Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu tập Phật pháp »» Không Cửa Để Vào, Không Lời Để Nói »»

Tu tập Phật pháp
»» Không Cửa Để Vào, Không Lời Để Nói

Donate

(Lượt xem: 5.887)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Không Cửa Để Vào, Không Lời Để Nói

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Bài này sẽ viết về Thiền, phần lớn sẽ ghi về một số lời dạy của Đức Phật trong thiền pháp Thiền Tông, còn gọi là Thiền Đông Độ, hay Thiền Đạt Ma, hay Thiền Tổ Sư, và riêng tại Việt Nam còn gọi là Thiền Trúc Lâm. Chủ yếu nơi đây dựa vào kinh điển, và người viết không phải là tiếng nói thẩm quyền nào. Tất cả những gì viết nơi đây đều rất dễ hiểu; độc giả có thể ngưng ở bất kỳ dòng nào để thử nghiệm tự nhìn lại tâm. Với các bất toàn tất nhiên sẽ có, xin thành kính sám hối trước Tam Bảo.

Pháp thiền này không cửa để vào, nhưng vẫn lấy tam học (giới, định, huệ) để lìa tam độc (tham, sân, si). Nói không cửa, vì cổ đức nói rằng bất kỳ cửa nào cũng đều là phóng chiếu của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), trong khi nhiều lời Đức Phật dạy là khuyến tấn tức khắc lìa ngũ uẩn, rời ba cõi, vượt sáu đường. Thiền Tông còn gọi là pháp môn giải thoát bất tư nghì, bởi vì xa lìa tất cả nghi ngợi và tức thân thành Phật, không trải qua thời gian. Thêm nữa, Thiền Tông, tức là Thiền Trúc Lâm, thực ra là pháp thiền Đức Phật dạy trong những năm đầu thuyết pháp.

Trước tiên xin kể một kỷ niệm với vài người bạn, và cũng để bổ túc thêm vì lời nói lúc đó chưa đầy đủ. Mới vài tháng trước, có ba vị thiện tri thức tới gặp, mời người viết ra quán cà phê ở Garden Grove hàn huyên, hỏi chuyện về Thiền Tông. Cả ba vị đều uyên bác, có học vị cao, nổi tiếng trong giới hoạt động nhân quyền, và có giao tình với người viết nhiều thập niên. Hai vị từ đầu Bắc California tới. Người thứ ba là một bác sĩ tâm lý, đang dạy thiền mindfulness cho một số bệnh nhân trong một số bệnh viện ở Quận Cam, được người viết xem như đứa em nhỏ từ các năm 1983-84, khi cô này sinh hoạt trong Liên Đoàn Hướng Đạo Hồn Việt ở đảo Galang, Indonesia.

Bác sĩ X. hỏi: Như vậy, Thiền là gì?

Người viết trả lời: Trong tình thân mới nói, rằng hỏi nhầm người rồi nhé. Vì câu trả lời ai cũng có thể tìm trên mạng, và nhiều người sẽ nói rằng đó bao gồm Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Tỉnh Thức, Thiền Tứ Niệm Xứ và vân vân. Câu hỏi nơi đây nên là, ý Tổ sư từ Ấn Độ tới là gì…

Cô X. hỏi: Ý Tổ sư từ Ấn Độ tới là gì…

Người viết nói: Tôi không tài năng gì để trả lời, nơi đây chỉ xin mượn lời Đức Phật và chư Tổ. Đây là pháp không cửa để vào, không lời để nói. Bây giờ, xin mời ba bạn làm giùm tôi trong ba mươi giây đồng hồ, rồi tôi sẽ giải thích. Hãy tự nhìn vào tâm, mắt để tự nhiên hơi khép, đừng nhắm mắt, trong quán có tiếng động thì mặc kệ, ngồi thẳng lưng và hai bàn chân áp sát mặt đất, thở rất dịu dàng, hãy tự nhìn tâm và không nghĩ gì hết, không nghĩ lành/dữ, vui/buồn, không nghĩ chuyện hôm qua, ngày mai cũng không nghĩ gì tới bây giờ. Bởi vì hễ nghĩ ngợi là luôn luôn có thời gian và không gian hiện ra, vì cái được nghĩ tới luôn luôn ở khung thời gian/không gian nào đó, lẳng lặng nhìn tâm và không nghĩ gì. Hãy để toàn thân tâm mình tự nhiên, buông lỏng và buông xả hết. Thế đấy, đó là cách ngồi của Thiền Tào Động, Nhật Bản gọi là Soto Zen, tóm gọn mấy chữ là buông bỏ thân tâm, hay thân tâm phóng hạ. Bây giờ thì, ba bạn thấy đấy: ngay trong ba mươi giây vừa rồi, các bạn thấy không có tâm tham, thấy không có tâm sân, và trong cái thấy tỉnh thức như thế là không có tâm si. Theo Kinh Phật (Kinh AN 6.47, Kinh Upāyikā 2.078), như thế là Niết Bàn tức khắc, tại đây và ngay bây giờ, vượt thời gian. (1)

Trong Thiền sử, ngài Huệ Khả từng tới gặp ngài Bồ Đề Đạt Ma và nói, xin an tâm cho con. Ngài Bồ Đề Đạt Ma nói, đưa tâm ngươi đây, ta sẽ an cho. Ngài Huệ Khả tự nhìn lại tâm, nói không thấy tâm đâu hết. Ngài Bồ Đề Đạt Ma nói, ta an tâm người rồi đó. Chính ngay khi ngài Huệ Khả thấy không có tâm, tức là thấy tâm rỗng rang không vướng chút sắc thọ tưởng nào hết, lúc đó là Niết bàn, còn gọi là ngộ được bản tâm lìa ba cõi (tức là, thấy tâm không vướng cõi dục, không vướng cõi sắc, không vướng cõi vô sắc).

Chuyện tương tự là trong Pháp Bảo Đàn Kinh, kể chuyện ngài Minh Thượng Tọa hỏi pháp, ngài Huệ Năng bảo rằng ông đã vì pháp mà hỏi, thì hãy dẹp các duyên, chớ sanh một niệm, ta sẽ vì ông mà nói rõ trong giây lát. Ngài Huệ Năng nói tiếp: Không nghĩ thiện không nghĩ ác, ngay lúc đó cái gì là bản lai diện mục của Minh thượng tọa?

Chính ngay nơi đó, còn gọi là tâm không chỗ an trú (vô sở trụ). Không có nghĩa là không có tâm, nhưng chỉ có nghĩa là ngay lúc đó thức không có chỗ bám vào, dù là cái được thấy hay cái được nghe, tất cả hiện tướng trong và ngoài (sáu nội xứ, sáu ngoại xứ) chỉ như nước rơi trên lá sen, cũng như ảnh chim bay hiện rồi biến trong gương tâm và không lưu ảnh. Ngay đó là Niết bàn.

Cũng có thể giải thích về hai trường hợp hỏi pháp của ngài Huệ Khả và Minh Thượng Tọa bằng Kinh SN 12.38, bản dịch HT Thích Minh Châu trích:

“Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên không có mặt thời thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng, nên trong tương lai tái hữu không sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu không có mặt trong tương lai, nên sanh, già chết, sầu, bi, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.” (2)

Đoạn vừa trích dẫn cũng có nghĩa là giữ tâm không dính vào bất kỳ loại thức ăn nào trong cõi này.

Kinh SN 12.64 dạy rằng lìa tham đối với thức ăn cõi này, tức là thức sẽ không chỗ an trú và tăng trưởng, đó là giải thoát:

"...các Tỷ-kheo, nếu đối với (đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực) thức thực, không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú. Chỗ nào không có thức an trú, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già chết trong tương lai." (3)

Đức Phật gọi các trường hợp như thế là Niết bàn tại đây và bây giờ (here and now), vượt thời gian (timeless). Một phút như thế là một phút giải thoát, và giữ tâm đó liên tục gọi là Tổ Sư Thiền, không qua bất kỳ phương tiện nào khác,

Trong các trường hợp giải thoát tức khắc, thường biết nhiều nhất là trường hợp của ngài Bahiya (khi được dạy là thấy chỉ nên là thấy và nghe chỉ nên là nghe…) và trường hợp chàng thanh niên Uggasena đứng nơi đầu gậy cao làm xiếc tức khắc thành A la hán khi Đức Phật dạy rằng hãy buông bỏ cả quá khứ, vị lai và hiện tại…

Chúng ta có thể thử nhìn tâm mình như ngài Bahiya và ngài Uggasena, và sẽ thấy rằng lúc đó y hệt là tâm không, tâm rỗng rang, tâm không vướng vào bất kỳ khái niệm nào về lành/dữ, thiện/ác, đúng/sai, có/không…

Nhưng, chính vì như thế mới khó truyền dạy, vì ly nhất thiết pháp, vì pháp thiền này không có cửa để vào, không có đường để đi, vì bất kỳ cửa hay đường nào đều phải dựa vào sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp nơi cõi này.

Người viết nói với ba người bạn rằng, bây giờ mình nói về chuyện thường bị nhầm lẫn nhất: đốt sách, hay chớ đọc sách. Ngày xưa mình cũng được ông thầy dặn là chớ đọc nữa, nhưng không có nghĩa đơn giản như thế. Chỉ nên có nghĩa rằng hãy nhìn mặt trăng, chớ nên nhìn ngón tay, vì chữ nghĩa đều là ngón tay.

Thêm nữa, Thiền Tông có câu rằng “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” cũng là một lời dạy tột cùng. Ngôn là lời nói ra miệng, ngữ là lời nói trong đầu, bạn cứ thử xem, tự nhìn lại tâm mình, khi lời và chữ dứt bặt cả trong và ngoài, chính khi đó sẽ thấy tâm rỗng rang, và khi tâm hành (cetana, intention) biến mất – tức là chớ muốn, chớ cầu, chớ tìm và chớ xua đẩy gì, ngay khi đó là tâm lìa tham sân si, và Đức Phật gọi đó là Niết bàn ở đây và bây giờ, chứng thực được, và vượt thời gian. Cũng là pháp không niệm gì hết.

Bởi vì pháp thiền này không dùng lời nói, cho nên rất khó truyền dạy. Đó cũng là lý do, truyền thuyết nói rằng Đức Phật lặng lẽ cầm bông hoa đưa lên, chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười vì hiểu được. Xin phép suy đoán, rằng chính ngay khi đó, Đức Phật cho biết rằng cái thấy hoa đó chính là Niết bàn ở đây và bây giờ (nhưng lúc đó hễ sư nào khởi lên bất kỳ tâm hành nào, hay xem cái thấy như thức thực đều sẽ hỏng). Mở miệng đều sai, vì cảnh đã qua rồi, và vì lời nói chỉ là ngón tay [chữ nghĩa] chỉ mặt trăng [cái thấy].

Trong cái thấy nghe của Niết bàn ở đây và bây giờ đó, hoàn toàn biến mất tất cả khái niệm về dơ/sạch, đó là khi pháp thân (thân của pháp) hiển lộ qua thấy nghe hay biết.

Trong Thiền sử Việt Nam, ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ có bài kệ: “Bản lai vô cấu tịnh, cấu tịnh tổng hư danh, pháp thân vô quái ngại, hà trọc phục hà thanh?” là chỉ thẳng vào cái thấy tâm rỗng rang như thế, có thể dịch là: “Từ xưa tới giờ vốn là không dơ với sạch. Dơ với sạch đều chỉ là tên suông thôi. Pháp thân vốn không hề giới hạn nào, sao có chuyện dơ với sạch được?”

Tương tự, trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Phẩm Cơ Duyên Thứ Bảy, ghi lời dạy của ngài Huệ Năng, qua bản dịch của Thiền sư Duy Lực, trích:

“Sư nói: Thật đúng như Huyền Sách nói. Ngươi hễ tâm như hư không, chẳng chấp vào không, ứng dụng vô ngại, động tịnh vô tâm (chẳng tác ý), thánh phàm đều quên, năng sở đều diệt, tánh tướng như như, thì không lúc nào chẳng phải định vậy.” (4)

Tới đây xin kể chuyện một người bạn thân. Bạn này là một trí thức rất mực uyên bác, một hôm viết một bài dài phân tích về Tam Thân Phật, giải thích rất dài và rồi hỏi ý người viết. Người viết vốn không phải là học giả, cho nên không dám cho ý kiến chi tiết, chỉ trả lời bạn này, có hiệu đính lại như sau:

“Tui là Nguyên Giác, xin tự thú rằng tui không biết gì về Tam Thân Phật, bởi vì dó là chuyện của các luận sư và pháp sư. Tui học Thiền từ hai vị Thiền Sư không ưa lý luận, và không nhiều lời. Bản thân tui do vậy, chỉ quen bận tâm với chuyện thấy trước mắt và nghe bên tai, không hề quan tâm chuyện cao siêu của các luận sư (mà, các luận sư thường không đồng ý nhau). Nếu có ai chỉ ngón tay lên, mà tui thấy mặt trăng, thì tui nói là thấy mặt trăng. Nếu tui không thấy mặt trăng, cũng không dám nói là có một mặt trăng hay ba bốn mặt trăng, chỉ dám nói là tui không thấy mặt trăng nhưng không dám chắc là có hay không, và nếu có là mấy mặt trăng. Do vậy, nhiều khi được hỏi Phật Tánh ở đâu, trong khi các luận sư viết tràng giang đại hải, các thiền sư chỉ đưa tay ra chỉ gốc cây trước sân... Ngoài cái ngó đó ra, tui đoán rằng người của nhà Thiền không dám nói gì về Tam Thân. Nếu có ai nói về Tam Thân Phật, hẳn không phải chuyện nhà Thiền. Nhưng đọc về Tam Thân Phật là vui rồi. Tui nghĩ, Tứ Thân có thể vui hơn. Vì binh bài xập xám cần tới 4 tụ. Thân ái.”

Nói ngắn gọn, rằng tui không biết. Và tui sống với “tâm không biết” – chỗ này, nên ghi rằng, muốn đọc thêm Thiền Tông bằng tiếng Anh hiện nay, có thể tìm trên Google qua các từ khóa như “don’t know mind” hay “The Zen of not knowing”… Chính cái tỉnh thức nhìn vào tâm không biết đó cũng là một cách vào. Bất kỳ ai cũng thử nghiệm được, khi nhìn vào tâm không biết thì là đang tỉnh thức với tâm ly tham sân si…

Còn chuyện có cần tu Tứ Thiền hay không… Tới đây, xin kể chuyện khác. Một vị trí thức nổi tiếng trong giới học Phật, mới đây nói với người viết rằng để giải thoát sẽ cần tu Tứ Thiền và tới tận cùng là Diệt Thọ Tưởng Định. Người viết lúc đó nói là chỉ cần sơ thiền, rồi từ đây quán vô thường là đủ. Bây giờ xin ghi chi tiết vài ý (sau khi về nhà dò lại kinh điển). Đức Phật nói có trường hợp tuệ giải thoát, không cần tu định sâu. Người tu được cả định huệ được Đức Phật gọi là giải thoát cả hai đường (freed both ways), còn gọi là bậc câu phần giải thoát.

Đức Phật dạy trong Kinh MN 70 rằng có 7 hạng người, trong đó bậc cao nhất là A la hán giải thoát qua cả hai đường định huệ; bậc thứ nhì là tuệ giải thoát, tức các vị A la hán chưa đắc định nhưng trí tuệ đã đoạn trừ lậu hoặc.

Kinh MN 70 viết, trich bản dịch của HT Thích Minh Châu:

"...này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc tuệ giải thoát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người, sau khi thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này như vậy được gọi là bậc tuệ giải thoát."

Bản Anh văn của Bhikkhu Sujato:

"And what person is freed by wisdom? It’s a person who does not have direct meditative experience of the peaceful liberations that are formless, transcending form. Nevertheless, having seen with wisdom, their defilements have come to an end. This person is called freed by wisdom."

Để thấy nghĩa này rất cụ thể, không mơ hồ, rằng không đắc định vẫn giải thoát bằng huệ, xin xem đối chiếu bản Việt và ba bản Anh văn ở (5).

Kinh MN 64, bản dịch HT Thích Minh Châu viết rằng Đức Phật dạy chỉ cần vào sơ thiền, rồi chuyển sang quán vô thường là đủ:

"...này Ānanda, Tỷ-kheo do viễn ly các sanh y (Upadhiviveka), do đoạn trừ các bất thiện pháp, do làm cho an tịnh thân thô ác hành một cách toàn diện, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu) và nghĩ rằng: “Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc." (6)

Đọc kinh sẽ thấy có một số trường hợp tuệ giải thoát, trở thành A la hán khi [hình như] chưa vào sơ thiền, nhưng ít nhất phải là cận định (access concentration). Trường hợp nổi bật là thuyết pháp cũng chứng quả A la hán, đó là ngài Khemaka sau khi giải nghĩa cho các vị sư khác về “không có cái tôi nào” trong ngũ uẩn. Dứt lời, Khemaka đắc quả A la hán. Và 60 vị sư nghe pháp xong, lúc đó cũng đắc quả A la hán. Nghĩa là, tuệ xả ly của chư tăng rất mạnh, bứt một lần là xong. Tức là, thuyết pháp và nghe pháp đều có thể đắc quả A la hán. Đó là Kinh SN 22.89 - Khemaka Sutta. (7)

Trường hợp đó không lạ, vì Đức Phật ít nhất trong 2 bản kinh cũng từng nói là có năm giải thoát xứ, có thể đắc quả A la hán trong khi: đang nghe pháp, thuyết pháp, đọc tụng pháp, suy tư quán sát pháp, thọ trì pháp. (8)

Như vậy, lời dạy trong Thiền Tông là như thế nào? Khi đọc Kinh Pháp Bảo Đàn và nhiều sách về Thiền Tông, kể cả về Thiền Trúc Lâm của Việt Nam, sẽ nhận ra một số phương pháp chư tổ dạy, và kỳ lạ là đều là lời Đức Phật dạy trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, tức là nhóm các kinh chư tăng tụng hàng ngày khi Đức Phật còn sinh tiền. (9)

Độc giả sẽ nhận ra tâm trong trạng thái tỉnh thức lìa tham, sân, si là khi:

-- Tâm vô sở trụ, không dính mắc, không chấp thủ, dù là dính vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

-- Tâm buông bỏ những gì ở quá khứ, chớ mơ tưởng về tương lai, và không tơ vương gì với hiện tại.

-- Tâm để cái được thấy nghe hay biết chỉ là cái được thấy nghe hay biết, và sống với các pháp như thị.

-- Tâm đón nhận vô thường trôi chảy, nơi đó là rỗng rang, không lời, không gì để thêm, không gì để bớt.

-- Tâm không nghĩ ngợi tư lường, xa lìa cả bờ này và bờ kia, xa lìa cả thiện và ác.

-- Tâm lắng nghe cái tịch lặng, nơi ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt – lời nói dứt bặt, tâm bất động như núi.

-- Tâm thấy tất cả các pháp đều là như huyễn, đều là rỗng rang không tự tánh.

Và theo Kinh Phật, các tâm đó chính là tức khắc Niết bàn.

Tới đây, câu hỏi là, sẽ rất khó để tâm vô sở trụ… như thế, có thể dùng phương tiện nào không?

Có thể dùng công án hay thoại đầu. Bởi vì khi dùng phương tiện này, đó là sử dụng tới “tâm không biết”… Không phải công án vô nghĩa. Tất cả nghĩa đó đều chỉ vào bản tâm, vào thấy, nghe, chạm xúc, hay biết… Khi nhận ra bản tâm vốn là không, sau đó mắt, tai… sẽ không còn bị níu kéo nữa. Các pháp tới mình, sẽ biến mất y hệt như nước trên lá sen.

Nơi đây, người viết đề nghị sử dụng phương pháp thở, sẽ thích nghi với rất nhiều người. Đức Phật dạy pháp thở 16 chặng. Tuy nhiên, chúng ta có thể tập pháp thở 2 chặng, cùng lúc là giữ tâm buông xả. Không cần ngồi thiền, luôn luôn nhớ khi đi đứng nằm ngồi, giữ cảm thọ về hơi thở dịu dàng, hơi thở tự nhiên chạm nơi dưới chóp mũi. Trong khi hơi thở vào, nghĩ tới chữ “buông”; khi hơi thở ra, nghĩ tới chữ “xả”… Cứ như thế ngày đêm không để rời hơi thở buông xả này, rồi sẽ nhận ra đó là hơi thở của tỉnh thức lìa tham sân si. Chỉ cần thử tập 5 phút là thấy ngay hiệu năng liền.

Có phương tiện khác: Niệm Phật. Thiền sư Thạch Liêm trong khi hoằng pháp Thiền Tào Động ở thế kỷ 17 đã viết bản văn Tự Tính Di Đà Thuyết (Nói về Phật A Di Đà của tự tính) để dạy mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu là Tống Thị pháp Niệm Phật Trì Danh. Bản dịch của Thầy Nhất Hạnh trích như sau:

“…Trong các con đường tắt để tu hành, không con đường nào bằng niệm Phật. Niệm Phật cốt ở chỗ dứt bỏ được duyên lự, chỉ nhớ tới sáu chữ, tâm không tán loạn, niệm phải tinh thành, sáng niệm, chiều niệm, niệm cho đến chỗ bất niệm, niệm cho đến chỗ vô niệm, niệm niệm không ngừng, niệm cho thành một khối đạo hợp thể đồng, cùng cao với trời, cùng dày với đất, cùng sáng với nhật nguyệt tinh tú; với sông núi, cây cỏ, nhân, vật, quỷ thần, cùng chung kiếp vận họa phúc, sang hèn, nam nữ, xa gần, qua lại, đó ăn mệt ngủ, hỷ nộ ái lạc... Khi đã cùng vạn vật nhất thể thì nguồn suối Di Đà không còn là của riêng của ai nữa mà sẽ được tự tâm ý bất loạn của tự mình chảy ra... Điều cốt yếu là thấy sắc không nhiễm, nghe thanh không đắm, hai tướng động và tĩnh dứt bặt không sinh. Khắp cõi hư không đều là Tịnh độ duy tâm, tận cùng pháp giới đều là Di Đà tự tính.” (10)

Như thế, các Thiền sư vẫn dạy Niệm Phật. Tất cả các phương tiện đều khả dụng, khi “thấy sắc không nhiễm, nghe thanh không đắm…”

Trân trọng kính chúc tất cả các độc giả quan tâm về Thiền Tông sẽ dò được lối vào, và sẽ nhận ra rằng dân tộc Việt Nam đang thừa hưởng một di sản rất quý giá từ Thiền Trúc Lâm.

Bài này được viết trong tuần lễ tưởng niệm bổn sư của người viết là Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu viên tịch đã 3 năm.

GHI CHÚ:

(1) Huệ Khả Cầu Pháp: Đọc Từ Tạng Pali

https://thuvienhoasen.org/a31712/hue-kha-cau-phap-doc-tu-tang-pali

(2) Kinh SN 12.38: https://suttacentral.net/sn12.38/vi/minh_chau

(3) Kinh SN 12.64: https://suttacentral.net/sn12.64/vi/minh_chau

(4) Kinh Pháp Bảo Đàn, Phẩm Cơ Duyên: https://thuvienhoasen.org/a687/pham-co-duyen-thu-bay

(5) Kinh MN 70, bản Việt: https://suttacentral.net/mn70/vi/minh_chau

Bản Sujato: https://suttacentral.net/mn70/en/sujato

Bản Bodhi: https://suttacentral.net/mn70/en/bodhi

Bản Horner: https://suttacentral.net/mn70/en/horner

(6) Kinh MN 64: https://suttacentral.net/mn64/vi/minh_chau

(7) Kinh Khemaka: https://suttacentral.net/sn22.89/en/sujato

(8) Kinh DN 33: https://suttacentral.net/dn33/vi/minh_chau

Kinh AN 5.26: https://suttacentral.net/an5.26/vi/minh_chau

(9) Kinh Nhật Tụng Sơ Thời: https://thuvienhoasen.org/a30590/kinh-nhat-tung-so-thoi

(10) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận Tập II: https://thuvienhoasen.org/p58a8438/chuong-xxiii-thien-phai-tao-dong-toi-viet-nam




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phúc trình A/5630


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Vào thiền


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.237.229 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...