Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục bài chia sẻ Phật pháp lần thứ hai. Tuy nhiên, trước khi đi vào những nội dung tiếp theo, chúng tôi muốn nêu ra một vài câu hỏi để cộng đồng cùng trao đổi ý kiến.
Thứ nhất, như chúng ta đã cùng tìm hiểu về năm căn lành như năm nhân tố thiết yếu cho sự tu tập, nhưng nếu như phải chọn ra một nhân tố quan trọng nhất trong số đó, theo quý vị thì nên chọn nhân tố nào?
Thứ hai, theo quý vị thì chúng ta nên tuần tự tu tập các căn lành này theo một thứ tự nhất định, hay nên tu tập đồng thời tất cả năm căn lành?
Xin quý vị gửi ý kiến, nhận thức chia sẻ của bản thân mình về cho chúng tôi qua địa chỉ email: nguyenminh@pgvn.org. Chúng tôi sẽ tham khảo, tổng hợp và chia sẻ cùng cộng đồng trong lá thư tuần tới.
Bây giờ, chúng ta tiếp tục với các pháp tu tập khác trong 37 phẩm trợ đạo, hay 37 phần Bồ-đề như đã nói.
Trước hết, khi đã gieo trồng tấn căn hay căn lành tinh tấn, chúng ta cần tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển căn lành này bằng bốn pháp tu được gọi là tứ chánh cần, hay bốn sự chuyên cần chân chánh. Bốn pháp tu này sẽ bao gồm tất cả những việc mà chúng ta nên làm hoặc không nên làm và được trình bày ngắn gọn như sau:
Thứ nhất, đối với các điều xấu ác đã lỡ phạm vào, phải tinh tấn chuyên cần nỗ lực dứt trừ.Thứ hai, đối với các điều xấu ác chưa phạm vào, phải tinh tấn chuyên cần nỗ lực ngăn ngừa.Thứ ba, đối với các điều hiền thiện chưa làm được, phải tinh tấn chuyên cần nỗ lực để làm.Thứ tư, đối với các điều hiền thiện đã làm được, phải tinh tấn chuyên cần nỗ lực để tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa.Pháp chánh cần thứ nhất là cực kỳ quan trọng và cũng là điểm khởi đầu của hầu hết chúng ta, bởi vì đa số chúng ta đến với sự tu tập không phải như một con người thánh thiện, thuần khiết. Mỗi người chúng ta đều có thể đã và đang có những lỗi lầm, những khuyết điểm trong ứng xử. Và điều đó là hết sức bình thường, như Al-exander Pope từng nói: “To err is human.” (Con người ai ai cũng có lỗi.) Thế nhưng, vấn đề của con người lại chính là phải nhận biết lỗi của mình để sớm dứt trừ và tự hoàn thiện, chứ không phải chấp nhận lỗi như một hiện tượng bình thường rồi nuôi dưỡng mãi mãi những thói hư tật xấu. Do vậy, điểm khởi đầu tu tập thiết thực và hiệu quả nhất chính là nỗ lực nhận biết những lỗi lầm mình đã mắc phải và dứt trừ đi.
Một người nghiện thuốc lá có thể sẽ tiếp tục hút thuốc lá cho đến suốt đời, gây khổ cho tự thân với những căn bệnh do hút thuốc gây ra, nhưng đồng thời cũng làm khổ những người thân và cộng đồng chung quanh bởi thói xấu của mình. Tuy nhiên, nếu tự mình không nhận thức được hút thuốc lá là một điều xấu, vẫn luôn cho đó là một việc rất bình thường thì chắc chắn sẽ không bao giờ có thể bỏ thuốc lá. Ngược lại, nếu có sự nỗ lực chuyên cần nhận biết tất cả những tác hại cho bản thân mình và người thân chung quanh thì bất kỳ người nghiện thuốc lá nào cũng đều có thể bỏ thuốc lá.
Từ một điểm nhỏ này mà suy rộng ra thì tất cả những thói hư tật xấu nào mà chúng ta đã mắc phải từ trước cũng đều có thể nỗ lực dứt trừ.
Các pháp chuyên cần thứ hai, thứ ba và thứ tư cũng đều tương tự như vậy, nghĩa là đều phải khởi đầu từ sự nhận thức đúng đắn để khởi tâm tinh tấn chuyên cần nỗ lực thực hiện theo đúng như sự nhận thức đúng đắn đó. Chẳng hạn, nhận thức được một điều là xấu ác thì phải nỗ lực ngăn ngừa, không để tự thân mình mắc phải. Nhận thức được một điều là tốt đẹp, hiền thiện thì phải cố gắng, nỗ lực thực hiện cho bằng được. Nhận thức được một điều đang làm là tốt đẹp, hiền thiện thì phải nỗ lực tiếp tục duy trì và làm nhiều hơn nữa.
Kinh Pháp cú có một bài kệ tóm gọn lại những ý nghĩa trên:
Chư ác mạc tác,Chúng thiện phụng hành,Tự tịnh kỳ ý,Thị chư Phật giáo.Không làm các việc ác,Thành tựu mọi hạnh lành,Giữ tâm ý trong sạch,Chính lời chư Phật dạy.“Tâm ý trong sạch” chính là điều kiện để phát sinh trí tuệ, giúp chúng ta nhận thức đúng đắn và phân biệt được giữa những điều thiện hay ác, tốt hay xấu, nên làm hay không nên làm. Và sự tu tập như thế nào để “tự tịnh kỳ ý” cũng sẽ được chúng ta tìm hiểu trong những bài chia sẻ về sau.
Riêng trong bài hôm nay, chúng ta chỉ cần cố gắng ghi nhớ và suy ngẫm về bốn pháp chuyên cần chân chánh. Điều này nếu được thực hiện một cách nghiêm túc chắc chắn sẽ có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta theo hướng tốt đẹp hơn.