"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Niệm Phật Tam-muội »»

Tu học Phật pháp
»» Niệm Phật Tam-muội

Donate

(Lượt xem: 4.216)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Niệm Phật Tam-muội

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tam-muội là tiếng Phạn, dịch nghĩa là thiền định. Lục tổ Đại sư Huệ Năng dạy: “Ngoài chẳng chấp tướng là thiền, trong chẳng động tâm là tọa.” Trong Phật pháp, ngồi có nghĩa là tâm bất động, tâm dừng lại một chỗ, chớ chẳng là thân bất động chẳng được đi đâu hết. Như vậy, tâm chẳng dao động giữa ngũ dục lục trần, chẳng chạy theo ngũ dục lục trần, thì gọi là tọa thiền. Nói thật ra, thuở ấy trong suốt tám tháng đầu ở Hoàng Mai, Lục Tổ chưa hề bước chân vào thiền đường, Ngài luôn ở trong hậu viện làm lụng cực nhọc, giã gạo, bửa củi từ sáng tới tối, chẳng có lúc nào được rãnh rổi để đọc kinh, nghe pháp hay được lên thiền đường ngồi quay mặt vào vách. Phương pháp tọa thiền của Lục tổ là giã gạo, bửa củi mà trong tâm lúc nào cũng là ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm. Như vậy, tâm chẳng phan duyên, chẳng chấp tướng chính là thiền định. Nếu ngồi lỳ ở một chỗ, mặt quay vào vách, mà cái tâm phan duyên vẫn rong rủi khắp nơi, thì đó chẳng phải là cách tu thiền định mà Lục tổ đã dạy. Hơn nữa, chúng ta thấy cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, ngũ của Thích Ca Mâu Ni có gì chẳng phải là thiền định không?

Phẩm Nhà Cửa Lầu Gác của kinh Vô Lượng Thọ nói chi tiết về tọạ thiền rất rành mạch: “Trên đất giảng kinh, tụng kinh, thọ kinh, nghe kinh, kinh hành, quán chiếu, tọa thiền. Trên không giảng tụng, thọ nghe, kinh hành, quán chiếu, tọa thiền.” Kinh gọi chung các pháp giảng kinh, tụng kinh, thọ kinh, nghe kinh, kinh hành, quán chiếu là tọa thiền, bởi vì hết thảy các pháp ấy đều là Tam Học Giới-Định-Huệ nhằm gìn giữ tâm thanh tịnh bất động giữa ngũ dục lục trần. Như vậy, hết thảy các pháp đi, đứng, ngồi, nằm ở trên không hay ở trên đất đều là tọa thiền, chẳng phải chỉ ngồi xếp bằng nhìn vào vách tường mới gọi là tọa thiền. Nếu tâm chẳng phan duyên, chẳng chấp tướng thì đó chính là thiền định. Nếu ngồi lỳ ở một chỗ, mặt quay vào vách, mà cái tâm phan duyên rong rủi khắp nơi, thì đó chẳng phải là cách tu thiền định mà Lục tổ đã dạy, cũng chẳng giống cách tu thiền định của Bồ-tát cõi Cực Lạc. Trong pháp môn Tịnh độ, người mới tu học ngồi niệm Phật tương đối dễ nhiếp tâm hơn, nhưng người tu lâu năm chẳng coi trọng hình thức, họ có thể niệm Phật lúc bất cứ lúc nào trong bốn tướng oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi mà vẫn đắc thiền định.

Trong kinh Hoa Nghiêm, trưởng giả Dục Hương nói đến bốn loại thiền định: Thường Hành, Thường Ngồi, Nửa Đi Nửa Ngồi, Chẳng Đi Chẳng Ngồi:

· Thường Hành là đi kinh hành. Đây là cách thể dục rất hay, đặc biệt rất thích hợp cho các vị cao niên. Người cao tuổi nên thường xuyên bách bộ nhẹ nhàng, chậm rải để điều hòa thân tâm, co giãn gân cốt.

Trong kinh Bát Châu có nói đến pháp Phật Lập Tam-muội, hay còn gọi là Bát Châu Tam-muội. Kinh nói: “Hễ ai tu thành pháp này sẽ thấy mười phương chư Phật đứng trong hư không.” Người tu pháp này suốt chín mươi ngày chỉ có thể đi hoặc đứng niệm Phật, không được ngủ nghê, cũng không được ngồi xuống, đương nhiên càng không thể nằm xuống. Nếu ai làm được như vậy sẽ cảm ứng với Phật, thấy mười phương chư Phật đứng trên không trung. Có người nghe kinh nói vậy sanh lòng ham muốn thấy Phật quá, nên tu thử cho biết. Bản thân mỗi người phải tự biết, chính mình có khả năng tu pháp này không? Một người bình phàm cần phải ăn no, ngủ đủ mới có thể khôi phục lại năng lượng đã mất trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu trong một ngày không ngủ nghĩ đầy đủ, thân thể sẽ kiệt quệ, tinh thần mệt mõi, chẳng thể hoạt động được nữa, đừng nói chi là suốt chín mươi ngày không ngủ, nghĩ, ngồi, nằm. Người bình phàm chắc chắn chẳng thể làm được chuyện này, không nên tu thử làm chi cho phí uổng công sức, mà lại còn mang thêm một cái thân tâm bệnh hoạn sau khóa tu theo pháp này. Thật tình mà nói, chúng ta chỉ biết hết lòng kính phục người tu nổi pháp này, bởi vì nếu họ đích thân thấy được Phật hiện ra giữa hư không, ắt phải là một vị Đại Thánh có tâm địa thanh tịnh đến mức tột bực mới không cần ngủ, nghĩ, nằm, ngồi suốt chín mươi ngày. Chư thiên trong cõi trời Sắc Giới đắc thiền định, phá sạch sành sanh hết thảy kiến hoặc và tư hoặc, chẳng bị hôn trầm ngủ gục, họ có thể tu pháp này. Còn chúng ta thì có quá nhiều kiến tư hoặc, tâm địa chẳng thanh tịnh, chưa đạt được mức thiền định thâm sâu, chẳng thể tu nổi pháp này. Nếu miễn cưỡng tu vài ba giờ, hoặc vài ba ngày bèn ngủ gục, thậm chí té xỉu nằm dài xuống đất, phải đưa vào nhà thương cấp cứu.

Thật thà mà nói, nếu thật sự có người nào đi đứng mấy ngày trời, miệng niệm Phật rất giỏi, nhưng trong tâm lúc nào cũng mong ngóng được thấy Phật, bèn cũng được thấy Phật, nhưng Phật đó là ai? Phật đó chính là ma biến thành, chẳng phải Phật thật, chuyện này rất thường xảy ra. Có người đang đi kinh hành niệm Phật rất giỏi, bề ngoài trông rất tinh tấn, trông rất có định, chẳng lao chao hôn trầm, bổng dưng họ phát cuồng lên, hành xử giống như đang lên đồng. Đây là trình trạng của người niệm Phật với tâm mong cầu thấy Phật mà bị ma dựa. Chúng ta tu hành nhất định phải biết rõ căn tánh và cảnh giới của chính mình, nếu cứ mãi chạy theo cái tướng bên ngoài, nhất định sẽ có lúc bị đọa trong lầm lạc mà chẳng biết phải làm thế nào để thoát ra. Chư thiên trong cõi trời Sắc Giới đã đoạn sạch hết ngũ dục (tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê) và lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), chẳng cần ăn uống, ngủ nghĩ, thì đương nhiên chuyện đi đứng niệm Phật suốt chín mươi ngày chẳng phải là vấn đề khó khăn đối với họ. Đừng nói chi chín mươi ngày, dù chín trăm ngày cũng chẳng phải là vấn đề đối với họ. Chúng ta thật sự không có công phu ấy, chúng ta không ngủ ba ngày thì thần thức rất mõi mệt, chẳng thể làm chủ được chính mình. Lúc ấy ma sẽ thừa cơ chiếm lấy thần thức của chúng ta, khiến chúng ta thấy đủ thứ các điều vi diệu, sau đó nó tiếp dẫn chúng ta vào cõi ma. Do đó, tu hành mà không trạch pháp, chẳng biết lượng sức, miễn cưỡng quá mức, sẽ phá hỏng thân thể và thần thức của chính mình.

Chúng ta đọc kinh, ngàn vạn lần chẳng nên chấp trước đối với ngôn ngữ và hình tướng bên ngòai, chỉ nên chú trọng tu tâm địa thanh tịnh, chớ nên nghe kinh nói như vậy, rồi cho rằng nếu không đi kinh hành suốt chín mươi ngày không gián đoạn sẽ không thấy chư Phật hiện ra giữa hư không. Chúng ta cũng chớ nên hôm nay trông thấy người ta tu với dáng vẻ này bèn nghĩ: “Ta phải tu giống như vậy,” ngày mai thấy người ta tu với dáng vẻ kia rồi nghĩ: “Ta phải tu giống như thế kia,” hoặc miễn cưỡng tu học theo kiểu làm tuồng cho người khác coi, lừa mình, dối người. Tu hành như vậy là trái nghịch với pháp tam-muội của Lục Tổ: “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm,” nhất định chẳng thể thành công. Căn tánh, sở thích và điều kiện của mỗi cá nhân khác nhau, mỗi người phải tự chọn cho mình cách tu dễ dàng nhất. Pháp tu thì có nhiều môn, nhưng mục tiêu duy nhất vẫn chỉ là đạt được tâm thanh tịnh; cho nên phương pháp nào dễ dàng thực hiện nhất để đoạn phiền não, được tâm thanh tịnh, thì đó là phương pháp tốt nhất.

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam là thân sư của Hòa Thượng Tịnh Không, trong suốt bốn mươi năm thuyết pháp tại Đài Trung, Ngài luôn khuyên răn nhắc nhở người khác quy y Tam Bảo, siêng năng học Phật, chẳng hề khuyên họ ăn chay, thọ giới. Vì sao? Vì chúng ta công phu chẳng đủ, chuyện quan trọng trước tiên nhất là phải học Phật để có thấu hiểu về Tam Bảo. Phật là ai? Pháp là gì? Tăng là như thế nào? Nếu chúng ta chưa thật sự biết rõ những điều này mà bắt đầu công phu tu hành, bèn đi ngược lại Phật pháp, làm ra những chuyện trái nghịch với Phật pháp. Vì thế, Ngài chẳng khuyên người khác ăn chay, thọ giới mà chỉ khuyên học Phật, những việc ăn chay, thọ giới chẳng thể miễn cưỡng, phải do người ấy tự động phát tâm sau khi đã thật sự hiểu rõ Phật pháp. Nếu tâm địa của một người khá thanh tịnh, phiền não ít, tự nhiên có thể làm được, chẳng cần miễn cưỡng, thì việc tu hành mới xứng hợp với chân như. Thân thể là một bộ máy, nó sẽ bị hư hại nếu xử dụng quá mức, không được nghĩ ngơi và cung cấp đầy đủ nhiên liệu. Vì thế, nếu tâm địa của một người chưa thanh tịnh mà còn bị tiêu hao nhiều năng lượng, thì cần phải ăn uống, nghĩ ngơi đầy đủ để bổ sung, bồi đắp cho sự tiêu hao năng lượng trong thân thể. Thể chất thân thể của mỗi người mỗi khác biệt, có người tiêu hao nhiều năng lượng, có kẻ tiêu hao ít năng lượng. Người tiêu hao nhiều năng lượng cần phải bổ sung nhiều thêm, người tiêu hao ít năng lượng chỉ cần bổ sung ít đi. Do đó, việc thọ giới ăn chay hay chỉ ăn một bữa trước ngọ mỗi ngày không phải là điều có thể miễn cưỡng được, mỗi người phải tùy duyên tự tại mà làm.

Hơn nữa, có nhiều người rất muốn học Phật nhưng lại sợ ăn chay, hễ nghe nói đến ăn chay là không muốn đến học Phật. Do đó, chúng ta chẳng nên khuyên người ăn chay, chỉ nên khuyên người không sát sanh và học Phật pháp là đủ rồi. Một khi họ giác ngộ, tâm địa khá thanh tịnh, tự nhiên sẽ phát tâm ăn chay và có thể ăn chay một cách ất ngon lành, chẳng cần miễn cưỡng. Nếu chúng ta khuyên người ăn chay, vô tình lại đẩy họ ra ngoài Phật pháp. Vì lẽ đó, Ngài Lý Bỉnh Nam chẳng khuyên người ăn chay, chỉ khuyên người học Phật nhằm lôi kéo nhiều người đến với Phật pháp. Chúng ta nên biết, người biết học Phật không nhất định phải ăn chay, ngược lại người ăn chay chưa chắc biết học Phật. Có nhiều người tu hành rất thanh tịnh, hiểu biết Phật pháp rất thông suốt, nhưng họ không ăn chay. Trái lại, có nhiều người tuy ăn chay trường kỳ rất giỏi, ăn chay suốt mấy chục năm, nhưng đối với Phật pháp chẳng hiểu biết gì hết, tham-sân-si-mạn một chút cũng chẳng bỏ được. Đương nhiên, một người vừa siêng năng tu học Phật lại vừa ăn chay, thọ giới một cách thanh tịnh, vẫn luôn là một ấn tượng tốt đẹp cho người học Phật.

Một người ít vọng tưởng, tâm địa khá thanh tịnh, vui vẻ tự tại, chẳng cần ăn uống ngủ nghĩ nhiều mà vẫn khỏe mạnh sung mãn là do vì họ chẳng tiêu hao nhiều năng lượng cho vọng tưởng. Do đó, nếu chúng ta giảm bớt vọng tưởng phiền não, tự nhiên sẽ tiêu hao ít năng lượng, cơ thể dần dần hồi phục. Điều này, tự mình có thể khám nghiệm, lúc nào gặp phải chuyện buồn phiền lo nghĩ quá mức sẽ bị suy nhược và sụt cân rất nhanh, vì phần lớn năng lượng tiếp nhận từ thức ăn đều dùng để nuôi vọng tưởng, phần còn lại không đủ nuôi dưỡng cơ thể. Trong trường hợp này nếu không kịp thời bổ sung năng lượng bị tiêu hao cho vọng tưởng, cơ thể sẽ bị hư hại trầm trọng. Tỷ dụ: A-la-hán trong cõi trời Sắc Giới đắc Cửu Thứ Đệ Định, không có nhiều vọng niệm, nên tiêu hao năng lượng rất ít, chỉ cần ăn một lần mỗi tuần là đủ rồi. Bích-chi Phật công phu định lực càng sâu hơn A-la-hán, nên tiêu hao năng lượng ít hơn, chỉ cần ăn một bữa mỗi hai tuần là đủ. Còn người bình phàm như chúng ta ăn ba bữa mỗi ngày vẫn chưa đủ, còn phải ăn vặt thêm mới đủ sức hoạt động. Đó đã chứng tỏ điều gì? Vọng niệm của chúng ta quá nhiều, chúng ta tiêu hao quá nhiều năng lượng cho vọng niệm nên cần phải thường xuyên bổ sung thêm năng lượng bù đắp cho phần bị tiêu hao. Nếu chúng ta không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, nó sẽ bị hư hại, trở thành căn bệnh suy nhược trầm trọng không chửa được. Bác sĩ cũng phải bó tay đối với những thứ tâm bệnh dẫn đến cơ thể suy nhược, hư hoại. Các thứ bệnh này phải được trị liệu bằng thiền định, tức tâm thanh tịnh.

Người học Phật phải biết trạch pháp, phải biết chọn lựa phương pháp tu hành một cách sáng suốt, sao cho đúng với căn tánh hiện tại của chính mình, mới có lợi ích thật sự. Chúng ta phải biết, có những phương pháp tu hành trong nhà Phật, người bình phàm tuyệt đối chẳng làm được, chẳng hạn muốn tu thành Bát Châu Tam-muội đòi hỏi phải có tâm thật sự thanh tịnh, phiền não nhẹ nhàng, trí huệ tăng trưởng như chư vị A-la-hán và Bích-chi Phật, mới làm nổi. Nếu có người bảo: Tôi đã từng tu Bát Châu Tam-muội và thấy nhiều cảnh giới vi diệu gì đó, chúng ta phải hết lòng cung kính, veo năm vóc sát đất để bái lạy họ. Nhưng nếu người ấy không làm được mà nói làm được là tạo tội vọng ngữ, lừa bịp người khác, ắt sẽ bị đọa trong tam đồ. Cho nên, chớ nên tùy tiện nói chơi một cách bừa bải! Chúng ta muốn biết sự thật người ấy tu Bát Châu Tam-muội trong chín mươi ngày có đúng là chẳng ngồi xuống hay không? Hay là trong chín mươi ngày đó, họ ngồi hoặc nằm trên giường tu? Chẳng có gì khó, cứ mời họ về nhà chơi một ngày, không cho ăn cũng không mời ngồi, để cho họ đứng cả một ngày coi có chịu nổi không? Nếu họ chịu không nổi, té xỉu, thì biết ngay là giả mạo, chẳng thật. Chúng ta cũng có thể nhìn vào tư tưởng, ngôn ngữ và hành trì của người ấy thì biết ngay, những thứ ấy chẳng thể lừa người thật sự học Phật. Nếu kiến tư hoặc chưa đoạn, nó sẽ hiện ra rành rành nơi thân, ngữ và ý. Những tướng trạng này chứng minh người ấy chưa thanh tịnh. Nếu tâm chưa thật sự thanh tịnh, nhất quyết không thể nào có thể đi đứng suốt chín mươi ngày không ngồi, nằm, ngủ, nghĩ. Người thật sự có công phu thiền định, suốt chín mươi ngày không ngồi, nằm, ngủ, nghĩ, chắc chắn phải là bậc thánh từ A-la-hán trở lên, chẳng phải là phàm nhân.

Bát Châu Tam-muội là thiền định rất sâu, chẳng giống các thiền định bình thường khác, nếu định lực chẳng sâu, tâm địa chẳng thanh tịnh, tín tâm nơi pháp môn tu chẳng kiên cố, chắc chắn chẳng thể chịu đựng nổi chín mươi ngày thử thách. Trong khi đó, kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ nói: “Nếu ai có tín-nguyện-hạnh kiên cố đến mức có thể thanh tịnh niệm Phật từ một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, suốt cả ngày đêm không gián đoạn, không ngừng nghĩ, sẽ thấy Phật A Di Đà hiện ra tiếp dẫn vãng sanh.” Mà hễ thấy được Phật A Di Đà rồi, thì đương nhiên có thể thấy vô lượng chư Phật và Bồ-tát trong mười phương. Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ chỉ nói niệm Phật một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, không gián đoạn, chớ chẳng nói là không được ngồi, nằm niệm Phật, thế mà chúng ta còn chưa làm nổi, thì bàn chi đến Bát Châu tam-muội. Thật tình mà nói, người có định lực và tín tâm kiên cố đến mức có thể đi đứng niệm Phật suốt chín mươi ngày không ngừng nghĩ, tất nhiên đã đắc Nhất Tâm Bất Loạn, đã hóa sanh trong hoa sen rồi, đâu còn ở đây để lãnh nghiệp báo nữa.

· Thường Ngồi là ngồi tu hành, pháp này phải tu học khi còn trẻ. Người lớn tuổi thể lực chẳng đủ, chân chẳng mềm dẻo, huyết mạch chẳng lưu thông điều hòa, ngồi lâu thường bị tê đau, chẳng thể ngồi lâu một chỗ đến mấy tiếng đồng hồ cho đến khi công phu thật sự đắc định. Các vị cao niên không thể miễn cưỡng tu theo cách này. Các lão Hòa Thượng có thể ngồi mấy tiếng đồng hồ chẳng dời chỗ là do các Ngài đã luyện tập từ lúc còn trẻ. Chúng ta đọc truyện kể về Hư Vân Lão Hòa Thượng sẽ thấy Ngài có thể ngồi nhập định suốt nửa tháng, một tháng, hoặc hai tháng, là chuyện rất bình thường. Có lần sau khi Sư Ông bỏ khoai vào nồi, nhóm lửa xong, bèn tỉnh tọa nhập định. Nữa tháng sau có người đến chúc Tết, thấy Sư Ông còn đang tỉnh tọa, lại thấy khoai trong nồi đã mọc rêu, bèn dùng khánh gõ bên tai Ngài. Sư Ông nghe tiếng khánh gõ bên tai, liền xuất định và nói: “Các ông đến đúng lúc quá, hãy cùng ăn nồi khoai tôi vừa mới luộc.” Sư Ông luộc khoai hơn nữa tháng về trước mà cảm thấy như chỉ có vài phút nên mới thốt lên lời nói như vậy. Hòa Thượng Hư Vân suốt đời thường tu pháp Thường Ngồi tam-muội. Thường Ngồi tam-muội cũng lấy chín mươi ngày làm một kỳ!

· Nửa Đi Nửa Ngồi là đi kinh hành niệm Phật tới khi mệt thì ngồi xuống niệm, ngồi một lát khôi phục lại sức lực rồi lại đứng lên đi tiếp. Thời gian đi bao lâu, ngồi bao lâu tùy ý mỗi người, không có quy tắc nhất định. Pháp Nửa Đi Nửa Ngồi xuất phát từ hai bộ kinh Pháp Hoa và Phương Đẳng. Kinh Pháp Hoa lấy ba thất (hai mươi mốt ngày) làm thời hạn, còn kinh Phương Đẳng thì chẳng hạn định thời gian. Hiện nay, chúng ta lúc công phu niệm Phật vừa có ngồi, vừa có đi kinh hành, lại chẳng hạn định kỳ hạn, chính là dùng phương pháp Nửa Đi Nửa Ngồi trong kinh Phương Đẳng.

Trong Tịnh tông, Thập Tổ Hành Sách Đại sư đã từng áp dụng phương pháp Nửa Đi Nửa Ngồi trong các Phật thất. Ngài chia người niệm Phật thành ba ban, mỗi ban có bốn người xuất gia lãnh chúng. Lúc ban thứ nhất kinh hành niệm Phật ra tiếng, hai ban kia chỉ tỉnh tọa lắng nghe tiếng niệm Phật của người đi kinh hành, chẳng khởi vọng niệm, cũng không niệm Phật ra tiếng. Sau khi ban thứ nhất niệm một ngàn câu xong, ban thứ hai liền thay phiên đi kinh hành niệm Phật ra tiếng, ban thứ nhất chỉ tỉnh tọa lắng nghe tiếng niệm Phật. Sau khi ban thứ hai niệm Phật một ngàn câu xong, ban thứ ba liền thay phiên kinh hành niệm Phật ra tiếng, ban thứ hai chỉ tỉnh tọa lắng nghe tiếng niệm Phật. Cứ thế mà ba ban thay nhau luân lưu niệm Phật suốt cả ngày lẫn đêm. Họ dùng phương pháp này trong các Phật thất, có lúc họ lấy một thất (bảy ngày), hoặc có lúc lấy hai thất (mười bốn ngày) hoặc ba thất (hai mươi mốt ngày) làm thời hạn. Phương pháp này của Thập Tổ Hành Sách Đại sư rất hay, người tu Phật thất có thời gian thích đáng để nghĩ ngơi, khôi phục thể lực, chẳng những không mệt mỏi mà lại chẳng có thời gian trống để khởi vọng tưởng, nên lúc nào cũng phấn chấn tinh thần kéo dài thời gian công phu niệm Phật. Trong Niệm Phật Đường của Thập Tổ Hành Sách Đại sư, lúc nào cũng đơn thuần chỉ niệm một câu Phật hiệu, chẳng có bất cứ một thứ gì khác xen tạp vào. Thật thà mà nói, phần đông Phật thất hiện nay đều là pháp hội Phật thất, chớ chẳng phải Phật thất Niệm Phật thuần túy, vì sao? Vì trong các Phật thất ấy có xướng tán, tụng kinh, hồi hướng, thậm chí còn niệm sớ văn, có quá nhiều thứ xen tạp. Đối với công phu nhất hướng chuyên niệm, những thứ ấy đều là xen tạp, xen tạp nhiều thứ như vậy, công niệm Phật chẳng thể tinh chuyên, nên chẳng thể đạt được công phu thiền định thật sự. Một Niệm Phật Đường thật sự, trong suốt mười hai thời chỉ có một câu Phật hiệu, ngoài câu Phật hiệu ra, chẳng có bất cứ một thứ gì khác xen tạp vào. Hễ có xen tạp thì công phu niệm Phật chẳng thể kết thành Tam-muội.

· Chẳng Đi Chẳng Ngồi: Pháp Chẳng Đi Chẳng Ngồi còn gọi là Tùy Tự Ý, tên này có nghĩa là trong nhà Phật chẳng đặt nặng hình thức, chỉ coi trọng công phu chân thật. Công phu chân thật là gì? Là tu tâm địa thanh tịnh. Cương lãnh tu học trong Đại thừa Phật pháp là Giác-Chánh-Tịnh. Khi ý niệm vừa khởi lên liền quán, phương pháp này phát xuất từ kinh Đại thừa Thỉnh Quán Âm. Pháp này được áp dụng cho khắp bốn tướng oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) và các việc làm lụng. Giác-Chánh-Tịnh tuy ba mà một, tuy một mà ba, tức là đối với ba thứ ấy nếu đạt được một thứ thì đồng thời đạt được hai thứ kia. Tỷ dụ: Nếu chúng ta đọc kinh, nghe pháp liễu giải được chân thật nghĩa của Như Lai, thấu triệt lý Nhân Duyên Quả Báo, đồng thời cũng được chánh tâm và thanh tịnh tâm. Hoặc nếu chúng ta lão thật niệm Phật đạt được tâm thanh tịnh thật sự, tối thiểu là Công Phu Thành Phiến, thì trí tuệ sẽ phát sanh, tức là đồng thời được giác tâm và chánh tâm. Chúng ta chẳng thể nói tâm ta thanh tịnh, trong khi còn mê hoặc điên đảo, chưa giác ngộ, vẫn còn tà tri tà kiến. Chẳng có lý lẽ ấy! Trong nhà Phật, tâm thanh tịnh là tâm giác mà chẳng mê, chánh mà chẳng tà. Do đó, Giác-Chánh-Tịnh tuy ba mà một, tuy một mà ba. Người do nhờ đọc tụng kinh điển Đại thừa mà đại khai viên giải chánh tri chánh kiến, nhất định là người giác ngộ và đồng thời cũng là người thanh tịnh chân chánh. Vì thế, đích xác là tuy ba mà một, tuy một mà ba.

Công phu tu hành thuận tiện nhất, dễ dàng nhất, không gì hơn là cầu Tịnh độ. Cầu Tịnh độ tức là cầu tâm thanh tịnh trong Giác-Chánh-Tịnh. Vì sao? Vì y báo chuyển theo chánh báo: Tâm tịnh thì cõi nước là Tịnh độ, tâm bất tịnh thì cõi nước là Uế độ. Nếu tâm không thanh tịnh mà mong cầu vãng sanh Tịnh độ thì đó là chuyện mê hoặc điên đảo, hoàn toàn trái nghịch với lẽ tự nhiên. Do vậy, Tịnh tông đặc biệt coi trọng tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh đến mức cùng tột thì gọi là Công Phu Thành Phiến cho đến Nhất Tâm Bất Loạn. Chúng ta chẳng thể nói niệm Phật mấy vạn câu mỗi ngày là Công Phu Thành Phiến hay Nhất Tâm Bất Loạn. Tâm thường thanh tịnh, phiền não ít khởi lên, trí huệ thường tăng trưởng, thì đó mới gọi là Công Phu Thành Phiến. Tiến lên một tầng tam-muội cao hơn nữa, khi tâm vĩnh viễn thanh tịnh, vĩnh viễn chẳng khởi động, vĩnh viễn chẳng nhiễm mảy trần, vĩnh viễn trụ trong chân thật huệ, thì đó gọi là Nhất Tâm Bất Loạn. Trí huệ tăng trưởng là giác mà chẳng mê. Mê là phiền não vô minh. Giác là thanh tịnh trí huệ. Tâm thanh tịnh hay tâm giác ngộ nhất định phải là tâm chánh chứ không tà. Vì thế, so với hết thảy các pháp môn khác, đích thực là pháp môn Niệm Phật có chỗ đặc biệt thù thắng hơn hết, lý giải viên mãn, dễ học, dễ hiểu và dễ hành.

Từ lời giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật trong kinh Vô Lượng Thọ và lời dạy bảo của Lục tổ Huệ Năng và trưởng giả Dục Hương, chúng ta có thể thấy đa số người trong Tây Phương Cực Lạc dùng phương thức Chẳng Đi Chẳng Ngồi để tu hành, họ chẳng coi trọng hình thức, chỉ chú trọng tâm thanh tịnh. Người đi, đứng, nằm, ngồi gì mà trong tâm vẫn thường luôn thanh tịnh niệm Phật là người đáng được cung kính bậc nhất, có gì đáng bị chê trách, có gì gọi là tà vạy, chẳng đáng được cung kính? Nếu chúng ta chấp vào cái tướng niệm Phật phải là như thế này thế nọ, thì đó gọi là chấp tướng niệm Phật, chẳng phải là thật tướng niệm Phật. Phật, Tổ dạy rất nhiều phương pháp khác nhau, pháp nào chúng ta thấy dễ dàng nhất để tu thì pháp đó là hay nhất đối với chính mình. Vì do dễ hành nên mới có thể thường hành mà mau đắc định. Lục tổ Đại sư lúc ở Hoàng Mai, suốt tám tháng đầu Ngài nhập định trong lúc đang vất vã làm lụng, giã gạo, bửa củi. Bất luận lúc đi, đứng, ngồi, nằm, hoặc làm việc gì, Ngài cũng đều sống trong định; đấy gọi là Chẳng Đi Chẳng Ngồi Tam-muội.

Trong gia đình và xã hội hiện đại, mọi người đều có bổn phận, đều có công việc vô cùng bận rộn, sức ép bên ngoài rất nặng, nên phương pháp Chẳng Đi Chẳng Ngồi Tam-muội là thuận tiện nhất và thích hợp nhất với người hiện đại. Những người sơ học như chúng ta, tâm chưa định, thể lực không khá, nên trong lúc đang công phu niệm Phật có lúc cảm thấy mệt mỏi, ngủ gật. Lúc xảy ra những trường hợp này, đừng nên tìm chỗ nằm ngủ, cũng đừng cởi áo tràng. Chúng ta có thể tìm một chỗ nào đó, ngồi ngủ một tí, hoặc nửa tiếng hay một tiếng, hễ giật mình tỉnh giấc lại niệm tiếp, cứ tu niệm như vậy lâu ngày cho đến khi tâm thanh tịnh, công phu niệm Phật tự nhiên sẽ đi vào nề nếp, chẳng còn mệt mõi ngủ gật nữa, suốt hai mươi bốn giờ niệm Phật, tinh thần vẫn luôn sung mãn, thì đó gọi là công phu đắc lực hay công phu niệm Phật thành phiến.

Tại núi Linh Nham ở Tô Châu, lúc Thập Tam Tổ Ấn Quang Đại sư còn tại thế, Niệm Phật Đường của Ngài chỉ có một câu Phật hiệu A Di Đà. Từ sáng đến tối, từ mùng Một tháng Giêng đến Ba Mươi tháng Chạp, ngày đêm đều cũng chỉ có một câu Phật hiệu A Di Đà, chẳng hề gián đoạn. Cách niệm ngày đêm không gián đoạn của Ấn Tổ là như thế nào? Ban ngày mọi người luân lưu chia ban niệm Phật, ban đêm họ luân lưu trực ban. Bốn người lập thành một ban, đại khái mỗi ban niệm hai tiếng đồng hồ, cứ thế mà luân lưu. Người trực ban phải đến niệm Phật, còn người không trực ban có thể tùy hỷ, nếu thích niệm thì cứ đến niệm theo, nếu không muốn niệm thì có thể trở về liêu phòng nghỉ ngơi. Khi bước vào Niệm Phật Đường của Ấn Tổ, kinh cũng không xem, chú cũng không niệm, hồi hướng cũng chẳng có, chỉ thuần là niệm Phật với mục đích đắc thiền định. Đại chúng nào muốn tụng kinh, niệm chú thì vào Đại Hùng Bảo Điện, nơi đó có thời khóa sáng tối để tụng kinh, niệm chú v.v… Tùy ý mỗi người có thể chọn lấy một thất, hai thất cho đến bảy thất làm kỳ hạn công phu. Hành giả có thể chọn tu từ một đến sáu thất, sau khi tu xong thì đi về nhà, chỉ có người hoàn tất bảy thất mới có một buổi đại hồi hướng. Cách niệm Phật này của Ấn tổ có thể gọi là Chẳng Đi Chẳng Ngồi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1489 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sen búp dâng đời


Kinh Đại Bát Niết-bàn


Pháp bảo Đàn kinh


Phù trợ người lâm chung

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.236.112.101 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành ... ...

Việt Nam (260 lượt xem) - Hoa Kỳ (24 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...