Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Truyện ngắn »» Ông lão bán vé số »»

Truyện ngắn
»» Ông lão bán vé số

Donate

(Lượt xem: 8.868)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Ông lão bán vé số

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Về hưu đã hơn một năm nay nhưng tôi vẫn chưa quen được lối sống nhàm chán của một người không có gì để làm. Cả ngày chỉ đi lên, đi xuống tìm những việc vớ va vớ vẩn để làm hay đi thăm bạn bè, tán gẫu. Ngày nào cũng mua 2 hay 3 tờ báo đọc không còn một chữ, ngay cả những trang quảng cáo cũng không bỏ sót.

Thằng con trai nhân dịp đi công tác Hà Nội một tuần lễ nên thu xếp kéo cả vợ con đi theo, nhân tiện thăm họ hàng bên ngoại. Nhìn thấy bố rầu rĩ, lo sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ nên đề nghị bố đến trông coi hộ nhà cho nó và cũng chăm sóc vườn cây cảnh, coi như có tí công việc làm cho vui. Vì thương con và cũng nghĩ việc chăm sóc vườn tược cũng là công việc thích thú nên tôi đã khăn gói theo đề nghị của con. Nhưng chỉ sau vài ba ngày sống trong căn nhà rộng lớn, im ắng như chùa bà Đanh đã thấy chán muốn bỏ về. Nhưng nghĩ lại đã hứa với con, hơn nữa cũng chẳng dài lâu gì nên đành cố vui mà ở lại.

Một hôm, sau khi ăn xong bữa trưa, ngủ một giấc đến khoảng 3 giờ chiều mới thức dậy, tôi đưa mắt nhìn ra bên ngoài thấy bầu trời mờ mờ mây che, hàng cây cảnh trong vườn lay động vì gió nhẹ từ mặt sông thổi lên. Cái nóng cháy người của Sàigòn vào tháng 3 hình như đã biến mất. Muốn biết tí chút về nơi con mình sinh sống, tôi nhờ bà người làm chỉ dẫn cho biết vài nơi sầm uất của khu vực để làm một cuộc đi dạo. Lang thang một lúc, tôi đến một chỗ tạm gọi là ồn ào nhất của khu vực, thật ra cũng chỉ có vài con đường xen kẽ nhau, lề đường khá rộng, lát gạch sạch sẽ, buôn bán nhộn nhịp hơn khu nhà của con tôi. Hai bên đường những cây bàng xum xuê, che phủ gần như hết cả mặt đường, nhờ vậy không gian ở đây rất dễ chịu. Có lẽ vì mát mẻ như vậy nên phần lớn dân cư ngụ trên đường đều mở cơ sở kinh doanh, nơi thì quán cà phê, nơi thì hàng ăn, quán nhậu… Khách thì đủ mọi thành phần, từ trung tâm thành phố hẹn hò mà đến, nhưng cũng không ít dân cư ngụ trong khu vực đi hóng mát dọc theo dòng sông rồi ghé vào giải khát, nghỉ chân.

Đi được một lúc, đưa tay lên nhìn đồng hồ thấy vẫn còn sớm mà về nhà cũng chẳng có gì vui, nên tôi tìm một chỗ ngồi dưới gốc cây bàng của một quán nước giải khát, gọi ly cà phê đá ngồi nhâm nhi đưa mắt bâng quơ nhìn sinh hoạt của con đường. Chưa uống xong nửa ly cà phê, thình lình từ quán nhậu ở phía sau lưng vang lên vài tiếng chửi bới thô tục làm tôi tò mò quay lại. Một ông già tàn tật bán vé số với đôi nạng ép sát dưới nách, trên tay cầm một xấp vé số, đang run sợ tìm cách lùi xa cái bàn ngổn ngang đồ ăn thức uống. Ngồi chung quanh là bốn thanh niên mắt đỏ gay gắt vì rượu đang tức tối, la hét chửi bới ông già. Nghe vài lời qua tiếng lại của bốn thanh niên và lời nói lí nhí, sợ hãi của ông già, tôi biết được sơ sài sự việc. Vài ngày trước nhóm bốn người này đã đặt mua trọn một lô số nào đó, nhưng không biết vì lý do gì, hôm nay gặp lại, ông già lại không có như đã hứa nên tức giận, chửi mắng ông già, còn đe doạ bắt ông ta phải bồi thường bằng cách bán rẻ cho họ những tờ vé số khác loại. Dĩ nhiên ông lão không đồng ý nên gây ra to tiếng, có lẽ nhìn thân thể tàn tật của ông lão và cũng nhờ lời can gián của một người biết điều hơn trong nhóm, nên sự việc cũng trở lại im lặng.

Ông lão lại lê tấm thân tàn tật trên cặp nạng đến các bàn khác trong quán nhậu, nhưng cũng chỉ là những cái lắc đầu, từ chối. Với vẻ bình thường dù không có ai mua vé số, ông lão chậm rãi, khập khiễng ra khỏi quán, tiến đến chiếc xe lăn đang nằm bên lề đường trước quán ăn. Bằng nhiều động tác khó khăn nhưng rất nhuần nhuyễn, ông ta leo len chiếc xe lăn, gác hai cây nạng bên cạnh xe rồi dùng 2 tay lăn bánh cho xe di chuyển. Ông ta vượt qua quán cà phê mà tôi đang ngồi rồi dừng lại ở trước quán phở bên cạnh. Cũng với những động tác quen thuộc ông ta lại xuống khỏi xe lăn, với xấp vé số trên tay, cặp nạng dưới nách, dò dẫm từng bước một, chậm rãi tiến đến những các bàn có khách trong quán phở, sát bên với quán cà phê mà tôi đang ngồi

Lúc này đây, tôi mới có dịp quan sát kỹ ông già. Có lẽ ông ở khoảng 65 hay 70 tuổi, một người già, nghèo, tàn tật, da xạm đen, mái tóc chưa bạc hết nhưng rất thưa nên hiện rõ khoảng hói trên đỉnh đầu. Đôi cánh tay dù xương xẩu nhưng có vẻ còn cứng chắc tí chút, có lẽ nhờ vậy mà ông còn sức để lăn bánh xe khi di chuyển, cũng như chiụ đựng được sức nặng của cơ thể đè trên cặp nạng ở dưới nách. Thân thể tong teo, nhất là phần mông bị tóp lại nối với chiếc chân trái vô dụng như một cành cây nhỏ, lỏng thỏng buông xuống đất. Chân bên phải cũng tóp lại nhưng có vẻ còn cảm giác và sức lực để chống đỡ phần nào thân thể cùng với cặp nạng mỗi khi di chuyển. Chiếc quần ka ki màu vàng đất cũ, quá rộng so với thân thể và cặp chân tê liệt, đã được cắt ngắn cho không vướng víu khi di chuyển. Phía trên là chiếc áo rộng thùng thình, trên ngực áo có 2 chiếc túi. Túi bên trái lép xẹp, túi bên phải đầy đặn hơn. Trước ngực ông đeo một cái túi có quai vòng qua cổ, chắc là đựng vé số.

Đến mỗi bàn ông lão xoè tập vé số ra mời khách, nếu ai muốn mua, ông đưa cả tập vé cho người mua tự lựa chọn theo ý muốn rồi tính tiền trả cho ông ta. Khách trả tiền ông nhận rồi cho vào túi bên phải, nếu cần trả lại tiền còn dư, ông cũng móc từ túi phải ra trả lại khách. Thỉnh thoảng có người khách mua xong, nhưng khi ông trả lại tiền thừa, có thể vì quá ít hay vì muốn giúp đỡ, họ phất tay tỏ ý tặng luôn. Ông lão nhận và nói lời cám ơn rồi lại tiếp tục đi đến bàn khác trước khi bỏ món tiền thừa mà khách mua vé số tặng cho vào túi áo bên trái. Ban đầu nhìn theo, tôi hoàn toàn không chú ý đến sự khác biệt của 2 loại tiền mà ông ta nhận từ khách mua xổ số. Tôi nghĩ rằng, đó chỉ là thói quen hay một cách phân biệt tiền giá trị lớn nhỏ mà thôi. Nhưng sự việc cứ lặp đi lặp lại rất giống nhau đã làm tôi lạ lùng và càng chú ý dõi theo hành động kỳ lạ của ông lão hơn. Cuối cùng tôi chắc chắn hành động của ông lão hoàn toàn cố ý và có mục đích gì đó.

Sau một lúc, khi đã đi trọn vòng trong quán, ông đến quán cà phê nơi tôi đang ngồi, càng dễ dàng cho tôi quan sát hơn. Ông đến cái bàn khá gần bàn của tôi, nơi đó có 3 người trẻ tuổi, hai trai, một gái, họ cũng ngồi uống cà phê như tôi. Cũng như các nơi khác, ông xoè tập vé số ra trước mắt ba người trẻ nói câu mời chào. Cả ba người hình như không muốn ông ta làm gián đoạn câu chuyện mà họ đang say mê bàn luận nên họ chẳng thèm nhìn ông ta mà chỉ xua bàn tay ra ý đuổi ông ta đi chỗ khác. Ông ta im lặng đi sang bàn ngay bên cạnh tôi, có 4 người trung niên đang uống bia, trên bàn có vài đĩa cá khô nướng làm mồi nhậu. Ngay khi ông già xoè tập xổ số ra trước mặt họ, ông ta chưa kịp mời thì một người trong số họ đã cầm lấy xấp vé số, xỉa từng tấm ra xem, rồi quay sang bàn luận, hỏi ý ba người bạn khác cùng bàn. Sau một lúc tính toán, mỗi người nhận lấy 2 tấm, tập vé còn lại họ trả cho ông già rồi cả bốn người khách móc tiền ra thanh toán riêng biệt. Trong số họ, có một người đưa tờ tiền giá trị lớn nên ông già phải thối lại cho người khách. Ông già lựa chọn vài tờ tiền trong xấp tiền của 3 người kia vừa trả, nhưng cũng không đủ nên ông ta thò vào túi bên phải lấy thêm vài tờ nữa rồi đưa lại cho người khách. Trong khi ông khách mua vé số đếm món tiền trả lại thì ông già cho những đồng tiền vừa thu của khách vào túi bên phải. Người khách trả tiền giá trị lớn sau khi đếm xong, anh ta rút ra một tờ nhét vào tay ông già và nói:

- Biếu ông vài ngàn coi như mua cái hên của ông nhe!

Ông già mỉm cười, nói câu cám ơn người khách rộng rãi rồi nhận tiền bỏ vào túi bên trái, trước khi chậm rãi đi đến bàn của tôi. Kín đáo nhìn ông ta, tôi không đưa tay nhận lấy tập vé số mà ông ta đang xòe ra trước mặt mà im lặng móc túi ra một tờ giấy 20 ngàn đồng, đưa tận tay ông ta. Ông lão đưa tập vé đến sát tôi hơn và nói:

- Ông lựa vé đi.

Tôi vẫy tay ra vẻ không cần và nói với ông ta:

- Tôi có mua vé số bao giờ đâu, xin biếu ông tí tiền để sinh sống mà thôi.

Ông già ngước mắt nhìn tôi có tí cảm động nói câu cám ơn cùng với cái cúi đầu chào trước khi bỏ tờ giấy bạc tôi vừa cho vào túi bên trái rồi mới đi sang bàn khác.

Cứ như vậy, ông già tàn tật vào bán vé số cho khách trong một hay hai quán rồi lại khập khễnh đi ra chỗ chiếc xe lăn và di chuyển đến vài quán khác. Tôi vẫn ngồi nhâm nhi ly cà phê theo dõi hành động kỳ lạ của ông già khi thu tiền từ khách hàng. Cho đến một lúc, tất cả khoảng 7, 8 quán trên khúc đường đã được ông già đi qua, tôi nghĩ chắc ông ta sẽ trở lại vì đoạn đường kế tiếp không có hàng quán gì cả và có vẻ nhem nhuốc, nghèo hơn với những căn nhà lá lụp xụp. Nhưng ông già vẫn lăn xe tiếp tục, cho đến một nơi, dù xa chỗ tôi ngồi nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy ông ta rõ ràng.

Ông ta dừng lại, dùng đôi tay quay chiếc xe sang phải rồi lăn xe đến trước một căn nhà lá xiêu vẹo sát bên lề đường. Thật ra phải nói đó là chiếc chòi lá mới đúng vì nó chỉ được cấu tạo bởi vài tấm liếp bằng lá xen kẽ vài miếng ván ép loang lổ sơn dầu hắc ghép vào nhau. Mái nhà xập xệ bằng lá chen lẫn với vài tấm tôn hoen rỉ. Ông già đến sát căn chòi, gõ vài tiếng vào cửa liếp rồi cất tiếng gọi, nhưng tôi không nghe rõ vì quá xa. Vài phút sau, tấm liếp căn nhà được mở, một ông rất già khập khiễng chống gậy đi không muốn vững hiện ra, tỏ vẻ mừng rỡ khi nhìn thấy ông già bán vé số. Họ nói với nhau vài câu gì đó rồi ông già bán vé số móc ở dưới gầm chiếc xe lăn ra một bịch giấy khá lớn, đồng thời móc túi bên trái, lấy hết tiền ra, đưa cả bịch giấy và nắm tiền cho ông già kia. Sau đó họ lại nói gì với nhau một lúc rồi ông già bán vé số quay xe ra đường tiếp tục lăn xe đến một khúc quanh và biến mất.

Ngồi nhìn tất cả hình ảnh đó, tôi nghĩ rằng hai ông già có thể là anh em hay có liên hệ thân thiết gì đó. Có lẽ cả hai cùng sống trong cái chòi đó, ông tàn tật còn khoẻ mạnh hơn nên đi bán vé số để nuôi ông kia già yếu hơn. Với suy đoán hợp lý như vậy, tôi chẳng còn mang thắc mắc gì khi về nhà vào buổi chiều tối, nhưng nhớ lại cái không gian vừa đến có chút hoạt động đã cho tôi tí chút thích thú và nghĩ rằng ít ra có thể đến đó trong mấy ngày vô vị còn lại mà tôi phải coi nhà cho thằng con như đã hứa. Hôm sau, cũng sau bữa cơm và giấc ngủ trưa khá dài, tôi lại chậm rãi đi dạo đến con đường đó. Cũng tìm một quán cà phê để nhâm nhi, thả lỏng tâm hồn và dõi mắt theo những diễn tiến hiện ra trước mắt mình.

Một lúc sau, ông già bán vé số cũng đến, cũng chiếc xe lăn dừng dưới lề đường, cũng với những động tác thành thạo nhưng khó khăn mỗi khi ông ta lên xuống thềm nhà cũng như khập khiễng với đôi nạng kẹp dưới nách để đi đến từng bàn, với tập vé số trên tay mời chào khách. Rồi cũng với hành động khác thường, phân biệt đồng tiền khi nhận từ khách mua vé số mỗi khi cho vào túi áo. Tôi vẫn nhìn theo ông ta từ xa cho đến lúc ông ta đến sát bàn tôi đang ngồi, tôi vẫn chú ý những động tác khác thường của ông ta với đôi mắt tò mò thích thú. Không biết ông lão còn nhớ tôi, người khách không mua vé số mà chỉ biếu ông ta tiền chiều hôm qua hay không. Nhưng ông ta vẫn bình thản chìa tập vé số trước mặt tôi với lời mời hoàn toàn bình thường. Tôi cũng chẳng thèm để ý, im lặng lại rút ra tờ 20 ngàn đồng, đưa cho ông ta mà không nhìn, cũng không cầm lấy tập vé số. Hình như có tí ngạc nhiên với hành động của tôi, ông lão nhìn tôi, nói nhẹ:

- Tôi đi bán vé số, không muốn ép bất cứ ai, không mua mà vẫn phải cho tiền tôi, nếu ông không muốn mua thì tôi đi, chẳng có gì buồn lòng cho tôi và áy náy cho ông cả.

Nói xong, ông ta đưa tập vé số gần tôi hơn, nói tiếp:

- Ông cứ chọn lấy vài tấm, ít ra cũng vui cho ông và cả cho tôi nữa, tôi khỏi phải thắc mắc vì nhận tiền của người khác một cách vô lý.

Tôi mỉm cười nhét đồng tiền vào tận tay ông ta, và nói:

- Tôi không mua vé số bởi vì tôi không có nhu cầu cần đến món tiền to lớn, cuộc sống đơn giản của tôi vừa đủ với những cái tôi đang có rồi. Ông nghĩ mà xem, tôi có nên mua vé số không? Mua để làm gì nhỉ khi mình không cần đến nó nhỉ? Còn tặng ông tí tiền nhỏ nhoi này, vừa đủ mời ông một ly cà phê lề đường, nó chẳng có gì để ông phải thắc mắc cho mất vui.

Nghe tôi nói vậy, ông già nhìn tôi có vẻ cảm động, nói câu cám ơn kèm theo cái cúi đầu thân thiện, rồi cầm lấy tờ giấy bạc bỏ vào túi bên trái trước khi khập khiễng với đôi nạng đi sang bàn khác. Tôi vẫn đưa mắt nhìn theo ông già, trực giác cho tôi biết từ con người nghèo khổ, tàn tật này có cái gì đó làm tôi tò mò, thích thú. Cuối cùng tôi cũng thấy ông ta đến căn chòi lá gặp và đưa cho ông già kia nắm tiền mà ông ta móc hết từ túi áo bên trái cùng một cái bịch khá lớn từ dưới sàn chiếc xe lăn, sau khi ông ta đã đi hết các quán trên con đường. Lần này nhờ cái bịch bằng ny lông, tôi lại ngồi ở quán nước khá gần căn chòi nên nhìn rõ hơn. Trong bịch ny lông có vài vật to, dễ nhận ra là bó rau, túi gạo khoảng một kilô và một con cá bằng cán dao. Sau khi hai ông già nói chuyện gì đó một lúc, họ lại rời nhau, ông già kia lại trở vào chòi đóng tấm liếp cửa lại. Ông già bán vé số trở ra, cũng với những động tác như hôm qua rồi biến mất sau khúc quanh.

Với khá nhiều suy nghĩ và đoán mò về liên hệ giữa hai ông già, cũng như hành động và lời đối đáp rất sơ sài với tôi vừa qua cho tôi biết ông lão bán vé số này không phải người thấp kém. Tự nhiên tôi có cảm giác muốn biết rõ hơn về hai ông già đó. Nhưng ngày mai vợ chồng con trai tôi trở về, mà tôi thì cũng muốn mau mau xong công việc cho thằng con để trở lại nhà mình, nó quen thuộc với tôi hơn. Sau một lúc suy nghĩ, tôi đứng dậy ra khỏi quán, hướng đến căn chòi lá với ý định gặp ngay ông già yếu đuối, chống gậy để hỏi chuyện và nếu cần cũng giúp đỡ ông tí chút.

Đưa tay gõ vào tấm liếp vài tiếng nhè nhẹ cùng với tiếng gọi chủ nhân. Tôi chờ đợi không lâu thì ông già chống gậy đi ra. Ngay khi nhìn thấy đôi mắt ông ta, với mầu trắng đục kèm theo dáng điệu nhìn không rõ người đối diện của ông ta. Tôi đoán ông ta chưa thực sự mù nhưng chắc không thể nhìn được rõ ràng nữa. Trong vẻ lờ đờ vì nhìn không rõ đó, ông già có tí ngạc nhiên hỏi tôi:

- Ông tìm ai ?

Thành thật, tôi cũng bị luống cuống tí chút với câu hỏi của ông già chỉ vì tôi đã không chuẩn bị khi gặp ông ta, một người mà tôi chưa một lần quen biết. Ngập ngừng một chút, tôi trả lời:

- Tôi có chút quen biết ông già bán vé số, nên….

Chỉ nói được vậy, tôi lại rơi vào ngập ngừng vì không tìm được lý do. Cũng may là ông già vội vàng trả lời tôi:

- À! ông Khoa, ông ấy vừa đến đây mang cho tôi thức ăn, rau cỏ và cả tiền nữa… Có chuyện gì không ông?

Câu nói của ông già đã hoá giải sự lúng túng của tôi, rồi với vài câu nói xã giao thân thiện, tôi bắt đầu trò chuyện với ông ta và đã hiểu về sự liên hệ của họ. Cả hai ông lão chỉ là hai người bạn tàn tật bình thường, ngẫu nhiên gặp nhau trong việc tìm sống trên đường phố mà quen nhau, hoàn toàn không có liên hệ họ hàng gì cả. Ông Khu, tên ông già trước mặt tôi, dù vẫn còn đôi chân, nhưng bị bệnh tê liệt dần dần. Ban đầu mới bị bệnh ông ta còn có thể di chuyển được, nên cũng vào nghề bán vé số dạo kiếm sống. Vợ ông trước đây còn khoẻ mạnh ở nhà lo việc bếp núc đồng thời nhận quần áo từ khu công nghiệp về giặt ủi kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống của họ dù nghèo nhưng vẫn không đến nỗi cùng cực nhờ cả hai không vướng vào bất cứ tật ách nào. Chỉ đáng buồn là họ không có con cháu để nương tựa khi tuổi già.

Trong một lần đi nhận hàng giặt ủi bà Khu bị tai nạn xe cộ mà tê liệt toàn thân, không lâu sau đó ông Khu cũng bị căn bệnh tê liệt tấn công mạnh hơn. Đồng tiền dành dụm cũng như tiền bồi thường do tai nạn đều đội nón ra đi với bệnh tật của hai người. Cuối cùng hai ông bà đành sống nhờ vào tiền giúp đỡ của hàng xóm hay cơ quan phường xã, đặc biệt từ ông Khoa. Người bạn quen nhau ngẫu nhiên trên đường phố và do cảm thông hoàn cảnh khốn khổ, không may của bạn mà giúp đỡ.

Tình trạng ông Khoa thật ra cũng chẳng khá hơn gì, ông bị bệnh sốt tê liệt từ bé, cha mẹ mất sớm, sống nhờ vào người anh trai duy nhất, nhưng người anh không may bị chết trong chiến tranh khi còn độc thân. Lúc người anh chết ông Khoa mới 17, 18 tuổi đã phải bước vào việc kiếm sống với tấm thân tàn tật. Nhưng thời gian cũng qua dần, cuộc sống dù khốn khổ, ông Khoa vẫn cưới được vợ rồi có một đứa con trai. Gia đình tạm gọi là yên ấm cho đến khi vợ ông bị bệnh mà mất khi đứa con mới 15 tuổi. Trong hoàn cảnh thiệt thòi của kẻ tàn tật, nghèo túng đó, ông lại phải bù đầu vào việc kiếm sống nuôi bản thân và đứa con đang tuổi lớn khôn. Chính vì lo kiếm tiền sinh nhai, ông đã lơ là, không chú ý đến giáo dục cho con, kết quả thằng con bị lôi kéo vào đường nghiện hút, sát nhân nên đã bị xã hội đào thải khi tuổi gần 30. Hiện nay ông Khoa vẫn sống nhờ vào vợ chồng của một người cháu họ xa trong một khu lao động không xa nơi vợ chồng ông Khu đang sống. Cả hai vợ chồng người cháu của ông đều làm công nhân thu gom rác trong khu vực. Để tránh gánh nặng cho vợ chồng cháu, ông Khoa bước vào nghề bán vé số và quen biết thân tình với vợ chồng ông Khu.

Hàng ngày, tiền thu được từ việc bán vé số, ông Khoa coi như tiền công lao thực sự của mình, được dành cho cuộc sống của chính cá nhân ông và đóng góp cho vợ chồng người cháu tí chút, coi như đền bồi sự dung dưỡng của cháu. Còn món tiền thu được từ khách mua vé số cho thêm vì thương hại thân thể tàn tật của ông hay tiền thối lại quá nhỏ bé nên khách cho tặng, món tiền không trong danh sách này được ông để riêng vào chiếc túi bên trái, dành để cưu mang, giúp đỡ vợ chồng ông Khu, người bạn có cảnh ngộ bi thương hơn mình. Ái ngại cho bệnh tật và gần như mù loà của người bạn nên hằng ngày trên đường bán vé số, ông thường mua thức ăn cho vợ chồng ông Khu, lòng tốt của ông đã kéo dài nhiều năm. Ông Khu rất cảm động, coi ông Khoa không những là người bạn chí thiết mà còn là một vị ân nhân vĩ đại của vợ chồng ông ta. Đã nhiều lần vì muốn tìm cách thoát ra khỏi lòng tốt bao la của người bạn, ông Khu cũng tính đi làm kẻ ăn xin. Nhưng lại vướng người vợ bệnh hoạn ở nhà một mình không ổn, nên cuối cùng đành xấu hổ mà tiếp tục chấp nhận sự giúp đỡ của bạn.

Hình như hiểu sự áy náy của bạn, ông Khoa đã nhiều lần an ủi và đề nghị ông Khu yên lòng ở nhà chăm sóc người vợ cho đến phút cuối đời để trả nghĩa phu thê. Rồi sẽ tính đến việc tìm cách sinh nhai. Thấm thoát bà Khu đã liệt giường đã hơn 5 năm, sự giúp đỡ của người bạn tuyệt vời vẫn tiếp diễn.

Nghe ông Khu tâm sự, tôi ngẩn ngơ, cảm phục tình bạn của họ. Trong trí nhớ tôi, hình ảnh người đàn ông tật nguyền với chiếc xe lăn, hằng ngày thu gom từng đồng tiền bé nhỏ để giúp đỡ bạn đã làm tôi thẩn thờ suy nghĩ. Ngần ngại tí chút tôi nói với ông Khu muốn vào thăm vợ ông ta. Đúng như vậy, trên chiếc chõng tre cũ kỹ, đen đủi, khá rộng, đủ chỗ cho hai người nằm, người đàn bà thân thể mỏng dính như dán xuống mặt giường đang nằm sát nửa bên phần phía trong chiếc giường. Trên người bà ta một mảnh chăn mỏng dơ bẩn nhẹ nhàng lên xuống theo nhịp hô hấp. Góc bên kia phía trong căn chòi là chỗ nấu ăn luộm thuộm với vài dụng cụ nấu ăn cáu bẩn cùng với cái bếp sét rỉ. Khắp căn chòi, vài chiếc quần áo lẫn lộn với giẻ lau treo lềnh khênh trên vách, trên trần nhà … Tất cả chỉ có vậy, cuộc sống của một cặp vợ chồng già bệnh tật đã làm tôi cúi đầu thương cảm. Đứng sững lại, đưa mắt nhìn bao quát một lúc, tôi đi nhẹ nhẹ đến gần chiếc giường, có ý nói với người đàn bà bệnh hoạn đó vài lời hỏi thăm, nhưng ông Khu buồn bã nói như muốn khóc với tôi:

- Hiện nay bà ấy chỉ là một khúc cây, ý thức hoàn toàn không còn nữa. Cám ơn ông đã có lòng đoái hoài.

Nghe ông Khu nói như vậy, tôi dừng lại, bỏ ý định thăm hỏi bà vợ ông ta vì không muốn làm ông ta đau lòng hơn, nói với ông ta vài lời an ủi, rồi móc hết tiền trong túi ra, tế nhị đưa vào tay ông ta:

- Tôi chẳng biết bằng cách nào chia sẻ nỗi cơ cực và bất hạnh của bà, ngoài việc giúp đỡ ông tí tiền còn sót lại trong túi, mong ông vui vẻ nhận cho.

Trên đường trở về nhà, hình ảnh ông già bán vé số tốt bụng luôn luôn chập chờn trong trí nhớ đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi tự hỏi, trong thế giới xô bồ, vật chất ngày nay vẫn còn có những con người tốt bụng một cách âm thầm, đáng kính nể như ông già tàn tật, nghèo khó và bất hạnh này sao?

Theo tính toán thì tối mai, con trai tôi sẽ trở về, nó sẽ chở tôi về lại nhà của tôi ở gần trung tâm Sàigòn. Với chương trình như vậy, tôi dự tính chiều ngày mai, trước khi con trai tôi từ Hà Nội trở về, tôi sẽ tranh thủ gặp lại người đàn ông bán vé số tốt bụng mà tôi cảm mến đó thêm một lần nữa.

Khác với 2 ngày trước, hôm nay, ngày cuối cùng tôi không ngủ trưa như thói quen mà nhờ bà giúp việc lo cho tôi một bịch trái cây, một tầy giò lụa nho nhỏ và dĩ nhiên có tí tiền bạc, rồi tôi lại đến con đường, nơi mà tôi muốn gặp ông già bán vé số. Với dự tính tôi sẽ gặp ông già bán vé số trước rồi cùng với ông ta đến nhà ông già kia nói chuyện. Có lẽ vì không ngủ trưa và sốt ruột nên tôi đến hơi sớm so với 2 ngày trước. Khi vừa đến đầu đường tôi đã trông thấy ông già bán vé số đang gò mình với cặp nạng bước lên lề đường để vào cái quán đầu tiên ở góc đường. Đó là một quán nhậu, khá đông khách. Ông già đến cái bàn dài đầu tiên, có khoảng 12, 13 người ngồi quanh, hầu hết ở lứa tuổi trung niên. Trang phục của nhóm khách này khá sang trọng, thể hiện là giới giàu có và trí thức. Trong nhóm có 5 người phụ nữ. Qua những lời nói khá to vang ra cả bên ngoài của nhóm khách, cũng như những lời họ mời chào, xưng tụng, thách đố nhau ăn và uống, cho tôi biết họ là nhân viên có chức vụ của một công ty tài chánh hay ngân hàng nào đó.

Ông già xòe tập vé số ra trước mặt người khách gần ông ta nhất, hình dung cũng bệ vệ nhất rồi nói lời mời mua vé số. Nhưng cũng đúng lúc đó ông khách này giơ cao chiếc ly ruợu lên hướng về nhóm bạn thách thức cạn ly. Có lẽ hành động xen kẽ của ông già bán vé số đã làm giảm hứng thú của kẻ mời rượu, nên ông khách lấy tay hất nhẹ tay ông già bán vé số rồi bực bội chửi:

- Thằng ăn mày! Đi chỗ khác, đồ chó!

Với cái gạt tay nhẹ của ông khách, ông già chỉ hơi mất thăng bằng tí chút, nhưng ông ta vẫn gượng lại để lấy thăng bằng và cũng chưa kịp phản ứng gì với câu chửi nặng lời của người khách. Ngay lúc đó, một phụ nữ trong nhóm ăn nhậu, ngồi gần với ông khách thô lỗ, vừa cười vừa nói lớn:

- “Xếp Tổng“ ơi, xếp say rồi sao mà không nhìn thấy, đó là người bán vé số, chứ không phải là người ăn mày đâu.

Lời nói đùa của bà ta đã làm cả nhóm khách cười. Vài người còn cất tiếng phụ hoạ với người phụ nữ chọc ghẹo ông xếp nữa. Không biết đó là lý do càng làm cho ông khách thô lỗ bực tức hơn hay sao, ông ta vỗ nhẹ vai người phụ nữ vừa nói vừa nhìn bà ta với giọng sai khiến:

- Ôi! Thằng bán vé số hay thằng ăn mày thì có gì khác nhau đâu? Chỉ làm cho tao bực mình. Con Cúc, bố thí cho nó vài ngàn để nó “biến” đi cho tao đỡ mất hứng.

Lại một tràng cười vui cùng những lời nói lè nhè vì say rượu của đám khách vang lên đồng lõa hay giỡn đùa với ông khách bệ vệ và người phụ nữ tên Cúc. Dù đùa giỡn nhưng người phụ nữ có vẻ nể sợ ông khách thô tục, bà ta mở xách tay lấy ra một tờ giấy bạc, đưa truớc mặt ông già bán vé số với câu nói xua đuổi:

- Thôi cầm lấy! Đi đi, đừng làm phiền người ta nữa.

Đứng bên ngoài, vì quá xa và tiếng nói của ông già bán vé số quá nhỏ nên tôi không biết ông ta đã nói gì với bà khách. Nhưng chỉ thấy ông già lắc đầu, đưa bàn tay đang cầm vé số phất phất vào đồng tiền trên tay của người phụ nữ, ý nói không muốn nhận, rồi ông ta khấp khểnh lui ra đằng sau. Người phụ nữ hình như bực bội với câu trả lời gì đó của ông già hay thái độ không nhận tiền của ông ta, bà ta nhét tiền trở lại túi xách, đưa mắt lườm, nguýt ông già, rồi nói lớn:

- Đồ ăn mày, nghèo rớt mùng tơi mà còn làm cao, sĩ diện! Cút đi cho người ta ăn uống.

Tôi cũng không biết ông già có nghe thấy không. Nhưng ông ta im lặng dò dẫm bước đi rời xa đám khách, hướng đến chiếc bàn của nhóm khách khác trong quán. Đằng sau ông ta vẫn ồn ào tiếng cười nói đùa giỡn của nhóm khách. Tôi đã chứng kiến trọn vẹn diễn tiến không mấy vui đó, trong lòng tôi chợt phát sinh một cảm giác bực bội với những câu nói, hành động bất nhã, vô giáo dục, đầy tính cách khinh người nghèo khó của đám khách sang trọng và chức vụ đang ồn ào trong quán. Tôi tự hỏi nếu họ biết và hiểu được con người mà họ vừa chửi bới, khinh rẻ đó, là một người rất chí tình vì bạn bè, có lòng nhân đạo đáng phục, họ sẽ nghĩ sao và có phản ứng thế nào với ông ta ? Tôi hy vọng trong đám khách khoảng 12, 13 người đó vẫn có người nào đó có con tim và khối óc để họ có được cái nhìn vào xã hội nơi họ đang sống một cách cảm thông và nhân bản hơn. Tôi không dám bi quan quá mức nhưng tôi nghĩ nếu có được 2 hay 3 người trong số họ thì đúng là một hiện tượng may mắn cho xã hội chúng ta ngày nay vậy.

Cũng với suy nghĩ đó, tôi cũng tự hỏi, những người khách với vẻ sang trọng, học vị cao, chức vị lớn đó, họ mở miệng ra với những câu nói chửi bới khinh rẻ kẻ nghèo dốt hơn họ thì thực chất của những mảnh bằng cấp, chức vị cao của họ có chắc chắn đúng với giá trị của nó không? Theo tôi, họ vẫn còn thua xa tư cách của ông già tàn tật bán vé số vừa bị họ khinh rẻ chửi bới.

Sự việc không vui đó đã làm tôi mất hứng thú, không muốn gặp ông lão bán vé số nữa. Tôi không muốn gặp ông ta bởi vì tôi cảm thấy khó bình thản chuyện trò với ông ta và cả người bạn trong căn chòi lá nữa. Nhưng túi quà mang theo đã làm tôi khó nghĩ, cuối cùng tôi lấy mảnh giấy viết vài chữ rồi kín đáo đến chiếc xe lăn của ông già đậu bên lề đường. Tôi bỏ túi thực phẩm trên ghế ngồi của chiếc xe lăn cùng với mảnh giấy, tôi viết: “Tuỳ nghi sử dụng.”

Tôi lấy một tờ giấy bạc 100 ngàn đồng cuộn trong tờ giấy khác với dòng chữ: “Tặng chiếc túi bên trái” rồi tôi cột vào cái kệ để tay bên trái của chiếc xe lăn.

Lấy một tờ bạc 500 ngàn đồng, tôi cuộn vào mảnh giấy khác, trên đó viết dài hơn: “Tờ 500 ngàn này tặng riêng cho túi bên phải, xin nhận đừng chối từ.” Rồi tôi cột vào cần tay bên phải chiếc xe.

Sau khi đã hoàn tất, tôi tìm một góc khuất, kín đáo theo dõi phản ứng của ông già bán vé số. Không quá lâu, ông già khập khễnh từ quán ăn đi ra, tiến đến chiếc xe lăn, có tí ngạc nhiên khi nhìn thấy bịch quà và sau khi đọc tờ giấy, ông ta mở gói quà ra nhìn bên trong, bên ngoài rồi im lặng tí chút bỏ nó xuống chiếc giỏ ở dưới yên xe. Rồi chậm rãi gỡ cuộn giấy bên tay trái ra xem. Không biết có phải vì tờ giấy 100 ngàn quá lớn với ông ta hay quá ngạc nhiên vì người cho tiền đã biết ý nghĩa của cái túi trái, túi phải của mình. Ông già thừ người ra, đưa mắt nhìn mông lung ra vẻ suy tư rồi ông cầm đồng bạc xoay qua, xoay lại vài ba lần. Chẳng biết nghĩ sao ông ta gấp đồng bạc lại rồi bỏ vào túi bên trái. Xong đâu đấy, ông lão gỡ cuốn giấy bên tay phải, mở ra nhìn thấy tờ giấy bạc 500 ngàn đồng, đọc xong mảnh giấy. Ông ta thẫn thờ đến mức tôi đứng khá xa vẫn thấy được vẻ xúc động hiện rõ trên khuôn mặt xám đen, trong ánh mắt và cả trong vẻ lúng túng khi ông ta cầm tờ giấy bạc. Sau một lúc quá xúc động, ông ta quay đầu nhìn chung quanh như muốn tìm người chủ nhân của những món quà đã làm ông ta thẫn thờ. Nhưng làm sao ông ta tìm thấy được khi tôi cố ý lánh mặt?

Sau một hồi đưa mắt tìm kiếm không kết quả, ông lão vẫn với vẻ thẫn thờ với tờ giấy bạc 500 ngàn đồng trong tay, đầu cúi xuống nhìn tờ giấy bạc ra chiều suy nghĩ rất mạnh. Một lúc sau hình như đã tìm được sự bình thản, ông ta gấp tờ giấy bạc đưa lên định bỏ vào túi áo bên phải. Nhưng khi bàn tay vừa chạm đến mép túi, ông ta dừng lại, bỏ tay xuống rồi lại cúi đầu, thờ thẫn suy nghĩ ra vẻ chưa thực sự tìm ra một quyết định. Mãi một lúc, có lẽ buông tiếng thở dài, ông ta đã tìm được quyết định, không cần lưỡng lự nữa, ông ta cầm đồng bạc lên bỏ vào túi bên trái! Rồi ông ta trở lại động tác thường nhật, xếp hai cây nạng vào bên cạnh chiếc xe lăn, khó khăn leo lên ngồi vào chiếc yên và dùng tay lăn bánh cho xe di chuyển.

Tất cả diễn biến của ông già bán vé số đã được tôi quan sát rất rõ ràng. Tôi đứng nhìn theo cho đến khi ông ta dừng lại trước một quán khác trên con đường để tiếp tục việc mời khách mua vé số, rồi tôi mới thủng thẳng ra khỏi chỗ nấp. Tôi đi chậm chạp trở lại con đường về nhà con trai tôi với một tâm trạng rất khó hiểu. Cái tâm trạng của một người mang cảm giác ngạc nhiên tột cùng cũng như lòng kính mến vì đã nhìn thấy tư cách ngay ngắn của một ông già tàn tật, nghèo đói. Rồi cũng chính trong cái cảm xúc ngẩn ngơ đó tôi tự hỏi nếu tôi rơi vào hoàn cảnh bi đát như ông già đó. Liệu tôi có can đảm, có lòng tự trọng và cả lòng nhân đạo để làm như ông ta không? Tự hỏi như vậy, nhưng tôi quá rõ về tôi, cái tôi của tầm thường và mang khá nhiều tánh xấu thì làm sao tôi có thể làm được như ông già bán vé số tàn tật, nghèo đói và đáng nể đó được?!



    « Xem chương trước «      « Sách này có 1494 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển


Thắp ngọn đuốc hồng


Những tâm tình cô đơn


Gọi nắng xuân về

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.231.219.178 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (240 lượt xem) - Hoa Kỳ (14 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...