Trong rác sẵn có hoa
Trong hoa sẵn có rác
Hoa và rác không hai
Mê và giác tương tức.
Hình ảnh hoa và rác được dùng để ví dụ cho giác ngộ và mê mờ. Thường thường chúng ta nghĩ rằng giác ngộ không dính gì đến mê mờ và có khuynh hướng tách riêng giác ngộ ra khỏi mê mờ. Nhưng giác là gì? Giác khởi từ mê mà có. Nếu không có mê thì không có giác. Cũng như hai đầu phải và trái của một cây bút. Hễ có phải thì phải có trái và ngược lại. Phải và trái tương tức. Phải và trái có tính chất y tha. Cái này do cái kia mà thành, cái kia do cái này mà thành. Phải thấy cho được điều đó. Cho nên nói rằng tôi muốn chấm dứt luân hồi, tôi chỉ chấp nhận giải thoát mà thôi là chưa thấy được tự tánh tự y tha. Các tổ nhiều lần đã nói rằng: "Tịnh độ nằm ngay ở trong tâm". Tâm thanh tịnh thì cõi này tự nhiên thành tịnh độ.
Vô tác
Bỏ cái này để chạy theo cái khác là trái chống với hết thảy các giáo lý căn bản của Đạo Bụt. Lấy ví dụ về giáo lý vô tác (apranihita, aimless-ness). Vô tác là không chạy theo một cái gì. Khi chạy theo một cái tức là muốn bỏ một cái. Ví như mình muốn thành Phật chẳng hạn. "Tôi không muốn làm phàm phu nữa, tôi chỉ muốn làm Phật". Đó là một đòi hỏi chính đáng của người tu. Nhưng quan niệm đó chứng tỏ là mình chưa tu. Tại vì Đạo Bụt dạy rằng mình phải thực tập vô tác.
Nếu muốn bỏ một cái để đi tìm một cái khác thì không thể tìm thấy cái khác đó được. Cái khác này Bụt dạy phải tìm ở trong cái kia. Niết bàn phải tìm trong luân hồi. Nước phải tìm trong sóng.
Phiền não tức Bồ đề.
Có một câu nói khá phổ thông, nhưng ít người hiểu được: "Phiền não tức Bồ đề". Phiền não là những tâm trạng khổ đau, là những tâm sở bất thiện. Muốn tìm Bồ đề thì phải nắm lấy những phiền não ấy mà chuyển hóa, nếu không thì không thể nào có Bồ đề. Đó là giáo lý tương tức. Giác với mê là một.
Khi sắp chết khát mà chỉ có một ly nước trong đó có bùn. Nếu đổ ly nước đi thì lấy đâu nước để uống? Phải tìm cách lọc ly nước bùn cho trong để uống vậy. Cho nên tất cả những phiền não, tất cả những gì có mặt hôm nay trong thế giới, trong thân tâm của chúng ta, chúng ta phải chấp nhận hết để chuyển hóa. Đừng trốn chạy để đi tìm một cái khác, để đi tìm một cõi tịnh độ, một cõi thiên đường ở một nơi nào xa xôi. Như vậy mới đúng theo con đường Bụt dạy. Địa, thủy, hỏa, phong, không gian, thời gian, phương hướng tất cả đều nằm ở trong Thức. Chúng ta nghĩ rằng cõi Tịnh Độ nằm ở phương Tây và đi tìm một cõi ở phương Tây mà không biết rằng phương Tây cũng nằm ở phương Đông. Phương Tây và phương Đông tương tức.
Không thể nào thoát khỏi cái mà mình đang ghét được, chỉ có thể chuyển cái ghét thành ra cái thương mà thôi. Cũng như khi làm vườn mà biết chuyển rác thành hoa. Những phiền não, những hoàn cảnh đau thương mình phải chấp nhận, phải nắm lấy mà chuyển hóa thành an lạc, hạnh phúc, giải thoát. Giác và mê tương tức. Giác nằm trong mê. Bồ đề nằm trong phiền não.
Nhận thức được điều này chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa Đạo Bụt với một số lớn các tôn giáo khác. Bụt đã dạy chúng ta phải chấp nhận cái bây giờ và ở đây, dầu cho cái bây giờ và ở đây chứa đựng khổ đau, phiền não. Nếu không chấp nhận thì chúng ta đánh mất cái mà chúng ta đang tìm, vì cái giác được làm bằng cái mê, hạnh phúc được làm bằng khổ đau, chân như được làm bằng luân hồi.
Chấp nhận bây giờ và ở đây là điều kiện tiên quyết của sự thực tập. Chấp nhận được rồi thì tuy chưa thực tập mà đã bắt đầu có an lạc. Bài kệ 42 này đã đem ý niệm tương tức áp dụng vào sự tu học. Nhiều người tu Tịnh Độ 20, 30 năm mà vẫn không đạt đạo, cứ nghĩ rằng tịnh độ là một cõi hoàn toàn khác biệt, xa cách không có dính líu tới cõi này. Sống trong cõi Ta-bà này có nhiều khổ đau, nhiều bất như ý rồi sinh tâm chán ghét và chỉ mong cầu tới cõi kia, cái cõi ở một không gian khác. Xét cho cùng thì quan niệm đó không phù hợp với giáo lý căn bản của Đạo Bụt.
Trong trại học tập cải tạo, tất cả mọi người đều bị bó buộc phải tuân theo những người lính gác, những ông cán bộ. Nếu cứ nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có được khi nào rời khỏi trại thì những giờ phút ở trong trại sẽ vô cùng đau khổ. Trái lại nếu nghĩ rằng "Bây giờ ta đang ở trong trại học tập cải tạo, không có cơ hội thoát. Vậy ta phải chấp nhận trại này và làm cho trại này thành ra một chỗ dễ chịu nhất mà ta có thể làm được" thì ta bắt đầu có an lạc, có hạnh phúc. Người đó có thể thực tập hơi thở, thực tập bước chân chánh niệm và có thể có sức khỏe và an lạc mà người khác không thể có. Đã có người cho biết rằng họ đã thực tập thiền quán trong trại tù nhưng những người gác tù cho đó là một hình thức thách đố. Và những người ấy phải đợi đến lúc ban đêm, sau khi tắt đèn để ngồi thiền. Ngồi trong tư thế kiết già trong tù, tự nhiên cái thế giới khổ đau biến thành thế giới an lạc. Hoặc là mặc dầu không ngồi trong tư thế kiết già đi nữa mà chỉ nằm xuống trong tư thế thoải mái, để cho thân tâm buông thư là đỡ khổ hơn những người khác lắm rồi.
Chấp nhận "bây giờ và ở đây" không có nghĩa là bó tay chịu chết. Chấp nhận bây giờ và ở đây là để mình có một cái thấy sâu sắc, để có khả năng chuyển hóa được tới chừng nào hay chừng đó cái hoàn cảnh đang sống. Đó là đích thực tu học. Còn nếu cứ nghĩ rằng sau này ra khỏi trại cải tạo về nhà mình sẽ không màng chi danh lợi, mình sẽ lập một cái chùa, một cái am để tu thì điều đó không bao giờ tới cả. Tóm lại, điều chúng ta học được trước tiên là phải chấp nhận bây giờ và ở đây, phải thực tập ngay trong giờ phút hiện tại và ở đây để chuyển hóa.