Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Nhân vật Phật giáo »» QUẢY GÁNH RA ĐI »»

Nhân vật Phật giáo
»» QUẢY GÁNH RA ĐI

Donate

(Lượt xem: 3.759)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - QUẢY GÁNH RA ĐI

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Lời BBT

Trong bài Bếp Lửa Đêm Thâu, Hòa thượng Thích Nguyên Siêu dẫn lời nói về một chuyến đi của Thầy Tuệ Sỹ:

"Đi vậy mình thấy được Phật giáo dân dã thế nào, chứ trước giờ mình chỉ thấy Phật giáo tự viện, đó là Phật giáo của nhà giàu, Phật tử giàu đến chùa giàu... ở Già Lam mười mấy năm chưa từng có người nghèo nàn, bần cùng đến thăm. Bây giờ rất thú vị khi trên đường có cụ già chạy theo cho ổ bánh mì không, có cậu nhỏ kêu cho lon gạo, có thanh niên chở củi cho quá giang đoạn đường đèo v.v...”


Và bài viết dưới đây viết rõ hơn về chuyến đi của Thầy Tuệ Sỹ, người mà trong mắt nhìn của hầu hết chúng ta là một học giả uyên bác nhưng ít ai biết rằng ngài cũng từng là một du tăng khất thực lang thang trên đường...

Mời quý độc giả cùng đọc lại bài viết từ năm 2012 của Hòa thượng Thích Nguyên Siêu.


**
***

Hướng về rặng núi xa, đồi cây xanh, Thầy quảy trên vai hai túi đồ, có lẽ một túi đựng là vật dụng cá nhân và túi kia là y hậu, đôi cuốn sách đọc... đếm từng bước trên con đường mòn của miền thôn dã. Đầu đội chiếc nón lá. Thân mặc áo khoác. Chân mang đôi dép mòn, trông như một bộ hành trên con đường thiên lý không quán trọ để nghỉ chân. Thầy đi. Quảy gánh ra đi. Đi như một định mệnh. Một sứ mệnh. Một sự vận hành của quê hương, dân tộc. Hay đi là một khốn cùng của tâm thức bị vây hãm bởi bóng người. Bóng đêm của phố thị. Quảy gánh ra đi để thấy từng viên đá cuội nằm bên lề đường, chịu nắng, chịu mưa dãi dầu năm tháng. Để thấy hoa đồng cỏ nội chen chúc với đám lau xanh. Để thấy mây trời bay trên đầu và bụi đường hãm đôi chân. Ra đi mới thấy núi cao hùng vĩ. Mới thấy rừng xanh, cây xanh. Lá xanh. Thầy quảy gánh ra đi như một vượt thoát của dòng suy tư lâu đời bị kìm hãm. Ra đi như một sự nổ bùng của ý thức trước bóng đêm tăm tối. Ra đi để hòa quyện với hương rừng, sương đêm, nắng sớm. Sự vùng dậy của ý thức như tiếng hú vọng từ sườn non, vách đá, như tiếng gọi lên rừng, một phương trời mộng còn cách xa.

Sáng nay, sương mù phủ kín miền cao nguyên. Những ngọn lá xanh cúi đầu thầm lặng. Trời không gió. Chẳng nắng vàng. Sương đêm còn dày đặc. Ngồi ngủ trước cổng chùa, Thầy vỗ đầu sư tử xin được tá túc qua đêm. Quấn mình trong chiếc y, co ro dưới bụng sư tử đá, như một gã ăn mày lang bạt, đầu đường xó chợ đâu không phải là nhà - vô trụ xứ Niết-bàn, hay tùy sở trụ xứ thường an lạc - của một tâm hồn an nhiên, tự tại. Tùy duyên hóa độ, Bồ Tát hóa thân dưới mọi hình tướng. Ngài Hàn San, Thập Đắc, hai vị đầu đà, thường ăn cơm thừa, canh cặn của Tăng chúng, tối lại kéo nhau xuống nhà bếp ngủ, sáng thức dậy lang thang ngoài đường. Áo quần rách bươm, lem luốc. Người đời nhìn đâu ai biết là hai vị Bồ Tát hóa thân. Cõi đời ác năm trược này được gọi là ngũ thú tạp cư địa hay còn gọi là phàm thánh đồng cư độ. Người phàm, bậc thánh sống chung với nhau. Đâu ai phân biệt được Thánh phàm khi chưa chứng đắc lục thông - Thiên nhãn thông, để nhìn thấy và biết, đây là bậc quân vương nhưng còn quá nhiều tham, sân, dục vọng và đây là người cùng tử xin ăn, nhưng đã giảm thiểu rất nhiều loạn tâm, tạp tưởng. Kẻ cùng tử ấy trở về ngôi nhà xưa để tiếp nhận gia tài. Đâu là phàm. Đâu là Thánh. Nhận diện tướng mạo, chân dung? Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Văn học Thiền đã dạy như thế. Vô niệm. Vô ngôn. Vô sở trụ. Vô phân biệt.

Hành trạng của Thầy hóa thân vào đời là vậy đó. Như Thầy đã nói trong lời “Gate Gate”:

“Tôi đi lang thang theo đám mây trôi, phương trời vô định. Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây. Một chút duyên còn ràng buộc thì có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau."
Thị Ngạn Am vô trụ xứ, tàn thu, Tân Mão, 2555. 10/21/2011. Tuệ Sỹ.”

“Tôi đi” mà không phải anh đi, người ta đi hay ai đó đi. Lời nói này đã khẳng định chủ từ “Tôi”. Tôi là biệt lập với anh, với em, với tất cả hình thù, dáng dấp mọi sự vật. Hữu tình. Vô tình. Động vật. Thực vật. Khoáng vật. Nhưng nếu tách “tôi” ra, biệt lập với tất cả thì “tôi” ấy cũng chẳng thành cái gì hết. Vì tương duyên, tương sinh. Do cái này có nên cái kia có. Do cái này sanh, nên cái kia sanh. Do cái này diệt, nên cái kia diệt. Một chuỗi duyên sinh trùng trùng vô tận. Vậy “tôi” của Thầy là “tôi” trong vô lượng cái “tôi”. “Tôi” trong giáo pháp duyên khởi. “Tôi đi” có nghĩa là, “tôi” duyên khởi đi. Duyên sinh đi. “Tôi” là triết lý sống của vũ trụ vạn hữu. “Tôi” là sự tự tồn của sự sự vật vật - nhân sinh và vũ trụ.

“Tôi” là tất cả, thì Thầy là tất cả. Tất cả là “Thầy”. Sự liên hệ duyên sinh mật thiết trên vận mạng của quê hương, sử mệnh của quê hương, sự hao mòn của tuổi trẻ, sự đọa đày của dân tộc, chính là của chung tất cả, trong đó có Thầy. Nên: “Tôi đi chấn chỉnh sơn hà. Hồng rơi vách đá mù sa thị thành” là vậy. (Tỉnh Thất. 2000-2001). Một khi đã khẳng định “tôi đi” có nghĩa là những người khác không đi. Những người khác ở lại. Ở lại với “tôi” của họ. Biết vậy, chúng ta thử xem cái “tôi đi” của Thầy như thế nào. “Lang thang”, “đi lang thang”, có nghĩa là không điểm tới. Không điểm khởi đầu. Không điểm chung cục. Đi như gió thổi bụi bay. Đi như gió cuốn hoa bay. Đi như gió đẩy mây bay. Đi tự nhiên. Đi mà tâm không cầu. Tâm không mong. Tâm không vướng bận. Tâm không ràng buộc bởi bất cứ cái gì. Đi bằng an nhiên tự tại. Hình dung hai chữ “lang thang” như kẻ không nhà. Vô trụ xứ. “Lang thang theo đám mây trôi” có nghĩa là “đám mây trôi” về đâu thì Thầy lang thang “theo đám mây trôi” đó. Mây trôi về phương nam thì Thầy theo về phương nam. Phương tây. Phương đông... lòng nhẹ như mây, bềnh bồng giữa hư không. Nói đến đám mây là nói đến sự không ràng buộc, tùy thuận. Sự dễ hợp mà cũng mau tan, biến đổi nhiều về hình tướng. Tùy duyên mà thành. Cũng tùy duyên mà tan. Hợp tan là lẽ thường tình.

Qua ý thứ hai của sự ra đi là “phương trời vô định”. Không nhất định một phương trời nào. Tùy duyên thì đến, cũng tùy duyên để đi. Thật là ngoạn mục cho một tâm tư phiêu bồng, nhẹ như mây và vô định phương trời. Chúng ta đọc lại Ngục Trung Mị Ngữ sẽ thấy những tư tưởng này. Bài Trách Lung:

“Trách lung do tự tại
Tản bộ nhược nhàn du
Tiếu thoại độc ảnh hưởng
Không tiêu vĩnh nhật tù.”

Dịch:

Lồng chật

“Lồng chật vẫn tự tại
Qua lại như nhàn du
Nói cười chơi với bóng
Tiêu sái tù thiên thu.”

Khi xưa còn ở tù, mà vẫn tự tại, nhàn du, nói cười chơi với bóng. Nếu không có một chất liệu sống an nhiên, tự tại, vượt thoát tất cả mọi sự ràng buộc, kể cả cái chết, thì khó có được tâm hồn siêu thoát như vậy. Siêu thoát như “đám mây trôi”, “phương trời vô định”. Một tâm hồn lớn của bậc xuất trần. Trong bài Tự vấn:

“Vấn dư hà cố tọa lao lung
Dư chỉ khinh yên bán ngọc khung
Tâm cảnh tương trì kinh lữ mộng
Cố giao già tỏa diện hư ngung.”

Dịch:

Hỏi mình

“Hỏi mình sao phải lao tù?
Song thưa cửa ngục có tù được mây?
Kiên trì cuộc lữ vàng bay,
Lời xưa còn đó phút giây không sờn.”

Song cửa tù không thể nhốt được mây. Cánh cửa nhà tù không thể nhốt được tâm tư của Thầy. Vì tâm tư của Thầy nhẹ nhàng như mây. Vô trụ như mây, bềnh bồng như mây. Thơ mộng như mây. Cửa tù làm sao nhốt được tâm tư ấy. Mặc dù thân ở trong tù nhưng tâm thì ngao du sơn thủy, nay thì đỉnh núi nọ, mai thì ghềnh biển kia. Thân bị nhốt trong tù mà tâm thì an nhàn, tịnh lạc như ở các cõi Thiền. Trong Ngục Trung Mị Ngữ, bài thơ Biệt cấm phòng:

Ngã cư không xứ nhất trùng thiên
Ngã giới không vô chân cá thiền
Vô vật vô nhân vô thậm sự
Tọa quan thiên nữ tán hoa miên.”

Dịch:

Tù xà lim

“Ta ở tầng trời Không vô biên
Nơi ấy tịch nhiên thiền thật thiền
Không vật không người không đa sự
Nhìn xem hoa rải bởi chư tiên.”

Tất cả những ý trên là chân thân hằng hữu. Tâm thức tuyệt cùng của lý tánh nhất như. Vô trụ. Bất thủ như “đám mây trôi”. Như “phương trời vô định”. Một tâm hồn lớn. Tâm hồn của Bậc Đại Sĩ.

Đọc tiếp “Gate Gate” để thấy những hình ảnh, những ảnh tượng, những sắc thái. Hình thù đơn điệu, cô liêu trên mặt đất. Hình ảnh ấy như là: “Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây.” Vùi thây có nghĩa là khỏa lấp, chôn cất cái thân đã chết. Cái thân không còn cử động. Không đi. Không đứng. Không nằm. Không ngồi. Không biết thương yêu, thù tạc. Cái thân do tứ đại hợp thành bất động. Cái thân do ngũ uẩn hợp thành bất động. Thân chết. Thân vô tri. Vô giác. Nhưng tại sao Thầy lại nói “Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây?” Làm người đọc phải suy tư nhiều lắm mới có thể hiểu được đôi chút ý nghĩa của lời nói này. Tại sao khi chết - Thầy chưa chết - không ở một chỗ đàng hoàng, có vòng hoa phúng viếng, có liễn đối chia buồn, có điếu văn phân ưu, có lời Kinh siêu độ, có quý Thầy môn đồ pháp quyến cầu nguyện siêu sanh Thượng Phẩm, mà phải “vùi thây” nơi “bờ sông, hốc núi”? Thì ra, cái chết là bình đẳng. Dù chết ở đâu. Chết trên long sàng. Chết trong nệm ấm, chăn êm. Chết trên giường bịnh. Chết dưới gốc cây. Tất cả cái chết đều giống nhau. Một ông vua chết giống như người dân nghèo chết. Một anh hùng chết giống như tên lính chết. “Thông minh tài trí anh hùng, ngu si dại dột cũng chung một gò.” Có khác chi đâu. Nếu có khác chăng, thì khác ở người sống.

Nghĩa thứ hai là vô thường. Đang đi có thể chết. Đang ngồi có thể chết, và đang làm có thể chết. Từ sự chết ấy nơi bờ sông, nơi hốc núi bằng tâm vô phân biệt của Bồ Tát thì đâu cũng là nơi xả bỏ báo thân tịch tịnh. Khi xưa đức Thế Tôn xả báo thân nơi rừng Sa La Song Thọ. Dưới những gốc cây Sa La trái mùa hoa nở. Nhưng khi đức Thế Tôn thâu thần nhập diệt, Niết-bàn vô dư thì hoa rừng nở rộ để cúng dường. Khi đức Thế Tôn quyết định nhập Niết-bàn nơi rừng Kusinara - Câu Thi Na, thì bao vị Thánh đệ tử, bao nhiêu vua quan, đại thí chủ, thưa thỉnh đức Thế Tôn nên nhập Niết-bàn trong thành Vương Xá, Ma Kiệt Đà... là những thành phố lớn có đông dân, giàu có, sang trọng, để cho Lễ trà tỳ, phân chia xá lợi được đông đảo người chiêm bái. Nhưng đức Thế Tôn đã từ chối. Ngài nhập Niết-bàn giữa vùng núi rừng thanh vắng. Thầy đã học theo hạnh của đức Thế Tôn. “Bờ sông, hốc đá” là nơi thanh vắng. Nơi yên tĩnh, thích hợp cho sự xả bỏ báo thân, dưới cái nhìn của bậc Thượng sĩ.

Một ý nghĩa khác mà chúng ta có thể hiểu, Thầy chẳng quan trọng gì cái chết. Nhẹ như lông hồng. Nhẹ như bông. Nhẹ như tuyết. Thân có sinh ra thì thân có chết. Chết là điều tất nhiên. Chết nơi phố thị kiêu sa. Lầu son gác tía. Nơi cung vàng điện ngọc, hay rừng vắng, núi sầu. Tất cả đều là chết. Với ý nghĩa chết này, Thầy đã bao lần nghĩ tới. Trong bài thơ Trầm Mặc:

“Anh ôm chồng sách cũ
Trầm mặc những đêm dài
Xót xa đời lữ khách
Mệnh yểu thế mà hay.”
(Giấc Mơ Trường Sơn)

Trong Giấc Mơ Trường Sơn, Thầy muốn “mệnh yểu thế mà hay” nhưng mệnh vẫn không yểu. Cho đến thời gian ở tù, Ngục Trung Mị Ngữ, Thầy lại muốn “mệnh yểu” nữa, qua bài thơ Tác Thi Sự:

“Tự tâm tự cảnh tự thành chương
Tự đổi bi hoan diệc tự thưởng
Tha nhật Nhan Hồi tọa tán ngẫu
Tàm ty cát đoạn tán thương thương.”

Dịch:

Làm thơ

“Cô độc cảnh tâm thơ tự xuất
Tự ngắm buồn vui tự thưởng thức
Nhan Hồi gặp gỡ trong lòng đất
Cắt nhỏ tơ tằm tung không trung.”

“Mệnh yểu thế mà hay” để gặp Nhan Hồi trong lòng đất. Vì Nhan Hồi chết yểu. Còn Thầy thì đâu có “mệnh yểu” mà “thọ mệnh” để vuốt lông mi làm thơ. Trong bài: Mộng Khứ Mộng Lai:

“Bán niên cấm cố mộng thành ty
Đạp biến giang hồ phóng nhiệm quy
Mộng khứ mộng lai thân ngoại vật
Mộng tàn ngốc tọa bát trường mi.”

Dịch:

Mộng Đến Mộng Đi

“Nửa năm cấm cố mộng thành tơ
Đi khắp non sông giảng huyền cơ
Mộng đến mộng đi thân thành mộng
Mộng tàn khẽ vuốt mi làm thơ.”

Vuốt mi làm thơ để lại cho đời thưởng thức những đêm đen lộng gió. Những buổi chiều tà hoàng hôn buông phủ. Những bọt sóng nhấp nhô gào thét giữa đại dương. Những đỉnh núi cao. Những ghềnh biển sâu. Những tâm tưởng là gỗ mục, nhưng hàm tàng một “nguồn thơ thâm viễn u u...” Do vậy, thi sĩ Bùi Giáng đã đề nghị sau khi đọc bài Khung trời cũ: “Tôi hoảng vía đề nghị: Đại sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho, nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn.” Vậy, sự sống, sự chết nơi đây được coi như là huyễn, mộng, bào, ảnh của pháp hữu vi, thì sá gì “bờ sông, hốc núi” đâu chẳng là nơi Bồ Tát xả báo thân. Như Tôn giả A Nan bay lên hư không, ở giữa sông Hằng dùng lửa tam-muội thiêu thân, tro rơi xuống sông Hằng trôi ra đại dương tan biến hòa nhập vào bản thể thiên nhiên, vũ trụ.

Cuối cùng của lời “Gate Gate” là câu kết rất có hậu. Rất có tình. Có nghĩa. Có lòng thương tưởng của hạnh nguyện độ sinh. Của tâm Bồ Tát cứu khổ độ mê mà không quay lưng bỏ lại mặc ai sống ai chết. “Chút tình mang xuống tuyền đài chưa tan.” Tan sao được khi mà hạnh nguyện độ sinh chưa tròn, “chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ-đề”. Do vậy mà: “Một chút duyên còn ràng buộc thì có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau.” “Một chút duyên” ấy nhưng nó mãi mãi miên man đến vô cùng, vô tận. “Cái phút ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.” Hay “Cái tình là cái chi chi, dẫu chi chi cũng chi chi với tình.” Ấy là chuyện thế nhân nói nghe vui chơi. Còn cái “duyên” của Bồ Tát thương chúng sanh còn nặng nhiều hơn nữa. Còn lâu dài “ràng buộc” nhiều hơn nữa, thì đâu thể gọi là “có cơ hội ngộ” mà là hạnh nguyện độ sinh. Là bổn phận. Là trách nhiệm. “Đời ác năm trược, con xin nguyện vào trước, để độ chúng sinh. Ngày nào còn có một chúng sinh chưa được hóa độ, thì con nguyện không chứng nhập quả vị Nê-hoàn.” Lời của Ngài A-nan thưa thỉnh đức Thế Tôn chứng minh. “Một chút duyên” mà tự tánh muôn trùng. Ràng buộc “chút duyên” ấy như mắt lưới đế châu, phạm võng. Chút duyên “sinh vô lượng duyên”. “Có cơ hội ngộ” hay vô lượng lần hội ngộ, cho đến cùng tận biên tế thời gian và vô cùng của không gian. Do vậy, “có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau” chỉ là ngôn từ để nói. Để phô diễn. Để đùa cợt giữa cái hữu hạn với cái vô cùng mà thôi. Phương tiện để nói nhưng cứu cánh không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn ở chỗ, Thầy nói:

“Lặng lẽ nằm im dưới đáy mồ
Không trăng không sao mộng vẩn vơ
Tại sao người chết, tình không chết?
Quay mấy vòng đời môi vẫn khô.”

Thân xác “nằm im dưới đáy mồ”, có nghĩa là con người đã chết. “Tại sao người chết” còn “tình không chết” vì tình ấy là Đại bi tâm. Tình ấy là Từ Bi tâm, Bồ Đề tâm. Giải thoát tâm... làm sao chết được. Nếu “tình” cũng chết theo “người” thì “tình” ấy là “tình” của thế gian, của nhân ngã bỉ thử. “Tình” của sự so đo tính toán. “Tình” sai biệt trong dòng đời sinh diệt. “Tình” hơn thua. “Tình” hận thù. “Tình” cho đi và muốn lấy lại.

Đây là đôi dòng nói vẩn vơ của hình tướng ngôn ngữ. Còn cái gì muốn nói thì không thể nói. Dù muốn nói về “đám mây trôi”, “phương trời vô định”, “đời này”, “‘đời sau”, hay “một chút duyên có cơ hội ngộ”. Tất cả là thế ấy. Từ từ, chậm rãi của sự suy tư!

Giờ này, người viết thắp ba cây hương cắm vào lư hương để trước mặt. Ngồi ngắm làn hương quyện tỏa, lan dần, lan dần rồi tan vào hư không. Ba cây hương đã cháy hết hơn nửa, mà cứ đọc tới đọc lui lời của người tường thuật về chuyến đi của Thầy. Đọc hoài mà nghĩ không ra. Càng đọc càng bí lối. Vỏn vẹn chỉ có bảy, tám hàng chữ viết mà sao thấy nó mênh mông vô tận. Mênh mông ở chỗ người hiện thân vào cát bụi để gần gũi với cát bụi. Và vô tận ở chỗ là một thân mà liên hệ đến vô lượng thân. Sự mênh mông, vô tận của người tường thuật:

“Em muốn nói là, chuyện bình thường đến mức mình không tưởng tượng nổi ý nghĩa như vậy, thật đúng nghĩa “giang hồ”! Chị tưởng tượng được không, em gặp một ông già râu xồm xoàm, mặc áo mưa, đầu đội nón lá, vai gánh cây gậy tre (ông lượm được dọc đường) một đầu là cái giỏ nylon để cái võng và mấy thứ linh tinh, đầu kia cái đãy thầy tu đựng y và sách!

Nghe ông kể về chuyến đi mà rùng mình không hiểu sao ông chịu đựng nổi, cứ như một quyển tiểu thuyết. Ông đi bộ trung bình mỗi ngày 30 km, qua các đoạn đường đèo, đường rừng, tối ngủ đình, miếu cô hồn, có hôm nằm ngủ trên sạp bán bún riêu khi người ta đã bán xong và dọn hàng về. Có đêm ngủ trong chòi kiểm lâm trên rừng, có đêm ngủ bến xe bị bảo vệ ra đuổi, lại xách gói đi tiếp v.v...

Nhưng mừng là ông rất khỏe, da rám nắng nhưng hồng hào, nét mặt tươi rất thanh thản thoải mái, và đặc biệt giọng nói rất mạnh, to, chứng tỏ một nội lực được tích lũy lớn.”


Lò hương đã lụn. Khói hương đã tan. Tàn hương đã nguội mà bao hình ảnh cứ lũ lượt kéo về trong tâm tư. Một ông già râu tóc dài. Đầu đội chiếc nón lá rộng vành. Vai quảy gậy trúc. Thân người mảnh khảnh như thân cây sậy - cây sậy có tư tưởng, lang thang trên khắp nẻo đường. Khi thì ngồi nơi góc chợ, để xem người đi qua, lúc thì ngủ nơi miếu cô hồn bên vách núi. Có phải là hóa thân của Bố Đại Hòa Thượng, của Bồ Tát Quán Thế Âm, của Địa Tạng Vương Bồ Tát chống tích trượng vào ba đường ác mà thể hiện lòng từ, thương người, cứu vật, chia sẻ nỗi khổ đau trong đời. Rồi lắm lúc ngồi tựa dưới gốc cây, bên bờ suối mà ngắm mây trôi, trong rừng già mà nhìn lá rụng, bên dòng sông thấy nước lững lờ. Bên đống rác thấy trẻ mưu sinh và còn nhiều hình ảnh ẩn tàng trong tâm thức của ông già râu tóc xồm xoàm ấy. Một trong những hình ảnh lưu lộ và luôn tuôn chảy dạt dào trong lòng của Thầy là ý thức để nhận chân tuổi trẻ, một năng lực sinh tồn mãnh liệt của dòng sử mệnh Phật Việt và Tộc Việt. Thầy viết trong “Suy nghĩ về hướng giáo dục cho tuổi trẻ” như sau:

“Tuổi trẻ học Phật không có mục đích trở thành nhà nghiên cứu Phật học, mà học Phật là tự thực tập khả năng tư duy bén nhạy, linh hoạt, để có thể nhìn thẳng vào bản chất sự sống. Cho nên, sự học Phật pháp không hề cản trở sự học thế gian pháp, kiến thức Phật học không xung đột với kiến thức thế tục. Duy chỉ có điều khác biệt, là học Phật khởi đi từ thực trạng đau khổ của nhân sinh để nhận thức đâu là hạnh phúc chân thật. Bi và Trí là đôi cánh chắc thật sẽ nâng đỡ tuổi trẻ bay lượn vào suốt không gian vô tận của đời sống.”

Quảy gánh ra đi không phải chỉ riêng cho mình, mà ra đi chung cho một vận hội, dù sự ra đi ấy có vùi thây nơi “bờ sông, hốc núi”. Sự quảy gánh ra đi là thể hiện lòng yêu thương cho mình, cho người. Ra đi như bỏ lại bụi đường sau lưng, hướng về núi xanh phía trước để sống với cái hồn nhiên. Thiên nhiên. Man nhiên như tự thuở nào. Tự thuở tâm người thánh thiện. Lòng người chân như. Bức thư gởi Gia đình Lam, đã gói trọn tình yêu thương, tính bất biến của Phật pháp được diễn đạt trong bức thư ấy:

Anh Chị Em thân mến, xuân muộn, hoặc xuân trễ. Tùy theo mùa mai nở. Mà cũng còn tùy ước hẹn của tình riêng. Muộn hay trễ, tôi vẫn muốn gởi đến Anh Chị, trong và ngoài Gia đình Lam một cành mai. Gốc mai già cỗi. Tương truyền cũng đã mấy ngàn năm. Giữa mùa đông giá lạnh, trong đêm đen, ngoài kia sương rơi, hay mưa bão, không biết. Tôi giật mình như gốc mai già. Vội vã lần ra trước sân. Gốc mai già vẫn còn đó. Bẻ một cành hoa để dành tặng bằng hữu. Lỡ khi sương gió không thương tình, thì mình còn giữ được chút tình nào, để tặng những người mình yêu?

“Thao thức chờ mặt trời mọc. Tôi mang cành mai ra tặng Mặt trời. Bấy giờ, tôi còn mơ hay đã tỉnh, để khi nhìn lại cành mai trong tay thật hay giả, mà chỉ có sắc, không hương? Thật hay giả, soi bóng mặt trời, vẫn không nhận thức được. Nhưng dù thật hay giả, tôi vẫn gởi đến Anh Chị. Vì, ngoài cái thật và cái giả, còn có một tấm lòng! Trước cổng vườn xuân Tân Tỵ - Tuệ Sỹ - Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”

Quảy gánh ra đi trên đôi vai gầy. Trên tấm thân bé bỏng, gầy guộc, nhưng trong tâm thức tồn trữ một lượng sóng người nhấp nhô, hùng vĩ, xô dạt, phá tung mọi thành trì ngăn chắn, như vách đá, tường đồng, để hiện thân trên cánh đồng hoang lô nhô những dấu chân người của thời tiền nhân. Quỳ xuống, gào thét cho bùng vỡ cuộc say của nhân thế. Cho đêm trường tỉnh mộng đi hoang, mà vực dậy những gì đã mất. Lấy lại những gì đã vuột ra khỏi tầm tay cho một quê hương, dân tộc nhiều đọa đày.

Một lần quảy gánh ra đi, để rồi không đi nữa. Vì đã có một quê hương thanh bình. Quê hương đó được tưới tẩm bằng tình yêu thương chân thật. Bằng lý tưởng sống thanh cao. Bằng phẩm chất Phật từ bi, hỷ xả.

San Diego, ngày 9 tháng 01 năm 2013

(Tuệ Sỹ: Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Mộng III)

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1500 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gọi nắng xuân về


Kinh Bi Hoa


Chớ quên mình là nước


Rộng mở tâm hồn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.97.9.169 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (194 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...