Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Hãy Tự Mình Thắp Ðuốc Lên Mà Ði »»

Tu học Phật pháp
»» Hãy Tự Mình Thắp Ðuốc Lên Mà Ði

Donate

(Lượt xem: 7.018)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Hãy Tự Mình Thắp Ðuốc Lên Mà Ði

Font chữ:

Một lần, khi Ðức Phật nhuốm bệnh ở Beluvà, trước sự lo âu buồn khổ của tôn giả Ananda (Trường III, trang 101), và một lần khác, trước tin tôn giả Sàriputta (Xá lợi Phất) đã mệnh chung và trước sự lo âu của tôn giả Ananda (A Nan) (Tương V, 170), Ðức Phật đã tuyên bố lời dạy này, vừa là lời chỉ dạy tóm thâu mọi phương pháp tu hành của ngài được cô đọng lại, và cũng là một lời trăn trối của một bậc Ðạo sư biết mình sắp lâm chung, nên có những lời nhắn nhủ và khích lệ đệ tử của mình những gì các đệ tử cần phải tu tập, sau khi bậc Ðạo sư viên tịch:

-- "Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (atta-dipà viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attàsaranà) chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác ...

Này Ananda, ở đời, vị Tỷ kheo trú quán trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Trú quán thọ trên các cảm thọ ... trú quán tâm trên các tâm, trú quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Như vậy này Ananda, Tỷ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác.

Này Ananda, những ai, hiện nay hay sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi".

Ở đây vì chữ Dipa vừa có nghĩa là ngọn đèn, vừa có nghĩa là hòn đảo nên có thể dịch: Tự mình thắp đuốc lên mà đi, hay Tự mình xây dựng hòn đảo cho chính mình. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình.

Trong lời dạy đặc biệt quan trọng và hy hữu này, Ðức Phật nhấn mạnh hai điểm. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy y tựa chính mình, không y tựa một ai khác. Hãy lấy chánh pháp làm ngọn đèn, hãy lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác. Chính hai quan điểm này có thể được xem là phản ảnh trung thực đời sống tìm đạo, hành đạo, chứng đạo của Thế Tôn dựa trên kinh nghiệm bản thân của Ngài và cũng gói ghém trọn vẹn tất cả giáo pháp Ngài dạy trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh của Ngài để truyền lại cho hàng đệ tử.

Thật vậy, chúng ta thấy rõ, trong hơn sáu năm tầm đạo, hành đạo và chứng đạo, Thế Tôn đã tự mình dùng nỗ lực cá nhân, đã tự mình tự lực tìm đạo, hỏi đạo với hai vị đạo sư ngoại đạo thời danh là Alara Kalama và Uddaka Ràmaputta, đã tự mình tự lực hành trì khổ hạnh, đã tự mình tự lực hành thiền, và cũng tự mình tự lực phát triển trí tuệ và cuối cùng thành đạo dưới gốc cây Bồ Ðề, thành bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ngài không nhờ một thần lực nào, không phải là hiện thân của một đấng thiêng liêng nào, không phải là hóa thân của một đấng tối cao nào. Ngài chỉ là một người, với sức mạnh thể lực và trí lực của con người, đã tự mình tìm đạo và tìm đạo thành công, đã tự mình hành đạo và hành đạo có kết quả, đã tự mình chứng đạo và chứng đạo hoàn toàn viên mãn, như chúng ta đã thấy rõ trong đời sống của Ngài, nếu chúng ta gạt bỏ qua một bên những thêm thắt về sau để thần thánh hóa đời sống của Ngài.

Ngài đã tự lực tìm đạo và học đạo và tự diễn tả như sau:

"Không phải chỉ Alara Kalama có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ Alara Kalama có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ Alara Kalama có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ Alara Kalama có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ Alara Kalama có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy ta phải cố gắng chứng cho được pháp mà Alara Kalama, sau khi tự tu, tự chứng, tự đạt đã tuyên bố. Rồi này các Tỷ kheo, không bao lâu, Ta tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú" (Trung I, 164b).

Về sau tu khổ hạnh, Ngài cũng tự mình tự hành trì khổ hạnh như Ngài đã tự diễn tả:

"Vì Ta ăn quá ít, chân tay Ta đã trở thành như những cọng cỏ, hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, nên bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu ..." (Trung I, 80).

Ðức Phật sau khi hành trì khổ hạnh không có kết quả. Ngài cương quyết từ bỏ khổ hạnh và bắt đầu tự mình hành thiền, chứng được sơ thiền, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, phát triển tuệ trí, chứng được túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh, biết như thật khổ, biết như thật các lậu hoặc, thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa" (Trung I, 248). Như vậy, cũng với kinh nghiệm bản thân, tự mình từ bỏ khổ hạnh, tu tập thiền định, phát triển trí tuệ, Ðức Phật chứng quả Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Ðối với bậc Ðạo Sư đã dựa vào tự lực để tầm đạo, học đạo và chứng đạo, nên trong 45 năm hoằng pháp độ sanh, lời dạy chủ yếu của Ngài cho các đệ tử cũng là lời dạy tự lực tự tri: "Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác".

Trước hết, Ðức Phật xác nhận "cầu xin" và "ước vọng" không có lợi gì, không những trên con đường thực hành chánh pháp mà còn cả vấn đề ước vọng thế gian.

Kinh Tương Ưng, Tập IV, trang 313 nêu rõ:

"Nếu có người làm mười ác hạnh, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin cầu khẩn chấp tay, mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú, thiện giới. Sự cầu khẩn như vậy vô ích, vì người ấy làm mười ác hạnh sẽ rơi vào địa ngục ví như một người quăng một tảng đá vào hồ nước, rồi một số đông đảo quần chúng đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng tảng đá ấy sẽ được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích, vì tảng đá ấy, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ, như lời cầu xin của quần chúng ấy.

Trái lại, một người từ bỏ mười ác hạnh, làm mười hạnh lành, nếu có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng người ấy sẽ bị sanh vào địa ngục, đọa xứ, thời lời cầu xin ấy cũng không được thành tựu. Người ấy vẫn được sanh lên thiện thú, thiện giới, cõi người. Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước rồi đập bể ghè dầu ấy, thời số dầu ấy sẽ nổi lên trên mặt nước. Dẫu cho có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng số dầu ấy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy tất nhiên không có kết quả, số dầu ấy vẫn nổi lên trên mặt nước. Như vậy, có cầu khẩn, có cầu xin cũng không có lợi ích gì".

Kinh Tăng Chi IIIA, trang 123 xác chứng thêm sự vô ích của cầu xin và cầu khẩn. Một vị Tỷ kheo không chú tâm trong sự tu tập, khởi lên ước muốn được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ, ước muốn ấy nhất định không được toại nguyện. Như con gà mái có tám, mười hay mười hai trứng gà, nó ấp ngồi không đúng cách, ấp nóng không đúng cách, ấp dưỡng không đúng cách, thời dầu cho con gà ấy có khởi lên ý muốn mong rằng các con gà con của nó, với chân, với móng, với miệng, làm bể vỏ trứng và thoát ra một cách an toàn, con gà mái ấy cũng không được toại nguyện. Vì cớ sao? Vì con gà mái không ấp ngồi một cách đúng đắn, không ấp nóng một cách đúng đắn, không ấp dưỡng một cách đúng đắn.

Ngược lại, một Tỷ kheo sống chú tâm trong sự tu tập, dầu không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm Ta được giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ", tuy vậy tâm vị ấy vẫn được giải thoát không có chấp thủ. Vì cớ sao? Phải nói rằng vị ấy có tu tập. Có tu tập gì? Có tu tập bốn niệm xứ, có tu tập bốn chánh cần, có tu tập bốn như ý túc, có tu tập năm cần, có tu tập năm lực, có tu tập bảy giác chi, có tu tập Thánh đạo tám ngành. Ví như con gà mái, có tám, mười hay mười hai trứng. Nó ấp ngồi một cách đúng đắn, nó ấp nóng một cách đúng đắn. Dẫu con gà ấy không khởi lên ước muốn, mong rằng các con gà con của nó, với chân, với móng, với mỏ, làm bể vỏ trứng và thoát ra một cách an toàn, các con gà con của nó cũng phá vỏ trứng và thoát ra ngoài một cách an toàn. Như vậy, có ước nguyện hay không ước nguyện không thành vấn đề. Vấn đề chính là có hành động đúng đắn, đúng pháp để đưa đến kết quả mong muốn mà thôi.

Một đoạn kinh nữa (Trung I, trang 303) càng nhấn mạnh sự vô ích của cầu xin. Nếu hành Phạm hạnh không chánh đáng, không làm sao đạt được quả vị. Hành Phạm hạnh không chánh đáng ở đây có nghĩa là theo tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Vì cớ sao? Vì đây không phải phương pháp để đạt được quả vị. Rồi Ðức Phật ví dụ người đi tìm dầu, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước ép cát cho ra dầu, thời dẫu người ấy có ước nguyện tìm cho ra dầu cũng không được toại nguyện. Vì cớ sao? Vì đây không phải là phương pháp tìm ra dầu. Ðức Phật dùng một ví dụ nữa, ý nghĩa hơn, là một người đi tìm sữa, đến một con bò cái, lại nắm lấy cái sừng con bò cái mà vắt sữa, thời dẫu có ước nguyện hay không ước nguyện, nó cũng không lấy được sữa.

Trái lại, nếu có vị sa môn hay Bà la môn nào, có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, dù có ước nguyện hay không ước nguyện, hành Phạm hạnh sẽ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Vì đây là phương pháp đạt được quả vị. Ví như một người đi tìm dầu, sau khi để những hột dầu vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép các hột dầu cho ra dầu. Dù người ấy có ước nguyện hay không ước nguyện, cũng sẽ lấy được dầu. Vì cớ sao? Vì biết phương pháp làm ra dầu. Cũng ví như người đi tìm sữa, đến con bò cái, vắt sữa từ nơi vú con bò mới sanh con, thời dù có ước nguyện hay không ước nguyện cũng tìm ra được sữa.

Ðối với sự việc ở đời cũng vậy, không phải do cầu xin, do nhân ước nguyện mà thành tựu. Ðã là người, thường hay mong ước được năm điều khả lạc, khó tìm được ở đời như: tuổi thọ, dung sắc, an lạc, tiếng đồn tốt, và được sanh cõi trời. Trong Kinh Khả Lạc (Tăng IIB, trang 74), Ðức Phật nêu rõ năm điều pháp này không do nhân cầu xin, không do nhân ước vọng mà được, vì nếu có do nhân cầu xin, do nhân ước vọng mà có được, thời ở đời này còn có ai héo mòn vì một lẽ gì, khi mà chỉ cầu xin là được toại nguyện. Ðức Phật nói rất rõ: Muốn có thọ mạng không thể cầu xin thọ mạng hay tán thán thọ mạng để làm nhân đem lại thọ mạng. Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường đưa đến thọ mạng, đưa đến dung sắc, đưa đến an lạc, đưa đến tiếng đồn tốt, đưa đến sanh thiên, vị ấy mới thành tựu được, mới đạt được năm điều khả lạc mà mình ước muốn ở đời.

Trong định nghĩa của Nghiệp và vai trò của nghiệp Ðức Phật tuyên bố rất rõ chữ Nghiệp (Karma) có nghĩa là hành động, từ động từ Karoti nghĩa là làm, là hành động về thân, về lời và về ý, nhưng hành động ấy phải là hành động có tư tâm sở, tức là một hành động tự ý mình làm, tự mình quyết định làm, không ai xúi giục, không do ai sai bảo. Vì đã là hành động tự mình ý thức làm, tự mình quyết định làm, nên Ðức Phật xác định chúng ta là chủ nhân của Nghiệp (Kammassako) chúng ta là thừa tự của Nghiệp (Kamma-dàyadà), chúng ta vừa chịu trách nhiệm những hành động của chúng ta, chúng ta vừa tự mình chịu kết quả các hành động của chúng ta làm. Kinh Pháp Cú nêu rõ:

"Ðiều ác tự mình làm,
Tự mình sanh, mình tạo,
Nghiền nát kẻ ngu si,
Như kim cương ngọc quý".
(Pháp Cú 161)

Một câu kệ nữa xác định rõ ràng hơn:

"Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh,
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai".
(Pháp Cú 165)

"Tự mình chỉ trích mình,
Tự mình dò xét mình,
Tỷ kheo tự phòng hộ,
Chánh niệm trú an lạc".
(Pháp Cú 379)

Trong một bài kinh rất có danh tiếng, Kinh Kalamasutta (Tăng I, 213-216), Ðức Phật khuyên các đệ tử của Ngài hãy tin ở nơi mình, không tin một ai khác, tin ở nơi khả năng phán xét thiện ác của mình, chớ có tin vào một phương pháp nào khác:

-- "Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói, chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận, chớ có tin vì nhân suy luận, chớ có tin sau khi suy tư về những dữ kiện, điều kiện, chớ có tin theo thiên kiến, định kiến, chớ có tin vì thấy thích hợp với khả năng, chớ có tin vì vị Sa môn là bậc Ðạo Sư của mình. Nhưng này Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: 'Các pháp này là bất thiện, các pháp này là có tội, các pháp này bị người có trí chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đết bất hạnh khổ đau. Thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng' ... Nhưng này Kalama, khi nào tự mình biết như sau: 'Các pháp này là thiện. Các pháp này là không có tội. Các pháp này, được người có trí tán thán. Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc, thời này các Kalama, hãy chứng đạt và an trú'...".

Khi đã ý thức được khả năng của mình có thể phân biệt thiện ác, thời Ðức Phật dạy hãy nên tự y chỉ mình, không y chỉ một ai khác, như các bài kệ sau nêu rõ:

"Vị du sĩ không tựa,
Không y chỉ một ai,
Không làm thành thương yêu,
Không tác thành ghét bỏ.
Do vậy, trong sầu than,
Trong xan tham keo kiệt,
Như nước trên lá cây,
Không dính ướt làm nhơ".
(Kinh Tập, câu 811)

"Ai không tìm lõi cây
Ðối với các sanh y,
Có thể nhiếp phục tham,
Ðối với các chấp thủ
Vị ấy không y chỉ
Không để ai dắt dẫn,
Tỷ kheo ấy chơn chánh,
Du hành ở trên đời".
(Kinh Tập câu 364)

Nhưng Ðức Phật có sự thận trọng. Dẫu cho Ngài đã được giải thoát và giác ngộ hơn Ngài, nhưng Ngài vẫn thấy là Ngài cần phải y chỉ vào một Sa môn hay Bà la môn:

"Vậy Ta hãy đảnh lễ, cung kính và sống y chỉ vào một Sa môn hay Bà la môn, với mục đích làm cho đầy đủ giới uẩn ... định uẩn ... tuệ uẩn ... giải thoát uẩn chưa được đầy đủ ... nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác Ma và Phạm Thiên, giữa quần chúng Sa môn và Bà la môn, chư Thiên và loài người, không có một Sa môn hay Bà la môn nào khác, với giới, với định, với tuệ và với giải thoát đầy đủ hơn Ta mà Ta có thể cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ. Rồi này các Tỷ kheo, Ta suy nghĩ như sau: 'Với Pháp mà Ta đã chân chính giác ngộ, Ta hãy cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ Pháp ấy'".

Như vậy Ðức Phật với tâm khiêm tốn, muốn tìm một Sa môn hay Bà la môn để nương tựa y chỉ nơi chánh pháp. Ðó là lý do vì sao Ðức Phật lại dạy các Tỷ kheo "Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (attà-dìpàviharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attà-saranà), chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác". Thái độ này của Ðức Phật giải thích vì sao Ðức Phật khuyên tôn giả Ananda chớ có sầu muộn sau khi Ðức Phật nhập diệt, vì các đệ tử của Ðức Phật luôn luôn có chánh pháp làm chỗ y chỉ, có chánh pháp làm chỗ nương tựa.

Trong Tương Ưng III, 51, Ðức Phật xác định lời khuyên một lần nữa cho các đệ tử của mình lấy chánh pháp làm hòn đảo, lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa: "Hãy sống, tự mìn làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ kheo, hãy nương tựa với chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác". Trong kinh Gopaka Moggallàna, Trung III, trang 111, chúng ta sẽ thấy các đệ tử của Ðức Phật sau khi Ngài nhập diệt, đã xử sự đúng như lời Ngài dạy. Bà la môn Gopaka Moggallàna hỏi tôn giả Ananda: "Thưa Tôn giả, có một vị Tỷ kheo nào được Sa môn Gotama sắp đặt: 'Vị này, sau khi Ta diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho các ngươi và các ngươi sẽ y chỉ vị này?'".

Tôn giả Ananda trả lời: "Này Bà la môn không có một vị Tỷ kheo nào được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác sắp đặt: 'Vị này sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các ngươi', và chúng tôi sẽ y chỉ vị này."

"Thưa Tôn giả Ananda, có một vị Tỷ kheo nào được chúng Tăng thỏa thuận và một số đông các vị Tỷ kheo Trưởng Lão sắp đặt là vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi, và chúng tôi sẽ y chỉ vị này?".

Tôn giả Ananda trả lời: "Không có một vị Tỷ kheo nào, này Bà la môn, được chúng Tăng thỏa thuận và được số đông các vị Tỷ kheo Trưởng Lão sắp đặt: 'Vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi', và chúng tôi sẽ y chỉ vị này".

"Và như vậy là (quý vị) không có chỗ nương tựa. Thưa Tôn giả Ananda, như vậy do nhân gì quý vị có thể hòa hợp?".

"Này Bà la môn, chúng tôi không phải không có chỗ nương tựa. Này Bà la môn, chúng tôi có chỗ nương tựa. Và Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi."

Lấy Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, đó cũng chính là lời Phật dạy chúng ta.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Bức Thành Biên Giới


Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận


Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Các tông phái đạo Phật

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.20.3 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...