Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Người cư sĩ và năm giới »»

Tu học Phật pháp
»» Người cư sĩ và năm giới

(Lượt xem: 541)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Người cư sĩ và năm giới

Font chữ:

I. Dẫn nhập

Trong những năm đầu tiên sau khi đức Phật thành đạo, hàng Phật tử theo tu tập với ngài không hề biết đến khái niệm giới luật. Trải qua thời gian, khi những người học Phật, tu theo Phật ngày càng nhiều hơn, và tất nhiên là sinh hoạt cũng đa dạng, phức tạp hơn, đức Phật mới bắt đầu tùy duyên sự mà lần lượt chế định giới luật. Tất cả những điều giới đó được các vị đệ tử Phật ghi nhớ, áp dụng trong sự tu tập hành trì. Và sau khi đức Phật nhập diệt, giới luật được kết tập thành Luật tạng, cùng với Kinh tạng và Luận tạng trở thành Tam tạng kinh điển của Phật giáo.

Trong Tam tạng kinh điển, Luật tạng là phần có ít khác biệt nhất giữa các tông phái Phật giáo khác nhau, trong khi Luận tạng và Kinh tạng có thể có nội dung khác nhau nhiều hơn. Chẳng hạn, Phật giáo Bắc truyền chủ yếu dựa trên những kinh điển được Hán dịch từ tiếng Sanskrit (Bắc Phạn), nhưng Phật giáo Nam truyền chỉ sử dụng những kinh điển được dịch từ tiếng Pali (Nam Phạn). Ngay cả những kinh tương đương với Nam truyền được lưu hành trong hệ thống Bắc truyền thì do sự chuyển dịch từ hai nguồn khác nhau nên khi so sánh cũng vẫn có một số khác biệt, cả về số lượng cũng như nội dung. Tương tự, chúng ta cũng sẽ tìm thấy rất nhiều khác biệt khi so sánh Luận tạng giữa hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền. Tuy nhiên, sự khác biệt về giới luật là không đáng kể giữa Nam truyền và Bắc truyền.

Và nếu như chỉ so sánh riêng những giới luật mà đức Phật chế định dành cho hàng cư sĩ, tức là những đệ tử nam nữ tu tại gia trong Phật giáo, chúng ta sẽ thấy đó là một sự đồng nhất hoàn toàn giữa tất cả mọi truyền thống trong Phật giáo, bất kể là Thiền tông, Mật tông hay Tịnh độ tông, bất kể đó là Nam truyền hay Bắc truyền, cũng như bất kể đó là giới luật của người cư sĩ ở Việt Nam hay Nhật Bản, ở Hàn quốc hay Tích Lan… Nói cách khác, người cư sĩ Phật giáo dù quy y với một vị thầy thuộc bất kỳ truyền thống nào, tu tập theo pháp môn nào, ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới hiện nay, cũng đều được thọ trì những giới luật giống hệt như nhau. Đó là năm giới của người cư sĩ.

II. Năm giới của người cư sĩ

Giới luật do đức Phật chế định là một hệ thống hoàn chỉnh những điều giới nhằm mục đích ngăn ngừa những điều xấu ác cho người Phật tử trong suốt hành trình tu tập. Bằng cái nhìn của bậc trí tuệ viên mãn, đức Phật chế định mỗi điều giới tùy theo duyên sự trong hiện tại nhưng đồng thời cũng nhìn thấu những trường hợp cần đến sự ngăn ngừa trong tương lai. Và đó chính là lý do có một quy ước được tuân thủ trong mọi tông phái Phật giáo: Ngoài đức Phật ra thì không ai có quyền chế định, thêm bớt đối với giới luật. Ngay cả đối với năm giới của người cư sĩ cũng không phải là ngoại lệ. Do vậy, đây là những điều giới do chính đức Phật chế định và được tiếp nối truyền thọ từ thời Phật còn tại thế cho đến ngày nay, dù đã trải qua hơn 25 thế kỷ nhưng không hề có bất kỳ sự thay đổi thêm bớt nào.

Trong hệ thống giới luật do đức Phật chế định, có những giới được thọ trì suốt đời, gọi là tận thọ (盡壽) hay tận hình thọ (盡形壽) và cũng có những giới được thọ trì có thời gian giới hạn. Chẳng hạn như những giới được truyền thụ trong ngày Bát quan trai thì chỉ phải vâng giữ trong thời gian phát nguyện, thường là trọn một ngày đêm. Sau đó thì người thọ giới không còn bị ràng buộc nữa. Năm giới của người cư sĩ thì thuộc loại “tận thọ”, nghĩa là sau khi đã phát nguyện thọ trì, phải vâng giữ cho đến suốt cuộc đời.

Theo Tứ phần luật, vị sa-di hoặc sa-di-ni có 10 giới, vị tỳ-kheo có 250 giới, vị tỳ-kheo-ni có 348 giới. Hàng cư sĩ, tức là ưu-bà-tắc (cư sĩ nam) và ưu-bà-di (cư sĩ nữ) có 5 giới. Tất cả những giới này đều thuộc loại “tận thọ”, được thọ trì suốt đời. Khi người thọ giới tự xét thấy khả năng của mình không thể tiếp tục thọ trì, hoặc do hoàn cảnh bất khả kháng, thì phải thực hiện nghi thức xin “xả giới” để sau đó không tiếp tục thọ trì nữa.

Năm giới dành cho hàng cư sĩ được kể ra cụ thể trong quyển 21 của Thập tụng luật như sau:

1. 盡壽離殺生。 (Tận thọ ly sát sanh.) - Suốt đời lìa xa việc giết hại sinh mạng.

2. 盡壽離不與取。 (Tận thọ ly bất dữ thủ.) - Suốt đời lìa xa việc lấy của không cho.

3. 盡壽離邪婬。 (Tận thọ ly tà dâm.) - Suốt đời lìa xa việc tà dâm.

4. 盡壽離妄語。 (Tận thọ ly vọng ngữ.) - Suốt đời lìa xa việc nói dối.

5. 盡壽離飲酒。 (Tận thọ ly ẩm tửu.) - Suốt đời lìa xa việc uống rượu.

Trong quyển 1 của Tứ phần luật san bổ tùy cơ cũng ghi chép đầy đủ năm giới, với cách dùng chữ hơi khác nhưng ý nghĩa hoàn toàn không khác. Chẳng hạn, giới thứ nhất được chép là: “盡形壽不殺生。 - Tận hình thọ bất sát sanh. - Suốt đời không làm việc giết hại sinh mạng. ” Các giới khác cũng tương tự như vậy.

Trong năm giới lại phân ra hai loại là tánh tội (性罪) và già tội (遮罪). Tánh tội có nghĩa là tự bản tánh của việc đó đã là tội lỗi, cho dù người có thọ giới hay không thọ giới thì khi phạm vào đều tạo thành tội lỗi. Chẳng hạn như trộm cắp là tánh tội, cho dù là người có thọ giới hay không thọ giới, nếu phạm vào trộm cắp cũng đều là tội lỗi, đều tạo thành nghiệp xấu ác. Già tội thì khác hơn, chỉ được xem là tội lỗi đối với người đã thọ giới, còn đối với người không thọ giới thì đó không phải tội. Chẳng hạn như việc uống rượu, tự nó không phải là tội lỗi đối với người không thọ giới, nhưng nếu đã thọ giới rồi mà uống rượu thì đó là tội. Các giới giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối đều là tánh tội, chỉ riêng giới uống rượu được xem là già tội.

Chữ già (遮) có nghĩa là ngăn chặn, phòng ngừa. Do vậy, giới thuộc về già tội là giới có mục đích ngăn ngừa các tội khác, cho dù tự thân việc ấy không phải tội. Chẳng hạn như khi chúng ta uống rượu, tự thân việc uống rượu chưa phải là tội, nhưng nếu không ngăn ngừa ngay từ lúc chưa uống rượu, để xảy ra việc uống rượu rồi thì sau đó do tác dụng của rượu, chúng ta sẽ đánh mất lý trí và dễ dàng phạm vào nhiều tội lỗi khác.

Cần lưu ý rằng, sự phân chia giải thích như trên chỉ nhằm giúp người cư sĩ thấu hiểu cặn kẽ về ý nghĩa các giới đã thọ trì, còn một khi đã thọ giới rồi thì cả năm giới đều có giá trị như nhau, phạm vào bất cứ giới nào cũng đều là phá giới, đều tạo thành tội lỗi.

III. Ý nghĩa thọ trì năm giới

Năm giới của người cư sĩ thoạt nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng thật ra để thấu hiểu được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng cũng không phải dễ dàng. Trong Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết-ma có chép về năm giới rằng: “Những giới này rất khó [thọ trì], có thể làm căn bản cho các giới của hàng Thanh văn, Bồ Tát.”

Như vậy, tuy chỉ có năm giới, số lượng ít hơn rất nhiều so với các giới được Phật chế định cho hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, nhưng năm giới này được xem là căn bản, là nền tảng để dựa theo đó mới phát triển sâu rộng hơn thành các giới luật của người xuất gia. Điều này chúng ta cũng có thể tự mình thấy được khi so sánh, vì mấy trăm điều giới của người xuất gia cho dù đi sâu thêm vào rất nhiều phạm vi của đời sống, cũng tuyệt đối không một giới nào có thể đi ngược lại với tinh thần căn bản của năm giới.

Về việc thọ trì năm giới, cũng trong Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết-ma nói rõ: “Từ giới không giết hại cho đến giới không uống rượu, nếu giữ được một giới thì gọi là ưu-bà-tắc một phần, nếu giữ được trọn đủ năm giới thì gọi là ưu-bà-tắc trọn vẹn.”

Như vậy, trong việc thọ trì năm giới người cư sĩ có thể tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình để phát nguyện thọ trì. Nếu thọ trì đầy đủ năm giới, tất nhiên sẽ là tốt nhất, nhưng nếu tự xét thấy chưa thể được thì cũng có thể phát nguyện thọ trì một, hai, ba hoặc bốn giới. Điều quan trọng là phải luôn ghi nhớ, khi đã thọ giới thì phải nghiêm trì cho đến suốt đời, nhất quyết không vì bất cứ lý do gì mà hủy phạm giới.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những người cư sĩ nào tự xét thấy hoàn cảnh sống của mình hiện tại không cho phép giữ được trọn vẹn năm giới. Người ấy có thể chỉ phát nguyện thọ trì những giới nào xét thấy có thể giữ được trọn vẹn, không hủy phạm. Điều này vẫn được cho phép, và tốt hơn là thọ trì đủ năm giới nhưng rồi sau đó lại không nghiêm trì được mà hủy phạm giới đã thọ trì.

Chúng ta cần biết rằng, nếu như công đức của việc trì giới là hết sức lớn lao, thì việc phá giới cũng là một nhân xấu ác vô cùng nguy hại. Người phá giới là tự mình cắt đứt nhân duyên với giới luật thiêng liêng của chư Phật, tự ngăn trở con đường trong tương lai. Bởi vì nhân duyên phá giới nên sẽ rất khó khăn để gặp lại và được thọ trì giới luật nhằm tu tập hướng đến sự giải thoát.

Về công đức của người thọ trì năm giới, Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết-ma dẫn kinh văn nói rằng: “Nếu có thiện nam tử bố thí cho chúng sanh trong khắp bốn cõi thiên hạ, dùng đủ bốn món thiết yếu để cúng dường trong suốt một trăm năm, công đức đó cũng không thể sánh bằng người trì giới trong một ngày một đêm.” Nếu chưa thấu hiểu được ý nghĩa, chúng ta sẽ cảm thấy quả thật rất khó tin được lời này. Tuy nhiên, sự thật đúng là như vậy. Bởi vì công đức của sự bố thí cho người khác dù lớn lao đến đâu cũng chỉ mang lại cho chúng ta những lợi ích về vật chất tương ứng, có thể giúp ta được hưởng thụ sung sướng khoái lạc trong nhiều đời nhiều kiếp, nhưng đó vẫn là sự xoay chuyển mãi mãi trong luân hồi sanh tử để thọ nhận quả báo phúc đức. Trong khi đó, công đức của việc trì giữ giới luật do Phật chế định là công đức giải thoát, là nền tảng căn bản giúp chúng ta có thể tu tập đạo giải thoát, mà kết quả cuối cùng là chấm dứt hoàn toàn khổ đau trong sanh tử luân hồi. Do vậy, nếu đem công đức của sự bố thí vật chất để so với công đức của sự giữ giới thì rõ ràng là không thể sánh bằng.

Về nguyên tắc, việc thọ giới nhất thiết phải có thầy truyền thụ, không phải chỉ đọc hiểu rồi có thể tự mình làm theo. Hơn thế nữa, trước khi được thầy truyền giới, người thọ giới phải phát tâm quy y Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng-già. Điều này nhằm xác định rõ mục đích của việc thọ giới là để tu tập theo Phật pháp. Mặc dù tự thân việc giữ giới có thể giúp chúng ta trở thành người hiền thiện, không phạm vào những việc xấu ác, nhưng đó không phải mục đích cuối cùng. Mục đích cao hơn của người Phật tử khi thọ giới là để có được một nền tảng giới hạnh tốt đẹp giúp tu tập các pháp môn do Phật truyền dạy. Người giữ giới mà không tu tập theo lời Phật dạy thì cũng không thể dựa vào đâu để có được sự giải thoát, an lạc. Do đó mà việc thọ trì giới luật phải được đặt trên căn bản đã quy y Tam bảo, đã phát nguyện học tập và làm theo những lời Phật dạy.

Việc truyền giới cũng phải tuân theo những nghi thức nhất định, thường là để xác định rõ người muốn thọ giới (giới tử) có đủ điều kiện để thọ nhận giới và đồng thời cũng có sự phát tâm tự nguyện thọ giới. Nghi thức truyền giới nghiêm trang có ít nhất là 2 mục đích chính.

Thứ nhất là củng cố quyết tâm của người thọ giới, để thấy rằng đây là một sự phát nguyện thiêng liêng, quan trọng, cần phải được duy trì trong suốt cuộc đời mình, không phải việc chỉ nhất thời ngẫu hứng nêu ra rồi có thể tùy tiện quên đi. Việc thực hiện nghi thức thọ giới nghiêm trang cho phép người thọ giới có cơ hội cân nhắc từng điều giới trước khi trả lời vị thầy truyền giới, khẳng định là mình có thể vâng giữ giới suốt đời.

Thứ hai là xác lập mối quan hệ chặt chẽ giữa vị giới sư truyền giới và người giới tử thọ giới. Người thọ giới phải tôn kính vâng theo lời dạy của vị giới sư, tự phát nguyện trọn đời không làm trái lời dạy của thầy. Trong khi đó, vị giới sư có trách nhiệm, bổn phận phải truyền dạy, giảng giải cho người thọ giới hiểu đúng và hành trì đúng theo tinh thần giới luật đã được trao truyền.

Như vậy, nếu người thọ giới không có sự kiên tâm hành trì, hủy phạm giới luật thì lỗi này thuộc về giới tử. Nhưng nếu vị thầy không giảng giải kỹ, không hướng dẫn đầy đủ, khiến cho người thọ giới không hiểu đúng ý nghĩa, tinh thần của các điều giới, từ đó dẫn đến việc hành trì sai lệch, hoặc quá chấp chặt, hoặc quá buông thả, thì những điều này sẽ có một phần lớn là lỗi của vị giới sư.

Sở dĩ cần đề cập đến mối quan hệ thầy trò trong việc thọ giới là vì chúng ta không thể nào phủ nhận một thực tế đã và đang diễn ra hiện nay. Đó là việc tổ chức thọ giới đồng loạt cho hàng trăm giới tử - thậm chí nhiều hơn - trong cùng một dịp, và do đó vị thầy truyền giới thường khi rất ít có cơ hội trực tiếp gặp gỡ người được truyền giới, nên việc giảng giải, hướng dẫn thường chỉ được thực hiện một cách chung chung, khó lòng giải tỏa được hết những thắc mắc riêng trong từng trường hợp của người thọ giới. Và một khi người thọ giới không thể thấu hiểu cặn kẽ về ý nghĩa của giới thì sự hành trì rất dễ có sự sai lệch. Trong trường hợp đó, do mối quan hệ thiếu chặt chẽ giữa thầy trò, nên vị thầy cũng khó lòng phát hiện để uốn nắn, dẫn dắt kịp thời.

Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội hiện nay thì thực tế này lại không thể tránh khỏi. Thậm chí đã có nhiều vị thầy tổ chức quy y và truyền giới “online”, nghĩa là thầy trò không hề trực tiếp gặp nhau. Hoặc “cẩn thận” hơn một chút thì người muốn thọ giới đăng ký online, rồi đến ngày thọ giới sẽ về chùa dự lễ và nhận “giấy chứng nhận”. Trong những trường hợp này, người thực tâm muốn quy y Tam bảo, thọ trì giới luật cũng không thể làm gì khác hơn là chấp nhận những “nghi thức online” như vậy. Tuy nhiên, nếu còn có lựa chọn khác, chẳng hạn như có thể tìm đến một vị thầy nào khác để được trực tiếp truyền giới và nhận được sự dạy dỗ, hướng dẫn của thầy thì chắc chắn sẽ tốt hơn.

Và trong trường hợp bất khả kháng, nghĩa là không đủ nhân duyên để có được một vị thầy dẫn dắt trực tiếp, thì người cư sĩ nên hết sức nỗ lực tự mình tìm hiểu những ý nghĩa của việc thọ trì giới luật như chúng tôi trình bày ở đây, để có thể chắc chắn không hành trì sai lệch với những lời Phật dạy.

IV. Về sự tướng của năm giới

Năm điều giới mà chúng ta tiếp cận ngày nay tuy là do đức Phật chế định, nhưng sự truyền trao lại phải thông qua ngôn ngữ diễn đạt, vì chúng ta không thể nào được trực tiếp nhận lãnh từ kim khẩu của Đức Thế Tôn. Do vậy mà sự giảng giải của một vị thầy là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, như đã nói, nếu không đủ nhân duyên được thầy giảng giải, chúng ta cũng phải cố gắng tự mình tìm hiểu để có sự hành trì đúng đắn. Chỉ như vậy ta mới có thể nhận được những lợi ích chân thật từ việc quy y và thọ giới. Dưới đây chúng ta sẽ lần lượt xét qua về mặt sự tướng của năm giới mà người cư sĩ thọ trì.

1. Suốt đời lìa xa việc giết hại sinh mạng

Bản Hán văn chỉ nói đơn giản là “ly sát sanh - 離殺生”. Tuy nhiên, tìm hiểu sâu hơn thì các nhà Hán dịch đã chuyển tải nơi đây một ý niệm rộng lớn hơn trong Phạn ngữ là ahiṃsā, mang nghĩa là “bất hại”, là không làm hại. Như vậy, phạm vi của điều giới này cần được hiểu rộng hơn theo ý nghĩa “không làm tổn hại”. Không chỉ việc cướp đi mạng sống của một chúng sanh mới là phạm giới, mà ngay cả việc đánh đập, xô đuổi, gây tổn hại hoặc khó khăn cho sự sinh sống của một chúng sanh cũng chính là phạm vào điều giới này. Đây cũng chính là tinh thần từ bi, tôn trọng sự sống của đạo Phật.

Về hình thức phạm giới, không chỉ việc tự mình thực hiện các hành vi gây tổn hại đến sự sống mới là phạm giới. Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy rằng: “Nếu người cư sĩ không tự mình làm việc ác, không sai khiến chỉ bảo người khác làm việc ác, trong tâm không nghĩ việc ác, đó gọi là theo đúng chánh pháp.”

Kinh Phạm võng nói chi tiết hơn về các trường hợp phạm giới: “Nếu như tự mình giết hại, sai khiến chỉ bảo người khác giết hại, dùng phương tiện khen ngợi khuyến khích việc giết hại, thấy người khác làm việc giết hại mà vui mừng theo, hoặc thậm chí là nguyền rủa muốn cho [chúng sanh khác] chết đi.” Hết thảy những chi tiết nêu ra ở đây, nếu người cư sĩ đã thọ giới mà phạm vào thì đều xem là phạm giới.

2. Suốt đời lìa xa việc lấy của không cho

Khái niệm “lấy của không cho” (bất dữ thủ) được dùng để chỉ chung việc chiếm hữu bất cứ điều gì thuộc sở hữu của người khác mà không phải do họ tự nguyện trao tặng cho mình. Đây thực sự là một khái niệm rất rộng. Trong thế giới đối đãi mà chúng ta đang sống, bất kỳ một giá trị vật chất hay tinh thần nào mà ta có thể nhận biết được, nếu không phải “của ta” thì hầu như đều là thuộc về một ai đó. Nếu không thuộc về sở hữu cá nhân thì cũng là thuộc về của cộng đồng, của đất nước… thậm chí có những giá trị thuộc về nhân loại cũng không nằm ngoài khái niệm này. Do vậy, nếu không được trao tặng hoặc là nhận được từ sự trao đổi, mua bán, thì người cư sĩ đã thọ giới tuyệt đối không được chiếm hữu bất kỳ giá trị vật chất hay tinh thần nào khác không thuộc về mình.

Nếu hiểu đúng theo cách này thì không chỉ việc trộm cắp, cướp bóc hay lừa gạt của người khác mới là phạm giới, ngay cả những việc tưởng chừng là bình thường như sử dụng hoang phí nguồn nước sạch, hủy hoại môi trường qua việc xả thải v.v… cũng chính là phạm giới. Vì sao vậy? Vì đó là những nguồn tài nguyên chung thuộc về nhân loại, trong đó có một phần của bản thân chúng ta. Nếu chúng ta hoang phí hay hủy hoại những nguồn tài nguyên chung đó, tức là ta đã xâm phạm đến phần thuộc về người khác. Và chính những hành vi xâm phạm như vậy của nhiều người, chắc chắn sẽ mang đến hệ quả xấu mà cả nhân loại phải gánh chịu.

Hoặc như trong công việc hằng ngày, nếu chúng ta được trả tiền để thực hiện công việc cho công ty, nhưng lại đến sở làm trễ giờ hoặc sử dụng thời gian làm việc để nói chuyện riêng tư v.v… Đó cũng chính là phạm giới, vì đã “không cho mà lấy” một quãng thời gian thuộc về người khác, người đã trả tiền công cho chúng ta. Nói rộng hơn, việc trốn thuế hay né tránh bớt những khoản thuế phải đóng cho chính phủ cũng là phạm giới, bởi vì số tiền thuế đó lẽ ra phải được nộp đủ để phục vụ cộng đồng, nghĩa là thuộc về nhiều người khác, nhưng ta đã chiếm hữu để sử dụng cho riêng mình.

Về hình thức phạm giới, có thể hiểu tương tự như những ý nghĩa đã trình bày trong giới thứ nhất.

3. Suốt đời lìa xa việc tà dâm

Thế giới của chúng ta vốn thuộc về Dục giới. Chúng sanh được sanh ra từ dục và chịu sự chi phối của dục tình trong đời sống. Cho nên, chỉ trừ những bậc xuất gia đã hoàn toàn diệt dục, còn người cư sĩ trong cuộc sống tại gia thì không thể. Do vậy, điều giới này dành cho cư sĩ, chỉ giới hạn trong phạm vi ngăn cản những gì gọi là “tà dâm”, có nghĩa là những mối quan hệ tình dục bất chánh, mà nói cụ thể hơn là quan hệ tình dục với người không phải vợ hoặc chồng mình.

Như vậy, theo ý nghĩa của điều giới này thì ngay cả khi hai người độc thân, không bị ràng buộc bởi bất kỳ mối quan hệ hôn nhân nào, nhưng nếu họ chưa chính thức trở thành vợ chồng của nhau mà có quan hệ tình dục thì vẫn gọi là tà dâm, vẫn là phạm giới. Điều này hoàn toàn khác với lối suy nghĩ phóng túng hiện nay đang phổ biến trong lớp người trẻ của phương Tây - và thật ra cũng đã lan truyền sang đến phương Đông. Đối với họ, việc “sống thử” giữa hai người chưa phải vợ chồng là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ xã hội, chúng ta cũng dễ dàng thấy được rằng quan niệm phóng túng, buông thả đó thật ra là không bình thường chút nào. Những cuộc tranh cãi gần như không có hồi kết về “quyền phá thai” ở Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây hiện nay không gì khác hơn là hệ lụy của nếp sống buông thả đó. Nếu con người chịu khép mình trong một khuôn khổ hợp lý để kiểm soát ham muốn của mình, thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được rất nhiều kết quả không mong muốn. Khi người ta hành xử ngược lại, chỉ biết chạy theo những lạc thú nhất thời, thì tất yếu họ phải trả giá bằng việc đánh mất đi những niềm hạnh phúc chân thật.

Người cư sĩ đã thọ giới phải thường chiêm nghiệm, suy ngẫm về điều này. Giữ giới không tà dâm là bảo vệ hạnh phúc của tự thân, hạnh phúc của gia đình mình và đồng thời cũng là bảo vệ được hạnh phúc cho gia đình người khác. Có thể nói, đây không chỉ là vấn đề của mỗi cá nhân mà còn là vấn đề chung của toàn xã hội.

Về hình thức phạm giới, có thể hiểu tương tự như trong giới thứ nhất.

4. Suốt đời lìa xa việc nói dối

Nói dối, theo ý nghĩa đơn giản nhất là nói không đúng sự thật. Sự trung thực là yêu cầu trước tiên trong giao tiếp. Lời nói không đúng sự thật thì sớm muộn gì cũng sẽ đánh mất niềm tin nơi người nghe. Và khi không được tin tưởng thì lời nói của một người cho dù hoa mỹ đến đâu cũng sẽ không còn có bất kỳ giá trị nào.

Tuy rằng lời nói đúng sự thật chưa hẳn đã là lời tốt đẹp hay mang đến lợi lạc cho người khác, nhưng đây chính là điểm khởi đầu quan trọng trong sự tu tập. Lời chân thật sẽ tạo được niềm tin nơi người nghe, và khi người nghe đã có niềm tin thì những lời tốt đẹp mới có thể được tiếp nhận. Có câu châm ngôn rằng: “Nói đúng trước khi nói hay.” Tất nhiên, nếu có thể nói lời vừa hay vừa đúng thì đó là điều tốt nhất. Nhưng nếu phải lựa chọn giữa một trong hai, thì lời nói đúng thật nên được chọn. Người nói dở chỉ có thể bị chê bai, nhưng người nói không đúng sự thật thì đánh mất hoàn toàn niềm tin nơi người nghe.

Người cư sĩ giữ giới luôn chọn nói đúng theo sự thật. Từ căn bản của sự nói thật rồi mới có thể dần dần phát triển để có thể nói ra những lời hòa ái, những lời hòa giải, kết nối, cũng như những lời giúp xoa dịu, giảm nhẹ khổ đau cho người khác. Nếu đã là những lời nói dối thì cho dù có dụng ý tốt đẹp gì cũng khó lòng đạt được.

Mặt khác, những người xấu ác thường rất sợ sự thật, bởi sự thật luôn phơi bày sự gian ác của họ. Ngược lại, người hiền thiện thì không có gì phải che giấu, do đó việc nói đúng sự thật đối với họ luôn là chuyện dễ dàng. Cho nên, từ bỏ việc nói dối là bước khởi đầu quan trọng để có thể tu tập các pháp lành.

Về hình thức phạm giới, có thể hiểu tương tự như đã trình bày trong giới thứ nhất, như không tự mình nói dối, không sai khiến, khuyên bảo người khác nói dối v.v…

5. Suốt đời lìa xa việc uống rượu

Uống rượu (ẩm tửu) là khái niệm được dùng để chỉ chung tất cả các loại thức uống gây say nghiện, như các loại rượu trắng, rượu vang, rượu nếp, bia lon, bia chai… Vì gây say nên các loại thức uống này khiến ta mất đi sự tỉnh táo, sáng suốt, kích thích ta làm những việc sai trái, đánh mất lý trí… Vì gây nghiện nên khi đã làm quen với những loại thức uống này ta sẽ rất khó từ bỏ, sẽ phải thường xuyên sử dụng để thỏa mãn cơn nghiện, và điều này làm tăng thêm tác hại.

Trong điều kiện hiện nay, những chất gây say nghiện không chỉ là các loại rượu bia, mà còn phải kể thêm đến những chất thuộc họ hàng ma túy, những loại thuốc hút, chích… vì tác dụng gây say nghiện của chúng còn mạnh hơn, nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Người cư sĩ thọ giới này phải tránh xa tất cả.

Về hình thức phạm giới, có thể hiểu tương tự như trình bày ở giới thứ nhất.

V. Về tinh thần của năm giới

Những sự tướng như đã trình bày trên là có thể nhìn thấy và được nhận hiểu qua ý nghĩa của từ ngữ. Tuy nhiên, để việc thọ trì năm giới thực sự mang lại lợi ích lớn lao nhất, chúng ta cần phải tìm hiểu sâu rộng hơn về tinh thần, hay nói cách khác là nội hàm được hàm chứa trong mỗi điều giới.

Về giới thứ nhất, không giết hại, nội hàm ở đây chính là tinh thần từ bi của đạo Phật. Người cư sĩ thọ trì giới này không chỉ để ngăn ngừa mọi hành vi gây tổn hại đến sự sống của chúng sanh, mà còn là để nuôi dưỡng, vun bồi lòng từ bi, và chính sự nuôi dưỡng lòng từ bi mới mang lại thêm lợi ích lớn lao hơn nữa. Việc trì giới là nền tảng cho sự tu tập nuôi dưỡng lòng từ bi. Chúng ta có thể hình dung giống như một người cày bừa, dọn sạch một mảnh đất để gieo trồng hoa màu. Việc thọ trì giới luật chính là cày bừa dọn sạch mảnh đất thân tâm; việc nuôi dưỡng lòng từ bi chính là gieo trồng hoa màu lên mảnh đất đó. Do vậy, nếu chỉ dừng lại ở sự nghiêm trì giới luật thì tuy vẫn được nhiều công đức, lợi lạc, nhưng không thể so sánh được với người tiếp tục vun bồi nuôi dưỡng tâm từ bi. Người giữ giới và nuôi dưỡng tâm từ bi sẽ đạt được những lợi lạc lớn lao nhất từ Phật pháp. Không chỉ là tránh xa sự giết hại sinh mạng, người nuôi dưỡng tâm từ bi còn sẽ nỗ lực hết sức mình để bảo vệ sự sống của muôn loài.

Khi phân tích như vậy, ta sẽ thấy việc ăn chay cũng chính là nằm trong tinh thần của giới không giết hại. Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển 4, phẩm Tánh Như Lai, đức Phật dạy: “Từ nay về sau ta không cho phép các đệ tử Thanh văn ăn thịt. Khi nhận ở người đàn việt món thịt hiến cúng, nên quán tưởng đó như thịt con mình.” Khi Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi vì sao Phật không cho phép ăn thịt, đức Phật giải thích: “Kẻ ăn thịt làm dứt mất hạt giống đại từ.” Vị Bồ Tát này lại thưa hỏi: “Vậy tại sao lúc trước Như Lai cho phép tỳ-kheo ăn ba loại tịnh nhục?” Đức Phật đã trả lời: “Ca-diếp! Việc cho phép ăn ba loại tịnh nhục là tùy theo sự việc mà hạn chế dần dần.”

Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ việc đức Phật cho phép ăn ba loại tịnh nhục trong giai đoạn ban đầu lập giáo chỉ là phương tiện, và khi chúng sanh đã thấm nhuần giáo pháp, Phật mới chỉ dạy ý nghĩa rốt ráo là phải ăn chay để nuôi dưỡng tâm từ bi.

Vấn đề cần nêu ra ở đây là, như vậy nếu người cư sĩ thọ trì năm giới nhưng chưa thể ăn chay hoàn toàn, có phải là phạm giới hay không?

Về nguyên tắc, nếu xét theo ý nghĩa “khuyến khích người khác làm hoặc thấy người khác làm mà vui theo” thì việc ăn thịt đúng là phạm giới. Vì sao vậy? Nếu không có người ăn thịt thì con vật sẽ không bị giết hại. Khi chúng ta trả tiền mua thịt, đó chính là trả tiền thuê người khác giết con vật để có thịt phục vụ bữa ăn của ta. Tương tự như vậy, ta cũng đang trả tiền thuê người khác săn bắn, đánh bắt tôm, cua, cá, mực hoặc bẫy chim… để cung cấp cho sở thích ăn uống của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu xem xét vấn đề trong thực tế thì với thói quen đã từ lâu đời, rõ ràng là thật khó để người cư sĩ vừa mới thọ trì năm giới mà có thể từ bỏ ngay việc ăn thịt để chuyển sang ăn chay hoàn toàn. Do vậy, dựa theo lời Phật dạy “là tùy theo sự việc mà hạn chế dần dần” thì chúng ta cũng có thể vận dụng để giải quyết vấn đề khó khăn này.

Điều đó có nghĩa là, nếu như quý vị có thể nhất thời từ bỏ thói quen xưa cũ, chuyển sang ăn chay thuần tịnh sẽ là điều tốt nhất. Trong trường hợp không thể làm được như vậy, chúng ta có thể nỗ lực để hạn chế, giảm thiểu dần dần theo nhiều cách. Chẳng hạn ta có thể tập ăn chay trong mỗi tháng 2 ngày, 6 ngày hoặc 10 ngày tùy theo tâm nguyện. Hoặc ta cũng có thể tập thay đổi dần dần thực đơn hằng ngày, thay vì ăn uống cầu kỳ với nhiều món thịt cá tôm cua, ta sẽ giảm dần đi và xen vào đó các món chay… Nếu có thể kiên trì thực hiện như vậy, chắc chắn đến một ngày nào đó ta sẽ có thể dễ dàng chuyển sang ăn chay hoàn toàn. Và nếu người cư sĩ sau khi thọ giới nỗ lực theo hướng như vậy thì có thể nói là không phạm giới, không bị mất giới, nhưng vì việc giữ giới chưa trọn vẹn theo tinh thần giới luật nên gọi là “khuyết giới” (缺戒), nghĩa là giới hạnh còn khiếm khuyết, chưa được hoàn toàn thanh tịnh.

Chúng ta có thể hình dung giới hạnh giống như một viên ngọc quý sáng đẹp, và vì khuyết giới nên trên viên ngọc sáng đẹp ấy sẽ có những vết trầy xước, những vết bám bẩn, khiến cho mất đi phần nào vẻ đẹp, làm giảm giá trị của viên ngọc ấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta kiên trì mài giũa, gột rửa, chắc chắn sẽ có một ngày viên ngọc ấy trở nên hoàn toàn sáng đẹp. Cũng vậy, với sự nỗ lực tu tập kiên trì, một ngày nào đó giới hạnh của chúng ta sẽ trở nên hoàn toàn thanh tịnh.

Những ý nghĩa vừa trình bày như trên cũng có thể được vận dụng vào các điều giới khác. Chẳng hạn như việc “lấy của không cho”, nếu phân tích một cách chi ly cũng không phải dễ dàng giữ theo trọn vẹn. Trong thực tế, có nhiều hoàn cảnh phức tạp mà đôi khi chúng ta cũng rất khó tự mình xác định đúng sai. Khoảng năm 2012, một Phật tử thuần thành ở miền Tây Nam Bộ sau khi đọc nhiều sách Phật học của tôi đã xin được đến nhà thăm viếng. Khi ấy tôi còn đang ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Trong câu chuyện, anh kể lại về thời gian kinh doanh, có những khi anh nhập hàng vào và vì một số lý do ngoài ý muốn nên kéo dài thời gian xuất hàng đi. Thế rồi tình cờ lúc đó giá hàng hóa tăng cao đột ngột, và vì thế số tiền lãi khi bán hàng ra cũng tăng thêm rất nhiều so với bình thường. Anh đặt câu hỏi rằng như thế có phạm giới không? Có phải là đã thu lợi nhuận quá nhiều từ người mua hàng hay không? Nhưng theo quy luật của thương trường, anh cũng không thể bán hàng ra với giá quá thấp hơn so với giá bán của những người khác, vì như vậy bị xem là “phá giá”, sẽ ảnh hưởng đến các nhà buôn khác. Tôi giải thích với anh rằng, nếu anh không khởi tâm tham lam đầu cơ tích trữ để chờ giá lên, mà đó chỉ là sự việc tình cờ thì anh hoàn toàn không phạm giới. Hơn nữa, số tiền lãi anh kiếm được nhiều hơn trong trường hợp này là chính đáng, không phải do chèn ép người mua mà có. Nếu thấy đó là một khoản lợi nhuận quá cao, anh có thể tự nguyện phát tâm chia sẻ với những người khó khăn qua các công việc từ thiện như giúp đỡ người nghèo khó, già yếu, bệnh tật...

Trong những trường hợp khác, chúng ta cũng có thể dựa vào sự khởi tâm để xác định mình có phạm giới hay không. Nếu ta khởi tâm tham muốn, cố ý tìm cách chiếm hữu của người khác thì rõ ràng là phạm giới. Nếu ta không khởi tâm tham lam, chỉ hành xử đúng theo quy ước thông thường thì lợi nhuận thu được từ người khác là chính đáng thông qua sự trao đổi thỏa thuận chứ không phạm giới.

Đối với giới “tà dâm” thì yếu tố khởi tâm ham muốn càng quan trọng hơn, thậm chí là yếu tố quyết định. Ngay khi có sự khởi tâm ham muốn tà dâm, phải nhận biết ngay để nỗ lực buông bỏ. Nếu ngược lại không thấy biết đó là tà dâm mà vẫn tiếp tục nuôi dưỡng tâm niệm ham muốn, buông thả phóng túng theo sự ham muốn đó thì là phạm giới, ngay cả khi hành vi tà dâm chưa thực hiện được.

Về giới “nói dối”, thoạt nghe có vẻ như khá dễ dàng, nhưng thật ra lại là giới dễ bị “khuyết giới” nhất, bởi trong sinh hoạt hằng ngày dường như luôn có rất nhiều trường hợp mà chỉ cần thiếu tỉnh giác là chúng ta sẽ vướng ngay vào điều giới này. Tất nhiên hầu hết những trường hợp đó đều không nghiêm trọng đến mức phạm giới, chẳng hạn như những lời nói đùa, hoặc do vô tình mà nội dung không hoàn toàn đúng sự thật… Tuy nhiên, muốn cho giới hạnh được trọn vẹn, chúng ta không thể không thường xuyên chú ý để tu tập, sửa đổi những thói quen nhỏ nhặt liên quan đến giới này. Chính vì vậy, đây cũng là điều giới giúp chúng ta rèn luyện, hoàn thiện được nhiều nhất trong sự tu dưỡng tâm tánh.

Về điều giới “uống rượu”, xem ra cũng phức tạp không kém điều giới thứ nhất. Trong cuộc sống người cư sĩ tu tập tại gia vẫn còn ràng buộc với nhiều mối giao tiếp trong xã hội, chúng ta có nhiều trường hợp rất khó lòng giữ được trọn vẹn giới này. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết vẫn chính là thói quen lâu ngày, luôn kìm hãm chúng ta trước sự thay đổi hoàn toàn. Do vậy, để dứt bỏ hoàn toàn việc uống rượu bia, chúng ta thường cũng không có cách nào khác hơn “là tùy theo sự việc mà hạn chế dần dần” như lời Phật đã dạy. Điều quan trọng là một khi còn chưa dứt bỏ được thì phải luôn nhớ biết rằng mình còn đang khuyết giới. Sự tỉnh giác tự nhận biết như vậy sẽ là động lực thường xuyên giúp ta từ bỏ dần dần thói quen cũ và chắc chắn sẽ có một ngày có thể từ bỏ được hoàn toàn.

VI. Hai khuynh hướng cực đoan

Quy y Tam bảo và thọ trì năm giới là bước căn bản đầu tiên mà bất cứ người Phật tử nào cũng phải trải qua. Tuy vậy, như đã nói trên, hoàn cảnh thực tế hiện nay là có không ít người Phật tử không có được điều kiện gần gũi bậc minh sư để được hướng dẫn cặn kẽ, chi ly trên con đường tu tập, và nhất là về ý nghĩa cũng như phương thức thọ trì năm giới. Chính thực tế này đã dẫn đến ít nhất là hai khuynh hướng cực đoan, thái quá trong việc nhận hiểu và hành trì năm giới. Người cư sĩ cần nhận biết và tránh đi những khuynh hướng này thì con đường tu tập mới có thể được dung hòa, đúng hướng và mang lại kết quả tốt đẹp, lợi lạc cho bản thân cũng như cho người khác.

1. Khuynh hướng chấp chặt

Có rất nhiều người cư sĩ khi phát tâm quy y Tam bảo, thọ trì năm giới thì tín tâm mạnh mẽ, nhiệt huyết tràn đầy. Khi nhìn thấy được những khổ đau, phiền não dẫy đầy trong cuộc sống, nay được tiếp cận với Phật pháp, họ như nhìn ra được cả một khoảng trời cao rộng, một con đường tốt đẹp dẫn đến sự thoát ly mọi khổ não. Trong tâm trạng đó, tất nhiên là họ luôn mong muốn làm tất cả mọi việc theo đúng lời Phật dạy, nỗ lực hết sức mình để có thể nhanh chóng thoát khổ.

Những vị này thường trân quý sự tu tập và tin chắc rằng muốn tu tập có kết quả thì nhất thiết phải theo đúng lời Phật dạy. Họ vận dụng cách nhìn này vào năm điều giới mà cho rằng nếu không nghiêm giữ được trọn vẹn năm giới thì không thể dựa vào đâu để tu tập thành tựu. Chính vì vậy, các vị này có khuynh hướng nhận hiểu về năm giới như những điều luật nghiêm khắc mà người Phật tử tuyệt đối không được vi phạm vào. Chúng tôi gọi cách nhận hiểu về giới như thế này là khuynh hướng chấp chặt.

Vì chấp chặt nên đối với các vị theo khuynh hướng này chỉ có đúng hoặc sai, làm được hay không làm được mà thôi. Lấy ví dụ như các vị này hiểu về điều giới thứ nhất là không giết hại sinh mạng, không gây tổn hại đến sự sống của mọi chúng sanh, như vậy tất nhiên việc ăn thịt chúng sanh là điều không thể chấp nhận được. Họ cho rằng, thật hoàn toàn vô lý khi chúng ta một mặt tuyên bố là tôn trọng sự sống, là không giết hại sinh mạng, nhưng mặt khác lại cứ tiếp tục vô tư cắt xẻ thân thể chúng sanh, chiên xào nấu nướng những món ăn với máu thịt chúng sanh, và hơn thế nữa còn cho đó là thơm ngon, là bổ dưỡng!

Chúng ta cần thấy rằng, những lập luận như trên hoàn toàn đúng đắn, không có gì sai trái. Nhưng vấn đề ở đây là khi chúng ta nhận hiểu về năm giới như những khuôn mẫu đạo đức phải tuân theo hoàn toàn, thì khi vận dụng những khuôn mẫu đó vào thực tế đời sống chúng ta sẽ vấp phải một số những giới hạn nhất định. Những giới hạn này là tất yếu, là có thật, do vậy ta không thể phủ nhận. Tuy chúng ta vẫn phải đối diện và vượt qua những giới hạn đó, nhưng vượt qua như thế nào mới chính là vấn đề cần suy ngẫm, chiêm nghiệm. Nếu chúng ta thiết lập một mục tiêu cực kỳ tốt đẹp nhưng trong thực tế ta lại không đủ khả năng thực hiện hoàn thành mục tiêu đó, hoặc chỉ có thể thực hiện trong một thời gian ngắn rồi buông bỏ, thì rõ ràng mục tiêu đó là không thực tiễn.

Trong việc thọ trì năm giới cũng vậy. Tất cả chúng ta đều mong muốn sự hoàn thiện, nhưng trước khi đạt đến sự hoàn thiện, chúng ta phải chấp nhận vượt qua một giai đoạn chưa hoàn thiện. Đây là tiến trình hợp lý, và sự hợp lý này cho phép chúng ta tiến bước dài lâu, kiên trì trên con đường tu tập chứ không chỉ nỗ lực qua một thời gian ngắn ngủi rồi bỏ cuộc.

Trong kinh điển vẫn còn ghi lại những ví dụ minh họa rất rõ ràng cho quan điểm của đức Phật về vấn đề này. Thập tụng luật, quyển 4, kể rằng Đề-bà-đạt-đa từng đề nghị với đức Phật 5 quy định đối với các tỳ-kheo, trong đó có việc buộc tất cả các tỳ-kheo phải suốt đời ăn chay. Với quan điểm “tùy theo sự việc mà hạn chế dần dần”, đức Phật đã bác bỏ đề nghị này. Ngài khuyến khích các tỳ-kheo có thể thực hành theo nếu muốn, nhưng không chấp nhận việc xem đây là những điều bắt buộc cho mọi tỳ-kheo.

Quan điểm “hạn chế dần dần” này cũng nên được vận dụng với tất cả các điều giới, các mục tiêu tu tập dài hạn của chúng ta. Và đây mới chính là phương cách thích hợp, hài hòa. Bởi khi chúng ta thực hành một cách quá cứng nhắc, quá chấp chặt, thì nguy cơ buông bỏ khi không còn đủ sức theo đuổi mục tiêu là rất cao. Cũng giống như sợi dây đàn, nếu độ căng vừa phải thì có âm thanh hay và chơi được lâu dài, nhưng nếu căng quá thì sẽ dễ bị đứt.

2. Khuynh hướng buông thả

Trái ngược với khuynh hướng chấp chặt là khuynh hướng buông thả. Khuynh hướng này có nghĩa là xem các điều giới do Phật chế định như những lời khuyên dạy, có thể làm được đến đâu cũng tốt, chưa làm được thì cứ… để đó.

Cách hiểu và thực hành như vậy là hoàn toàn không đúng với tinh thần phát nguyện khi thọ giới. Chúng ta đều biết, khi chưa tu tập thì mỗi chúng ta đều có những tập quán, thói hư tật xấu. Nếu muốn từ bỏ hay thay đổi, không thể không có sự nỗ lực kiên trì. Cũng giống như con thuyền muốn bơi ngược dòng nước, nếu ta dừng lại tay chèo thì chắc chắn thuyền không thể đứng yên mà sẽ trôi theo dòng nước. Cũng vậy, tu tập mà không có sự nỗ lực kiên trì thì không phải là tiến bộ chậm, mà điều dễ xảy ra hơn là ta sẽ bị thối lui, sa đọa.

Do vậy, người cư sĩ tu tập cần có sự tinh tấn dũng mãnh. Trong sự thọ trì năm giới cũng phải có sự nỗ lực kiên trì, vượt qua những thói quen xấu, những khuynh hướng không tốt từ lâu ngày. Chẳng hạn như người đã quen uống rượu bia, nếu không có sự nỗ lực kiên trì thì không thể từ bỏ được thói quen này. Phương cách đối trị thích hợp của chúng ta phải là sự nỗ lực kiên trì. Mỗi ngày giảm đi một ít, qua nhiều ngày, nhiều tháng mới có được sự tiến bộ dần dần, cho đến cuối cùng chắc chắn sẽ từ bỏ được.

Với những điều giới khác cũng vậy. Nếu chúng ta dể duôi buông thả, xem thường tính chất quan trọng của các giới, thì ta sẽ mãi mãi không bao giờ thực hành được trọn vẹn, viên mãn. Bước khởi đầu có thể tùy theo khả năng và hoàn cảnh, ta bắt đầu từ đâu cũng tốt cả, nhưng bước tiếp theo không thể là giẫm lại lên bước thứ nhất, mà nhất thiết phải có sự bước tới, tiến lên, dù chậm cũng phải có sự tiến lên. Nỗ lực và kiên trì từng bước như vậy chính là tu tập đúng hướng, còn nếu như buông thả dể duôi thì sẽ mãi mãi không bao giờ thành tựu.

VII. Kết luận

Hiếm khi chúng ta gặp một người Phật tử nào đến chùa mà tự nhận mình chưa quy y Tam bảo và thọ trì năm giới. Nói như vậy để thấy rằng, quy y Tam bảo và thọ nhận năm giới là điều phổ biến đối với mọi người Phật tử, nam cũng như nữ.

Thế nhưng trong số đó, không ít người về chùa, được thầy ban cho một pháp danh, được quy y Tam bảo và thọ nhận năm giới, nhưng rồi sau đó lại không có mấy nỗ lực khác biệt so với trước khi đến chùa. Những Phật tử như vậy, lâu dần thường sẽ nhàm chán và từ bỏ việc đến chùa, hoặc chỉ đến chùa như một thông lệ bình thường cho giống với nhiều người khác, thế thôi. Bởi vì đối với những người này, rất khó có thể cảm nhận được những lợi ích thực tiễn của sự tu học theo Phật pháp. Mặc dù đã nhận được món báu vật tinh thần là niềm tin vào Phật pháp và năm điều giới, nhưng họ không thực sự nhận biết và phát huy được những giá trị này. Và nếu như họ dựa vào đức tin để về chùa rồi cầu xin mong muốn được ban cho một điều gì đó, họ sẽ sớm thất vọng. Họ là những người cư sĩ trên danh nghĩa, nhưng ý nghĩa tu tập hay hộ đạo thì đối với họ vẫn có phần xa lạ.

Một số khác may mắn hơn, nhận thức được lợi ích trong sự tu tập của người Phật tử sau khi quy y và thọ giới, nhưng lại không đủ may mắn để được cận kề một bậc minh sư, hoặc không có đủ thời gian gần gũi để được chỉ bày, dẫn dắt trong bước đầu tu tập. Những người này hẳn là sẽ có sự nỗ lực, cố gắng, nhưng thành tựu được như thế nào còn phải dựa vào sự kiên trì dài lâu cũng như những thuận duyên mà họ gặp được. Sự tu tập của những người cư sĩ này thường gắn liền với sự phát triển đúng hướng của ngôi chùa mà họ nương bóng. Nếu ngôi chùa ấy quan tâm nhiều đến sự thuyết giảng giáo pháp, khuyến khích sự tu tập hành trì thì họ sẽ nhận được vô vàn lợi lạc. Ngược lại, nếu đó là một ngôi chùa chỉ chú trọng nhiều đến lễ lạt hay những nghi thức cúng kiếng, chỉ có rất ít hoặc không có hoạt động thuyết giảng giáo pháp, thì sự tu tập của người cư sĩ sẽ rất khó khăn, đòi hỏi nhiều ở khả năng tự nghiên cứu học hỏi cũng như một ý chí tu tập kiên trì.

Trường hợp may mắn nhất chính là khi người Phật tử được tu tập giống như trong truyền thống Phật giáo từ nhiều ngàn năm qua chứ không phải như trong thời hiện đại này. Đó là gặp được một vị thầy bổn sư để có thể nương theo đến suốt cuộc đời, được thầy chỉ bày giảng giải trong từng bước tu tập, và quan trọng hơn tất cả là được che chở trong bóng mát đạo hạnh của vị thầy để có thể ngày càng vững tin hơn vào Tam bảo. Những người cư sĩ may mắn này chắc chắn sẽ nhận được các hướng dẫn chi ly, đúng đắn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thọ trì năm giới. Hiểu đúng và thực hành đúng sẽ giúp họ luôn nhận được lợi lạc mỗi ngày từ sự nỗ lực tu tập, có được niềm an vui chân thật từ cuộc sống tu tập và ngày càng giảm nhẹ đi những phiền não buộc ràng.

Hiểu được ý nghĩa của năm giới qua ngôn từ thì không có gì là khó khăn cả. Hơn thế nữa, chỉ cần khoảng năm phút đọc tụng, hẳn là chúng ta đều có thể ghi nhớ thuộc lòng cả năm giới này. Nhưng thấu hiểu được toàn bộ nội hàm của năm giới cũng như tầm quan trọng sống còn của năm giới đối với người cư sĩ thì lại là một việc hoàn toàn khác. Thường thì sự suy diễn bằng tri thức thông thường không đủ để giúp ta thấu triệt và nhận hiểu đầy đủ những điều ấy. Trong thực tế, chỉ khi nào chúng ta đã có sự hành trì giữ giới, đã gặp phải những vướng mắc khó khăn trong đời sống và cũng đã kiên trì nỗ lực từng bước vượt qua, chúng ta mới có thể dần dần cảm nhận được hết ý nghĩa quan trọng và lợi ích của năm giới trong đời sống của người cư sĩ. Không phải vô cớ mà một bậc trí tuệ toàn giác như đức Phật đã chế định cho người cư sĩ tại gia chỉ năm giới này, không nhiều hơn và cũng không ít hơn. Tính bao quát hợp lý của năm giới giúp chúng ta lập tức trở thành một người hiền thiện ngay khi ta phát tâm thọ trì năm giới. Không thể có một ý nghĩ xấu ác nào khởi lên, một lời xấu ác nào được nói ra hay một hành vi xấu ác nào được thực hiện mà lại không phạm vào năm giới. Năm giới giống như một bức tường rào vây bọc quanh ta, bảo vệ chúng ta tránh khỏi mọi điều xấu ác. Chỉ cần nghiêm cẩn thọ trì năm giới, thân tâm ta sẽ trở thành một mảnh đất màu mỡ, sẵn sàng để gieo trồng mọi hạt giống lành.

Do vậy, vấn đề trước tiên và quan trọng nhất của một người cư sĩ, quả thật không gì khác hơn mà chính là phải học, hiểu và thực hành đúng theo năm giới.

Nguyễn Minh Tiến

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1469 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.56.176 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi ... ...

Việt Nam (185 lượt xem) - Hoa Kỳ (161 lượt xem) - Australia (38 lượt xem) - French Southern Territories (9 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...