Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Hai chữ Cực Lạc thực sự mang ý nghĩa gì »»

Tu học Phật pháp
»» Hai chữ Cực Lạc thực sự mang ý nghĩa gì

Donate

(Lượt xem: 8.125)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Hai chữ Cực Lạc thực sự mang ý nghĩa gì

Font chữ:

Phẩm Suối Ao Công Đức chép: “Không còn nghe đến tên của ba đường ác não khổ nạn, không có giả thiết, huống chi thật khổ. Chỉ có âm thanh vui vẻ tự nhiên, nên cõi nước kia gọi là Cực Lạc.” Nói chính xác hơn, hai chữ “Cực Lạc” chính là quả báo của pháp môn Tịnh độ. Thế nhưng, hai chữ “Cực Lạc” thật sự mang ý nghĩa gì? Trong các kinh Đại thừa, Phật nói: “Vô thượng Bồ-đề Giác Pháp Lạc, Vô thượng Niết-bàn Tịch Tĩnh Lạc,” đó là ý nghĩa thật sự của hai chữ “Cực Lạc.”

“Vô thượng Bồ-đề” nghĩa là Vô Thượng Giác, là Đại Giác, là trí huệ viên mãn. Kinh Vô Lượng Thọ nói tới năm thứ trí huệ bất khả tư nghị của A Di Đà Phật, đó là: Trí Phật, Trí Không Nghĩ Bàn, Trí Không Xưng Lường, Trí Rộng Đại Thừa và Trí Vô Đẳng Vô Luân Thù Thắng Tối Thượng, cũng chính là nói đến năm trí của người đã chứng Vô thượng Bồ-đề.

“Vô Thượng Niết-bàn” là Đại Niết-bàn rốt ráo viên mãn nơi quả địa Như Lai. Chữ Niết-bàn đồng nghĩa với chữ Diệt trong Khổ Tập Diệt Đạo. Vì thế, Vô Thượng Niết-bàn cũng chính là cảnh giới của Bồ-tát đã rốt ráo đoạn sạch một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, hết thảy các thứ phiền não, kiến tư, trần-sa và vô minh đã đoạn sạch chẳng còn có gì để tu, để đoạn nữa.

“Giác Pháp Lạc” là đối với hết thảy vạn pháp, quá khứ, hiện tại, vị lai, không gì chẳng biết. Sự hiểu biết này chẳng phải là sự hiểu biết bình phàm, hời hợt, mà là sự hiểu biết rõ ràng minh bạch, rốt ráo triệt để, không một chút sai lầm. Hiểu biết những gì? Hiểu biết về thể tánh, tướng trạng và tác dụng của các pháp trong quá khứ, hiện tại, vị lai, nhân nhân, quả quả, chẳng có thứ nao không minh bạch, chẳng có thứ gì không hiểu rõ. Trong Phật pháp, điều này gọi là Giác Pháp Lạc, hay nói ngắn gọn là Pháp Lạc hoặc Lạc. Thông thường chúng ta còn gọi Giác Pháp Lạc là pháp hỷ sung mãn. Như vậy, nếu một người không thấu suốt Phật pháp có thể có Lạc không? Phật đã từng nói: “Không có cái khổ nào bằng cái khổ ngu si.” Hễ ngu si bèn tạo nghiệp mà nhận lấy quả khổ; do đó một người không hiểu rõ Phật pháp sẽ không thể nào có Lạc được! Người hiểu rõ Phật pháp biết rõ hết thảy các pháp như mộng, huyễn, bọt, bóng, nên họ không bị mê hoặc, không bị lay động trong hết thảy các pháp. Vì thế, họ chẳng lấy pháp nào cũng chẳng bỏ pháp nào cả, nên được pháp hỷ sung mãn. Kinh Vô Lượng Thọ gọi cảnh giới ấy là “Quán pháp như hóa, tam muội thường tịch.”

“Lấy bỏ” là pháp tương đối. Do có lấy nên mới có bỏ, chẳng có lấy, lẽ đâu có bỏ? Trong hết thảy pháp, chư Phật, Bồ-tát chẳng lấy cũng chẳng bỏ bất cứ một pháp nào nên có thể tự tại trong hết thảy các pháp, thì đấy mới là Giác Pháp Lạc thật sự! Còn phàm phu chúng ta thì sao? Chúng ta hễ thích cái gì, bèn muốn chiếm hữu cái đó, cứ khăn khăn nắm chặc lấy cái đó một cách kiên cố, không chịu buông bỏ; hoặc hễ không thích cái gì, bèn bác bỏ, bài xích. Lục đạo phàm phu muốn phải có, muốn chiếm hữu, muốn nắm lấy. A-la-hán và Bích Chi Phật buông bỏ tất cả pháp nhưng lại trụ trong không tịch. Do cả hai đằng đều vướng vào một bên có và không, nên A-la-hán và Lục đạo phàm phu đều thua xa Bồ-tát. Bồ-tát là Trung đạo, Trung đạo là chẳng lấy chẳng bỏ. Do chẳng lấy chẳng bỏ, nên mới có thể thuận theo tự nhiên mà có thể tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Tùy duyên là không lấy, không bỏ, nên trong hết thảy các pháp được thụ dụng tự tại, chẳng khởi ý niệm chấp trước, muốn lấy, muốn bỏ. Lục đạo phàm phu muốn lấy nên chẳng thể phá ngã chấp. A-la-hán và Bích-chi Phật muốn bỏ, nên tuy có thể phá ngã chấp, nhưng chẳng thể phá pháp chấp. Bồ-tát chẳng còn mảy may chấp trước đối với hai bên lấy bỏ nên có thể phá ngã chấp lẫn pháp chấp.

Trong pháp thức của Bồ-tát, lấy là sai lầm mà bỏ cũng là sai lầm, phải phá cả hai thứ ngã chấp (lấy) và pháp chấp (bỏ) mới có được cái gọi là Cực Lạc. Nếu chúng ta chẳng biết rõ điều này, cứ mãi ôm ấp lấy cái Lạc theo cái nhìn chấp trước của thế gian, mà muốn thoát luân hồi để thụ hưởng Giác Pháp Lạc, thì Đức Phật nói một câu khẳng định: “Trọn không thể được!” Tóm lại, khi nói tới Bồ-đề Giác Pháp, Niết-bàn Tịch Tĩnh, chúng ta phải hiểu tịch tĩnh là trụ trong Trung đạo, rời khỏi hai bên lấy bỏ. Sự tịch tĩnh của hàng Tiểu thừa là Thiên Chân Niết-bàn, chẳng phải là pháp tịch tĩnh rốt ráo viên mãn của chư đại Bồ-tát đã chứng Vô thượng Bồ-đề Giác Pháp Lạc. Bát-nhã Tâm Kinh nói “bất cấu, bất tịnh” (không có nhiễm cũng chẳng có tịnh) chính là Trung đạo, là rời khỏi hai bên lấy bỏ. Nếu trong thật tướng của các pháp, nhiễm đã chẳng thể thành lập thì làm sao tịnh còn tồn tại cho được! Do đó, những pháp nhiễm lẫn tịnh được nói trong kinh đều là vì tùy thuận hoàn cảnh tương đối trong thế gian có khổ có lạc mà nói như vậy mà thôi, chớ thật ra đó chẳng phải là pháp chân thật của thật tướng. Trong Thật tướng vốn chẳng có nhiễm và tịnh nên cũng chẳng có khổ và lạc, thì đó mới thật sự là Cực Lạc.

Trong phẩm Suối Ao Công Đức, Đức Phật đã trình bài ý nghĩa của hai chữ “Cực Lạc” một cách vô cùng chân thật, hiển bài rõ ràng Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chính là Nhất chân Pháp giới, bằng một câu thẳng thừng: “Không còn nghe đến tên của ba đường ác não khổ nạn, không có giả thiết huống chi thật khổ. Chỉ có âm thanh vui vẻ tự nhiên, nên cõi nước kia gọi là Cực Lạc.” Câu kinh văn này đã nêu rõ thể tánh của Di Đà Tịnh độ là tịnh lẫn uế cùng mất, khổ và lạc bình đẳng, chỉ có vui sướng tự nhiên. Đây mới chính thật là Cực Lạc, là Vô thượng Bồ-đề Giác Pháp Lạc, là như thật nhi thuyết! Như thật nhi thuyết có nghĩa là nói pháp chân thật, chẳng nói pháp tương đối của thế gian. Pháp chân thật là trong Chân như Thật tướng, nhiễm và tịnh chẳng thành lập nên khổ và lạc cũng chẳng tồn tại. Nhân dân trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, ai nấy đều nhập cảnh giới chân thật “bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm,” nên cõi ấy chính là Nhất chân Pháp giới. Người có căn tánh phàm phu chấp có hay Nhị thừa chấp không, tuyệt đối chẳng thể hiểu nổi và cũng chẳng thể chứng nhập vào trong pháp giới này. Cho nên kinh mới nói, người niệm Phật cầu sanh về cõi ấy, trước tiên hết phải phát Bồ-đề tâm vô thượng! Do vậy, chúng ta chẳng thể dùng cái tâm phàm phu hay Nhị thừa mà hòng sanh về cõi ấy. Đây chính là như thật nhi thuyết, là nói pháp chân thật cho bậc thượng trí nghe, chớ chẳng phải nói pháp phương tiện cho hàng hạ-trung căn nghe.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy: “Nếu ai biết đem trí huệ vô tướng, trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh độ, hướng Phật Bồ-đề, sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát.” Rồi Đức Phật lại bảo: “Này A Dật Ða! Là vị Bồ-tát đều phải nên biết rằng, những sự nghi hoặc là đại tổn hại, làm mất lợi lớn, bởi thế phải nên rõ tin trí huệ vô thượng của Phật.” Từ lời dạy này của Phật chúng ta thấy, nếu ai thật sự muốn chắc chắn vãng sanh Tây Phương, thì phải thắng giải ý nghĩa trong đại kinh này, mới có thể rõ tin đại trí huệ của A Di Đà Phật. Hành nhân còn phải nương theo đại nguyện lực của A Di Đà Phật: “Nghe danh phát tâm,” mới có thể từ hạng phàm phu lè tè sát đất mà ngay lập tức siêu sanh Tịnh độ, đạt đến địa vị Pháp thân Đại sĩ. Đây là một sự thật vô cùng hy hữu, một sự thật khó có, khó tin, mà chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc Thế Giới mới có! Trừ một môn này ra, trong bất cứ môn nào khác của Phật đều chẳng có điều này, cũng chẳng có cách nào để thuyết giảng pháp này. Vì pháp này chẳng thể giảng bằng ngôn thuyết lẫn thân thuyết, nên Phật bảo chúng ta trước hết hãy phát khởi niềm tin vô cấu, vô nhiễm để kết duyên với A Di Đà Phật, thì A Di Đà Phật mới có thể giúp chúng ta ngộ nhập vào nghĩa tạng của Như Lai. Nếu chúng ta chẳng có niềm tin chân thật đối với pháp môn Niệm Phật Vãng Sanh, thì A Di Đà Phật cũng chẳng có cách chi giúp chúng ta ngộ nhập Phật tri Phật kiến của pháp môn này. Do vậy, Đức Phật mới bảo: “Những sự nghi hoặc là đại tổn hại, làm mất lợi lớn, bởi thế phải nên rõ tin trí huệ vô thượng của Phật.”

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật đã từng bảo: “Người giỏi nói pháp cũng khó mở bài, người tin hiểu ghi sâu thời cũng rất khó gặp.” Bộ kinh này khó thể giảng nói đến mức như vậy, thì chúng ta phải học kinh này theo cách nào đây? Trong kinh Đức Phật dạy hết thảy mọi căn cơ một phương pháp duy nhất để tu học kinh Vô Lượng Thọ, đó là: “Ngày đêm không ngừng thọ trì, đọc tụng.” Nói theo người thế gian là quanh năm suốt tháng nhọc nhằn miệt mài nơi trang giấy cũ! Quanh năm suốt tháng, mỗi ngày tối thiểu trong hai thời sáng tối đều dùng bốn thứ tâm: tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chân thành và tâm cung kính để đọc tụng kinh điển này mà chẳng cần cầu hiểu nghĩa, cho đến khi tâm địa hoàn toàn thanh tịnh bình đẳng, thì bổng dưng một lúc nào đó thoát nhiên khai ngộ, chân thật nghĩa của Như Lai bổng dưng xuất đầu lộ diện. Vì sao? Vì đọc tụng kinh như vậy, Tam Học, Lục độ, toàn bộ Phật pháp đều bao gồm trong đó. Đọc tụng kinh như thế cho đến khi tâm địa vĩnh viễn thanh tịnh bình đẳng, thì đó chính là phương pháp tu Căn Bản trí. Sau khi Căn Bản trí khai mở, tức là đối với hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều giác mà chẳng mê, chánh mà chẳng tà, tịnh mà chẳng nhiễm, chúng ta mới có thể tu Hậu Đắc trí. Kinh Vô Lượng Thọ chẳng có ý nghĩa gì cố định, cũng chẳng có cách nào để hiểu và giảng một cách cố định, nhưng do sức tinh tấn ngày đêm nhọc nhằn dùi mài nơi kinh điển này, và do sức gia trì của Phật, Bồ-tát, cảnh giới trí của chúng ta mỗi ngày mỗi khác nhau, luôn có tiến bộ, chẳng trì trệ ngừng lại một chỗ hay thụt lùi, thì đấy chính là sự tăng trưởng Hậu Đăc Trí. Nếu chúng ta có thể thật sự quanh năm suốt tháng miệt mài nơi những trang giấy cũ trong kinh này, hy vọng một ngày nào đó thoát nhiên đại triệt đại ngộ, chẳng gì trong kinh này mà chẳng thể hiểu rõ ràng, minh bạch. Lúc ấy, toàn bộ cảnh giới Tây Phương Cực Lạc Thế Giới từ chánh báo đến y báo đều nằm trọn vẹn trong tâm mình, thì đấy mới thật sự là đại triệt, đại ngộ. Một khi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đã nằm trọn vẹn trong tâm mình rồi, lúc lâm chung chẳng lẽ lại rơi vào cảnh giới nào khác?

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến.” Cảnh là do tâm mình biến hiện ra, tất cả pháp đều từ tâm tưởng sanh, nên tất cả pháp chẳng có ý nghĩa nhất định và cũng chẳng có một cách giảng nhất định. Phật pháp cũng giống như vậy, Phật pháp chẳng có ý nghĩa nhất định và cũng chẳng có một cách giảng nhất định. Nếu chúng ta cho Phật pháp là cố định thì thánh giải cũng biến thành ma cảnh. Thánh giải tất nhiên chẳng phải là lời giảng của phàm nhân mà là lời giảng của Phật, Bồ-tát. Nếu chúng ta học Phật bằng cái tâm chấp trước, hằng ngày đều chỉ thấy tri kiến thế gian, chẳng thể thấy tánh, thì chư cổ đức gọi đó là ma dựa! Ma chấp trước văn tự, ma chấp vào kinh Phật! Kinh Phật giống như một tấm lưới hoa tuyệt đẹp, kẻ ấy miệt mài trong đó tìm hiểu nghĩa này nghĩa kia thì cũng giống như đang ở trong mê cung lần mò chẳng thấy lối ra, nên mãi mãi đi trong mê muội. Như vậy, mê trong kinh Phật có khác gì bị vướng trong lưới ma! Cho nên, nếu học Phật mà chẳng gặp thiện tri thức có chánh tri chánh kiến dẫn dắt, rất dễ bị vướng trong mê cung.

Chư cổ đức dạy chúng ta phương pháp đọc tụng kinh là, khi mở quyển kinh ra bèn một mực niệm niệm không ngừng, chẳng dấy lên một niệm phân biệt, chẳng dấy lên một niệm chấp trước, chẳng dấy lên một niệm vọng tưởng, cũng chẳng có suy nghĩ ý nghĩa của chữ này câu kia là như thế nào, chỉ là một mực niệm niệm không gián đoạn. Nếu chúng ta áp dụng phương pháp đọc kinh như vậy, thì đó chính là tu Tam Học, Lục Độ, trong đó bao gồm trọn đủ Giới-Định-Huệ. Đọc tụng kinh điển thật sự là một phương pháp tu Giới-Định-Huệ nhằm hoàn thành Tam Vô Lậu Học cùng một lượt, cuối cùng là huệ. Huệ ở đây là Căn Bản trí, là trí huệ lưu lộ từ tâm địa thanh tịnh bình đẳng, chớ chẳng phải do suy nghĩ, đo lường, phân biệt, nghiên cứu mà có được. Nếu lúc đọc tụng kinh mà còn khởi lên ý niệm, suy nghĩ, đo lường, phân biệt, nghiên cứu, thì đó gọi là lậu học, chớ chẳng phải là vô lậu học. Lậu học là tri kiến thế gian, là sở tri chướng, chẳng phải là Căn Bản trí. Mỗi ngày chúng ta niệm kinh một giờ là tu Căn Bản trí một giờ. Quanh năm suốt tháng miệt mài đọc tụng kinh Phật là quanh năm suốt tháng tu Căn Bản trí. Lúc học Phật chớ nên suy nghĩ, chớ nên nghiên cứu! Hễ có suy nghĩ, nghiên cứu bèn rơi vào thức thứ sáu (ý thức), như vậy là hỏng bét rồi! Vì sao hỏng bét? Vì thức ý thức là thế trí biện thông, là trí ngại, nên gọi là ma chướng!

Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã nói rất rõ ràng: “Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà.” Câu kinh văn này dịch nghĩa là: Nếu chẳng nghĩ là tâm ta đã chứng đắc cảnh giới thánh nhân, thì đó gọi là cảnh giới tốt lành. Nếu nghĩ là ta đã thông hiểu cảnh giới của thánh nhân bèn rớt vào các thứ tà, vướng vào ma cảnh! Nếu tự mình cho rằng mình đã thông hiểu cảnh giới của thánh nhân, thì bất luận cảnh giới nào hiện ra đều là ma cảnh hiện ra từ một trong năm mươi thứ ấm ma được nói trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Tỷ dụ, trong thời gian ta đang miệt mài học Phật, có lúc bổng dưng nằm mộng thấy Phật hiện ra. Trong cảnh mộng đó, ta hồi quang phản tỉnh, nhận biết tâm mình có vọng tưởng tham cầu, có phân biệt, chấp trước, thì đó là thiện cảnh giới. Ngược lại, nếu chợt nghĩ là ta đã chứng đắc, đã khai ngộ rồi nên mới thấy Phật, thì đấy là thọ quần tà. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này để không bị vướng trong mê cung của năm mươi ấm ma. Nói cách khác, mỗi khi chúng ta học Phật đều phải phát giác ra lỗi lầm của chính mình, và phải biết phải làm thế nào để sửa đổi những lỗi lầm ấy, thì đó mới là “bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới.” Người học Phật như vậy sẽ mau chóng khai ngộ, tiêu trừ nghiệp chướng.

Trong thế giới này, kẻ bị ma dựa rất nhiều, đều là do ham kỳ chuộng lạ, kẻ này thấy quang minh, kẻ kia thấy Phật, thấy Bồ-tát, thấy hoa Mạn Đà La rơi loạn xạ v.v… Thật sự có hiện tượng ấy hay không? Các kinh và các truyện ký trong Phật giáo nói: “Có thật!” Người ta thuật lại những chuyện lạ lùng ấy đều là thật, chẳng phải giả. Nhưng sau khi thấy những hiện tượng ấy rồi thì sao? Kinh Thủ Lăng Nghiêm bảo: Thấy rồi mà không quan tâm đến nó thì chẳng có chuyện gì xảy ra; còn nếu như hoặc bận tâm, hoặc hiếu kỳ muốn biết thêm, hoặc hoan hỷ, hoặc sợ hãi v.v… thì sẽ bị ma dựa. Hiện thời có rất nhiều người chuyên môn học những thứ đó, người bị hại rất nhiều! Nếu người ấy thật sự dụng công, tinh tấn, nghiêm túc tu học như vậy, đại khái chưa đến một hai năm sẽ bị bệnh thần kinh! Người thế gian gọi là bệnh thần kinh, Phật pháp gọi là ma dựa. Đại kinh này dạy: Tự nhiên gìn giữ tâm địa thanh tịnh, chí nguyện vô thượng, thì một mai tâm sẽ tự nhiên mở sáng, thoát nhiên khai ngộ, mọi thứ chân, thiện, mỹ, huệ đều tự nhiên hiện ra, chớ chẳng phải do tham cầu hiếu kỳ mà có được. Do vậy, đối với hết thảy cảnh giới, chúng ta đều chẳng nên quan tâm tới, chẳng nên tham cầu hay hiếu kỳ bất cứ điều gì, chỉ luôn giữ gìn tâm cảnh của mình bình bình thường thường là tốt quá rồi!

Trong kinh Phật có một công án do Văn Thù Bồ-tát đề ra, Ngài nói: “Tối hôm trước tôi thấy Phật, thấy Pháp.” Thích Ca Mâu Ni Phật nghe vậy liền bảo Ngài Văn Thù: “Ta đã sớm đánh văng ông ta xuống Thiết Vy rồi.” Câu chuyện này hàm chứa ý nghĩa gì? Phật là giác chớ chẳng mê, Pháp là chánh tri chánh kiến chớ chẳng tà, Tăng là tịnh chớ chẳng nhiễm. Trong cảnh giới Nhất tâm, Phật-Pháp-Tăng tuy ba mà một, tuy một mà ba, thì lấy đâu ra “thấy Phật, thấy Pháp.” Ở đây, Đức Phật đang nói tới cảnh giới Nhất tâm của các bậc địa thượng Bồ-tát đã đắc Căn Bản trí giống như Ngài Văn Thù. Còn đối với các bậc trung-hạ căn như chúng ta thì sao? Rời Phật nữa bước liền thấy ma, nghe pháp sai một chữ liền rơi vào tà pháp. Đây là tình trạng học Phật của người trung-hạ căn. Hạng trung-hạ căn vừa nghe qua câu “Ta đã sớm đánh văng ông ta xuống Thiết Vy rồi,” liền sanh tâm phân biệt, chấp trước, bỏ Phật, bỏ Pháp, thì là quá đỗi sai lầm. Chúng ta phải biết câu nói này là Phật nói cho bậc Thượng Địa Bồ-tát nghe, chẳng phải nói cho chúng ta nghe. Hạng trung-hạ căn chúng ta phải tuân mệnh y theo lời kinh Phật dạy, thường xuyên đọc kinh, nghiên cứu kinh. Chúng ta cũng biết tuy đọc kinh, nghiên cứu kinh chẳng phải là Phật pháp tối cao, nhưng đó là cách học Phật duy nhất của thứ bậc trung-hạ. Trong Phật pháp tối cao, những việc ấy đều chẳng có, phải xả bỏ hết sạch sành sanh những thứ ấy mới có thể thật sự chứng đắc vạn pháp như một, chúng sanh và Phật bất nhị. Đây là cảnh giới cao tột bậc nhất của Thượng Địa Bồ-tát, là cảnh giới của người niệm Phật đạt được Lý Nhất tâm Bất loạn, chớ chẳng phải là cảnh giới của bọn phàm phu chúng ta. Muốn hướng tới cảnh giới Nhất tâm thì phải quán “không có gì để có thể vui.” Vì sao? Vì nếu có thứ gì để có thể vui thì cùng với khổ có khác gì đâu? Văn Thù Bồ-tát vừa đề ra công án “Thấy Phật, nghe Pháp,” thì Thích ca Mâu Ni Phật liền đáp án “Ta đã sớm đánh văng ông ta xuống Thiết Vy rồi.” Thích Ca Mâu Ni Phật đã buông các vọng niệm xuống từ lâu lắm rồi nên mới thành Phật. Nếu Ngài còn thấy có Phật, có Pháp thì Ngài đâu phải là Phật! Từ công án này, Phật, Bồ-tát dạy chúng ta điều gì? Các Ngài dạy chúng ta phải thấy Phật bằng cái tâm “thấy mà chẳng thấy, chẳng thấy mà thấy” và nghe Pháp bằng cái tâm “nghe mà chẳng nghe, chẳng nghe mà nghe,” thì mới có thể đạt tới cảnh giới Nhất tâm Bất loạn. Nay, chúng ta nghe qua công án này liền giật mình, phản tỉnh, nếu tối hôm qua ta nằm mộng thấy Phật, nghe Pháp, thì vị Phật đó là ai? Pháp đó là gì? Chúng ta ngộ ra một điều, Phật bên ngoài và Tự tánh của mình chỉ là một không hai, thậm chí toàn bộ những cảnh tướng, hiện tượng, nhân vật, các pháp được nghe v.v… trong giấc mộng đều là do Tự tánh của chính mình biến hiện ra, mà Tự tánh của mình và Phật vốn chỉ là một không hai. Nếu tất cả đều là do Tự tánh biến hiện ra, là cái của chính mình, thì có cần phải phóng tâm ra bên ngoài để tham cầu hiếu kỳ nữa không? Nếu câu trả lời là không, thì coi như là đã giải đáp được công án của Ngài Văn Thù rồi!

Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói với chúng ta bằng lời nói của Chân tâm: “Ta đã sớm đánh văng ông ta xuống Thiết Vy rồi.” Chúng ta nên hiểu, ở đây Phật muốn nêu lên cảnh giới của Nhất chân Pháp giới, chớ chẳng phải là nói đến cảnh giới của hàng phàm phu và Nhị thừa. Nhất chân là cảnh giới của Nhất tâm, là hạnh và tên của Ngài Văn Thù. Ngài Văn Thù là đại biểu cho Căn Bản trí, mà Căn Bản trí chính là vạn pháp như một, chúng sanh và Phật bất nhị, thì làm gì thật sự có Phật và chúng sanh. Nếu chẳng có Phật và cũng chẳng có chúng sanh, thì làm gì có chuyện thấy Phật, nghe Pháp. Nhất tâm là cảnh giới cao tột bậc nhất, là vô thượng đạo, cũng là chỗ mà A Di Đà Phật muốn khiến hết thảy chúng sanh hướng tới để viên mãn Phật quả. Do đó, người niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ mà chẳng cầu Nhất tâm Bất loạn là chẳng hiểu rõ tâm ý của Phật A Di Đà, nên mới phá bỏ Tông chỉ này của Phật. A Di Đà Phật phát lời thệ nguyện: “Tất cả chúng sanh sinh về cõi ta đều đồng nhất tâm trụ Chánh Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm được mát mẻ, thọ hưởng vui sướng cũng như Tỳ-kheo sạch tận các lậu. Nếu còn khởi nghĩ tham thân chấp ngã, ta thề quyết không ở ngôi Chánh Giác.” Đấy đã nói rõ, hết thảy chúng sanh trong cõi ấy đều đồng nhất tâm trụ Chánh Định Tụ, thì làm gì có các lậu khổ và lạc như ở trong thế gian này!

Khổ và lạc là tương đối, hễ có bên này sẽ có bên kia. Nếu có lạc, tất nhiên sẽ có khổ tồn tại! Chúng sanh trong cõi ấy đã sạch tận các lậu, tất nhiên cõi ấy chẳng thật sự có lạc mà chỉ là nhất tâm, nên cõi ấy được gọi là Cực Lạc. Nếu tâm ý thức chẳng còn khởi nghĩ có khổ có lạc thì sẽ giải thoát ra khỏi các pháp tương đối, không vướng vào bên này bên kia. Đây là tâm địa của một vị Tỳ-kheo đã dứt sạch hết thảy các lậu hoặc, phiền não, thường an trú trong tình trạng thoải mái nhất, mát mẻ nhất, vui sướng nhất. Nói cách khác, một khi chúng ta lìa được tâm ý thức bao gồm kiến hoặc, tư hoặc, trần-sa hoặc và vô minh, thì chẳng còn có ý tưởng khổ hay lạc nữa, thì đấy chính là cảnh giới Cực Lạc. Hiện nay, chúng ta còn thấy có khổ, nên mong muốn có lạc. Nhưng một khi có lạc rồi, ắt phải có khổ kèm theo trong đó! Do vậy, chúng ta học Phật nghe thấy những chữ vui sướng, thọ lạc, hoan hỷ, vui vẻ v.v..., thì chớ nên nghĩ rằng Thế giới Cực Lạc rất vui sướng giống như những sự vui sướng trong các cõi trời người. Nếu chúng ta nghĩ như vậy là đã hoàn toàn hiểu lầm ý Phật mất rồi! Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả thảy đều chẳng có, thì cảnh giới chân lạc mới hiện tiền. Trong hết thảy các thời, hết thảy các chỗ, chúng ta đều có được thân tâm thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, chẳng có lạc cũng chẳng có khổ, thì dù chưa xả bỏ thân này mà đã liên hoa hóa sanh trong ao thất bảo nơi cõi Cực Lạc rồi. Đây mới thật sự là Cực Lạc, chẳng có mảy may nghi vấn nào cả!

Chư Phật Như Lai lúc mới thành đạo, cảnh giới chứng được chính là như kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình đồng viên Chủng Trí” (Tình và vô tình đều viên thành Chánh Giác). Trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, chim chóc, nhà cửa, lầu gác, ao suối, rừng cây v.v... đều là do A Di Đà Phật biến hóa ra để thân cận chúng ta mà diễn thuyết Đại pháp cho chúng ta nghe. Chúng ta thấy có gì thân thiết hơn điều này không? Xung quanh chúng ta toàn là A Di Đà Phật, nhà chúng ta ở, thức ăn ta ăn, quần áo ta mặc, suối ao ta tắm, chim chóc vây quanh chơi đùa với chúng ta, chẳng có thứ gì chẳng phải là A Di Đà Phật, thì đủ thấy A Di Đà Phật và chúng ta gần gủi và thân thiết với nhau đến mức độ nào rồi! Có thể nói một câu thẳng thừng và đích xác hơn, A Di Đà Phật, vô tình chúng sanh, hữu tình chúng sanh và ta trong cõi ấy là một không hai. Trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, A Di Đà Phật, hết thảy chúng sanh và ta đều cùng hòa tiếng nhịp nhàng, cùng nhau khoe màu sắc rực rở v.v... nhằm chỉ rõ pháp tánh vốn bình đẳng, không có chỗ nào cao, không có chỗ nào thấp của Nhất chân Pháp giới. Do thánh chúng nơi cõi Cực Lạc không có chấp ngã và chấp pháp, nên pháp nào họ nghe, thấy, ngửi, nếm hoặc xúc chạm đều khiến cho tâm khai ý giải, thần trí thông triệt, trụ Bất Thoái Chuyển cho đến Vô thượng Bồ-đề. Đây chính là cảnh giới của Nhất chân Pháp giới: “Tình và vô tình đều viên thành Chánh Giác.”

Thế nào là Chánh Giác? Mã Minh Bồ-tát giải thích: Chánh Giác có nghĩa là “Bổn giác vốn có, bất giác vốn không.” Bổn giác là đức dụng sẵn có trong Tự tánh; cho nên một khi đã kiến tánh thì chuyện gì cũng là đạo, đâu đâu cũng gặp nguồn, tình lẫn vô tình đều thành Chánh Giác. Vì sao? Vì hết thảy hữu tình và vô tình chúng sanh đều là tướng phần do Tự tánh biến hiện ra, nên tánh và tướng như một, không hai! Thứ nào cũng từ trong Tự tánh biến hiện ra thì có thứ nào chẳng phải là Chánh Giác! Chỉ khi nào chúng ta niệm Phật đắc Lý Nhất tâm Bất loạn mới thật sự thấy hữu tình và vô tình đều là Chánh Giác, mới thật sự hiển thị pháp nào cũng bình đẳng, không có cao thấp, vạn pháp như một, như lời kinh Phật dạy: “Chân như trọn khắp, pháp giới không hai.” Đây là chân thật tướng của Nhất chân Pháp giới và cũng là tướng chân thật của Tây Phương Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Sa-bà thế giới cũng chẳng ngoại lệ, nhưng do chúng ta đang mê hoặc điên đảo, nghiệp chướng quá nặng, nên chẳng thể thấy được tướng chân thật của toàn bộ cảnh giới. Cái mà chúng ta thấy chỉ là tướng hư vọng, trong tướng hư vọng có cao thấp, sạch nhơ, vui khổ, chẳng bình đẳng. Tướng chân thật không có các tướng trạng ấy, quyết định chỉ là bình đẳng.

Những ai muốn thấy Nhất chân Pháp giới Tây Phương Cực Lạc, thì hãy niệm một câu Di Đà cho tốt đẹp nhất, chân thành nhất, thanh tịnh nhất, ắt sẽ đạt được tâm nguyện. Còn những ai chưa thật sự tin tưởng điều này, thì hãy cố gắng học kinh, nghe pháp nhiều hơn nữa, cho đến khi dứt hết nghi tình, tín căn tràn trề, tín lực dũng mãnh, thì một câu niệm Phật mới có hiệu lực phá mê khai ngộ. Sau khi thâm nhập nghĩa lý trong kinh, tự minh sẽ phát hiện đây là Đệ Nhất Nghĩa kinh, là chỗ quy túc của toàn bộ Phật pháp, là kết luận của kinh Hoa Nghiêm, là Vọng Tận Hoàn Nguyên. Chúng ta thấy trong tất cả các pháp môn tu khác, chẳng hề nói đến Vọng Tận Hoàn Nguyên, một đời thành Phật. Kinh Hoa Nghiêm chỉ cho ta thấy Thiện Tài Đồng Tử do tu tập pháp môn Niệm Phật, một môn thâm nhập mà dứt sạch vọng niệm, một đời thành Phật. Sau khi Thiện Tái Đồng Tử đi tham học với năm mươi ba thiện trí thức, Ngài quyết định buông xuống hết thảy vạn duyên, không tham cầu học rộng nữa, một dạ chỉ niệm một câu Phật hiệu A Di Đà đến mức tốt đẹp nhất, niệm niệm đến mức tâm không còn động loạn nữa, bèn được cái quả báo tốt đẹp nhất; đó là vãng sanh Tây Phương, một đời thành Phật, hết thảy y báo và chánh báo tự nhiên hiện ra. Y báo là Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, chánh báo là Vọng Tận Hoàn Nguyên, tâm này thành Phật. Chúng ta chẳng thể hoài nghi điều này dù chỉ một mảy may!








    « Xem chương trước «      « Sách này có 1507 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.78.12 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...