Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Khảo luận văn học Phật giáo »» Hướng đi của thời đại »»

Khảo luận văn học Phật giáo
»» Hướng đi của thời đại

Donate

(Lượt xem: 6.078)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Hướng đi của thời đại

Font chữ:

THAY LỜI TỰA

Nhân loại hôm nay cũng như trước đây 2511 năm đã tự soi vào mình để phát giác ra rằng: mình đang hiện hữu trong một nghiệp dĩ khổ đau giữa một xã hội phi lý bất ổn, trong một vũ trụ vật lý vô nghĩa ma sát giới hạn khắt khe sinh mạng con người. Tâm trạng này đang vò xé con người, tạo ra một nguồn tư tưởng cô đơn tuyệt vọng! Mọi tinh thần giá trị cũ đương bị con người bôi xóa. Hệ thống duy thần bị coi là lạc hậu. Hệ thống duy vật tàn ác phi nhân đã bị vượt dưới nhận thức toàn diện của nhân loại tiến bộ. Phong trào hiện sinh của thời đại thì quan niệm thân phận con người hiện hữu đầy khổ đau tuyệt vọng, cuộc đời là phi lý, buồn nôn, chẳng có chi là hiện hữu đích thực cả, và còn đặt con người, cuộc đời trước một sự kiện đã rồi, để phó mặc cho hư vô vây khốn, choáng ngợp vũ trụ. Do đó, nhân loại hiện nay đương trong vòng bế tắc, chưa tìm được tư tưởng chỉ đạo cho cuộc sống con người, nên đã, đương rơi vào trạng thái hoài nghi buồn chán: con người cảm thấy mình sống lạc lõng trong một vũ trụ vô thường ảo hóa, sống bằng kiếp người thống khổ mong manh, sống giữa một xã hội bất công cùng cực!

Sự kiện trên minh nhận rằng: nét chính của thời đại là tan loãng mệt mỏi! Con người không thể đứng yên ở trạng huống mất hướng này được. Sự đau khổ của con người phải được giải quyết. Mà muốn giải quyết khổ đau, muốn thoát cảnh bế tắc khắp mặt như hiện nay, nhân loại chỉ còn một con đường sáng duy nhất là tìm về nguồn suối Từ Bi, để hòa hợp mình với tự nhiên giới làm cho vạn hữu cùng rực rỡ thêm lên, hòa hợp với tâm tư giới làm cho nhân loại cùng sáng suốt thêm lên, hòa hợp với siêu việt giới để Phật tính thường hằng nơi vạn hữu mau xòe nở tròn đầy.

Đạo Phật nhận rằng: Vạn vật chúng sinh đều có Phật tính. Con người đều có khả năng thành Phật. Do đấy, con người trong đạo Phật là con người của mọi tầng lớp xã hội, mọi quốc gia, mọi tôn giáo, trên mặt đất và trong tam thiên đại thiên thế giới. Mặc nhiên là con người đạo Phật, khi chúng sinh đó là một người sinh hoạt trên ba chiều hướng, tự nhiên, tâm tư, siêu việt giới, và ý thức được mình là một con người hiện hữu. Rồi nhận trách nhiệm về sự hiện hữu của mình để tự chủ tu chứng bằng thể hiện ba đại hạnh BI, TRÍ, DŨNG để làm sáng cho phận người, làm đẹp cho cuộc đời.

Với ý hướng trên, chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần đề cao khả năng dung hóa của đạo Phật; một đạo từ nghìn xưa đã mở đầu cuộc tổng hợp rộng lớn giữa các hệ thuyết Ấn độ thâm sâu; một đạo mà truyền tới đâu cũng dung hợp được với các nền văn minh địa phương, để tạo cho mỗi địa phương một sắc thái từ bi đạo hạnh để chỉ nẻo mãi mãi hướng đi cho con người và cuộc đời trong trách nhiệm: giải thoát tâm tư khỏi trói buộc của thực tại thế giới. Chính vì điều này mà phật tử có quyền tin rằng Tư tưởng của nhân loại thời đại đang đi lên để gặp tư tưởng đạo Phật mà lịch sử trước đây 2511 năm đã kết tinh thành GIÁO LÝ GIẢI THOÁT, PHÁ CHẤP, PHÁ MÊ, THỪA NHẬN KHỔ ĐAU ĐỂ LÀM CHỦ KHỔ ĐAU VÀ, DO ĐÓ, LUÔN LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI.

Đó là Hướng Đi Của Thời Đại.


DÒNG SUY TƯỞNG

Nhiệm vụ lớn nhất của suy tư là làm thế nào vượt nổi “bức tường chết” để thỏa đáp đòi hỏi trường tồn của tâm thức người. Có vượt nổi bức tường chết thì cuộc đời mới có ý nghĩa, con người mới muốn sinh hoạt, xã hội mới còn tiến bộ. Nhân loại tồn tại tiến bộ tới nay, chính là nhờ ở lòng tin tuyệt đối nơi các tôn giáo qua các trào lưu tư tưởng. Đây là một ý kiến khẳng quyết, nhưng không có nghĩa là áp dụng cho mọi người. Khẳng quyết vì đòi hỏi của con người thường muốn sống cuộc đời thoải mái yên lành và cũng vì tính cách lịch sự của vấn đề. Người dân Ấn Độ phần nhiều đã sống, đương sống với quan niệm: sinh ra bởi Phạm Thiên, chết về thể nhập với Phạm Thiên.

Người dân Trung Hoa cũng sống với quan niệm chết thành thần minh. Người dân Địa Trung Hải và khắp miền Âu – Mỹ đều sống với quan niệm hồn thiêng bất tử, thiện hồn được vào nước Chúa, ác hồn bị đày xuống hỏa ngục khổ sở đời đời. Mấy nghìn năm qua tâm thức con người đều trú ngụ nơi những quan niệm này, cho đến các tôn giáo Duy Nhiên nhất thể, Duy Tâm siêu thoát cũng bị đại đa số nhân loại nhìn theo lăng kính nhận thức Duy Thần cả. Chính vì nhận thức nhân loại trú ở quan niệm Duy Thần mà các phong trào khác đều không có cơ hội phát triển.

Phải chờ mãi tới thế kỷ này, sau nhiều đợt tấn công, sau nhiều cuộc đổ máu, bằng nhiều phương tiện truyền phổ tư tưởng, phe chống đối mới tạo nổi một chỗ đứng. Nhưng sự thực những tư tưởng quá khích này, chẳng những không giải phóng nổi tâm thức người mà còn thủ tiêu mất nguồn hy vọng trường cửu của con người đi nữa. Phong trào Duy Vật đã dựng “bức tường chết” ngay giữa cuộc sống. Con người luôn bị cái chết ám ảnh. Con người thấy mình sống giữa một xã hội chết chóc lạnh lùng. Sống trong lo âu sợ hãi thường xuyên. Với quan niệm Duy Vật thì chỉ cuộc sống thực tế mới là chân lý đời người, thế mà sự sống của mỗi người đều bị treo trước lưỡi gươm thần tốc của chế độ cả. Xã hội vừa là thiên đường vừa là hỏa ngục, quyền năng thượng đế được đặt vào tay những con người bằng xương bằng thịt, thiếu tình thương công chính mà đầy căm thù ngu tối và bất công nội tại. Thật là bi đát.

Bi đát! Tiếng kêu thất thanh của trí thức thời đại. Trước mắt họ tất cả đều đổ vỡ, nhầy nhụa. Đời người là một trang thảm sử não nề. Xã hội là nhà tù, là hỏa ngục, là nhà thương, là tha ma và là v.v… Họ nổi loạn bằng thái độ “cóc cần”. Họ quay lưng vào cuộc đời để bước giật lùi xuống “hố chết”. Trí thức Âu Châu đã đặt Hư vô cuối đường hiện hữu. Trên con đường đi tới hư vô, người hiện sinh chẳng cần biết mình phải làm gì? mà cần chi phải làm gì nhỉ, khi cuộc đời chỉ là một trang thất bại sử, một giòng phi lý. Tất cả sẽ đầu hàng sự chết. Tất cả đều về Hư vô. Thế là sau thời đại chiến, một phong trào thanh niên sôi lên với lối sống hiện sinh. Họ khỏi cần biết tới ý thức hiện sinh. Họ khỏi cần để ý tới sự hiện sinh của tha nhân. Họ ùa lên thủ tiêu mọi thần tượng. Họ đi tìm hiện sinh của mình trong cảm giác. Họ quyết sống lấy được, sống gỡ trước khi bị đầu hàng hư vô.

Từ tâm trạng chán ngán cuộc đời của trí thức Âu Châu tràn qua Mỹ Châu thực tiễn, phong trào Hiện Sinh biến thái thành Phi Sinh. Con người vừa chán xã hội vừa sợ hư vô. Hư vô khống chế, vây khốn hiện hữu. Con người vốn đã cô độc giữa cuộc đời lại càng thấy mình cô độc toàn triệt khi bị hư vô vây hãm. Thân phận con người giờ đây thật quá sức mỏng manh. Có gì bảo đảm cho hiện hữu đâu. Hiện hữu sẽ tan ra như bong bóng xà bông trong hư vô. Hư vô rình rập cướp đoạt sự hiện sinh của con người. Hư vô choáng ngợp hiện hữu làm cho con người không thể lẩn trốn vào đâu được nữa. Con người hiện sinh giữa hư vô.

Con người chỉ còn một giải pháp duy nhất để hết còn tâm trạng khiếp sợ hư vô, đó là “giải pháp tự tử”. Hemingway, vị thủ lãnh của phong trào Phi Sinh đã chạy trốn hư vô bằng cách gia nhập với hư vô trước thời hạn mà hư vô đón nhận. Tiếp đó là những mái đầu xanh cảm thấy chán đời, cảm thấy cô đơn, cảm thấy hết ý nghĩa sống, cảm thấy yêu đời mà không thể thoát nổi bàn tay khổng lồ của hư vô. Họ đều nhất tề lao đầu vào hư vô. Sau nữ minh tinh Marilyn Monroe và nhiều nam nữ thanh niên khác nữa sẽ gia nhập phong trào Phi Sinh. Tư tưởng của Mỹ Châu đã gặp ngõ cụt. Con người chán đời cũng tự tử, mà thiết tha yêu đời cũng tự tử, để rồi cuối cùng sẽ dẫn tới tư tưởng Huyễn Sinh toàn triệt.

Huyễn Sinh sẽ là tiếng nói cuối cùng của tư tưởng hiện đại. Quan niệm của trí thức thời đại đi từ hiện sinh cho hư vô ở cuối đường hiện hữu, qua phi sinh cho hư vô khống chế hiện hữu sẽ tới huyễn sinh cho hư vô ngay trong thực tại. Hiện hữu chỉ là ảo tưởng. Chẳng có chi hiện hữu đích thực nữa. Tất cả đều “huyễn”. Con người đánh lừa nhau bằng ý niệm. Hiện tượng là trò ảo hóa. Hiện hữu chỉ là bóng dáng “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” mà thôi. Đây là quan niệm của xứ Ấn nghìn xưa và đây cũng là tư tưởng của Việt Nam thế kỷ XVIII. Nguyễn Gia Thiều là tiếng nói bi đát tuyệt vọng cuối cùng của thân phận con người. Cung Oán Ngâm Khúc là một kiệt tác huyễn hóa khắp mặt. Không ai có thể tìm nổi khuôn mặt đích thực của người Cung nữ qua tâm trạng bi đát tuyệt vọng của phận người, của vạn hữu:

“Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”.

Trước đây hai thế kỷ, tư tưởng này chưa đủ sức làm nổi một phong trào nhưng, hiện nay, với đà đi tới của tâm trạng con người, phong trào Huyễn Sinh tất cả đủ điều kiện để lan tràn sâu rộng khắp nơi. Nếu Hiện Sinh đưa tới hậu quả thù ghét cuộc đời, chán ngán tuyệt vọng, Phi Sinh đưa tới hậu quả tự tử, thì Huyễn Sinh sẽ đưa tới hậu quả tận diệt loài người. Tất cả đều là huyễn hóa thì sống hay chết có nghĩa gì đâu. Sống chết chỉ là một kiếp phù sinh đầy khổ ải thì nhân loại này sống mà làm gì nữa. Thế là con người sẽ tiếp tay cho Hư vô thanh toán nốt những hiện tượng “mờ mờ” này đi, để trả về với vũ trụ hư vô toàn triệt. Con người sẽ giết nhau không chút động tâm; giết người rồi giết mình một cách hết sức thoải mái.

Thế giới sẽ tận diệt nếu tư tưởng này hoàn toàn làm chủ nhận thức con người. Võ khí hạch tâm không dám nổ vì quyền lợi, nhưng rất muốn nổ từng loạt khi con người hoàn toàn sống bằng quan niệm Huyễn Sinh này. Thế có nghĩa là nhân loại tới thời tận diệt rồi sao! Không, Nhân loại sẽ không tận diệt vì thực tại tính của đại đa số nhân loại, là ham sống, nhất định sống dù biết đời là bể khổ, vũ trụ là huyễn hóa, kiếp người là phù sinh. Vì “nhất định sống” nên nhân loại sẽ tự tìm lấy lối thoát cho tâm tư, cho suy nghiệm, cho đòi hỏi của khát vọng trường cửu. Sự tắc lối của trí thức hiện nay, chỉ là một hiện tượng báo trước cuộc sang mùa mà thôi. Con người sẽ tự giải thoát cho mình, cùng giải thoát cho đời để tất cả đều giải thoát.

Ý nghĩa của giải thoát do đó không chỉ lệ thuộc vào một sự kiện siêu nhiên huyền nhiệm vĩnh cửu, mà còn giải thoát cho tình cảm con người khỏi tù túng công thức, giải thoát cho suy tư khỏi những lớp vỏ của thành kiến, giải thoát cho hành động khỏi mò mẫm hại người hư vật. Giải thoát cho thân phận oan khiên thiên vạn cổ của con người. Giải thoát cho cuộc đời khỏi độc khí bất công, mọi người đều sống với một cuộc sống thoải mái, thoát ách khổ lao. Xã hội hết là bệnh viện tha ma. Người khác không còn là kẻ thù. Con người sẽ vơi đi tâm trạng cô đơn, sợ hãi để thản nhiên sống, sáng suốt làm, uyển chuyển hòa; hòa với cuộc sống thực tế của đồng loại, hòa trong thể điệu hóa sinh của vạn hữu.

Tự cảm ứng với tất cả, thấy mình tương quan với tất cả, rồi cùng tất cả chuyển hóa. Sướng khổ, vui buồn, sống chết… chỉ là tiết tấu cung bậc của bản trường ca vô thường; thản nhiên sống, sáng suốt sống, uyển chuyển sống trong bản trường ca muôn điệu ấy, tức là đã đạt tới trạng thái không câu chấp, không lệ thuộc, không lo lắng, tức là phát khởi nổi tâm thức thường hằng ngay trong cảnh vô thường, tức là đã tự giải thoát sinh không, tình cảm sẽ thành bao la trong trắng, trí tuệ sẽ sáng suốt quang minh, chí khí sẽ tròn đầy siêu thoát. Khi tâm tư đã có lối giải thoát, thì cuộc sống sẽ hết bế tắc; mọi mối tương quan xã hội sẽ thuận chiều tiếp nối; nhân loại sẽ sống trong cảnh sống người chân thực, sống trong cảnh sống toàn diện không thui chột, không một chiều, không còn đối tượng căm thù.

PHONG TRÀO HIỆN SINH TRONG TRIẾT HỌC ĐÔNG PHƯƠNG

Nếu khả năng suy tư đã tạo nổi niềm tin cho con người, đã thỏa đáp khát vọng trường tồn của nhân loại, đã giúp ý niệm người vượt được bức tường chết và, đã là ánh đuốc soi đường cho mọi sinh hoạt, thì việc hệ thống hóa suy luận thành các ý thức hệ thuần lý đã lại làm cho nhận thức con người bị gò ép theo lối suy luận một chiều, nhất là còn tạo ra các thứ luân lý công thức, bóp méo, thủ tiêu tình cảm riêng tư của mỗi người đi, khiến cho cuộc sống trở thành cứng đờ, nặng nhọc, tăm tối. Thêm vào đó một bọn người manh tâm luôn luôn tìm mọi cơ hội để biến ý thức hệ thành một thứ bình phong che dấu thủ đoạn bóc lột đớn hèn của họ, đã làm cho xã hội vốn loạn lạc càng loạn thêm, thân phận con người vốn bi đát lại càng bi đát hơn. Lý tưởng của con người tôn thờ luôn luôn quay lại ma sát thân phận con người. Giá trị con người bị biến mất trước thần tượng lý tưởng.

Con người sống một cách thụ động, sống bằng quan niệm của ý thức hệ, sống bằng sự quy kết tội phúc của luân lý, sống bằng pháp luật của kẻ có quyền. Con người hoàn toàn chìm ngập trong ý niệm tội lỗi, cái gì cũng có thể trở thành tội lỗi được; mà mọi tội đều do nơi khát vọng của dục tính sinh ra. Chính vì muốn chế ngự tội mà các nền luân lý xưa và nay đều phải đề ra việc tiết chế dục tính. Sự tiết chế như vậy tuy là vấn đề cần thiết cho một xã hội có tổ chức, tức là sống bằng ý thức, nhưng chính cũng là một áp bức dồn nén tình cảm riêng tư của con người, nhất là người văn nghệ đầy khát vọng tự do tuyệt đối. Một khi tình cảm bị luân lý dồn nén thì sẽ đưa tới tâm trạng ẩn ức. Ẩn ức mỗi lúc một lớn thêm khi nào gặp điều kiện tốt sẽ bùng nổ.

Hiện sinh tồn ngã

Trong cảnh đại loạn xuân thu xưa, Khổng Tử đã hệ thống hóa tư tưởng Trung Hoa thành một ý thức hệ duy lý thực nghiệm hữu vi hòng đặt lại kỷ cương cho xã hội, thì cũng chính là lúc sức phản ứng của tình cảm trí thức nổi loạn để sản sinh ra tư tưởng Hiện sinh tồn ngã của Dương Chu. Dương Tử hoàn toàn dùng tình cảm tự nhiên để đả kích hệ thống hữu vi của Khổng Tử. Ông cho là không nên lấy ý thức người mà can thiệp vào đạo tự nhiên, cứ để cho mọi vật tự do phát triển, không vun đắp cũng không ngăn cản. Ý thức người đã tạo ra các thứ danh ngụy tặc để khống chế con người, bắt bẻ cuộc đời phải chính danh định phận. “Thực thì không có tên. Có tên thì không phải thực.” Đem những cái giả tạo ấy xâu kết lại thành một hệ thống để cùm xích con người thì chẳng những không hết được loạn mà người thì khổ thêm, đời càng loạn thêm. Nên người sống ở đời có cái vui của thân, không bỏ nó đi, tức là phải tích cực giữ lấy cái ta lạc sinh hiện hữu. Do đấy “thiệt một sợi lông mà được lợi cả thiên hạ không cho, cả thiên hạ phục vụ cho một mình không lấy. Mọi người không thiệt một sợi lông, không ai được lợi cả thiên hạ, thì thiên hạ yên vậy”.

Chủ trương tự do tồn ngã lạc sinh của Dương Chu phải được kể là thủy tổ của tư tưởng hiện sinh của con người. Tư tưởng này xuất hiện giữa thời đại loạn, trước áp lực của các hệ thống thuần lý; xuất hiện để chối bỏ mọi thứ luân lý do ý thức hữu vi sinh sản ra, nhằm giải phóng thân phận con người, giải phóng tâm linh nhân loại. Thời đại của Dương Chu là thời đại nông nghiệp phong kiến, nên tư tưởng hiện sinh của ông nhuốm nặng tính cách tự nhiên, không mang sắc thái bi đát cùng cực như thời đại chúng ta, sống bằng cuộc sống máy móc xa lìa tự nhiên; nên Dương Chu vẫn còn vui được khi thấy mình hiện hữu trong cảnh thuần phát của tự nhiên, ông chỉ lên án, đả phá những ý thức cai trị, ý thức luân lý do con người sản sinh ra thôi.

Tức là ông vẫn còn có lối thoát duy nhất là sống với nội tâm trống rỗng tự tại. Thời chúng ta là thời đại con người khai thác tự nhiên, bóp méo tự nhiên từ nội dung tới hình thức bằng ý niệm người. Con người thấy mình hiện sinh giữa không phải tự nhiên mà là giữa một xã hội người đầy rẫy khổ đau, đầy rẫy bất công và giằng xé. Mình không tìm nổi mình đích thực nữa. Mình hoàn toàn sống bằng quan niệm của kẻ khác, của xã hội. Con người không thể thoát nổi nõa lực vĩ đại phi lý của xã hội. Con người không tìm được lối tự giải thoát, đành sống với quan niệm buông trôi, nên phong trào hiện sinh hiện nay mang nặng tính cách khổ đau tuyệt vọng, khác với Dương Chu sống bằng quan niệm ẩn dật tự nhiên lạc sinh và tích cực giải thoát.

Hóa sinh đại ngã

Tiếp nối tư tưởng của Dương Chu, Lão Tử đã thành lập một hệ thống Duy nhiên. Tuy Lão Tử không quyết định tư tưởng ông là một tư tưởng có hệ thống, nhưng không vì vậy mà ta không nhận được tính cách phi hệ thống của Lão Tử vẫn là một hệ thống Duy nhiên. Mọi nhận thức của Lão Tử đều qui về tự nhiên, lấy tự nhiên làm xuất phát triển, và đặt cứu cánh cho cuộc đời là thực hiện một con người tự nhiên. Một con người mộc mạc lòng rỗng bụng đầy, dứt bỏ thánh trí, nhân nghĩa, luân lý để sống một cuộc đời tự do, tự sản, tự tại hợp với đại đạo tự nhiên. Đạo tự nhiên là đạo tuyệt đối vĩnh viễn trường cửu, không nghe, không thấy, không cầm nắm được, nhưng ở trong tất cả, bao trùm tất cả, vô thủy vô chung, không làm mà không cái gì không làm.

Vũ trụ do đạo mà sinh hóa; vạn vật có đạo mới tồn tại. Đạo là một lẽ tất yếu khách quan vượt tầm trí thức của con người. Nên con người không đủ sức biết về Đạo mà chỉ có thể trực nhận nổi Đạo qua sự sinh hóa của vạn hữu, của chính mình. Đặc tính của Đạo là không làm mà không phải chẳng làm. Con người muốn thể nhập Đạo lớn, thì phải gạt bỏ quan niệm hữu vi, tức là gạt bỏ ý thức về vấn đề làm, hoặc nói khác đi, là làm không theo sự xếp đặt của ý thức: không làm vì danh, vì lợi, vì lý tưởng này, tư tưởng nọ. Phải gạt bỏ tất cả mọi đối tượng hành động, thủ tiêu ý thức hữu vi rồi làm bằng sức tự động mặc nhiên.

Làm như vậy là thuận Đạo tự nhiên, mà thuận đạo tự nhiên thì mình cùng với tự nhiên là một, đời cùng với tự nhiên là một, khi đã hòa nổi cuộc sống người trong đạo tự nhiên thì loạn sẽ hết, khổ cũng sẽ hết. Con người an nhiên tự tại tự sản sinh bao la. Đời loạn mới cần tới nhân nghĩa, luật pháp là thứ con đẻ của ý thức mà chính ý thức là nguyên nhân của sự loạn. Lấy loạn để trị loạn thì lại càng loạn thêm, do đấy cần phải thủ tiêu ý thức nhân nghĩa, thánh trí, hữu vi mới vãn hồi nổi cuộc sống tự nhiên thanh thoát.

Từ tư tưởng chủ quan tồn ngã hiện sinh của Dương Chu sang tới Lão Tử thành tư tưởng khách quan tồn nhiên hóa sinh. Lão Tử đã triển khai toàn triệt quan niệm duy nhiên của phong trào ẩn dật Trung Hoa. Lão Tử đem con người lại gần với tự nhiên, đem con người trở về với cuộc sống thuần phác mộc mạc của tự nhiên, sống trong nhịp đại sinh hóa của vũ trụ tự nhiên. Lão Tử chủ trương hủy bỏ hẳn nền văn minh hữu vi hiếu động của Hán tộc để vãn hồi cảnh sống mặc nhiên vô vi hiếu tĩnh của con người phương nam. Con người làm loạn cuộc đời vì những ý thức hơn người, thắng vật.

Xã hội càng văn minh bao nhiêu, nhân loại càng phát sinh nhiều thánh trí bao nhiêu thì đời càng loạn thêm lên bấy nhiêu. Quả vậy, sống sau Lão Tử trên hai nghìn năm chúng ta đều phải nhận lời Lão Tử là đúng. Nhân loại chúng ta hiện nay là một thứ nhân loại hoàn toàn xa lìa tự nhiên, nền văn minh tự tạo của nhân loại lấn át những vẻ tình cảm phong phú của tự nhiên. Con người đã xa lìa tự nhiên quá mất rồi, không có tài nào trở về với nguồn yên vui mộc mạc được nữa. Mỗi ngày nhân loại càng chạy mau thêm tới trước đích tiêu vong, nếu không có một phương pháp giải thoát tâm tư, một cao trào giải phóng cuộc đời.

Tồn sinh siêu thoát

Trang Tử là người xiển phát tư tưởng duy nhiên của Lão Tử, đồng thời ông đã thăng hóa tư tưởng Lão Tử lên tới mức siêu thoát: không biết thích sống cũng không biết ghét chết, thảnh thơi mà sống, lúc ra không hớn hở, lúc vào không tấp nập, phất phơ mà đi, phất phơ mà lại. Không quên nơi mình bắt đầu, không cần nơi mình đến cuối. Trời đất cùng với mình cùng sinh, vũ trụ cùng với mình là một. Vũ trụ biến đổi không lường, việc gì phải nhọc lòng về sự sống chết, hơn thua, cứ thuận lẽ tự nhiên mà sống, không ham sống sợ chết, cứ giữ lòng cho chay tịnh hư không, rồi làm theo lẽ của tự nhiên mà quên mình đi, danh lợi không cần, không khoe giỏi, không chấp nhất cứ an nhiên mà sống, nhận tất cả mà mừng nó, quên tất cả mà trở lại nó. Lòng quên, mặt lặng, trán phẳng, mát như mùa thu, ấm như mùa xuân, mừng giận với bốn mùa hợp với muôn vật mà không ai biết đến đâu là cùng. Người đạt tới mức đó mới đích thực là người. Làm tất cả mà quên tất cả để chơi với cõi vô cùng:

“Tướng Mây sang chơi miền đông qua cánh đồng phất phới, xẩy gặp Hồng Mông. Hồng Mông đương vỗ đùi mà nhảy chân cò. Tướng Mây thấy vậy, bâng khuâng, chắp tay đứng mà hỏi:

– Cụ là ai vậy? Cụ làm gì đấy?

Hồng Mông vẫn nhảy không ngừng, ngoảnh sang Tướng Mây mà nói:

– Chơi.

Tướng Mây tiếp:

Tôi muốn được nghe chuyện.

Hồng Mông ngửng nhìn Tướng Mây rồi.

– Ồ!

Tướng Mây hỏi:

Khí trời không hòa. Khí mây uất kết. Sáu khí không đều. Bốn mùa không đúng tiết. Nay tôi muốn hợp tinh hoa của sáu khí để nuôi các loài có sống, làm nó ra sao?

Hồng Mông vỗ đùi nhảy chân cò, lắc đầu:

– Ta chả biết! Ta chả biết!

Tướng Mây hỏi không được, bỏ đi. Ba năm sau sang chơi miền Đông, qua cánh đồng Hữu Tống, lại gặp Hồng Mông. Tướng Mây cả mừng, đi rảo tới mà thưa rằng:

– Trời! quên tôi sao! quên tôi sao?

Rồi rập đầu hai lạy, xin được nghe lời chỉ bảo.

Hồng Mông nói:

– Lông bông, không biết cầu gì! Ngông nghênh, không biết đi đâu! Lăn lóc chơi để xem cái ‘vô vọng’ ta lại biết chi!

Tướng Mây thưa:

– Tôi đây cũng tự lấy mình làm ngông nghênh, mà tôi đi đâu thì dân họ theo đó. Tôi đây chẳng được đừng với dân! Nay thì dân nó bắt chước… Xin cho nghe một lời. Hồng Mông nói:

– Loạn lẽ thường ở đời. Trái với tính các loài. Chẳng thành được đạo huyền của trời. Làm tan đàn muông, mà chim đều hót đêm chơi! Cỏ cây lây vạ. Sâu bọ mang tai. Chao ôi! Đó là cái lỗi trị người vậy.

Tướng Mây hỏi:

– Vậy thì tôi làm thế nào?

Hồng Mông bảo:

– Chao ôi! Hại thay là cái lòng khấp khởi kia. Về đi thôi!

Tướng Mây nài:

– Tôi gặp nạn trời, xin được nghe một lời.

Hồng Mông nói:

– Chao ôi! Đem lòng mà nuôi đồ đệ mi! Ở vào chỗ không làm mà vật tự nhiên hóa. Bỏ rời hình thể mi! Khạc nhổ thông minh mi! Cùng vật quên loài. Đại đồng vào cõi mông mênh! Cởi lòng, buông thần, lặng lẽ không hồn. Muôn vật lau nhau, đều trở lại gốc nguồn. Đều trở lại gốc nguồn mà chẳng biết chi. Hỗn hỗn độn độn trọn đời chẳng lìa. Nếu nó biết có, tức là nó lìa nó. Đừng hỏi tên nó, đừng dòm tính nó, vật vì thế sẽ tự nhiên sinh.

Tướng Mây than:

– Trời! Cho tôi đạo đức. Bảo tôi bằng im lặng. Chính mình cầu nó, mà nay mình mới hiểu được.

Lạy hai lạy mà từ biệt”

(Nam Hoa kinh do Nhượng Tống Dịch)

Qua câu chuyện ngụ ngôn trên cho ta thấy: Trang Tử hoàn toàn chủ trương lối sống mặc nhiên không ý thức để thuận với lẽ “vô vi nhi vô bất vi” của trời đất. Nhưng khác với con người suy tư Lão Tử, con người tình cảm của Trang Chu tạo ra cho mình một phong thái siêu thoát đại đồng trong cõi mông mênh. Quên thân, buông thần để đạt tới trạng thái vũ trụ với ta cùng một. Tức là đến cõi chí đạo mịt mờ huyền ảo. Lão Tử khuyên người ta thể nhập với đạo tự nhiên bằng cách gạn lọc tâm tư làm cho lòng trống như hư không, Trang Tử đi xa hơn, biến quan niệm duy nhiên thành một tôn giáo với những lối tu “tọa vong” để mình được phơi phới chơi được ở cánh đồng vô cực:

“Hoàng Đế được lập làm thiên tử, mười chín năm, quyền uy trùm khắp thiên hạ. Nghe biết thầy Quảng Thành ở trên núi Không Đồng, nên sang ra mắt thầy mà thưa rằng:

– Tôi nghe nhà thầy hiểu về chí đạo. Vậy dám hỏi phần tinh túy của chí đạo.

Tôi muốn lấy tinh hoa của đất trời để giúp ngũ cốc, để nuôi muôn dân. Tôi lại muốn sắp đặt âm dương để mọi loài sống được thỏa thích. Làm thế nào cho được?

Thầy Quảng Thành nói:

– Điều mi muốn hỏi là chất của vật. Điều mà mi muốn sắp đặt là phần thừa của vật! Từ khi mi trị thiên hạ, hơi mây không đợi họp mà mưa. Cỏ cây không đợi vàng mà rụng. Ánh sáng mặt trời, mặt trăng càng hoang hủy thêm. Lòng kẻ nịnh thường hau háu đầy rẫy. Lại sao đủ để nói chuyện chí đạo.

Hoàng Đế lui. Về nhà bỏ thiên hạ ở dưng ba tháng, rồi lại sang đón thầy. Thầy Quảng Thành nằm quay đầu phía nam. Hoàng Đế thuận gió phía dưới, đi bằng hai đầu gối mà tới, dập đầu mà thưa:

– Nghe nhà thầy hiểu chí đạo, dám hỏi trị mình thế nào mà có thể được lâu dài?

Thầy Quảng Thành uể oải ngồi dậy mà rằng:

– Câu hỏi khéo thay! Lại đây, ta bảo mi chí đạo. Phần tinh túy của chí đạo, mờ mờ ảo ảo. Chỗ rất mực của chí đạo, lặng hẳn rốt ráo. Không nghe, không trông, lấy tĩnh làm lòng, xác sẽ tự chính. Phải trong, phải tĩnh, chớ nhọc đến mình, chớ rung đến tính mới có thể trường sinh. Không trông gì bằng mắt, không nghe gì bằng tai, không biết gì bằng lòng, thì thần mi sẽ giữ nổi phần xác ngoài, xác ngoài mới có thể sống lâu. Cẩn thận phần trong của mi. Đóng kín phần ngoài của mi. Biết nhiều là hỏng. Ta đưa mi tới trên miền sáng láng rồi, đến đó là cõi chí dương! Ta đưa mi vào cửa miền ảo minh rồi, đến đó là cõi chí âm! Trời đất tự có công việc, âm dương tự có chỗ chứa. Giữ mình mi cho cẩn thận, vật sẽ tự lớn. Ta giữ phần một mà ở chỗ hòa, cho nên ta tu thân một nghìn hai trăm tuổi rồi mà xác ta chưa hề suy.

Hoàng Đế dập đầu hai lạy mà thưa rằng:

– Thầy Quảng Thành thật là người trời.

Thầy Quảng Thành nói:

– Lại đây! Ta bảo mi: Nó là vật không cùng mà người đều cho chết là xong. Nó là vật không diệt mà người đều cho chết là hết. Kẻ được đạo ta, trên làm hoàng mà dưới làm vương. Đạo ta mà bỏ mất thì trên thấy ánh sáng mà dưới thấy đống đất. Nay coi trăm loài đều sinh từ đất mà trở về đất. Cho nên ta sắp bỏ mi mà vào cửa vô cùng, để sang chơi cánh đồng vô cực. Ta cùng với nhật nguyệt xem hào quang. Ta cùng với trời đất ở cõi thường. Kẻ đón ta, ta chẳng biết. Kẻ xa ta, ta chẳng hay. Người ta thì chết hết mà riêng ta còn sống mãi đây”.

(Nam Hoa kinh do Nhượng Tống dịch)

Tư tưởng của Trang Tử hoàn toàn bước vào lĩnh vực xuất thế. Tuy mang một hoài vọng siêu thoát, nhưng chưa phải là phương pháp giải thoát hữu hiệu cho đời, mà chỉ là thái độ đề kháng cuộc đời ý thức. Tư tưởng đề kháng cuộc đời, xa lánh thực tế đến độ khiêu khích này, không phải là nơi trú ngụ chắc chắn của nhân loại, dù ở thời Trang Tử hay bất cứ ở thời đại nào cũng vậy, mà chỉ là giải pháp tạm thời thôi. Con người chỉ có thể thực sự bắt tay vào việc giải thoát khi nào có được một phương pháp giải thoát toàn diện: giải thoát tâm tư, giải thoát xã hội. Nối nổi nhất thời vào với trường cửu, hòa nổi tiểu ngã vào với đại ngã, đem nổi phương pháp giải thoát vào với cuộc đời khổ ải, làm nhẹ bớt oan khiên cho phận người, làm vơi bớt bất công cho xã hội, lúc đó mới thực là lúc con người tự giải thoát và nhân loại cùng giải phóng vậy.

Phong trào xuất thế thời xuân thu xưa đã khởi điểm bằng thái độ ẩn dật của người trí thức như Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Chu Trương, Thiếu Liên, Liễu Hạ Huệ, Tiếp Dư, Trương Như, Kiệt Lịch, Sở Cuồng… để phát hiện ra bằng thức thuyết Hiện sinh tồn ngã của Dương Chu, rồi được Lão Tử hệ thống hóa thành chủ thuyết Duy nhiên. Và cuối cùng Trang Tử thăng hóa thành một tôn giáo siêu thoát, nhằm đề kháng cuộc sống cực vi câu chấp của Hán tộc. Chống đối với ý thức hệ Khổng Nho. Chống với lối cai trị hà khắc bạo hành của phong kiến. Phong trào đã qui kết tội làm loạn xã hội cho những hiện tượng trên. Chính vì sinh hoạt hữu vi, chính vì sinh hoạt nhân nghĩa, chính vì sinh hoạt tổ chức, tức là sinh hoạt bằng ý thức người xa lìa đạo tự nhiên, nên người mới khổ, đời mới loạn. Hãy hủy bỏ quan niệm hữu vi, dứt trừ nhân nghĩa, khạc nhổ thánh trí, phá bỏ tổ chức để trở về với tự tại, tự nhiên mộc mạc. Sống trong đạo tự nhiên, chết trong đạo tự nhiên thì mình không khổ, đời không loạn.

Không ý thức được thế này là khổ, thế kia là sướng, thế này là phải, thế kia là trái, thế này là hơn, thế kia là thiệt thì quả là bình dị thảnh thơi hết lo nghĩ rồi. Nhưng con người đã có ý thức, đã biết phân biệt mà chủ trương gạt bỏ cuộc sống ý thức đi là vấn đề trái tự nhiên tính của nhân loại. Ý thức đối với nhân loại là hiện tượng tự nhiên. Hiện tượng này là kiến phần của chân tâm. Tức là khả năng phân biệt chấp giữ của tâm thức chúng sinh. Chân tâm vạn hữu đều là một thể bình đẳng thường hằng phổ biến. Chân tâm đồng nghĩa với đạo thể của Lão Tử. Kiến phần đồng nghĩa với nhiên tính.

Nhiên tính có khả năng khởi động biến hiện thành vạn hữu muôn màu muôn vẻ. Kiến phần cũng có khả năng chấp giữ phân biệt các chủng tử của chân tâm làm thành hiện tượng riêng biệt. Mỗi hiện tượng đều có đạo thể hoặc chân tâm; đều có nhiên tính hoặc kiến phần. Như thế, mỗi hiện tượng đều cùng có hai phần đạo thể và nhiên tính gọi theo Lão học, còn gọi theo Phật học là chân tâm và kiến phần. Chấm dứt kiến phần thì vạn hựu hủy diệt, hủy diệt nhiên tính thì vũ trụ trở thành tịch không. Hiện tượng còn tồn tại sinh hóa là nhờ ở hai thể tính tự thân của hiện tượng. Mà kiến phần hoặc nhiên tính ở mỗi loài, mỗi hiện tượng đều có cấp vị khác nhau: Cây cỏ thì cứ tuần tự sinh hóa theo thời tiết. Động vật thì cứ tuần tự mặc nhiên sinh sống nhởn nhơ còn nhân loại thì vừa tuần tự vừa mặc nhiên lại vừa ý thức sinh hoạt để tạo ra một cảnh sống người. Vậy ý thức cũng vẫn thuộc phạm vi thiên tính, nếu đứng trên quan điểm vũ trụ mà nhìn. Còn nếu đứng trên quan điểm nhân loại thì ý thức là sản phẩm của con người có khả năng làm khác tự nhiên, sai biệt tự nhiên, đảo lộn tự nhiên. Nên thức thuyết duy nhiên của Lão Tử là đứng ở bình diện nhân loại để nhìn sự vật. Thức thuyết của Phật thì đứng trên bình diện vũ trụ mà xét. Do đấy cho rằng ý thức người cũng chỉ là sản phẩm tự nhiên thôi. Khi đã nhận ý thức người là sản phẩm tự nhiên do kiến phần phân biệt và chấp giữ để tạo thành nghiệp lực của mỗi loài thì không phải hủy diệt ý thức mà chỉ làm cho ý thức sáng lên, tức là thăng hóa ý thức thành tuệ giác. Khi ý thức đã sáng thì vô minh phải lùi, vô minh lùi thì khổ đau giảm, loạn lạc tan dần. Bởi thế hiện tượng do nhân duyên vũ trụ, hoặc do ý thức nhân loại sản sinh ra, đối với đạo Phật, cũng chỉ cho đó là hiện tượng tất nhiên.

Đạo Phật đã quan sát mọi hiện tượng bằng tuệ giác sáng suốt để tùy nghiệp lực mỗi loài, mỗi vật mà cung ứng cho một phương pháp giải thoát riêng, khiến cho mỗi loài, mỗi vật tự chứng lấy trạng thái giải thoát của mình. Lão Trang đã bỏ phương tiện để đi thẳng tới mục đích siêu thoát, nên tạo ra một phong trào hoàn toàn xuất thế. Còn đạo Phật thì vẫn không quên phương tiện. Có phương tiện mới dẫn tới thành quả được. Vì không bỏ phương tiện nên đạo Phật không xa lìa thực tế. Đối với đạo Phật: thực tế vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của vấn đề giải thoát. Không có thực tế khổ đau thì không có sự giải thoát khổ đau.

Bởi vậy vấn đề giải phóng thực tế phải đi song song với vấn đề giải thoát tâm linh, thì con người và cuộc đời mới vơi được khổ đau phiền não. Người tự giác bao giờ cũng ít hơn người thụ giác. Đại đa số nhân loại thuộc nghiệp lực thụ giác. Đa số nhân loại sống ở mực thường, sống với hoàn cảnh và tùy thuộc hoàn cảnh thực tế. Nếu không giải phóng thực tế, trao duyên lành cho nhân loại, thì mục tiêu giải thoát nhân loại khỏi khổ đau sẽ chẳng bao giờ đạt được. Giải phóng cuộc đời, giải thoát tâm tư là khẩu hiệu của Phật giáo thời đại. Với người trí thức sống không tùy thuộc nhiều vào hoàn cảnh thì việc giải thoát tâm tư bao giờ cũng cần làm trước. Vì, người trí thức là đầu tàu lịch sử, sắm vai trò hướng dẫn quần chúng, nên cần tự giải thoát tâm tư mình trước mới mong giải phóng nổi cuộc đời. Cuộc đời có giải phóng thì người thường mới có cơ hội, hoàn cảnh để cùng giải thoát tâm tư. Tâm tư nhân loại đã giải thoát thì cảnh khổ đau sẽ vơi dần đi trong xã hội người.

Tuy Lão Trang bỏ phương tiện, xa lìa thực tế, thế nhưng cũng vẫn là nơi ẩn dật tốt cho người trí thức trong cảnh loạn, trong cảnh hà chính của chế độ. Sống dưới một chế độ độc đoán, sống dưới thời cực loạn, con người bị biến thành phương tiện sản xuất, phương tiện tranh đấu quyền lợi mà không có lối sống siêu thoát Lão Trang để giúp người tri thức sống an nhiên tự tại: không nói bằng lời, không nghe bằng tai, không nhìn bằng mắt… thì chắc gì người trí thức có sức chịu đựng nổi với thực cảnh. Không chịu đựng nổi thực cảnh nhớp nhúa thì tự tử sẽ thành một giải pháp thích hợp nhất.

Thái độ tích cực bài xích chính trị của Trang Tử để hướng sinh hoạt nhân loại vào một tôn giáo siêu thoát, đã bị người theo biến đổi thành mê tín, chuyên chú vào việc luyện phép trường sinh. Các tay thuật sĩ xuất hiện để lòe đời thâu lợi; mọc lên phong trào ngồi đồng nhảy bóng, tức là chơi với các vị thần tiên vô hình của các cô đồng, bà cốt. Đạo Lão từ quan niệm duy nhiên siêu thoát đã thành một nghệ thuật giải trí siêu thoát cho người thường. Tất nhiên người thường lấy đó làm thỏa mãn nhu cầu du hý, và bọn con buôn tôn giáo cũng lấy đó làm nơi kiếm lợi. Vì mục đích thâu lợi nên bọn này thường nghĩ ra rất nhiều thứ tà thuật để làm mụ mẫm người theo.

Trường hợp trên đây không riêng gì đối với một đạo Lão, mà còn đối với tất cả các tôn giáo nữa. Ở vị giáo tổ nào cũng vậy, tôn giáo đều mang lại niềm tin yêu cho con người, mở đường giải phóng cho con người, giải độc cho xã hội. Nhưng tới người thừa kế càng về sau càng sa đọa tôn giáo đi một cách đau đớn, đến độ tôn giáo chỉ còn lại có những hình thức, những giáo điều cứng nhắc, những luật lệ nghiêm ngặt để trói buộc người theo trong một quan niệm bè phái nguy hiểm. Nhân loại hôm nay đang khốn đốn về những cuộc xung đột lý tưởng. Lý tưởng mà con người tạo ra đang khống chế tư tưởng con người, chia nhân loại ra thành các lực lượng đối thủ để sát hại lẫn nhau.

Thời đại đang đòi hỏi mọi người phải bỏ bớt thành kiến lý tưởng, tôn giáo để chặn đà chiến tranh, chặn đà sa đọa, chặn mầm tự hủy, rồi cùng chung xây dựng một cuộc sống người thương vui tự do no ấm. Vì lý tưởng nào cũng chỉ là phương tiện cho sự giải thoát tâm tư, giải phóng cuộc đời đau khổ này thôi. Nếu nhân loại còn mãi chấp mê các lý tưởng thù địch thì thế giới chẳng bao giờ thực hiện nổi một cuộc đại giải phóng toàn diện cả. Đạo Phật thường coi lý tưởng như một con thuyền đưa khách qua sông. Khi thuyền tới bờ, khách phải rời thuyền lên bến thì mới hoàn tất nổi một cuộc vượt sông; nếu khách nhất định ngồi mãi ở thuyền sẽ chẳng bao giờ khách tới được bến cả.

Chấp giữ lý tưởng là chấp giữ phương tiện, bỏ mất mục đích. Mục đích của lý tưởng bao giờ cũng phụng sự con người, nhưng nhân loại đã mê lầm đến độ mù quáng tôn thờ lý tưởng, để lý tưởng quay lại khống chế con người, phong tỏa cứng nhắc cuộc đời. Chính trạng thái mê lầm này đã làm cho xã hội vốn loạn lại càng loạn thêm; thân phận con người vốn nặng nề oan trái lại càng nặng nề oan trái hơn. Phong trào hiện sinh hôm nay, là một cuộc tâm tình nổi loạn, nhằm phá đổ mọi thần tượng lý tưởng, mọi suy luận hệ thống, mọi luân lý công thức, mọi trật tự máy móc, mọi qui tắc cằn cỗi để quyết đòi sự tự do, phát triển lại cho con người toàn diện. Tất nhiên một phong trào như thế sẽ không tránh khỏi những tư tưởng quá khích đến độ làm cho cuộc đời bế tắc khắp mặt như hiện nay.

PHẢN ỨNG CỦA TRÍ THỨC VIỆT GIỮA CUỘC VA CHẠM TƯ TƯỞNG ĐÔNG TÂY

Lối sống nhập thế cực vi của đạo Nho, lối sống xuất thế vô vi của đạo Lão, theo gót những đợt xâm lăng của Hán tộc đã tràn vào đất Việt để làm chủ vùng này. Đạo Nho làm chủ địa hạt chính trị, đạo Lão vào sâu hơn với người dân để làm chủ địa hạt tôn giáo. Đặc tính của Nho, Lão vốn đã chống đối nhau, giờ đây lại càng kình chống nhau mạnh hơn. Người dân Việt là kẻ mất nước vốn sẵn thâm thù với đế quốc cai trị, nên được đạo Lão là nơi trú ẩn để tiêu cực chống với đạo Nho của chính quyền trong khi nhân dân chưa đủ sức đuổi kẻ xâm lăng thì thật là hợp tình hợp cảnh quá.

Hai lực lượng chính quyền cực vi, nhân dân vô vi chống đối nhau như vậy thì luồng tư tưởng Dung hợp của đạo Phật từ Ấn Độ qua Trung hoa cũng tràn vào đất Việt. Đạo Phật vừa có khả năng nhập thế vừa có khả năng xuất thế, lại vừa là Đạo của một nước không thù địch với Việt tộc, nên đạo Phật rất được tôn trọng. Đạo Phật dung hợp với đạo Lão trong thế nhân dân, rồi nhân đó làm men cho cuộc giải phóng dân tộc. Đạo Phật và đạo Lão dung hợp với đạo Nho để trị quốc suốt thời Việt tộc Tự chủ Ngô, Đinh, Lê. Cuối thời Tiền Lê đạo Phật một lần bị chính quyền ngược đãi. Khi mà chính quyền ngược đãi lại chính là lúc đạo Phật được dân yêu và tin sùng nhất.

Do đấy đạo Phật cực phát trong nhân dân để nung khởi thành một nhà Lý Phật giáo thịnh trị. Cuối nhà Lý đạo Phật bị một thời đổ dốc đến độ tan loãng; do cách sống bừa bãi của số tăng sĩ “trốn việc công đi ở chùa”. Đạo Phật là linh hồn của nhà Lý. Nhưng đạo Phật đã không giữ nổi phong thái của kẻ lãnh đạo thì tất nhà Lý phải mất. Tuy nhiên, đến nhà Trần đạo Phật vẫn giữ đúng vị trí của mình là dung hợp giữa đạo Lão xuất thế và đạo Nho nhập thế, để duy trì nền văn minh Tam giáo đồng nguyên: Người dân Việt sống với riêng mình thì tự do tự tại an nhiên theo đạo Lão. Sống với xã hội thì xử thế theo đạo Nho. Sống với vũ trụ vạn vật thì hành động theo đạo Phật.

Lối sống Phật, Lão, Nho đã nhập vào cốt tủy người Việt, cho đến độ người dân không cần biết tới cả thức thuyết của các đạo này, không cần phải biết thế nào là Phật, thế nào là Lão, thế nào là Nho nữa. Cho tới khi Ky Tô giáo từ Âu Châu truyền sang, thì người nào theo Ky Tô giáo được gọi là Đi Giáo, còn lại bao nhiêu là người Đi Lương. Hai chữ Lương, Giáo đã là biểu hiện của một sự sung đột trầm trọng trên lĩnh vực tư tưởng, trong thực tế chính trị, cho tới nay máu của hai bên đã chảy ra khá nhiều rồi. Lương Giáo ở đây lại còn là đại diện cho hai nền văn minh Á, Âu nữa. Lương thuộc thành phần bị trị. Giáo thuộc thành phần thống trị. Bao giờ Lương, Giáo dung hợp nổi với nhau, không còn chèn ép, lấn át nhau, nước Việt Nam do đó mà có được sự an bình thịnh vượng, thế giới mới giao hòa, nhân loại mới bước sang mùa yên vui. Nên cuộc trắc nghiệm ở Việt Nam hiện nay tuy nhỏ nhưng có giá trị tiêu biểu cho vận mạng nhân loại đó.

Ky Tô giáo đưa quan niệm Duy Thần vào Việt Nam giữa thời kỳ Nam, Bắc phân tranh. Nhân dân trầm trong cảnh hoan lạc, chính quyền phong kiến Miền Bắc sống trong không khí vua chúa cạnh tranh, sự tranh chấp quyền cai trị, mỗi ngày một quá quắt, nạn kiêu binh hoành hành. Nhân dân hoàn toàn kiệt lực. Các tôn giáo của dân tộc bị đóng khung quá lâu đời, không chuyển hóa kịp trước sự xâm nhập của lý tưởng Duy thần, của nền kỹ thuật thương mãi Âu châu, nên chính quyền chỉ còn biết phản ứng lại bằng sự cấm đoán. Đối với người dân, thứ gì càng bị cấm đoán mạnh bao nhiêu thì họ lại càng thích theo bấy nhiêu.

Hơn nữa, tư tưởng chung của nhân loại thời ấy đều chỉ mới đến mức Duy thần, nên các nền đạo học siêu thần của tam giáo trở thành lúng túng. Trước sức phát triển của nền văn minh thương mãi, trước sự phản ứng liều lĩnh của chính trị, trước sự rối bời của tam giáo, một cuộc “tâm tình nổi loạn” bùng lên trong giới nhân văn trí thức. Đặng Trần Côn dùng tình cảm cô đơn của người Chinh phụ để phản đối chiến tranh. Nguyễn Du phác họa bộ mặt sa đọa của xã hội qua kiếp bạc mệnh của nàng Kiều, và cao chót vót là Ôn Như Hầu dùng tình cảm ẩn ức tuyệt vọng của người Cung phi để lên án chế độ phong kiến lạc hậu thối nát. Oán ghét thứ định mệnh khắt khe của ông Trời. Rồi đưa ra trước ánh sáng nhận thức thân phận bi đát tới huyễn sinh của con người, dưới sự ma sát của xã hội, trong vòng huyễn hóa của vũ trụ.

Có thể nói rằng, Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu nhằm đánh thẳng vào trung tâm nhận thức của đạo Nho mạnh nhất. Đạo Nho lấy trời làm gốc vũ trụ, lấy vua làm gốc xã hội, lấy nhân nghĩa làm mực thước sinh hoạt. Thế mà chính nhà vua đã bỏ nhân nghĩa để sống với sự thỏa mãn khoái lạc riêng tư, chôn sống biết bao nhiêu người tài sắc hằng yêu mến khát vọng mình trong cung cấm. Tính cách ích kỷ đó của một vị lãnh đạo xã hội sẽ đưa đến cảnh tan nát nhân quần. Chính Trời cũng đa đoan lắm chuyện, bày ra làm chi những cảnh trêu ngươi khốn khổ. Tạo ra loài người (?) với muôn vẻ tinh anh sắc sảo rồi đày ải người một cách bất nhân. Trời bất nhân. Vua bất nhân. Thì bảo người nhân sao được. Cội rễ của đạo Nho đã bị thối rồi:

“Trên chín bệ có hay chăng nhẽ
Khách quần thoa mà để lạnh lùng
Thù nhau chi hỡi đông phong
Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào
Tay tạo hóa cớ sao mà độc
Buộc người vào kim ốc mà chơi
Chống tay ngồi ngẫm sự đời
Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm”.

Nàng Cung phi muốn kêu một tiếng cho dài, Ôn Như Hầu muốn kêu một tiếng cho dài, tất cả những người thức giác muốn kêu một tiếng cho dài… kẻo căm. Nhưng có nghĩa gì đâu, xã hội vẫn chen nhau trong vòng danh lợi. Vũ trụ vẫn mặc nhiên huyễn hóa:

“Mùi phú quí nhủ làng xa mã
Bả vinh hoa lừa gã công khanh
Giấc nam kha khéo bất bình
Bừng hai con mắt thầy mình tay không
Sân đào lý đâm bông man mác
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng
Cánh buồng bể hoạn mênh mang
Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh”

Nàng Cung phi, Ôn Như Hầu và người thức giác đều cùng nhận thấy cuộc đời là một bể hoạn mênh mang, nên cũng định pháp tâm tu theo đạo Phật, để thoát khỏi phiền lụy, khổ đau cay đắng:

“Mùi tục tụy đường kia cay đắng
Vui chi mà đeo đẳng trần duyên
Cái gương nhân sự chiều chiều
Liệu thân này với cơ thiền phải nao
Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật
Mối thất tình quyết dứt cho xong
Đa mang chi nữa đèo bồng
Vui gì thế sự mà mong nhân tình”

Nhưng tu là phải có căn cơ, tu thì phải có duyên tu, chán đời không thôi chưa thể tu nổi Nên sự tu xuất gia không thể áp dụng phổ biến cho mọi người được. Thế thì giải quyết sao cho những người chưa thể tu nổi đây? Mà chưa tu thì vẫn nằm trong vòng tục lụy đắng cay, vẫn nằm trong vòng nhân duyên của tình ái:

“Kìa điều thú là loài vạn vật
Dẫu vô tri cũng biết đèo bồng
Có âm dương, có vợ chồng
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê
Đường tác hợp trời kia giong ruổi
Lọt làm sao cho khỏi nhân tình
Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh
Thử xem con tạo gieo mình tới đâu”

Nàng Cung phi, Ôn Như Hầu và người trí thức còn nặng nợ trần duyên đã từ chối lối tu cửa Thiền, phó mặc phận mình cho lẽ tự nhiên, để sau một cuộc thăng trầm, thẳng tới độ cao sang chót vót là được ở trong cảnh hoàng cung diễm lệ, và trầm tới độ bị chôn sống trong tiêu phòng cô đơn:

“Hạt mưa đã lọt miền đài các
Những mừng thầm cá nước duyên mây
Càng lâu càng lắm mùi hay
Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm
Ai ngờ bỗng một năm một nhạt
Nguồn cơn kia chẳng tát mà vơi
Thôi đi, đâu biết cơ trời
Bỗng không mà hóa ra người vị vong”.

Lúc trầm mới chính là lúc có nhiều thì giờ, có đủ điều kiện để cho con người suy nghĩ về thân phận mình nhất. Nàng Cung phi, Ôn Như Hầu và người trí thức, tiếc rằng sao mình chẳng biết sớm sống theo Lão Trang để được hưởng cảnh mộc mạc tự nhiên, đỡ nhiều phiền toái, đỡ bị nôn mửa trước cảnh đời nhầy nhụa xa hoa:

“Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm
Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon
Cùng nhau một giấc hoàng môn
Lau nhau ríu rít cò con cũng tình
Mình có biết phận mình ra thế
Giải kết điều óe ọe làm chi
Thà rằng cục mịch nhà quê
Dẫu lòng nũng nịu nguyện kia hoa này”.

Thế nhưng tất cả đều đã muộn, người tài sắc dễ gì hủy nổi tài sắc của mình, người trí thức làm sao khạc nhổ nổi thông minh của mình. Đã mang danh tài sắc thì mình muốn yên, người để yên cho đâu? Trời để yên cho đâu? Những gì đã xuất hiện đều là hiện tượng tự nhiên mất rồi. Dù hiện tượng ấy là hiện tượng tài sắc hay hiện tượng trí thức cũng vậy. Hơn nữa nếu có từ chối nổi cuộc sống diêm dúa ý thức, thì liệu có thoát khỏi sự ma sát tàn bạo của tự nhiên hay không?

“Quyền họa phúc trời tranh mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm
Hình mộc thạch vàng kim ố cổ
Sắc cầm ngư ủ rũ ê phong
Tiêu điều nhân sự đã xong
Sơn hà cũng huyễn côn trùng cũng hư”.

Tất cả vạn hữu đều là hư huyễn, đều nằm trong một “định mệnh hư huyễn”, định mệnh đó theo nàng Cung phi, theo Ôn Như Hầu, theo người thức giác không phải do nơi tay, nơi ý thức sáng suốt của một thượng đế quyền năng mà lại do nơi tay một chú bé dở hơi trái tính ngược nết:

“Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
Đền vũ tạ nhện giăng cửa mốc
Thú ca lâu dế khóc canh dài
Đất bằng bỗng rấp chông gai
Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương”.

Bế tắc khắp mặt. Thế sự không còn một ngõ thoát cỏn con nào cho tâm tư và thân phận con người nữa. Cuộc sống và cuộc đời đã hiện ra trước mắt nàng Cung phi, Ôn Như Hầu và người thức giác như một giấc mộng khổ đau:

“Kìa thế cuộc như in giấc mộng
Máy huyền vi mở đóng khôn lường
Vẻ chi ăn uống sự thường
Cũng còn tiền định khá thương lọ là
Đòi những kẻ thiên ma bách chiết
Hình thì còn bụng chết đòi nau
Thảo nào khi mới chôn rau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Trắng răng đến thủa bạc đầu
Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần
Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc
Lớp cùng thông như đốt buồng gan
Bệnh trần đòi đoạn tâm can
Lửa cơ đốt ruột dao hàn cắt da
Gót danh lợi bùn pha sắc sám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo dầu bến mê.
Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ gót rỗ khi khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh”.

Nếu tâm tình nổi loạn của người trí thức Việt Nam thế kỷ XVIII đã chìm dần đi theo với thân phận hẩm hiu của dân tộc mình thì, cuộc tâm tình nổi loạn của người trí thức Âu Châu thế kỷ XIX đã được đất, được thời để đủ điều kiện làm một phong trào rộng lớn trên khắp thế giới. Khởi tổ của phong trào tâm tình nổi loạn hiện nay là Kierkegaard (người Đan Mạch) và Nietzsche (người Đức), rồi nhờ vào phương pháp Hiện tượng luận của Husserl và những nhà trí thức như Sartre, Camus… làm thành mặt trận hiện sinh Vô thần, Jaspers, G. Marcel v.v. làm thành mặt trận hiện sinh Hữu thần.

Cuộc tâm tình nổi loạn ở Trung Hoa cổ xưa và Việt Nam trước đây đều vụ vào việc đả phá các hệ thống tư tưởng thuần lý, các nền luân lý cổ hủ, các chế độ thối nát; đều xuất hiện vào thời cuộc loạn để làm một cuộc chuyển hóa toàn diện cho ngày sắp tới. Sau đời đại loạn xuân thu của Dương, Lão, sau thời chiến quốc của Trang Chu tất sẽ đến vận hội Tần, Hán. Sau thời qua phân của Ôn Như Hầu sẽ lại là thời thống nhất của Tây Sơn, Nguyễn Ánh, và sau thời cách mạng thất bại của Kierkegaard, Nietzche, sau thời đại chiến thứ hai của Sartre, Camus tất cũng sẽ tới thời liên hợp thế giới của nhân loại mai đây. Như vậy có nghĩa hoàn cảnh lịch sử luôn luôn là sức sung động cho nhận thức con người và nhận thức con người là sức chuyển hóa của lịch sử.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1494 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật Giáo Yếu Lược


Chắp tay lạy người


Sống đẹp giữa dòng đời


Hai Gốc Cây

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.239.90.61 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (243 lượt xem) - Hoa Kỳ (14 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...