Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» CHÁNH KIẾN VỚI PHẬT TỬ SƠ CƠ »»

Tu tập Phật pháp
»» CHÁNH KIẾN VỚI PHẬT TỬ SƠ CƠ

Donate

(Lượt xem: 1.910)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - CHÁNH KIẾN VỚI PHẬT TỬ SƠ CƠ

Font chữ:

Đạo Phật là đạo từ bi trí huệ, mục đích tối thượng của đạo Phật không ngoài việc giúp con người sống an lạc, buông xả để đi đến giác ngộ và giải thoát. Đức Phật cũng từng nói: ”Nước trong biển chỉ có một vị mặn và pháp của ta cũng chỉ có một vị giải thoát”.

Đạo Phật hình thành và phát triển ở Ấn Độ từ hai mươi lăm thế kỷ trước bởi đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngày nay đạo Phật có mặt khắp năm châu và với nhiều tông môn pháp phái truyền thống khác nhau. Dù có tu học theo trường phái nào hay tông môn nào cũng đều căn cứ vào cái căn bản cốt lõi của đạo Phật ấy là: Tứ diệu đế, bát chánh đạo, ba mươi bảy phẩm trợ đạo...Trong ấy thì bát chánh đạo chính là con đường trung đạo, con đường chuyển phàm thành thánh, chuyển mê thành giác, chuyển ngũ trược ác thế thành niết bàn. Không cứ gì Phật tử, tất cả mọi người trên thế gian này nếu y cứ theo bát chánh đạo mà hành thì cũng đều thành tựu được cả. Mọi người dù có mang nhãn mác gì đi nữa nhưng một khi thực hành tu tập bát chánh đạo thì cũng đều có thể đi đến giác ngộ, niết bàn.

Tu học bát chánh đạo chính là tu học giới- định- tuệ vậy. Giới tương ưng với: Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Định tương ưng với: Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và cuối cùng tuệ tương ưng với: Chánh kiến, chánh tư duy. Chúng ta thường nghe có giới thì mới sanh định và có định thì mới có trí tuệ, nhưng ở đây rõ ràng chánh kiến và chánh tư duy lại đứng đầu. Chúng ta thử tìm hiểu một tí nhé!

Chánh kiến đứng đầu trong bát chánh đạo, chánh kiến có hai là chánh kiến hợp thế và chánh kiến siêu thế. Chánh kiến là sự hiểu biết về khổ, nguồn gốc của khổ, con đường thoát khổ và sự chấm dứt khổ. Chánh kiến tức là tứ diệu đế vậy. Mở rộng và liên hệ một chút là chánh kiến tức cái thấy, cái biết đúng đắn, chân chánh. Chánh kiến là cái nhìn sự vật, sự việc, hiện tượng đúng với bản chất của nó, nói cách khác là như thị ( look as is). Chánh kiến là cái tri kiến đúng, không lệch hai bên, không để quan điểm yêu thích can thiệp vào. Điều này quả là khó với người thế gian, vì con người từ xưa đến giờ luôn nhìn sự việc, sự vật qua lăng kính yêu – ghét, thích- chán, lợi – hại, được – mất, ta – địch… Bởi vì thế mà Phật tử sơ cơ chúng ta cần có chánh kiến, có cái nhìn khách quan, cái hiểu biết đúng. Chánh kiến khôn phải tự nhiên mà có, cũng chẳng phải cho Phật hay thánh thần ban cho. Chánh kiến phải tự thân mình tu tập dần dần mới hình thành. Mình mê muội vọng tưởng đã lâu, giờ phản tỉnh xoay lại, phải cố gắng học và hành thì mới có thể có được. Trong thế giới ngày nay, chánh kiến quả là rất khó có, người có chánh kiến cũng khó gặp, đừng nói là Phật tử sơ cơ, ngay cả nhiều vị xuất gia vẫn không có chánh kiến, vì không có chánh kiến nên nói năng, hành động bị sai sử bởi mê lầm, kiến chấp. Vì không có chánh kiến nên nói bậy làm sai để bảo vệ quyền lợi danh vị của mình hay của nhóm mình. Chúng ta có thể thấy cụ thể như những trường hợp đăng đàn nói nhảm, nói xàm, nói bậy tỷ như:” Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Trung Quốc đánh Việt Nam cũng như anh dạy dỗ em” hoặc “ Lý Thường Kiệt đánh Tống là hỗn”, “ Xây dựng quân đội như Bắc Hàn”...Rồi bao nhiêu vụ lùm xùm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín đạo Phật cũng như gây bất mãn trong dân chúng như: Trừ tà, mở ngải, trục vong,lên đồng, cúng sao giải hạn, huy động tiền cúng dường vô tội vạ… Tất cả những trường hợp trên là đều là những điển hình của sự thiếu chánh kiến. Những Phật tử sơ cơ nghe theo, làm theo, tin theo cũng đều là vì thiếu chánh kiến vậy. Người không có chánh kiến sẽ làm bậy nói sai và dễ bị đi sai đường vì sự rù quến của tà môn ngoại đạo ( tu theo bà Thanh Hải, Pháp Luân Công…).

Chánh tư duy là sự suy tư theo hướng ly dục, thiện tâm vô sân và ly hại. Chánh tư duy là sự tư duy có chủ ý đúng, ly dục, ly sân tầm và ly hại tầm, đó là theo kinh sách. Còn chánh tư duy theo cách nghĩ của hàng Phật tử sơ cơ thì chánh tư duy là sự suy nghĩ đúng đắn, chân chánh, hợp chân lý. Con người vốn thiên sai vạn biệt vì nghiệp của mình, vì biên kiến, tà kiến, giới kiến thủ. Con người vì tư lợi, vì danh hão, vì mê vọng mà tư duy thiếu sự sáng suốt, tư duy tà vạy. Tư duy đúng và chân chánh phải hợp lẽ đạo, phải khế hợp với tứ diệu đế, tam pháp ấn; Khổ, không, vô thường, vô ngã… Nếu những tư duy mà ngược lại thì đó là tà tư duy. Chánh kiến và chánh tư duy thường đi liền với nhau, chánh kiến quyềt định nội dung của chánh tư duy, có chánh kiến thì có chánh tư duy, có chánh tư duy thì chánh kiến vững vàng, cả hai bổ sung cho nhau. Chánh tư duy là những suy nghĩ hiền thiện, đúng pháp, lợi mình, lợi người, lợi vật. Chánhn tư duy dẫn dắt nói năng hay hành động của mình đi đúng hướng trên con đường tu học Phật pháp.

Chánh ngữ là lời nói chân chánh, hiền thiện, hợp đạo. Nói năng vì chánh pháp, vì sự thật. Người có chánh ngữ sẽ không nói linh tinh, nói xàm, nói nhảm, nói vì tư lợi, nói vì quyền thế chính trị, danh văn lợi dưỡng… Muốn có chánh ngữ thì ắt phải có chánh kiến và chánh tư duy. Người có chánh kiến tu cái miệng, là là một trong tam nghiệp: Thân – khẩu – ý.

Chánh nghiệp thuộc về phần tu giới, không sát sanh, trộm cắp, tà dâm; mở rộng ra thì chánh nghiệp tức là tạo tác sự nghiệp một cách đúng và chân chánh. Nghiệp dẫn dắt tất cả mọi người đi lên hay đi xuống . Nghiệp là do thân-khẩu-ý tạo ra, nghiệp là do tư duy, nói năng hành động của chính mình mà ra. Nghiệp chân chánh thì đem lại lợi lạc cho chính mình, cho gia đình mình và những người xung quanh. Nghiệp chân chánh sẽ đem lại lợi mình, lợi người, lợi vật, đem lại sự thức tỉnh, quân bình, an lạc. Chánh nghiệp của người Phật tử sơ cơ yêu thương giúp đỡ nhau trong đời sống cũng như trên con đường tu học Phật pháp. Người Phật tử sơ cơ giữ những giới mình đã thọ ấy cũng chính là tạo nghiệp chân chánh vậy.

Chánh mạng là sự nuôi mạng hạp đạo, đúng đắn, tuân theo những gì Phật dạy. Mình sống, mình mưu cầu để sống thì kẻ khác hay vật cũng ham sống sợ chết vậy. Chánh mạng là mưu sinh để nuôi thân mạng này nhưng không được làm hại người, hại vật, hại môi tường xung quanh. Người Phật tử sơ cơ sinh sống bằng những nghề lương thiện, mưu sinh để nuôi thân nuôi gia đình cần tránh những nghề gây đau khổ hay chết chóc cho kẻ khác như: chế tạo hay buôn bán vũ khí, ma túy, rượu, nhà thổ, lò mổ...Mình sống và cần tôn trọng sự sống của kẻ khác, không thể lấy sự đau khổ hay chết chóc của kẻ khác hay con vật để nuôi mạng mình.

Chánh tinh tấn tức là sự siêng năng, nỗ lực, kiên trì tu bốn điều cần thiết cần thiết chân chánh đó là: Việc ác chưa sanh thì đừng để sanh ra, việc ác đã sanh thì làm cho tiêu trừ đi, điều thiện chưa sanh thì hãy làm cho phát sanh, điều thiện sanh ra rồi thì làm cho tăng trưởng. Chánh tinh tấn là sự cố gắng một cách đúng và hợp chánh pháp. Cố gắng tu học, nghiên cứu kinh sách, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, bố thí, phóng sanh… Nói chung tất cả những gì đem lại lợi mình, lợi người, lợi vật; những gì đem lại an lạc, quân bình và khai mang trí huệ. Chánh tinh tấn là sự cố gắng đúng pháp trên con đường tu học giác ngộ giải thoát. Nếu như cũng cố gắng nhưng sự cố gắng làm cho mình mê mờ, ràng buộc thêm, xa rời chánh pháp thì đó không phải là chánh tinh tấn mà là tà tinh tấn. Tỷ như người Phật tử siêng năng đi hầu đồng, trục vong, bói toán, mở ngải, bùa chú, yêu thuật, cúng bái quỷ thần… thì sự tinh tấn này là tà tinh tấn vì nó không đem lại lợi ích, nó chỉ làm cho mình thêm tà vạy lạc đường. Hoặc giả như cũng tinh tấn nhưng tu theo bà Thanh Hải, theo Pháp Luân Công… thì càng ngày càng xa rời chánh pháp, xa rời con đường giác ngộ và giải thoát. Muốn có chánh tinh tấn thì cần phải có chánh kiến và chánh tư duy để biện biệt được chánh- tà để mà tu học. Nếu cũng cố gắng mà không có chánh kiến, chánh tư duy thì ai bày vẽ gì cũng nghe theo và cuối cùng theo họ vào đường tà.

Chánh niệm, chữ niệm trong phép viết chữ Hán gồm bộ kim ở trên và chữ tâm ở dưới, nghĩa là cái tâm nghĩ nhớ, tập trung ở ngay tại cái phút giây hiện tại. Bây giờ và ở đây. Chánh niệm là sự có mặt của tâm ở hiện tại quan sát một cách khách quan những gì xuất hiện trong ta và quanh ta, cái tâm duy trì ở hiện tại, lặng lẽ, sáng suốt. Chánh niệm đóng vai trò điều khiển tu tập: Quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, đi sâu hơn có lẽ là việc tu học của những bậc xuất gia. Hàng Phật tử sơ cơ chúng ta thì cạn cợt một tí thôi: Chánh niệm là sự nghĩ nhớ đúng, chân chánh ngay hiện tại bây giờ. Quá khứ đã qua không hối tiếc tương lai chưa đến không mong cầu, chỉ có phút giây hiện tại này. Mình làm việc gì thì biết việc ấy, toàn tâm toàn ý vào việc ấy. Hơi thở vào biết thở vào, hơi thở ra biết thở ra, hơi thở ngắn biết hơi thở ngắn, hơi thở dài biết hơi thở dài, an trú vào hơi thở… Người có chánh niệm thì tâm ý không lan man hay vẩn vơ muôn mối, nhà Phật thường ví người không có chánh niệm là “Tâm viên ý mã” tức là cái tâm vọng tưởng loạn động như khỉ chuyền cành, ngựa chạy rông vậy. Người có chánh niệm thì trọn tâm ý trong việc mình làm, biết việc mình làm. Chánh niệm không những chỉ cần cho người học đạo mà còn cần cho cả người ngoài đời. Có chánh niệm thì mới an được cái tâm, tâm có an thì mới định, mới phát sinh trí huệ. Người có chánh niệm thì làm việc gì cũng trọn vẹn, không bị sai sót, hư hỏng.

Chánh định theo kinh sách gồm có: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Chánh định (Samadhi) là chú tâm vào một điểm. Chánh định có thiền chỉ (Bhavana) và thiền quán ( Vipassana), tùy trình độ mà đi từ thấp đến cao tứ thiền, tứ không… Với hàng Phật tử sơ cơ thì chúng ta chỉ cần biết chánh định tức là định tâm đúng phương pháp, Phật giáo có nhiều phương pháp để định tâm, thiền định là phương pháp rộng rãi, phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Thiền định có nhiều cấp độ thích hợp với mọi căn tánh và trình độ khác nhau, có thiền bắc tông, thiền nam tông, có thiềm minh sát, tham thoại đầu, sổ tức, chỉ, quán...Nói chung tất cả đều giúp cho hành giả định được cái tâm, dẹp được cái vọng… tâm có lắng, có định thì huệ mới phát sanh. Ngoại đạo cũng có thiền định như không phải chánh định vì mục đích của họ để khai mở luân xa, cầu đắc thần thông… Chánh định của Phật giáo là để định tâm, để khai mở trí huệ, chánh định là con đườngtu học, là một trong tam học: Giới – định- tuệ.

Nhân việc nói về chánh kiến của người Phật tử sơ cơ, bút giả chỉ trình bày những hiểu biết nông cạn của mình về bát chánh đạo đối với hàng Phật tử sơ cơ, tuyệt nhiên không dám lạm bàn về chánh kiến hay bát chánh đạo đối với quý tu sĩ và những bậc xuất gia. Học Phật là để áp dụng vào đời sống hàng ngày chứ không phải để nói suông hay hý luận trên mặt chữ nghĩa, nay bút giả nói sơ về một chút áp dụng chánh kiến, chánh tư duy trong việc học Phật của mình. Cũng nhờ có chút xíu xiu về chánh kiến nên bút giả đã nhận ra được ít nhiều điều đúng, điều sai trong việc nghe pháp, học Phật của mình.

Pháp sư Tịnh không là một vị pháp sư lớn của thời đại, tiếng tăm bay xa khắp cõi. Phật tử người Hoa, Phật tử Việt đều hâm mộ, số người quy y và theo tu học rất đông. Ngài chuyên tu tịnh độ và đặc biệt xiển dương kinh “Vô Lượng Thọ” . Phải nói là chưa có bộ kinh nào được giảng và phổ biến rộng rãi như bộ kinh này, băng video, vcr, mp3, trên Net… tràn ngập khắp nơi, lượng người nghe cũng đông đảo. Bút giả cũng hâm mộ lắm, đã nghe suốt nhiều năm qua và hiện vẫn tiếp tục nghe, tuy nhiên trước kia nghe bằng cảm tình, nghe bằng sự hâm mộ, bây giờ thì nghe bằng lý, nghe qua lăng kính chánh kiến và chánh tư duy. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì sau một thời gian dài nghe đến độ có thể nhớ nằm lòng nội dung giảng nhưng từ khi nghe bằng chánh kiến và chánh tư duy thì nhận thấy có nhiều điều bất hợp lý, nhiều chỗ sai sự thật. Tuy rằng hâm mộ và kính trọng pháp sư nhưng những điều không đúng thì không thể nhắm mắt nghe theo. Đạo Phật là đạo chánh tín, tỉnh giác chứ không phải mê tín, cuồng tín. Học Phật cần có sự kiểm chứng chứ không thể nhắm mắt mà hùa theo. Trong nhà Phật cũng có câu: Đừng vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được ghi lại trong sách vở, chỉ vì nhiều người tin, chỉ vì thầy tổ mình nói hay chỉ vì tập quán xưa nay… Ngay chính đức Phật cũng dạy: ”Tin ta mà không hiểu ta tức là hủy báng ta”.

Trước hết chúng ta thử nói về chủ trương quy y của pháp sư và tông môn, nếu những người chưa từng quy y thì không có điều gì để bàn, điều đáng nói ở đây là những Phật tử đã quy y, đã có pháp danh lại còn bắt phải tái quy y và gắn thêm hai chữ Diệu Âm vào pháp danh đã có. Việc này thật không cần thiết, rất buồn cười, giống như vẽ rắn thêm chân. Mục đích là tạo ra những đệ tử riêng, lập tông môn riêng. Nội dung quy y cũng thay đổi trở nên hạn hẹp một cách rất đáng tiếc. Đao Phật xưa nay quy y là quy y Phật, Pháp, Tăng, có thể hiểu là tự tánh Tam bảo hoặc thật tướng Tam bảo cũng đều đúng cả. Bây giờ Pháp sư dạy quy y tam bảo kiểu mới: Quy y Phật tức là quy y A Di Đà Phật, quy y pháp là quy y kinh Vô Lượng Thọ, quy y tăng là quy y Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Điều này quả thật không biết nói sao cho thỏa lòng, nói ra e đụng chạm và gây xáo trộn nhiều, nhưng rõ ràng quy y kiểu này thì hạn hẹp, cục bộ và không được như pháp cho lắm. Việc niệm danh hiệu Phật xưa nay vẫn thông suốt, giờ tự dưng phải đổi lại là niệm A Mi Đà Phật, hoàn toàn không cần thiết, chỉ làm rườm rà và xáo trộn thêm. Hình thức lễ lạy cũng vậy, người Phật tử quỳ xuống, hạ thấp cái ngã, hai bàn tay ôm chân Phật để tỏ lòng tôn kính, bây giờ thay đổi là hai bàn tay phải cụp lại rồi xòe ra như hoa sen nở. Vấn đề này xin dành cho các bậc tôn túc cho ý kiến chứ bút giả không dám bàn, riêng bút giả thì vẫn cứ lễ lạy như truyền thống xưa nay. Việc tu học thì khuyên mọi người buông bỏ hết các kinh và các danh hiệu Phật, Bồ Tát khác, chỉ niệm duy nhất kinh Vô Lượng Thọ và danh hiệu Phật A Di Đà. Cứ niệm Phật không cần học nhiều vì học nhiều là tạp tu, loạn tu sẽ không được nhất tâm và tức sẽ không được vãng sanh. Rõ ràng chúng ta vẫn nghe: Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách. Vậy pháp sư khuyên bỏ hết chỉ chú tâm niệm Phật e rằng chẳng biết Phật dạy gì, chẳng biết căn bản cốt lõi của Phật giáo là gì.

Pháp sư Tịnh Không giảng: ”Phật Thích Ca Mâu Ni nhờ niệm Phật mà thành Phật”. Chúng ta đều biết rằng đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni sau khi xuất gia tầm đạo đã tu khổ hạnh sáu năm nơi núi tuyết nhưng cuối cùng không được kết quả, sau đó đức bổn sư đến ngồi thiền bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ đề, cho đến khi thấy sao mai mọc mà ngộ đạo. Ngài tu thiền miên mật suốt bốn mươi chín ngày trong kiếp chót và đã tu vô lượng kiếp trong quá khứ, làm gì có chuyện đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni tu niệm Phật mà thành Phật, đây chỉ là một cách nhận vơ kiểu “Thấy người sang bắt quàng làm họ” để đề cao pháp môn tu niệm Phật mà thôi!

Pháp sư nhắc nhở mọi người đừng “Tự tán hủy tha” nhưng suốt băng giảng ngài lại phạm “Tự tán hủy tha” một cách thái quá. Vì quá cổ xúy cho pháp môn tịnh độ mà sanh ra mỉa mai châm chích pháp môn tu thiền, những lời nói cụ thể như: "Người niệm Phật thành Phật ( vãng sanh) thì nhiều, còn người tu thiền thì một người khai ngộ cũng không nghe thấy”, hoặc như:” Ngồi đó ngủ sao bằng nằm ngủ có phải khỏe hơn không”. Người tu thiền, ngồi an tọa tỉnh giác, thức tỉnh, thanh lọc tâm ý, quán sát từng niệm khởi, từng hơi thở chứ đâu phải ngồi để ngủ! Rồi pháp sư còn đi xa hơn nữa:” Những người ăn chay trì trai thì có đến chín mươi phần trăm đều bị bệnh ruột bao tử. Họ dồn ba bữa ăn làm một để mà ăn”. Điều này quá đáng, hai mươi lăm thế kỷ qua chưa từng nghe nói người trì trai bị bệnh ruột bao tử, lại còn con số chín mươi phần trăm kia ở đâu ra? Người trì trai họ ăn một bữa chính ngọ và bữa ăn bình thường chứ chẳng phải dồn ba bữa làm một để ăn. Chư tăng, ni Phật giáo Nam truyền và một số ít tăng, ni Phật giáo Bắc truyền vẫn trì trai, chẳng có nghe ai nói vì trì trai mà bị bệnh ruột bao tử cả!

Pháp sư giảng về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc cứ như là một truyện cổ tích hay một thế giới thần tiên kiểu như fairy tales vậy. Pháp sư bảo:” Người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc cứ mỗi bữa ăn thì thức ăn thất trân bát bảo, bá vị hiện ra, bởi vì người vãng sanh vẫn còn tập khí ăn uống nên khi khởi niệm thì thức ăn uống tự động xuất hiện. Nếu nói thế thì những tập khí như: vệ sinh tiểu tiện, sinh hoạt tính dục... khi khởi lên thì những vấn đề ấy lại xuất hiện ư? Nếu thế thì còn gì là Tịnh độ, là Tây Phương Cực Lạc nữa? Ngài còn giảng:” Tây Phương Cực Lạc là chơn thường bất biến, duy chỉ có hoa sen là biến. Người niệm Phật thì hoa sen nở, khi không niệm nữa hay đổi ý tu thiền thì hoa sen héo đi. Phật chờ cho đến khi người ấy vãng sanh thì đem cái hoa sen héo ấy đến trao...” Những lời này quả thật có thể nói rất “ thần thoại”, không có chút gì như pháp, xa rời với căn bản Phật học.

Suốt quá trình giảng kinh Vô Lượng Thọ, pháp sư luôn nhắc người học Phật đừng “Tự tán hủy tha” nhưng pháp sư lại phạm rất nặng, có lẽ tánh tự tôn dân tộc của ngài lớn quá, ngài không vượt qua được chính mình, ngài cũng giống như những người Hoa khác ở cái điểm này. Cái tư tưởng Đại Hán luôn luôn cho mình là nhất thiên hạ. Pháp sư giảng: ”Phật giáo Trung Quốc với tập quán ăn chay là điểm đặc biệt nhất trên thế giới. Phật giáo các nước không hề có” . Ngài tự tán:” Văn tự Trung Quốc tràn đầy trí huệ, trên toàn thế giới không có bất cứ một dân tộc hay một quốc gia nào có thể sánh bằng!”. Không biết là pháp sư có biết đến văn tự, văn minh của Lưỡng Hà, Ả Rập, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã chăng? Hay là biết nhưng làm ngơ và tự cho mình là văn minh và trí huệ nhất? Thậm chí pháp sư còn đưa ra những lời nói hoàn toàn sai sự thật, bóp mép sự thật. Trong băng giảng pháp sư bảo rằng:” Lịch sử năm ngàn năm của Trung Hoa chưa từng xâm lược nước nào, chưa từng gây ra đau khổ cho bất cứ dân tộc nào, có chăng là chiến tranh bởi sự thay đổi của các triều đại Trung Hoa mà thôi!”. Sự thật thì tất cả mọi người đều biết, cả thế giới đều biết: Năm ngàn năm lịch sử Trung Hoa không ngừng xâm lăng, gây chiến chinh, đánh cướp tiêu diệt các nước nhỏ, các dân tộc yếu. Nhiều quốc gia đã sáp nhập vào Trung Hoa, nhiều sắc tộc đã bị đồng hóa. Các triều đại Trung Hoa đã gây vô vàn đau khổ tang thương cho những nước nhỏ và những dân tộc yếu ở xung quanh, nói như cụ Nguyễn Trãi thì: "Trúc Nam sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Ngay cả hiện nay cũng thế, Trung Hoa vẫn ngày đêm xâm lấn, cướp đất, cướp biển, sáp nhập… mở rộng lãnh thổ, các tộc người Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Việt, các sắc dân và các nước vùng trung Á đều là nạn nhân của Trung Hoa. Họ vẫn đang ngày đêm chịu sự bức hiếp và đe dọa của Trung Hoa. Cái máu xâm lăng và đồng hóa của giới cầm quyền Trung Hoa không bao giờ thay đổi! Pháp sư còn bóp méo một sự thật khác nữa, ngài nói:” Vua các nước nhỏ chung quanh tấn cống cho các hoàng đế Trung Hoa là do lòng mến mộ, kính yêu và các hoàng đế Trung Hoa cũng đáp lễ lại gấp bội!” Lịch sử vẫn còn ghi lại rõ ràng, sự tấn cống lễ vật vàng bạc, châu báu, đặc sản quý… là một vấn nạn của các nước nhỏ, một nỗi lo sợ khốn khổ và đau khổ, một gánh nặng vô cùng, một khi vì lý do gì đó mà không thể tấn cống, tấn cống không đủ theo sự bắt ép hoặc tấn cống trễ… các hoàng đế Trung Hoa liền lấy cớ đó cất quân đánh liền, làm gì có chuyện tấn cống lễ vật là vì yêu mến và càng không có chuyện đáp lễ gấp bội! Pháp sư đề cao tự tán dân tộc mình một cách thái quá đến độ bất chấp lịch sử lẫn hiện thực, ngài bảo:” Người Trung hoa rất tôn trọng trí thức, không có một dân tộc nào có thể sánh kịp. Trong những buổi lễ hay các cuộc gặp mặt… chiếc ghế lớn của chủ tọa luôn dành cho người có học, cho dù người có học rất nghèo”. Sự thật thì ai cũng biết, xã hội Trung Hoa rất bạo liệt, mạnh được yếu thua, kẻ có tiền hay quyền thế là ông vua đứng trên mọi thiết chế xã hội. Ghế chủ tọa luôn luôn dành cho kẻ có quyền thế, tài chủ hoặc cường sơn thảo khấu, làm gì có chuyện ghế chủ tọa dành cho anh hàn sĩ, anh học trò nghèo. Nói như vậy là để tôn mình lên, ca tụng dân tộc mình văn minh, cái tánh tự tôn, tinh thần đại Hán quá mạnh. Pháp sư là một sa môn đa văn túc trí, phẩm hạnh thanh khiết, tinh tấn tu học nhưng tiếc thay không thoát khỏi cái tư tưởng đại Hán – Trung Hoa.

Pháp sư đề cao Khổng Tử ngang hàng với đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Ngài giảng:” Phật Thích ca Mâu Ni giảng trung đạo, Khổng Tử dạy trung dung thì cũng đâu có kém là bao, Khổng Tử cũng vĩ đại đâu có kém mấy”. Trung đạo là con đường chuyển phàm thành thánh, con đường đi đến giác ngộ và giải thoát. Trung dung là học thuyết chính trị của nho gia, vẫn trong vòng tranh danh đoạt lợi, vẫn quanh quẩn sanh tử luân hồi. Đem trung dung so với trung đạo khác nào đem ánh sáng đom đóm so với vầng thái dương. Đem Khổng Tử, một hiền triết, một chính trị gia so với đức phật, một bậc thầy của hàng trời người, một đấng giác ngộ đã hòan toàn không còn sanh tử luân hồi, quả là một việc buồn cười, không thể nào so sánh được!

Bộ kinh Vô Lượng Thọ ngài giảng rất hay, rất hấp dẫn và lôi cuốn người nghe, tuy nhiên những điểm sai trái, không đúng sự thật, không như pháp thì chúng ta phải nhận rõ để không bị mê mờ lôi cuốn theo. Danh ngôn cũng có câu:” Yêu ai cũng cần biết cái dở của họ và ghét ai cũng phải nhìn nhận cái hay của họ”. Chúng ta hâm mộ pháp sư, yêu mến pháp sư, nghe giảng pháp và tu học theo pháp sư cũng cần phải nhìn nhận những điều không đúng, tin phải chánh chứ không phải tin mà mê, chánh tín chứ không phải mê tín là vậy! Những đồ đệ của Pháp sư, những người hâm mộ pháp sư suốt nhiều năm dài cứ tung hô người này vãng sanh, người kia đắc đạo thông qua việc để lại xá lợi. Thật sự thì sau khi hỏa thiêu, những phân tử canxi kết tinh lại giống như san hô hay những mảnh thạch cao, nào có phải xá lợi, xá lợi đâu mà nhiều quá xá và to tướng như thế. Tiếc thay những người vì quá hâm mộ mà gây nên làn sóng cuồng tín: lưu xá lợi, chết có thọai tướng, hào quang, hương thơm… đi tung tin khắp nơi, thậm chí động vật cũng vãng sanh, rồi đặt máy niệm Phật cho những chúng sanh mà chúng ta không thấy được bằng mắt thường nghe… Đây là hậu qủa của việc thiếu chánh kiến, thiếu chánh tư duy mà ra, vì vậy học Phật chúng ta cần phải có chánh kiến và chánh tư duy là vậy!

Hiện nay sâu vào đời mạt pháp, nhiều tà sư tham chính, thân chính, phò chính mà nói và làm không đúng như pháp, thậm chí nói bậy làm càn. Chúng ta có thể thấy ở cố quận mình, nhiều tà sư đăng đàn nói nhảm dễ sợ, dùng lời ma mị miệng lưỡi lươn lẹo để mê hoặc dẫn dắt người sơ cơ đi theo chú ý của họ. Phật tử sơ cơ chúng ta cần phải vận dụng chánh kiến, chánh tư duy để nghe pháp và học Phật, không dụng cảm tình. Có chánh kiến, chánh tư duy thì việc học Phật không bị mê lầm, không uổng phí thời gian và công sức. Có chánh kiến, chánh tư duy thì chánh tin tấn mới đem lại kết quả tốt đẹp.

Thanh Nguyễn

Ất Lăng thành, 09/22



    « Xem chương trước «      « Sách này có 1507 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Vua Là Phật, Phật Là Vua


Thắp ngọn đuốc hồng


Chuyển họa thành phúc

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.166.129 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...