Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tản văn »» NĂM MỚI, CHUYỂN ĐỔI NGHIỆP VẬN »»

Tản văn
»» NĂM MỚI, CHUYỂN ĐỔI NGHIỆP VẬN

Donate

(Lượt xem: 4.424)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - NĂM MỚI, CHUYỂN ĐỔI NGHIỆP VẬN

Font chữ:

Đón năm mới, ai cũng mong muốn mọi việc đều mới. Mới ở đây mang ý nghĩa may mắn, bình an, khá giả hơn những gì đã xảy ra trong năm cũ.

Đặc biệt, truyền thống văn hóa và phong tục Việt Nam rất xem trọng trong việc tiễn năm cũ và đón năm mới, cho nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong những ngày cuối năm và sự đón rước trọng thể trong những ngày đầu năm. Sự chuẩn bị được thực hiện đều khắp từ hình thức đến nội dung, từ vật chất đến tinh thần, từ ý tưởng đến lời nói và hành động; nào là dọn dẹp, sơn phết, lau chùi nhà cửa, bàn ghế, đồ đạc, đến mua sắm quần áo, thực phẩm, bánh trái, hoa quả; nào là sửa soạn những món ăn ngon, đẹp mắt, thiết lễ trang nghiêm bàn thờ, tâm thành cẩn cẩn cúng bái, đến cấm kỵ từng ý nghĩ, lời nói và cách đối xử với mọi người thân cũng như sơ.

Chính vì vậy, đối với hầu hết mọi người, từ giờ phút giao thừa đến các ngày đầu năm mới đều là thời gian quý giá nhất trong một năm để biến ước nguyện thành hiện thực. Việc đi chùa lễ Phật cầu nguyện, hái lộc, xin xăm, xem bói toán, bố thí, cúng dường, thiết lễ cúng quải long trọng tại nhà, nơi làm việc, v.v... đều không ngoài mục đích nêu trên. Đôi khi vì quá mong muốn được như ước nguyện, người ta đã vô tình có những hành động thái quá, chẳng hạn, bẻ trụi các cành hoa, thậm chí cây xanh trong chùa để lấy lộc mang về nhà trong giờ giao thừa hay mấy ngày đầu năm.

Cách suy nghĩ và hành động như vậy mang lại những hiệu quả gì?

Nhìn chung, trên bình diện thế tục, cách suy nghĩ và hành động để đón năm mới theo truyền thống văn hóa và phong tục Việt Nam như đã đề cập ở trên, trừ một vài việc như xin xăm, bói toán, không phải là không có ích lợi. Xin nêu ra một vài lợi ích cụ thể như sau.

Thứ nhất, về mặt tâm lý, khi suy nghĩ muốn có một năm mới tốt đẹp hơn tức là từ nơi tâm thức đã hướng về một đời sống tốt đẹp hơn. Cụ thể là khởi đi từ suy nghĩ đó người ta bắt đầu thay đổi tư duy, lời nói và hành động tốt hơn mà biểu hiện là không nói điều xấu, điều xui xẻo, và làm điều tốt đẹp như mặc áo quần mới, tu sửa nhà cửa mới, nấu nướng thức ăn ngon, cử hành lễ nghi trang trọng, v.v... trong mấy ngày Tết.

Thứ hai, về mặt kinh tế, từ suy nghĩ thay đổi đời sống khá hơn trong năm mới, người ta chịu khó chịu cực, nỗ lực làm việc để kiếm tiền và không ngần ngại mở túi tiền để chi tiêu như mua sắm quần áo, đồ đạc, sơn sửa nhà cửa, sửa soạn bánh trái, thức ăn thịnh soạn nhất. Nhờ vậy, nền kinh tế bản thân, gia đình và xã hội cũng được khá giả hơn.

Thứ ba, về mặt nếp sống đạo đức và tâm linh, từ suy nghĩ muốn có một năm mới an lạc, hạnh phúc, giàu sang hơn, người ta liền nghĩ đến đức Phật, nghĩ đến Tam Bảo, nghĩ đến nhân quả tội phước, rồi đi chùa, làm việc thiện, thực hiện lễ nghi tại nhà với niềm tin và tâm thành khẩn thiết. Đó là một khởi đầu khả quan cho đời sống đạo đức và tâm linh của con người.

Thứ tư, đặc biệt, trong đời sống tất bật quanh năm suốt tháng với công việc làm ăn của người Việt tại hải ngoại, không còn gì quý giá và cao đẹp bằng không khí sum họp ấm cúng với hoa quả bánh trái và thức ăn truyền thống dân tộc trong gia đình, trong cộng đồng, trong chùa chiền của mấy ngày Tết. Nơi đó, trong khung cảnh đó, trong hương vị đó, trong tình cảm đó, người ta mới cảm nhận một cách sâu sắc và đích thực giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Qua những điều lợi ích kể trên, nếp sống văn hóa và phong tục truyền thống trong những ngày Tết của dân tộc cần được tiếp tục duy trì và lưu truyền cho các thế hệ con cháu, nhất là trong bối cảnh sống tha hương của người Việt tại hải ngoại.

Tuy nhiên, tất cả những lợi ích đó chỉ nằm trên bề mặt của sinh hoạt cá nhân, gia đình và xã hội mà chưa thật sự chuyển hóa từ nền tảng gốc rễ sâu xa để mang lại ý nghĩa đổi mới đích thực như con người mong muốn, tức là thay đổi tận gốc vận mệnh để đời sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, thăng tiến hơn.

Tại sao? Có thể giải thích bằng mấy lý do như sau.

Một là, người ta chỉ ước muốn có được điều tốt đẹp cho đời sống mà không thực sự có hành động cụ thể, vì chỉ làm theo tập quán, theo truyền thống gia đình ông bà cha mẹ, hoặc không nghĩ đến hay chưa biết cách làm thế nào cho đúng, để thay đổi vận mệnh của mình hữu hiệu. Chẳng hạn, người ta chỉ suy nghĩ và mong có được điều may mắn trong năm mới, nhưng đó chỉ là ước ao nhất thời trong dịp đầu năm rồi sau đó những suy nghĩ này bị lãng quên, bị cuốn trôi trong dòng thác bận rộn của cuộc sống thường ngày và đâu cũng vào đó.

Hai là, một số người có nỗ lực hành động để mong thay đổi vận mệnh, nhưng không hành động đúng cách. Chẳng hạn, những việc làm tuy có vẻ như là cụ thể như trang hoàng nhà cửa, cúng quải, giữ lễ nghi từ lời nói đến hành động cẩn trọng, hái lộc, xin xăm, bói toán trong mấy ngày đầu năm, nhưng vẫn chưa phải là cách đúng pháp, theo đạo Phật, để thay đổi vận mệnh của cuộc đời. Khi làm những điều trên, người ta chỉ nghĩ đến sự cầu cạnh một thế lực bên ngoài để mong giúp họ thay đổi vận mệnh, mà không biết rằng chính họ là tác nhân có thể thay đổi được vận mệnh của mình. Đây chính là bước đầu căn bản và nền tảng để con người tự ý thức và đứng lên gánh lấy trách nhiệm đời mình. Không có bước khởi đầu này, mọi suy nghĩ và hành động đều là thụ động, đều bị trói buộc bởi chính tập khí nghiệp lực lâu đời của mình, mà đó chính là điều con người gọi nôm na là vận mệnh. Như vậy làm sao chúng ta có thể thoát khỏi vòng xích của vận mệnh, chứ đừng nói đến chuyện thay đổi?

Nhưng, vận mệnh là gì và con người có thể thay đổi được không?

Vận mệnh hay số mệnh là quan điểm của Nho giáo. Số mệnh của Nho gia là thiên mệnh (mệnh trời) đã được đặt sẵn cho con người nên còn gọi là định mệnh. Nhưng cần lưu ý rằng, quan niệm của Nho gia về thiên mệnh khác với các quan điểm của các tôn giáo thần quyền. Thiên mệnh của Nho gia là thiên đạo, tức là đạo trời, là luật tắc tự nhiên, không phải là thượng đế được thần cách hóa. Theo quan điểm số mệnh, khi mệnh trời đã định thì con người không thể tránh, không thể bỏ, không thể đổi, nghĩa là mệnh trời vượt ra ngoài khả năng điều động của con người. Có điều, đừng quên rằng, Dịch lý của Trung Quốc cũng cho biết là “đức năng thắng số,” có nghĩa là sự ăn ở hiền đức, nhân từ, phúc hậu có thể vượt thắng hay chuyển đổi được số mệnh của con người.

Đối với nhà Phật, tất cả các pháp đều vô thường, biến hoại không ngừng, đều không thật, hay nói cách khác là không có tự tánh cố định. Hơn nữa, đạo Phật cho rằng con người có thể thay đổi tất cả đời sống của mình từ chánh báo, tức thân và tâm, đến y báo, tức hoàn cảnh sống và thế giới chung quanh.

Đức Phật dạy rằng, “Chúng sinh là kẻ thừa tự những gì mà họ đã làm.” Điều này có nghĩa là những gì mà một chúng sinh có, từ bản thân đến hoàn cảnh sống chung quanh, đều do chính con người tạo ra qua hành nghiệp tạo tác của họ trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo Luận Câu Xá, hành nghiệp gồm có 2 phần: tư nghiệp và tư dĩ nghiệp. Tư nghiệp là nghiệp của ý. Tư dĩ nghiệp là ý tưởng đã được phát động qua thân và khẩu. Trong 3 nghiệp này thì tư nghiệp là động lực tiên khởi, hay là nguồn gốc phát sinh mọi hành động của thân và khẩu. Bởi vì mọi động thái của thân và miệng đều bắt nguồn từ ý tưởng, suy nghĩ, ý muốn. Trước khi nói điều gì hay làm điều gì đó, con người phải có ý nghĩ về điều đó, và có ý muốn nói hay làm điều đó. Từ ý nghĩ và ý muốn đó mới bộc phát qua lời nói tức khẩu nghiệp và qua hành động tức thân nghiệp.

Nhưng thực sự bản chất, tướng trạng và công dụng của nghiệp là gì?

Nếu nghiệp có thể tồn tại trải qua một khoảng thời gian, có khi lâu đến nhiều đời nhiều kiếp, vậy thì nó là pháp vô thường hay thường hằng? Nếu vô thường thì làm sao kéo dài sự tồn tại qua một khoảng thời gian hàng nhiều đời nhiều kiếp? Nếu thường hằng thì trái với điều Phật dạy là tất cả các pháp hữu vi đều vô thường biến diệt? Hơn nữa, nếu nghiệp là thường hằng thì, một là, nó không chịu sự tác động của các duyên để sinh, trụ và diệt; hai là, nó không thể nào có thể được chuyển hóa, tức là con người không thể chuyển nghiệp, không thể chuyển nghiệp thì tu làm gì?

Để giải quyết nan đề này, cả trường phái Câu Xá của Hữu Bộ và Duy Thức của Đại Thừa đều đưa ra những giải thích cặn kẽ và minh bạch.

Trường phái Câu Xá cho rằng nghiệp được hình thành và biểu hiện qua 2 dạng thức: biểu nghiệp và vô biểu nghiệp. Biểu nghiệp là động thái dựa trên biểu sắc có thể nhìn thấy như miệng và tay chân. Vô biểu nghiệp là động thái dựa trên vô biểu sắc tức chức năng của sự vận động qua ý tưởng, qua động thái của thân và khẩu. Nói cho rõ hơn, phái Câu Xá diễn tả rằng, khi một hành động của thân, khẩu được tạo ra chúng sẽ không bị biến mất hoàn toàn mà tồn tại ở dạng thức năng lực vận động. Năng lực này, không phải là sắc pháp, mà cũng không phải là phi sắc pháp, sẽ tiếp tục tồn tại qua dạng thức sinh diệt liên tục không ngừng nghỉ trong từng sát-na cho đến khi đủ điều kiện, đủ duyên để có kết quả. Tất nhiên, không phải mọi hành động của thân và khẩu đều đủ sức để tạo ra năng lực vận động để duy trì từ lúc tác nhân đến khi thọ quả, nhiều khi chúng bị diệt mất hoàn toàn ngay sau khi hành động bộc phát, hoặc chỉ đủ sức tồn tại để trở thành những hành vi không mang nặng sắc thái thiện hay ác rõ ràng có thể đưa đến nghiệp quả, thường được gọi là vô ký nghiệp. Nhưng, các nhà Hữu Bộ không vượt qua khỏi ý niệm về sự tồn tại của ngã hoặc pháp xét như là những thực thể hình thành ngũ uẩn. Cho nên, quan điểm về nghiệp vẫn chưa giải quyết triệt để đến mức hoàn bị.

Năng lực vận động của vô biểu nghiệp được các nhà Duy Thức gọi là công năng, hay chủng tử, chúng là hạt giống của tất cả mọi pháp từ căn thân đến thế giới, từ tâm đến cảnh. Chúng tồn tại dựa trên A-lại-da thức. A-lại-da thức thường được gọi là kho chứa của chủng tử, tàng thức, nhưng đó chỉ là một hình dung từ cho dễ hiểu. Đích thực A-lại-da thức chính là tất cả công năng thiện hoặc ác, ô nhiễm hoặc thanh tịnh, hữu lậu hoặc vô lậu, tụ lại ở dạng thức năng lực. Những chủng tử này sinh diệt liên tục trong từng sát-na. Năng lực chủng tử của sát-na trước làm nhân làm duyên cho năng lực chủng tử của sát-na sau. Nói là chúng thường hằng thì không đúng, nhưng cho rằng chúng không tồn tại cũng chẳng nhằm. Nếu chúng không tồn tại thì làm sao có căn thân của hữu tình và khí thế giới chung quanh? Nếu chúng tồn tại thường hằng thì làm sao có thể hình thành căn thân và thế giới từ tác nhân đến hệ quả? Bởi vì khi một pháp xuất hiện và đứng yên bất động ngay trong một sát-na thì pháp đó là pháp đã chết, không phải pháp tồn tục. Theo luật tắc duyên sinh, sự tồn tại của tất cả pháp đều phải là tiến trình vận động không ngừng nghỉ. Do đó, trong vận hành của công năng hay chủng tử không hề có một chủ thể ngã nào có mặt.

Chính sự vi diệu này mà trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật dạy rằng chỉ có trí tuệ rốt ráo của chư Phật mới có thể hiểu biết thấu đáo được bản chất của nghiệp lực.

Qua cơ cấu vận hành của nghiệp như đã trình bày ở trên, con người chịu trách nhiệm về tất cả những gì mà họ lãnh thọ, khổ đau hay hạnh phúc. Vì thế, muốn thay đổi nghiệp vận, con người phải bắt đầu từ những hành động của thân, miệng và ý của chính họ.

Bắt đầu như thế nào?

Năm mới là cơ hội tốt nhất để bắt đầu, vì đây là thời điểm ai nấy đều mong muốn thay đổi nghiệp vận để có được cuộc sống tốt lành hơn.

Người Mỹ có một phong tục rất hay trong ngày đầu năm, đó là lập một hay nhiều điều cam kết để quyết tâm làm cho được việc gì đó trong năm, thường được gọi là “new year’s resolution(s)”.

Trong những ngày đầu năm, chúng ta có thể hạ quyết tâm thực hiện công cuộc thay đổi vận mệnh của mình bằng phương thức chuyển nghiệp qua nhiều bước từ cạn tới sâu, từ ngoài vào trong. Nói đầu năm là nói thời điểm thuận tiện nhất trong năm theo nếp sống văn hóa và phong tục của người Việt. Chứ thật ra đối với người Phật tử thì phải khởi sự chuyển nghiệp ngay khi hiểu được lời Phật dạy ở bất cứ thời điểm nào, và thực hiện điều đó thường xuyên trong đời sống hằng ngày.

Khởi sự, chúng ta có thể nương theo các giới luật mà Phật đã dạy để tự điều phục ba nghiệp của mình. Đối với người Phật tử tại gia, các giới luật mà mình đã thọ gồm năm giới (ngũ giới), mười điều thiện (thập thiện nghiệp), Bồ Tát giới tại gia. Lấy đó làm kim chỉ nam cho tất cả những hành động của thân, miệng và ý trong đời sống hằng ngày. Khi suy nghĩ, nói hay làm việc gì, người Phật tử cũng phải xét xem mình có vượt khỏi giới hạn của những giới luật này không.

Năm giới gồm: không giết hại sinh vật, không lấy cắp tài sản của người, không xâm phạm đến hạnh phúc gia đình người khác, không nói dối, và không uống rượu làm loạn trí. Mười điều thiện gồm: không tham lam, không giận dữ, không si mê, không giết hại sinh vật, không trộm cắp, không xâm phạm hạnh phúc nhà người, không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, và không nói lời hung ác.

Khi người Phật tử thực hành một phần hay toàn phần các giới luật kể trên thì hiệu quả thay đổi của đời sống thấy rõ. Trước hết, đối với tự thân người giữ gìn giới luật sẽ có được đời sống an lạc, không lo phiền hay bị dính líu đến những phiền phức về tình cảm, pháp lý, v.v... Bởi vì, chẳng hạn, người Phật tử không trộm cắp thì không sợ bị thưa kiện về ăn cắp tài sản của người, hoặc người Phật tử không xâm phạm hạnh phúc của người khác thì giữ được hạnh phúc gia đình mình, v.v... Kế đến, đối với gia đình và xã hội, người Phật tử giữ gìn giới luật đầy đủ, sống theo đạo đức Phật giáo sẽ làm gương cho con cái noi theo, sẽ được mọi người tin tưởng, quý mến. Chẳng hạn, người Phật tử không nói dối thì lời nói của mình sẽ được mọi người tin tưởng mà không nghi ngờ, và tư cách cũng được tôn trọng, v.v... Đó chính là từ sự thay đổi ý nghĩ, lời nói và hành động mà chuyển hóa được chánh báo và y báo.

Nhưng nguồn gốc của mọi hành vi tạo tác và các việc bất thiện đều xuất phát từ tâm mà ra. Cho nên, bước thêm một bước nữa, người Phật tử cần quán sát và kiểm soát tâm mình trong tất cả mọi lúc, đừng để những ý nghĩ xấu ác, có hại cho người và mình, thao túng rồi dẫn đến các hành vi bất thiện của thân và khẩu. Muốn quán sát và kiểm soát tâm có hiệu lực, người Phật tử có thể thực hành nhiều cách, nhiều pháp môn mà trong đó thiền định là phương thức hữu hiệu nhất.

Thực hành thiền định gồm 2 cách: một là, tọa thiền theo thời khóa mỗi ngày để lắng đọng loạn tâm và gạn lọc tạp niệm; hai là, bằng trí tuệ quán chiếu vận hành của tâm ở tất cả mọi thời, chứ không phải chỉ trong thời khóa nhất định, để vừa điều phục vọng tâm, mà cũng vừa liễu ngộ bản chất của tâm, hay nói theo nhà thiền là kiến tánh.

Tâm là dòng chảy liên tục của những ý niệm thiện, ác và không thiện không ác. Dòng chảy của tâm nương trên năng lực tập khí được huân tập nhiều đời nhiều kiếp trở thành hoạt động tự nhiên trong đời sống. Giống như dòng chảy của thác nước, nhìn bên ngoài có vẻ như là liên tục không gián đoạn, nhưng thực ra đó là sự kết hợp tương sinh, tương diệt của từng khối nước, từng giọt nước, từng vi thể nước. Cũng vậy, dòng chảy của tâm thức là sự kết hợp tương sinh, tương diệt của vô lượng vô biên ý niệm không ngừng nghỉ. Vì vậy, trong tận cùng bản chất của dòng chảy tâm thức, không hề và cũng không thể có bất cứ chủ thể ngã nào tồn tại. Chúng vốn rỗng không.

Từ cuộc sống bao lâu nay, con người chạy theo sự rong ruổi của sáu căn với sáu trần để khởi động sáu thức không ngừng nghỉ, bây giờ có thể dừng lại để xoay cái nhìn vào nội tâm trống rỗng, là một thay đổi tận gốc rễ và lớn lao đối với đời sống. Qua đó, con người có thể tự mình thay đổi cách nhìn đối với cuộc sống, đối với thế giới chung quanh. Ngày xưa, với cuộc sống chạy theo vọng tâm điên đảo, con người nhìn cuộc đời như kẻ cưỡi ngựa xem hoa, chẳng thấy được điều gì rõ ràng, chẳng nhìn được vật gì tinh tường. Giờ đây, bằng năng lực nội quán, con người sẽ quán chiếu sự vật và thế giới một cách tỉnh táo, trầm tĩnh, minh mẫn và an lạc hơn. Cũng là cành hoa nơi sau vườn nhà, mà ngày nào chúng ta chỉ thoáng thấy bóng dáng mập mờ, nhưng bây giờ nó lại hiện ra rõ ràng như cảnh vật chiếu thẳng vào tấm gương sáng để lộ nguyên chân tướng diễm lệ tuyệt vời! Cũng là câu nói đó mà ngày xưa chúng ta nghe như dao cắt, như chanh chua, vậy mà bằng sự an trú trong sức nội quán tự tâm, hôm nay chúng ta nghe nó một cách bình thản, tự tại như gió thổi qua đồng trống.

Với tâm bình lặng chúng ta sẽ không bị tham lam và sân si trói buộc. Do đó, chúng ta sẽ không nghĩ đến chuyện chiếm lấy tài vật của người hay nuôi lòng thù hận ai. Ngay cả một lời hung ác, người Phật tử còn không thể thốt ra vì sợ làm ô nhiễm tâm mình và thương tổn người khác. Người Phật tử đem hành nghiệp trong sáng để hành xử trong công việc làm ăn sinh sống, trong lối cư xử với mọi người chung quanh, trong chức phận mà mình đang gánh vác ở xã hội. Bằng hành nghiệp trong sáng, người Phật tử đem hết khả năng để thực hiện lý tưởng xây dựng xã hội, đất nước và cuộc đời. Qua cách sống như vậy, người Phật tử sẽ giảm thiểu dần những hành tác bất thiện của thân, khẩu và ý để đạt đến cuộc sống yên ổn, an lạc và hạnh phúc hơn. Đó là lối sống mà ông bà tổ tiên người Việt chúng ta hay nói là “phúc đức.” Có phúc đức thì chắc chắn sẽ thắng được số mệnh. Thật ra chính nhờ chuyển hóa nghiệp lực của thân, miệng và ý mới đưa tới lối sống “phúc đức” như vậy. Và người có phúc đức ắt sẽ được giàu sang phú quý từ tinh thần tới vật chất.

Một người làm được, cả nhà làm được, cả làng làm được, cả nước làm được. Như vậy mới chứng tỏ lời Phật dạy hữu ích như thế nào. Và như thế sẽ không còn ai nghĩ tới chuyện bỏ đạo Phật truyền thống để chạy theo các tôn giáo khác tìm lợi lạc nhất thời. Muốn giữ đạo, năm mới, mỗi người Phật tử hãy phát nguyện phải làm được như vậy.

Năm mới, xin chúc mọi người tinh tấn thực hành lời Phật dạy, rửa sạch thân tâm để chuyển đổi nghiệp vận. Làm được như vậy thì ngày nào cũng là ngày an lạc và hạnh phúc.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1507 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hát lên lời thương yêu


Truyện cổ Phật giáo


Về mái chùa xưa


Hạnh phúc khắp quanh ta

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.219.94.17 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...