Sau một thời gian dài tră trở suy nghĩ về con đường đi đến tương lai, tâm ý luôn giằng xé giữa tiến – lui mà không sao quyết đoán được. Vĩnh Thanh cứ như người đứng giữa con đường không tên, con đường vạn dặm, nhìn phía trước hun hút xa le lói ánh sáng nhưng không biết bao giờ có thể với tới được, nhìn về sau thì thăm thẳm mịt mù như sương khói che khuất cả lối đi. Vĩnh Thanh cứ như người mộng du giữa cuộc đời, những lý tưởng mãi lung linh nhưng sự thèm khát và đòi hỏi nhục dục của thân xác cũng riết róng khó cưỡng lại nổi.
**
Một ngày đẹp trời, Vĩnh Thanh lang thang vãn cảnh đó đây trong khu rừng quen thuộc, những lối mòn đã ghi sâu vào bộ nhớ nên có thể nhắm mắt đi cũng không lạc. Ấy vậy mà hôm nay tình cờ gặp một lão khách lạ cũng đang bách bộ một mình. Vĩnh Thanh đã là một thành viên của khu rừng này, xưa nay chưa từng thấy lão nhân này. Vĩnh Thanh nhìn sơ qua thì thấy lão ta hình dong cũng thanh tú, lịch lãm, đặc biệt đôi mắt lão ấy sáng như sao, phong thái ung dung chứng tỏ đây là một người bản lãnh và từng trải. Vĩnh Thanh dấn lên trước, chủ động chào:
- Xin chào vị khách lạ, có lẽ đây là lần đầu người ghé chơi nơi rừng này?
- Chào chú em, nếu bảo là lần đầu thì cũng đúng mà nói đã vô lượng lần ghé qua rồi cũng chẳng sai.
Vĩnh Thanh giật mình, nhìn thoáng thấy nụ cười nhẹ trên gương mặt xương rắn rỏi. Câu trả lời của lão nhân khiến Thanh thích thú vì chạm vào những tư tưởng thầm kín, ngôn từ và ẩn ý của lão nhân có gì đó mang phong vị thiền mà Vĩnh Thanh đã từng nghe hoặc là đọc từ sách vở. Vờ không hiểu, Vĩnh Thanh hỏi:
- Một khác với vô lượng, sao có thể nhập nhằng được?
- Thế mà chú em cứ nhập nhằng mới lạ! Chú em cũng là một mà cũng là vô lượng đấy thôi!
- Tôi không hiểu, xin lão nhân nói rõ hơn.
Lão ấy nhìn thẳng vao mắt Thanh, cười nhẹ, nét mặt tỏ vẻ không tin:
- Thật chú em không hiểu?
Nói xong chẳng đợi Thanh trả lời, ông ấy tiếp:
- Chú em là một nhưng tế bào tạo nên chú em thì vô lượng, không có vô lượng tế bào thì không có một chú em. Chú em cũng đã vô lượng lần đến đây nhưng chỉ đến mỗi một lần trong khoảnh khắc hiện tại mà thôi!
- Dạ thưa lão nhân, có phải là ý câu kinh một là tất cả, tất cả là một hay hột cải chứa núi Tu Di, núi Tu Di chứa hạt cải?
- Ta không biết, nếu chú em biết thì ngay tại đó, còn giả như không biết thì ta có nói vô lượng lần cũng vô ích.
- Thưa lão nhân, tại sao con có nhiều phiền não đến như thế? Làm thế nào để đoạn phiền não? Con vẫn nghe phiền não là bồ đề, nhưng rõ ràng phiền não khác xa với bồ đề.
Lão nhân cười toáng lên, âm thanh đầy nội lực, dường như làm lay động cả tán lá thông trên cao. Giọng cười lão nhân loang khắp đất trời, từng vòng tròn đồng tâm của song âm phủ khắp hư không. Lão nhân không nhìn Vĩnh Thanh, chân vẫn bước thong thả trên lối mòn. Trông ông ấy bước chân nhẹ như nai mà thần thái oai nghi như rồng, sư tử; dáng dấp gầy gò như lau sậy mà sao trông vững chải như tùng bách bên vệ đường:
- Phiền não có phải do duyên sanh không? Mà duyên sanh vốn không có tự tánh há chẳng phải là không! Bồ đề cũng do duyên sanh, hai cái đều không thì có phải phiền não là bồ đề không?
- Thật sự thì phàm phu mới có phiền não, Phật mới là bồ đề. Lý thuyết bảo phiền não là bồ đề sao chẳng tương ưng?
- Vì ngươi chấp tướng, phiền não là giả tướng do duyên sanh. Bồ đề cũng giả tướng do duyên sanh, thể tánh vốn là không. Tánh không chính là pháp thân, Phật và chúng sanh đồng một pháp thân, pháp thân không sanh không diệt. Phiền não và bồ đề là giả tướng, giả tướng có sanh diệt, sanh diệt là báo, hóa thân.
- Phiền não là phiền não, bồ đề vẫn là bồ đề, làm sao chuyển phiền não thành bồ đề?
- Ngươi chấp tướng nên phiền não, muốn chuyển phiền não thành bồ đề thì thiên hạ giữ giới, hành thiền, tụng kinh, thính pháp…
- Nếu con vì chấp tướng mà sanh phiền não, vậy người giữ giới tu học há chẳng phải chấp pháp sao? Đã chấp thì làm sao phiền não thành bồ đề được?
- Ngươi quả là phiền não thật! Các pháp cũng do duyên sanh, pháp là cái bè để nương đó mà qua sông, qua rồi thì bè cũng bỏ đi, hà cớ gì ngươi mãi vác trên vai?
- Thưa lão nhân, người có phải là thiền sư du phương chăng?
- Ta thì chẳng thiền cũng chẳng sư, chỉ là khách bộ hành qua chốn này.
- Vậy người từ đâu đến?
- Ta từ vô tận đến
- Người đi về đâu?
- Về nơi vô tận
- Xin người cho con biết tên được không?
- Ta cũng chỉ là một của vô lượng tế bào, bảo rằng một tên cũng được mà vô lượng tên cũng không sai. Ngươi cứ tạm kêu ta bằng cái giả danh mà người đời vẫn gọi ta là Vân Phong.
- Thưa sư phụ, người có thể nhận con làm đệ tử?
Lão nhân cười ngất, ngửa mặt lên trời cười như thể đất trời này chỉ có mình lão ta, hay là hư không này vốn trong túi của lão vậy. Từng tràng cười lùa đám mây trắng tụ lại rồi tản ra như thể người làm ảo thuật giữa không gian không biên tế. Bất chợt lão ngưng lại:
- Để làm gì?
- Con muốn theo sư phụ xuất gia, con muốn thoát khỏi phiền não!
- Ngươi lại ngớ ngẩn rồi, xuất gia sao hết phiền não được? Ngươi thử nhìn xem, thiên hạ bao nhiêu người xuất gia nhưng phiền não vẫn đầy ra đấy!
- Bởi vì họ không như pháp tu hành.
- Vậy ngươi có biết pháp chăng?
- Vì không biết nên mới xin theo thầy.
- Ta cũng chẳng có pháp nào để cho ngươi. Ngươi cũng chẳng cần xuất gia. Chỉ cần ngươi xuất khỏi chấp tướng thì lập tức xuất khỏi phiền não gia.
- Con đã tụng kinh, nghe pháp. Con phân vân vì có pháp sư bảo thế giới Tây phương không thật có.
- Hư không vô cùng tận, làm gì có đông – tây – nam – bắc. Nhưng hư không cũng không ngoài đông – tây – nam – bắc. Hư không vô cùng tận, làm sao có Tây phương với Sa Bà nhưng Tây phương với Sa Bà cũng không ngoài hư không, ngươi không thấy vậy sao?
- Thế thì không trụ vào Tây phương cũng chẳng trụ Sa Bà, vậy thì trụ vào đâu?
- Nghĩ trụ vào đâu lại càng sai, có chỗ nào trong hư không để trụ sao? Tất cả do duyên sanh, duyên sanh không tự tánh thì lấy gì để trụ, trụ vào đâu?
- Thế mà phàm phu trụ vào ngũ dục lục trần còn Phật và bồ tát trụ vào bồ đề.
- Ngươi quả là quá hồ đồ và rắc rối, đã bảo là duyên sanh không tự tánh thì làm sao trụ? Ngươi bảo đã từng xem kinh há chẳng từng nghe “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”?
- Biết là không nơi để trụ nhưng vì mê vọng trụ vào nơi không thể trụ nên mới phiền não, e rằng đời này đọa mất thôi! Vì vậy mà con mới mong theo sư phụ.
- Ngươi quả là điên đảo mộng tưởng giữa đời, nếu đã đọa thì ngươi theo ta vẫn đọa như thường, cầm bằng không đọa thì không theo ta vẫn không đọa, sự thể đã thế theo ta phỏng có ích gì?
Vĩnh Thanh lúng túng cực độ, bao nhiêu ngôn từ, sở học bấy lâu nay bị lão nhân làm cho tiêu tán hết trong chốc lát. Vĩnh Thanh từng tự hào với mớ kiến thức cóp nhặt tích lũy bao nhiêu năm giờ hóa ra chỉ là mớ xà bần của thiên hạ bỏ đi. Tất cả tan biến không khác gì hơi sương mây mù gặp phải cơn gió xuân thổi qua. Phiền não trong lòng tuy chưa hết nhưng tâm ý tự dưng rỗng rang và thênh thang quá đỗi. Khoảnh rừng này quen thuộc như lòng bàn tay vậy mà giờ mở ra như thể vô cùng tận. Không gian chợt xán lạn chẳng khác cõi địa đàng. Nắng xuân xuyên qua tán lá rừng biến hóa muôn hoa trên mặt đất. Vĩnh Thanh nhanh nhẹn bước tới phía trước và quỳ gối chặn lão nhân:
- Sư phụ, dù người không thâu nhận con vẫn cứ là đệ tử của người!
Vân Phong lão nhân vỗ vai Vĩnh Thanh:
- Ngươi quả thật là tay ngốc tử! Ta và ngươi vốn là thầy trò từ vô lượng kiếp nào phải một lần trong khoảnh khắc này. Thế tên ngươi là gì?
- Dạ, Vĩnh Thanh
- Một cái tên khá hay và đẹp nhưng Vĩnh Thanh không phải là ngươi, không của ngươi, chẳng ngươi. Về bản thể là thế; còn về giả tướng Vĩnh Thanh chỉ hợp với ngươi một nửa, nay ta cải cho ngươi là Lãng Thanh.
Vĩnh Thanh sung sướng, tâm trí bay bổng lâng lâng, cả người như thể trong trạng thái chơn không. Giọt lệ hạnh phúc cùng cực nhỏ xuống. Lãng Thanh hôn bàn chân lão nhân:
- Tạ ơn sư phụ
- Ta biết ngươi nhìn đời là bể khổ nên muốn xuất gia nhưng ta bảo cho ngươi biết: Người ngoài đời khổ họ còn biết khổ. Nhiều người xuất gia rồi vẫn cứ khổ như thường, cái sự nguy tai ở chỗ họ khổ mà không biết rằng khổ, thân xuất gia nhưng tâm chẳng xuất. Ngày ngày bọn họ mưu cầu danh văn lợi dưỡng, toan tính thiệt hơn tiền bạc cúng dường, quy phục quan gia, cầu cạnh thế lực thế tục, kéo bè kết cánh, lập môn dựng phái… làm toàn chuyện phiền não thì làm sao xuất khỏi phiền não gia được? Tam giới gia lại càng không có cửa ra. Bọn họ tự trói mình vào sanh tử luân hồi. Ngươi không cần phải xuất gia, cứ đi trên con đường ngươi đang đi. Ta và ngươi đi hai con đường khác nhau nhưng đích đến thì không khác. Ta là sư phụ của ngươi nhưng hai chúng ta cùng thờ một thầy. Thời gian lãng đãng phong trần, khi chưa thể ra khỏi sanh tử luân hồi thì ta còn gặp nhau trên quảng đường vô tận ở thế gian.
- Tạ ơn sư phụ, người là thầy của con từ vô lượng kiếp, vô lượng kiếp tụ lại một khoảnh khắc này. Tướng giả tánh không, nhưng cái tướng giả của sư phụ là cả một thần tượng vô cùng trân quý, không chỉ mỗi mình con mà thiên hạ cõi này đều một lòng cung kính sư phụ.
Lão nhân cốc đầu Lãng Thanh:
- Tên ngốc tử Lãng Thanh này, ngươi cứ nói như một con két, nhai lại chẳng khác một con bò! Ngươi đứng bên giếng nước mát trong mà không uống thì cũng vô ích thôi. Hãy lấy gàu múc nước lên mà uống và bước đi, đừng ngồi trơ ra đó nói xàm!
Dứt lời, lão nhân Vân Phong phẩy tay đi như thể lúc đến, phút chốc đã ra khỏi khu rừng. Từ trong rừng nhìn theo, Lãng Thanh thấy thấp thoáng bóng người cuối chân trời. Từ nơi chân trời bỗng nhiên xuất hiện cầu vồng vô cùng lộng lẫy, vòng cung cầu vồng như thể cửa không mở ra giữa vũ trụ bao la. Dáng lão nhân lồng trong khung cầu vồng hay là người đang cất bước nhập vào không môn? Lòng Lãng Thanh đầy nghi hoặc, toàn thân bất động, đứng sững sờ nhìn cảnh tượng như thật như mơ.
**
- Vĩnh Thanh, Vĩnh Thanh!
Mắt nhắm mắt mở lơ mơ ngái ngủ nghe có tiếng kêu tên mình, trong giây phút ấy dường như ai đó đang lay vai vỗ má. Vẫn chưa tỉnh hẳn, Vĩnh Thanh ngơ ngác:
- Vĩnh Thanh nào? Tôi là Lãng Thanh kia mà!
Hoa Dung cười ngặt nghẽo:
- Đúng là lãng Thanh! Anh đang mớ ngủ phải không? Đóng sách lại, vô giường ngủ rồi mai đọc tiếp.
Vĩnh Thanh không trả lời, Hoa Dung lại cười:
- Sao mà hay quá vậy ta, anh quả thật Lãng Thanh hơn là Vĩnh Thanh.
Tiểu Lục Thần PhongẤt Lăng thành, 0325