Tháng chạp rộn ràng nao nức, cố quận vào xuân, bao nhiêu sản vật và bánh mứt sẵn sàng, cây lá đơm chồi nẩy lộc đón xuân sang. Đào hồng hào, mai rực rỡ, cúc mơn mởn… cánh hoa có cả nắng sớm chiều sương, có hoàng hôn đỏ, có vàng trăng đêm.
Đêm giao thừa rền vang tiếng pháo, ấy là tiếng lòng, ấy là thanh âm truyền thống nước non này. Thời khắc giao thừa là khoảnh khắc giao cảm của con người với đất trời, là khoảnh khắc giữa cũ và mới, là lúc cổ kim đồng hiện, là khoảnh khắc sum họp linh thiêng giữa con cháu với tổ tiên.
Mùa xuân sang đất trời rạng rỡ, sức sống muôn loài bừng lên. Đại thụ vui trầm mặc, cỏ may vui tíu tít, sự hoan hỷ này nào có khác chi nhau.
Đất trời vào xuân, lòng người hân hoan, tâm ý thênh thang, yêu thương nhiều hơn. Mắt em long lanh trong sớm mùa xuân, giữa trưa vàng nắng nhẹ, lãng đãng mơ màng trong chiều xuân sương xuống… Dù có thế nào đi nữa vẫn vĩnh viễn đẹp gái xuân thì muôn thuở.
Mùa xuân sang, em bé khoe áo mới, tiếng cười giòn khanh khách, mặt em xinh như thể mặt muôn hoa
Mùa xuân sang mừng cụ già thêm tuổi, vui với cháu con, chiêm nghiệm đời vô thường qua những mùa xuân, tuổi hạc cao mà lòng an lạc. Biết xuân này, nhớ xuân qua và vui với mùa xuân muôn đời bất tận.
Mùa xuân của đất trời, mùa xuân của tuổi trẻ, những chàng trai cô gái yêu nhau. Tình xuân chớm nở, tình xuân son sắc, tình xuân của tuổi trẻ vĩnh viễn xuân thì.
Mùa xuân không chỉ toàn hoa thơm trái ngọt, đâu chỉ là những gương mặt đẹp nụ cười xinh. Mùa xuân vẫn còn đó vô vàn những con người bất hạnh khổ đau, dù giữa đất trời xuân nhưng đời bao khó nhọc. Mùa xuân của những em bé mồ côi, những người không cửa không nhà, những nạn nhân của bất công xã hội, những người tù trong chốn đọa đày… Nàng xuân có ghé qua dù khoảnh khoắc cũng quý biết bao.
Tháng Chạp cố quận vào xuân. Tháng Giêng khởi sự mùa xuân, lúc này hải ngoại còn đang mùa đông lạnh giá, cây cối trơ trụi lá cành. Người dù xa diệu vợi, xuân dù tận chân trời nhưng lòng vẫn còn chút hơi ấm như cục than hồng trong lồng ấp. Người đi xa nhớ nước non nhà, nhớ từng đường làng, con đường phố thành đô, mơ màng tưởng nụ đào hồng phơn phớt, đóa mai vàng rực rỡ xuân tươi, những bông cúc thơm thơm ngàn cánh thanh tao.
Tháng Chạp cố quận vào xuân, hải ngoại đang mùa đông, dù co thế nào cũng không ngăn ngại lòng người hướng về mái chùa quê, đồng xuân xanh biếc, tiếng hô lô tô và lời cãi cọ trong sòng bầu cua cá cọp…
Mùa xuân cố quận đất trời chao cánh én, tiếng hát bay cao, lòng người thương nhớ biết bao. Mấy mươi năm vẫn nao nao như thuở nào thơ dại, đừng nói là mấy mươi năm, dẫu có trăm năm cũng vẫn thế thôi! Trời phương ngoại lạnh lắm nhưng trong tim ấm áp vì những dĩ vãng dâng đầy lời nhớ lời thương.
***
Tháng Chạp lặt lá mai, lối chơi dân Nam bao đời nay chưa phai, dù cho tháng rộng ngày dài, thời gian bào mòn hao hớt. Lá mai già bỏ đi để dồn sức nuôi búp mai, mai này đón xuân. Sắc vàng tươi bừng lên tô thắm mặt người.
Tháng Chạp, người già mặc thêm chiếc áo len, bọn con trẻ háo hức chờ diện áo mới, tung tăng khoe với bạn bè. Ngày xưa bọn trẻ chầu rìa quanh những chảo gừng rim, bí rim, bánh hồng… chờ hưởng sái. Ngày nay con trẻ lanh như chớp, tay và mắt thoăn thoắt bấm game, trò chơi điện tử. Hoa đào hồng, bông mai vàng dường như mai một trong ánh mắt trẻ con.
Tháng Chạp bên kia rộn ràng biết mấy, chơ quê, chợ quận người người bán mua tấp nập, nhà nhà dọn dẹp trang hoàng đón chúa xuân. Muôn hoa dầm mư dãi nắng nơi vỉa hè đợi người rước về nhà. Lời thách giá, tiếng trả treo dù có khắt khe cũng không làm cho hoa vơi bớt sắc xuân. Chiều ba mươi bán không xong, người ta đập hoa, bẻ hoa, phá hoa… hoa nào có tội tình chi! Giá con người đập bỏ tánh ti tiện, phá đi lối bỏn xẻn, chặt gãy sự khôn lỏi tranh lợi cho mình mặc cho người vất vả khổ đau.
Tháng Chạp cố quận vào xuân, cả năm bận rộn vẫn còn nhớ ngày dẫy mả, tự dưng nhớ ông bà tổ tiên, đời từng đời tiếp nối. Sắc xuân, khí xuân, hơi xuân… nay dù đã khác nhưng xuân vẫn muôn đời xuân. Người có đến đi nhưng xuân vĩnh viễn:
“Đêm qua, ngoài sân, một cành mai”* mãi mãi trong tâm tưởng.
Đất trời cố quận vào xuân, phương ngoại đang Đông, lạnh lắm em ơi! Cái lạnh bên ngoài không làm tắt được ngọn lửa leo lét nồng ấm bên trong, Tâm tưởng vẫn lung linh sắc xuân, thanh xuân, vị xuân, hương xuân… Mình dù có mang quốc tịch nào đi nữa, có hòa nhập đến mấy cũng không thể dối lòng. Máu Việt, chất Việt, nhân dáng Việt vẫn đượm thấm chất xuân Việt. Xuân Việt vẫn còn đây, mình dù có thay đổi thế nào cũng không bao giờ mờ đi cốt cách Việt, khí độ Việt. Xuân Việt vẫn còn nguyên như thể nguyên xuân.
Này em! Hãy nhìn xuân như là xuân, chớ có hoang tưởng xuân phải thế này hay phải thế kia!
Xuân vĩnh viễn là xuân, xuân không chìu theo ý muốn chủ quan của bất kỳ ai. Mình chỉ có thể theo xuân chứ không thể bắt xuân theo mình. Mình đi đến đâu mang xuân theo, giữ xuân trong lòng. Xuân ở trong mình cũng thể như mình đắm mình trong xuân, dù rằng ngoài kia trời giá lạnh phong sương.
Tháng Chạp vào xuân, cố quận giờ không còn tiếng pháo, một sự mất mát hư hao nhưng biết sao bây giờ! Thịnh suy vốn là lẽ xưa nay. Xuân của đất trời, mừng xuân trên hết, làm sao mình có thể đặt mình lên trên trước mùa xuân. Vô minh chi bấy khiến người phải đau lòng. Mùa xuân đã về nhưng tiếng pháo không còn nhưng vẫn không thể phai nhòa. Nếu thịnh suy là lẽ thì một ngày kia ắt tiếng pháo lại tưng bừng rộn rã vang lên.
***
Tháng Chạp vào xuân, Sài Gòn vốn tất bật quanh năm giờ lại thêm rộn ràng, người xe cuồn cuộn trên đường. Còn đâu Sài Gòn một thuở tươi xanh, điệu đàng, lịch lãm… Vẫn Chợ Lớn đó, Bến Thành đây, vẫn kẻ bán người mua nhưng sao thiếu thiếu cái rộng rãi, khí độ phóng khoáng của một thời.
Cũng con đường Công Lý nhưng giờ là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tự Do nay là Đồng Khởi với bến Bạch Đằng năm xưa… nhưng khí xuân là lạ, dù vậy mai vàng rực rỡ không khỏi khởi lên phút giây bâng khuậng chạnh nhớ. Qua Phạm Ngọc Thạch, thấy rừng mai nhựa tự dưng hụt hẫng làm sao.
Tháng Chạp vào xuân, Huế mơ màng trầm mặc dường như chưa ra khởi cơn phế hưng của lịch sử. Hoàng thành thâm nghiêm với những bức tường thành xám màu thời gian. Lầu Ngũ Phụng chơ vơ cô đơn trong làn mưa phùn mà nhớ thương chi lạ. Tự dưng tưởng cành đào năm ấy từ Thăng Long gởi vào. Sau khi đập tan đạo quân Mãn Thanh xâm lược, Quang Trung gởi vào Phú Xuân cành đào báo tin thắng trận, gởi gắm tình yêu. Người con gái tài sắc Kinh Bắc vào Phú Xuân làm dâu con nhà Đồ Bàn. Cố đô Huế, Phú Xuân, Thuận Hóa, đất thần kinh… dù gọi bằng tên nào cũng gợi lên bao ký ức
Tháng Chạp vào xuân, Hà Nội hóng hớt, lăn tăn với những cái mới dù chẳng có gì hay. Hà Nội vội phế bỏ cái cũ nhưng tốt đẹp, những cái làm nên phong cách thanh lịch của người Tràng An. Hậu quả là những hệ lụy vì cái ý thức hệ không biết còn kéo dài đến bao giờ. Dù vậy hồ Gươm với những truyền thuyết Thăng Long ngàn năm văn vật xa xưa, mỹ từ văn ngôn mê hoặc lòng người. Có thế nào đi nữa thì xuân Thăng Long cũng khởi đầu của dòng xuân Việt.
Tháng Chạp vào xuân, dù giàu dù nghèo người mình cũng mua hoa về chưng trên bàn thờ, trang hoàng nhà cửa, thú chơi hoa, chưng hoa cũng đã lâu đời. Mùa xuân về trăm hoa khoe hương sắc, nhờ muôn hoa mà xuân tươi mới rạng ngời. Tết Việt không thể thiếu hoa. Với người Âu Tây thì còn hơn thế, không đợi xuân về mới chơi hoa. Họ chơi hoa quanh năm, với họ đời sống phải trọn vẹn cả: “Bánh mì và hoa hồng”.
Tháng Chạp xuân về em có hay chăng? Người nơi chân trời góc bể lòng những nao nao. Đành rằng thời đại hôm nay đi - về không còn là vấn đề cách trở, tuy nhiên mỗi người mỗi phận. Ngạn ngữ cũng có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” vì vậy mà muốn không được, không muốn cũng không xong.
Tháng Chạp xuân về những mong người thương lấy người, gác qua dị biệt để sống đời với nhau. Đời nhiều khổ đau, hãy dễ với nhau mà sống. Trong ngoài tương ái tương thân, trên dưới dung nhau mà tồn tại trong cõi vô thường này, giàu nghèo san sẻ với nhau dể đi qua những mùa xuân. Mùa xuân giữa cung đường rộng mở dung chứa muôn loài, hà cớ gì con người là phân biệt chẻ chia? Làm gì có xuân của ta hay xuân của người mà tranh?
Tháng Chạp xuân về, chúa xuân vẫn rạng ngời xinh tươi từ thuở nguyên sơ đến giờ. Sắc xuân chưa hề phai, khí xuân không hề vơi, vị xuân luôn nồng thắm, thanh xuân vẫn rộn rã yêu đời, pháp xuân tràn ngập trong đất trời, dĩ nhiên lâng lâng trong hồn người. Người ơi, hãy mở lòng ra chào đón mùa xuân mới.
*Mãn Giác thiền sư
Tiểu Lục Thần PhongẤt Lăng thành, 0125