Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tản văn Phật giáo »» Con trâu trong nhà Phật »»

Tản văn Phật giáo
»» Con trâu trong nhà Phật

(Lượt xem: 5.104)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Con trâu trong nhà Phật

Font chữ:

Tại các nước nông nghiệp Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, v.v…, trải qua hàng ngàn năm, con trâu là hình ảnh quen thuộc, gần gũi và giúp ích như một phần quan trọng trong sinh hoạt thường nhật của người nông dân.

Đạo Phật khởi đi từ Ấn Độ và truyền bá sang các nước lân bang trong khu vực Châu Á, cho nên trong truyền thống kinh điển cũng như trong cách dạy đạo từ thời Phật cho đến sau này đều có hình ảnh con trâu hiển hiện.

Từ hình ảnh quen thuộc đối với con người đến tính biểu tượng của sự thuần hóa, chăn trâu thật sự là thí dụ điển hình để đưa vào trong phương thức giáo hóa của đạo Phật. Chính vì vậy, việc chăn trâu đã được đề cập đến nhiều lần trong những thời pháp của Đức Phật khi Ngài còn tại thế. Việc chăn trâu cũng đã tiếp tục có mặt trong các phương pháp dạy đạo của chư vị tổ sư, thiền sư qua nhiều thế hệ, tại nhiều quốc độ.

Trâu ví như vọng tâm điên đảo

Quá trình thuần hóa con trâu từ bản chất hung hăng, tàn bạo và dã man như loài thú hoang trở thành hiền hòa, nhẫn nại, siêng năng và chịu phục theo con người là một quá trình không chỉ mang đặc trưng về mặt giáo dục trong thế giới thực dụng thường nghiệm của thế gian mà còn mang tính biểu tượng về mặt giáo hóa và chuyển hóa tâm linh trong thế giới nhà Phật. Trong ý nghĩa đó, tâm vô minh của chúng sinh, của con người với sự si mê của con trâu vốn khởi đi từ một gốc gác vô minh như nhau. Cả hai đều không giác ngộ được tâm như thật của mình. Cả hai đều sống theo vọng tâm điên đảo từ hằng hà sa số kiếp. Cả hai đều bị ông chủ vô minh sai khiến mà không biết. Nhưng cả hai đều vốn sẵn có tánh Phật hay tánh giác siêu việt. Cả hai đều có thể thành tựu giác ngộ và giải thoát. Cả hai đều là Phật sẽ thành.

Chính vì vậy, trong Luận Đại Thừa Khởi Tín, Bồ Tát Mã Minh đã chỉ rõ tâm chúng sinh chứa đựng hai diệu nghĩa: một là chân tâm tức tâm chân như bất sinh diệt; hai là vọng tâm tức tâm sinh diệt điên đảo. Trâu ví như vọng tâm điên đảo. Người tu tập chuyển hóa tâm giống như kẻ mục đồng chăn trâu, điều ngự vọng tâm sinh diệt để thuần phục nó. Bởi lẽ đó, quá trình tu chứng chính là quá trình chuyển hóa tâm, từ vọng sang chân, từ sinh diệt sang vô sinh diệt, từ mê sang ngộ, từ chúng sinh sang quả vị Phật. Nhưng quá trình chuyển hóa tâm đó, tùy theo căn cơ của người tu mà có đốn tiệm, có cao thấp, có sâu cạn.

Tùy theo căn cơ và đối tượng, có khi đức Phật dạy lấy sự nhiếp phục thân khẩu ý qua phương thức giới định làm chuẩn. Có khi đức Phật dạy phép chỉ thẳng lấy sự chiếu kiến tự tánh qua trí tuệ là chính. Đa phần trong các Kinh thuộc Thanh Văn Thừa, đức Phật chỉ pháp điều phục thân tâm qua con đường giới định. Giống như câu chuyện sau đây từ trong Kinh Phóng Ngưu của Bộ Tăng Nhất A Hàm, mà sau này trong Luận Đại Trí Độ, Bồ Tát Long Thọ cũng đã thuật lại trong cuốn 2, chương 3, phần giải thích Bà Già Bà.

Đức Phật Giảng Pháp: Từ 11 Cách Chăn Trâu...

Chuyện kể rằng, năm đó, vua Tần Bà Sa La (Bimbisàra) của nước Ma Kiệt Đà (Magadha), một nước ở miền Trung Ấn Độ thời Phật, đã phát tâm hộ trì tứ sự cúng dường cho Phật và 500 vị Tỳ-kheo trọn 3 tháng an cư kiết hạ. Do vậy, nhà vua đã cần đến sự cung cấp sữa trâu của nhiều nhà nuôi trâu trong nước. Vào cuối mùa an cư, vì muốn tạo phước duyên cho những người chăn nuôi trâu, nên vua Tần Bà Sa La đã cho gọi tất cả bọn họ đến để gặp Phật. Khi được thông báo của nhà vua, nhiều người chăn trâu nói với nhau rằng, nhân dịp đến gặp Phật họ sẽ thử xem lời đồn đức Phật là bậc Nhất Thiết Trí, cái gì cũng biết, có đúng thật hay không. Rồi họ cùng nhau bàn bạc. Nhiều người trong số họ nói rằng, Sa Môn Cồ Đàm sinh ra trong dòng Sát Đế Lợi, lớn lên được học hỏi và tinh thông mọi chuyện, từ tứ thư Vệ Đà đến thiên văn toán số, từ triết học đến tôn giáo, từ giáo dục đến xã hội, từ luận lý đến vấn nạn... cái gì ngài cũng đã biết. Chúng ta không thể đem những vấn đề ấy để trắc nghiệm ngài. Duy chỉ có việc chăn trâu, việc mà từ nhỏ đến lớn ngài chưa từng biết qua, là vấn đề có thể làm khó được ngài. Quyết định như vậy, những người chăn trâu cùng nhau đi đến Tinh Xá Trúc Lâm, nơi Phật và 500 vị Tỳ-kheo đang an cư.

Đến nơi, những người chăn trâu nhìn thấy hội chúng đang có mặt đông đảo chư vị Tỳ-kheo, các hàng cư sĩ, Bà La Môn, Sát Đế Lợi, v.v... ngồi ngay ngắn chỉnh tề trong im lặng. Trước mặt hội chúng đông đảo ấy, trên Tòa Kim Cang, đức Phật đang tĩnh tọa. Nhìn tướng hảo quang minh, oai đức sáng rỡ, dáng vẻ từ bi, phong cách tự tại như ngọn núi Tu Di sừng sững trang nghiêm của đức Phật, những người chăn trâu liền khởi tâm kính ngưỡng. Họ đến gần, đi ba vòng quanh đức Phật, theo nghi cách cung kính của Ấn Độ thời bấy giờ, rồi cùng nhau ngồi xuống một bên. Khi ấy, đại diện của những người chăn trâu hỏi Phật:

- Thưa Sa Môn Cồ Đàm, người chăn trâu có mấy điều thành tựu để cho bầy trâu nhiều thêm và an ổn?

Đức Phật bình thản trả lời:

- Này chư vị, có mười một điều để người chăn trâu làm cho bầy trâu nhiều thêm và an ổn. Những gì là mười một? Đó là biết sắc, biết tướng, biết mổ xẻ, biết che vết thương, biết hun khói, biết đường đi tốt, biết chỗ trâu thích hợp, biết khéo đưa qua sông, biết chỗ an ổn, biết giữ sữa, biết nuôi trâu chúa. Nếu người chăn trâu biết mười một điều này thì có thể làm cho bầy trâu thêm nhiều và an ổn.

Sao lại gọi là biết sắc? Là biết sắc đen, sắc trắng, tạp sắc.

Sao lại gọi là biết tướng? Là biết trâu có tướng tốt hay không có tướng tốt, khi hợp với bầy trâu khác nhân tướng mà biết.

Sao lại gọi là biết mổ xẻ? Là trâu bị các loại trùng hút máu thì vết thương lở ra, mổ xẻ thời trừ hại, thời vui tươi.

Sao lại gọi là biết che vết thương? Là biết lấy vải, cỏ, lá để ngăn ngừa chỗ muỗi mòng chích đốt.

Sao lại gọi là biết hun khói? Hun khói là để trừ muỗi mòng, trâu ở xa thấy khói thì nhắm theo mà về nhà.

Sao lại gọi là biết đường đi? Là biết con đường trâu đi về tốt hay xấu.

Sao lại gọi là biết chỗ trâu thích hợp? Là biết làm cho trâu sinh sôi, an ổn, ít bệnh.

Sao lại gọi là biết khéo đưa qua sông? Là biết chỗ dễ vào, dễ qua, không sóng dữ, trùng độc.

Sao lại gọi là biết chỗ an ổn? Là biết chỗ ở không có cọp beo, sư tử, ác trùng, độc thú.

Sao lại gọi là biết giữ sữa? Trâu mẹ ái niệm trâu con nên cho sữa. Vì sữa giữ lại một phần nên trâu mẹ vui mừng, thời tiếp nối không khô kiệt, chủ trâu và người chăn trâu ngày ngày có ích.

Sao lại gọi là biết nuôi trâu chúa? Bảo hộ trâu đực lớn, vì nó giữ gìn đàn trâu, nên phải nuôi nấng không để ốm gầy, cho uống dầu mè, trang sức bằng anh lạc, ra dấu hiệu với cái tù-và sắt, biết cọ xát, khen ngợi v.v...

Khi những người chăn trâu nghe đức Phật dạy về mười một cách chăn trâu thông thạo như vậy thì rất kính phục. Họ tự nghĩ, cho dù là người chuyên môn chăn trâu với kinh nghiệm dày dạn thì cũng chỉ có thể biết được ba bốn việc là cùng, làm sao có thể biết đến mười một cách chăn trâu như thế. Việc chăn trâu mà ngài còn biết rành như vậy thì các việc khác làm sao ngài không biết. Cho nên, họ tin rằng đức Phật là bậc Nhất Thiết Trí.

... đến 11 cách tiến tu đạo nghiệp

Nhân những người chăn trâu hỏi về cách chăn trâu, đức Phật đã dạy cho chư vị Tỳ-kheo mười một cách thúc liễm thân tâm, tiến tu đạo nghiệp. Kinh Phóng Ngưu trong Tăng Nhất A Hàm thuật lại lời Phật dạy chư vị Tỳ-kheo như sau:

“Cũng vậy, cũng như người chăn trâu, Tỳ-kheo thành tựu mười một pháp mà không mất thời tiết, trọn không bị trở ngăn. Tỳ-kheo thành tựu mười một pháp như vậy, ngay trong hiện pháp, được nhiều điều lợi ích. Những gì là mười một? Ở đây, Tỳ-kheo biết sắc, biết tướng, biết vuốt chải, biết che đậy vết thương, biết xông khói, biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ, biết điều đáng yêu, biết chọn đường đi, biết chỗ qua sông, biết kính Tỳ-kheo trưởng lão mà tùy thời lễ bái.

Thế nào là Tỳ-kheo biết sắc? Ở đây, Tỳ-kheo biết sắc bốn đại, và cũng biết sắc do bốn đại tạo. Đó gọi là Tỳ-kheo biết sắc.

Thế nào là Tỳ-kheo biết tướng? Ở đây, Tỳ-kheo biết tướng ngu, biết tướng trí; biết như thật. Như vậy, Tỳ-kheo biết tướng.

Thế nào là Tỳ-kheo biết vuốt chải? Ở đây, Tỳ-kheo khi khởi tâm niệm dục tưởng, liền biết xả ly, không thân cận, vĩnh viễn không có dục tưởng. Khi sân tưởng, hại tưởng, các tưởng ác bất thiện khởi lên, liền biết xả ly, không thân cận, vĩnh viễn không có sân tưởng các thứ. Như vậy, Tỳ-kheo biết vuốt chải.

“Thế nào là Tỳ-kheo biết che đậy vết thương? Ở đây, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc mà không khởi sắc tưởng, cũng không nhiễm trước, mà làm thanh tịnh nhãn căn; trừ khử các pháp ác bất thiện, sầu ưu, tâm không tham đắm, ở trong đó mà thủ hộ nhãn căn. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết trơn láng, ý biết pháp mà không khởi thức tưởng, cũng không nhiễm trước, mà thanh tịnh ý căn. Như vậy, Tỳ-kheo biết che đậy vết thương.

Thế nào là Tỳ-kheo biết xông khói? Ở đây, Tỳ-kheo nói lại cho người khác pháp mà mình đã từng nghe. Như vậy, Tỳ-kheo biết xông khói.

Thế nào là Tỳ-kheo biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ? Ở đây, Tỳ-kheo như thật biết tám phẩm đạo Hiền Thánh. Như vậy, Tỳ-kheo biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ.

Thế nào là Tỳ-kheo biết điều đáng yêu qúy? Ở đây, Tỳ-kheo nghe pháp bảo mà Như Lai đã nói, trong tâm liền yêu quý. Như vậy, Tỳ-kheo biết điều đáng yêu quý.

Thế nào, Tỳ-kheo biết chọn đường đi? Ở đây, Tỳ-kheo đối với 12 bộ kinh biết lựa chọn mà hành. Đó là, Khế kinh, Kỳ-dạ, Thọ quyết, Kệ, Nhân duyên, Bản mạt, Phương đẳng, Thí dụ, Sanh kinh, Thuyết, Quảng phổ, Vị tằng hữu pháp. Như vậy, Tỳ-kheo biết chọn đường đi.

Thế nào, Tỳ-kheo biết chỗ qua sông? Ở đây, Tỳ-kheo biết bốn niệm xứ. Đó là Tỳ-kheo biết chỗ qua sông.

Thế nào, Tỳ-kheo biết ăn vừa đủ no? Ở đây, Tỳ-kheo có bà-la-môn, ưu-bà-tắc, là những người có tín tâm, đến thỉnh. Tỳ-kheo không tham ăn uống, có thể biết đủ mà dừng lại. Tỳ-kheo như vậy là biết vừa đủ.

Thế nào là Tỳ-kheo tùy thời cung kính Tỳ-kheo trưởng lão? Ở đây, Tỳ-kheo thường với thiện hành bởi thân, miệng, ý đối với các Tỳ-kheo trưởng lão. Như vậy là Tỳ-kheo tùy thời cung phụng các Tỳ-kheo trưởng lão.

Tỳ-kheo thành tựu mười một pháp như vậy, ở ngay trong hiện pháp, được nhiều điều lợi ích.”

Xe dê, xe hươu và xe trâu

Trong Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa (Mahayana Saddharma Pundarika Sutra), Phẩm Thí Dụ thứ 3, để nêu rõ chủ đích “hội tam quy nhất”, tức là đem Ba Thừa về Nhất Thừa, đức Phật đã kể câu chuyện về người cha tìm cách cứu các đứa con đang mê chơi trong nhà lửa bằng việc đưa ra ba cỗ xe đẹp và lộng lẫy hầu kích thích lòng ham thích của các con để chúng chạy ra khỏi nhà lửa. Nhà lửa chỉ cho ba cõi (tam giới): dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Ba cỗ xe đó là: xe dê, xe hươu và xe trâu. Xe dê tượng trưng cho Thanh Văn Thừa. Xe hươu biểu thị cho Duyên Giác Thừa. Xe trâu chỉ cho Đại Thừa hay Nhất Phật Thừa.

Bản nguyện của đức Phật đã được nói rõ trong Phẩm Phương Tiện thứ hai của Kinh Pháp Hoa rằng: “Các đức Phật ra đời vì một nhân duyên lớn là muốn khiến cho chúng sinh được khai mở, chỉ bày, hiểu rõ và thâm nhập vào tri kiến của Phật.”

Tri kiến Phật tức trí tuệ giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não khổ đau. Phật Thừa chính là mục tiêu duy nhất và tối thượng đó. Hay nói một cách khác, đức Phật ra đời là để giúp cho chúng sinh thành Phật. Trừ thành Phật ra không có cách nào khác có thể dứt sạch gốc rễ vô minh và giải thoát triệt để khổ đau. Mục tiêu trọng đại và lợi lạc này cần phải được phổ truyền cho tất cả chúng sinh cùng được thừa hưởng. Với lý tưởng đó, việc tự tu tự độ không thể hoàn thành được sứ mệnh cao cả của đức Phật mà phải cần đến con đường mở rộng hơn để tế độ hết thảy chúng sinh. Con đường ấy chính là Đại Thừa. Đại thừa là cỗ xe trâu, cỗ xe lớn, cỗ xe có thể chở được nhiều người.

Việc dùng xe trâu để biểu tượng cỗ xe Đại Thừa mang nhiều ý nghĩa thâm diệu. Thứ nhất, con trâu là con vật được nuôi trong nhà. Hình ảnh con trâu gắn liền với đời sống của người dân. Nó đi vào trong sinh hoạt thường nhật của từng con người, từng gia đình. Lấy con trâu làm con vật kéo xe Đại Thừa nói lên được tính đại chúng, tính phổ quát, tính bình dân của lý tưởng thành Phật. Thứ hai, con trâu là con vật có sức mạnh đảm đang việc kéo xe để chuyên chở nhiều đồ đạc, nhiều người, không biết mệt mỏi. Cỗ xe trâu Đại Thừa vì vậy mới có thể chở được nhiều chúng sinh để đi trên đoạn đường dài từ phàm phu đến thành Phật. Thứ ba, con trâu, như đã nói ở trên, tượng trưng cho tâm vô minh của chúng sinh. Con đường thành Phật khởi đi từ tâm chúng sinh đến tâm Phật, từ giai đoạn một chúng sinh bắt đầu sơ phát Bồ-đề tâm cho đến khi hoàn thành việc giác ngộ và giải thoát. Chính vì vậy, cỗ xe chở chúng sinh đi từ bờ bên này (thử ngạn) vô minh khổ não đến bờ bên kia (bỉ ngạn) giác ngộ an lạc phải là cỗ xe tâm chúng sinh, tức cỗ xe trâu, rồi lần hồi chuyển hóa thành tâm giác ngộ, tức cỗ xe Phật Thừa trọn vẹn.

Con trâu trong lời dạy cuối của Đức Phật

Ngay trong đêm nhập Niết-bàn tại rừng cây Sa La (Salavana) ở thành Câu Thi Na (Kushinagar), đức Phật, trong lời dặn dò cuối cùng đối với chư vị Tỳ-kheo, cũng đã có dạy:

“Các thầy Tỷ kheo, đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan, không cho phóng túng vào trong năm thứ dục lạc. Như kẻ chăn trâu, cầm gậy mà coi giữ, không cho phóng túng, phạm vào lúa má của người.” (Kinh Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật, tức Kinh Di Giáo, Thích Trí Quang dịch.)

Đem hành động cầm gậy trông chừng trâu để nó khỏi ăn lúa mạ của người so sánh để minh họa cho hành động tự chế không buông thả năm căn chạy theo năm dục vọng là một lối thí dụ vừa cụ thể, linh hoạt, vừa tế nhị, sâu sắc. Điều này cũng nói lên cách dạy đạo, cách giáo dục rất thực tế, rất sống động và hữu hiệu của đức Phật. Ngài đưa ra một hình ảnh mà trong thính chúng không một vị nào không biết, không hiểu. Đối với năm dục trong tâm chúng sinh lúc nào cũng sẵn sàng khởi lên để thao tác, người tu cần thận trọng trong từng giây phút như mục đồng trông coi trâu không để nó ăn lúa mạ của người. Mục đồng nếu sơ hở trong giây lát thì trâu sẽ ăn lúa mạ ngay. Người tu không tự chế trong mỗi ý tưởng, lời nói và hành động thì năm dục sẽ có cơ hội thao tác. Giống như trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật cũng ân cần nhắc nhở:

“Người hành Ðạo giống như con trâu chở nặng đi trong bùn sâu, mệt lắm mà không dám nhìn hai bên, ra khỏi bùn lầy rồi mới có thể nghỉ ngơi. Người Sa môn phải luôn quán chiếu tình dục còn hơn bùn lầy, một lòng nhớ Ðạo mới có thể khỏi bị khổ vậy.” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Chương 41, Thích Viên Giác dịch và giải.)

Huyền ký về trâu của nhà thiền Trung Hoa

Khi Bồ-đề Đạt Ma đem Thiền từ Ấn Độ truyền vào đất Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ 6 Tây lịch như cây được trồng đúng vùng đất và khí hậu tốt, cho nên đã hưng phát rực rỡ. Ngài đã để lại một huyền ký cho tương lai Thiền của Trung Hoa qua bài kệ:

Ngô bổn lai tư thổ,
Truyền pháp độ mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.

(Ta đến đất nước này,
Truyền pháp cứu kẻ mê.
Một hoa nở năm cánh,
Kết quả tự nhiên thành.)

Huyền ký đó đã ứng nghiệm chính xác vào lịch sử khởi nguyên của Thiền Đông Độ với khai tổ Bồ-đề Đạt Ma và năm vị tổ kế thừa. Rồi hai thế kỷ sau, tức thời nhà Đường, một hoa Thiền Tào Khê của Lục Tổ Huệ Năng nở ra năm cánh chỉ cho năm trường phái Thiền lớn nhất khởi đi từ Lục Tổ: Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn, và Pháp Nhãn. Hai trong 5 trường phái Thiền trên là Lâm Tế và Tào Động sau đó đã được truyền qua Việt Nam và phát triển rất mạnh, nhất là Tông Lâm Tế cho đến nay vẫn còn.

Trung Hoa là đất nước nông nghiệp. Các Thiền sư đều có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với nếp sống và sinh hoạt nhà nông. Cho nên, Thiền sư Bách Trượng đã chủ trương các thiền viện tự túc canh tác để sống, tu và hành đạo. Ngài nói “nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực,” một ngày không làm, một ngày không ăn. Trong bối cảnh đất nước và xã hội đó, hình ảnh con trâu rất gần gũi trong nhà Thiền. Cho nên, từ rất sớm, Phật Giáo Trung Hoa đã minh họa quá trình chuyển mê khai ngộ trong mười bức tranh chăn trâu của Đại Thừa lẫn Thiền Tông. Các Thiền sư, trong những cách dạy Thiền, thường đề cập đến con trâu và việc chăn trâu.

Chuyện kể, một hôm thiền sư Mã Tổ hỏi thiền sư Thạch Củng:

- Ông làm gì đây?

- Chăn trâu.

- Chăn như thế nào?

- Mỗi khi nó chạy vào đồng cỏ thì xỏ mũi kéo lại, thế là người chăn giỏi.

Hoặc như câu chuyện thiền sư Đại An tham vấn với thiền sư Bách Trượng:

- Tôi khát khao muốn biết Phật pháp, việc đó thế nào?

- Hệt như cưỡi trâu tìm trâu.

- Hiểu rồi làm sao?

- Như người cưỡi trâu về nhà.

- Rồi làm sao giữ trước sau khế hợp?

- Như người chăn trâu cầm roi giữ trâu, đừng cho phạm vào lúa mạ của người.

Hoặc, có hôm, ngài Đại An thăng đường dạy chúng:

“Đại An ba mươi năm ở Qui sơn, ăn cơm Qui sơn, đại tiểu tiện Qui sơn, mà chẳng học Thiền Qui sơn. Ngày đêm chỉ xem chừng một con trâu nước đen. Nếu nó đi lạc vào trong cỏ mạ, liền nắm mũi kéo lại. Vừa mới xâm phạm đến ruộng lúa người ta, liền đưa roi ra quất. Thật đáng thương! Trâu bị điều phục lâu ngày trở nên thuần thục, vâng lời người dạy mắng. Giờ đây trâu đen đã hóa thành trâu trắng, sờ sờ rõ ràng trước mặt, trọn ngày đuổi cũng không đi.”

Trong câu chuyện trên, thiền sư Đại An có nói đến trâu đen và trâu trắng. Trâu đen chỉ tâm vô minh. Trâu trắng chỉ tâm giác ngộ. Trọn ngày đuổi không đi là tâm đã được điều phục, không còn dong ruỗi theo trần cảnh. Đó là trạng thái tâm lúc nào cũng hiện tiền trong minh giác, là trạng thái hiện pháp lạc trú.

Con trâu trong nhà thiền Việt Nam: Tuệ Trung Thượng Sĩ “Phóng Ngưu”

Những chuyện Thiền liên quan đến trâu như vậy còn nhiều, nhưng đó là chuyện nhà Thiền của Trung Hoa. Việt Nam cũng là đất nước nông nghiệp. Phật Giáo truyền vào Việt Nam còn sớm hơn vào Trung Hoa, vì qua ngả các thương buôn đi bằng đường hàng hải trực tiếp từ Ấn Độ sang Giao Chỉ, Giao Châu. Vào thời Tam Quốc, Thiền sư Khương Tăng Hội từ Giao Chỉ đã sang Kinh Châu của Đông Ngô để truyền bá đạo Phật. Ngày xưa, các ngôi Chùa ở Việt Nam đa phần đều có ruộng đất canh tác, hoặc là ruộng do chư Tăng tự khai phá tạo nên, hoặc là do triều đình cấp, hoặc là ruộng do quần chúng Phật tử hiến cúng. Đặc biệt các ngôi Chùa tại mỗi làng đều có ruộng đất để tự canh tác. Có chùa còn nuôi cả trâu, bò để cày ruộng hay lấy phân bón hoa màu. Hình ảnh con trâu, vì vậy lại càng gần gũi và thân thiết hơn với Thiền môn.

Vào thời nhà Trần, trong Thiền môn Việt Nam xuất hiện một nhân vật kiệt xuất. Đó là Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, một thiền sư đắc đạo có hành trạng diệu dụng mà mắt phàm khó thấu rõ. Chuyện kể về vị thiền sư này khá nhiều và li kỳ, song ở đây chỉ xin nhắc đến vài bài thơ ông làm có đề cập đến con trâu. Bài Phóng Ngưu như sau:

Ngẫu hướng Quy sơn đắc đệ lân,
Hoang vu cam tác mục ngưu nhân.
Quốc vương đức trạch khoan như hải,
Tùy phận ta ta thủy thản xuân.

Trúc Thiên đã dịch như sau:

Chợt hướng non Quy được thảnh thơi,
Đồng hoang đành vậy giữ trâu chơi.
Nhà vua đức rộng như sông biển,
Tùy phận xuân về nước cỏ tươi.

Trong một bài thơ khác, Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng không tách rời con trâu đang chăn của ông.

Nhất thân độc thủ nhất nê ngưu,
Đằng tỵ khiên lai vi khẳng hưu.
Tương đáo Tào Khê đô phóng hạ,
Mang mang thủy cấp đả viên cầu.

Đại Lãn dịch như sau:

Một mình cố giữ con trâu đất,
Xỏ mũi dắt về chẳng nghỉ ngơi.
Vừa đến Tào Khê buông xuống hết,
Mênh mông nước chảy cuốn bọt trôi.

(Cả hai bài thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ ở trên được trích theo bài viết của Đại Lãn, Con Trâu Đất Một Biểu Tượng Độc Đáo của Tuệ Trung, nguồn www.daitangkinhvietnam.org).

Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, trong một bài thơ tương truyền là của thiền sư Hương Hải cũng đã đề cập đến việc đi tìm chân tánh hay bản lai diện mục như đi tìm trâu. Bài thơ như sau:

Tầm ngưu tu phỏng tích,
Học đạo quý vô tâm.
Tích tại ngưu hoàn tại,
Vô tâm đạo dị tầm.

Tạm dịch nghĩa:

Tìm trâu cần theo dấu,
Học đạo quý vô tâm.
Dấu còn trâu còn đó,
Vô tâm đạo dễ thành.

Vô tâm không phải là vô tình, vô cảm, thờ ơ, chuyện gì cũng không cần biết tới. Vô tâm như vậy thì có khác gì gỗ đá? Vô tâm là thấy được tánh không sinh diệt của tâm, là thấy tánh. Cho nên trong Kinh Kim Cang Bát-nhã, đức Phật dạy: “Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.” Thấy được tánh không của các pháp tức là kiến tánh, tức là thấy Phật. Tâm không sinh cho nên các pháp không sinh. Vì vậy không bị vướng mắc hay trói buộc vào trần cảnh. Đó là trạng thái vô tâm của nhà Phật.

Trong tâm mỗi người đều có vóc dáng con trâu. Con trâu đó thuần hậu hay hung hăng, trắng hay đen là tùy mỗi người. Để cho con trâu tâm thuần đen thì nó sẽ không ngừng gây phiền não và khổ đau cho mình và người. Biết cách chăn, điều phục và chuyển hóa thì nó sẽ được thuần hậu, trở đen thành trắng.

Nhìn theo khía cạnh này, đạo Phật quả là bình dân và thiết thực: không dạy gì khác ngoài việc chăn trâu. Nhưng để đạt đến cảnh giới như chàng mục đồng ngồi trên mình trâu, ngêu ngao hát khúc nghê thường, hay thong dong thổi điệu sáo thiên thai thì không dễ. Người ta phải sống gần gũi, lân mẫn, lăn lộn, vất vả, chăm sóc cho nó từng đám cỏ, từng bụm nước, chạy vòng quanh theo nó trong các nẻo đường ngõ hẻm hay bờ ruộng ao hồ, đôi khi phải dùng đến roi để thị uy, dùng đến ngàm để buộc miệng, dùng đến dây để trói buộc, rồi nó mới chịu phục mà nghe lời. Một khi trâu đã biết nghe lời thì chàng mục đồng mới thong dong tự tại trên đồng cỏ thênh thang.

Khi mê ngộ đã tan theo tiếng sáo của chàng mục đồng thì không còn trâu đen hay trâu trắng, trâu nhà Phật hay trâu thế gian, vì nhất thiết pháp vô sở đắc...


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Quy nguyên trực chỉ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.95.233.107 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...