Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tại sao lại ăn chay? »» Tại sao lại ăn chay? »»

Tại sao lại ăn chay?
»» Tại sao lại ăn chay?

Donate

(Lượt xem: 6.632)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Tại sao lại ăn chay?

Font chữ:

Nhiều năm trước, tôi đã viết một cuốn sách về công đức của việc ăn chay và những lỗi lầm của việc ăn thịt hay không ăn chay. Buổi nói chuyện hôm nay của chúng ta sẽ dựa trên phần đó của cuốn sách. Về các quan điểm Phật giáo liên quan đến việc ăn chay và không ăn chay, đây là điều mà cuốn sách đã nói:

Theo truyền thống Nguyên thủy Theravada, hành giả chỉ được phép ăn ‘tam tịnh nhục’. Các kiểu thịt khác bị cấm hoàn toàn. Ngày nay ở Thái Lan và vài quốc gia Đông Nam Á khác, Tăng đoàn vẫn giữ sự thực hành này. Chư vị nghĩ rằng không ăn thịt là nương theo yêu cầu của Đề Bà Đạt Đa 20. Và thực hành ăn tam tịnh nhục là tuân theo các giới luật được Đức Phật giảng dạy trong Luật Tạng Nguyên thủy.

Trong Đại thừa, Phật giáo Trung Hoa từ lâu đã duy trì truyền thống ăn chay tốt đẹp. Hiện tại, phần lớn Phật tử Trung Hoa là người ăn chay. Họ tuân theo những giáo lý trong hai Kinh điển Đại thừa: Kinh Lăng Già và Kinh Niết Bàn. Theo một cách nào đó, ăn chay cũng phản ánh tinh thần bi mẫn của Đại thừa.

Tuy nhiên, có nhiều hiểu lầm đối với Phật giáo Tây Tạng về chủ đề này. Mặc dù điều này là vô căn cứ, nhưng nhiều người nghĩ rằng việc ăn thịt được Phật giáo Tây Tạng cho phép. Ngày nay, thậm chí tu sĩ và cư sĩ của các trường phái Hiển giáo cũng cho rằng hành giả Kim Cương thừa có thể ăn thịt. Kết luận này được rút ra dựa trên sự quan sát đơn giản rằng ở Tây Tạng, nơi mà Phật giáo Kim Cương thừa phát triển, phần lớn tu sĩ và cư sĩ ăn thịt. (Thực sự không phải vậy và chúng ta sẽ thảo luận sau.)

Phật giáo Kim Cương thừa được phát triển theo hai giai đoạn: Thời kỳ Truyền bá Đầu Tiên và Thứ Hai Thời kỳ Truyền Bá Đầu Tiên liên quan đến truyền thống Nyingmapa (Cổ Mật), với giáo lý chính yếu là Dzogchen hay Đại Viên Mãn. Các Mật điển của Đại Viên Mãn chỉ rõ ràng không việc ăn thịt nào được cho phép. Thời kỳ Truyền Bá Thứ Hai liên quan đến Gelugpa, Kagyupa, Sakyapa và mọi trường phái khác của Phật giáo Kim Cương thừa ở Tây Tạng trừ Nyingmapa. Trong tất cả các Mật điển của thời kỳ này, quan trọng và cốt lõi nhất là Mật điển Thời Luân Kim Cương. Cả Mật điển và những bình giảng đều chỉ rõ rằng ăn thịt là không được phép. Tất cả những điều này cho thấy rằng Phật giáo Đại thừa, dù là Hiển hay Mật, đều phản đối việc ăn thịt.

Trong trường hợp đó, tại sao thịt và rượu xuất hiện trong Ganachakra[21]? Thực sự, Ganachakra không giống như một buổi ăn uống lu bù. Sau đây, tôi sẽ giải thích kỹ hơn về điều này.

Nếu Phật giáo Đại thừa phản đối việc ăn thịt, tại sao vài hành giả Tây Tạng lại ăn thịt? Điều này không phải bởi các bản văn cho phép họ làm vậy mà vì những lý do khác. Như các bạn đều biết, phần lớn Cao Nguyên Tây Tạng không thích hợp với việc trồng rau và lúa. Ở nơi có thể trồng trọt, mùa màng cũng không tốt lắm. Và thiếu những phương tiện vận tải khiến thật khó khăn để liên lạc với thế giới bên ngoài. Đặc biệt ở những vùng đồng cỏ, chỉ có Tsampa (lúa mạch nghiền rang) nếu người ta không ăn thịt. Trước kia, bởi không thể chuyên chở, dân du mục gần như không thể liên lạc với người bên ngoài Tây Tạng. Thậm chí trong Tây Tạng, người ta cũng hiếm khi liên lạc với nhau. Ví dụ, vài vùng đồng cỏ và vùng nông nghiệp ở Thanh Hải cách nhau hàng trăm dặm. Ở đó, người ta chỉ có thể dựa vào ngựa và trâu Yak để đi đến vùng khác. Hành trình này không đáng tin cậy và chẳng có gì đảm bảo người ta sẽ trở về an toàn. Vì vậy, những người sống ở vùng đồng cỏ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ăn thịt bởi vì môi trường mà họ đang sống. Mặc dù giáo lý Đại thừa đòi hỏi một cách nghiêm ngặt việc ăn chay và hành giả Tây Tạng cũng biết rằng ăn thịt là sai trái và không đúng với giáo lý Phật giáo Đại thừa, họ vẫn không thể ăn chay vì những lý do kể trên. Bởi thế, họ buộc phải ăn thịt, nhưng chỉ ba loại thịt thanh tịnh, chứ không phải loại bất tịnh.

Tuy nhiên, những người này không đại diện cho Kim Cương thừa, cho Phật giáo Kim Cương thừa hay cho Tăng đoàn Tây Tạng. Thực tế là vẫn có một số vị ăn chay trong số các hành giả ở Tây Tạng. Một ví dụ là Đức Shabkar – tác giả của Đại Viên Mãn – Đàn Chim Garuda, cũng là một hành giả vĩ đại. Một ví dụ khác là Ngài Nyala Pema Dundul ở Xinlong, một đạo sư chứng ngộ, người đã thành tựu thân cầu vồng. Sự thành tựu của Ngài không phải kiểu bình phàm bởi thân vật lý của Ngài hoàn toàn biến mất sau khi Ngài qua đời. Những vị đạo sư này cũng từng ăn thịt, nhưng sau đó đã phát nguyện sẽ mãi mãi ngừng dứt việc ăn thịt. Các ví dụ khác bao gồm Thubga Rinpoche, vị thầy của Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche và thầy của Patrul Rinpoche – một học trò của Tôn giả Rigdzin Jigme Lingpa. Những vị này cùng với nhiều hành giả lỗi lạc khác đều lập thệ nguyện sẽ ăn chay. Trong khi sự thật ở đây đúng là có một số hành giả ở Tây Tạng ăn thịt, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả hành giả Tây Tạng đều làm thế hoặc các bản văn cho phép hành vi này. Người ta không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu dù trong Kinh điển Đại thừa hay các Mật điển của Kim Cương thừa cho rằng ăn thịt là chấp nhận được.

Dù vậy, có một điều làm tôi lo lắng. Một số hành giả từ Trung Hoa, người từng ăn chay, đến Tây Tạng để nghiên cứu Kim Cương thừa. Thay vì học hỏi tinh túy của Phật giáo Tây Tạng, các vị bắt đầu một thói quen xấu – ăn thịt, thậm chí đôi lúc còn dùng quá mức. Họ tin rằng đây là cách thức của Kim Cương thừa đích thực và tin rằng họ là một Yogi (hành giả du già) Kim Cương thừa, nên việc ăn thịt là đúng và tự nhiên. Có một số tu sĩ Trung Hoa tuyên bố họ là hành giả Kim Cương thừa sau khi trở về Trung Hoa từ Tây Tạng. Khoác lên mình y áo tu sĩ, các vị mua rất nhiều thịt và rượu cho lễ Ganachakra. Sau khi tụng đọc bản văn liên quan đến buổi lễ, họ bắt đầu dùng thịt và rượu. Đây là ý tưởng của họ về Ganachakra. Nhiều Phật tử cư sĩ không được thông tin đầy đủ cũng nghĩ rằng rượu là cam lồ của chư thiên và rằng ăn thịt không phải là vấn đề. Họ thậm chí xem thường những tín đồ của Hiển giáo, là những người vẫn duy trì việc ăn chay. Tất cả những quan điểm và thái độ này là sai trái và phải được chỉnh sửa.

Nhưng chúng ta vẫn cần có bằng chứng xác thực để hỗ trợ cho lời kêu gọi phải chỉnh sửa này. Chúng ta sẽ thảo luận điều này từ quan điểm của cả ba thừa: Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa Hiển giáo và Kim Cương thừa. Hãy cùng xem cách thức các thừa quán sát chủ đề ăn thịt như thế nào.

Quan điểm Phật giáo Nguyên Thủy

Theo Luật Tạng Theravada, trong thời Đức Phật, có một cư sĩ, một vị trưởng làng, với nhiều thợ săn làm việc cho ông ấy. Trước khi ông ấy đạt giác ngộ, các thợ săn thường cung cấp cho ông ấy rất nhiều thịt từ việc đi săn. Sau khi thọ nhận vài giáo lý từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cuối cùng ông ấy đạt chứng ngộ qua chánh kiến của con đường Phật giáo Nguyên thủy và ngừng ăn thịt. Tuy nhiên, những thuộc hạ của ông ta vẫn tiếp tục đi săn và dâng thịt. Thay vào đó, ông ấy đã cúng thịt cho tu sĩ bất cứ khi nào họ đi khất thực. Lần nọ, chư Tăng dùng thịt được cúng dường. Vài hành giả ngoại đạo sau đó bắt đầu tấn công bằng cách nói rằng: “Cư sĩ thì không ăn thịt đó, nhưng đệ tử của Phật Thích Ca lại dùng. Thật là đáng sỉ nhục!” Nghe vậy, một số Tỳ kheo, thỉnh cầu lời dạy của Phật, thưa rằng: “Chúng con cần làm gì trước những bình phẩm này bởi chúng con đang ăn thịt?” Đức Phật sau đó thiết lập quy tắc về việc chỉ dùng ba loại thịt thanh tịnh, với vài yêu cầu đặc biệt được đặt ra. Đó là, thịt của rắn, chó, ngựa và bò sẽ không được ăn cho dù chúng có đáp ứng được tiêu chuẩn của tam tịnh nhục. Bởi người Ấn Độ trong thời của Phật, xem thịt của những con vật này không sạch sẽ như thịt người. Đến nay, truyền thống Phật giáo Nam truyền vẫn giữ quy tắc này.

Nếu người ta chỉ thực hành Phật giáo Nguyên thủy và không thực hành bất cứ pháp tu Hiển hay Mật nào của Đại thừa, việc ăn ba kiểu thịt thanh tịnh này sẽ không vi phạm các giáo huấn khởi đầu của Đức Phật.

Ba loại thịt thanh tịnh này là gì? Đầu tiên, ta không thấy bằng mắt mình rằng con vật được giết vì ta; thứ hai, ta không nghe từ ai đó mà ta tin tưởng rằng nó bị giết đặc biệt vì ta; thứ ba, bản thân ta không nghi ngờ rằng nó không bị giết đặc biệt cho ta. Ví dụ, thịt được bán ở chợ đều dành cho những người ăn thịt, chứ không phải riêng ta, vì thế nó được xem là thịt thanh tịnh. Hoặc, khi là khách của một gia đình Tây Tạng, chủ nhà thường giết cừu để đãi khách. Người Trung Hoa thường giết gà, cá, thỏ hay tương tự trong những dịp như vậy, thì đây không phải là thịt thanh tịnh. Quy tắc của Phật giáo Nguyên thủy quy định rằng chỉ ba kiểu thịt thanh tịnh như vậy mới được phép dùng; các loại khác thì không.

Quan điểm Đại thừa

Quan điểm của Đại thừa là điều mà chúng ta đặc biệt muốn tập trung vào. Phật giáo Đại thừa không cho phép việc tiêu thụ bất cứ loại thịt nào. Không chỉ những loại không được xem là thanh tịnh mà còn cả thịt từ những con vật bị chết vì bệnh tật.

Chúng ta có thể tìm được bằng chứng về quan điểm này từ đâu trong các kinh văn Đại thừa? Chủ yếu là Kinh Lăng Già và Kinh Niết Bàn. Có những kinh khác, nhưng hai bản kinh này cung cấp sự giảng giải chi tiết nhất.

Kinh Lăng Già giảng giải về nhiều lỗi lầm của việc ăn thịt. Chúng ta sẽ chỉ thảo luận ba điểm chính ở đây.

Đầu tiên là mọi hữu tình chúng sinh đều đã là cha mẹ của chúng ta từ vô thủy. Như thế, con vật mà chúng ta ăn hôm nay chắc chắn cũng từng là cha mẹ chúng ta. Ăn thịt này giống như ăn thịt cha mẹ hay con cái chúng ta. Vì vậy, sẽ là điều sai lầm khi làm thế thậm chí từ quan điểm thế tục, huống hồ là quan điểm xuất thế gian.

Thứ hai, khi động vật thấy người ăn thịt, chúng dường như khá sợ hãi. Chúng ta biết rằng động vật theo một cách nào đó nhạy cảm hơn nhiều con người. Chúng biết ai là người ăn thịt và phân biệt mùi giữa người ăn thịt và người ăn chay. Đức Phật nói rằng khi người ăn thịt đến gần động vật, đặc biệt là những loài vật nhỏ, họ có thể làm con vật sợ hãi đến mức bất tỉnh. Cũng giống như cảm giác của con người khi thấy Rakshasa (La sát), một loài ma quỷ cũng được gọi là kẻ ăn thịt người. Kết quả là, từ quan điểm của việc làm lợi lạc hữu tình chúng sinh, những vị tuyên bố là Bồ Tát, những vị đã thọ nhận Bồ Tát giới và đang vun bồi lòng bi mẫn, dứt khoát không nên ăn thịt.

Thứ ba là từ quan điểm của việc làm lợi lạc cả bản thân lẫn người khác, một điểm đặc biệt quan trọng cần chú ý. Nếu người ăn thịt sinh về cõi súc sinh, họ chắc chắn sẽ là loài ăn thịt. Điều này là bởi thiên hướng thích thịt trong đời này để lại một thói quen tập khí mạnh mẽ về việc thèm thịt lưu lại trong A-lại-da thức của họ. Khi họ đầu thai, thân thể có thể thay đổi, nhưng tập khí vẫn còn trong A-lại-da thức. Chúng ta có thể thấy rằng thói quen này rất mạnh mẽ, một số loài ăn thịt, chỉ vài giờ sau khi sinh ra, đã săn những con vật nhỏ dù chưa được dạy về điều đó. Bởi chúng là kẻ ăn thịt từ quá khứ, thói quen ăn thịt rất mạnh mẽ. Cộng thêm với sự thật là bây giờ chúng đã trở thành động vật khiến chúng không có sự ổn định để phân biệt đúng – sai, chúng không thể không giết hại để kiếm ăn trong đời này. Đây là khía cạnh khủng khiếp nhất.

Bởi chúng ta đều thích nghĩ rằng bản thân mình là những hành giả Pháp, có lẽ chúng ta cần kiểm tra xem điều mà chúng ta đã làm từ trước đến nay với sự thực hành của bản thân. Phật giáo Đại thừa có năm con đường [ngũ đạo] và mười bhumi (địa). Bây giờ, chúng ta đang đứng ở đâu?

Trong năm con đường, tư lương đạo và gia hành đạo là thực hành cho người bình thường. Dù vậy, hai con đường này có thể tích lũy công đức lớn lao. Tư lương đạo có ba cấp độ: cao, trung bình và thấp. Không đề cập đến cấp độ trung bình và thấp, thậm chí những vị đang thực hành ở cấp độ cao vẫn có thể bị đọa vào cõi súc sinh. Điều này là bởi tại giai đoạn này, chư vị vẫn có thể phá giới Bồ Tát và các giới trọng của Kim Cương thừa. Và khi làm vậy, chư vị chắc chắn sẽ sinh về ba đọa xứ bởi nghiệp báo thì không bao giờ sai chệch. Nếu người ăn thịt cuối cùng kết thúc trong cõi ngạ quỷ hay súc sinh, họ chắc chắn vẫn sẽ là loài ăn thịt.

Về gia hành đạo, đây đã là một thành tựu đối với một người thường khi họ đạt đến giai đoạn này trong thực hành tâm linh. Từ quan điểm của Kim Cương thừa, đây nghĩa là phần thực hành giai đoạn phát triển của họ đã đạt đến điểm cao và họ có thể quán tưởng Yidam, vị Bổn tôn thiền định, một cách sống động, không chỉ trong tâm thức mà thực sự có thể nhìn thấy bằng mắt. Điều này áp dụng với cả chư Bổn tôn an bình và phẫn nộ. Và việc họ thực hành giai đoạn hoàn thiện đã khai mở mọi kinh mạch và các dòng năng lượng bên trong thân. Về sự chứng ngộ tính Không, các vị này đã đạt đến một trạng thái khá cao, chỉ còn thiếu việc chứng ngộ Đại Tịnh quang, tức là, chưa đạt đến địa Bồ Tát thứ nhất, hay con đường của tri kiến [kiến đạo]. Ngay cả vậy, các bản kinh cũng tuyên bố rõ ràng rằng, nếu hành giả như vậy vi phạm các giới nguyện gốc của Kim Cương thừa mà không chút hối hận thì vị ấy sẽ vẫn bị sinh ra trong các đọa xứ.

Bây giờ, liệu chúng ta, bao gồm cả tôi, có ở trên tư lương đạo, gia hành đạo hay thậm chí là trên bất cứ con đường nào hay không? Cấp độ thấp nhất, hay bước đầu tiên của gia hành đạo là bắt đầu bằng Bồ đề tâm không ngụy tạo, là điều chỉ khởi lên sau khi chúng ta có sự xác quyết để đạt Phật quả vì lợi lạc của mọi hữu tình chúng sinh. Hiện nay chúng ta đã có Bồ đề tâm không ngụy tạo hay chưa? Nếu chưa, chúng ta không thể được xem là đã bước vào cánh cửa của Phật giáo Đại thừa. Thực sự, chúng ta không tốt đẹp gì hơn những người bình thường còn lại và vẫn có thể lang thang trong cõi súc sinh nhiều lần, phần lớn có thể là loài ăn thịt.

Lúc này đang được làm người, chúng ta có khả năng phân biệt điều đúng – sai và có các lựa chọn. Chúng ta biết rõ về những lỗi lầm liên quan đến việc ăn thịt và cũng có thể xoay sở để không ăn thịt. Tuy nhiên, chúng ta lại không, hoặc không sẵn lòng, đưa ra lựa chọn đúng đắn. Trong tương lai, nếu chúng ta đầu thai làm súc sinh, chúng ta sẽ: 1) muốn ăn thịt và thịt mà thôi, bất kể trái cây và rau cỏ có ngon thế nào; 2) không biết về những lỗi lầm của việc ăn thịt; 3) không có khả năng lựa chọn. Vậy chẳng có cách nào để chúng ta tránh làm loài ăn thịt. Vì nếu chúng ta lựa chọn làm người ăn thịt khi chúng ta có thể làm khác thì trở thành động vật ăn thịt trong cõi súc sinh chỉ là kết quả tự nhiên.

Đức Phật nói với chúng ta rất rõ ràng rằng nếu họ bị đọa vào cõi địa ngục thì người ăn thịt sẽ trở thành loài ăn thịt như sư tử, hổ và báo. Điều này có thể được suy ra theo lô-gic. Trong cõi súc sinh, chỉ có hai loại thức ăn: thịt hay không phải thịt (rau cỏ, hoa quả và quả hạch). Lúc ấy, bởi tập khí thâm căn cố đế về việc ăn thịt (thói quen tập khí có thể sử dụng sức mạnh lớn lao), người ăn thịt sẽ trở thành động vật ăn thịt, là những loài chỉ có thể giết hại để sinh tồn. A-tì-đạt-ma-câu-xá luận nói rằng có ba kiểu sát sinh – giết vì tham, sân và si. Giết hại để ăn là vì tham.

Chúng ta đều từng xem trên (loạt phim) Thế Giới Động Vật bao nhiêu mạng sống mà vài loài ăn thịt cần ăn trong 24 giờ. Ví dụ, cá voi xanh, loài vật được biết đến là lớn nhất trên thế giới, có thể ăn tới bốn tấn nhuyễn thể trong mùa đi săn. Và đây chỉ là một nhu yếu phẩm cho một ngày. Một mạng sống bị ăn là một mạng sống bị lấy mất và là một ác nghiệp đã vi phạm trọn vẹn. Trong cả đời, cá voi xanh không bao giờ tụng niệm hồng danh của Đức Phật hay thực hành thiện hạnh. Nếu nó sống một trăm năm, nó phạm phải ác nghiệp như vậy trong một trăm năm. Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với nó vào đời sau không? Đức Phật dạy chúng ta trong Luật Tạng rằng cuộc đời tiến triển theo bốn hướng: từ sáng đến sáng, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng và từ tối đến tối. Nếu cứ ăn thịt, cuộc đời chúng ta sẽ từ sáng đến tối. Dĩ nhiên, nếu người ta có thể tránh được tăm tối nhờ thực hành Pháp thì sẽ không phải là nguyên nhân để bận tâm. Nhưng chúng ta cam quyết về việc thực hành của mình như thế nào?

Chúng ta xem bản thân là hành giả Phật giáo, nhưng việc ngừng ăn thịt dường như với chúng ta lại là một sự hy sinh quá lớn. Đây có phải là cách mà chúng ta ám chỉ khi thực hành Phật giáo hay là hành giả Đại thừa? Chúng ta có thực sự biết cách lựa chọn điều đúng đắn thay vì điều sai trái chưa? Thông thường, sự thực hành được gọi là Phật giáo của chúng ta được tiến hành với điều kiện là chúng ta không phải hy sinh gì và không phải chịu tổn thất nào đối với danh tiếng hay của cải vật chất của mình. Tuy nhiên, đây không phải là cách mà chúng ta nương theo Đức Phật. Ăn chay thì có tổn thất gì? Chỉ là không ăn thịt, tất cả chỉ là vậy thôi. Nếu chúng ta xem đây là một tổn thất, thì những tổn thất lớn hơn nhiều vẫn đang chờ đợi chúng ta trong tương lai. Chúng ta có nhiều loại rau, quả và ngũ cốc khác nhau để ăn. Tại sao chúng ta vẫn cần ăn thịt của chúng sinh khác?

Vài người có thể nghĩ rằng: “Thậm chí có những hành giả thành tựu cũng vẫn ăn thịt. Tại sao chúng ta lại không thể ăn?” Nhưng chúng ta có thể so sánh được với chư vị hay không? Chúng ta đã đạt được chứng ngộ hay khả năng của ta có thể so sánh với khả năng của các vị ấy được chưa? Nếu câu trả lời là được rồi, thì hãy cứ ăn thịt; còn nếu không, hãy xem xét lại hành động của bạn.

Những cách thức mà các vị hành giả thành tựu sử dụng để giải thoát hữu tình chúng sinh khỏi luân hồi đôi khi không thể tưởng tượng được. Lời Vàng Của Thầy Tôi miêu tả rằng khi Tổ Naropa gặp Đức Tilopa[22], Đại Sư Tilopa không đọc sách hay ngồi thiền, mà đang ăn cá. Ngài nướng và ăn từng con cá một. Với một người nào đó giống như Tilopa, thì hình tướng ăn cá về bản chất là hành động đưa con cá khỏi khổ đau luân hồi. Trong trường hợp đó, việc ăn nuốt không nên hiểu đơn thuần theo nghĩa đen; trong khi với chúng ta, ăn đơn giản là ăn, không phải là đưa chúng sinh khỏi bất cứ khổ đau. Hai điều hoàn toàn khác biệt.

Hơn thế nữa, thực sự chúng ta cũng không cần bận tâm về việc những người ăn thịt hay những người ăn chay sẽ được sinh về địa ngục hay Tịnh Độ bởi chúng ta sẽ không tái sinh cùng với họ. Người ta chỉ gặt điều mà họ đã gieo trồng. Gieo hạt giống thiện hạnh sẽ tạo ra quả thiện lành trong khi gieo hạt bất thiện sẽ tạo ra quả đắng của sự khổ đau. Nói chung, bất kể những hành giả khác muốn ăn gì, thịt hay không thịt, thì bản thân chúng ta chỉ cần kiểm tra chính mình xem mình đã đạt thành tựu như những vị đạo sư đáng kính chưa. Còn sự so sánh với những người khác thực sự là một việc làm vô nghĩa.

Lỗi lầm thứ ba liên quan đến việc ăn thịt là đáng sợ nhất và cũng là lý do khiến tôi trở thành người ăn chay. Tôi đã từng ăn thịt. Suy nghĩ của tôi thế này: tôi là người bình thường thậm chí còn chưa bắt đầu tư lương đạo nhưng đã thọ nhận nhiều giáo lý Phật Đà và hoàn toàn biết rằng người ăn thịt sẽ trôi lăn trong sáu cõi. Một cách chắc chắn, cõi súc sinh là không thể tránh khỏi. Lúc ấy, ăn thịt và lấy đi mạng sống sẽ là điều bình thường. Kết quả là, nhiều mạng sống sẽ bị đoạt mất chỉ trong một ngày, dẫn đến sự đầu thai liên tục trong các đọa xứ trong nhiều đại kiếp sắp tới. Bây giờ, người ta có thể xem việc không ăn thịt là một kiểu hy sinh trong khi sự thật là nó chẳng có một chút gì của sự hy sinh. Nếu mục tiêu là tăng cường sức khỏe, thì nhiều thứ khác cũng đủ [để đáp ứng nhu cầu sức khỏe], không cần phải ăn thịt; khẩu vị cũng có thể dễ dàng được đáp ứng. Điều mà tôi nghĩ khi ấy không phải là tôi không thích, mà là không dám, ăn thịt. Hy vọng rằng mọi người sẽ suy nghĩ nghiêm túc về lý lẽ này.

Tốt nhất là trở thành người ăn chay suốt đời. Nếu bây giờ, điều này quá khó, hãy cố gắng càng lâu càng tốt, một, hai, ba năm hay nhiều hơn. Nếu điều đó vẫn là không thể thì ta có thể đặt ra một khoảng thời gian nhất định để ăn chay, chẳng hạn trong bốn tháng sau đây theo lịch Tây Tạng:

Tháng 1 (từ ngày 1 – 15, thời điểm cát tường nhất trong năm)

Tháng 4 (ngày 8/4 là ngày đản sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni)

Tháng 6 (ngày 4/6 là ngày Phật chuyển Pháp luân)

Tháng 9 (ngày 22/9 là ngày Phật trở về từ cõi trời thứ ba mươi ba sau khi thuyết giảng cho mẹ và chư thiên ở đó)

Nếu điều này vẫn là không thể, hãy ăn chay vào ngày 10, 15, 29 và 30 mỗi tháng. Dù bạn chọn cách nào chăng nữa thì điều quan trọng nhất là lập thệ nguyện như sau: “Vì nhiều lý do khác nhau, con không thể ăn chay lâu dài, nhưng con hứa sẽ ăn chay trong bốn ngày (hay bốn tháng) này. Nguyện cầu thiện đức của hứa nguyện này giúp con từ bỏ việc ăn thịt trong suốt các đời tương lai.”

Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng ăn thịt là quyền của con người và biện hộ như thế. Nhưng từ quan điểm lâu dài, vấn đề ăn thịt nghiêm trọng hơn nhiều bởi nó liên quan đến các kết quả ghê gớm, tức là liên quan đến khả năng bị sinh làm động vật ăn thịt. Khi ấy, họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cướp đi mạng sống của kẻ khác. Ăn chay ở phần lớn các vùng trên thế giới thực sự khá dễ dàng bởi rau và những loại thức ăn bổ dưỡng khác rất phong phú. Ngày nay, thậm chí người ngoại đạo cũng ủng hộ ăn chay. Tại sao chúng ta, Phật tử, lại không thể làm vậy? Bên cạnh đó, truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Trung Hoa về việc ăn chay cũng có thể được duy trì và thúc đẩy bởi sự giúp đỡ của chúng ta.

Khi tôi vẫn còn ăn thịt, tôi sẽ ngừng ăn bất cứ khi nào tôi đến các vùng miền ở Trung Hoa bởi ở đó dễ dàng tiếp cận nhiều loại rau. [Ở đó,] tôi không tìm thấy lý do nào để ăn thịt. Nếu người ta quan tâm đến việc thiếu dinh dưỡng thì những bổ sung về chế độ ăn uống đều sẵn có. Vì thế, tôi hy vọng mọi người sẽ nỗ lực ăn chay bất cứ khi nào có thể.

Thực hành Phật giáo là điều gì đó cần được tiến hành từng bước. Là người bình thường, chúng ta không thể hy vọng đạt đến một trạng thái nhất định trong thực hành, tức đạt đến tư lương đạo, một cách tức thì hay chỉ trong một giờ. Vì vậy, điều cần làm là bước từng bước để cuối cùng đạt được giải thoát.

Trên đây là một vài nguyên nhân đã được đề cập trong Kinh Lăng Già. Còn Kinh Niết Bàn giải quyết chủ đề này ra sao?

Khi Đức Phật sắp nhập diệt, Ngài đặt ra một giới luật khác. Ngài nói : “Khi Ta đang hoằng dương giáo lý Thanh Văn thừa (Sravakayana - trường phái đầu của Phật giáo), ăn ba loại thịt thanh tịnh được cho phép. Nhưng từ nay trở đi, ăn bất cứ kiểu thịt nào cũng sẽ bị cấm đối với hành giả của mọi trường phái.” Từ đó, Tỳ kheo Tăng và Ni của truyền thống Theravada không được phép ăn ba loại thịt thanh tịnh. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ. Nếu ai đó bị ốm nặng và theo yêu cầu của bác sĩ, người ấy phải ăn thịt nếu không thì có thể sẽ chết. Và nếu cái chết của người này sẽ ảnh hưởng đến việc làm lợi lạc hữu tình chúng sinh và truyền bá Giáo Pháp bởi không ai khác có thể ban truyền những giáo lý ấy, hay cung cấp các chỉ dẫn hay làm những việc tương tự, thì người bệnh được phép dùng thịt như là thuốc. Lúc này, thịt không còn được xem là món ăn bình thường.

Rõ ràng, Đại thừa không cho phép ăn thịt. Không chỉ ba kiểu thịt thanh tịnh này mà mọi kiểu thịt khác cũng bị cấm, bao gồm thịt từ những con vật bị giết để người ăn và những con vật chết vì nguyên nhân tự nhiên. Đây là quan điểm của Niết Bàn Kinh.

Một đệ tử cũng hỏi Đức Phật: “Tại sao trong thời kỳ chuyển Pháp luân đầu tiên, ba loại thịt thanh tịnh lại được cho phép nhưng bây giờ thì không?” Đức Phật đáp: “Các giới luật giống như những bậc thang đi lên từng bước một. Trước kia, một số người có cơ hội và khả năng học hỏi Phật giáo đã đến thỉnh cầu giáo lý. Yêu cầu họ không ăn bất cứ loại thịt nào ngay lập tức, điều mà họ không thể đồng thuận, sẽ tạo ra chướng ngại cho sự tu tập của họ.” Vì thế, bởi lòng bi mẫn, Đức Phật ban đầu cho phép họ dùng ba loại thịt thanh tịnh. Sau đấy, nhờ được chỉ dẫn dần dần, họ được dẫn dắt đến việc từ bỏ thịt.

Quan điểm Kim Cương thừa

Trong Kim Cương thừa, đặc biệt trong các đoạn kinh trong Mật điển Kim Cương Thời Luân, việc ăn thịt là rất sai lầm. Nghiệp của nhiều người chia sẻ thịt của một con vật đã đủ nghiêm trọng. Nghiệp của một người dùng thịt của nhiều con vật nhỏ sẽ tệ hơn rất nhiều. Ví dụ, thịt được chế biến như xúc xích, thịt hộp… thường được làm từ thịt và nội tạng của nhiều con vật khác nhau. Ăn những kiểu thịt này sẽ tạo ra vô số ác nghiệp, tương đương với ác nghiệp phạm phải bởi việc ăn nhiều mạng sống. Quan điểm Kim Cương thừa mà tất cả hành giả Đại thừa phải từ bỏ việc ăn bất cứ loại thịt nào.

Nhiều người hỏi rằng: “Theo giáo lý Phật Đà, sẽ là không đúng nếu ăn thịt và uống rượu. Nhưng chẳng phải hành giả Kim Cương thừa được dạy về việc xem và chấp nhận rượu và thịt là những vật phẩm linh thiêng[23] của Samaya (Mật giới)?” Trong hoàn cảnh đó, dĩ nhiên họ cần chấp nhận chúng, nhưng chìa khóa là cách thức chấp nhận thế nào. Giả sử có một chất độc mạnh, thứ dễ dàng giết chết bất kỳ người bình thường nào khi họ sử dụng nó. Tuy nhiên, một hành giả, chỉ nhờ sức mạnh của công phu hành trì, không chỉ sống sót sau khi dùng chất độc mà còn không phải chịu ảnh hưởng tàn dư nào. Trong trường hợp đó, nếu sự thực hành của họ có thể cho họ những năng lực như vậy, thì việc họ uống rượu, ăn thịt hay uống trà cũng không khác biệt. Nhưng với người thường như chúng ta, điều này rất khác biệt và vì thế, chúng ta được khuyên không nên dùng thịt và rượu. Trong Kim Cương thừa, cách thức đúng đắn với những người bình phàm để chấp nhận các phẩm vật linh thiêng của Samaya là nhờ vào sự thực hành quán tưởng, chứ không thực sự ăn thịt hay uống rượu.

Chúng ta cần làm gì về thịt và rượu được cúng dường trong lễ Ganachakra? Nếu chúng ta hoàn toàn từ chối, chúng ta sẽ phạm các giới nguyện liên quan đến 14 Giới Gốc của Kim Cương thừa. Thay vào đó, chúng ta có thể dùng một chút thịt, nhỏ như chân của con ruồi. Như thế, đây không có nghĩa là ăn thịt theo nhận thức thông thường mà cũng không từ chối phẩm vật Samaya linh thiêng từ quan điểm Kim Cương thừa. Về rượu, chúng ta có thể chỉ chấm nhẹ bằng ngón áp út lên môi. Làm như vậy sẽ giúp ta không phá vỡ Samaya của Kim Cương thừa hay các giới luật của Bồ Tát và Biệt giải thoát giới; cả ba đều nguyên vẹn.

Nếu bạn được đưa cho một miếng thịt lớn trong lễ Ganachakra, hãy chỉ lấy một phần không lớn hơn chân con ruồi và trả phần còn lại. Nếu quá nhiều rượu được rót vào tay bạn (dĩ nhiên, hãy nói với họ là không rót quá nhiều), chỉ chấm một chút trên môi bằng ngón tay và trả phần còn lại. Đừng bao giờ để bản thân tự nhiên gặm nhấm những miếng thịt hay nốc rất nhiều rượu.

Hơn thế nữa, giáo lý Đại Viên Mãn cũng tuyên bố rõ ràng rằng thịt được cúng dường trong lễ Ganachakra không thể từ những con vật bị giết và bán ở chợ để con người tiêu thụ bởi chúng được xem là không thanh tịnh. Thay vào đó, họ cần sử dụng thịt của những con vật chết vì những nguyên nhân tự nhiên như bệnh tật, hỏa hoạn, động đất, sấm sét hay tương tự. Chỉ những kiểu thịt này mới được xem là thanh tịnh và thích hợp cho lễ Ganachakra. Theo giáo lý Đại thừa, sự khác biệt giữa thịt thanh tịnh và không là như sau: thịt những con vật bị giết để con người sử dụng là không thanh tịnh; thịt từ những con vật chết vì nguyên nhân tự nhiên là thanh tịnh. Nhưng sử dụng thịt “thanh tịnh” vẫn không được phép. Đây là tri kiến của cả Phật giáo Hiển thừa và Mật thừa. Và chúng ta cần luôn luôn tỉnh thức về cách thức đúng đắn để chuẩn bị cho lễ Ganachakra bằng cách chỉ sử dụng thịt thanh tịnh.

Kim Cương thừa cũng cho rằng, người đồ tể và người mua thịt cùng chịu tội giết hại sinh mạng. Nó có cùng lô-gíc giống như việc trả tiền cho công nhân sửa chữa một bảo tháp và qua đó trong tâm thức chúng ta sẽ tích lũy mọi thiện đức bởi tiền đến từ chúng ta. Giống như vậy, động vật không bị giết bởi cá nhân chúng ta mà bởi những người đồ tể. Tuy nhiên, chủ yếu bởi nhu cầu ăn thịt của chúng ta mà họ mới giết. Nói cách khác, chúng ta trả tiền cho họ giết hại. Ta có thể tranh luận rằng: “Chúng tôi không bao giờ bảo họ giết.” Nhưng liệu người đồ tể có giết không nếu họ không mong chờ được trả tiền? Thông thường, mối quan hệ giữa người đồ tể với con vật không phải là kiểu hận thù. Con vật không bao giờ làm tổn thương những người này hay phá vỡ luật lệ nào. Tiền chính là động cơ rốt ráo và nó xuất phát từ chúng ta. Chúng ta được cho là kẻ xúi giục việc giết hại. Nếu có công đức trong việc trả tiền cho công nhân sửa chữa một bảo tháp, thì cũng có lỗi lầm trong việc trả tiền cho người khác giết hại. Đây là quan điểm của Kim Cương thừa, nhưng cách nhìn như vậy cũng rất ý nghĩa ngay cả từ quan điểm của người bình thường.

Hoàn cảnh bây giờ từ tồi tệ đến tồi tệ hơn do bởi hệ thống vận tải phát triển cao, và việc này cho phép nhiều lò mổ xuất khẩu đủ mọi loại thịt mỗi ngày. Ví dụ, cá được đánh bắt ở biển có thể được vận chuyển bằng máy bay đến gần như là bất cứ nơi nào ngay lập tức. Ngày nay, một số lò mổ không chỉ giao thịt đến một làng, một thành phố hay một đất nước, mà giao cho tất cả người ăn thịt trên thế giới. Nói cách khác, họ giết hại vì những người ăn thịt khắp nơi. Không còn giống ngày xưa khi khách hàng của một lò mổ ở làng chỉ là dân làng đó. Trong thế giới của chúng ta hiện nay, vô số mạng sống bị giết mỗi ngày vì những người ăn thịt. Họ là ai? Chúng ta cần phải nhận biết rằng một số người trong chúng ta thuộc về nhóm đó. Điều này nghĩa là các lò mổ ở nhiều quốc gia đang giết hại hàng vạn con vật vì chúng ta. Đó là một cảnh tượng đáng sợ, như được miêu tả trong nhiều bản kinh.

Bề ngoài, dường như việc ăn thịt không gây ra nhiều mối lo lắng. Nhưng điều này không phải vậy sau khi được quán xét kỹ lưỡng. Nó thực sự làm tổn thương chúng ta và chúng sinh khác. Với điều này trong tâm, chúng ta cần quyết tâm làm những điều đúng đắn với tất cả những gì mà chúng ta quan tâm.

Mặc dù Kim Cương thừa đòi hỏi hành giả chấp nhận năm loại thịt và năm cam lồ như một phần của việc thực hành, nhưng những người mới bắt đầu tu cần tránh xa chúng và thay vào đó, sử dụng sự quán tưởng hay một số loại thuốc pháp như một sự thay thế. Nếu không, rõ ràng ăn thịt và uống rượu sẽ tạo ra chướng ngại ma quỷ lớn lao cho sự hành trì. Chướng ngại ma quỷ này là gì? Khi nghe thấy từ này, nhiều người lập tức hình dung một người nào đó hay một loài phi nhân với mắt, tai, nhiều đầu và tay. Đây thực sự chỉ là loại ma quỷ bình thường. Vua của các ma quỷ, thứ ngăn cản sự thực hành của chúng ta không gì khác hơn chính là thói quen ăn thịt. Đó là tri kiến Kim Cương thừa. Vì thế, ai nói rằng ăn thịt là được chấp nhận với Kim Cương thừa?

Tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của mỗi người, tất cả chúng ta ít nhất nên cố gắng ăn chay từ nay trở về sau. Khoảng thời gian ăn chay là một quyết định cá nhân, nhưng càng lâu càng tốt. Động cơ của chúng ta nên khác với ngoại đạo; đối với họ, mối bận tâm chính chủ yếu là sức khỏe chứ không phải quan tâm đến các đời tương lai hay là lòng bi mẫn dành cho hữu tình chúng sinh khác. Chúng ta sẽ không chỉ dừng việc ăn thịt mà còn cần lập thệ nguyện sẽ không ăn thịt lại nữa. Không có giới nguyện này, chỉ dừng ăn thịt sẽ không được xem là một thiện hạnh. Giới nguyện cần phải như sau: “Nhờ thiện đức của việc từ bỏ thịt bây giờ, nguyện cầu con không bao giờ ăn thịt trong mọi đời tương lai. Nếu con sinh làm loài súc sinh, con hy vọng là loài ăn cỏ, không bao giờ là loài ăn thịt.” Có được điều này thì dù cho chúng ta có sinh về cõi súc sinh, chúng ta sẽ không ăn thịt và không làm tổn thương chúng sinh nào, bao gồm cả chúng ta.

Phần lớn tu sĩ ở Trung Hoa đã giữ gìn truyền thống ăn chay lâu đời. Chúng ta cần tùy hỷ công đức của chư vị và tán thán truyền thống này. Hy vọng là, cả hành giả cư sĩ và tu sĩ của Kim Cương thừa sẽ tiếp tục thực hành điều tốt đẹp này.

Trích từ sách Tri Kiến Đúng Đắn: Biến Người Tin Thành Bồ Tát Tác giả: Khenpo Tsultrim Lodro Dịch giả Anh Ngữ: Dekyi Drolma Nhà xuất bản: Larong Books-Wisdom Light Series ISBN 978-986-90204-5-9 Dịch giả Việt ngữ: Liên Hoa Trí (Pema Jyana) Hiệu đính: Thanh Liên và Tâm Bảo Đàn Viet Nalanda Foundation ấn tống và phát hành




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những Đêm Mưa


Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Kinh Phổ Môn


Học đạo trong đời

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.19.124 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...