Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Giới thiệu bộ sách Nền tảng căn bản nhất trong giáo dục của người xưa (Thánh học căn chi căn) »» Giới thiệu bộ sách Nền tảng căn bản nhất trong giáo dục của người xưa (Thánh học căn chi căn) »»

Giới thiệu bộ sách Nền tảng căn bản nhất trong giáo dục của người xưa (Thánh học căn chi căn)
»» Giới thiệu bộ sách Nền tảng căn bản nhất trong giáo dục của người xưa (Thánh học căn chi căn)

Donate

(Lượt xem: 16.357)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Giới thiệu bộ sách Nền tảng căn bản nhất trong giáo dục của người xưa (Thánh học căn chi căn)

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Đôi lời giới thiệu

Cách đây ít lâu, một nhóm Phật tử tại Hà Nội sang Hong Kong đảnh lễ Pháp sư Tịnh Không, được ngài ban cho một bộ sách gồm 7 quyển, ân cần dặn dò nên tìm người dịch sang tiếng Việt để lưu hành rộng rãi.

Bộ sách ấy có tên là “Thánh học căn chi căn” (聖學根之根), với ý nghĩa là những nền tảng căn bản nhất trong cái học được các bậc thánh nhân từ xưa truyền lại. Sách do cư sĩ Nhân Duyên Sinh tuyển soạn từ kinh sách của cả Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo, nhằm mục đích hình thành một bộ sách giáo khoa thích hợp và bổ ích nhất cho các em ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Sau khi mang sách về, mặc dù các vị Phật tử nói trên vẫn cố ý tìm kiếm người dịch, nhưng vì trong sách sử dụng Hán cổ, vốn có nhiều khác biệt với Tân văn ngày nay, nên chưa gặp được người nào nhận chuyển dịch. Nhân duyên đưa đẩy, một Phật tử trong nhóm khi liên lạc để xin ấn tống một bộ sách tôi đã dịch trước đây, nhân đó liền đề cập đến bộ sách này. Vốn đang còn khá nhiều công việc dở dang, nên tôi thật lòng không dám nghĩ đến việc nhận dịch bộ sách. Tuy nhiên, sau khi xem qua phần Duyên khởi của soạn giả, thấy được tấm lòng của người biên soạn cũng như những nội dung được tuyển chọn đưa vào trong sách, tôi thực sự cảm nhận được những lợi ích lớn lao sẽ có khi lưu hành bộ sách này. Chợt nghĩ, lời dặn dò của Hòa thượng Tịnh Không hẳn không phải là vô cớ. Vì thế, tôi quyết định nhận lời chuyển dịch toàn bộ sách này.

Công trình này hẳn sẽ phải mất khá nhiều thời gian, bởi trong nguyên tác Hán văn có đến hơn 700 trang sách chia thành 7 tập, lại toàn là cổ văn, khi chuyển dịch nhất thiết phải tham cứu sâu các kinh sách liên quan. Tuy nhiên, để mọi người có thể có được một ý niệm khái quát về bộ sách quý này và cùng nhau góp lời cầu nguyện cho sự ra đời viên mãn của nó, tôi xin giới thiệu phần Duyên khởi do cư sĩ Nhân Duyên Sinh chấp bút. Có thể nói, phần này đã nêu bật khá đầy đủ về toàn bộ nội dung bộ sách, lại nói rõ được quan điểm biên soạn cũng như tâm nguyện và cách làm của soạn giả. Mong rằng sẽ có đủ mọi thuận duyên để bản Việt dịch của bộ sách này sớm đến tay độc giả Việt Nam.

Trân trọng
Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến


Duyên khởi

Nho sĩ Trần Hoằng Mưu 1 vào đời nhà Thanh, trong lời tựa sách “Dưỡng chính di quy” (Khuôn phép nuôi dưỡng sự chân chánh) có nói: “Xã hội cần có phương pháp giáo dục chân chánh thì mới có được nhân tài chân chánh. Đầu mối chân chánh của giáo dục phải bắt đầu từ trong gia đình, và sự thành tựu của bậc nhân tài phải bắt đầu từ thơ ấu.”

Kinh Dịch lấy hình ảnh dòng suối chảy ra dưới núi làm biểu tượng quẻ Mông, 2 nên người quân tử có thể trở thành bậc nhân tài thành tựu đức độ, học vấn, cũng nhờ từ căn bản. [Trong lời bàn quẻ Mông có đoạn viết:] “Trẻ thơ được giáo dục đúng đắn, đó là công lao to lớn nhất.” 3 Nghĩa lý trong câu này thật sâu xa uyên áo biết bao! Nước suối từ trên nguồn vốn luôn trong trẻo, mà khi chảy xuống đến chân núi thì thành ra vẩn đục, như thế lẽ nào lại do tự thân nước suối ấy hay sao? [Con em hư hỏng] lẽ nào chẳng phải do các bậc cha mẹ, thầy cô giáo đã không kịp thời dạy dỗ đó sao?

Ngạn ngữ có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”, nên việc giáo dục, uốn nắn trẻ phải thực hiện từ lúc còn thơ ấu. Lại có câu rằng: “Nuôi con trai không dạy dỗ khác nào nuôi lừa; nuôi con gái không dạy dỗ khác nào nuôi lợn.”

Thời xưa, trẻ em đến 8 tuổi mới vào tiểu học, 15 tuổi bắt đầu học sách Đại học. Nhưng từ những năm cuối triều Minh, bậc đại nho ở vùng Giang Tô là Lục Phù Đình4 từng lên tiếng cảnh báo: “Người thời xưa tâm tánh chất phác, phong tục tốt đẹp chân thật, trẻ em đến 7, 8 tuổi mà tri thức vẫn còn chân chất chưa mở rộng. Người thời nay tâm tánh khác xa người xưa, trẻ em chỉ vừa 5, 6 tuổi thì đa phần đã bị dẫn dụ, mê hoặc bởi những tri thức sai lầm, gặp sự ham muốn đã thành hư hỏng. Như thế mà chậm lại vài năm mới vào tiểu học thì dù cha mẹ, thầy cô nghiêm khắc dạy dỗ cũng không khỏi phí nhiều sức lực. Huống chi việc giáo dục của các bậc phụ huynh ngày nay chưa hẳn đã được hoàn toàn như xưa. Chính vì vậy, tôi cho rằng trong nền giáo dục ngày nay, con em chúng ta cần bắt đầu nhập học từ khoảng 5, 6 tuổi.”

Nỗi ưu tư mà tiên sinh Phù Đình đã nêu lên cách đây hơn ba thế kỷ đó, kẻ học kém cỏi như tôi thật không dám hình dung đến. Tâm tánh người đời nay so với hơn ba trăm năm trước liệu có thể sánh được ít nhiều gì chăng? Mùa hè năm ngoái, tôi và một nhóm các em tiểu học cùng nhau học tập văn hóa truyền thống, không ngờ lại phát hiện trong số những sách đang lưu hành có nhiều vấn đề hết sức nghiêm trọng. Có những quyển được soạn tập theo thứ tự thật rối rắm, hỗn loạn. Chẳng hạn, có người mang sách “Đệ tử quy” mà soạn chung với “Đạo đức kinh”! Lại có những sách dùng từ ngữ sai lầm, lệch lạc quá nhiều, như trong sách “Chính mông bảo điển” hiện đang lưu hành hết sức rộng rãi, ta có thể tìm thấy những từ ngữ sai lầm, lệch lạc ở rất nhiều chỗ. Lại có nhiều nơi chú âm, ngắt câu nhầm lẫn, sai lệch, thật dễ khiến cho người ta phải hết sức lo ngại. Vì thế, kẻ học kém cỏi như tôi phải suy nghĩ đắn đo nhiều lần rồi mới quyết định tiến hành việc soạn mới, sắp xếp một bộ sách giáo dục dành cho tuổi trẻ, cũng như hiệu đính, chỉnh sửa những sai sót, [trong đó bao gồm các sách dưới đây.]

1. “Tiểu nhi ngữ” (小兒語 – Lời dạy trẻ thơ) do bậc đại nho triều Minh là Lữ Cận Khê 5 biên soạn, là bài ca có vần điệu dành cho trẻ con, nhằm việc giáo dục cách ăn nói. Về sau, con trai ông là Lữ Tân Ngô6 lại tiếp tục trau chuốt, bổ sung. Cho nên, tuy chỉ là bài ca dành cho trẻ con nhưng thật không thể xem nhẹ. Trong thực tế, tác giả đã vận dụng những ngôn từ thông dụng nhất để diễn đạt, giảng giải ý nghĩa thâm sâu uyên áo trong kinh sách thánh hiền. Có thể nói, lời lẽ thông thường nhưng nghĩa lý không hề tầm thường. Trong sách chia ra các phần viết theo thể thơ ba chữ, sáu chữ hoặc lẫn lộn. Trong lúc soát xét biên tập, tôi đã lược bỏ đi phần hỗn tạp.

2. “Đệ tử quy” (弟子規 – Khuôn phép của hàng con em), nguyên trước đây có tên là “Huấn mông văn” (Bài văn dạy dỗ con trẻ), do bậc đại nho vào đầu triều Thanh là Lý Dục Tú, y cứ theo cương yếu trong chương thứ 6, 7 thiên “Học nhi” (Bàn về việc học) của sách Luận ngữ, và phỏng theo hình thức [câu 3 chữ] của sách Tam tự kinh mà biên soạn thành. Về sau lại trải qua sự chỉnh sửa tu bổ nhiều lần của một nho sinh Sơn Tây là Giả Tồn Nhân, lúc đó mới đổi tên là “Đệ tử quy”. Toàn bộ sách này có 360 câu, cả thảy 1.080 chữ, đề cập đến 113 điều. Quả thật có thể nói là đã qua ngàn lần tinh luyện, mỗi câu mỗi chữ đều đáng giá ngàn vàng, lời lẽ đơn giản mà nghĩa lý trọn vẹn, lại hết sức thuận miệng đọc tụng dễ dàng, xứng đáng được tôn xưng là bộ sách giáo dục nhi đồng giá trị nhất.

3."Tam tự kinh" (三字經 – Bản kinh văn toàn câu 3 chữ), do bậc đại nho triều Tống là cư sĩ Thâm Ninh Vương Ứng Lân8 soạn thành. Trong sách có những vấn đề thường thức căn bản cũng như lịch sử cương yếu được người đời sau bổ sung vào. Sách này cũng đề cập đến trình tự học tập rất rõ ràng, thứ lớp, như: “Người đi học, có ban sơ; xong tiểu học, đọc Tứ thư 9... ... Hiếu kinh 10 xong, Tứ thư hết, mới bắt đầu, đọc Lục kinh11 ... Hiểu Kinh rồi, đọc chư tử, nắm cương yếu, nhớ sự việc... ... Thông Kinh, Tử, 12 đọc qua sử, khảo triều đại, biết trước sau...” Kỳ thật, việc giáo dục trẻ thơ chính phải theo cách thức tuần tự như vậy dẫn vào, còn các kinh sách cao hơn dạy ở bậc tiểu học chỉ là nền tảng để [về sau này] phát triển lớn dần lên [rồi trẻ con mới] hiểu được nghĩa lý sâu xa, sáng tỏ hơn. Tôi thấy có rất nhiều người đối với Luận ngữ, Đạo đức kinh, Vô lượng thọ kinh v.v... những bộ kinh sách lớn như thế, lại bắt trẻ đọc ngay từ thuở còn thơ ấu. Đọc mãi qua nhiều thập niên chẳng tiếp nhận được gì, liền trở lại đối với kinh sách sinh lòng chán ngán. Nguyên nhân chính là do các bậc cha mẹ, thầy cô giáo luôn hướng đến những điều quá cao xa, mong cho con em mình thành tựu thật nhanh chóng mà bỏ qua những điều căn bản, nền tảng nhất. Có thể thấy, trình tự thứ lớp học tập tuần tự như trong Tam tự kinh nêu ra đó, quả thật tuyệt đối không thể đảo lộn.

4. “Bách gia tính” (百家姓- tên họ trăm nhà), tương truyền do một thầy giáo ở tỉnh Chiết Giang soạn ra vào khoảng đầu triều Tống, ban đầu chỉ [thu thập họ người như Nguyễn, Trần, Lê, Lý v.v...] nhằm giúp học sinh học chữ viết một cách đơn giản. Nhưng tên họ người [như Nguyễn, Trần v.v...] vốn luôn kèm theo yếu tố văn hóa cũng như lịch sử nguồn gốc sâu xa, nên từ đời Tống cho đến những năm đầu Dân quốc, 13 sách Bách gia tính này luôn được sử dụng để dạy trẻ.

5. “Thiên tự văn” (千字文 – Bài văn một ngàn chữ) do bậc đại nho nhà Lương của Nam triều là Chu Hưng Tự vâng chiếu lệnh Lương Vũ Đế mà soạn thành chỉ sau một đêm. Toàn văn sử dụng 1.000 chữ khác nhau không trùng lặp, trình bày đầy đủ những vấn đề thiên văn, địa lý, thường thức, lịch sử v.v... Bản văn được soạn thành như thế, có thể nói là một tác phẩm độc đáo không tiền khoáng hậu. Trong bản in lưu hành hiện nay có 8 chữ trùng lặp, đó là vì có những chữ Hán về sau được viết đơn giản lại mà thành trùng lặp, vốn không phải lỗi phát sinh từ lúc biên soạn.

“Tam tự kinh”, “Bách gia tính”“Thiên tự văn” trải qua nhiều đời đến nay được xưng tụng là ba bộ sách giáo khoa dạy trẻ [mạch lạc và vững chãi] như kiềng ba chân.

6. “Giám lược”(鑑略) là sách cương yếu lịch sử. Nhân vì nền văn hóa Trung Hoa vốn không phân biệt rõ giữa văn học và lịch sử, nên rất nhiều sách được biên soạn theo lối lẫn lộn văn sử, thật khó lòng nhận biết được ý nghĩa đích thật. Đời nhà Minh có tiên sinh Viên Liễu Phàm14 biên soạn sách “Viên Hoàng Cương Giám”. Nho sĩ Lý Đình Cơ cũng từng biên soạn sách “Ngũ tự giám lược”. Ưu điểm của hai sách này là văn nghĩa rõ ràng, sáng sủa, chỉ có điều nếu dùng để dạy trẻ thì từ ngữ có phần tinh tế khó hiểu, cho nên tôi cân nhắc sử dụng sách "Tứ tự giám lược" của nho sĩ triều Thanh là Vương Sĩ Vân biên soạn.

7. “Sách Tăng quảng hiền văn” (增廣賢文 – Thu thập rộng rãi những lời văn hay), được biên soạn vào khoảng niên hiệu Vạn Lịch triều Minh, 15 nội dung thu thập ngạn ngữ trong dân gian cùng trích những câu hay của nhiều tác giả trong các sách đã lưu hành, thông tục dễ hiểu, hấp dẫn thú vị, thật là một bộ sách hết sức thực dụng, giúp vào việc phổ cập ý nghĩa kinh thư đến với đại chúng. Trải qua nhiều năm lại được người đời sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung. Do vậy hiện nay có rất nhiều bản in khác nhau. Khi biên soạn, tôi đã xem xét chọn lấy bản được lưu hành rộng rãi nhất.

Vào đời nhà Thanh, trong khoảng niên hiệu Đồng Trị, 16 nhà nho Chu Hi Đào cho rằng trong bản cũ có nhiều chỗ không đúng, liền tiến hành việc chỉnh sửa, bổ sung, văn tự thành ra quá nhiều, lại có những câu gượng vần rất khó đọc, do đó tôi không chọn dùng.

Yến tử17 nói: “Thánh nhân ngàn lần suy nghĩ ắt cũng có một lần sai; người ngu ngàn lần suy nghĩ ắt cũng được một lần đúng.” Thiết nghĩ, sách Tăng quảng hiền văn, vốn dĩ đã được xưng tụng là “hiền văn”, lại được chọn làm sách dạy cho trẻ con, hẳn người xưa phải hết sức thận trọng cân nhắc nhiều lần trong việc thêm bớt chỉnh sửa. Cho nên đối với những câu chữ được đưa vào đây, ngàn vạn lần cũng không nên dựa theo từ ngữ mà phỏng đoán nghĩa lý, nhất định sẽ hiểu sai đi hàm ý của người xưa, như âm thanh vốn chẳng ở nơi dây đàn, ý tưởng thật vượt ngoài lời nói. Đây chắc hẳn là chỗ “một lần đúng” của bản thân tôi, mà là chỗ “một lần sai” của Chu Hi Đào vậy. Hiện nay bất quá tôi cũng chỉ đang chỉnh sửa các bản kinh sách tụng đọc thôi, nên tạm gác lại chưa bàn đến nhiều, đợi ngày sau đến lúc thực hiện việc chú giải kinh sách, nhất định sẽ trình bày với độc giả đầy đủ hơn về vấn đề này.

8. “Ấu học cầu nguyên” (幼學求源- Dạy trẻ những điều cơ bản nhất), trước đây có tên là “Ấu học tu tri" (Những điều trẻ em cần biết), cũng có các tên là “Thành ngữ khảo” (Khảo cứu về thành ngữ) hoặc “Cố sự tầm nguyên” (Tìm hiểu về truyện tích xưa), là sách được chọn để dạy cho trẻ em trong hai triều Minh, Thanh. Tác giả sách này là một bậc đại nho triều Minh tên Trình Duẫn Thăng. 18 Trong khoảng niên hiệu Gia Khánh triều Thanh, 19 một nho sinh ở Phúc Kiến là Trâu Thánh Mạch20 đã thực hiện việc soát xét chỉnh sửa sách này và đổi tên là "Ấu học cố sự quỳnh lâm” (Những tích xưa hay lạ, tốt đẹp để dạy cho trẻ em), thường gọi tắt là “Ấu học quỳnh lâm”. Vào năm Dân quốc đầu tiên, ba vị học giả là Phí Hữu Dong, Diệp Phố Tôn và Thái Đông Phiên lại tiến hành việc chỉnh sửa và bổ sung lần nữa. Do vậy mà văn tự thành ra quá nhiều. Cho nên đối với sách này, tôi đã phải hết sức cẩn thận tìm hiểu rõ về quá trình lịch sử các phần thêm vào.

Toàn bộ sách “Ấu học quỳnh lâm” đều dùng những câu đối nhau thành cặp để soạn thành, dễ tụng đọc, tiện ghi nhớ. Trong sách hàm chứa trọn vẹn kinh sử, mở rộng ra muôn hình vạn trạng, được xem như một bộ “tiểu bách khoa toàn thư” trong các sách dùng dạy trẻ học. Cho đến triều Thanh, giới văn nhân từng có quan niệm rằng: “Đọc hết sách Tăng quảng thì giỏi việc nói năng; đọc hết sách Ấu học thì [xem như đã] đi khắp thiên hạ.” Cho nên, sức ảnh hưởng mạnh mẽ của sách này qua đó có thể thấy rõ được.

9. “Long Văn tiên ảnh” (龍文鞭影 – Con ngựa Long Văn và bóng roi), nguyên trước đây có tên là “Mông dưỡng cố sự” (Chuyện xưa dạy trẻ), do sử gia triều Minh là Tiêu Lương Hữu biên soạn, dùng làm sách dạy trẻ học. Trong toàn quyển sách sử dụng thể văn vần mỗi câu 4 chữ, hai câu hợp thành một cặp liên đới. Mỗi câu đều đề cập đến một điển cố trong lịch sử. Khoảng đầu triều Thanh, nho sĩ Dương Thần Tranh hiệu đính toàn bộ sách và biên soạn bổ sung, đổi tên thành “Long Văn tiên ảnh” . Tên sách này vốn xuất phát từ một điển tích trong Phật giáo. Long Văn là tên một con ngựa hay thời cổ. Thường thì ngựa hay không đợi roi vọt quất vào thân mình, chỉ thoáng nhìn thấy bóng roi21 đưa lên đã cất vó phi về phía trước. Tuổi ấu thơ nếu ghi nhớ được hơn ngàn điển cố [trong sách này] thì về sau khi nghiên cứu sâu vào kinh luận, rất có khả năng sẽ từ nơi sự việc mà trực nhận được nghĩa lý.

10. “Lạp Ông đối vận” (笠翁對韻 – Những câu vần đối của Lạp Ông), do soạn giả Lý Lạp Ông biên soạn vào khoảng cuối triều Minh, đầu triều Thanh, nhằm làm sách dạy học cho trẻ em. Trong sách dùng toàn những câu đối nhau cân chỉnh, ý nghĩa, vần điệu bằng trắc cân xứng, tương quan tương hỗ làm nổi bật lẫn nhau. Quả thật là, dưới ngọn bút hiện ra muôn vật giữa đất trời vũ trụ, trong quyển sách thu vào ngàn mẩu chuyện kim cổ xưa nay. Chỉ nhìn riêng từ góc độ văn chương mà nói, thật ít có tác phẩm cùng loại nào sánh kịp sách này. Hơn nữa, tác giả khi sử dụng các điển cố lịch sử đều có sự khảo chứng, chọn lọc hết sức chuẩn xác, quả thật rất đáng khen ngợi. Trẻ con chỉ cần học kỹ nằm lòng sách này thì ngày sau có thể dễ dàng tùy nghi ứng tác thơ văn không hề ngăn ngại.

11. “Hiếu kinh” (孝經 – Kinh dạy về đạo hiếu), vốn không thuộc về các sách trong bậc tiểu học. Nay tôi chọn sách này đưa vào giáo dục trẻ em là vì muốn làm nổi bật chỗ quan trọng, tinh yếu của sách. Trong chương thứ hai của thiên “Học nhi”, sách Luận ngữ, ông Hữu tử22 dẫn lời đức Khổng tử nói rằng: “Người quân tử chú tâm vào nền tảng, nền tảng đã thành lập thì đạo lý từ đó sinh ra. Hiếu thảo với cha mẹ, kính thuận anh chị, chẳng phải là nền tảng của đức nhân đó sao?” Đạo lý một đời của đức Khổng tử đều nằm ở Hiếu kinh. Hai chữ “hiếu đễ” thật có ý nghĩa sâu rộng vô cùng, thấu triệt đến tận nguồn cội, căn bản. Vì thế nên từ xưa đã có thuyết cho rằng: “Dùng Hiếu kinh để nắm hiểu tất cả kinh sách khác.” Phải thật sự thấu hiểu rõ ràng, rằng “thương yêu cha mẹ thì không dám ghét bỏ người khác, kính trọng cha mẹ thì không dám khinh nhờn người khác” (愛親者不敢惡於人,敬親者不敢慢於人 – Ái thân giả bất cảm ố ư nhân; kính thân giả bất cảm mạn ư nhân.), như vậy rồi mới có thể chân chánh bước vào được con đường đạo đức.

"Hiếu kinh” có nhiều bản khác nhau, bản thời xưa, bản mới ngày nay và một bản do Chu tử chỉnh sửa. Bản mà tôi chọn để hiệu chỉnh đưa vào đây là bản mới ngày nay, hiện được lưu hành rộng rãi nhất.

12. “Thái Thượng cảm ứng thiên” (太上感應篇), vốn là sách căn bản của Đạo gia, dạy người nhận biết rõ ràng về nhân quả, biết phương pháp để tránh họa được phúc. Tôi từng xem qua nhiều bản sách cổ, thấy quyển Cảm ứng thiên này từ xưa vốn đã được lưu hành rất rộng rãi, không chỉ hạn cuộc trong các đệ tử của Đạo gia, mà nhiều bậc đại nho, thậm chí là các bậc đại đức cao tăng trong Phật giáo, cũng đều dựa theo sách này để mỗi ngày tự cứu xét việc làm của mình, nhằm biết được những chỗ tốt xấu, được mất.

13. Bài văn “Âm chất” của Văn Xương Đế Quân (文昌帝君陰騭文), vốn được xem là kinh điển nhập môn của Đạo gia, đã lưu hành rộng khắp qua cả bốn triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Vào đầu triều Thanh, bậc đại nho là Cư sĩ Hoài Tây Chu An Sĩ đã mang bản văn này ra chú giải hết sức tường tận, 23 ngợi khen bản văn này mà đả phá những kẻ phân biệt tôn giáo. [Trong bản văn] có lời dạy rằng: “Hoặc phụng chân triều đẩu, 24 hoặc thờ Phật học kinh, thường nhớ nghĩ làm theo lời Phật dạy. Báo đáp bốn ơn sâu, thực hành rộng khắp theo Tam giáo. Nói lời đạo nghĩa cảm hóa kẻ gian tà, giảng giải kinh sử khai sáng người ngu muội.” Nếu có thể thường xuyên tụng đọc bản văn này, nhất định có thể giúp chúng ta đạt đến chỗ “giữ tâm bình đẳng, mở rộng lòng khoan dung độ lượng”.

14. Kinh “A-nan thưa hỏi về những điều lành dữ của việc thờ Phật, học Phật” (阿難問事佛吉凶經), 25 là một quyển kinh mà hầu hết đệ tử Phật khi mới vào đạo đều phải đọc qua. Trong kinh, đức Phật Thích-ca vì chúng ta mà giảng giải rõ ràng nguyên nhân vì sao có những người thờ Phật, học Phật được an lành tự tại, lại có những người cũng học Phật mà ngược lại gặp toàn chuyện chẳng lành, suy vi khốn khổ. Qua đó, đức Thế Tôn lại vì chúng ta mà chỉ ra một cách chính xác phương pháp cũng như thái độ tu tập chân chánh. Đặc biệt đối với những người học Phật đời nay, đọc qua kinh này có thể tức thời thấu hiểu, trừ dứt mọi sai lầm, khởi sinh sự cảnh giác mãnh liệt trong tu tập mà hốt nhiên tỉnh ngộ.

15. Kinh “Phật thuyết Mười nghiệp lành” (佛說十善業道經), chính là kinh điển nền tảng nhất trong đạo Phật. Đức Phật Thích-ca trong kinh này thuyết dạy rõ rằng: “Chúng sinh cầu được sinh vào hai cõi trời, người, hoặc cầu quả vị Thanh văn, Độc giác cho đến Vô thượng Bồ-đề, đều y theo pháp này làm nền tảng mà được thành tựu, cho nên gọi là nghiệp lành. Pháp này chính là tu tập mười nghiệp lành.” Cho nên có thể thấy rằng, bất kể là tu tập trong cõi người hay cõi trời, nếu sai lệch với Mười nghiệp lành này thì đều không phải là Chánh đạo; bất kể là Tiểu thừa hay Đại thừa, nếu sai lệch với Mười nghiệp lành này thì đều không phải là Chánh đạo.

Đời Thanh, Hoàng đế Thế Tông (niên hiệu Ung Chính) đích thân viết lời tựa cho kinh này. Quả thật kinh này là chỗ tri kiến chân chánh, lời văn nghĩa lý đều hoàn hảo, cho nên khi sử dụng tôi không phải trau chuốt chỉnh sửa gì, chỉ việc thu thập đưa vào mà thôi.

[16. Hai bài tụng “Bất tịnh quán” (不淨觀頌 – Quán sự bất tịnh) và “Tứ niệm xứ” (四念處頌 – Giảng về bốn niệm xứ) của Pháp sư Tỉnh Am:] Đức Khổng tử thuở xưa vì sao không thu nhận đệ tử nữ giới? Đây quả thật là một vấn đề sâu xa và quan trọng. Chúng ta đều biết là đức Phật Thích-ca ban đầu vốn không thu nhận đệ tử xuất gia thuộc nữ giới, cho nên việc đức Khổng tử không thu nhận đệ tử nữ giới hoàn toàn không phải do sự kỳ thị nam nữ. Nếu chúng ta thấu hiểu được nguyên nhân đích thật của việc này, ắt sẽ hết sức khâm phục trí tuệ nhìn xa trông rộng của Khổng tử. Tiên sinh Chu An Sĩ trong sách Dục hải hồi cuồng (Khuyên người bỏ sự tham dục) 26 đã thu thập đưa vào đầy đủ các bài tụng “Bất tịnh quán”“Tứ niệm xứ” của Đại sư Tỉnh Am, vị Tổ thứ 11 của Tịnh Độ Tông, nhắc nhở chúng ta cần phải sớm dạy dỗ con em tu tập các pháp quán bất tịnh. Gần đây trong dân gian có nhà giáo dục là tiên sinh Vương Phụng Nghi27 thành lập trường học dành cho nữ giới, khi giảng dạy đức hạnh cho phái nữ thường tự tin nói rằng, đức Khổng tử xưa từng khai sáng những điều này, nay tôi chỉ giảng rộng mà thôi. Vương tiên sinh do tâm thành mà được trí sáng suốt, chỗ giảng giải về học thuyết tâm tánh rất chính xác, khiến người nghe đều thực sự thấy thuyết phục. Tôi vì yêu kính tiên sinh nên thật không dám có lời siểm nịnh, đối với việc này thật lòng cung kính chắp tay, bạo gan mà nói một lời rằng: Tĩnh tâm xem xét tình trạng xã hội hiện nay, thể chế giáo dục chỉ lo không thay đổi được gì, bất kể những điều Khổng tử xưa từng khai sáng cho đến Vương tiên sinh ngày nay giảng rộng đó, chỉ sợ kết quả cũng không làm chuyển đổi được tình trạng quá nghiêm trọng hiện nay. Vì thế, tôi mới đem các bài tụng “Bất tịnh quán”“Tứ niệm xứ” của Pháp sư Tỉnh Am mà đưa vào trong sách giáo dục trẻ em, dùng làm chương trình học tập. Ngưỡng mong nhờ sức đại từ của đức Thế Tôn, may ra có thể chống đỡ được căn nhà sắp đổ, cứu vãn được mối nguy sóng to gió lớn đang ập đến!

Trong sách "Dưỡng chính di quy” nói rằng: “Con người vốn có khả năng ghi nhớ và khả năng nhận biết. Từ thuở ấu thời cho đến năm 15 tuổi, chưa bị nhiễm ô vì vật dục, tri thức chưa mở mang nên ghi nhớ nhiều mà nhận biết ít. Kể từ sau năm 15 tuổi, tri thức đã mở mang, dần dần tiêm nhiễm vật dục thì nhận biết nhiều hơn mà ghi nhớ ít dần. Cho nên, việc đọc sách nên cho đọc kỹ từ trước năm 15 tuổi, không chỉ là Tứ thư, Ngũ kinh, mà cho đến các sách như thiên văn, địa lý, sử học, toán học v.v... đều có soạn thành vần điệu, nên cho các em học kỹ.”

Cho nên tôi có đem sách “Trung dược dược tính ca quyết” (中藥 藥性歌訣 – Bài diễn ca về tính chất các vị thuốc Trung Hoa) phụ vào cuối bộ sách này, để làm giáo trình tuyển chọn dạy thêm cho các em. Đặc biệt cũng muốn nhắc nhở mọi người rằng, việc giáo dục trẻ em chỉ có thể dùng cách cho tụng đọc kinh điển, khi thuộc lòng rồi lại cho tụng đọc lại đến vài ba trăm lần, về sau ắt suốt một đời cũng không quên mất. Đến như những ý nghĩa sâu xa trong kinh điển thì các em sau khi đã tụng đọc thuộc lòng rồi, về sau lớn lên mới quay lại đi sâu vào nghiên cứu. Cách làm như vậy là hợp lý vì sử dụng được khả năng ghi nhớ của trẻ con [khi còn ấu thơ] cùng với khả năng nhận hiểu về sau [lúc đã lớn khôn]. (Ngày nay chúng ta gọi đó là năng lực ký ức và năng lực lý giải.) Đó là phương pháp chân chánh, thuận theo tự nhiên trong truyền thống giáo dục. Ví như [vì quá tham lam mà] mỗi lần cho các em đọc qua, lại mỗi lần dừng lại để giảng giải [muốn cho hiểu thấu], ắt cũng giống như Chu Hi Đào từng nói: “Gieo trồng lương thực mà không đợi mùa lúa chín đã gấp gáp thu hoạch, khác nào lúa non lại muốn gặt nhiều được sao?” Trong Thiên kim phương, Dược vương Tôn chân nhân cũng từng giảng rõ: “Hoa mai nở sớm quá không thấy được cái rét cuối năm.” Lời ấy thật hàm chứa nghĩa lý sâu xa cao tột, những bậc làm cha mẹ, huynh trưởng nên hết sức thận trọng suy xét. Phải cẩn thận tránh sự lỗi lầm này.

Cổ đức từng cảm thán: “Đọc sửa sách cũng như quét nhà, quét đến đâu thấy bụi đến đó.” Kẻ hậu học kém cỏi này từ xưa đến nay luôn tâm đắc câu nói ấy, quả thật không sai. Như trong sách có chỗ chưa được hoàn chỉnh [cần chỉnh sửa], liền nhiều lần cung kính chắp tay trước ngực khấn rằng: “Nguyện cùng hết thảy chư vị đại đức tiên hiền nhiều như nước trong biển lớn, kẻ hậu học kém cỏi này đem lòng hổ thẹn, tự biết mình vốn nhiều che chướng, trí tuệ cạn cợt, đức mỏng tài hèn, vốn chẳng có tư cách gì để đảm nhận công việc cực kỳ trọng đại [là hiệu chỉnh sách này], nhưng vì có những nhân duyên đặc biệt đưa đẩy, nếu tự mình không đứng ra đảm nhận công việc thì đâu còn biết dựa vào ai để thực hiện? Do đó mà bất chấp tự thân thấp hèn thô thiển, liền đem hết tâm ý kính cẩn thận trọng, thu thập chỉnh sửa từ trong kinh sách Tam giáo: Nho, Lão, Phật, chọn ra hơn mười bộ kinh sách28 căn bản dành cho người mới học. Hết thảy những chỗ đặt bút chỉnh sửa đều là có căn cứ rõ ràng để y theo, không phải do sự suy đoán chủ quan mà chỉnh sửa.Vì thế, ngưỡng mong chư vị tiên hiền rủ lòng chứng giám.”

Trẻ con nếu có thể y theo sách này tuần tự học tập cẩn trọng, hướng theo Nho học ắt ngày sau thành bậc thánh, hướng theo Lão học ắt có lúc thành tiên nhân, nếu hướng theo Phật đạo ắt sẽ có ngày thành tựu quả vị Bồ-đề.

Tháng 6 năm Tân Mão,
Học nhân kém cỏi là Nhân Duyên Sinh kính ghi.




Chú giải:

1 Trần Hoằng Mưu (1696-1771), tự Nhữ Tư, người Lâm Quế (nay là Quế Lâm, Quảng Tây), do tránh phạm húy “Hoằng Lịch” vào đời Càn Long nên đổi tên thành Hoành Mưu. Ông đỗ Tiễn Sĩ vào đời Ung Chính, từng giữ trước sau 21 chức quan, từ Bố Chánh Sứ cho đến Đông Các Đại Học Sĩ kiêm Công Bộ Thượng Thư, đặc biệt luôn quan tâm đến giáo dục, được vua Càn Long tin dùng. Ông mất vào năm Càn Long thứ 36 (1771).

2 Quẻ mông, là quẻ thứ tư trong 64 quẻ của Kinh Dịch.

3 Nguyên tác dùng “thánh công”, tức công lao của bậc thánh, ý nói to lớn, quan trọng vô cùng.

4 Tức Lục Thế Nghi, tự Đạo Uy, hiệu Phù Đình, sinh năm 1611, mất năm 1672, người huyện Thái Thương, tỉnh Giang Tô, là một học giả lớn vào cuối triều Minh, đầu triều Thanh. Ông cũng là người chú trọng đến giáo dục, để lại nhiều tác phẩm như Tư ban lục, Luận học thù đáp, Tính thiện đồ thuyết, Hoài vân vấn đáp v.v... cả thảy đến hơn trăm quyển.

5 Tức Lữ Đắc Tinh, người Trữ Lăng, Hà Nam, tên tự là Cận Khê, sống vào khoảng niên hiệu Gia Tĩnh (1522-1566) triều Minh.

6 Tức Lữ Khôn (1536-1618), tự Thúc Giản, hiệu Tân Ngô, thi đỗ Tiến Sĩ vào niên hiệu Vạn Lịch năm thứ hai (1574).

7 Nguyên văn tiết 6 là: “子曰:弟子入則孝,出則弟,謹而信,汎愛眾而親仁。行有餘力,則以學文。” Tạm dịch: Đức Khổng tử dạy: “Làm phận con em, vào thì hiếu với cha mẹ, ra thì thuận kính bậc trưởng thượng, cẩn thận giữ niềm tin, rộng lòng yêu thương mọi người, gần gũi bậc nhân đức. Làm được trọn vẹn những điều đó rồi, còn thừa sức mới học văn chương.”

8 Vương Ứng Lân (1223-1296), tên tự Bá Hậu, hiệu Thâm Ninh, người huyện Ngân Huyền, phủ Khánh Nguyên (nay thuộc thị trấn Trữ Ba, khu Hải Thự), là nhân vật chính trị, giáo dục vào cuối đời Nam Tống.

9 Tứ thư gồm 4 bộ sách lớn là: Đại học, Luận ngữ, Mạnh tử và Trung dung.

10 Hiếu kinh: sách dạy về đạo hiếu của Nho giáo, nhấn mạnh hiếu là nền tảng của mọi đức hạnh, do đó cũng là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Sách thuật lời của Khổng tử trao đổi với học trò là Tăng tử, nhưng không biết ai là người đã thực sự ghi chép, biên tập thành sách.

11 Lục kinh: bao gồm Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc và Kinh Xuân Thu. Kinh Nhạc ngày nay đã thất bản, chỉ còn lại một thiên được đưa vào Kinh Lễ là Nhạc ký. Do đó, thực sự chỉ còn lại Ngũ kinh.

12 Kinh và Tử ở đây chỉ Lục Kinh và các tác phẩm của chư tử, nghĩa là nhiều tác giả khác, phổ biến nhất trong văn học xưa là 5 vị: Tuân tử, Dương tử, Văn Trung tử, Lão tử và Trang tử.

13 Tức là trong khoảng từ năm 960 cho đến đầu thế kỷ 20 (Trung Hoa Dân quốc khởi đầu từ năm 1912).

14 Viên Liễu Phàm sinh năm 1533 và mất năm 1606, trước có tên là Viên Biểu, sau đổi thành Viên Hoàng, tự Khôn Nghi, cũng có tên tự là Khánh Viễn; trước lấy hiệu là Học Hải, sau đổi hiệu là Liễu Phàm. Ông có để lại sách Liễu Phàm tứ huấn được lưu hành hết sức rộng rãi. Bản văn này đã được chúng tôi Việt dịch và lưu hành trong sách Chuyển họa thành phúc, NXB Thời Đại, 2015.

15 Tức là trong khoảng năm 1573 đến năm 1620.

16 Tức là trong khoảng năm 1862 đến năm 1874.

17 Tức Yến Anh, tên tự là Trọng, tên thụy là Bình, thường được gọi là Bình Trọng, cũng gọi là Yến tử, là nhân tài nổi tiếng thời Chiến quốc, phụ chính Tề vương qua ba đời, hơn 52 năm.

18 Trình Duẫn Thăng, tên thật là Trình Đăng Cát, tự Duẫn Thăng.

19 Tức là trong khoảng năm 1796 đến năm 1820.

20 Trâu Thánh Mạch, tên tự là Ngô Cương.

21 Trong Hán ngữ, tiên ảnh có nghĩa là bóng của cây roi.

22 Hữu tử, có tên là Hữu Nhược, một trong các môn đồ của đức Khổng tử.

23 Phần giảng giải của Tiên sinh Chu An Sĩ được khắc in thành sách Âm chất văn quảng nghĩa, gồm hai quyển (thượng, hạ), về sau được đưa vào An Sĩ toàn thư. Chúng tôi đã chuyển dịch tất cả sang Việt ngữ, lưu hành tại Việt Nam từ khoảng cuối năm 2015, NXB Tôn giáo. Bản in toàn cầu do NXB Liên Phật Hội (San Diego, CA, USA) ấn hành, có số ISBN: 978-1545337493.

24 Phụng chân triều đẩu: niềm tin của Đạo giáo cho rằng phải thờ phụng các bậc chân nhân, lễ bái các vị tinh tú, cho rằng các vị ấy được Ngọc Đế giao cho việc cai quản, dạy dỗ hoặc thưởng phạt người đời.

25 Nguyên tác là Phật thuyết A-nan vấn sự Phật cát hung kinh (佛說阿難問事佛吉凶經), kinh số 492a, Tập 14 trong Đại Chánh tạng, còn có dị bản là A-nan vấn sự Phật cát hung kinh (阿難問事 佛吉凶 經 ), kinh số 492b, Tập 14 trong Đại Chánh tạng. Cả hai bản kinh này đều ghi là do ngài An Thế Cao dịch từ Phạn văn sang Hán văn vào đời Hậu Hán.

26 Sách này cũng được đưa vào An Sĩ toàn thư, chúng tôi đã Việt dịch và lưu hành, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2015. Bản in toàn cầu có mã số ISBN: 978-1545356029, NXB Liên Phật Hội, San Diego, CA, USA.

27 Vương Phụng Nghi (1864-1937), người tỉnh Nhiệt Hà, huyện Triêu Dương, tên thật là Thụ Đồng, tự Phụng Nghi, được người đương thời xưng tụng là Vương Thiện Nhân.

28 Chính xác là theo lời tựa này, soạn giả đã chọn đưa vào 15 bộ kinh sách, cộng thêm các phần phụ lục hai bài tụng của Pháp sư Tỉnh Am và sách Trung dược dược tính ca quyết.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1494 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 98.84.25.165 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (246 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...