Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Lúc niệm Phật chính là lúc thấy Phật »»

Tu học Phật pháp
»» Lúc niệm Phật chính là lúc thấy Phật

Donate

(Lượt xem: 4.719)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Lúc niệm Phật chính là lúc thấy Phật

Font chữ:

Lúc đó, A Nan nghe lời Phật dạy, dùng ba nghiệp thanh tịnh, xưng danh hiệu Phật, đảnh lễ phát nguyện: “Con nay nguyện thấy Thế giới Cực Lạc, Phật A Di Ðà, phụng sự cúng dường, trồng các căn lành.” Ngài A Nan đảnh lễ chưa xong, bổng dưng tận mắt trông thấy đấng giáo chủ cõi Cực Lạc, tai nghe mười phương Như Lai dùng tứ biện tài nhiệm mầu xưng dương tán thán và diễn nói các thứ công đức của Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc đến tột cùng đời vị lai.

Cớ sao lại có thứ cảm ứng đạo giao vô cùng thần tốc khó thể nghĩ bàn đến thế? Ðó là vì cõi nước không có tướng nhất định, tịnh hay uế đều là do tâm của chính mình biến hiện ra. Ví như chư thiên cùng dùng bát bằng chất báu để ăn như nhau, nhưng tùy theo phước đức của mỗi vị mà sắc cơm có sai khác; bởi vậy, nếu nghiệp cấu che lấp cái tâm thì kim dung cũng như tro bẩn. Tây Phương Cực Lạc chẳng xa, nhưng do tâm mê biến thành xa cách. Nếu có thể nhất niệm quy chân liền vãng sanh, thấy được cõi nước thanh tịnh của Phật A Di Đà; đó chính là ý chỉ “tâm tịnh, cõi nước tịnh.” A Nan thấy Phật A Di Đà là vì Ngài đã thật sự trở về với cái tâm chân thật trong một niệm “Nam Mô A Di Đà Phật.” Lúc niệm Phật thì tâm này niệm Phật, lúc thấy Phật thì tâm này thấy Phật, hết thảy đều chỉ là Nhất tâm! Nếu chỉ là Nhất tâm thì tâm ta và tâm Phật không hề cách trở dẫu chừng mảy may. Nếu chỉ là Nhất tâm thì không còn quá khứ, hiện tại, vị lai nữa, hư cũng chẳng thể thành lập thì làm gì có khoảng cách giữa Sa-bà and Cực Lạc. Do vì A Nan niệm Phật, lễ Phật với một niệm quy chân như thế, nên liền thấy Phật A Di Ðà và cõi nước Cực Lạc hiện ra ngay ở trước mặt.

Thế nào là một niệm quy chân? Kinh Bát-nhã dạy: “Niết-bàn gọi là vô tướng.” Niết-bàn không có các tướng, nghĩa của vô tướng là tịch diệt, nên tịch diệt chỉ do Tự tâm mà chứng, chứ chẳng thể từ cái khác mà có được. Kinh Kim Cang dạy: “Hễ cái gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng là phi tướng, chính là thấy Như Lai” và “Lìa hết thảy tướng, thì gọi là chư Phật.” Vậy, một niệm quy chân chính là một niệm lìa bỏ các tướng! Vậy, một niệm quy chân chính là như kinh Vô Lượng Thọ nói: “Đem trí huệ vô tướng trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh Ðộ, hướng Phật Bồ-đề, sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát.” Đấy đã nói lên diệu chỉ của kinh Kim Cang: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, tu hết thảy thiện pháp, thì chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Cũng bởi lẽ đó, nếu lúc niệm Phật mà có thể quy chân trong một niệm, không còn có sự ngăn cách với những niệm khác hay thời gian nữa, thì ngay lúc đó chính là thấy Như Lai; thế nên mới nói: “Lúc niệm Phật chính là lúc thấy Phật.”

Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Phật A Di Ðà, dung nhan quảng đại, sắc tướng đoan nghiêm, như ngọn núi vàng, cao vượt hơn hết, tất cả thế giới.” Quán kinh cũng nói: Dung nhan của Phật A Di Đà quảng đại, thân cao sáu mươi vạn ức hằng hà sa do tuần. Tướng lông trắng giữa chặn mày, uyển chuyển xoay về bên phải như năm hòn núi Tu Di. Mắt Phật trong ngần như bốn biển lớn. Sắc tướng của Phật đoan nghiêm, có tám vạn bốn ngàn tướng, trong mỗi một tướng có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo, trong mỗi tùy hình hảo lại có tám vạn bốn ngàn quang minh. Thân Phật cao vòi vọi như trăm ngàn vạn ức vàng Diêm Phù Ðàn của cõi trời Dạ Ma. Tuy A Nan và những người có cùng quả vị như Ngài hay thấp hơn chẳng thể thấy trọn hết Báo thân trang nghiêm như thế, nhưng do nhờ Đấng Như Lai của hai cõi dùng phương tiện thù thắng oai thần gia bị, nên ai nấy tùy theo căn khí của mình đều được thấy tất cả. Nhờ đó mà A Nan mới thấy được thánh tướng của Phật A Di Đà, dù thân tướng ấy to lớn như ngọn núi vàng, cao vượt hơn hết, tất cả thế giới.

Chúng ta nên biết, tất cả pháp môn tu hành đều là tên thuốc để trị bịnh mà Như Lai giả lập ra. Do vì bịnh nhiều nên thuốc cũng lắm. Nếu chúng ta muốn tìm cầu con đường thẳng tắp và chính yếu nhất, thì không gì hơn pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, vì sao? Vì muốn thoát ly sanh tử, phàm phu chúng ta cần phải nhờ vào ba lực: tự lực, tha lực và công đức lực; đây chính là bí quyết để mau thành tựu Phật đạo. Nếu muốn khai mở tâm địa, xé thủng lưới vô minh, thoát ra khỏi sông ái dục để làm Phật, làm Tổ thì phải cậy vào tự lực. Nhưng đây chỉ là công phu tự lực của của những bậc Long Tượng của tông môn, những bậc đại trượng phu trong Phật pháp, mà những vị đó đều là những bậc Thanh văn, Bồ-tát trong thời Phật tại thế hay những bậc Tổ sư trong thời kỳ Chánh pháp. Còn trong thời Tượng pháp và Mạt pháp, căn khí chúng sanh ngày càng hạ liệt, có người tu nhưng không liễu ngộ, hoặc có liễu ngộ nhưng không sâu xa, nên lúc quán chiếu Tự tâm tựa hồ như giải thoát, nhưng khi đối cảnh lại vẫn hoàn mê. Dẫu không mê thì cũng chẳng khác nào đồ gốm chưa nung, không xử dụng được. Đó là tự lực của chúng sanh trong thời Tượng pháp và Mạt pháp, tự lực như vậy nào có ích lợi chi!

Phàm phu chúng ta trôi lăn theo dòng nghiệp lực, khi phạm một điều sai lầm thì theo đó mà sanh ra muôn ngàn vạn thứ sai lầm khác. Vì thế, Phật A Di Đà mới lập bày phương tiện, thi thiết ra pháp môn Niệm Phật, nương nhờ Phật tha lực để giúp chúng sanh phát sanh thiện căn, tiêu trừ nghiệp chướng mà có thể tự tại tu hành trong Phật Chánh đạo. Đối với pháp môn này, kinh luận diễn thuyết cũng nhiều, bao phen dặn đi dặn lại, hết lời tán thán ngợi khen, Tổ Tổ hoằng dương, người người sùng phụng. Chỉ có một môn Niệm Phật cầu sanh Tây Phương mới là cứu cánh, mỗi chữ mỗi chữ trong kinh Tịnh độ đều là xiển dương Duy tâm Tịnh độ, từng câu từng câu đều là diễn thuyết Bổn tánh Di Đà. Một khi vãng sanh Cực Lạc thì vĩnh viễn nhập đạo, chẳng bao giờ còn thối chuyển nữa. Do vậy, tất cả những người vãng sanh đều là A-Bệ-Bạt-Trí, đông không kể xiết. So với sự nhập đạo ở Sa-bà, trong cõi này cảnh trần thô trược, ác đạo hiểm nạn ở đâu cũng có, cố nhiên không như cõi Cực Lạc. Trong thời đại khoa học kỷ thuật văn minh tiên tiến này, tuy phương tiện nói đạo và truyền đạo thuận lợi hơn xưa rất nhiều, nhưng thực hành lại rất khó! Đây chính là chỗ người xưa chỉ dạy, người nay nên theo.

Dương Thứ Công nói: “Ái không nặng thì không sanh Sa-bà, niệm không nhất thì không sanh Cực Lạc.” Vậy, chúng ta phải niệm Phật như thế nào mới gọi là nhất? Không có bí quyết gì cả, niệm Phật càng nhiều càng tốt. Trong thế giới Sa-bà, thói quen tật xấu của chúng ta quá nhiều, rất dễ dàng lười biếng. Do tập khí lười biếng ấy mà không dễ dàng tinh tấn niệm Phật liên tục. Nay, chúng ta đem việc niệm Phật tập thành một thứ thói quen, đi đứng, nằm ngồi không rời câu niệm Phật. Lâu ngày chày tháng, niệm Phật đến lúc tự mình không niệm, danh hiệu Phật cũng từ bên trong hiện ra, đấy gọi là “bất niệm tự niệm.” Niệm Phật được công phu như thế sẽ dễ dàng vãng sanh. Đức Phật đã nêu lên ưu điểm và lợi ích của sự tu hành hoàn toàn cần phải nương tựa nơi chính mình bằng thực tiễn, ra sức thực hành mà đưa đến. Phật chỉ cho chúng ta nhiều phương pháp tu, giống như thầy thuốc kê khai toa thuốc cho người bệnh uống. Người bệnh không phối hợp thuốc, chẳng chịu nghe lời thầy thuốc cũng không chịu uống thuốc, thì bệnh vĩnh viễn không khỏi. Lại nữa, học Phật cần phải phát tâm lâu dài, thúc dục chính mình phải nỗ lực thực hành. Cổ đức có câu: “Nói một thước không bằng thực hành một tấc.” Học Phật quan trọng cần phải thực tiễn ở một chữ “hành,” cần phải khéo léo trên chỗ hành trì của chính mình để hạ thủ công phu. Dẫu sự việc có thành công hay không, điều quan trọng hơn hết là phải nỗ lực thực hành, chúng ta phải đem hết niềm tin sâu, nguyện tha thiết thể hiện ra bằng hành động thực tế trong sinh hoạt hàng ngày. Bằng không tất cả đều là lý luận suông, trọn không có lợi ích gì. Điều thực tiễn trong sinh hoạt chính là hành theo tám chữ “chân thật niệm Phật, lấy giới làm thầy.”

Chúng ta đều thuộc hạng phàm phu chúng sanh học Phật trong thời Mạt pháp, nghiệp chướng nặng nề, phước báo mỏng manh, căn cơ phần nhiều là ngu si yếu đuối. Vì vậy, nhất định phải niệm Phật với lòng tin mạnh mẽ, chí nguyện tha thiết cầu sinh cõi Cực Lạc. Chúng ta không cần phải nghiên cứu thật nhiều về Phật học, chỉ cần một quyển kinh Vô Lượng Thọ và một câu Phật hiệu mà trường kỳ huân tu, sẽ bảo đảm việc vãng sanh. Kết hợp sự tu hành là diệt tham, sân, si. Vừa siêng tu Giới, Định, Huệ lại thêm thường xuyên niệm Phật, thì sự tu hành mới có chỗ thành tựu và giải thoát. Chúng ta đều là người nói nhiều song lại làm quá ít, miệng nói chán Sa-bà muốn sanh về Cực Lạc; nhưng trên hành vi, tâm tưởng lại không quên ngũ dục và sáu trần, trong tâm vẫn còn vướng vít tình riêng, gia đình và con cái, đầu óc còn suy nghĩ về danh vị và sự giàu sang. Nếu có học Phật thì chỉ cầu lợi ích cho tự thân, cầu được khoẻ mạnh và bình an, cầu công danh, phú quý. Người thực sự không cầu các thứ ấy, chỉ đơn thuần cầu sinh Tây Phương Cực Lạc, rất khó tìm thấy trong thế gian này. Nguyên nhân là vì niềm tin không sâu, tâm nguyện không tha thiết, tâm tham luyến Sa-bà mạnh mẽ hơn tâm cầu sanh Cực Lạc, nên tâm mình với Phật bị ngăn cách. Vì thế, chúng ta niệm Phật tuy nhiều, nhưng người thành tựu lại rất ít, chẳng khác nào lông phượng sừng lân. Người học Phật hiện nay có cùng một căn bệnh rất nặng, chính là chỉ nói suông chẳng lo tu tập. Chúng ta hiểu được và cũng nói được rất nhiều, nhưng làm được thì lại rất ít. Vậy, khi chúng ta đã hiểu rồi, cần phải có lòng tin và tâm nguyện niệm Phật, cần chán cõi Sa-bà, nguyện sinh về cõi Cực Lạc. Luôn ôm lòng hổ thẹn và thành tâm sám hối những lỗi lầm của mình mới mong làm giảm bớt sự chướng ngại việc vãng sanh. Sống cư xử với tâm khiêm nhường và luôn xét lỗi mình, biết tiết kiệm và quý trọng phước báo, luôn thực hành hạnh đoạn ác tu thiện, ăn chay phóng sinh. Lúc thực hành phải làm cho đúng, đem Phật pháp ứng dụng thực tế vào sinh hoạt hằng ngày sao cho hợp tình hợp lý, chớ nên quá ư chấp pháp mà tự mình che lấp sự thật hiển bày trước mắt.

Đại sư Ấn Quang dạy: “Người học Phật cần phải đích thân thực hành.” Điều then chốt quan trọng ở đây chính là thực hành. Người có đủ sự thực hành ắt sẽ có đủ sự lợi ích, không ra sức thực hành, một chút lợi ích cũng không có. Các cụ nhà quê một chữ cũng không biết, cái gì cũng không hiểu, chỉ có lòng tin và tâm nguyện niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương. Suốt ngày các cụ chỉ biết âm thầm niệm một câu thánh hiệu A Di Đà Phật; thế mà họ lại sớm bước lên đài sen về Cực Lạc, một đời thành tựu không sao kể xiết. Đây là người mẫu mực tu hành niệm Phật nhất trong bọn chúng ta. Lại có những người trình độ hiểu biết rất cao, biện tài vô ngại, nhưng không chịu thực hành, nên tuy thuộc lòng kinh điển, diễn giải kinh cũng khá hay, nhưng lại không bao giờ chịu niệm Phật hoặc chú trọng hành trì thực tiễn một pháp môn. Hạng người này phần đông đều bị lọt trở lại vào vòng luân hồi. Tất cả sự nỗ lực một đời của họ chỉ uổng công vô ích. Nếu chúng ta chín chắn xem xét lại ở chính mình thì sẽ tự thấy rõ ràng hơn ai hết! Mỗi buổi tối khi đi ngủ hãy luôn nhắc nhở lại chính mình: Ngày hôm nay, chính mình đã thực hành được bao nhiêu, đã sửa đổi được bao nhiêu? Người học Phật nếu không chịu đích thân thực hành thì dẫu nói hay đến đâu đi nữa cũng chỉ là uổng công! Phật pháp là phương pháp giáo dục chú trọng thực hành. Có khả năng nói mà không có khả năng làm thì không thể đến được chỗ tốt đẹp. Có thể làm mà không thể nói, tuy cái gì cũng chẳng biết, nhưng lại thu hoạch được lợi ích lớn. Nếu có thể nói và làm đi đôi sẽ được quả báo vô cùng thù thắng, đó là lúc niệm Phật chính là lúc thấy Phật!

Ông A Nan chưa dứt câu niệm Phật mà đã tận mắt thấy Phật Di Ðà như tòa núi vàng, đức tướng đoan nghiêm và các thứ thanh tịnh trang nghiêm nơi cõi Cực Lạc hiện ra ngay ở trước mặt. Hết thảy đều là những điều mà xưa nay Ngài chưa từng trông thấy, lại được nghe mười phương Phật khen ngợi Phật A Di Đà, liền sanh tâm hy hữu mà bạch Phật rằng: “Cõi Phật tịnh đó, chưa từng có được, con cũng nguyện thích sinh về cõi đó.” Ðiểm này chứng tỏ Ngài A Nan đã khế hội thánh tâm, nên mới có thể phát khởi đại nguyện cầu sanh Cực Lạc và được thấy thánh tướng của Phật A Di Đà. Vậy, hiện nay Ngài A nan đang ở đâu? Tất nhiên, Ngài A Nan đang thân cận A Di Đà Phật cúng dường, phụng sự, học tập, rộng gieo cội đức, đúng như kinh A Di Ðà nói: “Chẳng thể dùng chút thiện căn phước đức nhân duyên để được sanh về cõi ấy.”

Ở đây, kinh chép: “Người sinh nước đó, đã từng gần gũi, vô lượng chư Phật, trồng các cội đức. Muốn sinh về đó, cần phải nhất tâm, quy y chiêm ngưỡng.” Câu “quy y, chiêm ngưỡng” bao gồm lễ Phật, quán Phật, niệm Phật, tưởng nhớ Phật, mà cũng chính là Ngũ Niệm Môn mà Bồ-tát Thiên Thân đã đề xướng. Ngũ Niệm Môn của Bồ-tát Thiên Thân là: Lễ bái, tán thán, phát nguyện, quán sát và hồi hướng. Ở đây, tán thán là xưng danh hiệu Phật, quán sát là đọc, tụng, quán chiếu, tư duy kinh Phật để hiểu rõ những điều Phật dạy một cách không sai lầm. Thật ra, nhất tâm xưng niệm sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật đã gồm trọn cả Ngũ Niệm Môn của Bồ-tát Thiên Thân. Vì sao? Vì nhất tâm xưng danh hiệu Phật chính là tu thanh tịnh tâm, nên các tội đều tiêu diệt, thì đấy chính là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên. Ngài A Nan nhất tâm quy y, chiêm ngưỡng Phật A Di Đà và cõi nước Cực Lạc chính là vì Ngài đã gieo trồng nhiều thiện căn, nhiều phước đức và nhiều nhân duyên với vô lượng chư Phật trong các đời quá khứ, nên ngày nay mới phát ra nổi đại nguyện cầu vãng sanh Cực Lạc.

Phật lại dạy ông A Nan: “Muốn sinh về đó, cần phải Nhất tâm, quy y chiêm ngưỡng” “Nhất tâm, quy y chiêm ngưỡng” chính là có Tín, Nguyện, Hạnh đầy đủ. Thuần tín giống như con mắt để nhìn, tu hành giống như đôi chân để đi. Tín mà không hạnh thì khác gì có mắt thấy mà không có chân đi. Hạnh mà không tín thì cũng giống như là có chân đi mà không có mắt thấy đường đi. Cho nên, khi đã có tín giải đầy đủ, cần phải niệm Phật tu hành, mới giống như có đủ mắt và đủ chân để đi đến Cực Lạc. Làm sao để kiểm nghiệm chính mình thật sự có đầy đủ niềm tin sâu và nguyện tha thiết hay không, thì hãy nên xem lại chính mình đã xả bỏ và buông xuống được khoảng chừng bao nhiêu? Xả bỏ và buông xuống chính là hạnh, là công phu tu tập thành tựu. Xả bỏ và buông xuống một phần, niềm tin và tâm nguyện đạt được một phần, xả bỏ và buông xuống mười phần thì niềm tin và tâm nguyện đạt được mười phần. Nếu trên miệng cứ khăng khăng nói tự mình đã đầy đủ lòng tin và tâm nguyện vãng sanh, nhưng trên hành vi đều lo nghĩ về danh lợi, bám vào chuyện thế gian, dính mắc vào tình ái, gặp một chút trở ngại thì xả bỏ và buông xuống không được. Đấy chính là lòng tin và tâm nguyện giả tạo, không chân thật, nên việc cầu vãng sanh chỉ giống như là leo cây tìm cá, trọn không thể được.

Đại sư Ấn Quang dạy: “Chỉ lo việc nhà mình, chớ lo việc nhà người. Nên xem việc tốt, không xem việc xấu, coi tất cả mọi người là Bồ-tát, chỉ một mình ta là phàm phu.” Nếu đã biết mình là một phàm phu thấp kém, nghiệp chướng sâu nặng, thì phải nên từ trong tâm mình mà sinh hổ thẹn, thành thật sám hối, nên học tập chí khí xem người khác đều đúng, riêng ta không đúng; người khác đều tốt, riêng ta không tốt. Trong sinh hoạt thường ngày phải luôn quán chiếu lại chính mình và khiêm nhường xét lại thân tâm. Trên sự tu tập, tự mình phải nhắm vào sự tiêu trừ nghiệp chướng để ra sức thực hành. Đem hết tinh lực và thời gian hao phí vào việc xem người khác đúng hay không đúng không bằng quay lại xem xét nơi chính mình. Dùng thời gian để quán chiếu lại chính mình, uốn nắn lời nói, hành động và cử chỉ của chính mình. Việc xem xét người khác đúng hay sai chỉ là vô ích, đối với mình chỉ là tổn giảm tinh lực và thời gian mà thôi. Xem lại chính mình thì tự mình có thể nhân đây mà thấy được lỗi lầm, đổi ác thành thiện theo lời Phật dạy trong kinh: “Chỗ làm nếu phạm, phải tự hối lỗi, bỏ ác làm thiện, sáng nghe chiều sửa, phụng kinh trì giới, cũng giống như kẻ nghèo đặng của báu, chuyển trước sửa sau, tẩy sạch tâm nhơ, cải sửa hành vi, tự nhiên cảm nhận, nguyện ước thành đạt.” Nếu chúng ta ra sức thực hành theo lời dạy của Phật và Đại sư Ấn Quang, kết quả tu tập sẽ có chiều hướng tốt đẹp, nghiệp chướng sẽ mau chóng tiêu trừ, mọi nguyện ước chân chánh đều thành đạt. Hơn nữa, khi người khác nhận thấy sự thành tựu của ta, họ sẽ cảm được và dần dần cũng được chuyển hóa, nhà Phật gọi đó là “không độ mà độ.”






« Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Sen búp dâng đời


Những tâm tình cô đơn


Vì sao tôi khổ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.165.149 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...