Những nguyện từ 18 cho đến 23 của Phật A Di Đà đều là nguyện nghe danh phát tâm, được vãng sanh Tịnh độ. Các nguyện này toàn là những “sự lợi ích bậc thượng.” Nguyện 18 “Mười Niệm Tất Vãng Sanh” là chánh nhân vãng sanh, là cốt lõi của Bốn Mươi Tám Nguyện. Nguyện 19 và 20 triển khai nguyện 18. Nguyện 21 đặc biệt chú trọng những chúng sanh có đủ thứ túc nghiệp, nếu biết hối lỗi phát tâm Bồ-đề, nhất tâm chuyên niệm cũng đều được vãng sanh, chẳng bị đọa vào ác đạo nữa. Nguyện 23 chuyên vì phụ nữ tình chấp sâu nặng, nếu nghe được danh hiệu A Di Đà Phật mà phát được lòng tin trong sạch, phát tâm Bồ-đề cầu sanh Tịnh độ thì khi tuổi thọ hết, sẽ chuyển thành thân nam, vãng sanh Cực Lạc.
Các nguyện khác như là Nguyện 25 - Thiên Nhân lễ kính, Nguyện 26 - Nghe tên được phước và Nguyện 27 - Tu thù thắng hạnh chỉ là “sự lợi ích bậc hạ.”
Do căn khí của chúng sanh chẳng đồng giống như nhau, nên khi nghe danh hiệu Phật, họ phát lòng tin ưa cũng có khác nhau. Hoặc là do Bồ-đề tâm chẳng vững vàng, bất định, thường luôn thay đổi, hoặc do Tín, Nguyện chẳng sâu, hoặc do niệm Phật chẳng chuyên. Người niệm Phật khiếm khuyết một trong ba yếu tố quan trọng trên sẽ không thể hoàn toàn khế hợp các đại nguyện của Phật Di Ðà. Vì vậy, sau hết đời này, họ vẫn chưa thể thoát khỏi sanh tử, chỉ có thể đạt được phước báo nhân thiên trong hiện tại và vị lai, nên phước mà họ được hưởng trong các nguyện “Thiên Nhân lễ kính,” “Nghe tên được phước” và “Tu thù thắng hạnh” thua kém các nguyện 18 đến 23.
Chúng ta phải biết, tông chỉ thiết yếu của pháp môn Niệm Phật là: Phát Bồ-đề tâm, phát sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha cầu sanh Cực Lạc và chuyên tâm trì niệm một danh hiệu A Di Đà Phật. Phương pháp dụng công niệm Phật hay nhất mà Bồ-tát Đại Thế Chí dạy cho hết thảy các căn cơ chúng sanh là: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối.” “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” là: Tâm chỉ chuyên chú nơi câu Phật hiệu là thâu nhiếp ý căn. Miệng niệm câu Phật hiệu rõ ràng rành rẽ là thâu nhiếp thiệt căn. Tai nghe tiếng niệm Phật rõ ràng rành rẽ thâu nhiếp nhĩ căn. Gôm ba căn ý, thiệt và nhĩ này vào một câu Phật hiệu thì chắc chắn mắt chẳng thể nhìn loạn; đấy chính là thâu nhiếp nhãn căn. Lúc niệm Phật, mắt phải khép hờ, tức là rủ mí mắt xuống, đừng có mở to mắt. Mắt đã nhiếp thì mũi cũng chẳng ngửi loạn, tức là mũi cũng được nhiếp. Lúc tịnh tọa niệm Phật hay lúc kinh hành niệm Phật, thân phải luôn đoan nghiêm cung kính, tức là thân cũng được nhiếp. Sáu căn đã nhiếp, chẳng tán loạn thì tâm không còn vọng niệm nữa, chỉ chuyên chú nghĩ đến Phật, thì đấy mới là “tịnh niệm.” Nếu sáu căn chẳng nhiếp thì dù có niệm Phật, vọng niệm trong tâm vẫn dẫy khởi tưng bừng, khó được lợi ích thật sự! Còn nếu như có thể thường nhiếp trọn sáu căn để niệm Phật thì tịnh niệm mới có thể tiếp nối không ngừng. Thường giữ được tịnh niệm tiếp nối, không lúc nào ngừng dứt thì đấy chính là cảnh giới Nhất Tâm Bất Loạn, dần dần sẽ đạt được Niệm Phật tam-muội.
“Tu hạnh Bồ-tát” là chỉ cho Lục Độ Vạn Hạnh, đây là pháp tu rộng rãi nhiều thứ các điều lành. Kinh Vô Lượng Thọ dạy, ba bậc vãng sanh đều phải phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Do “phát tâm Bồ-đề” là vua của các nguyện và “trì danh hiệu Phật” là hạng nhất trong các hạnh; cho nên “Phát tâm Bồ-đề, một lòng trì danh hiệu Phật” chính là pháp “tu hạnh Bồ-tát” bậc nhất. Nếu khiếm khuyết những chánh nhân vãng sanh này thì dẫu cho có làm các điều thiện một cách rộng lớn, nhưng do vì chẳng chuyên, nên tuy làm nhiều nhưng chẳng tinh, nên chẳng thể khế hợp với bổn nguyện của Phật Di Ðà, tức là khó bề chứng đạo ngay trong đời này mà chỉ được cái quả báo được trời, người cung kính mà thôi!
Vì do hành nhân chẳng tinh chuyên tu theo tông chỉ của kinh Vô Lượng Thọ: “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm,” nên chẳng được vãng sanh. Nhưng do nghe danh hiệu Phật nên được phước, lúc lâm chung cũng được sanh trong nhà tôn quý, có quyền lực, có trí huệ, giàu sang phú quí v.v... Do nhờ vào các phước báu đó mà hành nhân có thể làm được nhiều lợi ích lớn cho chúng sanh. Còn nếu như bị sanh vào nhà hạ tiện, nghèo khổ, không có học thức, bị người đời khinh rẻ thì khó thể tạo được lợi ích cho chúng sanh một cách rộng rãi.
Chẳng những nghe danh hiệu A Di Đà Phật nên được phước báu trong thế gian ngay trong đời này, mà đời sau còn được sanh trong nhà tôn quý, có đầy đủ trọn vẹn các căn mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và ý, không bị khiếm khuyết, tàn tật, giúp cho việc tu nhân (tức tu phạm hạnh) chứng đạo Niết-bàn không bị chướng ngại. “Phạm hạnh” là hạnh thanh tịnh vô dục. Vì chư thiên đoạn trừ được dâm dục, nên được gọi là Phạm thiên. Hiểu sâu xa hơn, muôn hạnh để chứng Niết-bàn đều là phạm hạnh. Vì sao? Vì dâm dục còn chướng ngại sanh làm Phạm thiên, huống hồ là Bồ-đề. Lại nữa, tướng của phạm hạnh, tiếng Phạn gọi là Niết-bàn. Vậy, “phạm hạnh thù thắng” nghĩa là tu đạt trọn vẹn diệu hạnh Ðại Niết-bàn căn bản pháp luân, chứ chẳng phải chỉ hạn cuộc trong việc trì giới, đoạn trừ dâm dục mới gọi là phạm hạnh. Ðó mới chính là ý nghĩa sâu xa của chữ “phạm hạnh” trong kinh Phật.
Tóm lại, chữ “phạm hạnh thù thắng” trong lời nguyện “Tu thù thắng hạnh” của Phật A Di Đà nên hiểu là pháp tu bao gồm hết thảy các hạnh như là: trì giới, đoạn trừ dâm dục, lễ Phật, niệm Phật, phát Bồ-đề tâm, một bề chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu vãng sanh Cực Lạc để hướng đến diệu hạnh Ðại Niết-bàn căn bản pháp luân. Thế thì, do nguyện lực gia trì này của Phật A Di Đà, nếu ai một phen nghe được danh hiệu Phật, liền được đầy đủ các công đức thắng diệu, chứng tỏ danh hiệu A Di Đà Phật bao gồm đầy đủ vạn đức. Do vì công đức nghe danh hiệu Phật, vi diệu khó lường như vậy, nên kinh Tôn Thắng Ðà Ra Ni dạy: “Các loài chim bay, súc sanh, hàm linh một phen nghe đà ra ni này thoảng qua tai, hết một thân ấy liền chẳng thọ lại [thân súc sanh] nữa.” Kinh Niết-bàn cũng nói: “Ðại Niết-bàn này cũng giống như thế. Nếu có chúng sanh một phen nghe được, trong bảy kiếp sau chẳng đọa đường ác.”
Nếu có người nghe được danh hiệu Phật A Di Đà, thì dẫu cho trong đời này chẳng thể phát được niềm tin trong sạch, chẳng y giáo phụng hành và tất nhiên không được vãng sanh thì trong đời sau, cũng sẽ nhờ vào cái phước được nghe danh hiệu Phật mà được sanh vào nhà tôn quý, có đầy đủ các căn và thường tu “phạm hạnh thù thắng.” Vì thế, chư cổ đức bảo rằng: “Một tiếng Phật qua tai, Bồ-đề muôn thuở.” Một phen nghe được danh hiệu Phật mà có thể đạt công đức to lớn đến mức như vậy, huống hồ nghe xong lại còn hoan hỷ tin nhận, y giáo phụng hành “phát Bồ-đề tâm, nhất tâm niệm Phật chẳng hề gián đoạn, cầu sanh Tịnh độ,” thì công đức ấy càng lớn lao biết dường nào! Vì thế phải biết: Hằng ngày chúng ta một dạ ròng rặc niệm Phật, kiên cố quyết định một đời này vãng sanh Cực Lạc, cứu cánh Phật quả thì công đức ấy không làm sao mà có thể tính đếm cho nổi! Vì thế, trong kinh Niệm Phật Ba-la-mật, đức Thích Ca Mâu Ni Phật xác định rằng: “Vãng sanh tức là thành Phật.”