tại sao có những bậc cha mẹ xuất thân là những nông dân nghèo, ít học mà lại có khi sinh ra những người con nhân tài trí tuệ. Ngược lại có những người khỏe mạnh, thông minh, học giỏi mà sinh ra những người con tật nguyền, ngu dại hay có khi bị điênkhùng. Cũng có khi cũng chính từ cha mẹ ấy, cũng môi trường lớn lên ấy mà anh chị em có người thế này có kẻ thế kia. Loài người chúng ta bằng những phương tiện khoa học có thểchế tạo hàng loạt những vật dụng giống nhau, như sản xuất hàng triệu cái máy SmartPhone, hàng vạn chiếc xe hơi, xây hàng ngàn ngôi building… gần như 100% y hệt nhau, nhưng với sinh vật (chúng sinh) thì mỗi đơn vị là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai. Bên những yếu tố vật chất còn có yếu tố khác như Thức, như tứ đại hòa hợp... Không thể nào lấy chúng sinh này đem clone ra chúng sinh khác được.
Lấp biển vá trời có khi con làm được chứ chuyện này thì bất khả thi!
[ ba ] Đã ngắm hoa sao lại nỡ lòng nào đạp hoa đau. Rồi thêm chuyện của hãng điện tử này nữa. Tờ tuần báo của Hiệp Hội Kỹ Sư Đức ngày 8/2/19 đưa tin là hãng điện tử Huawei (âm Hán Việt đọc là Hoa Vi) công bố sẽ dùng chương trình điện toán để máy Computer viết nốt 2 chương cuối của bản giao hưởng“Unvollendete – Dở Dang” của nhạc sĩ tài danh Franz Schubert.
Nhạc sĩ Franz Schubert gốc người Vương quốc Áo là một ngôi sao rạng ngời trong âm nhạc cổ điển Tây phương. Ông ra đời vào năm 1797 tại thành phố Wien và cũng mất tại đây vào năm 1828, lúc ông mới31 tuổi. Tuy tuổi thọ ngắn ngủi như thế nhưng ông đã để lại cho đời 600 ca khúc các thể loại nhạc hợp xướng từ nhạc thánh ca đến sáng tác ngoài đời, 7 tác phẩm lớn và 5 tác phẩm còn „dở dang“. Đó là những bản nhạc Giao hưởng, nhạc Khởi đầu - Ouvertüren([1]), và rất nhiều tác phẩm trình diễn sân khấu, âm nhạc cho dương cầm và nhạc thính phòng.
Bản giao hưởng số 7([2])Sinfonie h-Moll D 759 „Unvollendete“ này viết vào năm 1822 chỉ có 2 chương (thay vì 4) nên được mang tên như vậy. Chính Schubert cũng đã khởi đầu viết vài dòng nhạc cho chương thứ ba (như hình phíatrước) nhưng ông lại bỏ ngang và sáng tác tiếp bản giao hưởng số 8Sinfonie C-Dur D 944 „Große Sinfonie C-Dur – Đại Giao Hưởng C-Dur “ vào năm 1825 (sau này in ra thì ghi là năm 1828). Rồi lại viết thêm bản giao hưởng Sinfonie-Entwurf D-Dur, D 936A (1828)chođến khi ông mất đi vào ba năm sau. Điều đó nói lên rằng, sau bản Giao hưởng số 7 Sinfonie h-Moll D 759 „Unvollendeteendete“này, Schubert còn có đủ thì giờ và sức lực trong 3 năm cuối đời để viết thêm 2 giao hưởng nữa, bên cạnh nhiều ca khúc khác. Tuy tác phẩm này mang tên Giao hưởng "Dở Dang" nhưng đây vẫn là một kiệt tác. Giao hưởng "Dở Dang" của Franz Schubert là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất ở khắp mọi nơi trong các chương trình âm nhạc biểu diễn giao hưởng.
Lịch sử văn học nghệ thuật cũng có ghi lại nhiều trường hợp tác giả có những tác phẩm cuối đời và không thể hoàn thành được vì bệnh hoạn hay mất đi. Nhưng ở đây, Sinfonie h-Moll D 759 „Unvollendeteendete“ không phải là tác phẩm cuối cùng của Schubert. Phải chăng việc để bỏ dở không viết tiếp hai chương còn lại cho bản số bảy này là ý muốn của danh tài âm nhạc Schubert?Mắc mớ gì mà hãng điện tử Huawei lại phải viết tiếp cho „chu toàn“. Khi tự ghép đuôi thằn lằn cho bản nhạc này Huawei muốn gì đây? Hay cũng là một kiểu lắp ráp, ghép thêm theo kiểu „đầu Ngô mình Sở“. Ai say mê âm nhạc cổ điển Tây phương mà không từng cảm nhận rằng, cũng những khung nhạc y như vậy, cũng bao nhiêu nhạc công ấy, chỉ cần một lần thay nhạc trưởng là đã âm nhạc sẽnghe khác xa. Thậm chí có khi chỉ thay người đàn solo là đã khác. Hay giàn nhạc giao hưởng ấy dời sang biểu diễn ở sảnh đường kháclà đã nghe ra khác. Ghép làm sao được đây? Franz Schubert từng trải qua một cuộc sống rất nghèo khổ, có khi phải „bán“ nhạc mình với giá rẻ mạt để sống, từng hết lòng yêu người màchẳng đượcngười yêu, vì nghèo quá.Chàng lại quá … yểu tử. Sau 31 nămlăn lộn trong cuộc đời giờ này nhạc sĩđã nằm yên dưới lòng đất lạnh ở Nghĩa trangTrung ương thành Wien (Der Wiener Zentralfriedhof). Xin để nhạc sĩ tài danh của nhân loại ấy yên nghỉ dưới nấm mồ. Đừng đem lòng cuồng tín vào khoa học mà khuấy động ồn ào nữa.Thiệt hết chỗ bàn. Bó tay!
Nói thế không phải tôi không ưa khoa học. Không, tôi thừa biết khoa học đã mang lại cho cuộc đời này nhiều bước tiến đáng kể. Khoa học đã tạo ra nhiều phương tiện hữu hiệu cải thiện nếp sinh hoạt của con người. Tôi lại đang làm việc tại một cơ sở có nhiều dự án nghiên cứu và cơ sở này cũng đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu y học đáng kể. Vì thế tôi cũng liên quan trách nhiệmít nhiều cho các công việc ấy – gián tiếp hay trực tiếp. Nhưng, giống như việc sử dụng một con daobén tốt, một người đầu bếp dùng nó để cắt gọt nấu ra những món ăn ngon, còn tên sát nhân có thể dùng nó để hại người. Tựu chung cũng ở ba chữ: tham sân si!
Do vậy, lòng này cũng xin có ít lời tâm sự cùng quý ông quý bà của Hoa Vi (Huawei) chút. Khi đặt tên cho hãng mình vậyvới cái Logolà mộtđóa hoa tám cánh màu đỏ, chắc mấy ông bà đã tự cảm nhận mình là hoa, hay ít nhất mình yêu quý hoa. Một đóa hoa đẹp không phải lúc nào mọi cánh hoa cũng phải trơn tru bằng phẳng, phải màu sắc giống hệt như nhau. Hoa đẹp vì mỗi đóa, mỗi cánh hoa có một vẻ cá biệt, một sắc màu riêng. Thiên nhiên là thế, thưa các ông các bà của hãng Hoa Vi (Huawei) kia ơi, xin nhớ lại giùm cho.
[ bốn ] Trí tuệ và Niềm tin Xin kể thêm câu chuyện vui này nữa.
Trong một chuyến xe lửa chạy về thủ đô Paris của Pháp. Toa xe nhỏ chỉ có hai người đàn ông, một già một trẻ. Chàng trẻ có dáng dấp như là một sinh viên còn người già thì có vẻ như một người trí thức. Họ ngồi yên lặng, thỉnh thoảng người này liếc mắt quan sát người kia. Khi xe vừa chuyển bánh, người lớn tuổi móc túi lấy ra một chiếc tràng hạt và miệng lâm râm cầu nguyện. Người trẻ tuổi chợt cất tiếng hỏi:
- Ồ thưa cụ, thời đại này mà cụ còn có thể tin vào những chuyện cầu nguyện mê tín lỗi thời này ư?
- Vâng! Tôi vẫn tin chứ. Còn cậu?
- Lúc còn nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ thì khoa học đã mở mắt cho tôi khám phá ra những chân trời mới.
- Ồ thật vậy sao! Vậy cậu có thể cho tôi biết chân trời mới ấy là thế nào không?
Người sinh viên nhanh nhảu trả lời:
- Xin cụ vui lòng cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi cho cụ một số tài liệu khoa học giải thích vấn đề này. Khi đọc xong tôi tin chắc cụ sẽ bỏ ngay những niềm tin vớ vẩn ấy.
Cụ già lục bên trong túi áo khoác của mình lấy ra một danh thiếp trao cho người sinh viên trẻ. Lướt mắt nhanh qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng tái mặt đi rồi lặng lẽ dời chỗ sang toa khác. Trên tấm danh thiếp ấy, những dòng đầu ghi tên: Louis Pasteur, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học Paris. ([3])
Quay lại chuyện khỉ quá ư là khỉ một lần nữa. Phim truyện Tây Du Ký thường để ông khỉ Tôn Ngộ Không luôn đi đầu của đoàn thỉnh kinh vì ông được xem là biểu tượng của cái „trí“. Lúc buồn vui hay lúc khó khăn, hoạn nạn ông đều là người đi đầu và hiến kế. Nhưng cũng có nhiều phen hoạn nạn xảy đến là do cái khỉ của ông khỉ này gây ra, làm thầy trò Đường Tăng tưởng chừng sắp mất mạng. Cái trí này của Ngộ Không là cái trí thường tình, có khi mang tính chất khôn vặt.
Nhà Phật gọi cái trí đích thực, cái hiểu biết chân chính tột cùng là cái hiểu biết thấy mọi hiện tượng „như thật“.Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong một bài viết trên nhà của anh đã gọi bằng mấy từ thật hay, là cái-biết-trước-cái-biết.Anh giải thích thêm, cái biết ấy chính là cái biết theo trí tuệ Bát Nhã (Prajna).Vì trong chữ Prajna,nghĩa củatừ Pra là trước, Jna là trí thức.Đây chính là cái thấy biết hiện tiền, thấy tròn đầy sự vận hành của pháp, không có sự can thiệp của cái ta tích cóp, cái ta học tập, cái ta thành kiến, cái ta tham lam sân hận ngu si.
Những ngày đầu tháng hai 2019 này, bà Angelia Merkel đã đến thăm Nhật Bản. Nhân chuyến công du này, trong tư cách là một chính trị giavới vai trò Thủ Tướng nước Đức, đồng thời cũng là một nhà vật lý, bà đã phát biểu một câu nói để đời, được tờ tuần báo của Hiệp Hội Kỹ Sư Đức - VDI Nachrichtenđăng tảilại như sau:“ Wenn ich aber einen Chip in mein Gehirn bekomme, damit ich schneller denken oder besser denken kann – bin ich dann auch noch derselbe Mensch? Wo endet mein Menschensein - Khi bộ óc của tôi được cấy vào đó một linh kiện Chip (linh kiện điện tử) để có thể suy nghĩ nhanh hơn hay suy nghĩ tốt hơn - liệu tôi có còn là tôi nữa không? Nhân loại của tôi đi về đâu?“. Một câu tuyên bố tuyệt diệu của một lãnh đạo quốc gia mà cũng đồng thời là nhà khoa học, từng là chuyên viên vật lý của Học viện Vật lý và Hóahọc ZIPC thời Đông Đức.Bà lại phát biểu ngay tại Nhật Bản, đất nước hàng đầu trong kỹ thuật điện tử. Tôi quátâm đắc về những nhận định này của bà Thủ Tướng nước Đức. Lại hãnh diện là mình được sốngtrên một xứ sở mà lãnh đạochính phủ biết chỗ nào là lằn mức của hiểm nguy để kịp thời đạp thắngdừng lại – trước khi chiếc xe lao vào vực thẳm.
Lòng ôm ấp nhữngbăn khoăncùngtư duy ấy, tôi hân hoan đón mừng ngày Phật Đản, ngày ra đời của một con ngườitrí tuệ, bậc Thầy của muôn loài chúng sinh.
Xin cung kính chắp tay đón chào một bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
--
Đức Quốc, Phật Đản lần thứ 2643, Phật lịch 2563 (Tây lịch 2019)
CHÚ THÍCH: ([1]) Chữ Ouvertüren tiếng Đức lấy từ chữ gốc tiếng Pháp là ouverture nghĩa là Khai mạc. Đây là phần hòa tấu nhạc cụ, gọi là Khúc Nhạc Khởi Đầu cho các chương trình sân khấu lớn như các vở nhạc kịch (Oper), múa Ballet hay khiêu vũ.
([2]) Việc đánh số thứ tự các bản Giao Hưởng này có khi khác nhau. Chúng tôi dựa theo tài liệu Wikipedia bản tiếng Đức.
([3]) Thuật lại theo Wikipedia tiếng Việt. Các giai thoại về Louis Pasteur.