Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Nhân vật Phật giáo »» Hai vị Bồ Tát Thế Thân và Vô Trước »»

Nhân vật Phật giáo
»» Hai vị Bồ Tát Thế Thân và Vô Trước

Donate

(Lượt xem: 7.396)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Hai vị Bồ Tát Thế Thân và Vô Trước

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Biên soạn từ một số tư liệu Hán & Anh)

BỒ TÁT THẾ THÂN (VASUBANDHU)

Tên Phạn ngữ của ngài là Vasubandhu, tiếng Tây Tạng dịch là Dbyig-gden, các nhà Cựu dịch Hán văn thì dịch âm là Bà-tẩu-bàn-đậu (婆藪槃豆), dịch nghĩa là Thiên Thân (天親), các nhà Tân dịch thì dịch âm là Phạt-tô-bạn-độ (伐蘇畔度), dịch nghĩa là Thế Thân (世親). Ngoài ra còn có những cách đọc khác nữa như Phạt-tô-bàn-đậu (筏蘇槃豆), Phạt-tô-bạn-đồ (筏蘇畔徒), Bà-tẩu-bàn-đầu (婆藪槃頭), Bà-tu-bàn-đầu (婆修槃頭), đều là phiên âm từ chữ Vasubandhu. Sách Tây vực ký (西域記), quyển 5 có chép rằng: “Bồ Tát Phạt-tô-bạn-độ, người đời Đường gọi là Thế Thân. Xưa kia đọc là Bà-tẩu-bàn-đậu, dịch là Thiên Thân...”

Ngài ra đời khoảng 900 năm sau khi Phật diệt độ, tức là vào khoảng thế kỷ 4 hoặc thế kỷ 5, ở nước Kiền-đà-la (犍馱羅 - Gandhāra) thuộc miền Bắc Ấn Độ, thọ 80 tuổi, viên tịch ở nước A-du-đà (阿踰陀).

Ngài là tác giả bộ luận Câu-xá (俱舍) của Phật giáo Tiểu thừa, nhưng cũng chính là một học giả cực kỳ quan trọng của Du-già hành phái (瑜伽行派) thuộc Đại thừa. Ngài cùng với người anh là Vô Trước (無著) được xem như hai nhân vật trung tâm của phái này.

Việc nghiên cứu về cả hai ngài Thế Thân và Vô Trước hiện nay không có nhiều tài liệu cổ đáng tin cậy. Tài liệu có niên đại cổ nhất và đáng tin cậy nhất là quyển Bà-tẩu-bàn-đầu Pháp sư truyện (婆藪槃豆法師傳), do ngài Chân Đế (真諦 – Paramārtha) dịch sang Hán ngữ. Ngài Chân Đế được xác định là sinh năm 499 và mất năm 569, nên tài liệu này có khả năng gần nhất với thời điểm ra đời của 2 vị Thế Thân và Vô Trước. Hầu hết các sách có nội dung liên quan đến 2 ngài Thế Thân và Vô Trước được biên soạn sau này đều dựa vào những gì đã ghi trong dịch phẩm của ngài Chân Đế. Sách này đã được J. Takakusu dịch sang Anh ngữ với nhan đề The Life of Vasubandhu by Paramārtha (T’oung-pao, 1904).

Ban đầu, ngài Thế Thân xuất gia theo phái Thuyết nhất thiết hữu bộ (說一切有部) thuộc Tiểu thừa, hành trì theo kinh sách Tiểu thừa. Ngài học rộng biết nhiều, thông minh xuất chúng, đã từng trước tác rất nhiều sách luận Tiểu thừa, trong đó nổi bật nhất là bộ luận Câu-xá (俱舍). Bộ luận này tỏ rõ thái độ “lý trưởng vi tông” (理長爲宗), nhưng không hoàn toàn đứng trên lập trường của phái Thuyết nhất thiết hữu bộ. Theo đây mà thấy thì những quan điểm trọng yếu của ngài có phần nào khác với Thuyết nhất thiết hữu bộ mà nghiêng về Kinh lượng bộ (經量部). Do ở điểm này mà những lý luận nhân quả, mê ngộ trong bộ luận này đã được lịch sử khẳng định là vẫn tồn tại qua thời gian. Luận này không chỉ được người đương thời ngợi khen là một bộ luận thông minh, mà mãi cho đến nay vẫn còn đông đảo những người trong giới học Phật ưa thích tìm đọc.

Sau nhiều năm hoằng truyền giáo nghĩa Tiểu thừa, ngài nhờ có người anh là Vô Trước hết lòng khuyên bảo, chỉ dạy nên mới hồi tâm quay sang Đại thừa, trở thành một bậc kiện tướng của Phật giáo Đại thừa. Bấy giờ không chỉ các học giả Phật giáo Đại, Tiểu thừa, mà cả những học giả ngoại đạo một khi đối đáp với ngài cũng đều tỏ ra hết lòng kính phục, sợ sệt. Vì thế mà ngài được vị quốc vương đương thời là vua Siêu Nhật (超日 - Vikramāditya) cùng với giai cấp quý tộc đều thành tâm hộ trì.

Từ sau khi ngài chuyển sang theo Đại thừa, đem hết toàn lực để hoằng dương học thuyết Du-già, Duy thức học. Tương truyền ngài trước tác có đến cả ngàn bộ luận, nên người thời ấy tôn xưng là Thiên bộ luận sư (千部論師). Ngoài bộ luận Câu-xá đã nói trên, còn có các bộ Duy thức nhị thập tụng (唯識二十頌), Duy thức tam thập tụng (唯識三十頌), Thập địa kinh luận (十地經論), Vô lượng thọ kinh Ưu-ba-đề-xá nguyện sanh kệ (無量壽經優波提舍願生偈), Tịnh độ luận (淨土論)... và nhiều bộ khác nữa, đều có ảnh hưởng rất sâu rộng đến hậu thế, như các tư tưởng của ngài chính là nền tảng cho Duy thức tông, Địa luận tông và Tịnh độ tông ở Trung Hoa. Trong lịch sử tư tưởng Phật giáo, ngài là người có những trước tác làm thay đổi, chuyển biến lịch sử, quả đúng là một nhà tư tưởng vĩ đại.

Bàn về niên đại, năm sinh năm mất của ngài, các học giả có nhiều ý kiến rất khác nhau, có người cho là ngài sinh khoảng năm 420, mất năm 500 (J. Takakusu - A Study of Paramārtha's Life of Vasubandhu, JRAS, 1905), có người cho là ngài sinh năm 390, mất năm 470 (U. Wogihara - Asanga's Bodhsiattvabhūmi, 1908), có người cho là ngài mất năm 350 (N. P e/ri - A props de la date de Vasubandhu, BEFE O. 11), có người cho là ngài sinh năm 320 và mất năm 400 (Vũ Tỉnh Bá Thọ - Ấn Độ triết học sử, 1932), cho đến có người cho rằng ngài sinh năm 320 và mất năm 380 (E. Frauwallner - On the Date of the Buddhist Master of the Law Vasubandhu – Rome, 1951).

Ngoài ra cũng có thuyết cho rằng trong kinh điển có nhắc đến một vị cũng tên là Vasubandhu nhưng không phải là Bồ Tát Thế Thân. Chẳng hạn như trong Tạp A-tỳ-đàm tâm luận (雜阿毗曇心論), quyển nhất, có nói đến “Vô y hư không luận sư” (無依虛空論師), Cảnh Đức truyền đăng lục (景德傳燈錄), quyển 2, có nói đến “Phó pháp tạng đệ nhị thập nhất tổ” (付法藏第二十一祖), đều cho là mang cùng tên Vasubandhu, nhưng có khả năng đây không phải là người em của ngài Vô Trước. Thậm chí có học giả còn cho rằng trong số các sách luận của Du-già hành tông mang tên ngài Thế Thân, có khả năng không phải là do cùng một người đã trước tác. Những điều này hiện vẫn còn là nghi vấn. Sau đây là một vài trích dẫn cho thấy các quan điểm nghi vấn này:

1. Sách Duy thức tư tưởng (唯識思想) của học giả Nhật Bản Tề Cốc Hiến Chiêu (劑穀憲昭) (Lý Thế Kiệt dịch) có bài Du-già hành phái đích văn hiến (瑜伽行派的文獻), lập luận rằng: “Cứ theo truyện của ngài Thế Thân thì ngài là em trai của ngài Vô Trước, kế thừa tư tưởng của anh đồng thời thiết lập những nền móng cơ sở cho sự phát triển của Du-già hành phái. Theo đây mà nói thì ngài phải là người nắm rõ mọi quan điểm trọng yếu của phái này. Ban đầu ngài xuất gia với phái Thuyết nhất thiết hữu bộ, thông hiểu giáo nghĩa truyền thống Tỳ-bà-sa (毗婆沙), đích thật là học giả thông hiểu luận A-tỳ-đạt-ma (阿毗達磨). Về sau, ngài mang những giáo nghĩa này, theo lập trường của Kinh lượng bộ (經量部) mà phê phán, chỉnh lý, viết thành bộ A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận (阿毗達磨俱舍論 - Abhidharmakośa-śāstra). Từ sau tác phẩm này, ngài nghiêng về theo Kinh lượng bộ. Nhưng cuối cùng, do sự cảm hóa của người anh là Vô Trước mà ngài chuyển hướng sang Phật giáo Đại thừa. Từ sau khi chuyển hướng theo Đại thừa, trước tác tiêu biểu của ngài có khả năng là bộ Duy thức tam thập tụng (唯識三十頌). Nhưng trong tác phẩm này lại nhiều lần thấy xuất hiện các yếu tố quan điểm của Kinh lượng bộ, như sự chuyển biến của thức chẳng hạn. Khi so với các tác phẩm đích thật của Thế Thân được cho là học từ Bồ Tát Di-lặc, như Đại thừa trang nghiêm kinh luận (大乘莊嚴經論 - Mahāyāna-sūtrālaṃkāra), Trung biên phân biệt luận (中邊分別論 - Madhyānta-vibhāga-ṭīkā), Pháp pháp tánh phân biệt luận (法法性分別論 - Dharmadharmatā-vibhāga) hoặc như các chú thích trong bộ Nhiếp Đại thừa luận (攝大乘論 - Mahāyāna-saṃgraha) của ngài Vô Trước, thì hoàn toàn không thấy có bóng dáng các yếu tố của Kinh lượng bộ. Như vậy, khi so với truyện kể về ngài Thế Thân thì có chỗ sai khác, có thể nảy sinh nghi vấn. Nếu như người trước tác A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, Đại thừa Thành nghiệp luận (大乘成業論 - Karmasiddhi-prakaraṇa), Duy thức nhị thập tụng, Duy thức tam thập tụng... là những tác phẩm có yếu tố của Kinh lượng bộ, quả đúng là Thế Thân, thì so sánh với vị Thế Thân được anh trai là Vô Trước cảm hóa, sau đó hiểu thấu được tư tưởng của Vô Trước để chú thích tác phẩm của ngài, phải là hai người khác nhau chứ không phải một. Quan điểm này trước đã được một học giả người Áo là E. Frauwallner đưa ra, sau đó lại được một học giả khác là L. Schmithausen tiếp tục củng cố, cho rằng quả thật có hai vị Thế Thân khác nhau. Đa số các học giả Nhật Bản đều nhận là chỉ có một vị Thế Thân, nhưng vẫn có một số tin vào giả thuyết có hai người khác nhau.”

2. Sách Ấn Độ Phật học nguyên lưu lược giảng (印度佛學源流略講) của Lữ Trừng (呂澄), trích bài giảng thứ 5: “Những trước tác của ngài Thế Thân để so sánh với nhau có rất nhiều. Những tác phẩm được cho là phát huy học thuyết của ngài Di-lặc thì có Đại thừa trang nghiêm kinh luận thích (大乘莊嚴經論釋 - Mahāyāna-sūtrālaṃkāra), Biện trung biên luận thích (辯中邊論釋 - Madhyānta-vibhāga-ṭīkā), Kim cang kinh luận thích (金剛經論釋); những tác phẩm giảng giải, chú thích tác phẩm của ngài Vô Trước thì có Nhiếp Đại thừa luận thích (攝大乘論釋), Tập định luận thích (習定論釋); tự giảng thuật quan điểm của riêng mình thì chủ yếu là các tác phẩm Thành nghiệp luận (成業論 - Karmasiddhi-prakaraṇa - phê phán quan điểm về nghiệp của Tiểu thừa) Nhị thập Duy thức luận (二十唯識論 - có 20 bài tụng, viết ra và tự giảng giải, chú thích), Tam thập Duy thức luận (三十唯識論 – chỉ có 30 bài tụng, không có phần giải thích, rất có thể là tác phẩm lúc cuối đời), đều là các tác phẩm rất quan trọng. Ngoài ra còn có rất nhiều chú thích các kinh điển Đại thừa, như giải thích về hệ thống Hoa nghiêm thì có Thập địa kinh luận (十地經論), từ sau khi được dịch sang chữ Hán đã tạo ra một ảnh hưởng rất lớn, thậm chí đã xuất hiện một loạt các vị “địa luận sư” (những người chuyên nghiên cứu luận này); bản chú giải kinh Vô lượng thọ sau khi dịch sang chữ Hán đã trở thành kinh điển căn bản của Tịnh độ tông tại Trung Hoa. Ngoài ra còn có chú thích kinh Pháp hoa, kinh Duyên khởi pháp môn, kinh Vô Tận Ý, kinh Bảo Kế... Liên hệ với người trước tác bộ Câu-xá luận của Tiểu thừa thì thấy không thể có được một ảnh hưởng lớn lao đến mức tạo ra cả một thời kỳ học thuật như thế...”

Phật Quang Từ điển cũng ghi nhận quan điểm cho là có hai người cùng tên Thế Thân. Từ điển này phân tích rõ thành 2 người khác nhau như sau:

1. Căn cứ Phó pháp tạng nhân duyên truyện (付法藏因緣傳), quyển 6 và Cảnh Đức truyền đăng lục (景德傳燈錄), quyển 2 có ghi chép về ngài Bà-tu-bàn-đầu (Vasubandhu) hay Thế Thân như sau: Ngài là Tổ sư đời thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ, người ở thành La Duyệt (羅閱 - Rājagṛha, tức thành Vương-xá 王舍, thuộc nước Ma-kiệt-đà 摩竭陀), tên là Tỳ-xá-khư (毘舍佉 - Viśākhā), cha ngài tên là Quang Cái (光蓋), mẹ tên là Nghiêm Nhất (嚴一), nhà rất giàu có nhưng không con nối dõi. Cha mẹ ngài thường đến tháp Phật cúng dường lễ kính cầu sinh con. Một đêm, mẹ ngài nằm mộng thấy hai hạt châu, một sáng một tối, tỉnh dậy liền biết mình đã có thai. Sau quả nhiên sinh ra ngài. Năm 15 tuổi, ngài xin xuất gia với La-hán Quang Độ (光度), được Bồ Tát Tỳ-bà-ha (毘婆訶) truyền giới. Trước khi gặp được Tổ thứ 20 là Tôn giả Xà-dạ-đa (闍夜多 - Śayata), ngài thường ngày chỉ ăn một bữa, ngày đêm tinh tấn lễ Phật, chẳng khi nào đặt lưng nằm xuống, luôn giữ lòng thanh tịnh không ham muốn, là mẫu mực được đại chúng nương theo. Ngài Xà-dạ-đa du hóa đến thành La Duyệt, vì muốn độ Bà-tu-bàn-đầu nên một hôm nói trước chúng rằng: “Ta không cầu đạo, cũng không điên đảo; ta không lễ Phật, cũng không khinh mạn; ta không thường nằm, cũng không giải đãi; ta không ăn ngày một bữa, cũng không ăn hỗn tạp; ta không biết đủ, cũng không tham muốn. Tâm không có chỗ mong cầu, đó gọi là đạo.” Ngài Bà-tu-bàn-đầu vừa nghe xong thì phát sinh trí tuệ vô lậu, sau được ngài Xà-dạ-đa truyền y bát làm Tổ sư đời thứ 21, rộng truyền kinh tạng hóa độ rất nhiều người. Sau ngài đến nước Na-đề (那提) truyền pháp cho ngài Ma-nô-la (摩拏羅) là Tổ đời thứ 22.

2. Vị Vasubandhu thứ hai là tác giả bộ Câu-xá luận, là một trong những người đầu tiên sáng lập Du-già hành phái. Ngài ra đời vào khoảng thế kỷ 4 hoặc thế kỷ 5, người ở thành Phú-lâu-sa-phú-la (富婁沙富羅 - Purṣapura) (Trung Quốc Phật giáo bách khoa thư ghi là thành Bố-lộ-sa - 布路沙 - Puruṣa, có lẽ cũng chính là thành này, nay là Peshawar) thuộc nước Kiện-đà-la (健馱邏 - Gandhāra), miền Tây Bắc Ấn Độ (nay là Pakistan), là con thứ hai của vị quốc sư Bà-la-môn tên là Kiêu-thi-ca (憍尸迦 - Kausika). Gia đình bà-la-môn này có 3 người con trai, đều đặt tên là Vasubandhu. Tuy nhiên, về sau thì người con trưởng được biết đến với tên Asaṅga, tức là ngài Vô Trước (無著), người con thứ hai giữ nguyên tên gọi Vasubandhu, tức là ngài Thế Thân, còn người con trai út lấy tên là Viriđcivatsa, xuất gia theo Tát-bà-đa bộ (薩婆多部 – Sarvāstivādāḥ) và chứng quả A-la-hán. Chúng ta không biết được gì thêm về vị này. Ban đầu, ngài Thế Thân cùng với người anh là Vô Trước (無著- Asaṅga) xuất gia theo phái Tát-bà-đa bộ (薩婆多部 – Sarvāstivādāḥ, cũng gọi là Hữu bộ hay Thuyết nhất thiết hữu bộ). Ngài Vô Trước sau đó tức thời tin theo Đại thừa, còn ngài Thế Thân lại theo Kinh lượng bộ (經量部 - Sautrantika), lập chí muốn cải thiện giáo nghĩa của Hữu bộ. Sau ngài đến nước Ca-thấp-di-la (迦濕彌羅 - Kaśmira) nghiên cứu Đại Tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論 - Abhidharma-mahāvibhāṣā-śa-stra). Bốn năm sau ngài trở về nước giảng thuyết rộng rãi luận Tỳ-bà-sa, và trước tác bộ A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận (阿毘達磨俱舍論 - Abhidharmakośa-śāstra). Ban đầu ngài chống đối Phật giáo Đại thừa, cho rằng không phải do Phật thuyết dạy. Sau được ngài Vô Trước dùng phương tiện khai thị mới nhận hiểu được giáo nghĩa của Đại thừa, liền chuyển hướng tin theo, lại hết sức hoằng dương giáo nghĩa Đại thừa. Những trước tác của ngài có rất nhiều, trong số đó có Câu-xá luận 30 quyển, Nhiếp đại thừa luận thích 15 quyển, Thập địa kinh luận 12 quyển, Kim cang bát-nhã ba-la-mật kinh luận, Quảng bá luận, Bồ-đề tâm luận, Tam thập Duy thức luận tụng, Đại thừa bách pháp minh môn luận, Vô lượng thọ kinh ưu ba đề xá...

Tuy ghi chép như trên, nhưng Phật Quang Từ điển cũng đồng thời ghi nhận quan điểm của các học giả hiện đại cho rằng vị Thế Thân viết Câu-xá luận và vị Thế Thân em trai ngài Vô Trước là hai người khác nhau. Người thứ nhất là luận sư của Thuyết nhất thiết hữu bộ, người thứ hai là luận sư của Du-già hành phái.

Theo đây mà xét thì vị Thế Thân ra đời trước là con trai của Kiêu-thi-ca, em trai ngài Vô Trước, người ở thành Purṣapura, xuất gia theo Thuyết nhất thiết hữu bộ, sau chuyển sang Đại thừa. Niên đại vị này nằm trong khoảng 320 cho đến 380. Các bộ luận Đại thừa là do vị này trước tác.

Vị Thế Thân ra đời sau có niên đại không rõ lắm, đã từng theo học với thầy là Phật-đà-mật-đa-la (佛陀蜜多羅 - Buddhamitra) thuộc Hữu bộ, nhưng sau lại nghiêng theo Kinh lượng bộ. Theo truyền thuyết, vị này được vua Chánh cần nhật (正勤日) và thái tử là Bà-la-dật-để-dã (婆羅袟底也- Bālāditya) hết sức tôn kính cúng dường. Niên đại của vị này vào khoảng năm 400 cho đến 480. Bộ Câu-xá luận là do vị này trước tác.

Tham khảo tư liệu ở các sách Đại đường tây vực ký (大唐西域記) quyển 5, Lịch đại Tam bảo kỷ (歷代三寶紀) quyển 9, Đại Từ Ân tự Tam tạng pháp sư truyện (大慈恩寺三藏法師傳) quyển 2, Khai nguyên thích giáo lục (開元釋教錄) quyển 7, Thích-ca phương chí (釋迦方志) quyển thượng, và E. Frauwallner - On the Date of the Buddhist Master of Law Vasubandhu, Serie Orientale Roma III, 1951.

Sách Đại Đường Tây vực ký (大唐西域記), quyển 5, tờ thứ 11 chép chuyện ngài chuyển sang Đại thừa như sau:

“Từ chỗ nền cũ giảng đường của ngài Vô Trước đi về hướng tây bắc khoảng 13 km thì đến một ngôi chùa cổ, phía bắc giáp sông Căng-già. Trong khuôn viên chùa có một ngọn tháp xây bằng gạch nung cao hơn 33 mét. Đây là nơi mà Bồ Tát Thế Thân bắt đầu phát tâm Đại thừa.

Bồ Tát Thế Thân từ miền Bắc Ấn đến đây. Lúc ấy, Bồ Tát Vô Trước bảo người đệ tử của ngài ra chờ đón. Khi đến chùa này, hai bên gặp nhau, người đệ tử của ngài Vô Trước đêm ấy nghỉ bên ngoài cửa sổ, [nhường phòng cho ngài Thế Thân], sau lúc nửa đêm tụng kinh Thập Địa. Ngài Thế Thân nghe kinh rồi, cảm động tỉnh ngộ, sinh tâm hối tiếc, nghĩ rằng: “Giáo pháp thậm thâm vi diệu, xưa nay ta chưa từng được nghe, lại sai lầm mắc tội phỉ báng, cũng là do nơi tấc lưỡi này. Lưỡi này là nguồn gốc của tội [phỉ báng], nay phải cắt bỏ.”

Nghĩ rồi liền cầm dao sắc lên, muốn tự cắt lưỡi, chợt thấy ngài Vô Trước đã đứng trước mặt, bảo rằng: “Giáo pháp Đại thừa là lý lẽ chân thật tột cùng, chư Phật đều tán thán, các bậc hiền thánh đều noi theo đó làm tông chỉ. Anh có ý muốn răn dạy nhưng em đã tự hiểu ra rồi. Có thể nhận hiểu đúng lúc như vậy thì còn gì tốt đẹp hơn? Theo lời Phật dạy thì cắt lưỡi không phải là cách để sám hối. Trước đây đã dùng lưỡi để hủy báng Đại thừa, nay hãy dùng lưỡi ấy để ngợi khen xưng tán Đại thừa, tự sửa lỗi mình để hoàn thiện hơn, đó mới là điều tốt. [Cắt lưỡi đi rồi] ngậm miệng không nói thì có ích gì đâu?”

Lời nói vừa dứt thì hốt nhiên chẳng thấy người đâu nữa. Ngài Thế Thân vâng lời dạy, thôi không cắt lưỡi nữa. Sáng ra liền tìm đến chỗ ngài Vô Trước xin học giáo pháp Đại thừa. Từ đó nghiên cứu tinh chuyên tư tưởng, soạn luận Đại thừa đến hơn trăm bộ, tất cả đều được lưu hành rộng rãi.”

Trong bộ luận “Đại thừa Bách pháp minh môn”, ngài Thế Thân khéo thâu tóm cả vũ trụ vạn hữu mà trình bày thành 5 loại. Đó là: tâm pháp (心法), tâm sở hữu pháp (心所有法), bất tương ưng hành pháp (不相應行法), sắc pháp (色法) và vô vi pháp (無為法).

Tâm pháp là lấy tâm (các hiện tượng tinh thần) làm chủ thể, bao gồm cả 8 thức là nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na thức và a-lại-da thức.

Tâm sở hữu pháp là chỉ các công năng, tác dụng của tâm, bao gồm cả ngũ căn (nhãn căn, nhĩ căn, tị căn, thiệt căn và thân căn) và ngũ cảnh cùng với mọi đối tượng của ý thức (gồm 11 loại hiện tượng).

Bất tương ưng hành pháp được phân biệt như một loại hiện tượng riêng biệt, không phải tinh thần, không phải vật chất.

Ngài lại tách riêng ba pháp vừa nói trên để giả lập cái gọi là hữu vi pháp (sắc pháp), bao quát hết thảy 24 loại hiện tượng.

Về vô vi pháp, ngài mô tả đó là “các hiện tượng không sinh, không đến” (不生不來的現象), là “lẽ trạm nhiên thường trụ của các pháp” (湛然常住的理法). Trong đó lại bao gồm có 6 loại vô vi pháp là:

1. Hư không vô vi (虛空無為), cảnh giới nhận biết rõ chân lý như hư không;
2. Trạch diệt vô vi (擇滅無為), cảnh giới tinh thần đạt đến trí huệ tốt đẹp;
3. Phi trạch diệt vô vi (非擇滅無為), cảnh giới đã vượt qua mọi sự thần bí để trực nhận được chân lý;
4. Bất động diệt vô vi (不動滅無為), cảnh giới đã vượt qua sự tĩnh tâm suy xét sâu xa, đối với những việc khổ hay vui đều không lay động;
5. Tưởng thọ diệt vô vi (想受滅無為), cảnh giới đã dứt sạch hết thảy mọi quan niệm, cảm giác, trực nhận được chân lý hiển hiện.
6. Chân như vô vi (真如無為), cảnh giới tinh thần đã đạt đến chân lý.

Nhìn chung, quan điểm được trình bày trong Bách pháp minh môn có thể tóm gọn như sau: Tâm là tự thể của thức, tâm và thức tương ưng; sắc là sự biến hiện của tâm và thức, bất tương ưng hành pháp là những hiện tượng giả lập không thuộc về tâm và sắc; vô vi pháp chính là do nơi các pháp khác dứt sạch sự ô nhiễm mà trở thành thanh tịnh (斷染成淨 – đoạn nhiễm thành tịnh), là kết quả rốt ráo, cuối cùng. Vô vi pháp lấy thức làm căn bản, đó là chân lý viên mãn tối cao vậy.

Trong bộ Phật tánh luận (佛性論), ngài đưa ra thuyết về 5 tánh khác biệt của tất cả chúng sinh, theo đó phân ra thành thanh văn chủng tánh, độc giác chủng tánh, như lai chủng tánh, bất định chủng tánh và vô chủng tánh. Cả năm tánh này đều là do các chủng tử tiềm tàng trong a-lại-da thức, và các chủng tử này là do việc làm thiện ác của mỗi cá nhân tạo ra. Sự khác biệt giữa các chủng tử tạo thành sự khác biệt trong kết quả tu trì của mỗi loại chúng sinh: thanh văn chủng tánh có thể chứng đắc quả a-la-hán, độc giác chủng tánh có thể chứng đắc quả Bích-chi Phật, như lai chủng tánh có thể chứng đắc quả Phật, bất định chủng tánh không thể xác định trước, có thể tu chứng một trong ba quả vị vừa nói trên. Riêng các hữu tình vô tánh chỉ chứa toàn các chủng tử hữu lậu nên do đó mà phải chịu sự trói buộc trong nghiệp báo luân hồi, dù có khó nhọc tu trì cũng không thể chứng đắc. Thuyết về 5 tánh khác biệt này có vẻ như tương quan rất mật thiết với quan điểm của Ấn Độ vào thời cổ đại.

Các trước tác của ngài có rất nhiều. Ngoài những sách đã kể trên còn có các bộ quan trọng là Đại thừa ngũ uẩn luận (大乘五蘊論), Chỉ quán môn luận tụng (止觀門論頌), Trung biên phân biệt luận (中邊分別論), Lục môn giáo thọ tập định luận (六門教授習定論), Kim cang Bát-nhã kinh luận (金剛般若經論)... Ngoài ra, ngài còn chú thích rất nhiều kinh điển như Diệu pháp liên hoa kinh (妙法蓮華經), Vô lượng thọ kinh (無量壽經), Thập địa kinh (十地經), Bảo kế kinh (寶髻經), Thắng tư duy Phạm thiên sở vấn kinh (勝思惟梵天所問經)... Theo truyện ghi lại thì ngài còn có trước tác 3 bộ Luận quỹ (論軌), Luận thức (論式), Luận tâm (論心)... nhưng bản Phạn văn đã mất, cũng không có bản dịch Hán văn, chỉ do nơi các trích dẫn trong những kinh sách khác mà biết được ít nhiều mà thôi.

Về những người kế thừa học thuyết của ngài Thế Thân, có các thuyết khác nhau. Trong Thành duy thức luận thuật ký (成唯識論述記) nói là có 10 vị: Hộ Pháp (護法), Đức Huệ (德慧), An Huệ (安慧), Thân Thắng (親勝), Nan-đà (難陀), Tịnh Nguyệt (淨月), Hỏa Biện (火辨), Thắng Hữu (勝友), Thắng Tử (勝子) và Trí Nguyệt (智月). Nhưng theo sách Tây Tạng thì chỉ có 4 vị là An Huệ (安慧), Trần-na (陳那), Đức Quang (德光), Giải thoát quân (解脫軍).

BỒ TÁT VÔ TRƯỚC (ASAṄGA)

Tên Phạn ngữ của ngài là Asaṅga, tiếng Tây Tạng đọc là Thogs-pa-med, Hán dịch âm là A-tăng-già (阿僧伽), dịch nghĩa là Vô Trước (無著), cũng dịch là Vô Chướng Ngại (無障礙). Ngài là anh trai của Bồ Tát Thế Thân và là Tổ sư của Pháp tướng tông (法相宗).

Sách Ngũ Đăng hội nguyên (五燈會元) quyển 20 có chép chuyện thiền sư Vô Trước là người ở Hàng Châu, đời Đường, hoàn toàn không có liên quan với Bồ Tát Vô Trước. Vị này tên là Văn Hỷ (文喜), đắc pháp với thiền Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, viên tịch vào niên hiệu Quang Hóa thứ ba (900), thọ 80 tuổi.

Bồ Tát Vô Trước sinh ở thành Phổ-lỗ-hạ-phổ-lạp (普魯夏普拉 - Puruṣa-pura, cũng đọc là Bố-lộ-sa-bố-la - 布路沙布邏) nước Kiền-đà-la (犍馱羅 - Gandhāra) thuộc miền Bắc Ấn Độ, vào khoảng thế kỷ 4 hoặc thế kỷ 5. Niên đại không thể xác định chắc chắn, có thuyết cho là ngài sinh năm 310, mất năm 390; có thuyết khác cho là ngài sinh năm 395 và mất năm 470. Ngài cùng với người em là Bồ Tát Thế Thân đã trở thành hai nhân vật giữ vai trò trọng yếu trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ.

Ban đầu ngài xuất gia theo Hóa địa bộ (化地部 - Mahiśāsaka), nhưng cũng có thuyết cho là Tát-bà-đa bộ (薩婆多部 - Sarvāstivāda), nhưng giáo nghĩa của bộ phái này không thể làm cho ngài thỏa mãn. Khi ngài đem hết tâm ý để suy xét nghĩa không theo giáo nghĩa của bộ này mà vẫn không thể nhận hiểu được, liền thất vọng muốn tự sát. Bấy giờ ở phía đông Tỳ-đề-ha (毘提訶 – Videha, hay Pūrvavideha) có ngài Tân-đầu-la (賓頭羅 - Piṇḍola, cũng đọc là Tân-đầu-lô - 賓頭盧), đến dạy cho ngài tu phép quán không của Tiểu thừa. Ngài vừa nghe qua đã có chỗ nhận hiểu được, nhưng trong lòng vẫn không thấy thỏa mãn. Tương truyền ngài tu tập chứng đắc thần thông, liền lên tận cung trời Đâu-suất (兜率 - Tuṣita), theo học nghĩa không (空 - Śūnyatā) với Bồ Tát Di-lặc (彌勒 - Maitreya). Từ đó trong lòng mới được an ổn, ngộ nhập vào chỗ quán không thực sự, chỉ có thức không còn cảnh giới (duy thức vô cảnh - 唯識無境). Tương truyền ngài theo Bồ Tát Di-lặc học được rất nhiều bộ luận Đại thừa. Từ đó về sau hoằng dương giáo pháp Đại thừa tại Ấn Độ, lập thành pháp môn pháp tướng duy thức, trở thành vị luận sư trọng yếu nhất trong lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ kể từ sau ngài Long Thụ (龍樹 - Nāgārjuna).

Ngài giữ vai trò trọng yếu trong việc hoằng dương giáo nghĩa Pháp tướng duy thức học được tin là do Bồ Tát Di-lặc truyền dạy. Trong bộ Du-già sư địa luận (瑜伽師地論) và một số bộ luận khác, ngài ghi rõ là xuất phát từ Bồ Tát Di-lặc, và ngài chỉ là người giới thiệu, truyền đạt lại. Riêng các tác phẩm do chính ngài soạn ra như Nhiếp Đại thừa luận (攝大乘論), Hiển dương thánh giáo luận (顯揚聖教論), Thuận trung luận (順中論), Kim cang kinh luận (金剛經論)... đều là những tác phẩm cực kỳ quan trọng trong lịch sử tư tưởng Phật giáo Đại thừa Ấn Độ. Ngài không chỉ là người khai sáng Du-già hành phái ở Ấn Độ, mà đối với các nước như Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản cũng đều có ảnh hưởng sâu rộng.

Sách Ấn Độ Phật học nguyên lưu lược giảng (印度佛學源流略講) của học giả Lữ Trừng (呂澄), bài giảng thứ 5, tiết thứ 3 có đoạn viết: “... (lược) hai ngài Vô Trước và Thế Thân là các học giả tiêu biểu cho học thuyết Đại thừa. Theo sách Bà-tẩu-bàn-đầu truyện (婆藪槃豆傳) thì hai ngài sinh trưởng vào cuối triều vua Cấp-đa (笈多). Triều vua này rơi vào khoảng năm 320 đến 500, vậy niên đại hai ngài có khả năng là vào thế kỷ 5. Ngài Vô Trước có thể sống trong khoảng 400 – 470, còn ngài Thế Thân vào khoảng 420 – 500. Ngài Huyền Trang trong Đại Đường Tây vực ký (大唐西域記) dẫn các chú sớ, truyền thuyết đương thời, cho rằng ngài Vô Trước ra đời sau Phật nhập diệt 900 năm, còn ngài Chân Đế (真諦) lại cho là sau Phật nhập diệt 1100 năm. Nhưng hai ngài Huyền Trang và Chân Đế đều dựa vào mốc thời gian là năm Phật nhập diệt để tính đến niên đại của ngài Vô Trước, mà việc xác định mốc thời gian này của mỗi người lại không giống nhau. Tuy nhiên, dù có sự sai khác giữa hai vị nhưng cả hai cách tính cũng đều rơi vào khoảng thế kỷ 5. Theo sự luận xét của các học giả Phật giáo sử đời sau thì niên đại của ngài Vô Trước được xác định ở các mốc sai lệch nhau không quá 100 năm, sớm nhất là vào năm 320 và muộn nhất là vào năm 420.

Về lai lịch cũng như hành trạng của hai vị Thế Thân và Vô Trước, do điều kiện tư liệu khan hiếm như đã nói nên nhận định của các học giả cho đến nay vẫn còn nhiều bất đồng. Theo những gì được ghi chép ở Tây Tạng thì hai vị này là anh em cùng mẹ khác cha. Người mẹ tên là Prasannaśīlā, thuộc dòng dõi bà-la-môn, trong khi cha của ngài Vô Trước thuộc dòng Sát-đế-lỵ (Kṣatriya), còn cha của ngài Thế Thân thuộc dòng Bà-la-môn (Brāhmaṇa). Những chi tiết này được ghi lại trong Tāranātha’s History of Budhism in India, (A. Schiefner dịch từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Đức, St. Petersbourgh, 1869).

Tương truyền sau khi được học các bộ luận Đại thừa với Bồ Tát Di-lặc trên cung trời Đâu-suất, ngài Vô Trước đã tích cực giảng dạy lại cho nhiều người, nhưng không ai chịu tin vào những gì ngài nói ra. Vì thế, ngài đã khẩn cầu Bồ Tát Di-lặc đích thân hiện ra để truyền dạy các bộ luận này. Bồ Tát Di-lặc đã nhận lời và mỗi đêm đều hiện xuống giảng luận trước một thính chúng rất đông đảo. Trong vòng 4 tháng liên tục như vậy, ngài Di-lặc đã truyền dạy luận Đại thừa vào ban đêm, trong khi ngài Vô Trước giảng giải thêm vào ban ngày để mọi người có thể nắm bắt kịp. Nhờ đó mà những người nghe có thể đặt niềm tin cũng như nắm hiểu được những ý nghĩa thâm sâu của các bộ luận Đại thừa. Bồ Tát Di-lặc cũng dạy cho ngài phép định Nhật quang tam-muội (日光三昧- Sūrya-prabhasamādhi). Nhờ thực hành phép định này mà ngài có thể thấu hiểu sâu xa hơn những gì được Bồ Tát Di-lặc truyền dạy.

Năm 1608, một vị Lạt-ma Tây Tạng là Kun-dgaḥ sđyin-po (Tāranātha) hoàn tất công trình Lịch sử Phật giáo Ấn Độ (Tāranātha’s History of Budhism in India, A. Schiefner dịch từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Đức, St. Petersbourgh, 1869) với nguồn tư liệu được thu thập ở cả Ấn Độ và Tây Tạng. Trong tác phẩm này, ông có đề cập đến việc ngài Vô Trước đã đi rất nhiều nơi trên khắp đất nước Ấn Độ để xiển dương Đại thừa và đã kiến lập ít nhất là 25 ngôi chùa để làm chỗ tu học cho những người tin theo Đại thừa.

Phần lớn các tư liệu liên quan đều có ghi chép việc ngài Vô Trước lên cung Đâu-suất học luận Du-già sư địa và nhiều bộ luận Đại thừa khác với Bồ Tát Di-lặc. Tuy nhiên, gần đây vào năm 1921, học giả người Nhật là Vũ Tỉnh Bá Thọ (宇井伯壽) đề xuất giả thuyết cho rằng quả thật có một vị luận sư tên là Di-lặc, chính là thầy dạy của hai ngài Thế Thân và Vô Trước. Ông này căn cứ vào truyện ngài Vô Trước có ghi rằng trước tác của ngài Di-lặc như Du-già sư địa luận (瑜伽師地論) hiện nay vẫn còn giữ được, trong đó ghi rõ tên người trước tác là Di-lặc, hoàn toàn không phải là một yếu tố truyền miệng. Điều này cho thấy quả thật có một nhân vật lịch sử mang tên Di-lặc, nhưng người sau vô tình đã đồng nhất vị này với Bồ Tát Di-lặc trên cung trời Đâu-suất. Giả thuyết của Vũ Tỉnh vẫn chưa được giới học giả công nhận, tuy nhiên ông vẫn kiên trì với lập luận của mình, gần đây có đưa vào trình bày trong cuốn “Du-già sư địa luận nghiên cứu” (瑜伽師地論研究), cũng có một số người tán đồng theo thuyết ấy.

****

Những trước tác của hai vị Thế Thân và Vô Trước đều có các bản dịch Hán văn và bản dịch tiếng Tây Tạng. Tác phẩm của ngài Vô Trước hiện còn bằng cả 2 ngôn ngữ này được khoảng 30 bộ. Tác phẩm của ngài Thế Thân, người đã từng được tôn xưng là Thiên bộ luận chủ (千部論主), so ra nhiều hơn, ước đến hơn 50 bộ. Vấn đề của các học giả hiện nay là xác định đúng những tác phẩm thực sự do hai vị trước tác. Trong số tác phẩm do 2 vị truyền lại nhưng để tên ngài Di-lặc được biết có 5 bộ: 1. Du-già sư địa luận (瑜伽師地論), là bộ luận chủ yếu trong 5 bộ này. 2. Phân biệt Du-già luận (分別瑜伽論), không có bản dịch Hán văn, chỉ thấy trong Giải thâm mật kinh (解深密經) có một phẩm tên Phân biệt Du-già phẩm (分別瑜伽品), nội dung tương đương với luận này. 3. Phân biệt trung biên luận (分別中邊論), cũng có tên là Biện trung biên luận (辯中邊論). 4. Đại thừa trang nghiêm kinh luận (大乘莊嚴經論). 5. Kim cang Bát-nhã luận (金剛般若論). Hai bộ luận xếp cuối cùng là dựa theo kinh mà luận. Cả 5 bộ đều được cho là do ngài Di-lặc thuyết dạy, nên gọi chung là Di-lặc ngũ luận (彌勒五論), đều có chú thích của 2 vị Thế Thân và Vô Trước. Trong kinh điển Tây Tạng cũng có “Di-lặc ngũ luận” nhưng nội dung khác biệt.

Ngoài những tác phẩm được cho là của Di-lặc, các trước tác quan trọng của ngài Vô Trước để lại gồm có: 1. Hiển dương thánh giáo luận (顯揚聖教論), là bộ luận chủ yếu phát huy học thuyết nêu trong Du-già sư địa luận. 2. Thuận trung luận (順中論), nội dung phối hợp Trung luận và Đại Bát-nhã sơ phẩm pháp môn, nên có tên đầy đủ là Thuận trung luận nghĩa nhập Đại Bát-nhã sơ phẩm pháp môn (順中論義入大般若初品法門). 3. Kim cang kinh luận (金剛經論), là bộ luận giảng ý nghĩa kinh Kim cang. 4. Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận (大乘阿毗達磨集論). 5. Nhiếp Đại thừa luận (攝大乘論). Hai bộ luận thứ tư và thứ năm đều là giải thích tổng quát ý nghĩa kinh Đại thừa A-tỳ-đạt-ma (大乘阿毗達磨經). 6. Lục môn giáo thọ tập định luận (六門教授習定論), là bộ luận giảng giải phương pháp tu tập pháp môn Du-già.

Lại có thuyết cho rằng các trước tác của 2 vị Thế Thân và Vô Trước về sau tạo thành học phái Du-già chủ yếu có 8 bộ, nên vào thời ngài Nghĩa Tịnh (義淨 - 635~713) sang Ấn Độ (khoảng 675 - 685), các nhà Phật học Ấn Độ đều xếp chung 8 tác phẩm quan trọng này thành một nhóm, gọi là Vô Trước bát chi (無著八支). Căn cứ vào sách Nam Hải ký quy truyện (南海寄歸傳), quyển 4, có chép rằng: “Toàn bộ học thuyết Du-già đều nằm cả trong 8 bộ sách của Vô Trước.” Nhưng trong “Vô Trước bát chi” lại có cả trước tác của ngài Thế Thân. Ngài Nghĩa Tịnh giải thích việc này như sau: “Chỗ học của ngài Thế Thân là xuất phát từ ngài Vô Trước, được chân truyền từ Vô Trước, cho nên trước tác của cả hai ngài được gồm chung mà lấy tên là Vô Trước.”

Tám bộ sách quan trọng này gồm có: 1. Nhị thập Duy thức luận (二十唯識論) 2. Tam thập Duy thức luận (三十唯識論) 3. Nhiếp Đại thừa luận (攝大乘論) 4. Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận (大乘阿毗達磨集論) 5. Biện trung biên luận (辯中邊論) 6. Duyên khởi luận (緣起論) 7. Đại trang nghiêm kinh luận (大莊嚴經論) 8. Thành nghiệp luận (成業論).

Học thuyết chủ yếu của hai ngài Thế Thân và Vô Trước quả thật đều không ra ngoài 8 bộ sách này.

Một số học giả lại có khuynh hướng nhấn mạnh rằng tư tưởng Phật học chủ yếu của ngài Vô Trước nằm trong bộ Nhiếp Đại thừa luận (攝大乘論). Bộ luận này căn cứ vào kinh Đại thừa A-tỳ-đạt-ma (大乘阿毗達磨經), có giá trị hệ thống và xiển dương học thuyết duy thức. Theo trong luận này thì a-lại-da thức (阿賴耶識 - ālaya), hay Tàng thức (藏識) (tức là thức thứ tám hay đệ bát thức) được xem là căn bản của hết thảy các pháp, chính là chủ thể lưu chuyển sinh tử luân hồi, có đủ cả ba tính chất là năng tàng (能藏), sở tàng (所藏) và chấp tàng (執藏). Năng tàng tức là gồm hết nguyên nhân sinh ra tất cả sự vật tàng chứa trong tự thân, được bảo tồn trong các chủng tử, chính là trạng thái tiềm tàng của hết thảy vũ trụ, vạn hữu. Sở tàng chỉ a-lại-da thức, là chỗ tàng chứa trạng thái tiềm tàng của hết thảy vũ trụ vạn hữu. Chấp tàng, chỉ thức thứ bảy hay mạt-na thức (末那識 - manas), là nguồn cội ái chấp.

Ngoài ra luận này cũng đề xuất thuyết Tam tánh, cho rằng hết thảy vũ trụ vạn hữu có thể phân tích thành 3 tánh. Một là biến kế sở chấp tánh (遍計所執性), hai là y tha khởi tánh (依他起性) và ba là viên thành thật tánh (圓成實性).

Biến kế sở chấp tánh là chỉ hết thảy vọng tình, hư vọng tính toán do đối với sự vật bên ngoài mà sinh khởi nên mê vọng đặt thành tên gọi này khác. Y tha khởi tánh là nói sự tồn tại tương đối của mọi sự vật, vì bản thân sự vật vốn không có sự tồn tại vĩnh viễn, đều do các nhân duyên điều kiện dẫn khởi mà có. Viên thành thật tánh là chỉ sự tồn tại tuyệt đối, hoàn mãn, chân thật nhất, do trừ sạch các vọng chấp mà đạt đến sự tồn tại viên mãn này. Dựa trên các học thuyết lập luận đã đề ra, ngài Vô Trước cũng đề ra các phương pháp tu hành thực tiễn để đạt đến sự giải thoát. Ngài chính là người chủ trương Tam học (Giới, Định, Huệ) phải được kết hợp đồng thời, cũng như khuyến khích chuyên cần tu tập sáu pháp ba-la-mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ), lại phân chia các trạng thái tu tập chứng ngộ thành 10 giai đoạn gọi là Thập địa (十地). Ngoài ra, ngài cũng làm rõ lý thuyết Tam thân, gồm có Tự tánh thân (自性身), Thọ dụng thân (受用身) và Biến hóa thân (變化身).

Ngoài ra, ngài Vô Trước cũng hết sức phê phán, bác bỏ các học thuyết Số luận (數論), Thắng luận (勝論), Thuận thế luận (順世論), Thuyết nhất thiết hữu bộ (說一切有部)... Về mặt phương pháp luận, ngài là người biết vận dụng Nhân minh luận (因明論) để phân biệt rõ những điểm đúng sai. Trên cơ sở tiếp thu những thành quả lý luận của người đi trước, ngài vận dụng sáng tạo để đề ra phương pháp luận gồm phép luận gọi là Thất nhân minh (七因明), bao gồm:

1. Luận thể tánh (論體性),
2. Luận xứ sở (論處所),
3. Luận sở y (論所依),
4. Luận trang nghiêm (論莊嚴),
5. Luận đọa phụ (論墮負),
6. Luận xuất ly (論出離),
7. Luận đa sở tác pháp (論多所作法).

Sự vận dụng khéo léo và sáng tạo của ngài đã làm cho phương pháp luận của phái Duy thức trở thành một trong những yếu tố rất quan trọng của phái này.



    « Xem chương trước «      « Sách này có 1508 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Đức Phật và chúng đệ tử


Hạnh phúc là điều có thật


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.10.189 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

... ...