Tu tập thiền quán sẽ phơi bày hết tất cả mọi vấn đề trong tâm ta. Chúng sẽ mở ra những ký ức, những xúc cảm trong tâm, hoặc những cảm thọ khác nhau trong thân. Trong thiền tập việc này xảy ra một cách rất hữu cơ và tự nhiên, vì chúng ta không tìm kiếm, không bươi móc, cũng không thăm dò. Ta chỉ cần ngồi yên và quan sát.
Đúng lúc, đúng thời, sự việc sẽ tự biểu lộ: bao nhiêu những ký ức, tư tưởng, cảm xúc và cảm giác mà ta từng rất sợ phải đối diện. Chúng ta bắt đầu cho phép mình cảm nhận chúng một cách trọn vẹn. Khi những khó khăn này khởi lên, ta sẽ ôm ấp chúng trong một ý thức chánh niệm, với một thái độ chấp nhận và ôn hoà, ta sẽ không còn đè nén chúng nữa. Và luồng năng lượng khó khăn ấy trong ta, sẽ được trôi chảy nhẹ nhàng hơn.
Và rồi ta sẽ nhận thấy rằng nỗi sợ ấy vơi đi rất nhiều. Chúng ta đã dám đối diện với điều mình sợ hãi, và ta vẫn còn sống sót, nguyên vẹn, có khi lại còn cảm thấy an lạc nữa kìa. Nỗi sợ sẽ không thể nào tồn tại nếu như ta không còn trốn tránh và chối bỏ nó nữa. Và cũng từ đó nó sẽ dần dà mất hết chỗ đứng trong tâm ta.
Cũng chỉ là một trạng thái của tâmNhiều năm trước, tôi tham dự một khoá thiền, sesshin, với ngài Joshu Sasaki, một vị thầy rất là nghiêm khắc và khó tính. Khoá tu ấy căng thẳng đến độ tôi đã tiếp xúc được với một nỗi sợ rất sâu xa trong tâm. Tôi cảm thấy một nỗi sợ nguyên thuỷ, ban sơ, rất mãnh liệt đến nỗi có lúc tôi không dám cử động.
Tôi đối diện với cái sợ ấy trong suốt khoá tu. Và mặc dù cường độ của nó cuối cùng rồi cũng đã giảm bớt đi rất nhiều, nhưng cảm xúc về nó đã ăn sâu vào tận trong tâm thức tôi, và còn tồn tại mãi sau đó cả tháng trời. Đi đâu tôi cũng mang theo một không gian sợ sệt, và tôi bắt đầu nghĩ rằng mình là một người rất nhút nhát. Tôi cảm thấy như là có một gút cột ngay trong cốt tủy con người của tôi, và có lẽ phải cần mấy năm trời mới có thể tháo gở được cái gút mắt ấy.
Vài tháng sau, tôi và một người bạn cùng đi hướng dẫn một khoá tu tại Texas, cả hai chúng tôi cùng đi dạo chung quanh khuôn viên của trung tâm. Tôi mải mê kể cho người bạn nghe về nỗi sợ của mình, về tất cả những gì tôi đã phải làm, và nó đã trở thành một gánh nặng như thế nào. Cuối cùng chị ta quay sang bảo tôi, một điều mà tôi đã từng nhắc nhở người khác biết bao nhiêu lần: "Nó cũng chỉ là một trạng thái của tâm mà thôi."
Đúng ngay khi đó là lúc mà tôi cần phải nghe những lời ấy. Giả sử như chị ta nói câu đó một tuần trước thì có lẽ nó sẽ không có một ảnh hưởng giống như vậy. Nhưng ngay chính lúc đó, sự nhắc nhở ấy mở ra cho tôi thấy một cái nhìn mới, rằng nỗi sợ thật sự không là của ai hết. Nó không dính dáng gì tới hoặc là một phần nào của "tôi" hết. Nó chỉ là một trạng thái của tâm mà thôi. Nó có mặt ở đó, và rồi nó sẽ đi qua. Thật ra, tôi cũng chẳng cần phải làm gì hết, ngoại trừ để cho nó được như-là.
Mây qua bầu trờiTrong suốt thời gian qua, mặc dù tôi có quan sát nó, nhưng thật sự tôi đã không ý thức được rằng tôi đã có một thái độ ghét bỏ đối với cái nỗi sợ ấy. Và cảm giác chống đối ấy lại sinh thêm một phản ứng tiêu cực. Trong giây phút mà tôi ý thức được rằng nỗi sợ chỉ là một trạng thái của tâm, tất cả đều tan biến. Không phải tôi nói rằng tôi sẽ không bao giờ biết sợ nữa, nhưng từ đó trở đi tôi đã có thể nhận diện chúng dễ dàng hơn.
Cảm xúc cũng như là những cụm mây trôi ngang qua bầu trời. Đôi khi nó là sợ hãi hoặc giận dữ, đôi khi nó lại là hạnh phúc hoặc tình yêu. Nhưng không có cái nào tạo dựng nên một cái “tôi” hết. Chúng chỉ là chúng, mỗi cái tự biểu hiện phẩm chất của nó. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ có thể nuôi dưỡng những cảm xúc nào hữu dụng, và đơn giản để yên cho những cảm xúc khác, cho nó được như-là, không xua đuổi, không đè nén, và cũng không bao giờ đi nhận chúng là mình.
Thời gian không phải là vấn đềĐối với những cảm xúc như là sợ hãi, tuyệt vọng, âu sầu, tự ti - chúng ta chỉ cần ý thức và cảm nhận nó thôi. Có thể cần một thời gian dài sự trói buộc ấy mới bắt đầu nới lỏng ra. Hoặc có thể chỉ cần một giây phút đột nhiên tỉnh ngộ: "Ồ, đây cũng chỉ là một trạng thái của tâm mà thôi!" Người ta đã có nhiều thành công trong việc đối trị với những cảm xúc này, mặc dù việc ấy cũng đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn.
Ngài Munindra, một trong những vị thầy đầu tiên của tôi thường bảo rằng, trên con đường tu tập thời gian không phải là một vấn đề. Sự tu tập không thể được đo lường bằng thời gian, vì vậy ta nên buông bỏ đi cái ý niệm về chừng nào và bao lâu. Sự tu tập là một tiến trình cởi mở ra, và nó sẽ mở vào đúng thời điểm của nó. Cũng như những đoá hoa nở rộ trong mùa xuân. Có bao giờ chúng ta lại đi thúc hối hoặc nắm kéo nó lên để bắt nó mọc nhanh hơn không? Có lần tôi làm thế với những cây cà-rốt trong khu vườn đầu tiên của tôi, năm tôi lên tám tuổi. Việc làm ấy không hề có kết quả nào!
Bạn biết không, chúng ta không bao giờ cần phải có một thời hạn nhất định nào cho tiến trình này: để cho mọi việc được như-là.
Joseph Goldstein— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên dịch