Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tùy bút Lưu An »» Những giai thoại kỳ thú giữa tôi và rượu - Phần 2 »»

Tùy bút Lưu An
»» Những giai thoại kỳ thú giữa tôi và rượu - Phần 2

Donate

(Lượt xem: 3.632)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Những giai thoại kỳ thú giữa tôi và rượu - Phần 2

Font chữ:

5.- Người hàng xóm họ Lưu Linh.

Trước khi dọn đến căn nhà hiện tại, gia đình chúng tôi sống ở khu nhà “xếp hàng liền kề “ (reihen Haus) của chính phủ, không có nhà để xe, nên cư dân phải đậu xe dọc theo con đường gần nhà. Một hôm, trời đã xâm xẩm tối, gia đình chúng tôi đang quây quần quanh chiếc bàn ăn, thình lình có tiếng gõ cửa gấp rút. Ông hàng xóm cũng là cư dân của khu nhà, báo cho tôi biết đang lúc đi dạo gần nhà tôi. Ông đã nhìn thấy một chiếc xe microbus trong lúc quay vòng xe, có thể vì mất tay lái nên đâm vào xe cuả tôi đang đậu bên vệ đường rồi phóng xe chạy mất. Trời quá tối mà chiếc xe gây tai nạn lại chạy quá nhanh cho nên ông đã không nhìn được số xe.

Cả gia đình vội vàng bỏ dở bữa cơm cùng ông ta chạy vội ra nơi tai nạn. Vết trượt của bánh xe gây tai nạn vẫn còn in rõ trên mặt đường, cánh cửa bên trái chiếc xe của tôi bị móp sâu vào cùng với vài lỗ thủng nhỏ do chấn ép tạo ra.

Có lẽ nhìn thấy cảnh vợ con của tôi ngơ khác, không vui vì sự không may mắn. Ông hàng xóm giúp tôi gọi cảnh sát và đứng tên làm chứng cho tai nạn. Nhờ vậy những thủ tục đền bù sau này của công ty bảo hiểm cho tôi được dễ dàng trôi chẩy, hoàn toàn không có gì khó khăn. Cũng từ sự giúp đỡ đó chúng tôi và vợ chồng ông ta trở nên quen biết thân tình hơn.

Vài ba tháng sau đó, gần cuối hè, giàn nho trắng Riesling trong vườn nhà tôi gặp năm được mùa, đầy đặc những chùm nho nặng trĩu, mùi thơm toả khắp cả khu vườn. Nhớ đến sự giúp đỡ của người hàng xóm tốt bụng, khoảng sau giờ cơm trưa, với chiếc bánh hạt dẻ do vợ tôi tự làm cùng một rổ nho trắng mới hái, tôi đem trả ơn sự giúp đỡ của ông ta. Cả hai vợ chồng ông hàng xóm có chút ngạc nhiên và cảm động khi nhận món quà của tôi, họ đưa mắt kín đáo nhìn nhau rồi vui vẻ mời tôi vào phòng khách.

Sau khi kéo ghế cho tôi ngồi, ông chồng hỏi tôi có muốn uống tí rượu với vợ chồng ông ta không? Dĩ nhiên tôi rất vui lòng, cũng không quên cho ông biết, dù thích và biết tí chút về rượu nhưng tửu lượng của tôi rất rất yếu. Sau vài câu chấn an, ông mở tủ lấy ra một chai rượu vang đỏ cùng với 3 cái ly cho tôi và vợ chồng ông ta.

Nhìn thoáng qua chai rượu Hallauer, tôi cũng có chút hiểu biết về sản phẩm khá nổi tiếng của tiểu bang Schaffhausen cực bắc Thuỵ Sĩ, Loại rượu này được sản xuất từ loại nho Pinot noir và được làm gia tăng mùi vị ,mầu sắc với vài loại berries có mầu đỏ hay đen ( roten & schwarzen Beeren). Thêm vào đó một ít hoa Hop, loại hoa dùng trong kỹ nghệ làm bia để tạo ra vị đắng cho bia. Chính vì vậy loại rượu này có mùi thơm, khá ngọt của nho Pinot noir, mầu đỏ đậm của berry, kèm theo tí vị đắng rất nhẹ của hoa Hop.

Trong cuộc uống rượu, nhâm nhi với vài loại fromages, chúng tôi nói chuyện qua nhiều lãnh vực. Nhưng có lẽ đề tài về rượu được chúng tôi thích và nói nhiều nhất. Khi nghe ông ta vanh vách nói ra đặc tính của từng loại nho, nơi sản xuất, phụ vật cũng như những tiểu xảo trong kỹ thuật sản xuất rượu… đã làm tôi ngạc nhiên đến nỗi ngẩn ngơ, cảm phục. Dù với chức vị là trưởng ban thanh tra tại trung tâm kiểm tra xe cơ giới của tỉnh Zuerich. Nghề nghiệp của ông hoàn toàn không liên quan gì đến kỹ thuật biến chế cũng như phẩm chất của rượu, nhưng đã làm tôi cảm mến, phục tài. Nhờ ông tôi biết thêm được khá nhiều về kỹ nghệ và tiểu xảo trong sản xuất rượu. Lúc chia tay tôi mời vợ chồng ông ta đến nhà tôi ăn cơm tối vào cuối tuần sau.

Đúng hẹn, hai ông bà đến nhà tôi, ngay tại cửa ra vào, ông đưa tận tay vợ tôi hộp chocolate Thuỵ Sĩ thượng hạng Lindt rồi theo tôi vào phòng khách. Ông im lặng để 2 chai rượu Pháp cùng tên “ La Petite Chapelle, Paul Jaboulet Ainé “ . Cả hai chai cùng năm đóng chai nhưng mầu e-ti-két lại khác nhau lên bàn salon. Có chút ngạc nhiên, nhưng tôi cũng chẳng thắc mắc vì sao có sự khác biệt giữa hai chai rượu và ông lại để nó lên bàn mà không đưa cho tôi như một món quà tặng.

Có lẽ nhìn thấy sự ngạc nhiên của tôi, ông đưa tay xoay nhẹ 2 chai rượu , giải thích cho tôi biết. Đó là hai chai rượu được sản xuất từ 90% nho Syrah cùng với 10% là nho Roussanne và Marsanne của vùng Rhône bên Pháp. Người ta còn cho thêm vào một số phụ phẩm để tạo mùi vị, mầu sắc từ nhiều loại berries của địa phương. Rượu được ủ trong những thùng gỗ sồi trong hầm ủ rượu khoảng 3- 4 năm mới được đóng chai và mang ra thị trường.

Đặc biệt mỗi năm công ty chỉ đóng một số lượng chai cố định để giữ giá cả và tăng sự tín cậy của giới tiêu thụ. Rượu còn lại, chưa bán hết, ít hay nhiều trong những thùng ủ được gom chung lại trong một hay hai thùng ( nếu còn nhiều ). Thùng rượu gom lại này tiếp tục để trong hầm ủ rượu cho rượu “ chín hơn “ rồi một hay vài ba năm rượu đó được đóng chai một lần nữa . Rượu này ngon và mắc hơn rất nhiều so với chai rượu bình thường, dù chúng được đóng chai cùng năm, cùng tên rượu nhưng chỉ khác mầu ê-ti-két ! Ở Thuỵ Sĩ nhiều cơ sở sản xuất rượu cũng bắt chước công ty “ La Petite Chapelle , Paul Jaboulet Ainé “ thu gom rượu cũ không bán hết, tiếp tục ủ rượu thêm một hay 2 năm rồi đem đóng chai. Nhưng Thuỵ Sĩ không dùng mầu sắc của ê-ti-két để phân biệt 2 loại rượu cùng tên như Pháp mà viết trên ê-ti-két một chữ : “ Auslese Wine “ có nghĩa là “ rượu lựa chọn” . Chai rượu Auslese này dĩ nhiên mắc hơn, ngon và đậm đà hơn chai rượu bình thường.

Sau khi giải thích xong, ông ta cho biết, trong cuộc gặp mặt vừa qua. Thấy tôi rất thích tìm hiểu về rượu và cũng có kiến thức về rượu nên cũng muốn cho tôi phân biệt được sự khác nhau của 2 chai rượu “chị em” này. Với lời giải thích đó, tôi cảm động trong ngạc nhiên khi biết rõ thành ý quá tốt của ông, muốn giúp tôi hiểu sâu thêm về “ RƯỢU”. Món ăn chơi mà tôi đã có khá nhiều dịp tiếp cận từ ngày còn ở VN, Nhật bản, nhưng vẫn vô duyên làm kẻ tâm giao! Cho đến khi sang Thuỵ Sĩ tôi mới thực sự hiểu và cảm nhận được sự ngọt bùi của nó !

Cũng từ sự thân tình đó, rất nhiều lần ông đã rủ tôi đi tham dự những lễ hội về rượu tổ chức tại Thuỵ Sĩ như Wine Expose hay Master of Wine ..v..v.. Trong những lần đi thử rượu đó ông đã hướng dẫn, giải thích cho tôi những điều căn bản để nhận biết sự khác biệt từ nhiều loại rượu trên thế giới. Nhờ ông, tôi đã có thêm kiến thức để phân biệt được sự khác biệt của những loại rượu được chế biến từ một loại nho nhưng khác nhau về khí hậu, độ ánh sáng của từng vùng miền. Cũng nhờ ông tôi cảm nhận được sự khác biệt từ cùng loại nho nhưng lại thu hoạch thời gian khác nhau. Thu hoạch sớm khi nho chưa chín rộ, trái nho còn khá tươi, độ ngọt ít cho ra loại rượu ít ngọt và mùi thơm của rượu cũng ít hơn. Ngược lại với cùng loại rượu nhưng chế tạo từ nho thu hạch cuối mùa, không khí đã khá lạnh. Nho ngọt hơn vì chất đường của nho cô đặc hơn ngoài ra còn nhờ một loại nấm đặc biệt sinh ra ở bên ngoài của nho chín tạo ra mùi vị của rượu ngon hơn.

Tóm lại, tôi đã học được rất rất nhiều từ ông hàng xóm tốt bụng và rất giỏi về rượu! Đôi khi bước vào văn chương thi phú, có lúc tôi so sánh ông với Lưu Linh, trong nhóm “Trúc lâm thất hiền” thời Tây Tấn bên Tầu. Một danh nhân rất mê say, tôn vinh vẻ cao qúi của rượu. Nhưng tiếc rằng tôi không phải Kê Khang, bạn tri kỷ của Lưu Linh, người thi sĩ tài danh với những vần thơ trác tuyệt mà cụ Nguyễn Du đã dùng nó diễn tả tài đánh đàn của nàng Kiều trong tác phẩm của cụ:

Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thuỷ, hai rằng hành vân.

Sau đó khoảng 3,4 năm, khi gia đình tôi dọn nhà đến địa chỉ hiện nay, chúng tôi và vợ chồng ông hàng xóm “Lưu Linh “ vẫn gặp nhau ăn uống vào các dịp cuối năm hay lễ hội của thành phố. Nhưng trong một lần, tôi vô tình đọc tờ báo hàng tuần của thành phố. Trong mục danh sách người Thuỵ sĩ muốn xin vào hay xin ra khỏi cư dân của Zuerich, cũng như danh sách những đứa bé mới sinh ra hay người của tỉnh vì lý do gì mà chết. Tôi đã bàng hòang, không thể tin vào tờ báo khi thấy tên của ông trong danh sách người chết. Vội vàng tôi điện thoại cho vợ ông, đúng là sự thật đau buồn! Bà vợ cho tôi biết vài tuần lễ trước trong lần đi leo núi, có thể vì vướng vào một cành cây khô, hay vì trượt chân ở góc đường dẫn lên cây cầu bắc ngang hai chỏm núi. Ông đã chết khi rơi xuống vực. Một tin rất buồn! Tôi đã mất một người bạn tâm giao và cũng là người thầy đã cho tôi những kiến thức về Rượu.

6.- Ông già Samichlaus với chai rượu trong mơ.

Một số quốc gia Âu châu như Đức, Thuỵ Sĩ, Áo…trong tháng 12 dương lịch có 2 dạng thức tặng quà Giáng sinh khác nhau về thời gian, ý nghĩa cũng như nội dung món quà tặng. Vào ngày 6 tháng 12 quà tặng có tính cách món ăn như: táo, quýt, đậu phụng, chocolate, một số hạt, củ sấy khô như trái sung, hạt óc chó, vài loại bánh ..v..v.. người cho quà có tên là ông già Samichlaus.

Còn buổi tối ngày 25 tháng 12, món quà tặng thường to lớn, giá trị hơn mang tính cách ước mơ hay yêu cầu của người nhận. Các món quà này do ông già Noel ( Weihnachtsmann) đem đến có chút kín đáo, bí mật hơn. Trẻ con thường nghĩ ông già Noel đã nghe lời ước muốn của chúng ( Đồng hồ, máy tính, đồ chơi, quần áo ..v..v.. ), đêm 25 tháng 12 ông sẽ theo ống khói vào nhà mang món quà ước mơ của chúng đặt trên đầu gường hay treo trên cây thông gần lò sưởi….

Cả hai ông gìa đều mặc áo choàng và mũ hình chóp bằng nỉ mầu đỏ. Tóc, râu của các ông đều bạc trắng. Một cái chuông treo lủng lẳng vào thắt lưng tạo ra tiếng leng keng khi di chuyển. Một tay cầm cuốn sổ ghi những điều tốt xấu của đứa bé nhận quà trong năm qua. Tay kia cầm chiếc gậy để chống. Thắt lưng còn cài thêm một cái roi bằng bó cây nhỏ để ông trừng phạt những đứa trẻ xấu ..v..v.. Cả hai ông già Samichlaus và Noel, được giúp sức bê đồ tặng hay sai bảo bởi một người trẻ mặc áo nâu gọi là thằng nhem nhuốc ( Schmutzli).

Khi chúng tôi dọn đến căn nhà mới được khoảng 4 năm thì căn nhà kế cận được phá đi để xây thành một căn nhà 4 tầng sang trọng, mỗi tầng cho một gia đình. Tầng cao nhất, chủ nhân là một cặp vợ chồng không có con. Ông chồng hơn tôi 5 tuổi, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng Thuỵ sĩ ngay trung tâm thành phố. Dù đã quá tuổi hồi hưu nhiều năm, nhưng đến nay (2017) ông vẫn được ngân hàng lưu dụng, chỉ làm việc bán thời gian, 2 hay 3 ngày một tuần.

Có lẽ hàng ngày từ trên cao nhìn xuống, vợ chồng họ thích thú với khu vườn đầy hoa cùng với những đứa bé Nhật bản dễ thương, ngoan ngoãn mà vợ tôi dậy học, đã làm cho họ muốn thân cận với gia đình chúng tội. Ngay khi mới dọn đến được vài ba tuần vợ chồng họ đã sang thăm và cho quà chúng tôi. Qua nói chuyện, tôi mới biết họ không có con, thuộc thành phần giầu trong xã hội. Ngoài căn hộ sang trọng này họ còn 2 căn nhà nghỉ ( ferien Hause ) ở Davos và Andermatt là những địa danh trượt tuyết nổi tiếng của Thuỵ Sĩ. Thú vui của họ là trượt tuyết vào mùa đông hay xuân tại Thuỵ sĩ còn mùa hè hay các mùa khác, họ đi lịch khắp thế giới chơi golf.

Ngay trong năm đầu tiên, đúng ngày 6 tháng 12, bà vợ ghé vào nhà, cho chúng tôi mấy chai rượu vang và chocolate. Nhận món quà khá to của họ đã làm chúng tôi suy nghĩ, chưa biết hồi trả ra sao. Vài hôm sau chúng tôi lại nhận được tấm thiệp xuân của họ kèm theo lời mời đêm Noèl đến nhà họ dự mừng Christmas cùng với 3 gia đình trong chung cư của họ.

Chẳng còn lý do từ chối, chúng tôi đành “ bóp bụng ” bỏ tiền ra mua một chai Champagne Imperial brut “Moèt & Chandon “ kèm theo một hộp chocolate Lindt khá mắc đem làm quà trao đổi ! Trong bữa tiệc hôm đó với chút ngạc nhiên, tôi được quen biết một người Thuỵ Sĩ khác, ở tầng trệt của căn nhà. Ông ta đã sang Việt nam nhiều lần tại các tỉnh vùng cao nguyên trung phần như Lâm Đồng, Kontum, Pleiku… để nhập cảng cafe Robusta của VN cho Thuỵ sĩ..

Thành thật những chai rượu mà chủ nhân mở ra đãi khách trong bữa tiệc mừng Giáng sinh đó. Tôi chỉ vừa nhấp miệng đã cảm nhận được cái ngon rất mềm mại của rượu, nhất là trình độ thưởng thức, yêu rượu của chủ nhà. Nhưng thành thật chai rượu đó ngon đến mức độ nào trong thế giới rượu tuyệt hảo thì tôi không và chưa có khả năng xét đoán được. Nhìn chủ nhân với cách uống từ tốn, hoà nhã, cẩn thận khi rót rượu cho khách. Khách mời thì chậm rãi thưởng thức từng ngụm rượu. Vài người khách cầm chai rượu lên, xoay xoay ngắm nhìn tên rượu, gật gù với vẻ đắc ý … Tất cả những cái đó cho tôi hiểu rằng đó là những chai rượu thuộc hàng thượng hạng và khách mời cũng là những người biết thưởng thức về rượu.

Cứ thế, cả chục năm qua rồi, năm nào vào ngày 6 tháng 12 , khi thì ông ta, khi thì bà vợ, khi thì qua bưu điện (nếu họ không ở Thuỵ Sĩ ), họ luôn luôn mang hay gửi quà cho gia đình tôi. Chính vì thói quen đó chúng tôi đã gọi họ là ông già Samichlaus. Còn chúng tôi cũng chuẩn bị dụng cụ để làm một khay khá lớn Sushi rất trong sạch và tươi ngon mang sang góp chung vào cuộc vui với mọi người trong bữa tiệc giã từ năm cũ ( Bonenkai ) hay chào đón năm mới (Shinnenkai) tuỳ thuộc vào ngày mà họ mời chúng tôi tham gia.

Cách đây 4 năm, vào buổi tối ngày 6 tháng 12 chính “ ông Samichlaus” đem quà đến cho chúng tôi như mọi năm. Nhưng đặc biệt năm đó, khi đưa cho tôi một chai rượu, ông ta nhìn tôi có chút ngại ngần và nói với tôi:

-Đây là một chai rượu rất ngon, rất đặc biệt, một khách hàng đã tặng cho tôi. Tôi đem tặng ông bà với một đề nghị là khi nào ông bà rất vui vẻ, thích thú hãy mở nó ra thưởng thức. Xin đừng đem cho ai.!

Nghe ông ta nói, chúng tôi cũng chỉ biết tỏ lòng cảm động nhận món quà đặc biệt cùng với lời hứa chắc là sẽ làm như ông ta căn dặn. Rồi trong một dịp nói chuyện với người bạn trai của con gái tôi, gia đình anh ta có một cơ sở buôn bán rượu ở một tỉnh khác. Tôi tò mò và nhờ họ thẩm định giá cả của chai rượu. Chỉ với vài thao tác trên điện thoại, anh ta cho biết chai rượu có trên thị trường giá là 450 Euro ( khoảng 540 Sfr hay USD!)! Đúng là một món quà ngoài sức tưởng tượng, dù chỉ là một chai rượu!

Tôi đã để chai rượu dưới hầm rượu suốt 2 năm trời, nhiều lần muốn đem ra thưởng thức, nhưng lại nghĩ quá phí phạm cho hai người, nhất là tửu lượng của tôi chỉ khỏang một ly nhỏ! Nhưng sau đó vào mùa hè vợ chồng người bạn Nhật thâm giao với gia đình tôi sang chơi. Trước đây khoảng 10 năm ông chồng là hiệu trưởng trường học Nhật tại Zürich ( Japanische Schule in Zürich). Sau khi hết nhiệm kỳ 3 năm ông trở về Nhật, được ít năm ông rời bỏ bộ giáo dục Nhật, chuyển sang làm trưởng phân bộ ấu nhi và nhà trẻ cho một công ty giáo dục tư thục tại thành phố Yokohama Nhật bản. Cũng trong dịp này chúng tôi mời luôn bà hiệu trưởng đương nhiệm của trường học Nhật cùng đến nhà chúng tôi ăn cơm tối.

Đúng là một dịp để vợ chồng tôi đem món quà đặc biệt, mắt tiền của “ông Samichlaus” ra xử dụng. Trước khi mở chai rượu tôi nói cho mọi người biết rõ giá trị của chai rượu để mọi người cùng thưởng thức và nhận xét xem sao! Dĩ nhiên với một chai dành cho 5 người được coi là quá nhẹ.

Sau khi cả 5 người nhấm nháp rất cẩn thận chai rượu với thịt nướng, người nào cũng tấm tắc khen ngon và cám ơn rối rít vì nhờ tôi mà họ được thưởng thức một loại rượu trong mơ ! Cuối cùng tôi nói với mọi người :

-Dĩ nhiên với giá mắc như vậy thì phải là một loại rượu siêu hạng rồi, khỏi cần bàn cãi. Nhưng nói thật chữ NGON, chữ TUYỆT VỜI dù ở mức nào, tôi cũng không bao giờ bỏ ra món tiền to như vậy để mua nó, hoạ chăng tôi là kẻ thần kinh hay ngu dại !

Tất cả mọi người cười vui! Ông bạn Nhật bản thâm giao của tôi cười to, dí dỏm :

-Thì đó cái ngon, cái tuyệt vời của nó chưa đáng giá tiền nhưng thêm vào niềm vui vì đã được uống một chai rượu duy nhất trong đời thì đáng giá rồi phải không ?!

7.- Một người bạn mới quen nhờ rượu.

Dù đã có nhiều dịp sang Mỹ, nhưng California, thủ phủ của người Việt ở Mỹ vẫn xa lạ với tôi. Cho mãi đến mùa thu năm 2015 khi đã thực nghỉ hưu tôi mới có dịp dẫn vợ sang ra mắt và thăm viếng nhóm bạn cùng học với tôi ngày xưa ở Sàigon. Ngại ngần không muốn làm phiền đến cuộc sống bận rộn của bạn bè. Qua dịch vụ du lịch “ Air B & B “, chúng tôi thuê được một căn hộ ( apartment ) tiện nghi, sạch sẽ và khá rộng rãi, trong một khu trí thức, yên tĩnh của San jose. Chủ nhà là một cặp vợ chồng người Mỹ rất thân thiện, chồng một kỹ sư điện tử, vợ là thư ký của đại học địa phương.

Một hôm trời rất đẹp, ngồi trong nhà, qua khung cửa sổ, nhìn ánh nắng chiều chói chang bao trùm cả khu vực rộng lớn, hiền hoà yên tĩnh nơi cư ngụ. Chúng tôi bàn với nhau, làm một cuộc đi dạo, tạt qua những khu vực sầm uất mà nhiều lần chúng tôi đã nhìn thấy khi đi xe bus hay taxis. Đi loanh quanh ngắm nhìn những ngôi nhà đẹp đẽ đứng riêng biệt giữa những khu vườn rộng rãi, xanh tươi, tạt vào vài nơi buôn bán nho nhỏ của khu vực. Được một lúc, cảm thấy đã đến lúc phải về nhà. Nhìn đâu đâu cũng thấy giống nhau! Lúc đó chúng tôi mới nhận ra, đường phố, nhà cửa ở các khu nhà riêng biệt tại Mỹ không dễ dàng phân biệt cho những người chưa quen thuộc.

Kết quả với cả tiếng đồng hồ mò mẫm chúng tôi mới tìm được đường về nhà, lúc buổi chiều đang chuẩn bị nhường chỗ cho cái nhá nhem buổi tối. Vừa mở chiếc cổng gỗ của căn nhà. Vợ chồng người chủ nhà cùng với bốn người khác đứng tuổi hơn đang quây quần quanh chiếc bàn gỗ ở góc vườn ăn uống. Nhìn thấy chúng tôi, với vẻ lếch thếch vì mệt mỏi, cả hai vợ chồng chủ nhà vui vẻ giơ tay chào và hỏi lý do. Tôi cho họ biết vì thích lang thang ngắm nhìn cái yên tĩnh, thanh bình của khu vực mà lạc đường.

Người chồng tỏ vẻ lo lắng, cho chúng tôi biết, chính sự vắng vẻ, rất ít người qua lại mà khu vực đã xẩy ra khá nhiều những vụ cướp bóc, trấn lột. Ông khuyên chúng tôi không nên sai lầm khi nghĩ Mỹ giống như Thuỵ Sĩ, nơi mà ông ta đã có một lần thăm viếng khi còn là sinh viên. Rồi tiếp theo là những câu trao đổi vu vơ liên hệ vài địa danh của Thuỵ Sĩ nơi mà ông đã có ít nhiều cảm mến.

Hình như, câu chuyện giữa tôi và ông chủ nhà làm cho tất cả người khác thích thú lắng nghe. Một người đứng tuổi ( sau này tôi mới biết ông ta là bố của chủ nhà ), rót rượu vào hai chiếc ly, rồi ra dấu mời vợ chồng tôi uống. Trong khi chúng tôi đang lưỡng lự, ông chủ nhà đứng dậy vui vẻ tiến đến nắm tay kéo tôi đến chiếc bàn đã có hai khoảng trống mà mọi người đã dành cho chúng tôi.

Cầm ly rượu, chỉ nhấp một ngụm nhỏ, tôi khá ngạc nhiên với vị ngọt rất đậm đà kèm theo mùi thơm thoang thỏang của dâu đất. Tôi chép nhẹ vài tiếng như nuốt trọn cái ngon ngọt của ngụm rượu, gât đầu nhẹ, đưa tay cầm lấy chai rượu lên xem. Ê-ti-két mầu nâu in đậm hàng chữ : “ Conn Creek Herrick “ Napa Valley, California, 2013.

Người chủ nhà đưa mắt theo dõi thái độ của tôi, cho đến khi tôi bỏ chai rượu trở lại bàn, ông ta hỏi tôi:

-Ông thấy sao? Chắc không tệ lắm phải không ?

Nhìn trở lại ông ta, tôi gật gù tỏ vẻ thích thú, cho ông ta biết đây là một loại rượu mà tôi nghĩ thuộc hạng rất ngon. Ngon đến mức làm tôi ngạc nhiên. Tôi diễn tả cái cảm khoái của tôi với mùi vị kèm theo cảm giác đậm đà rất êm nhẹ khi nuốt rượu qua cuống họng.

Thế là cuộc nói chuyện của chúng tôi được chuyển sang đề tài về rượu. Qua ông ta tôi được biết khá nhiều về các loại rượu vang nổi tiếng được sản xuất tại miền Bắc và miền Trung California. Napa là vùng trồng nho rất nổi tiếng thuộc bắc Cali, hai loại nho Merlot và Cabernet Sauvignon được trồng nhiều nhất tại đây. Chính hai loại nho này được dùng phần lớn cho kỹ nghệ làm rượu của miền Bắc Cali. Rượu ở đây đậm đà về mùi vị nhưng trong nho có tỷ lệ đường hơi ít. Để gia tăng độ ngọt của rượu nhà sản xuất thường thu hoạch nho muộn hơn cũng như dùng trái táo đen chín ( prune ), dâu đất (strawberry) và một vài loại berries cùng với đường saccharose làm những chất phụ gia.

Còn vùng trung Cali ( Central coast) cũng là vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng, rộng nhất nước Mỹ chạy dọc theo bờ biển. Pinot noir là loại nho được trồng nhiều nhất ở đây, là loại nho để sản xuất rượu vang của vùng này. Với loại nho Pinot noir nên rượu vang đỏ ở vùng này có mầu rất đỏ đậm, độ ngọt cao, mùi vị đậm đà và cũng là loại rượu vang của Mỹ xuất cảng sang Âu châu nhiều nhất.

Đúng lúc ông chủ nhà hỏi tôi về một loại rượu mà ông đã được uống trong lần du lịch Thuỵ sĩ nhiều năm về trước, khi còn là sinh viên. Sự thắc mắc của chủ nhà đã nhắc tôi nhớ đến bốn chai rượu Thuỵ Sĩ mà chúng tôi đã mang theo trong lần du lịch này, vẫn còn sót lại một chai trên phòng ngủ, chưa kịp cho ai. Nhìn sự thân thiện tiếp đãi của họ, nhất là cảm phục kiến thức của họ về rượu. Tôi lên phòng mang chai rượu cuối cùng còn sót lại để cùng họ nhập cuộc vui.

Đó là một chai rượu vang đỏ của Thuỵ sĩ ” Le Muzot “một sản phẩm rất độc đáo của tiểu bang Wallis, nằm dọc theo dẫy núi Alpes, vùng xen kẽ giữa bắc Ý và đông nam Pháp. Rượu này cũng được làm từ nho Pinot noir, có mầu đỏ rất đậm và ngọt nhờ nho có độ đường cao nhưng cũng nhờ chất phụ gia tạo ngọt từ vài loại berries và trái cherry mầu thẫm đen. Đặc biệt rượu còn được làm tăng mùi thơm và có tí chút vị chát rất nhẹ bởi một vài loại gia vị tạo ra. Loại rượu này đã được nhiều chuyên gia thử nghiệm xếp vào hàng rượu thượng hạng trong thị trường rượu nội địa tại Thuỵ sĩ.

Không biết có phải vì rượu quá ít, một chai dung tích 750cc cho 8 người (kể cả vợ chồng tôi) đã làm tăng độ ngon của rượu. Nhưng cũng có thể vì họ đã quen thuộc với loại rượu địa phương nên khi uống được loại rượu có mùi vị khác, đã làm cho họ có cảm giác ngon hơn hay không ? Tất cả 6 người đều khen rối rít và có ý định tìm mua tại các tiệm rượu tại Mỹ.

Tôi cho họ biết, Thuỵ sĩ là quốc gia nhỏ bé, 90% là núi non nên không có những nông trang to lớn như các quốc gia khác. Cánh đồng trồng nho chỉ manh mún, nhỏ bé nên việc sản xuất rượu cung cấp cho nội địa đã không đủ, làm sao có dư để xuất cảng. Chính vì vậy không dễ dàng, nếu không muốn nói là không thể mua được rượu Thuỵ sĩ ở ngoại quốc. Trừ phi vài cơ sở đặc biệt của Thuỵ sĩ như ngoại giao, ngân hàng lớn… họ có được rượu Thuỵ sĩ qua những đường đặc biệt mà thôi.

Cuộc ăn uống nói chuyện rất tâm đắc, phần lớn là chủ đề về rượu của vợ chồng tôi và gia đình người bạn Mỹ mới quen đã kéo chúng tôi thân thiết rất nhanh. Buổi tối trước ngày chúng tôi phải ra phi trường trở lại Thuỵ Sĩ, vợ chồng họ đến chào từ biệt, không quên mang tặng chúng tôi chai rượu Woodbridge, năm 2011 của Cali. Hai vợ chồng họ thân thiện ôm xiết chúng tôi với lời từ giã chân tình, xin lỗi không thể tiễn đưa chúng tôi vào ngày mai vì phải đi làm. Họ hứa sẽ có lần sang thăm chúng tôi để được cùng uống và nói chuyện về rượu, một đề tài đã giúp chúng tôi và họ trở thành những người bạn thân quen.

Còn tôi mang chai rượu ( chắc chắn là ngon ) đầy tình thân đó về Thuỵ sĩ, tôi cũng chưa có dịp để uống. Nó vẫn được giữ cẩn thận trong hầm chứa rượu, mỗi khi nhìn thấy chai rượu hay những tấm thiệp cuối năm của họ gửi đến. Chúng tôi lại nhớ đến họ, một người bạn dễ mến mà tôi đã có được nhờ vào sự hiểu biết về cái chất lỏng mà biết bao nhiêu người, kể cả tôi đã từng có cái nhìn rất tiêu cực về nó.

8.- Một vài hiện tượng khó hiểu, những chai rượu ở Việt nam.

Lần đó tôi về VN đúng vào lúc hội nghị APEC 2006 họp tại Hà nội, hàng ngày trên TV, báo chí nhan nhản những tin về hội nghị, trong đó có một tin bên lề, không quan trọng. Nhưng với tôi nó có chút chú ý, đó là rượu vang Đà lạt được dùng tiếp đãi quan khách trong hội nghị. Thành thật trước đó, dù biết VN có sản xuất rượu vang nhưng tôi chưa bao giờ uống thử nên cũng không biết phẩm chất ra sao.

Ngẫu nhiên một lần đến thăm một gia đình người bạn, trong bữa ăn đãi khách khá thịnh soạn, người bạn cho biết có một chai rượu vang Đà lạt, muốn mời tôi uống và cho ý kiến xem sao. Dĩ nhiên tôi đồng ý. Một dịp để tôi xác định phẩm chất của loại vang mới được sản xuất tại VN, đã được chính phủ dùng tiếp đãi khách quốc tế trong hội nghị APEC đang tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

Mới nhấp vài ngụm, đã cho tôi có chút ngạc nhiên. Với tôi, chai vang Đà lạt này không phải là loại vang cao cấp nhưng cũng không thể xếp dạng quá thấp được. Vị khá ngon, đậm đà nhưng mùi quá nhẹ, dù tôi đã lắc nhẹ và ngửi ở môi trường khá nóng của căn phòng ăn. Về mầu sắc không đủ đậm, có thể rượu đã làm bằng những loại nho không có mầu đậm như Syrad; Merlot hay Cabanet. Hay cho thêm vào những loại phụ gia như Blacberry hay Plume trồng tại VN không tốt, không có mầu xẫm như Âu châu hay Mỹ, Úc. Nếu ai lên Đà lạt sẽ nhìn thấy rất rõ, những trái Blackberry hay Plume nhỏ, không ngọt, rất ít có mầu chín thẫm. Tuy nhiên với tôi thì Vang Đà Lạt khônh dở và cũng không lạ lùng khi nó được xuất cảng sang Nhật và nhiều quốc gia Đông Nam á ( dù chỉ với lương nhỏ bé ) .

Cũng trong lần về VN đó, nhân dịp lên Đà lạt, tôi đã mua 2 chai vang đỏ Đà lạt tại một gian hàng ngay trung tâm thành phố mang về Thuỵ Sĩ, làm quà cũng như giới thiệu với vợ về một loại rượu vang Việt nam, tạm tạm khá. Trong một bữa cơm gia đình với các con, tôi đem chai rượu ra cho mọi người thưởng thức. Một sự việc kinh hoàng ! Đó không phải là rượu mà là một chất lỏng giống rượu,mùi vị thum thủm ! Chai thứ hai mở ra cũng vậy ! Dĩ nhiên đó là hai chai rượu giả ! Và chẳng có lý do gì để tiếc rẻ khi phải đổ nó vào ống cống!

Rồi sau đó, một lần khác tôi về Viet nam, cũng đến nhà thăm một người bạn, vợ anh ta là nhân viên cấp cao của một cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm của Saigon. Anh ta khoe với tôi là có khá nhiều rượu và muốn mời tôi thưởng thức. Dù đã có ít nhiều kinh nghiệm tình trạng rượu giả tại VN ( Thật ra qua báo chí cho biết, nạn làm rượu giả ở hầu hết các quốc gia Á châu, có lẽ chỉ trừ Nhật bản mà thôi ). Tưởng rằng với vị trí chuyên môn của người vợ, chắc chắn anh ta phải có những chai rượu đúng nghĩa. Nhưng khi anh bạn vừa mở chai rượu vang Pháp Bordeaux. Chỉ mới nhấp một ngụm nhỏ, tôi đã ngẩn ngơ vì nó đại loại giống như chai rượu vang Đà lạt mà tôi đã bê về từ VN làm món quà tặng cho vợ tôi ! Chẳng có gì để gọi là rượu vang, Không mùi, không vị, không tí chút nào của loại vang Bordeaux nổi tiếng của Pháp mà tôi khá hiểu biết ! Lại một trò gian trá rượu tại VN !

Một hiện tượng khác, tôi quen một người bạn trẻ, có vị trí khá tốt tại trụ sở trung ương của một ngân hàng tư nhân tại Saigon. Với vị trí này những dịp ăn uống sang trọng, đầy rẫy của ngon vật lạ với các xếp chóp bu của ngân hàng được coi là rất thường. Những chai cognac có giá tại VN trên dưới 7, 8 triệu đồng ( khoảng 300, 400 USD) như Remy Martin XO, Courvoisier Emperor; Hennessy XO… hay những chai rượu vang từ Pháp, Ý, Úc… giá không dưới một vài triệu đồng (khoảng 50-100 USD) coi như chuyện rất thường.

Có một lần trong bữa tiệc, nhờ lúc tàn dư của bữa tiệc anh ta lấy được một chai vang đỏ dư thừa chỉ còn khoảng 1/3 chai, đem về nhà liệng vào một góc nào đó trong nhà rồi quên luôn. Một lần tôi đến chơi, tình cờ thấy chai rượu trong góc kẹt của căn bếp. Nhìn thấy tên chai rượu, Clarendon Hills (Syrah Liandra) đã làm tôi tò mò. Vì nó là loại rượu khá nổi tiếng của miền Nam Úc, được làm bởi 100% nho Syrah. Tôi biết tí chút về rượu của hãng rượu này trong một hội chợ triển lãm rượu tại Thuỵ Sĩ. Mẹ của anh bạn cho tôi biết, vì bà chẳng biết và cũng chẳng chú ý đến chai rượu dư thừa đó, đã hơn 3 năm nay nó lăn lóc, dời chuyển khắp nơi trong nhà mỗi khi bà quét dọn.

Mở chiếc nút bần ra, đưa sát vào mũi, mùi thơm của rượu vẫn còn tí chút, nhìn kỹ đáy chai vẫn không có một tí cặn, rượu vẫn trong! kinh nghiệm cho tôi biết với chai rượu đã mở, nhất là chỉ còn 1/3 rượu trong chai, qua hơn 3 năm di chuyển và tiếp xúc với không khí như vậy mùi thơm của rượu không thể tồn tại được. Cũng như với thời gian dài và tác động sinh hoá của các thành phần hữu cơ như chất tanin, chất pectin, hợp chất đa đường… Chắc chắn những chất đó sẽ ít hay nhiều bị kết tủa và phải có tí cặn dưới đáy chai. Nhưng chai rượu này hoàn toàn trong, không có! Đó là sự khác thường! Tò mò tôi rót một tí vào ly và nhấp môi, vẫn thấy ngon! Càng làm chi tôi khó tin!

Tôi chắc chắn đây không phải là rượu thật mà là rượu giả! Nhưng tôi cũng công nhận kỹ thuật làm giả có bài bản, có chuyên môn ( dĩ nhiên với những người có kiến thức về sinh hoá học thì kỹ thuật làm giả này quá dễ dàng ). Nhớ đến những chai rượu, nhưng không là rượu mà tôi đã thử trước ( chai tôi mua ở Đà lạt và chai người bạn mở ra đãi tôi ), đó là sự giả mạo ngu xuẩn, một hành động ăn cướp của kẻ ngu, thiếu trình độ! Với cái lối mua vỏ chai, trau chuốt cho giống với nguyên thuỷ, rồi cho vào một chất lỏng nào đó pha thêm vào chất tạo mầu …. Thế là xong ! Kiểu làm giả như vậy chỉ lừa người ta được một lần hay lừa được những người dại khờ , không biết gì về rượu nhưng hám danh, thích khoe mẽ mà thôi !

Còn kiểu làm giả của chai rượu dở dang , lăn lóc 3 năm trời này. Đúng là kiểu làm gỉa có trình độ, có kiến thức, tính toán dài lâu. Người bị lừa không nhận ra, vẫn xử dụng và còn tin tưởng để mua thêm hay giới thiệu bạn bè với sản phẩm! Một lối lừa đảo có bài bản, rất thông minh và khôn ngoan.

Với suy nghĩ như vậy đã kéo trí nhớ tôi về những bài báo mà tôi đã có dịp đọc nói về trình độ làm giả những loại rượu nổi tiếng của Pháp, Ý, Úc, Mỹ ..v..v.. trên thế giới, trong đó siêu hạng làm giả là Trung Quốc, tiếp theo là Thổ nhĩ Kỳ. Các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Phi luật tân,Thái land cũng là vương quốc của rượu giả. Ngay như Singapore nơi được coi là tốt nhất, có kỷ cương nhất của Đông Nam Á nhưng cũng có tỷ lệ rượu giả khá cao.

Tại Âu châu, kinh nghiệm cho tôi biết, ở các quốc gia Nam Âu châu ( Italy, Spanien, Portugal, Yugoslavia cũ…) Đông Âu ( Nga, Tiệp Khắc, Balan…) cũng chưa chắc mua được chai rượu thật nếu không chú ý . Nhất là mua tại các kiosk hay tại các tiệm bán rượu luộm thuộm tại các khu vực lam nham trong thành phố ! Ngay cả tại Pháp, những chai rượu Bordeaux, Burgound..v..v... Nếu mua tạị các tiệm bán rượu lẹp nhẹp sẽ không chắc là rượu thật. Nếu mua tại các cửa hàng có tên tuổi hay tại chính cơ sở bán hàng của chính hãng hay tại các lâu đài nơi nghỉ chân hay thăm viếng… Khách được thử rượu trước khi mua thì chắc 100% dù giá cả có phần mắc hơn tại các tiệm bán rượu hay tại các siêu thị nhỏ ( tại các siêu thị danh tiếng cũng an toàn ).

9.- Những cảm nhận lạc quan về rượu.

Tôi chắc chắn nếu sống ở Việt nam, tôi sẽ mãi mãi là người xa lạ với rượu. Lý do rất dễ hiểu vì trong tâm thức của tôi đã ghi đậm quá nhiều hình ảnh không đẹp của cái chất lỏng tạo cảm giác“ đê mê “ này cho những người đến với nó. Ngay hiện tại với những lần về lại VN, không khó khăn, nếu người ta muốn chứng kiến những cảnh khó coi như đánh nhau, chém nhau hay điên khùng lái xe khi trí não họ đang mê mẩn với men say. Không! Nhất định tôi sẽ không ngu dại mà đâm đầu vào cái chất lỏng lem nhem đó ! Với tôi nếu tôi ở VN, rượu là một tên tội phạm mà người khôn ngoan, biết suy nghĩ phải tránh xa, chưa nói đến nó toàn là rượu giả, độc hại ! .

Với gần 6 năm tu học và làm việc tại Nhật, một xã hội văn minh, một dân tộc có ý thức, trọng luật pháp … nhưng tôi cũng vẫn chưa tìm thấy cái lý do để thuyết phục tôi bước vào lãnh vực tìm vui trong rượu. Tôi cũng đã chứng kiến khá nhiều bạn bè Nhật, họ nhịn ăn, bỏ học vì rượu. Vài người còn tâm sự với tôi, họ ao ước sau khi học xong, đi làm, lấy được người vợ biết chiều chuộng để mỗi khi đi làm về họ được cung phụng cho ăn ngon và uống rượu! Đúng như vậy, tôi đã gặp lại vài người khi họ có gia đình, họ đã được sống như tính toán của họ ngày xưa.

Rồi khi đi làm việc, tôi cũng tận mắt nhìn thấy những người trẻ tuổi hòan toàn không biết gì về rượu bia, thuốc lá khi họ vẫn trong lứa tuổi dưới 20! Nhưng chỉ cần đúng một ngày, họ đặt chân vào tuổi thành nhân 20 theo luật pháp Nhật, thì họ phải biết uống rượu và hút thuốc! chỉ vì hệ thống đàn anh, đàn em ( sempai-cohai ) bắt buộc họ ! ( Hy vọng ngày nay cái nạn chồng chúa vợ tôi hay cái trò bắt đàn em nhập cuộc để chứng tỏ tuổi trưởng thành không còn tồn tại hay đã được giảm bớt trong xã hội Nhật bản. ). Chính những góc cạnh kỳ lạ, không mấy đẹp đó, đã làm tôi suy nghĩ và tôi vẫn là người đứng xa với rượu bia dù xã hội và con người Nhật bản vẫn là hình ảnh khá khuôn mẫu trong suy nghĩ của tôi.

Nhưng khi sang Thuỵ sĩ, bước vào lãnh vực chuyên môn về thực phẩm, tôi đã có dịp gần với rượu. Rượu không chỉ đến với tôi trong phòng thí nghiệm mà cả trong cuộc sống giao lưu trong xã hội. Sư đụng chạm và hiểu biết của tôi với rượu trong lãnh vực khoa học đã cho tôi cái nhìn khác về rượu.

Cũng chính những hiểu biết đó, tôi đã có dịp quen biết những người bạn thân thiết. Họ hoàn toàn không phải là những con sâu rượu, những kẻ chẳng ra gì trong xã hội vì rượu. Ngược lại họ là những người trí thức, có trình độ và vị trí cao trong xã hội. Họ biết thưởng thức và hiểu biết về rượu một cách rất đáng nể. Tôi chưa bao giờ thấy họ quá chén, say xỉn như tôi đã từng chứng kiến tại VN hay nhiều quốc gia mà tôi đã có dịp du lịch hay công tác. Trong các buổi tiệc tùng tại các cơ quan, nơi hội họp hay tại nhà tôi, nhà họ… họ uống rượu rất từ tốn. Họ dùng rượu như một vật thể giao tế, kết gắn tình thân, làm vui vẻ trong tâm sự, chuyện trò….không có chuyện họ say xưa đến mức mất phẩm chất một con người có ý thức.

Tôi cũng không bao giờ bị họ ép uống, hay chê bai vì uống ít hay từ chối không uống . Tôi cũng không phải nghe những câu nói sốc óc, cười chê tương tự như “ nam vô tửu như cờ vô phong”! hay “ nước mắt quê hương không được chối từ” ! …v..v ..

Tóm lại ở Thuỵ sĩ ( tôi không biết tại các quốc gia khác ra sao ), Rượu không còn là “ chất độc “ tàn phá tư cách hay nguồn gốc sinh ra tội phạm như tại nhiều quốc gia khác. Trong đó có cả VN, nơi mà tôi đã bao lần nhăn mặt, chán chường khi phải chứng kiến những cảnh quá nhem nhuốc xẫy ra từ những con người say xỉn! Dĩ nhiên tôi không ngu đần đến mức để không biết về những tác hại của rượu. Nhưng nếu người ta biết xử dụng và kiểm soát được những tác hại đó thì rượu không còn là vật thể hãm hại mà ngược lại nó lại là một vật thể mang tính ngoại giao và thân thiện. Hãy tưởng tượng xem, nếu những bữa tiệc chiêu đãi trong môi trường chính trị, ngoại giao hay thương mai … mà không có rượu thì cũng là một sự khiếm khuyết rất quan trọng vậy. Ngoài ra, tôi cũng muốn đưa ra đây một nhận định, người hiểu biết về rượu không, hoàn toàn không có nghĩa là người đó phải uống rượu được nhiều. Rất nhiều người có tài năng thẩm định và biết cái hay cái đẹp của rượu, tửu lượng của họ rất thấp. Họ biết uống rượu, họ hiểu rượu chứ không phải họ đui mù vì rượu! Họ là nghệ nhân trong nhã thú uống rượu khác hoàn toàn với dạng người chết và ngu vì rượu.

Hết

Lưu An Vũ ngọc Ruẩn

(Viết lại Zürich March 2023 )


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vì sao tôi khổ


Phật Giáo Yếu Lược


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.12.146.100 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...