Trong Pháp Hội giảng kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy chúng sanh: “Phải nên hiếu thuận, trung tín hết lòng, tin kinh Phật nói, nghĩa lý thâm sâu, tin nơi đạo lý, làm lành đặng phước, phụng trì tất cả, các pháp như thế, không được thiếu sót, nghĩ suy chín chắn.” Trong Pháp Hội giảng kinh Địa Tạng, Phật lại nêu lên điều đặc biệt thù thắng và quan trọng nhất trong tất cả pháp, điều đó là gì ? Là Hiếu kính !
Chữ Hiếu thường đi chung với chữ Trung. Vì sao? Vì nếu chẳng hiếu thì chẳng trung! Nếu chẳng trung thì cũng chẳng hiếu! Cho nên, hai chữ “Trung Hiếu” là cơ sở căn bản của nhà Phật. Nếu hành nhân chẳng tu học từ cơ sở “Trung” và Hiếu” thì không thể nào thể hội nổi được những pháp khác của Phật. Vì lẽ đó, chúng ta phải thông suốt lớp học “Trung Hiếu” của Ngài Địa Tạng Bồ tát, mới hòng lên lớp học các pháp Từ Bi của Quán Ân, Nhất Tâm Tam Muội của Văn Thù và Viên Mãn Pháp Thân của Phổ Hiền.
Nói gần, thì “Trung Hiếu” là như Quán Kinh nói: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng.” Nói rộng hơn một tí, “Trung Hiếu” là trung với nước, hiếu với dân. Rộng xa hơn nữa, là trung tín hết lòng với Tự tánh và hiếu kính hết thảy chúng sanh. Nếu chúng ta thấy con cá bị mắc cạn không thể bơi, con chim bị gãy cánh không thể bay, chúng ta có thể không ra tay cứu chúng nó không? Phật tử chúng ta thường hành hạnh phóng sanh để làm gì? Có phải những việc này là để cứu chúng sanh không? Như vậy, nếu đất nước gặp lúc lâm nguy, dân oan bị đàn áp, cưỡng chế đến mức muốn sống không đặng, muốn chết cũng chẳng xong, chúng ta có thể mặc kệ họ không?
Nếu chúng ta vẫn dững dưng, thờ ơ trước nổi khổ đau của dân tộc mà chẳng dám lên tiếng, vì e sợ tai vạ, phiền não kéo đến, ảnh hưởng đến cuộc sống thanh bình của riêng mình. Hoặc lo sợ điều ấy sẽ gây tổn hại đến cá nhân mình, ảnh hưởng công phu tịnh nghiệp của mình v.v… Thật thà mà nói với quí vị một câu: Nếu quí vị có ý nghĩ chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, thì công phu tịnh nghiệp đã là không có, thì lấy gì để mất. Vì sao không có “tịnh”? Vì cái “ta” còn quá to lớn, thì làm gì có tịnh nghiệp đâu mà mất. Vì ta là “tà pháp”, vì người là “chánh pháp”. Chánh pháp của Phật chỉ hiện hữu khi “cái ta” không còn, hết thảy việc làm của “ta” đều nhằm cứu khổ ban vui cho chúng sanh, thì đó mới là “tịnh nghiệp” thật sự. Hãy còn cái “ta” thì dù ở chốn thanh tịnh đến mấy, thì nội tâm vẫn là bất tịnh. Không còn cái “ta” thì dù vào trong địa ngục cũng giống như đi dạo vườn đài.
Bất trung là nghịch với Tự tánh. Bất hiếu là ác với chúng sanh. Người bất trung, bất hiếu thì tu cách chi cũng chẳng thành công. Chính vì lẽ đó, đức Phật mới nói ra kinh Địa Tạng, khuyên chúng sanh nên lấy “Trung Hiếu” làm cơ sở tu hành các pháp môn.
Hòa thượng Tịnh Không thường ví von Tự tánh giống như cái TV. Tác dụng của cái TV là gì? Là phát hình ảnh và âm thanh. Một cái TV chẳng thể phát ra hình và âm thanh, thì đó cái TV hư, không xài được, cái TV này chẳng có ích lợi chi cả. Người tu hành cũng giống như vậy, nếu gặp phải hoàn cảnh nhân sự mà không biết khởi tác dụng của Tự tánh để chiếu soi vạn pháp và chuyển hóa nó, thì cũng giống như cái TV bị hư, không xài được. Nếu cái TV không xài được mà không chịu sửa chửa nó, lại muốn bán nó vào một tiệm đồ cũ hoặc vứt bỏ nó, thì cũng giống như tu hành mà rời xa Tư tánh. Học Phật như vậy nhất định chẳng thể nào khởi tác dụng Tự tánh. Trong mọi hoàn cảnh nhân sự, xử sự, tiếp vật, đãi người mà không thể khởi tác dụng của Tự tánh, nhằm chuyển hóa cảnh giới, thì có khác gì cái TV bị hư! Vậy, học Phật có ích gì chứ!
Chúng ta đặc biệt chú ý, lúc đại hội giảng kinh Địa Tạng vừa bắt đầu mười phương hết thảy chư Phật đều đến, chư Phật Như Lai trong hội này chẳng có một ai bỏ đi giữa chừng. Các ngài đều lưu lại trong pháp hội từ lúc pháp hội vừa mở đầu cho đến lúc kết thúc viên mãn, điểm này rất thù thắng, chưa có bao giờ. Trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ chúng ta cũng thấy mười phương Bồ Tát đến dự hội, chứ chẳng thấy Phật đến dự. Khi đức Phật giảng tới chỗ quan trọng, thì chư Phật mới đến để chứng minh, đến thị hiện một lát rồi bỏ đi, chớ không lưu lại từ đầu đến cuối. Đấy đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng bậc nhất của pháp hội giảng kinh Địa Tạng. Trong pháp hội Địa Tạng, Phật dạy những gì mà sao lại quan trọng đến thế? Phật dạy chỉ một chữ “Hiếu” (tức cũng bao gồm chữ Trung.)
Phật lấy Ngài Địa Tạng Bồ tát ra làm mẫu mực cho chúng sanh noi theo tu hành. Bồ tát Địa Tạng thề rằng: “Chúng sanh còn trong địa ngục, ta thề không thành Phật.” Nhưng cớ sao, Ngài đã thành Phật từ nhiều kiếp lâu xa! Đạo lý là ở chỗ nào? Vì nếu ta còn sợ địa ngục, chẳng dám vào thì ta không thể thành Phật, đạo lý là ở chỗ này. Nói cho dễ hiểu, nếu người tu hành không trụ trong Hoặc, Nghiệp, Khổ thì khó hòng thành tựu Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát. Nếu ta muốn tìm nơi vắng vẻ, nơi chẳng có phiền não để sung sướng tu hành, có thể thành tựu không? Nhất định là rất khó thành tựu, vì sao? Vì trong chỗ ấy, chúng ta rất dễ trưởng dưỡng cái “ta” cho ngày thêm to lớn. Còn ở trong chỗ Hoặc, Nghiệp, Khổ chúng ta lại dễ tìm thấy Pháp Thân, Bát Nhả và Giải Thoát. Chính vì lẽ đó, nhà Phật nói: “phiền não chính là Bồ đề.” Vậy, chúng ta có cần phải sợ phiền não nữa không? Quyết định là chẳng sợ phiền não. Bồ tát vì chúng sanh mà dám vào Địa Ngục, phàm phu chúng ta có dám vào không? Chắc chắn là không dám; đó là chỗ khác biệt giữa Bồ tát và chúng sanh.
Phật dạy chúng ta, lấy “Trung Hiếu” làm pháp căn bản trong tất cả pháp. Trong pháp Đại Thừa bất luận là tu học pháp môn nào, kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện chính là cơ sở, là căn bản, lìa khỏi cơ sở này thì tu học bất cứ pháp môn nào chắc chắn cũng chẳng thành công, cho nên pháp hội này quan trọng phi thường!
Khi đức Thế Tôn giảng giải pháp này, Ngài tuyên bày sức đại oai thần không thể nghĩ bàn của Địa Tạng Bồ Tát là chưa từng có. Chư Phật Như Lai trong mười phương đều đồng thanh tán thán Thích Ca Mâu Ni Phật để chứng minh những lời nói của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều là chân thật. Lúc đó, tại cung trời Đao Lợi mưa xuống vô lượng hương hoa, thiên y, châu báu để cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Địa Tạng. Xong rồi, tất cả đại chúng trong Pháp Hội đều đến chiêm lễ Phật, chắp tay mà lui ra.
Chữ “chắp tay mà rồi lui ra” mang ý ngĩa gì ? Y giáo tu hành! Y giáo tu hành pháp này gì? Lấy Trung Hiếu làm pháp cơ sở đầu tiên để tu hành là y giáo tu hành pháp của Ngài Địa Tạng, và cũng là pháp được nói trong kinh Vô Lượng Thọ: “Phải nên hiếu thuận, trung tín hết lòng, tin kinh Phật nói, nghĩa lý thâm sâu, tin nơi đạo lý, làm lành đặng phước, phụng trì tất cả, các pháp như thế, không được thiếu sót, nghĩ suy chín chắn.”