Thế nào là cúng dường vô tình chúng sanh? Bảo vệ môi trường thiên nhiên, quét nhà, rửa chén, lau chùi sắp xếp bàn ghế ngay ngắn v.v… chính là cúng dường và lễ kính vô tình chúng sanh. Chúng ta tùy tiện xả rác khắp nơi trong nhà, ngoài phố, quăng đồ đạc loạn xạ, phá rừng, ô nhiễm ao hồ, sông biển v.v… là thất kính với vô tình chúng sanh, trái nghịch với pháp Quảng Tu Cúng Dường của Phổ Hiền Bồ-tát. Người có những hành vi này, dẫu niệm Phật tốt đẹp cách mấy, cũng chỉ có thể đới nghiệp vãng sanh, tuyệt đối chẳng thể sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư đại Bồ-tát. Vì sao? Vì Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát là điều kiện để sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Người niệm Phật muốn sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, nhất cử nhất động đều phải tương ứng với Mười Đại Nguyện Vương này. Bản thân chúng ta niệm Phật chẳng thể đạt đến mức Lý Nhất tâm là do chẳng biết dụng tâm để làm những điều trong Mười Đại Nguyện Vương. Hễ một khi làm được mười điều này đến mức viên mãn, thì sẽ là Lý Nhất tâm Bất loạn. Người đạt Sự Nhất tâm Bất loạn vẫn chưa làm được mười điều này tới mức viên mãn, chỉ có người đắc Lý Nhất tâm mới làm được tới mức viên mãn. Vì sao? Vì Mười Đại Nguyện Vương và Lý Nhất tâm Bất loạn đều hoàn toàn do tánh đức lưu lộ.
Phần đông đệ tử Phật rất ưa thích pháp tu tài cúng dường. Người giàu có thường cúng dường rất nhiều tiền của trong các công việc xây cất chùa chiền, tự viện, tăng ni và người nghèo khổ. Cúng dường như có phước hay không? Chưa chắc! Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật nói rõ nguyên nhân: “Người đời thiện ác tự mình chẳng thấy, lành dữ họa phúc tranh nhau tạo tác, tâm mê thần ám, triển chuyển gây nghiệp, điên đảo tương tục, vô thường là gốc, mờ mờ mịt mịt.” Tuy người học Phật rất đông, nhưng phần đông là mê chứ không giác. Chúng ta mê tín Phật pháp chớ chẳng phải chánh tín Phật pháp. Nếu muốn học pháp cúng dường của Phật, Bồ-tát thì phải thật sự có trí huệ. Vì thế, trong kệ Tam Quy Y mới có câu: “Tự quy y pháp, nguyện cho chúng sanh thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển.” Vì sao Phật tử chúng ta phải phát lời nguyện này? Vì người không có trí huệ thấu rõ Phật pháp, nhất định chẳng thể tu pháp Quảng Tu Cúng Dường của Phổ Hiền Bồ-tát được. Người thật sự có trí huệ tu phước, tu huệ bèn có phước có huệ. Người không có trí huệ tu phước, tu huệ bèn là tạo thêm tội nghiệp. Đương nhiên, đây là có mối quan hệ đối với thiện căn, phước đức và nhân duyên trong đời quá khứ. Vì thế, cúng dường tuyệt đối chẳng phải là chuyện dễ dàng như chúng ta lầm tưởng đâu nhé! Phật dạy chúng ta phải thật sự bắt đầu tu phước và huệ từ đâu? Xin thưa: Thọ trì, đọc tụng kinh điển Đại thừa, hiểu rõ Phật pháp Đại thừa đến mức khá sâu, rồi mới biết phải tu pháp Quảng Tu Cúng Dường như thế nào để tạo phước mà không gây ra tai hại như kinh Hoa Nghiêm đã cảnh báo: “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”. Nói cho rõ thẳng rằng, nếu quên mất Bồ-đề tâm (giác tâm hay trí huệ Bát-nhã), thì dẫu có thể tu tất cả các thiện pháp, cũng chỉ là hành ma nghiệp. Vì sao? Vì nếu không có giác tâm thì những việc tu hành đều là giả tạo, chỉ biết lo lợi ích cho riêng mình, nên cái tâm ấy cứ rong ruổi hướng theo thinh trần bên ngoài, tu hành như vậy sẽ huân nhiễm thêm tạp độc, tạo thành ma nghiệp.
Phải tu cúng dường như thế nào mới là phước điền thật sự? Thật ra, muốn phân biệt chẳng khó, nhìn vào kết quả sẽ biết ngay. Tỷ dụ, chúng ta cúng dường để tạo dựng một tự viện. Sau khi xây dựng xong, hằng ngày tự viện ấy đều hoằng pháp lợi sanh, giảng kinh thuyết pháp, lãnh chúng tu hành, thì nơi đấy mới thật sự là chỗ để gieo phước điền. Ngược lại, sau khi đạo tràng ấy được xây dựng xong, đại chúng thường trụ trong ấy hằng ngày đều tranh danh, đoạt lợi, cãi cọ, chiếm đoạt tài sản, thì nơi đấy chỉ là chỗ để hành ma sự, tạo tội nghiệp trong địa ngục A-tỳ, chớ chẳng phải là nơi tạo phước điền. Nếu chẳng cúng dường vào những chỗ bất tịnh sẽ chẳng có tội nghiệp, càng cúng dường vào những chỗ bất tịnh bao nhiêu, càng tạo thêm nhiều tội nghiệp bấy nhiêu. Chính vì lẽ đó, Phật mới bảo: “Người đời thiện ác, tự mình chẳng thấy, lành dữ họa phúc, tranh nhau tạo tác.” Cúng dường người xuất gia thật sự tinh tấn dụng công tu hành có phước rất lớn. Nhưng nếu cúng dường người xuất gia để họ cất giữ tiền trong ngân hàng, tiêu xài xa hoa, rồi vênh váo đắc ý, tự cho mình tu hành thành công nên có phước báo như vậy, thì tội lỗi của người cúng dường và người tiếp nhận sự cúng dường bèn to kềnh thêm. Vì sao? Vì người ấy lúc chưa có tiền thì có đạo tâm, chỉ nghĩ đến Phật, Bồ-tát và chúng sanh, nhưng một khi có tiền vào túi, bèn quên bẵng Phật, Bồ-tát, huống gì chúng sanh. Chính vì lẽ đó mà trước khi diệt độ, Thích Ca Mâu Ni Phật đã khuyên lơn, khích lệ người tu đạo phải lấy khổ làm thầy. Càng chịu khổ bao nhiêu, càng chẳng lưu luyến ngũ dục lục trần, nên mới chó thể siêng năng gắng gỏi tu hành, sớm thoát luân hồi sanh tử. Người giàu tiền của sống rất sung sướng, trong tâm lúc nào cũng dấy lên ý tưởng tham chấp đối với thế giới này, chẳng nỡ rời khỏi, nên chẳng mấy ai khẩn thiết tu hành, cầu vãng sanh, thoát khỏi luân hồi sanh tử. Hiện nay, chúng ta chỉ cần miễn cưỡng sống trong thế gian này cho qua hết ngày tháng, chẳng cần tranh chấp với người khác. Nếu có thể buông xuống hết thảy thân, tâm, thế giới, thật thà niệm Phật, thì đó mới thật sự là có phước báo bậc nhất. Đối với mọi người đều một lòng cung kính, lễ bái, đôi bên không kết mối oán cừu, luôn giữ tâm thanh tịnh, chẳng khởi tâm động niệm, chẳng phân biệt chấp trước, thì đấy chính là Quảng Tu Cúng Dường. Người cúng dường như vậy mới thật sự có phước điền chân thật.