Cái Thấy là một biểu hiện của sức sống bản nhiên, là sinh lực thường hằng vượt lên trên mọi giới hạn về thời gian (lúc thức, lúc ngủ, khi sống và cả khi chết…) và không gian (ở tất cả các cảnh giới, ở đủ các nơi rộng, hẹp, thông, bít, sáng, tối, có ánh sáng hay không có ánh sáng, có vật hay không có vật…). Trên phạm vi pháp tướng, cái Thấy bao gồm cả chủ thể lẫn khách thể (Năng và Sở), hiện tượng và bản thể, với pháp giới tròn đầy từ Vật Giới, Thân Giới, đến Tâm Giới. Phạm vi bài viết này tập trung vào cái Thâý lúc thức với cảnh vật .
Theo Duy Thức Học, cái Thấy cảnh vật lúc ta thức cần có đầy đủ 9 duyên (điều kiện) để sinh khởi và thể hiện. Chín duyên này được liệt kê theo cách đánh số từ lớn đến nhỏ, từ Vật Giới đến Tâm Giới, từ hiện tượng cạn cợt bên ngoài đến cội nguồn sâu xa bản thể bên trong, như sau:
#9. Vật (Cảnh)
#8. Ánh sáng (Minh)
#7. Hư không (Nền của Vật Cảnh và của Ánh sáng )
#6. Mắt (Nhãn căn)
#5. Chủng tử
#4. Tác Ý
#3. Ý thức (Phân Biệt Y)
#2. Mạt Na thức (Nhiễm Tịnh Y)
#1. A Lại Da thức (Căn Bản Y)
Có thể xem ba duyên #9, #8, và #7 là thuộc về Vật Giới, trong đó duyên # 9 (Vật) là phần thô, hai duyên #8 (Ánh sáng) và #7 (Hư không) là phần tế của Vật Giới. Duyên #6 (Mắt) có thể xem thuộc về Thân Giới. (năm căn Nhãn Nhĩ Tỹ Thiệt Thân được xem thuộc về Thân Giới). Năm duyên còn lại là duyên #5 (Chủng tử), duyên# 4 (Tác Ý), duyên #3 (Ý thức), duyên #2 (Mạt Na thức), và duyên #1 (A Lại Da thức) có thể xem đều thuộc về Tâm Giới .
Người phàm phu ở giới ít học khi nói là "Tôi (hoặc mắt tôi) thấy vật" tức là họ chỉ biết đến Thân giới (Duyên # 6 : Mắt) và đến phần thô của Vật giới (Duyên #9 : Vật). Cao hơn , nơi người phàm phu có học thức, ngoài hai duyên# 6 và duyên #9 nêu trên, có thể biết thêm hai duyên tế của Vật Giới là duyên #8 (Ánh sáng) và duyên # 7 (Hư không). Bốn duyên này (#9, #8, #7, và #6) chính là căn bản của môn khoa học thường thức gọi là "Quang Học" (thuộc về Vật Lý Học) đã được phổ biến từ học trình giáo dục cấp Trung Học Phổ Thông .Theo ý nghĩa này , dưới nhãn quan Duy Thức, các nhà Đạo Học xem cái thấy biết còn có giới hạn chỉ ở 4 duyên đầu tiên nêu trên , ở một nhà khoa học, hay ở một nhà bác học dù có tinh vi đến đâu cũng còn là cái thấy biết phàm phu, hoặc là Trí Thức phàm phu .
Dù 5 duyên thuộc về Tâm giới (từ duyên #5 đến duyên #1) chiếm hơn phân nửa các duyên tạo thành cái Thấy, nhưng ít ai để ý biết đến các duyên này của Tâm giới mà Duy Thức Học soi tỏ với ý nghĩa và danh pháp được sơ lược như sau :
(#5) Chủng Tử:
Là những hạt mầm ở dạng năng lượng, là kết tinh của nghiệp lực được tích chứa trong kho Tàng Thức ( A Lại Da Thức, duyên #1). Mỗi khi tâm thức chúng ta khởi sinh động niệm, các thức tình tương ứng được phát khởi rồi được phát triển, huân tập thành chủng tử. Các chủng tử này không bao giờ bị hư tổn, mất mát, hay hoại diệt. Mỗi căn có mỗi loại chủng tử riêng nên có tác dụng đặc sắc riêng. Như ở mắt có chủng tử để thấy, ở tai có chủng tử để nghe…
Xét về mặt thời gian hình thành, chủng tử được phân biệt ra hai loại là Chủng Tử Sẵn Có (Bản Hữu Chủng Tử) và Chủng Tử Mới Tích Tập (Tân Huân Chủng Tử).
Xét về mặt tính chất, chủng tử được phân biệt ra hai loại là:
1. Nghiệp Chủng (còn có tên là Dị Thục Chủng Tử hay Dị Thục Tập Khí) do các Tâm Vương và các Tâm Sở (thiện, ác..) tạo ra. Nghiệp Chủng lại được chia ra hai loại là là Chủng Tử Còn Luân Hồi (Hữu Lậu Chủng Tử) với đầy đủ ba tánh Thiện, Ác, Vô Ký và Chủng Tử Không Còn Luân Hồi (Vô Lậu Chủng Tử) với chỉ thuần một tánh Thiện.
2. Pháp Chủng (còn gọi là Đẳng Lưu Tập Khí) bao gồm các chủng tử đồng đẳng lưu xuất.
(#4) Tác Ý:
Là một trong 5 món Biến Hành Tâm Sở. 5 món này là: Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư. Gọi là Tâm Sở vì đây là pháp sở hữu của Tâm Vương (Tâm Vương Chi Sở Hữu Pháp), tức là luôn do từ Tâm Vương khởi ra mà có (Hằng Y Tâm Khởi), tương ứng với Tâm Vương (Dữ Tâm Tương Ứng) và hệ thuộc vào Tâm Vương (Hệ Thuộc Ư Tâm). Có thể nói Tâm Sở chính là những tình thức, chấp trước , dính mắc nơi Chơn Tâm nên ít nhiều làm che mờ Chân Tâm, khiến Giác Thể bản hữu nơi Chơn Tâm bị tạm thời chuyển thành Bất Giác . Duy Thức Học phân biệt có 51 loại Tâm Sở liệt kê như sau:
5 Biến Hành (Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư),
5 Biệt Cảnh (Dục, Thắng Giải, Niệm, Định, Huệ),
11 Thiện (Tín, Tàm, Quí, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Tinh tấn, Khinh An, Bất Phóng Dật, Hành Xả, Bất Hại),
6 Căn Bản Phiền Não (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến),
20 Tùy Phiền Não (bao gồm 10 Tiểu Tùy là Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Xiễm, Hại, Kiêu ; và 2 Trung Tùy là Vô Tàm, Vô Quí; và 8 Đại Tùy là Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn, Bất Chánh Tri), và 4 món Bất Định (Hối, Miên, Tầm, Tư).
Gọi là Biến Hành vì 5 món này có mặt trong mọi lúc (về mặt thời gian), mọi nơi (về mặt không gian), trong tất cả hoạt động, vận hành của tám thức (Bát Thức Tâm Vương), và trong tất cả mọi cảnh giới (ba cõi hoặc kết quả tu tập).
Chính do Tác Ý nơi mắt (nhãn căn) nên ta mới thấy biết được vật. Nếu không có Tác Ý (như khi ta không có sự chú tâm, chú ý hoặc khi ta vô ý) thì ta chỉ “Nhìn” mà không “Thấy”.
(#3) Ý Thức (Phân Biệt Y) (Liễu Biệt Cảnh Thức) (Đệ Lục Thức):
Ý Thức còn được gọi là Đệ Lục Thức theo thứ tự trong Bát Thức Tâm Vương của Duy Thức Học.
Bát Thức Tâm Vương gồm có 1. Nhãn Thức, 2. Nhĩ Thức , 3. Tỹ Thức, 4. Thiệt Thức, 5. Thân Thức (gọi chung là Tiền Ngũ Thức), 6. Ý Thức, 7. Mạt Na Thức, và 8. A Lại Da Thức.
Đặc điểm của Ý Thức là nhạy bén, lanh lẹ, khôn ngoan trong phân biệt, học hỏi, suy luận nên có tên gọi là Phân Biệt Y, hay tên Liễu Biệt Cảnh thức. Đó là do Ý Thức có đầy đủ ba thể phân biệt là Tự Tánh Phân Biệt, Tùy Niệm Phân Biệt, và Kế Đạc Phân Biệt.
Công năng của Ý Thức là Chấp Ngã và Chấp Pháp. Công năng chấp ngã của Ý Thức là do thừa hưởng được từ Mạt Na Thức (duyên # 2). Nhưng so với Mạt Na thức chỉ có chấp ngã, Ý Thức có thêm chấp pháp. Nơi ý nghĩa này, có thể xem Ý Thức chính là phần “tinh luyện”, nhạy bén nhất của Mạt Na Thức, được xuất sinh từ Mạt Na Thức và được sử dụng khi tiếp xúc với cảnh vật để có thể vận dụng phân biệt rồi tìm cách ứng tiếp, sử dụng cảnh vật một cách tối ưu cho công năng chấp ngã của Mạt Na thức.
Ý Thức có toàn thể 51 món Tâm Sở của Duy Thức Học.
Tuy vậy, Ý Thức không được thường hằng. Nó xem như bị gián đoạn trong 5 trường hợp là: 1. Cảnh trời Vô Tưởng, 2. Vô Tưởng Định, 3. Diệt Tận Định, (Vô Tưởng Định và Diệt Tận Định là hai pháp Định Vô Tâm của Nhị Thừa), 4. Ngũ say (Thụy Miên ), và 5. Chết giấc ( Muộn Tuyệt). Nên Ý Thức có Kế (có so đo, tính toán) mà không có Biến (thường hằng).
Khi Tiền Ngũ Thức tiếp vật ( thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc biết vật), liền đó Ý Thức bèn khởi tác dụng tương ứng, phối hợp hài hòa với Tiền Ngũ Thức. Đây được gọi là Ngũ Câu Ý Thức.
Cùng với Mạt Na Thức (duyên # 2) và A Lại Da Thức (duyên # 1), Ý Thức là nguồn căn của tam nghiệp (thân, khẩu, ý) khiến chúng sinh phải theo đó mà chịu luân hồi khổ đau không dứt. Vì thế, theo Duy Thức Học, tướng của Ý Thức là luân chuyển trong ba cõi (Tam Giới luân thời dị khả tri). Chính từ nơi Ý Thức mà có ra ba nghiệp Ý Nghiệp, Khẩu Nghiệp, và Thân Nghiệp để chiêu cảm và thọ nhận quả báo trong ba cõi. Nhưng ngược lại, cũng chính từ nơi Ý Thức mà ta có thể tu hành Quán Hạnh, Đoạn Hoặc và phá trừ Ngã Chấp cùng Pháp Chấp để đến khi có được đầy đủ diệu dụng thì Ý Thức được chuyển thành Diệu Quan Sát Trí.
(#2) Mạt Na Thức (Nhiễm Tịnh Y) (Thức Thứ Bảy) (Tư Lương Thức) (Truyền Tống Thức) (Ý Căn) (Ý)
Được gọi tên là Thức Thứ Bảy dựa theo thứ tự của Bát Thức Tâm Vương. Gọi là Truyền Tống Thức dựa trên công năng tiếp thu, đưa chuyển chủng tử vào ra nơi Tàng Thức. Gọi là Nhiễm Tịnh Y vì là nơi nương tựa cho sáu thức trước (Tiền Lục Thức) bất kể là nhiễm hay tịnh. Vì nó là căn nguồn của Ý Thức nên còn có tên là “Ý Căn”, hay còn được gọi đơn giản hơn là “Ý”.
Mạt Na Thức duyên nơi Kiến Phần của A Lại Da Thức (Duyên # 1) làm Ngã và duyên nơi Tướng Phần của A Lại Da làm “Ngã Sở” ( “Y Bỉ Chuyển Duyên Bỉ” ) rồi chấp đó làm tự thể của nó. Đặc điểm của tánh và tướng nơi tự thể này là luôn luôn lo nghĩ, thẩm xét , so lường (“Hằng thẩm tư lương vi tánh tướng”). Do đây, nó còn có tên gọi là Tư Lương Thức. Đây chính là “tiếng nói thì thầm” luôn hiện diện nơi tâm trí thông thường của mọi người. Qua đây, có thể thấy Mạt Na thức chỉ là một thành phần có từ A Lại Da Thức. Mạt Na Thức có hai đặc điểm là tư lương và chấp ngã, dù cái ngã này chỉ là Vọng Ngã, cái ngã được hình thành từ các lo nghĩ, thẩm xét khởi lên từ Bất Giác. René Descartes (1596-1650), cha đẻ của chủ nghĩa Duy Lý Cận Đại với câu nói bất hủ “Tôi tư duy chính là tôi tồn tại” (Je pense, donc je suis) đã xác định, xác chứng được cáí ngã (Vọng Ngã) này nơi con người hoặc rõ hơn là nơi Mạt Na Thức của con người. Lục Tổ với lời khai thị về sâu tận nơi cội nguồn (“Bản Lai Diện Mục”): “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác..” cho Huệ Minh đã trực chỉ cội nguồn này, nhắc nhớ Thượng Tọa Minh vượt lên trên, vượt qua phạm trù phân biệt về thiện ác của Ý Thức (duyên # 3) và vượt qua luôn phạm trù về suy tư, nghĩ ngợi, tư lương của Mạt Na Thức (duyên # 2). Kinh Duy Ma Cật, phẩm Bất Nhị Pháp Môn, Bồ Tát Nhạo Thật đã chỉ ra cái Thấy Thật của nhục nhãn vẫn còn chưa thấy đúng chân lý: “cái Thấy Thật này chưa là cái Thật Thấy”. Chỉ có cái Thấy của Tuệ Nhãn đã vượt qua phạm trù Năng - Sở (của duyên # 2) mới là Cái Thấy Chơn Thực (cái Thật Thấy).
Tánh của Mạt Na thức là tánh Vô Ký (tức là không có sự phân biệt thiện ác) và tánh Hữu Phú (tức là có đèo bồng thêm các phiền não), ( các phiền não này có căn nguồn từ sự chấp ngã như Ngã Si, Ngã Mạn, Ngã Ái, Ngã Kiến đặc sắc của Mạt Na Thức), nên gọi chung là Hữu Phú Vô Ký tánh. Mạt Na thức vừa là thường hằng, vừa có tính thẩm xét (về chấp ngã) nên còn được gọi là “Diệc Hằng Diệc Thẩm” hay còn gọi là “vừa Biến, vừa Kế”. Chấp ngã được phân biệt có hai phần : một là chấp ngã bên con người (gọi là Chấp Nhơn, hay còn được gọi là Kiến Thủ), hai là chấp ngã bên vạn pháp (gọi là Chấp Pháp, hay còn được gọi là Tướng Thủ). Kiến Thủ và Tướng Thủ là hai món thủ chấp (Nhị Thủ) trong Duy Thức Học.
Mạt Na Thức có 18 món Tâm Sở là 5 Biến Hành (Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư), 4 Căn Bản Phiền Não (Ngã Si, Ngã Mạn, Ngã Ái, Ngã Kiến), 8 Đại Tùy Phiền Não (Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn, Bất Chánh Tri) và 1 Biệt Cảnh (Huệ).
Mạt Na thức không có công năng đoạn hoặc và tu quán hạnh như Ý Thức mà nhờ có Ý thức tu quán hạnh va đoạn hoặc mà Mạt Na thức cũng dần được chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí.
(#1) A Lại Da Thức (Căn Bản Y) (Thức Thứ Tám) (Tàng Thức) (Dị Thục Thức) (Nhất Thiết Chủng Thức) (A Đà Na Thức) (Tâm):
A Lại Da Thức chính là cội nguồn sâu xa nhất của vạn hữu, là nhân của tất cả các pháp. Nói cách khác, nó chính là bản thể của vũ trụ, của tất cả các vật thể, pháp thể, sinh thể tức là của cả sanh mạng (bao gồm thân thể và tâm thức) con người.
A Lại Da Thức có đầy đủ bốn phần: 1. Tướng Phần (là phần ảnh tướng Sở Duyên, Sở Lượng) , 2. Kiến Phần (là phần Năng Duyên, Năng Lượng), 3. Tự Chứng Phần (là phần Lượng Quả), và 4. Chứng Tự Chứng Phần (là phần chứng biết về phần Lượng Quả). Như thế, A Lại Da Thức bao hàm cả Ngũ Nhãn và Ba Tự Tánh. Ngũ Nhãn là Nhục Nhãn, Thiên Nhãn, Huệ Nhãn, Pháp Nhãn, và Phật Nhãn. Ba Tự Tánh là Biến Kế Sở Chấp Tánh, Y Tha Khởi Tánh (Y Tha Duyên Nhi Sanh Khởi Tánh), và Viên Thành Thật Tánh.
A Lại Da Thức cũng thường được gọi vắn tắt là “Tâm” để phân biệt với “Ý” là Mạt Na Thức và với “Thức” là Tiền Lục Thức (sáu thức trước).
Theo thứ tự trong Bát Thức Tâm Vương, A Lại Da được gọi tên là Đệ Bát Thức
Đứng về mặt bản thể, chỉ có một thức A Lại Da. Từ bản thể này mà có ra thêm bảy tướng dụng khác là Tiền Thất Thức (bảy thức trước) nên thức A Lại Da được gọi tên là Căn Bản Y.
Về mặt quả tướng, theo lý biến dịch nhân quả, A Lại Da có tên là Dị Thục Thức (Thức Chuyển Đổi Chín Muồi). Chuyển đổi được phân biệt có ba dạng theo thờì gian và chất loại là Dị Thời Nhi Thục, Biến Dị Nhi Thục, và Dị Loại Nhi Thục.
Về mặt tự tướng, A Lại Da có nghiệp dụng là thu chứa , duy trì tất cả các loại chủng tử nên có tên là Tàng Thức (kho chứa chủng tử, Năng Tàng) và nó cũng có tên là " Nhất Thiết Chủng Thức" (các loại chủng tử bị chứa, Sở Tàng). Vì có công năng là chấp trì chủng tử nên A Lại Da còn có tên gọi la “A Đà Na Thức” (‘A Đà Na’ có nghĩa là “chấp trì”) . Chính do có công năng chấp trì chủng tử nên A Lại Da thức khiến chúng sanh có thể sinh tử tương tục, không bị gián đoạn (kiết sanh tương tục).
A Lại Da Thức có bản thể vời vợi không cùng, vượt lên tất cả hiện tượng hữu vi sanh diệt, siêu xuất 8 tướng : sanh- diệt, thường- đoạn, đồng – dị, khứ- lai nên được gọi là bát bất (bất sanh, bất diệt, bất thường, bất đọan, bất đồng, bất dị, bất khứ, bất lai), rất huyền nhiệm, vượt lên mọi suy tư lý luận (bất khả tư nghì) nên không thể diễn tả chính xác được. Bản thể này vượt lên trên “Có” và “Không”, “Tức” và “Phi”… nên Mã Tổ dạy “Tức Tâm tức Phật” giúp thiền sư Đại Mai Pháp Thường đại ngộ, rồi sau Mã Tổ lại nói ngược lại là “Phi tâm, phi vật, phi Phật” mà cũng không mâu thuẩn, vẫn là tông chỉ đốn ngộ , khai thị trực chỉ khiến người tham học nhổ đinh vướng chấp, tháo chốt não phiền.
Tánh của A Lại Da thức là Vô Phú Vô Ký tánh. Tánh Vô Ký không có sự phân biệt thiện ác giống như ở Mạt Na, còn tánh Vô Phú là tánh hồn nhiên (“Anh Nhi hạnh”) không có bị phiền não chấp ngã bám dính (Hữu Phú) như ở Mạt Na. A Lại Da Thức là thường hằng, và không có tính thẩm xét (như ở Mạt Na Thức ) nên còn được gọi là “Hằng Nhi Phi Thẩm” hay gọi là “Biến mà không Kế” .
A Lại Da chỉ có 5 món Biến Hành Tâm Sở (Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư).
Giống như Mạt Na, A Lại Da cũng không có tu quán hạnh và đoạn hoặc mà cũng phải nhờ vào Ý Thức tu tập mà A Lại Da cũng dần dà được chuyển hóa thành Bạch Tịnh Thức ( Vô Cấu Thức) và chuyển ra thành Đại Viên Cảnh Trí. Phần rốt ráo thanh tịnh của A Lại Da Thức được gọi qua nhiều tên khác như Phật Tánh (kinh Đại Bát Niết Bàn), Phật Tri Kiến (kinh Pháp Hoa), Thường Trú Chơn Tâm (kinh Thủ Lăng Nghiêm), Như Lai Viên Giác Diệu Tâm (kinh Viên Giác)…
Có thể tạm lược qua cơ chế khởi động và diễn tiến của 9 duyên của cái Thấy như sau:
1. Từ nơi duyên #1 (A Lại Da Thức), đang là vô sự , vô duyên, đầy đủ, thanh tịnh bản nhiên …
2. Do Bất Giác (Vô Minh) mà vọng sinh ra duyên #2 (Mạt Na Thức) mà có ra Vọng Ngã, khởi đầu cho dòng thác tư lương tuôn chảy bất tận và sự phân biệt Năng (Ta) - Sở (cái của Ta) sinh diệt không gián đoạn.
3. Để bảo tồn và phát triển cái Vọng Ngã, Mạt Na Thức lại xuất sinh ra thêm phần có khả năng phân biệt nhạy bén để có thể đánh giá, nắm bắt chính xác được các cảnh vật bên ngoài. Đây chính là Ý Thức (duyên #3) được hiện khởi với đầy đủ các năng lực tham dự từ chủng tử và tất cả các loại (51) tâm sở.
4. Ý Thức hiện diện tràn lan khắp châu thân, tạo ra Tiền Ngũ Thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) để tiếp nhận và phân biệt được sự vật bên ngoài một cách “tối ưu” mà tạo nghiệp. Như khi mắt (duyên # 6) nhìn cảnh vật (các duyên từ # 9,# 8, và #7) rồi phối hợp cùng với Chủng Tử (duyên# 5) và cùng với Tác Ý (duyên# 4) mà thấy được Cảnh Vật ,
5. Sau đó, Ý Thức tức thời khởi động tối đa để phân biệt được các đặc điểm tính chất của cảnh vật (hình dạng, màu sắc, tên gọi, công dụng...) rồi từ đó
6. Có thêm một loạt tình thức (thương ghét, khen chê, lấy bỏ..,), một loạt lời nói cùng dự tính, và một loạt hành động (để thỏa mãn tình thức) tiếp nối theo sau. Nếu gặp hoàn cảnh thuận theo ý mình thì thêm tham áí, nếu gặp hoàn cảnh bất như ý thì thêm sân hận…
7. Đây chính là các động cơ và là nguồn căn phát khởi ra ba nghiệp của Thân, Khẩu, và Ý. Ba nghiệp căn bản này chính là tấm vé bảo đảm chắc chắn cho chúng ta cứ du hành mãi mãi hết lên lại xuống trong nhà lửa ba cõi.
Và như thế có thể cụ thể hơn qua các trường hợp và tình huống “niệm khởi “ như sau:
1. “Thấy “ = cái Thấy bản nhiên, thường hằng, viên mãn, thực tướng vô tướng từ Giác Thể thanh tịnh của duyên #1, các duyên khác (8 duyên còn lại) chưa xuất hiện. Cái Thấy này được đức Phật khai thị rõ trong kinh Thủ Lăng Nghiêm cho ông A Nan và đại chúng, trong đó có vua Ba Tư Nặc, người đã nhảy nhót vui mừng khi nhận ra được chơn thể thường hằng, bất sanh bất diệt nơi chính mình.
2. “Tôi thấy”= cái Thấy bắt đầu có nhuốm màu phân biệt Năng Sở, với sự xuất hiện của chủ thể thấy (Năng) là “Tôi” để bắt đầu cho dòng tư lương chấp Ngã của duyên # 2 tham dự vào (đã có xuất hiện 2 duyên: duyên # 1 và duyên # 2, các duyên còn lại chưa xuất hiện ).
3. “Tôi thấy cái hoa” = cái Thấy được phát triển với đầy đủ Năng và Sở qua sự xuất hiện và kết hợp đầy đủ của cả 9 duyên, nên đã từ thực tướng vô tướng đã chuyển qua đến huyễn tướng của Vật Giới, nhưng chưa sinh tạo nghiệp luân hồi.
4. “Tôi thấy cái hoa. Ồ, hoa này đẹp quá !” = cái Thấy với đầy đủ 9 duyên và với Ý Thức “tài lanh” lấn đất, bắt đầu nhen nhúm cho tâm tham ái tức là ý nghiệp đã được hình thành…( có 9 duyên nhưng duyên # 3 đang được phát triển ra).
5. “Tôi thấy cái hoa. Ồ, hoa này đẹp quá ! Ta phải chiếm lấy nó, sở hữu nó” = cái Thấy với đầy đủ 9 duyên và với Ý Thức phát triển, đã hình thành rõ tâm tham ái (tâm sở Căn Bản Phiền Não) và nay rõ thêm hướng phát triển của Ý Thức là hướng về tánh Chấp Ngã của duyên # 2 . Đến đây, Ý nghiệp đã bắt đầu được phát triển, nhen nhúm cho sự gây tạo nghiệp nhân luân hồi. Nếu vật cảnh không là đóa hoa như thí dụ trên, mà là con người, ý nghiệp sẽ được hình thành và phát triển càng phức tạp hơn, sâu xa hơn, tinh vi hơn, bền chắc hơn ..tùy theo mức độ và tánh chất quan hệ (gia đình, xã hội..) giữa người thấy và người bị thấy.
6. Với ý nghiệp được hình thành và phát triển , vô số khẩu nghiệp và thân nghiệp tương ứng cũng sẽ được sinh khởi ,hình thành và phát triển tiếp theo sau ..như luôn xảy ra và dễ nhận ra trong đời sống thông thường hằng ngày.
Do đó chỉ cần qua cái Thấy, chúng ta có thể xác định được điểm đang đứng và hướng đang đi tới của tâm thức riêng ở mỗi người:
Nếu cái Thấy chỉ có một chiều đi từ duyên #1 đến duyên # 9, từ Tâm Giới đến Thân Giới và Vật Giới, với vướng mắc trụ chấp vào các duyên của Vật Giới và Thân Giới khiến duyên # 3 và duyên #2 trở nên lẫy lừng , có nghĩa là người ấy đang hăng hái bước trên đường tạo nghiệp luân hồi khổ đau. Kinh Kim Cang khẳng định rõ là không thể lấy các tướng nơi Vật Giới (Vật Tướng), Thân Giới (Thân Tướng), và Tâm Giới (Tâm Tướng) mà thấy được Như Lai như ở các câu “Hễ cái gì có tướng đều là giả huyễn…” (“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng…”) , “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy tu đạo tà , không thể thấy Như Lai” (“Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”)…
Trái lại, nếu ở ngay nơi cái Thấy mà không bị lôi cuốn bởi Vật Giới, không bị vướng chấp nơi Thân Giới, và không bị mê lầm bởi những làn sóng chấp pháp, chấp ngã, tình thức lăng xăng nơi Tâm Giới, là người có đủ sức để quay trở về cội nguồn sâu xa của Tâm Giới (chiều ngược lại từ duyên # 9 quay trở về duyên # 1), đó là người đang tháo được ách khổ đau và đang quay về đường an lạc, giải thoát. Đến lúc ấy, chàng lãng tử cùng khổ sẽ rời bỏ các chốn lang thang với ngàn muôn pháp tướng huyễn hóa mà trở về an nhiên sống nơi bản quán, trụ xứ hằng nhiên luôn tự đầy đủ , thanh tịnh, bất sinh bất diệt vậy.
Khánh HoàngPlano _ April 08, 2016